Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
5g chiều, mình hăm hở ra khỏi nhà trọ. Mặc dù bầu trời vẫn còn u ám nhưng đường vẫn khô nên hy vọng là lễ hội ban đêm vẫn sẽ được thực hiện như dự kiến. Nhưng hỡi ơi, đến lúc tới gần đền thì nghe hung tin: lễ hôm nay hoàn toàn bị hủy do trời tiết xấu. Mặc dù buồn nhưng mình cũng cảm thông được, các Yatai đều luống... tuổi nên cần bảo vệ cho các đời sau.
Các Yatai được trông coi thường nhật ở tại các khu phố của mình bởi các nhóm gọi là Yatai-gumi. Họ là những người chính để bảo vệ và bảo trì các Yatai truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các Yatai-gumi rất tự hào về Yatai của khu mình, lễ hội là cơ hội cho khu này "nở mày, nở mặt" với khu kia nên mọi việc được làm khá là nghiêm túc. Tất cả mọi người lên đồ theo thời xưa và không khu phố nào giống khu phố nào. Bây giờ, lễ hội hôm nay bị hủy, không có gì để làm nên các Yatai-gumi hợp lại... nhậu cho đỡ buồn.
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Hachiman Matsuri được tổ chức vào 2 ngày (9 và 10 tháng 10) hàng năm. Trong 2 ngày đó ngoại trừ lễ hội ban đêm (night festival bị hủy tối qua) chỉ làm một lần trong suốt thời kỳ của lễ hội ra thì còn 2 hoạt động nữa: Diễn hành Gojinko và buổi diễn múa rối Karakuri. Gojinko và Karakuri thì sẽ diễn ra 2 lần mỗi ngày.
Sáng nay thức giấc, việc đầu tiên mình làm là vén màn xem thời tiết. Mây nhẹ, mặt trời thẹn thò ló mặt trên cao, chạy mình xuống khu tiếp tân, bảng báo tin dán một tờ giấy to tướng "Festival is ON!" (Lễ Hội Khai Mạc). Theo như thường lệ thì các Yatai sẽ được trưng bày ở đền Hachiman trên đường Omotesando. Không muốn mất dịp may, mình đi như bay lên đền Hachiman.
Nắng lên, Takayama hình như duyên hơn
Các lồng đèn cũng lung linh hơn
Các kho Yatai giờ chỉ còn lá phướn tượng trưng, Yatai đã rời kho...
Hàng quán, khu phố phía Nam vắng vẻ đến lạ thường cho thành phố đang chứa hơn 50 ngàn du khách
Ngay cả phố ăn dọc con kênh hôm qua đen kịt khách hôm nay cũng lèo tèo..
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Vừa quẹo qua đường Omotesando, mắt mình chói lòa. Một dãy xe Yatai mà mỗi năm chỉ được chiêm ngưỡng một lần và cũng là mục đích chuyến đi của mình đang ngay trước mắt. Các Yatai là niềm tự hào của từng khu phố và sự cạnh tranh của từng khu một với nhau. Vào thời kỳ Edo, các nhà giàu của từng khu phố đã đổ rất nhiều tiền để "nâng cấp" các Yatai trong khu phố của mình. Mỗi Yatai được trang trí bằng sơn mài, rèm cửa, chặm khắc trên gỗ và vàng. Trên một số Yatai còn có những con múa rối nên các Yatai tuy nhìn khá mảnh mai nhưng cấu trúc của chúng khá là vững để có thể chịu được trọng lượng của các tay múa rối. Chiếc Hoteitai có tới 36 sợi giây để chỉ huy những con rối và cần đến 8-9 người để thực hiện một màn múa rối ngay trong xe. Mỗi Yatai là một tác phẩm nghệ thuật và được liệt vào cấp tài sản văn hóa đặc biệt của nước Nhật.
Chiếc Yatai đầu đàn: Kaguratai, làm từ năm 1602 đến 1649
Nóc của Ho'otai
Tượng gỗ trên Gyojintai
Hojutai: trên nóc là thân con rùa nhưng đầu lại là người và đuôi thì lại là đuôi chim. Thời xưa, không mấy người trên vùng Takayama thấy được con rùa thật như thế nào. Họ chỉ thấy được cái mai rùa rồi từ đó... phóng đại ra
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Sennintai (1718): Một trong số Yatai vẫn còn kiểu mái vòm cung cổ
Vùng Hida nỗi tiếng về điêu khắc gổ và các nghệ nhân ở Takayama là những người giỏi nhất
Các Yatai thường được đặt tên theo con linh vật trên nóc xe
Hoạ tiết trên Kaguratai
Chi tiết bánh xe Homeitai: cái bánh xe này có bác Nhật kiên nhẫn giải thích cho mình cả 5 phút bằng tiếng... Nhật. Mình thì ngoại trừ "Arigato-gozaimashu" thì cóc biết gì hơn. Chắc hẳn cái bánh xe này cũng phải có bề dày lịch sử không thua... cái bảo tàng nước mình
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Đến 1g chiều, buổi trình diễn múa rối Karakuri được diễn ra trong sân trường của đền Hachiman. Chiếc Yatai Hoteitai là sân khấu cho buỗi trình diễn sắc sảo này, kèm theo giàn nhạc cổ truyền. Các con rối gồm nhà sư Hotei và hai em bé: một trai một gái. Cao trào của buổi diễn là khi, các em bé nhảy lên và đánh đu trên các xà ngang rồi lộn vòng trên không trung trước khi hạ ngay... trên vai nhà sư Hotei. Một thông điệp từ tay nhà sư được hiện ra: "Đừng phô trương kiến thức và đức hạnh nhưng hãy chia sẻ nó với mọi người". Để điều kiển các con rối cần 8 người lớn núp trong xe Hoteitai với 36 sợi giây. Để chỉ huy những pha nhào lộn trên không đòi hỏi một tài năng và sự khéo léo đáng phục.
Buổi trình diễn Karakuri là một trong những sự kiện được trông đợi nhiều nhất trong lễ hội Takayama với người Nhật và sân chật cứng người. Muốn có chổ tốt để xem thì phải đến trước cả nửa tiếng trước buổi diễn, mình đến chỉ trước có 10 phút nên thấy đầu người nhiều hơn hết. May mà có cái ống kính 400mm nên cũng tạm gọi là tham dự buổi diễn được. Đáng tiếc là các điểm chi tiết của buổi diễn thì ngu như mình thì chẳng hy vọng cảm nhận được gì nhiều nhưng cứ thấy các bạn Nhật cứ "ù" với "à" là mình biết là chắc phải hay lắm lắm. Ít nhất cái vụ nhào lộn trên không và rớt xuống đúng chổ chính xác là mình đã phục lăn rồi.
Nhà sư Hotei và em bé trai
Bé gái đang đánh đu
Các khán giả Nhật chăm chú theo dõi từng cử động của các con rối
Một em đã leo lên được vai nhà sư
Mãn tuồng các người múa rối đang dọn dẹp. Cái chổ bé tí vậy mà lúc xong có đến 8-9 người đứng lên chào khán giả
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Theo thường lệ thì các Yatai sẽ được trưng bày đến 4g chiều ngày 10/10 rồi mới trở về lại kho đóng cửa chờ tới năm sau nhưng tầm 2g chiều thì đột nhiên một đám mây đen vượt rặng núi kéo tới. Phòng các Yatai bị mưa, các Yatai-gumi lục đục dọn dẹp để đem Yatai về lại khu mình. Vì năm nay buổi diễn hành của Yatai vào đêm bị hủy nên lúc các Yatai được dời đi mọi người đều háo hức như một mini diễn hành vậy.
Mỗi Yatai đều có cách lôi cuốn sự chú ý của quan khách. Món thông thường nhất là một giàn nhạc cổ truyền vắt vẻo trên chiếc Yatai tiêu khiển cho khách tham quan. Chiếc Kyuhosha dùng các em bé ca hát, các em hát không những không hay mà còn lạc điệu nữa cơ nhưng ôi duyên ơi là duyên. Đến giờ này bài "Oiiiiiiiiiiiiiiiiii-chiiiiiiii gaaaaaaaaaaaaaaaa..." vẫn vang vọng trong trí nhớ của mình. Dùng sở đoản của mình để che lấp sở trường của người khác, chiêu này quả nhiên là tuyệt.
Homeitai là khu xôm tụ nhất, trước khi rời chổ còn mang nguyên dàn sáo cổ truyền ra chào khách
Vòng rào xung quanh các xe đã được tháo gở, các cô ngọc nữ vội vả về đền chuẩn bị cho buổi diễn hành Gojinko
Kimpotai đang trên đường về
Tới những khúc quanh hay phải quẹo, các Yatai được nâng lên một đầu và một bánh xe nhỏ, dấu ở dưới gầm, được gạt xuống...
Các Yatai-gumi hùa vào đẩy xe quay đầu đúng vào hướng theo hiệu lệnh của một Yatai-gumi đầu đàn, sau đó bánh xe nhỏ được rút lên... cho tới khúc quanh sau đó.
Những chiếc nhẹ và dù là 2 bánh cũng hạ thêm chiếc thứ ba ở các khúc quanh, không có chuyện "làm... đại đi"
Gyojintai đang trên đường hồi...cung
Chiếc Kyuhosha này được biệt danh là "Chí Phèo". Vì nhẹ hơn các chiếc Yatai khác nên thuở còn... trẻ ưa chơi trò húc các Yatai của các khu khác
Về tới kho, các Yatai được trưng bày đến 4g chiều, sau đó các cánh cửa kho sẽ được khép lại, các Yatai-gumi sẽ trông coi và đợi cho đến mùa lễ hội năm sau và chúng ta lại có dịp chiêm ngưỡng những tuyệt tác này. Lễ hội vào mùa xuân (14-15/04) sẽ có những Yatai khác, mình sẽ tìm cách về lại Takayama vào dịp ấy.
Re: Nhật Bản - Takayama Hachiman Matsuri và hành trình tìm lá thu tháng mười
Takayama Hachiman Matsuri - Gojinko Procession
Một trong những phần tất yếu của các lễ hội Shinto ở Nhật là phần diễn hành Mikoshi (đền thờ di động của các đền). Trong các ngày lễ, chiếc Mikoshi sẽ được khiêng ra khỏi đền để cho các vị thần được đi chơi (cả năm ngồi ở một chổ ban hết phép này tới phép kia, có lúc cũng phải cho các vị thần nghỉ ngơi và đi... phượt chứ). Mikoshi ở đền Hachiman tên là Gojinko cho nên buổi diễn hành được gọi là "Gojinko Procession".
Theo tục lệ thì Gojinko sẽ được mang ra khỏi đền Hachiman vào sáng 9/10 đi vòng vòng Takayama rồi được trú lại ở một đền tạm ở trong một trong những khu phố. Chiều ngày hôm sau (10/10) thì chiếc Gojinko sẽ được mang về lại đền Hachiman. Năm nay vì ngày 9 bị mưa nên thần Hachiman-sana bị mất một ngày đi chơi, sáng mùng 10 ngài được cáng ra phố, trưa ở đền tạm rồi chiều về lại Hachiman, tất cả được làm cấp tốc trong vòng 1 ngày. Đoàn diễn hành gồm nhiều thành phần: lân, sáo, kim đồng, ngọc nữ, v.v. Tất cả có nhiệm vụ làm sạch và tẩy rửa cái xấu của các con đường cho Gojinko ở đoạn hậu đi qua.
Đi đầu đoàn là đội múa lân
Sau đó là xe trống của đền
Dàn nhạc Toreiraku gồm chiêng cồng theo sau
Chú bé này ngắm các Yatai nhưng cũng không quên nhiệm vụ, đi ngang tai mình đánh một cái "boooinggggggg", xíu nữa làm mình bị điếc.
Theo ngay chân là các Yatai-gumi với xe kéo tượng trưng cho các Yatai
This site uses cookies to help personalise content, tailor your experience and to keep you logged in if you register.
By continuing to use this site, you are consenting to our use of cookies.