What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy

Kính chào toàn thể anh chị em diễn đàn phuot.vn,

Đối với những ai đã theo dõi topic "Nhật ký hành trình Châu Âu bằng xe gắn máy" chắc hẳn còn nhớ đoạn HDD82 gặp một lão già say xỉn tại một quán rượu ở Vienna - Áo, lão già khi mới gặp HDD82 có nói một câu bất hủ: "Tao sẽ không hỏi mày là ai, mày từ đâu đến, và tại sao mày lại đến đây... Chúng ta bắt đầu câu chuyện nào!"

Vâng, HDD82 cũng không bắt đầu topic này bằng cách giải thích tại sao lại chọn hành trình này, tại sao lại đi Trung Quốc, tại sao lại là xe máy, v.v... như các topic trước, bởi vì tất cả lời nói đều trở nên thừa thãi trước những vần thơ bất hủ:

"Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi
Trái tim không hề vương vấn.
Như mây bay, gió thổi
Anh bước theo số phận của mình
Cần gì phải có một lý do?
Chỉ cần một tiếng hô thôi: Lên đường! "

Bỏ lại sao lưng những buổi coi thi Đại Học căng thẳng, công việc bộn bề chưa xong, và nhiều chuyện khác, HDD82 lên đường. Đơn giản tôi muốn sống đúng ý nghĩa như câu nói của Muhamed Ali cầm tay nói với người thân trước khi ông ra đi rằng:" Đừng khóc cho tôi. Tôi thấy thanh thản lắm! Tôi đã đạt được tất cả những gì mình muốn trong cuộc sống này rồi."

Với kỹ năng viết lách của dân kỹ thuật càng viết càng dở, viết càng dài càng đọc chán nên HDD82 sẽ không viết nhiều trong topic này. Nhưng nếu topic này có truyền thêm cảm hứng cho ai lên đường thì các bạn đã đứng về cùng phía với HDD82 rồi...

"Sống để Đi" - "Live to Ride"!
 
Đã đọc được 2 ngày mơi đến trang 4, rất thik đoạn anh HDD82 so sánh người với dê ai tự do hơn, và đoạn về 2 cái balo...

Cách đọc của bạn làm mình rất ngưỡng mộ, vì trong thời đại thức ăn nhanh McDonald, KFC bắt đầu phát triển này rất ít người chịu khó đọc như bạn mà thích lướt mắt qua các hình ảnh hơn. :)

Tiếp tục...

Rồi một hôm không biết tôi khoa chân múa tay kiểu gì mà cô chủ quán bưng ra một tô canh. Một tô canh? Đúng vậy! Mừng hết biết! Vâng, người VN mình thì thích ăn canh nhưng người TQ thì không. Vừa ăn tô canh rất tiết kiệm dầu mỡ, rất ít màu mè này tôi vừa vắt óc nhớ lại xem lúc nãy mình nói gì với cô chủ, hoặc múa may tay chân như thế nào mà được tô canh nhưng chịu thua... Tô canh đầu tiên sau hai tuần ở TQ:



Sau này tôi nghĩ ra một cách là khi nói chuyện với chủ quán thì miệng cứ luyên thuyên “shuẩy, shuẩy” - tiếng TQ nghĩa là “nước, nước” - còn hai tay thì múa may quay cuồng vẽ vẽ trong không khí thành một vòng tròn giống mấy người tập Thái Cực Quyền, ý là cái tô canh hình tròn. Rồi dùng “Nhất dương chỉ” chỉ vào loại rau nào mà mình thích trong tủ lạnh... Xong xuôi thì cũng toát hết mồ hôi... ra bàn ngồi chờ xem mỗi người chế biến như thế nào?

Ngồi một lúc bạn sẽ nghe những tiếng “phừng, phừng...” phát ra từ bếp ga to mà mọi người TQ dùng để nấu ăn với ngọn lửa rất lớn. Khoảng chừng 5p sau tiếng “phừng, phừng...” là yên chí sẽ có món ăn dọn lên:



Kết quả của phương pháp yêu cầu món ăn theo Thái Cực Quyền của tôi cũng khá hiệu nghiệm: các tô canh xuất hiện ngày càng nhiều trong các bữa ăn...



Nhưng đôi khi “Nhất dương chỉ” quá trớn vào một củ bắp cải to, thế là ra một tô canh đựng trong cái chậu cho heo ăn như thế này...

 
Trên con đường ọp-rốt 300km về lại Tp. Dali tôi có ghé qua thị trấn Weishan (cách Dali khoảng 50km về phía Nam) thăm đỉnh núi vốn là nơi mà các Đạo sĩ theo Đạo giáo xưa kia ẩn cư tu luyện. Ngọn núi này với 20 ngôi đền thờ nằm rải rác khắp nơi được xếp vào dạng một trong mười bốn ngọn núi tượng trưng cho sự phát triển của Đạo giáo.






Nghe đến từ Đạo là chúng ta dễ dàng hình dung ra các đạo sĩ hàng ngày đọc sách luyện võ trong các tu viện hẻo lánh ít người lui tới. Họ có lối phục sức rất khác người: tóc cột thành búi giống như củ hành trên đầu, đầu đội mũ vải, chân mang giày vải. Hoặc ai đọc Kim Dung thì hình dung ra các đạo sĩ phái Toàn Chân, mà “đại diện tiêu biểu” là Triệu Chí Kính làm chuyện bậy bạ với Tiểu Long Nữ, người yêu của Dương Quá.

Tách biệt ra khỏi con đường chính dẫn tới những tòa nhà uy nghi, tôi chọn cho mình con đường nhỏ dẫn tới một trong những nơi các đạo sĩ ngày xưa tu luyện. Đường vào nơi này rất quanh co, vắng vẻ, tịch mịch. Quả là những đạo sĩ ngày xưa rất biết cách chọn nơi tu luyện tránh bị ảnh hưởng bởi “bụi trần”



Đi bộ theo con đường này khoảng 2.5km thì thấp thoáng xuất hiện mấy căn nhà cổ hoàn toàn cô lập giữa rừng núi hoang vu. Vâng, nơi đây mà để tu luyện thì quá tuyệt vời





Lối đi vào nhà mang phong cách rất đặc trưng Trung Quốc... một bức tượng uy nghi lẫm liệtmặt hướng ra ngoài như có ý nhắc nhở những ai viếng thăm ngôi nhà tốt hơn hết là nên để “bụi trần” ở ngoài bậc tam cấp, chớ mang những điều bon chen ở xã hội vào làm ô uế khung cảnh ở đây:



Tôi háo hức đi vào bên trong chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm ở đây... bên cạnh tôi... ngay sau các bức tượng này... là các đạo sĩ... Đúng rồi! Các đạo sĩ... đang đánh bài, uống rượu, nhậu nhẹt tưng bừng...



Và phơi quần áo khắp nơi...



Vâng, những nơi yên lặng tĩnh mịch nhất chưa chắc là nhưng nơi thanh tịnh nhất!
 
Viết về đoạn kết gặp lại Tenzi: Cuối cùng tôi cũng gặp lại Tenzi sau hai tuần, cô nàng Tây Tạng tíu ta tíu tít hỏi thăm chiếc xe như thế nào? có gặp trục trặc gì nữa không? có trầy xước gì không? Đương nhiên là tôi giấu nhẹm đoạn chiếc xe tắm trong vũng bùn hôm trước và không ngớt lời khen ngợi đây là chiếc xe mới và tốt nhất mà tôi từng được lái... Nụ cười hớn hở của Tenzi khi gặp lại chiếc Honda yêu quý:



Buổi tối hôm đó tôi mời hai vợ chồng Tenzi đi ăn nhà hàng, “nhà hàng nào mà mày thích nhất trong thành phố này”, tôi nói. Hai vợ chồng cũng lịch sự mời tôi uống bia một chầu tại bar sau khi ăn tối, đương nhiên là tôi vui vẻ nhận lời. Trước khi đi tôi tranh thủ giặt giũ đống quần áo và đem ra ngoài sân thượng phơi cho khô vì hôm đó rất đẹp trời: hoàn toàn nắng ráo sau ba, bốn ngày mưa liên tiếp ở Dali.



Rồi chúng tôi đi ăn tối với nhau rất vui vẻ. Hai vợ chồng Tenzi đều cởi mở và rất thích đi du lịch nên câu chuyện cứ nổ tưng bừng trên bàn ăn. Tiếp theo đó là màn uống bia tại bar cũng tưng bừng không kém... 11h đêm, ba chúng tôi lững thững đi bộ về nhà kết hợp ngắm bầu trời đêm đầy sao ở Dali. Rồi cũng đêm đó tôi được chứng kiến hành động “phi thường” của người Tây Tạng khi Tenzi, với váy ngắn và giày cao gót, leo xuống mái nhà bên cạnh từ sân thượng rồi thoăn thoắt nhảy cửa sổ vào phòng tôi mở cửa. Lý do là ổ khóa phòng tôi gặp trục trặc không mở được từ bên ngoài...
Vào phòng tôi tranh thủ lên mạng viết vài bài ... Xong! 1h sáng... Tôi tranh thủ ra ngoài lan can ngắm bầu trời đầy sao tuyệt đẹp ở Dali trước khi đi lên giường... 4h sáng, bị đánh thức bởi tiếng sấm nổ và tiếng mưa rơi tí tách ngoài cửa sổ. Mưa à? Ngủ càng sướng! Rồi tôi đá tung chăn chạy ra lan can sân thượng... Quá muộn! Toàn bộ áo quần, giày dép đã ướt sũng từ đời nào.. Chỉ còn bộ quần áo ngủ đang mang trên người là khô ráo... Ông Trời lẽ nào bắt tôi phải mang bộ quần áo ngủ này ra ngoài đường sao?

Hết....
 
Last edited:
... phần 1.

Phần 1 của hành trình khám phá vùng đất Yunnan và một phần của văn hóa, con người Tây Tạng như vậy đã kết thúc. Và xin tiếp tục phần 2...

Đối với tôi trước khi bắt đầu chuyến đi này, nói đến Tây Tạng là nói đến Lhasa, đến Tây Tạng là phải đến Lhasa. Và đương nhiên tôi cũng muốn đến xem Lhasa như thế nào. Nhưng sau khi tìm hiểu thông tin kỹ càng thì tôi thấy thật ra Tây Tạng còn hơn thế rất nhiều... Với diện tích rộng lớn chiếm gần 1/3 lãnh thổ toàn Trung Quốc trong khi dân số chỉ khoảng 5 triệu người, 3 triệu người sinh sống ở Lhasa còn 2 triệu người Tạng còn lại phân bố khắp nơi trên các bình nguyên bao la... Nếu được phép ví von thì có thể nói Lhasa giống như một phòng khách được trang hoàng lộng lẫy trong một ngôi nhà rộng lớn bởi vì về cơ bản Lhasa là nơi để người TQ thể hiện cho cả thế giới thấy rằng họ đã đầu tư xây dựng một Tây Tạng phát triển ra sao, nâng tầm đời sống của người Tạng như thế nào...

Du khách bất kỳ nước nào đến thăm Lhasa sẽ được một người TQ dìu tay phải, một người Tạng (được cấp phép làm du lịch) dìu tay trái đưa vào căn phòng khách tiện nghi được trang bị điều hòa máy lạnh, ghế sofa, tivi plasma, và những chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống Tạng đứng chào trong tiếng nhạc vi vu. Bạn muốn tự mình “khám phá” căn phòng này ư? Được thôi. Hai người bảo mẫu này sẽ dìu bạn đi đến những nơi đã được cấp chứng nhận “sạch và an toàn” dưới chế độ quay phim theo dõi tự động 24/24h. Lhasa thật hấp dẫn, nhưng ...

... có lẽ những vở kịch trong nhà hát không phù hợp với những tay lang thang đường phố và luôn tránh các địa điểm ồn ào đông người như tôi. Tôi muốn khám phá ngôi nhà rộng lớn Tây Tạng này từ trên nóc nhảy xuống, từ ngoài cửa sổ nhà bếp leo vào, hoặc thậm chí đào hầm chui lên... Còn căn phòng khách sang trọng này ư? Có lẽ đến khi nào gối mỏi tay rung, tóc bạc lưng còng, tôi sẽ tự thưởng cho mình một vé ngồi trong phòng xem vở kịch này vậy.

Và đó là lý do tôi đang đứng đây: Shangri-La, trong phòng cafe một nhà trọ người anh của Tenzi, còn dưới sân là chiếc Yamaha 250cc đời mới phun xăng điện tử mới kinh coong đã sẵn sàng chờ người lái nó đến những vùng đất mới...

Vâng! Mặc dù đôi khi tự nhận mình là một người thích phiêu lưu, nhưng tôi không muốn “phiêu lưu” với chiếc Honda 150cc này hơn nữa. Với hai triệu người sống trên diện tích gần 1/3 Trung Quốc thì khoảng cách giữa hai ngôi làng được tính theo đơn vị trăm cây số và tôi cần một chiếc xe mạnh hơn, tốt hơn, một con ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, để cùng nhau vượt qua khó khăn. Hư xe dọc đường lúc đêm khuya, không người cứu giúp, ở độ cao 4,000m, trời lạnh thấu xương, xung quanh là các con chó hoang đói khát... nghĩ đến chừng đó thôi là máu “phiêu lưu” của tôi đã bốc hơi đi gần hết rồi.

Và phần hai của topic xin được phép bắt đầu...

 
Last edited:
Một buổi sáng Shangri-La thời tiết lạnh lẽo, cơn mưa kéo dài suốt từ chiều hôm trước vẫn còn tiếp tục thả xuống những giọt nước lạnh buốt, kèm vào đó là cơn gió thổi nhẹ nhưng cũng khiến người ta rùng mình. Trong một nhà trọ khuất sau một góc phố, một tay moto bất chấp thời tiết đang lặng lẽ mang hành lý xuống sân cột vào chiếc xe màu đen dáng thể thao. Nhưng hắn không đơn độc! Cả nhà trọ đang truyền tai nhau câu chuyện một tay lạ mặt mới đêm hôm trước còn ngủ trên ghế salon ở phòng uống cafe, phơi khô áo quần quanh lò sưởi thì sáng hôm nay đang chuẩn bị đi Tây Tạng bằng xe máy.

Rồi người ta bắt đầu ra cả ngoài hành lang đứng nhìn, không phải những cái nhìn tò mò mà cả đám đông người cứ đứng yên lặng như vậy 30 phút ... 40 phút ... Họ vẫn đứng đó... 45 phút... Một số cười mỉm khi thấy tôi cau mày tính toán cách buộc hành lý lên chiếc xe, rồi khuôn mặt dãn ra khi tôi đã cột xong.

“Mày người Việt Nam à?”. “Đúng rồi.”. “Mày đi Tây Tạng à?”, một cô người Đức hỏi. “Vâng”. “Mày đi Lhasa à?”. “Không”. Rồi gương mặt cô không giấu nổi vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi nghệch ngoạc ra một cung đường... “Không Lhasa thì đi đâu?” Tôi có thể đọc được trong ánh mắt cô... Một cặp trai gái trẻ Trung Quốc thì kiên trì đứng dưới trời mưa phùn như vậy và giúp tôi cột hành lý. Còn trên lầu, hai đứa trẻ tóc vàng trạc 5, 6 tuổi người Hà Lan cứ nhảy nhót không yên cạnh bàn ăn của cha mẹ chúng (tôi ở Châu Âu nên cũng nhận ra ngữ âm Hà Lan). “Mẹ ơi, chú đi moto kìa. Đi Tây Tạng kìa”. Mặc cho những cái nhìn không hài lòng từ các bậc phụ huynh, chúng tìm cách tiếp cận khi tôi lên lầu lấy hành lý và cứ líu lo “Ba ơi, chú đi moto kìa”...

Một cô gái tóc vàng khác trên lầu lại gần tôi thắc mắc “Mày đi Tây Tạng à?”, “Mày đi moto à?” v.v... bên cạnh là anh bạn điển trai đang ngồi trên ghế salon êm ái. Chiếc áo thun ba lỗ của anh cắt khéo để lộ ra cơ bắp tay cuồn cuộn, tay anh cầm một quyển tiểu thuyết dày, thỉnh thoảng ném ánh mắt khó chịu về phía tôi như muốn nói:”Đi xe máy thì có gì hay?”, “Tây Tạng thì có gì hay mà phải quan tâm?”.

Rồi giờ lên đường cũng đã tới! Mọi người xúm lại quanh chiếc moto chụp ảnh trong khi tôi thì ngượng ngịu trước ánh mắt không hài lòng từ các bạn trai của các cô gái... Rồi cũng xong xuôi! Tôi leo lên xe nổ máy... brừm ... brừm... brừm... Âm thanh từ khối động cơ 250cc phá tan khung cảnh bình yên buổi sáng sớm. Lăn bánh được ... 5cm thì xe tắt máy! Mọi người “ồ” cả lên. “Hành lý nặng quá”. Một người nào đó nói.

Nhưng rồi rất nhanh chóng phía trước tôi đã là con đường, con đường dẫn đến vùng đất huyền bí Tây Tạng.

 
Một hành trình hết sức ấn tượng,cũng như người thực hiện hành trình này và câu "live 2 ride" của anh ta !
Ước mơ của mình ko biết đến bao giờ thành hiện thực...
 
Hi hi, đọc từ đầu em tưởng bác HDD đi thẳng xe máy từ Đại Lý lên Deqin rồi sau đó vòng vèo tiếp lên Lhasa. Hóa ra là lên đến Deqin rồi quay lại và lại bắt đầu hành trình tiếp từ Lhasa. Bao nhiêu tò mò của em về đoạn từ Deqin đi Lhasa tan biến mất rồi, vì nghĩ là vào giữa mùa hè thì đường có thể đi được. Có một đường khác ko đi từ Deqin thẳng lên Markam mà vòng vèo đi Shangrila đến Daocheng - Litang - Markam - Lhasa, hay còn gọi là đường cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng.
 
Lên tới giới hạn cao nhất mà người dân trong vùng cho phép khách du lịch đến, tôi mở balo lấy ra một bịch kẹo socola Chocopie "Made in Vietnam" nhấm nháp... Vâng! Đó là vị ngọt của cuộc sống. :)

Hình như lên cao ăn socola rất là dễ chịu, Naloan cũng có một kinh nghiệm kiểu kiểu này (c)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,765
Bài viết
1,137,637
Members
192,659
Latest member
b52clubcaninecohorts
Back
Top