Chúng tôi ra đến quán hơi muộn nhưng vẫn còn kịp ngồi ăn sáng và uống càphê cùng mọi người. Do đợi lấy thêm lương thực, thực phẩm nên đoàn của Long cũng chậm hơn kế hoạch.
Lào là một trong những quốc gia hứng nhiều bom nất tính theo đầu người, trong thời gian từ 1963 đến 1974 đã có khoảng hơn 2 triệu tấn bom được thả trên toàn lãnh thổ với 30% chưa phát nổ. Và Xieng Khoang và Houaphan lại là 2 tỉnh hứng nhiều bom đạn nhất trong thời kỳ chiến tranh. Các bạn đi trước đã chụp rất nhiều ảnh vỏ bom, đạn được trưng bày khắp sân, được sử dụng làm nhà, làm vật dụng sinh hoạt và để trang trí. Tôi lại liên tưởng đến VN, vỏ bom mảnh đạn chỉ còn trong viện bảo tàng chứ ra đồng hay lên núi cũng chẳng còn tìm thấy mảnh sắt thép nào vì bà con ta đã khai thác, thu gom sạch mang bán phế liệu cả rồi! Cũng là một điểm khác biệt giữa Lào và Việt Nam
Đường vào Cánh đồng Chum
Khoảng 8h chúng tôi cùng nhau tiến về Cánh đồng Chum, địa danh nổi tiếng nhất của tỉnh Xiengkhoang cách Phonsavan 15km. Ở đây có rất nhiều chum vại bằng đá được đục, đẽo rất vuông vức như đúc bằng khuôn với đủ kích cỡ vứt ngổn ngang giữa những quả đồi thoai thoải đầy cỏ dại... Điều làm cho địa danh này nổi tiếng chính là sự bí ẩn của những khối đá có niên đại khoảng 1500 - 2000 năm. Rất nhiều truyền thuyết, giả thiết khoa học khác nhau về sự tồn tại của những cục đá như là cổ nhân dùng để chứa hài cốt, rồi từng là nơi cư trú của những người khổng lồ hay là vò ủ rượu để ăn mừng chiến thắng (tôi rất thích giả thiết này) ... nhưng tất cả vẫn chỉ là giả thiết. Và cũng chính vì sự hấp dẫn nằm ở chỗ "truyền thuyết" cho nên bạn Chính đã từ chối vào tham quan Cánh đồng Chum để ở lại ngoài quán buôn chuyện với mấy bác già trong Ban quản lý khu di tích.
Cánh đồng Chum cũng là trong điểm bom mìn trong thời chiến. Việc khai phá bom mìn được chính quyền và MAG (Mines Advisory Group) tiến hành làm 2 đợt vào các năm 1994 và 2004 nhưng người ta cho rằng vẫn còn rất nhiều bom mìn nằm sâu dưới lòng đất do đó việc tham quan Cánh đồng Chum vẫn còn giới hạn ở một số khu vực nhất định ngoài ra du khách được khuyến cáo là nên tuân thủ nghiêm các biển báo chỉ đường trong lúc tham quan.
Khám phá Cánh đồng Chum xong chúng tôi chính thức chia tay với đoàn Long, lúc đó nắng gắt mọi người lại tản mạn lo chuẩn bị xe cộ nên cũng chẳng kịp chụp ảnh lưu niệm, hơn nữa tôi vốn rất sợ không khí bịn rịn lúc chia tay cho nên chỉ bắt tay các bạn và chúc mọi người thượng lộ bình an, hẹn ngày tái ngộ rồi leo lên xe chạy thẳng.
Xin chào đội Minsk