What's new

[Chia sẻ] Ta ba lô trên đất Phật

Trước tiên xin gửi lời cám ơn đến Lquviet99 , batluong , Sư Cường , thanhtruc ... và tất cả những người bạn đã cung cấp thông tin cho chúng tôi thực hiện chuyến đi này .

CHUẨN BỊ

Năm ngoái , ở Lahsa , khi tôi hỏi Vân ( A châu của lòng tôi ) rằng em sẽ đi đâu sau khi rời khỏi Lahsa . Em chỉ qua bên những dãy núi mờ mờ và nói rằng em sẽ đến Katmandu của Nepal , một trung tâm của Ấn Độ giáo ... Lúc ấy tôi nghĩ ... " Một ngày nào đó , tôi sẽ đến Katmandu ... "
Anh bạn đồng hành với tôi trong chuyến đi Tibet năm ngoái rủ rê tôi đi Ấn Độ theo hành trình của Đức Budha ( tôi thích gọi Đức Phật của lòng tôi là Budha ) . Tôi đồng ý ngay và lên ngay một kế hoạch kết hợp hai điểm đến trong cùng một chuyến hành trình . Và do sự kết hợp này nên chuyến đi của chúng tôi đi ngược lại hoàn toàn với các chuyến đi hành hương mà nhiều người Việt đã từng đi . Điểm đến đầu tiên của chúng tôi sẽ là Katmandu , rồi đến Lumbini , Kashunagar ( Câu Thi Na ) , Sanarh ( Lộc Uyển ) và Bothgaya ( Bồ Đề đạo tràng ) .
Chuyến đi Tibet năm ngoái đã cho chúng tôi khá nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi không còn bỡ ngỡ khi tìm kiếm thông tin từ lonely planet ( đây là sách guide book mà chúng tôi cho là hay nhất hiện nay ) . Sự tư vấn của các quân sư giấu mặt như bác Batluong , thanh truc , Sư Cường đã cho chúng tôi khá nhiều thông tin bổ ích
Nhưng không phải là không có trở ngại
Tháng 10 khi tôi đặt vé máy bay giá rẻ ở chỗ bác Lqviet99 , bác Việt báo giá vé rất cao vì tình hình xăng dầu leo thang chóng mặt .Tôi thất vọng ê chề và thậm chí có dự định huỷ bỏ chuyến đi ... nhưng nhờ niềm tin vào đức Budha .... đến cuối năm giá xăng dầu tụt dốc kéo theo sự giảm giá của vé máy bay . Nhưng khó khăn lại tiếp tục khi chúng tôi không thể nào đặt vé máy bay theo đúng lịch trình dự định vì chuyến bay thẳng từ Gaya rất hạn chế ( mỗi tuần chỉ có 2 chuyến ) . Xoay trở , co kéo đủ bề ... cuối cùng chúng tôi cũng có được vé máy bay như ý với giá 754 USD ( luôn thuế ) . Lịch bay của chúng tôi sẽ là : Sài Gòn - Bangkok - Katmandu - Bodhgaya - Bangkok - Sài Gòn .
Lịch trình dự định của chúng tôi như sau :

LỊCH TRÌNH NEPAL VÀ INDIA
27.1.2009 : Bay Sài Gòn – Bangkoc ( 20: 55 – 22:20 ): Nghỉ đêm tại sân bay
28.1.2009 : - Bay Bangkoc – Katmandu ( 10: 35 – 12 : 50 )
- Về Hotel Ganesh Himal : www.ganeshhimal.com ( 10 – 12 usd ) : 4243819 , 4263598 hay Tayoma Hotel ( 10 usd )
- Chiều tham quan Durbakr Square , Bodhanath

29.1.2009 :- Sáng tham quan Bhaktapur
- Chiều tham quan Patan
30.1.2009 - Bay đi Lumbini
- Nghỉ ở Lumbini Village Lodge ( 580432 – lumbinivillagelodge @yahoo.com ) – 250 – 350Rs – Rent bike: 100 Rs/day
- Tham quan Maya Devi temple : Fee : 50 Rs

31.1.2009 :- Buddist Monasteries Tour ( Chùa Việt Nam . Nhật Bản , Trung Quốc , Đức … )
- Trưa : Khởi hành đi qua biên giới Án Độ
- Đón xe đi Gorakhpur ( 56Rs – 2h30’ ) (đón xe ở đâu ? )
- Nghỉ tại Hotel Elora ( 2200647 – 350Rs)

1.2.2009 - Thuê Taxi di Kushinagar ( 800 Rs ) ( Câu Thi Na )
- Mua vé tàu đi Varanasi ( sleeper – 114Rs/pax - có AC : 320Rs – 5 giờ 30’ – mua vé tại quầy số 811
- Đến Varanasi – khách sạn Scindhia guest house – 2420319 – http://scindhiaguesthouse.com . ( 550 Rs )
2.2.2009- Tham quan Sarnath ( Vườn Lộc Uyển ) – cách Varanasi 10km bằng xe kéo ( 100 Rs , 30phút ) hoặc taxi ( 300 Rs )
- Chiều tham quan Varanasi
- Mua vé bus đi Gaya
3.2.2009 :Tham quan Varanasi ( chưa biết đi đâu )
4.2.2009 :
- Khởi hành đi Gaya . Đến Gaya đi xe kéo về Bodhgaya ( 80Rs )
- Ở Deep Guesthouse , 2200463 , Bodhgaya Rd ( 300 Rs ) hay Kirti Guest House ( 2200744 , near Kalchakra Maidan , 800 Rs )
5.2.2009 :
Tham quan Tháp Đại Giác ( Mahabodhi temple ) và Monastery tour
6.2.2009 : Tham quan Rajgir Hill ( núi Linh Thứu ) và Viện Phật học Nalanda
7.2.2009 - Monastery tour
- 12 giờ : Đi ra sân bay Gaya bay về Bangkoc ( 14: 45 – 21: 15 )
- Về khách sạn ở Khaosan

8.2.2009 :

- Shopping tour : Chợ chatuchak
- 16 giờ có mặt ở sân bay để bay về Sài Gòn

Thực tế chuyến đi có nhiều điều không giống như dự định ...những bài viết sau này sẽ là những trải nghiệm trong suốt chuyến đi . Hy vọng sẽ góp phần chia xẻ những thông tin bổ ích cho mọi người

KHỞI HÀNH

7 giờ tối mùng 2 , chúng tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay qua Bangkok . Tưởng vắng nhưng ngược lại , sân bay đầy người đi du lịch . Bóng ma khủng hoảng kinh tế dường như đã dừng lại bên ngoài sân bay . Nhưng dù sao cũng cám ơn bóng ma khủng hoảng vì nhờ nó mà thủ tục xuất cảnh trở nên dễ dàng hơn , không cần viết giấy tờ lôi thôi , tôi đưa cái passport của mình cho anh hải quan xăm xoi rồi đóng dấu cái cụp .... và thế là lên đường .
Sau gần 1 giờ 30 phút bay , chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Suvanabhumi của Bangkok , nơi mà cách đây vài tháng đã nổi đình nổi đám khắp thế giới trong cơn khủng hoảng chính trị ở Thái Lan . Chúng tôi thật sự bị shốc trước sự to lớn đồ sộ của nó . Một sân bay không lồ nhưng sự sắp xếp rất khoa học . Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay nhưng chúng tôi lại không cảm thấy bỡ ngỡ vì tất cả mọi nơi đều có biển báo rất cụ thể . Bản đồ có sẵn tại quầy infomartion hoàn toàn miễn phí .Nhân viên nhã nhặn lịch sự .
Vì chuyến bay tiếp đến Katmandu của chúng tôi khởi hành khá sớm nên chúng tôi quyết định nghỉ đêm tại sân bay . Nhân viên của Thái Air chỉ cho chúng tôi lên tầng 3 , nơi có chỗ nghỉ cho hành khách . Nhưng khi lên đến nơi chúng tôi mới phát hiện ra , phòng nghỉ đó chỉ dành cho khách VIP , còn dạng thường dân economic như chúng tôi thì phải nằm ở ghế chờ .
Cũng may tự nhiên anh bạn đồng hành sực nhớ ra rằng mình có phiếu nghỉ tại một cái loung ở cuối tầng 3 . Chúng tôi đến đó và thật sự ngỡ ngàng trứơc sự sang trọng của nó . Trong suốt chuyến hành trình kéo dài 12 ngày thì đêm hôm đó chính là đêm đáng nhớ nhất và hạnh phúc nhất khi chúng tôi được chăn êm nệm ấm suốt 8 tiếng đồng hồ chờ máy bay . Nhưng sáng ra , khi ăn sáng tôi liếc nhìn bảng giá của cái Loung thì muốn lăn ra té xỉu : 8 tiếng đồng hồ chăn êm nệm ấm đó trị giá 160 usd ( hơn cả vé may bay khứ hồi đi Thái ) . Tôi hít hà nói với anh bạn đồng hành : " Người Thái cũng biết moi tiền nhỉ ... ? " Anh bạn tôi nhún vai cười ... " Nhưng u có hài lòng không ? Moi tiền mà u hài lòng còn hơn là u bị moi tiền mà vẫn tức như ở Việt Nam ... "

dscf4909kx8.jpg
[/URL]
Sân bay Suvanarbhumi

dscf4910fg7.jpg
[/URL]

dscf4889hb7.jpg
[/URL]

Phòng nghỉ tại sân bay trị giá 160 usd/ 8 giờ
 
Last edited:
Ảnh quá đẹp ạ! bác làm em nổi lòng tham muốn đến xem rồi!

Dọc bài bác viết thì nhà thuyền cho ngủ đêm trên sông hả bác? bác có thể mô tả cái tour đi thuyền trên sông Hằng này cụ thể hơn một chút được ko?

Tour đi thuyền trên sông Hằng chỉ kéo dài 2 tiếng đồng hồ , đi qua khoảng 26 cái Ghat dọc theo sông Hằng . Giá khoảng 150R/người . Thường có hai thời điểm để tham quan sông Hằng đông nhất là 5 giờ chiều ( ngắm hoàng hôn ) và 4 giờ sáng ( ngắm bình minh ) . Thuyền chở khách thường là thuyền gỗ nhỏ , không động cơ nên khó có thể qua đêm trên sông Hằng lắm bác ạ . Theo tôi nếu đi thì nên đi lúc 5 giờ chiều vừa ngắm được hoàng hôn vừa ngắm được hoa đăng trên sông .
 
... Việc đi từ Varanasi đến Bodhgaya ( Bồ Đề Đạo Tràng ) , thánh tích quan trọng nhất trong tứ động tâm và cũng là địa điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi bằng phương tiện gì cũng đã khiến chúng tôi đắn đo suy nghĩ . Chúng tôi dứt khoát không thể đi xe bus , dù rằng giá vé khá rẻ . Nhìn những chiếc xe bus có từ thập niên 70 chất người đầy cả mui xe , chúng tôi chắc rằng nó sẽ chẳng bao giờ chạy đúng số giờ đã ghi trong Lonely Planet mà thời gian bây giờ đối với chúng tôi là vàng bạc thật sự . Chúng tôi hỏi thuê một chiếc taxi tại Scindhia nhưng cậu chủ trẻ trả lời rằng đó là một phương tiện di chuyển xa xỉ mà Guest House của cậu không phục vụ được . Cậu ấy hướng dẫn chúng tôi nên đi bằng tàu lửa vừa rẻ lại vừa an toàn . Thật tình nghe đến xe lửa tôi lại nổi gai ốc . Nỗi ám ảnh của chuyến xe lửa từ Gorakhpur khiến tôi có một mong ước thật sự rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội để trải nghiệm lần nữa nhưng thật tình không còn có sự lựa chọn nào khác . Sáng hôm đó , trước khi đi Sarnath , chúng tôi nói gã lái Richshaw chở chúng tôi ra văn phòng của công ty du lịch Ấn Độ để hỏi vé tàu . Chẳng biết có ăn chia gì hay không mà gã lại không chở chúng tôi đến văn phòng của công ty du lịch Ấn Độ mà chở chúng tôi đến một trung tâm có nhiều văn phòng du lịch tư nhân . Tại đây chúng tôi đổi tiền Rupee với một tỉ giá vô cùng thiệt thòi ( nhưng không đổi không được . Ở Ấn Độ việc đổi tiền USD rất hạn chế , do ngân hàng nhà nước quản lý ) và hỏi thăm về vé tàu . Tôi suýt chút nhảy cẫng lên như cô giáo trong đoạn quảng cáo của Jetstar khi biết thời gian biểu của tàu chạy Varanasi – Gaya hoàn toàn không phù hợp với lịch của chúng tôi . Có 2 chuyến / ngày . Một chuyến khởi hành lúc 9 giờ sáng ( chúng tôi phải đi Sarnath ) , một chuyến lúc 11 giờ đêm ( mà đi thì không có cơ hội ngắm bình minh sông Hằng ) . Cuối cùng chúng tôi quay sang hỏi taxi . Giá chung cho tất cả các loại taxi là 6Rupee / 1 km . Đoạn đường từ Varanasi đi Bodhgaya khoảng 270 km nên số tiền chúng tôi phải trả là 3500 R cho chuyến hành trình . Tôi bị choáng ngay lập tức với cái giá quá cao này đến mức dự định sẽ hy sinh thân thể , tiếp tục dấn thân vào con đường đau khổ bằng cách đi xe lửa . Anh bạn của tôi thì tỏ ra bình tĩnh hơn bằng cách tuôn ra một câu thần chú quen thuộc “ any disscount ? “ và sau khi nhận được cái lắc đầu anh xin số điện thoại của văn phòng sau khi hứa hẹn sẽ gọi lại

Sau khi tham quan Sarnath , chúng tôi dành gần một tiếng đồng hồ để lang thang tìm thêm xe nhưng tài xế và ngay cả văn phòng của công ty du lịch Ấn Độ đều hét giá trên trời . Đến gần cuối ngày , anh bạn tôi liều gọi lại cho văn phòng lúc sáng và sau khi cò kè một lần nữa thì tên chủ nhân đồng ý giá 3000 R ( khoảng 1,2 triệu đồng ) với điều kiện chúng tôi phải đến văn phòng làm hợp đồng ngay . Thật ra nếu so với giá thuê xe tại Việt Nam thì cái giá trên có thể chấp nhận được . 1,2 triệu được bỏ ra để mua sự an toàn , thoải mái , nhanh chóng trên một đất nước cực kỳ lề mề như Ấn Độ không phải là cái giá quá đắt .

Buổi sáng hôm sau , sau khi ngắm chán chê bình mình trên sông Hằng , chúng tôi trả phòng rồi theo gót người tài xế vào tận khách sạn để đón chúng tôi ra xe lúc 8 giờ . Xe chạy vừa ra khỏi thành phố thì dừng lại khoảng 30 phút đề thay bánh xe , lại bị kẹt thêm gần 45 phút ở cây cầu đang sửa chữa bắt ngang sông Hằng . Nắng bắt đầu lên cao , gay gắt tỏa một hơi nóng hừng hực trên một biển người và xe cộ đang lầm lũi trên cầu . Nhưng quả thật sức chịu đựng của người dân Ấn Độ rất cao . Họ nhẫn nại ngồi nhai trầu , nhổ nước trầu ra xung quanh và nhìn đám kẹt xe bằng đôi mắt lãnh đạm . Tuyệt nhiên không hề có tiếng thở dài , tiếng nạt nộ hay quát tháo như những đám kẹt xe ở Việt Nam …

Lúc xe vừa vượt qua cầu , tiến vào xa lộ thì đột nhiên nó thắng lại rồi là đà chạy sát vô lề . Tôi dáo dát nhìn quanh khi thấy tất cả các phương tiện giao thông từ xe tải đến xe ben , từ xe máy đến xe hơi đều ngoan ngoãn tấp vào lề . Cảnh sát kiểm tra chăng ? Hoàn toàn không phải . Tất cả các phương tiện giao thông đều ghé vào lề để hành lễ trước khi lên đường . Nơi hành lễ là một cái đền thờ thần Shiva , vị thần có sứ mệnh hủy diệt cuộc sống con người . Hình Shiva được phóng lớn treo khắp nơi , từ trong đền ra đến tận gốc cây ven đường . Và ngay hàng hiên hàng trăm cái chuông lớn nhỏ treo lủng lẳng như đang muốn báo hiệu đây là một thời khắc rất quan trọng trong một ngày rong ruổi trên đường . Một người dường như là quản lý đền tất bật thu tiền và phát cho các tài xế một vòng hoa vạn thọ . Tôi thấy các tài xế cầm vòng hoa đó một cách kính cẩn rồi để trên tay lái như một tấm giấy chứng nhận , một tấm giấy thông hành của thần linh . Không biết thần Shiva có thể hiện diện trên khắp các ngã đường để phù hộ cho các tài xế thành tâm hay không nhưng sau khi làm lễ tôi thấy anh tài xế chở mình đột nhiên tự tin hẳn lên . Anh ta nhấn ga chạy vùn vụt trên xa lộ với cặp mắt ngời sáng .

Xe chỉ dừng lại khoảng 15 phút cho lái xe ăn trưa và chúng tôi tranh thủ rửa giày dép bị dẫm phải phân bò lúc sáng rồi sau đó lại tiếp tục lên đường . Đường cao tốc khá tốt nhưng đầy bụi , thỉnh thoảng nó băng qua những thị trấn nhỏ nghèo nàn với những ngôi nhà thấp lè tè đắp đầy phân bò bên ngoài , băng qua những cánh đồng cải nở hoa vàng rực và những đoạn đường sắt xa tít tắp tận chân trời . Phương tiện lưu thông chủ yếu trên đường là xe tải nội địa hiệu Tata . Thỉnh thoảng mới thấy một số chiếc xe bus chở đầy người trên mui ồn ào lướt qua làm bụi tung mù mịt nhưng những người ngồi trên mui xe vẫn thản nhiên , thậm chí còn nở một nụ cười hồn hậu .

Khoảng 4 giờ chiều xe bắt đầu rẽ vào ngã ba Bodhgaya . Đó là một con đường nhỏ nhưng đầy vẻ dịu dàng với hàng cây hai bên đường xanh mát và khi cái cổng chào hình cánh sen màu đỏ xuất hiện trước mặt kính xe hơi , cả hai chúng tôi đột nhiên nhìn nhau và thoáng chốc nghẹn ngào : Chúng tôi đã đến Bodhgaya ( Bồ Đề Đạo Tràng )

dscf6079.jpg
[/URL]
Thuê chiếc xe này giá 3000R

dscf6081.jpg
[/URL]
Các phương tiện lưu thông trên đường ở Varanasi . Lưu ý : bò không phải là phương tiện . Nó là thần

dscf6093.jpg
[/URL]
Xe dừng lại ở môt tiệm sửa xe ven đường . Các cậu bé làm việc ở đây trông chẳng khác gì các diễn viên nhì trong phim " Triệu phú ổ chuột "

dscf6112.jpg
[/URL]
Kẹt xe trên cầu

dscf6101.jpg
[/URL]
Đợi chờ
 
Mạc cả được từ 3500 xuông 3000 đã là nhiều chưa bạn tibet 3217? Tớ hỏi vậy là vì đọc forum của tụi tây, thấy đứa nào đứa nấy chúng nó đều nói rằng đi phượt bên Ấn thì thổ dân bên đó vô địch về khoản nói thách và bắt chẹt khách, chúng nó cũng chê VN về khoản này, nói rằng Lào, Miến thật thà hơn, nhưng so với dân Ấn thì VN còn là tử tế hơn nhiều lần =)) Bạn có nhận xét gì về chuyện này ?
 
Mạc cả được từ 3500 xuông 3000 đã là nhiều chưa bạn tibet 3217? Tớ hỏi vậy là vì đọc forum của tụi tây, thấy đứa nào đứa nấy chúng nó đều nói rằng đi phượt bên Ấn thì thổ dân bên đó vô địch về khoản nói thách và bắt chẹt khách, chúng nó cũng chê VN về khoản này, nói rằng Lào, Miến thật thà hơn, nhưng so với dân Ấn thì VN còn là tử tế hơn nhiều lần =)) Bạn có nhận xét gì về chuyện này ?

Thật tình chúng tôi rất dở trong việc mạc cả . Chúng tôi chỉ biết đưa ra một cái giá mà mình cho là hợp lý ( ví dụ việc thuê xe chúng tôi đưa giá 2800 R căn cứ theo biểu giá thuê xe đi tương tự ở Sài Gòn ) rồi trả giá cho đến khi nào chúng tôi đi mà họ không gọi lại thì biết là giá đó không được . Giá 3000 là được nhất trong tất cả các chỗ mà chúng tôi đã hỏi

Cần về vấn đế dân Ấn Độ như bác hỏi thì tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét của các Tây ba lô : nói thách và bắt chẹt khách , hay làm tiền , gian dối ... và thật buồn khi cũng có chung nhận định với Tây ba lô là dân Ấn Độ khá giống dân Việt Nam ở khoản này . Chỉ có điều rất ít xô xát diễn ra nếu sự việc đi đến căng thẳng . Trong những phần sau , tôi sẽ kể tiếp một số trải nghiệm về vấn đề này . Trong chuyến đi này , chúng tôi đi qua 3 nước : Thái Lan , Nepal và Ấn Độ nhưng về con người thật sự chúng tôi chỉ có cảm tình với người Thái và luôn có dự định sẽ quay trở lại . Bao giờ Việt Nam mới được như thế nhỉ ?
 
... Con đường nhỏ dẫn vào trung tâm của Bodhgaya thật nhộn nhịp với hàng trăm sắc áo đỏ của người Tạng . Chúng tôi thật may mắn khi đến Bodhgaya trong dịp lễ của người Tạng . Sự hiện diện của họ làm cho vùng thánh tích này trở nên sôi động hẳn lên . Xe chúng tôi len lỏi giữa dòng người Tạng như một cơn lũ trôi về Mahabodhi Temple , một cơn lũ đỏ dịu dàng và thành kính . Chúng tôi chọn Kirty Guest House vì vị trí đắc địa của nó ở trung tâm Bodhgaya với giá 850 Rupee nhưng khi nhận phòng Reception cứ khăng khăng rằng bây giờ là mùa cao điểm nên giá thấp nhất phải là 1100 R . Quá mỏi mệt sau một chuyến đi dài nên chúng tôi đành đồng ý và trong lòng quyết tâm ngày hôm sau nếu tìm được một nơi khá hơn chúng tôi sẽ chuyển đi ngay .

Sau khi nghỉ ngơi một chút , chúng tôi thuê ngay một chiếc Richshaw với giá 10R đi ngược trở ra phía ngoài trung tâm để tìm một khách sạn khác . Nổi bật hơn cả với một màu trắng sang trọng là Royal Residency nhưng nó đã là chúng tôi choáng với một biểu giá cao ngất ngưỡng ( 120 usd/ đêm ) . Đành chia tay nhưng trước khi chia tay , chúng tôi ghé vào nhà hàng của nó và phát hiện ra đây là một trong những nơi có thể nấu ăn với khẩu vị tương đối gần gũi . Chúng tôi quyết định dùng bữa tối tại đây với món cơm chiên gà và mì xào với giá khoảng 200 Rp .

Rời nhà hàng của Residency lúc trời bắt đầu chạng vạng . Dò trên bản đồ chúng tôi thấy Residency rất gần với Việt Nam Phật Quốc Tự nên chúng tôi thuê một chiếc Richshaw ( cũng với giá 10Rp ) đến thăm . Ông già lái xe gồng mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ đưa chúng tôi chạy vòng theo một cánh đồng lấp xấp nước và thấp thoáng xa xa , giữa màu tím thẫm của buổi chiều tối là ngọn tháp theo phong cách Việt . Ngọn tháp đó gieo vào lòng tôi một cảm giác bâng khuâng , nôn nao khó tả như cảm giác của người thủy thủ đứng trên con tàu ngoài khơi xa và đã thấy đất mẹ trong tầm mắt . Nhưng rồi cái cảm giác bâng khuâng đó chợt vỡ vụn trước một khung cửa khép kín và gọi mãi mới có một người Ấn Độ dè dặt ra mở cửa . Chùa hầu như không có người ngoại trừ một thầy trông coi việc Phật sự . Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình lúc đó như thế nào nhưng quả thật đó là một cảm giác hoàn toàn xa lạ . Quỳ lạy giữa một chánh điện tối om cùng với tiếng muỗi bay vo ve , tôi chạnh lòng cho sự vắng vẻ , lạnh lẽo nơi đây và lòng cứ thầm mơ ước khát khao được nghe một tiếng chuông ngân nga theo đúng kiểu chuông Huế mà tôi đã từng được nghe ở chùa Thiên Mụ . Tôi đoan chắc rằng , trong ánh chiều chạng vạng , tiếng chuông chùa Việt Nam sẽ đủ sức làm lay động tất cả những tâm hồn nhạy cảm đang hướng về đất Phật một cách thành kính , trong đó có tôi và lúc đó chắc tôi sẽ rơi nước mắt vì một cảm giác nhớ nhưng quê hương da diết .

Nhưng tôi đã không rơi nước mắt . Tôi rời Việt Nam Phật Quốc Tự với một tâm trạng vu vơ buồn. Khi bước ra cổng , tình cờ tôi nghe thấy ai đó nói một câu tiếng Việt . Giọng hơi nặng nhưng rõ ràng là tiếng Việt . Tôi ngoái đầu nhìn lại thì thấy hai ba người đang đứng cùng nhau . Hỏi thăm mới biết đó là một nhóm thợ người Huế đang thi công tòa tháp của Việt Nam Phật Quốc Tự . Tự nhiên sau cuộc nói chuyện ngắn với đồng hương , lòng tôi ấm áp hẳn .

Chúng tôi quay ngược lại Mahabodhi Temple vì nghe Thầy quản lý Việt Nam Phật Quốc Tự báo rằng ở đó có triển lãm xá lợi của Phật và hai đại đệ tử của Ngài là Ananda và Mục Kiền Liên ( Maudgalyana ) . Thầy tỏ ý tiếc cho chúng tôi vì đã đến trễ . Buổi triển lãm đã kết thúc trong ngày chúng tôi đến nhưng chúng tôi vẫn quay trở lại với một hy vọng mong manh . Ngồi trên xe anh bạn đồng hành nhìn tôi thì thầm “ cùng niệm Quan Âm nhé … ! “

Nơi triển lãm là một ngôi chùa Tạng kế bên cổng vào của Mahabodhi . Khi xe dừng , chúng tôi mừng rỡ khi phát hiện ra vẫn có một dòng người đang nhẫn nại xếp hàng ngay cửa ra vào . Hòa vào dòng người đó , nhích từng bước một , khoảng 20 phút sau chúng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng xá lợi . Có rất nhiều Thầy đứng xung quanh xá lợi và giải thích điều gì đó bằng tiếng Tạng . Tôi không hiểu và thật sự cũng không cần hiểu lắm vì trước mặt tôi , giữa một khung kiếng nhỏ , trong một cái tháp bằng kim loại tôi thấy lóng lánh một vật nhỏ . Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy xá lợi Phật .


dscf6221g.jpg
[/URL]
Con đường trước cổng Kirsty Guest House đầy bụi . Cuối đường là Mahabodhy Temple

dscf6220.jpg
[/URL]

Cổng vào Kirsty Guest House

dscf6164.jpg
[/URL]
Xa xa bóng dáng một tháp chuông
Trong bóng chiều buông một nỗi buồn ....


dscf6160.jpg
[/URL]
Royal Residency giá : 100 - 250 usd/ đêm . Nhà hàng có giá 80 - 100 Rp / món . Buổi tối có buffe giá 150R / người

dscf6172.jpg
[/URL]
Cổng lên chánh điện

dscf6212z.jpg
[/URL]

Dòng người xếp hàng đợi xem xá lợi Phật
 
Last edited:
MAHABODHI TEMPLE

... Sẽ có những nơi rất linh thiêng . Cái linh thiêng ấy toát ra từ viên đá xây dựng , đến phong cách kiến trúc và cả cái không khí xung quanh nó . Những nơi ấy khiến bao nhiêu hoài nghi về tôn giáo mà do bản ngã tự cao tự đại đã chất chứa trong đầu bạn sẽ tự nhiên tiêu tan không dấu vết , sẽ khiến bạn quỳ sụp xuống , khiến bạn chảy nước mắt vì một thứ cảm giác kỳ lạ mà người đời tạm gọi là hạnh phúc ….

Potala ở Tây Tạng là một nơi như thế
Và hôm nay là Mahabodhi Temple ( Tháp Đại Giác ) .

Vượt qua cổng vào nhuốm đầy bụi trần với hằng hà sa số các quầy bán hàng lưu niệm của người Tạng , rẽ tay trái khoảng vài bước chân , bên cạnh một cái cổng đơn sơ nho nhỏ khác , tôi đứng chết lặng trước Tháp Đại Giác , nơi ghi dấu chính xác chỗ Đức Budha ngồi thiền định và tìm ra chân lý giải thoát .

Tôi đứng đó giữa một đám đông ồn ào và náo nhiệt đang cuồn cuộn chảy xuống những bậc thang mát lạnh để tiến vào thánh địa bậc nhất của Phật giáo , nơi mà hằng đêm , trong giấc mơ của một người Phật Tử như chúng tôi , nó luôn hiện hữu . Và rồi không có ai hướng dẫn , không ai mách bảo , tôi bàng hoàng quỳ sụp xuống và cứ như thế tôi đi một bước lạy một bước về hướng ngôi đền trắng . Không hề có cảm giác đau đớn , không hề có cảm giác mỏi mệt . Toàn thân tôi rần rật một cảm giác phấn khích , hoan hỷ đến tột độ . Tôi quỳ lạy giữa nền gạch trắng và cảm thấy niềm tin tâm linh của tôi bỗng hòa chung với niềm tin của hàng trăm , hàng ngàn Phật tử của các quốc gia khác khiến chúng tôi như đang trở về mái nhà chung của chính mình .

Đó là một ngôi tháp màu trắng cao 52 m , bốn mặt được chạm trổ với những motype lạ mắt . Nhìn nó không ai có thể nghĩ rằng nó đã trải qua biết bao thăng trầm . Xuất phát nó chỉ là một ngôi đền nhỏ được đại đế Ashoka xây dựng vào thế kỷ III Trước công nguyên để ghi dấu nới Đức Budha ngồi thiền định để tìm ra chân lý giải thoát . Đến thế kỷ VII , ngôi đền được các quốc vương xứ Pala trùng tu và xây dựng to lớn hơn . Nhưng đến thế kỷ XII , cùng chung số phận với các thánh tích Phật giáo khác , nó bị người Hồi giáo tàn phá . Sang thế kỷ XIV , nó lại được phục hồi dưới bàn tay của quốc vương Miến Điện . Không may sau đó lũ lụt thường xuyên ở sông Nerajana đã nhấn chìm Tháp dưới lớp bùn phù sa . Mãi đến thế kỷ XIX , nó mới được khai quật lại bới một nhà khảo cổ học người Anh có tên là Alexandre Cuningham và được phục chế lại như ngày nay .

Tháp nằm ngay trung tâm của một thung lũng nhỏ hình vuông , bên trên có hai con đường lát gạch chạy song song với nhau , lúc nào cũng được che kín bởi những bước chân kinh hành của hàng ngàn Phật tử đến từ khắp nơi trên thế giới bất kể lúc sáng sớm hay chiều tối . Hai con đường đó chia thung lũng thành nhiều khu vườn nhỏ bao bọc xung quanh Tháp . Đang dịp lễ của người Tạng nên các khu vườn lúc nào cũng rực lên sắc áo đỏ của các vị Lạt ma , tiếng đọc kinh đều đặn , râm ran khắp nơi nhấn chìm Đại Tháp trong một không khí linh thiêng .

Tôi không nhớ mình đã đi trên con đường đó bao nhiều lần , đi xung quang tháp bao nhiêu lần .. Tôi chỉ nhớ rằng cứ mỗi vòng xung quanh tháp tôi lại thấy những tượng Phật được điêu khắc chìm bên trong thân Tháp lại toát lên nhiều vẻ đẹp khác nhau . Ngày hôm sau khi ngồi thiền bên cạnh Tháp , anh bạn đồng hành đã làm tôi kinh ngạc xiết bao khi chỉ lên trên bờ tường trước mặt anh ta có một vết gì đó vàng vàng , nhìn kỹ hóa ra đó là hình ảnh của một vị Phật .

Ngày cuối cùng trước khi rời khỏi Ấn Độ , chúng tôi đã quay trở lại Tháp Đại Giác một lần nữa khi trời tối . Ánh trăng lưỡi liềm mỏng manh đang treo trên đầu ngọn tháp trắng với những hoa văn trang trí lạ mắt . Tôi và anh bạn đồng hành ngồi im lặng giữa những ngọn nến vừa mới được thắp lên từ những Phật tử Sri Lanka thành kính . Giữa những tiếng đọc kinh rì rầm , tôi thấy mình như đang trôi vào một miền không gian nhẹ nhõm …

img9760.jpg
[/URL]
Mahabodhi Temple

IMG_9909.jpg


dscf6248.jpg
[/URL]
Đường vào Tháp khuất sau những hàng cây vô ưu xanh tươi

img9879.jpg
[/URL]
Con đường vòng quanh Tháp

img9885.jpg
[/URL]

IMG_9909.jpg

Cổng chính của Tháp

img9749.jpg
[/URL]
Khu vườn xung quanh Tháp ngập tràn sắc áo đỏ
 
... Năm 380 , Tháp Đại Giác được xây dựng lại sau sự tàn phá của những người Ấn Độ giáo quá khích . Sau khi tháp hoàn thành điều làm cho người ta quan tâm là nên để một tượng Phật như thế nào cho phù hợp với khung cảnh của Tháp , bao nhiêu người đã tạc nhưng đều không làm thỏa mãn những người xây tháp . Rồi một ngày nào đó , có một người thợ lạ lùng với trang phục rách rưới xuất hiện và xin được tạc tượng Phật mà không lấy thù lao . Người ấy chỉ xin phép được làm việc riêng , không bị ai quấy rầy và người ta chỉ có thể nhìn thấy tượng Phật sau một tuần trăng . Điều kiện lạ lùng đó đã khiến những người xây tháp đồng ý . Người thợ ấy sau khi làm lễ đã vào trong Tháp rồi đóng kín cửa không cho bất kỳ ai nhìn thấy . Hằng ngày đi ngang qua Tháp người ta chỉ nghe thấy tiếng đục đẽo bên trong . Bẵng đi mười ngày , người ta không còn nghe thấy gì nữa . Sốt ruột nên dù chưa đủ một tuần trăng , mọi người đã phá cửa xông vào thì không thấy người thợ đâu cả mà chỉ thấy một pho tượng đầy vẻ đẹp thoát tục ở giữa Tháp với chiều cao 2m nhưng một phần bên vai vẫn chưa hoàn thành . Người ta bàn tán với nhau rằng , ngượi thợ tạc tượng đó chính là hóa thân của Phật Di Lặc .

Chỉ là truyền thuyết nhưng nếu như có một lần nào đó trong đời , bạn được ngắm nhìn pho tượng Phật trong Tháp Đại Giác , tôi tin rằng bạn sẽ có cùng chung cảm giác với tôi rằng pho tượng ấy đã phản ánh hết tất cả cái thần của một đấng Đại Giác Ngộ . Pho tượng cao 2m bằng đá , phủ vàng đã thể hiện đức Budha trong tư thế ngồi thiền , mắt nhìn xuống với một dáng vẻ rất ung dung , tự tại .

Tôi chỉ có thể dừng trước tượng 2 phút để đảnh lễ và không chỉ có tôi mà hầu hết những người xung quanh tôi không phân biệt quốc tịch đều bị phong thái an lạc của đức Budha thu hút để rồi chảy nước mắt vì sung sướng và hạnh phúc .

Lúc chúng tôi đến Bodhgaya thì đang vào mùa lễ hội của người Tạng . Mahabodhi Temple thu hút rất nhiều các đoàn hành hương từ Sri Lanka , Bhutan , Tibet , Thái Lan , Mianma … Mỗi đoàn đều mang theo y ( áo của đức Buddha ) để dâng cúng . Một ngày , tượng đức Buddha được thay y khá nhiều lần để thỏa mãn niềm mong ước của các Phật tử . Và điều lạ lùng rằng , bất cứ y của đoàn hành hương nào khoác lên , tượng Phật vẫn không mất đi vẻ đẹp kì diệu , vẻ ung dung thoát tục có sẵn . Tôi đồ rằng , có lẽ đó là cách Đức Budha thể hiện tấm lòng từ bi quảng đại của Người với chúng sanh .

Bên phía Tây của tháp Đại giác là cây bồ đề đánh dấu nơi Đức Budha đã từng ngồi thiền định để tìm ra chân lý giải thoát . Cây bồ đề này không phải là cây bồ đề nguyên thủy . Sự giận dữ , niềm kiêu hãnh mù quáng và cả những cơn hờn ghencủa con người đã khiến cho cây bồ đề mà Đức Budha đã từng ngồi trải qua biết bao nhiêu sóng gió . Nó đã từng bị vua Asoka chặt để lấy gỗ làm lễ tế , rồi lại hồi sinh từ đám tro tàn . Sau đó lại bị chặt bởi con hờn ghen của hoàng hậu , vợ của Asoka trước sự mộ đạo của ông . Đến thế kỷ XVI , nó lại bị tàn phá trong cơn binh lửa của người Belgan . May mắn thay , trước đó , con gái của Ashoka đã chiết một nhánh mang sang Sri Lanka để trồng và sau này , khi khôi phục lại Thánh địa người ta đã mang một cành từ Sri Lanka về và trồng vào vị trí cũ .

Ngoài tháp Đại Giác , cây bồ đề này luôn là tâm điểm của các Phật tử hành hương . Luôn luôn có một số đông khách hành hương ngồi đọc kinh bên cạnh gốc bồ đề đã được rào kín . Trong một buổi chiều ngồi im lặng dưới gốc cây bồ đề tôi đã lần lượt được nghe kinh của nhiếu thứ tiếng . Đầu tiên là tiếng đọc kinh của người Tạng với những âm thanh thoát ra từ vòm họng nghe cứ như tiếng sóng vỗ vào những vách đá . Sau đó là những âm thanh theo nhịp 2/3 và tận cùng là âm a của người Thái , tiếng đọc kinh khá khẽ như tiếng rì rầm của người Bhutan …Những ngôn ngữ khác nhau , những bài kinh khác nhau nhưng tổng hợp lại , nó đã tạo ra một không khí đầy chất huyền bí và linh thiêng đủ để cho chúng ta cảm thấy mình bị trôi trong không khí đó một cách âm thầm .
Điều trần tục nhất mà tôi chứng kiến và sau đó cũng tham gia đó là nhặt những chiếc lá bồ đề rơi . Ngày chuẩn bị lên đường , bạn bè biết tin chẳng xin xỏ gì mà chỉ nhắn gửi rằng nếu được cho xin một chiếc lá bồ đề , nơi Đức Budha đã giác ngộ . Chỉ một chiếc lá rơi thì xá gì … ! , tôi hân hoan nhận lời để rồi khi đến Bodhgaya lại hối tiếc vì những gì mình đã hứa . Cây bồ đề ở Bodhgaya có cả ngàn lá nhưng không ai được quyền bứt cả ( nghĩ cũng phải , Phật tử nào cũng bứt lá thì còn gì là cây ) . Rất nhiều Phật tử ngồi cả mấy tiếng đồng hồ xung quanh gốc cây chỉ để mong chờ một cơn gió nhiệm màu lướt qua quét những chiếc lá vàng rơi vào người họ để họ có thể hân hoan giữ những chiếc lá đó như một báu vật của thánh tích . Và luôn tuần tiễu xung quanh gốc cây là một đạo quân khoảng năm sau chú nhóc Ấn Độ trong trang phục tu hành . Các chú không ngại bất kỳ việc gì , kể cả việc xông vào chỗ các Thầy Tây Tạng đang đọc kinh để nhặt những chiếc lá rơi rồi bán lại với giá 10 Rupees / chiếc .

Không cam tâm dùng tiền để mua lại một niềm tin , một niềm hạnh phúc , tôi dứt khoát từ chối các chú và bỏ luôn cả hai buổi chiều cuối cùng để rình rập xung quanh gốc cây khi các Thầy Tây Tạng kết thúc lễ . Tôi không thể diễn tả được cảm giác của mình khi cầm trên tay một chiếc lá bồ đề nguyên vẹn , rời khỏi cành rớt xuống trước mặt . Một cảm giác thật lạ lùng như mình vừa tìm thấy được một báu vật . Tôi áp chiếc lá ấy vào ngực nơi trái tim của tôi vẫn đang đập thình thịch trong diệu hoan ca mừng rỡ mà cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào .

tuongphat.jpg
[/URL]
Tượng Phật trong Tháp Đại Giác ( Mahabodhi Temple )

img0134.jpg
[/URL]

img0129g.jpg
[/URL]
Dấu chân Phật

dscf6283.jpg
[/URL]
Cội bồ đề linh thiêng

dscf6285.jpg
[/URL]

img9816.jpg
[/URL]
Lá vàng còn ở trên cây
Người mong lá rụng vào tay của mình .
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top