What's new

Tây Du Ký

Đoàn chúng tôi gồm năm người đã sang tới Italia.Cũng đủ cả Đường Tam Tạng,Hầu vương,Chú Trứ,Bạch Mã và Sa Tăng.Lịch trình đi từ 1-10 nhưng tới nay mới ổn định chỗ ở.Tôi xin thay mặt anh em đoàn đi chào tất cả các bạn.Tôi cũng xin viết nhật ký chuyến đi nhằm mô tả những việc đoàn đã gặp phải hầu mong các anh em khác thêm chút thông tin.
Tối 1-10 toàn bộ anh em chúng tôi xuất phát từ Nội bài lúc 7h45.Đi bằng AF,máy bay và phục vụ rất tốt nhưng có hạ cánh tại Bankok để đón thêm khách.Sau đó trực chỉ Paris,nói chung có phương tiện giải trí nhưng bạn nên mang thêm cái gì đó của riêng bạn thì hay hơn.
Sáng ngày 2-10 tới CDG lúc 6h30 theo giờ địa phương nhưng theo giờ Hà nội bạn phải bay mất khoảng 15h (Hà nội là 11h30 trưa).Nhưng do đến sớm quá mà lại đông khách nên thủ tục transit tắc luôn,hậu quả là đoàn tôi lạc mất hai người là Sư phụ và Đại đồ đệ.Ba người còn lại bạn biết tên rồi đi chuyến sau.Phù.....mệt dã man,tóm lại đã đi theo đoàn thì sống chết cũng phải đợi nhau dù thằng tới muộn hay sớm đều khổ cả (tôi sẽ kể sau).Theo tôi bạn nào phải qua CDG thì đi muộn hẳn sau 9h tối ở Việt nam.
 
Vào trong nhà, N dẫn hai anh em leo tuốt lên tầng thượng.Lên tới nơi hai thằng đã thấy một bàn tiệc lớn bày sẵn và rất nhiều người.Mãi sau mới biết đây là đại gia đình của đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.Hôm đó là bữa tiệc hình như là để chia tay chú Đinh Văn Thạch, tham tán thương mại hết nhiệm kỳ về nước.
Sau khi được N giới thiệu về lai lịch của hai thằng và tên của các chú, các anh trong Sứ quán câu chuyện giữa hai vị khách ngoài dự kiến và mọi người trở nên như đã thân quen từ lâu.Bữa tiệc ngoài trời có khoảng bốn năm gia đình, trong đó có gia đình chú Lê Tiến Ba, đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, gia đình các bí thư, tham tán, nhân viên và Tham tán Thương mại mới - anh Đặng Ngọc Quang.Đồ ăn, rượu, văn hóa, văn nghệ, những câu chuyện mà mọi kể cho nhau nghe đều thấm đẫm chất Nga.Phần lớn các chú các anh trước đây đều học và công tác tại Liên Xô nên chất Nga đã ngấm đầy trong huyết quản.Rất vui và may mắn được lọt vào một nơi có bầu không khí đậm chất văn hóa, dí dỏm có đầy trong các dị bản về việc nọ, việc kia của dân làm ngoại giao.Đối với thằng Anh thì việc ngồi “ nhậu” với dân học ở Nga về thì cũng có dăm ba dịp, cũng hiểu cái không khí tự hào của họ, cũng sống cùng văn hóa Nga(đồ ăn, đồ uống) của họ nhưng đây là lần đầu tiên ngồi cùng và nghe các câu chuyện về quá trình làm công tác ngoại giao của các bậc lão làng.
Khoảng 2 giờ sau thì tiệc tan, ba anh em chào từ biệt mọi người để về nhà của Thương vụ Việt Nam ở 23, El Sheikh Mohamed, El Ghazali, Dokki, Giza.(điều này xin chú ý một chút vì các địa chỉ ghi trên trang web du lịch hay ICCI về Thương vụ khiến bạn search Gúc không thể ra được, có lẽ tên đường phố theo kiểu phiên âm nên không đúng).Còn điện thoại đây: (202)3366598 hoặc 7485721 các bạn có thể được nhiều giúp đỡ rất hữu ích.
Tòa nhà thương vụ là một căn biệt thự lớn ba tầng nằm quãng giữa đường Nassar từ cầu vượt Tharwat rẽ vào.Bên trong bài trí tràn đầy không khí Việt còn hơn cả ở Việt Nam.Hôm đó hai thằng lên tầng hai nghỉ, đến khuya hai vợ chồng cô chú Thạch mới về.Tắm rửa sạch sẽ sau một ngày lăn lê bằng nước nóng trong ca bin, hai anh em dọn dẹp đồ dùng cá nhân và “ngất” ngay lập tức.
Sáng sớm hôm sau ngày 5 tháng 11 cả hai anh em ngủ tít cho tới tận lúc N lên gọi dậy.Vệ sinh cá nhân xong xuống dưới tầng một đã thấy cô Thạch và cô tạp vụ chuẩn bị cho ba anh em bữa sáng, thật là....quá hạnh phúc.Ba anh em vừa ăn vừa nói chuyện với cô chú Thạch và anh Quang.Cả hai cô chú đều hơi buồn vì phải chia tay nơi đã từng gắn bó với họ mấy năm trời mặc dù là được quay về quê hương của mình.Họ rất đôn hậu, gần gũi và mộc mạc.Lúc ăn xong N và anh Quang quay sang chuẩn bị nốt cho cô chú vài thứ đồ lưu niệm của Ai Cập.Sau đó N nói là đưa hai thằng đi tham quan khu Kim tự tháp.Hai anh em chào cô chú và cũng là chia tay luôn bởi đến trưa là họ sẽ ra sân bay về nước.Cũng hơi buồn khi cô tiễn ba anh em ra xe, đúng là đi đến nơi xa lạ điều khiến ta cảm thấy ấm áp nhất là tình cảm đồng bào, đồng hương.
Khoảng 10h sáng N đưa hai anh em tới khu Kim tự tháp ở thung lũng Giza.Khi đi trên đường thằng Anh thắc mắc là tại sao các ngôi nhà ở Cairo thường có màu như tường trình đất ở Việt Nam và cửa sổ rất nhỏ.Câu trả lời là do khí hậu mà ra cả, ở Ai Cập hằng năm có rất nhiều trận bão cát, chính vì vậy các ngôi nhà thường rất ít khi sơn và làm cửa sổ lớn để vừa tiết kiệm kinh phí sửa chữa vừa mát mẻ, tiết kiệm năng lượng.Một băn khoăn nữa là lúc đầu hai thằng luôn có cảm giác người Ai Cập không giữ gìn các di tích của mình lắm, cứ mài ra mà ăn thôi nhưng sau này tìm hiểu thì có thông tin là : nghành khảo cổ, bảo tồn của Ai Cập rất phát triển và họ để hạ tầng xung quanh khu kim tự tháp như vậy mới đúng như nguyên sơ ban đầu, chứ nếu làm đường xá phẳng phiu thì vứt đi ngay.Tuy vậy vẫn nghi nghi là thế hệ bây giờ ở Ai Cập được thừa hưởng những công trình kỳ diệu từ hành tinh khác mang tới nên họ cũng không đủ sức để bao quát hết mọi thứ như anh La Mã.

attachment.php


Sơ đồ khu Kim tự tháp trong thung lũng Giza.

attachment.php


Từng đoàn xe đang chạy vào vào khu Kim tự tháp ở Giza.

attachment.php


Đại Kim tự tháp Kheops hay Khufu.

Kim tự tháp Kheops hay kim tự tháp Kê ốp, kim tự tháp Khufu hoặc Đại kim tự tháp Giza là một trong những công trình cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.Các nhà Ai Cập học nói chung đã đồng ý rằng kim tự tháp được xây trong khoảng thời gian 20 năm bắt đầu từ khoảng năm 2560 TCN.Mọi người cũng cho rằng Đại kim tự tháp được xây dựng làm lăng mộ cho pharaon Kheops (tiếng Ai Cập gọi là Khufu) thuộc Triều đại thứ tư thời Ai Cập cổ đại, vì thế nó đã được gọi là Kim tự tháp Kheops. Vị tể tướng của Kheops là Hemiunu được cho là kiến trúc sư của Đại Kim tự tháp này. Trong bốn thiên niên kỷ đây là công trình cao nhất thế giới, và tiếp tục giữ vị trí này cho tới khi tháp Thánh đường Lincoln cao 160 mét được hoàn thành năm 1300. Độ chính xác trong xây dựng của kim tự tháp đạt tới mức bốn cạnh đáy có độ lệch trung bình chỉ là 50 mm(?) chiều dài và 12 giây góc so với một hình vuông chuẩn.

attachment.php


Lối vào hầm mộ ở Kim tự tháp Kheops.Đến nay các nhà khảo cổ học vẫn chưa khám phá hết được các căn phòng trong lòng nó.

attachment.php


Kim tự tháp Khafre mang tên vị vua là con của pharaon Khufu.

attachment.php


Còn đây là Kim tự tháp Menkaure, Kim tự tháp “ cháu”.

Cách vài trăm mét về phía tây nam Kim tự tháp Kheops là một kim tự tháp hơi nhỏ hơn một chút đó là Kim tự tháp Khafre, một trong những người kế vị Kheops và được tin rằng là đã xây dựng Đại Nhân sư Giza. Thêm vài trăm mét nữa ở phía tây nam là Kim tự tháp Menkaure, người kế vị Khafre, với chiều cao khoảng một nửa Đại kim tự tháp Kheops.Thời cổ đại, Kim tự tháp Kheops là cao nhất.Nhưng hiện nay, kim tự tháp Khafre là cao nhất trong nhóm bởi Đại kim tự tháp đã mất khoảng 9m chiều cao vật liệu trên đỉnh.

attachment.php


Nhìn con người nhỏ bé trước sự hùng vĩ, trùng điệp của kỳ quan người ta vẫn chưa thể chứng minh được ai thực sự là tác giả của chúng- Con người hay Sinh vật ngoài hành tinh?.
 
Last edited:
attachment.php


Nếu thực sự nó là sản phẩm của con người thì nét cắt mạnh mẽ mà nó vạch vào nền trời xanh đã nói lên tất cả-Con người chính là kỳ quan hoàn hảo nhất trên trái đất này.

attachment.php


Trên đỉnh của Kim tự tháp Khafre vẫn còn sót lại các phiến đá ốp mà trắng được mài nhẵn.Đây mới là phần kết cấu ghép đá được cho là không thể luồn một lưỡi lam vào được, còn phần đá ở dưới có thể lùa cả một con dao....bổ củi vào dễ như ăn kẹo.

Khi hoàn thành, Đại kim tự tháp được ốp ngoài bởi các phiến đá trắng đặt nghiêng, nhưng có đỉnh phẳng, được mài kỹ. Nhờ vậy công trình tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời và thậm chí cả trong đêm dưới ánh trăng mọi người cũng quan sát thấy nó từ các ngọn núi phía nam Ai Cập, với khoảng cách 300 km.Hiển nhiên ngày nay mọi thứ còn lại chỉ là lõi kim tự tháp kiểu bậc thang, nhưng nhiều phiến đá ốp vẫn có thể được thấy xung quanh khu vực đế kim tự tháp.
Trong thần thoại Ai Cập cổ đại, nhân sư là một nhân vật lai động vật, thường được thể hiện như một con sư tử đực hoặc cái nằm và có đầu người, nhưng thỉnh thoảng lại là đầu chim ưng, diều hâu hay cừu. Tượng đại Nhân sư ở Giza nằm trên bờ tây Sông Nile và quay mặt về hướng đông là nổi tiếng nhất.Dù thời gian xây dựng nó còn chưa được biết chắc, người ta vẫn cho rằng đầu Tượng Nhân sư lớn là đầu của pharaon Khafre. Tuy nhiên, vào năm 2004, nhà Ai Cập học người Pháp là Vassil Dobrev tuyên bố ông đã tìm ra bằng chứng mới cho thấy Đại Nhân sư là do pharaon Djedefra, anh trai của pharaon Khafre xây dựng, để tưởng nhớ vua cha và vì vậy nó mang cái đầu của vua Khufu.

attachment.php


Tượng Nhân sư nằm phía trước Kim tự tháp Khafre.

Truyền thuyết về sau nói rằng Hera hay Ares đã gửi Nhân sư từ quê hương Ethiopia tới Thebes tại Hy Lạp để canh cửa thành.Nó sẽ hỏi tất cả mọi người đi qua câu đố nổi tiếng nhất trong lịch sử: “Sinh vật nào buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân, và khi nó càng có nhiều chân thì nó càng yếu?” Nhân sư bóp cổ ăn thịt tất cả những người không thể trả lời được câu đố đó.Cuối cùng Oedipus đã giải được với câu trả lời như sau: Con người bò bằng hai tay hai chân khi là trẻ con, sau đó đi trên hai chân khi trưởng thành và chống gậy đi khi đã già.Sau khi câu đó bị giải, Nhân sư tự lao mình xuống thềm đá và chết. Một dị bản khác nói rằng nó tự ăn thịt mình. Vì thế Oedipus được coi là giới hạn, giúp tạo ra sự chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới.

attachment.php


Tượng Sphinx nhìn cận cảnh, có chuyện là nó bị Napoléon Bonaparte nã pháo làm vỡ mũi nhưng cũng có học giả đã chứng minh rằng:bản vẽ ban đầu của Đại Nhân sư....không có mũi.

attachment.php


Có một đoàn “phượt đẳng cấp” bằng xe Harley Davidson.Họ từ Pháp sang sau khi đi qua rất nhiều nước bằng nhiều loại phương tiện.Ảnh chụp từ video nên không nét lắm.

attachment.php


Một “quầy lưu niệm” di động đang bán các đồ mỹ nghệ bản địa.Có thể nhìn thấy tượng của nữ hoàng Nefertiti, vua Tutankhamun, Nhân sư, pháp sư Imhotep, Mèo sa mạc và bọ hung.Người ta hay mua bọ hung về đặt trong nhà vì theo tín ngưỡng của các pharaon, bọ hung là con vật mang tới sự may mắn.Thế mà chẳng hiểu sao trong phim”xác ướp Ai Câp” từng đoàn bọ hung bay ra từ miệng mummy lao vào đoàn khảo cổ trông thật ghê rợn.Nhưng đồ bán ở nơi này rất đắt mà lúc ấy hai thằng vẫn chưa có tiền L.E bản địa để mua(gọi là đồng Lirra Ai Cập).

attachment.php


Cảnh sát du lịch của Ai Cập và xe phân khối lớn của anh ấy.Ngồi lên chiếc xe của anh ấy để chụp hình là mất 50LE ngay(khoảng 120 ngàn tiền Việt)
 
Last edited:
Việc tiêu pha ở Ai Cập cũng là một vấn đề lớn vì ngoài đường chỉ tiêu đồng LE.Các loại USD hay Euro đều không tiêu được, người Ai Cập nói tiếng Anh ít và hệ chữ viết cũng không phải là chữ hệ La tinh nên rất khó trao đổi với nhau ngoài đường.Việc này rồi vấp ở đâu sẽ tâu ngay ở đó, hai anh em nó theo mạch câu chuyện sẽ lần hồi nhớ ra để hầu chuyện quí vị.
Khoảng 2 tiếng đồng hồ lang thang trong khu vực Kim tự tháp, hai anh em chia nhau ra hai ngả làm việc miệt mài với máy ảnh, lạc đà, ngựa, ấn tượng tiếp theo của thằng Anh là ở đây khá bát nháo.Chẳng hạn như bạn cứ giơ máy ảnh lên chụp là tụi trẻ con sẽ lao vào đứng phía trước sau đó chìa tay ra xin tiền.Thằng Anh bật máy quay lên thì có một thằng cha cưỡi ngựa cứ chạy vòng vòng ở phía trước mặt nên đành phải cắt máy và đi chỗ khác, tuy nhiên dân bản địa ở đây rất sợ cảnh sát du lịch, có việc gì khó chịu cứ gọi họ.Đồ ăn nhẹ, nước uống nên đem theo từ nơi ở bởi trong khu vực Kim tự tháp các thứ đó rất đắt, thậm chí vô cùng đắt nếu đem so sánh với một nơi mà giá xăng chỉ có 5.000 đồng/ lít.Nhưng cũng phải thôi vì khu vực này đồng không mông quạnh tất cả đồ ăn thức uống phải mang từ thành phố vào.Cũng đã kha khá ảnh trong thẻ nhớ nên ba anh em lên xe quay trở về Thương vụ.
Ngay trong đêm khi ở buổi tiệc về N đã đổi cho hai anh em mỗi người chừng 500E sang tiền Lirra Ai Cập với tỉ giá 1E bằng 8,5LE.Với mỗi thằng 4250LE(một mớ đủ các loại mệnh giá) thì thoải mái tiêu vì vé vào cửa tham quan ở Ai Cập không đắt lắm.Tuy nhiên chỉ có mỗi điều là trên tiền của Ai Cập chữ số loằng ngoằng, phải nhìn và để ý kỹ không thì rất dễ trả nhầm, cái này thằng Em nhanh nhẹn nên nó được phân công quản lý thanh toán hầm bà lằng các loại vé(sau khi ông Anh công nông đầu ngang của nó nhầm mất mấy lần).Sau đó N tư vấn cho hai anh em lịch trình đi Luxor và Alexandria.
- Đây là tuyến đi đã được thử nghiệm nhiều lần với các đoàn Việt Nam sang Ai Cập công tác mà muốn đi tham quan các anh ạ.(thế thì còn gì bằng nữa, mình thành “chuột đen” rồi hệ hệ).
- Thế đi bằng gì hả N? thằng Anh hỏi.
- Đi bằng xe lửa anh ạ.Mà cách đây vài tháng có một cô bé từ Việt Nam sang đã đi đúng hành trình em chỉ dẫn mà còn đi một mình anh ạ.(Ặc.....bé Việt Nam nào mà hay quá vậy!!!!).Không biết có phải là dân Phượt.com nhà mình không nữa?.
- Mỗi điểm đến em sẽ cho các anh số điện thoại di động của một lái xe taxi, đến nơi anh gọi cho họ, giá chuyến đi em đã fix rồi, các bác chỉ việc diễn thôi.Ya.....hoo.
- Thôi sáng mai mình ra xem giờ tàu và mua vé trước khi đi Giza, đây là lộ trình ngắn gọn, đầy đủ các điểm cần đến(với thời gian khoảng 3, 4 ngày ở Ai Cập) và tiết kiệm nhất bởi vì các anh sẽ có hai tối ngủ trên tàu khi di chuyển nên đỡ tốn tiền thuê khách sạn.Chỉ thiếu nước nhảy bổ vào hôn thằng cha này!!!.
- Thực ra là phải mua một cái sim điện thoại để dùng nhưng để tiết kiệm cho nhà nước hàng chục tỉ đồng iem cho bác TA mượn luôn cái mobile, gọi xả láng(trong đó đã lưu tên các đồng chí taxi rồi).Đáng yêu quá đi....
- Em đưa luôn cái này.....(xin cho bí cái mật này một tí) cho bác TA để ra vào các điểm tham quan cho đỡ tốn tiền.Tụi kiểm soát nó hỏi thì cứ bla...bla....bla.”Thôi kệ việc anh em nhà nó o bế nhau tí cũng được nhưng từ nay về sau bỏ cái kiểu vênh vênh của mày đi nhé”, thằng Anh nghĩ về cái mặt đáng ghét của thằng Em.
N tuôn ra một tràng toàn vitamine, thuốc bổ như vậy thì hai anh em chỉ có mỗi việc bỏ vào miệng mà nuốt thôi, không làm nổi thì.....còn ra cái thể thống gì nữa.Mừng rỡ đến nghẹn ngào, hai anh em không thể tưởng tượng ra rằng chuyến đi lại gặp nhiều thận lợi đến vậy.Lịch trình N sắp xếp như sau:
Ngày 5 tháng 11.
Sáng N dẫn đi mua vé và giải thích cặn kẽ các thông số ghi ở trên đó bởi “nhìn chẳng chữ Lào ra chữ Ý”, sau đó đi tham quan Kim tự tháp ở Giza rồi quay về nhà vì N chỉ đi được buổi sáng(trên đường về N tạt vào ga mua vé cho hai anh em).Chiều hai anh em bắt taxi đi tham quan bảo tàng Ai Cập.Cuối chiều về ăn uống, chuẩn bị để 21h lên tàu đi từ Cairo đến Luxor.
Ngày 6 tháng 11.
Buổi sáng 7h30 tới Luxor, gọi cho anh Mohammad (lái taxi) để anh ấy đưa đi thăm Thung lũng của các vị Vua, đền Karnak, sau đó quay về thăm đền Luxor gần ga để 21h lên tàu quay trở về Cairo.
Ngày 7 tháng 11.
Tới Cairo là 7h30 sáng, loạng quạng ở đâu đó trong ga để 9h lên tàu đi Alexandria, khoảng 12h30 đến nơi.Bắt taxi(tự mặc cả theo giá đã được N định sẵn) để đi vườn thượng uyển Montazah, thư viện Alexandria, pháo đài Kaupay, nhà thờ Hồi giáo El Qaaed Ibraheem.Hai anh em phải có mặt tại ga trung tâm Alexandria vào 19h tối để quay về Cairo.
Ngày 8 tháng 11.
Sáng hai anh em tự bắt taxi đi nhà thờ hồi giáo Mohammad Ali, bảo tàng Quân đội.Buổi tối về N dẫn đi du thuyền trên sông Nile để xem múa bụng.Sau đó đi chợ Khan al-Khalili để xem và mua sắm.
Ngày 9 tháng 11.
Nghỉ ngơi toàn diện để 9h ra sân bay rồi 11h30 bay về Roma.
Hệ hệ đúng là "thổ địa" đã hiện lên chỉ dạy thì các " ban" cứ thế mà "chấp hành" thôi.
 
Last edited:
Trưa hôm mùng 5 ba anh em về tới nhà thì cô chú Thạch đã ra sân bay.Nhà chỉ còn anh Quang và cô tạp vụ.Anh Quang vừa chuyển từ Thương vụ bên Ả-rập Xê-út hay Cô-oét gì đó sang đây.Trước đây anh đi công tác ngắn hạn nhưng bây giờ anh ở Ai Cập rất lâu nên một thời gian sau gia đình sẽ sang ở cùng.Đó là một người đàn ông trung niên tầm thước, nhẹ nhàng, nhã nhặn và càng tiếp xúc lâu càng thấy là sống rất tình cảm.Trưa hôm đó anh Quang đã nấu cho cả nhà ăn, anh làm khá ngon.Anh lý giải là vì sống một mình, tự phục vụ lấy nên biết nấu nướng.
Bữa trưa xong, ngồi uống nước với mọi người một lát, 1h chiều hai thằng đi bộ ra đường lớn để đón taxi.Trên đường ra thằng Anh có cảm giác lạ lắm, con đường trơ đá nhổm nhổm, các ngôi nhà có hàng rào hoa sắt cao có mác nhọn, bên trong cây cối xum xuê, quán xá, tiệm bán lẻ, người ngồi lê la trên vỉa hè, ngõ rẽ vuông góc ô bàn cờ trông cứ như một khu bên Thủ Đức, Sài Gòn vậy.Tới đường lớn dẫn lên cầu Tharwat thì càng giống tợn, xe ô tô đỗ lô xô trên mép đường, toàn loại xe cũ và khá nát.Ai Cập trước đây được Liên Xô và khối Vacsava o bế rất kỹ nên trên đường có quá nửa là xe ô tô phe Đông Âu.Xe con nhiều nhất là Lada và Niva(cũ và sập sệ khủng khiếp) còn đâu thì là mẫu Moscovic của Liên Xô, Trabant mẫu xe rẻ của Đông Đức cũ hay Skoda của Tiệp Khắc, nói chung đều...lưu hành được là do những bàn tay thợ cơ khí Ai Cập.Chính vì vậy dọc các con đường đâu đâu cũng thấy chỗ sửa xe ô tô.Các cửa hiệu sửa xe cũng căng mái che bằng bạt ra vỉa hè và các xe được sửa thì rã ngay ra bên đường trông chả khác gì Thủ Đức hay Trần Nhật Duật vậy.Xe cộ nát bét vẫn được lưu hành phần nhiều Cairo rất đông dân, nhu cầu sử dụng xe nhiều và xăng thì.....vô cùng rẻ.Với thu nhập đầu người bình quân năm 2007 khoảng 1700USD mà xăng chỉ khoảng 5.000VNĐ/lít thì cứ kiếm cái xe còn chạy được đổ xăng vào là chạy vù vù.Chính phủ của tổng thống Mubarak an dân bằng cách trợ giá xăng và cung cấp rất nhiều phúc lợi xã hội cho người dân.Tuy nhiên phân hóa giàu nghèo là rất lớn, cứ sang tới khu trung tâm như Zamalek, Central City hay Al Basha Square là thấy xe ô tô xịn, khách sạn xịn, cửa hàng đồ hiệu xa xỉ ngay.Chẳng gì Ai Cập cũng có nhiều tỉ phú tầm cỡ thế giới như Dodi Fayed.
Hai anh em đứng bên đường chỉ mấy phút là bắt được taxi ngay, ngã giá bởi taxi không có đồng hồ tính tiền là 30LE để đi tới bảo tàng Ai Cập với điều kiện cho chạy qua tháp truyền hình.Hai bên ấm ớ tỏ vẻ hiểu nhau nhưng kkeets quả là xe chạy một lèo tới bảo tàng luôn.Mua vé xong qua cửa một cái là nhân viên thu hết cả máy quay lẫn máy ảnh.Lần này thì đành bó tay, nhưng thôi giữ gìn bảo vật cho nhân loại cũng là điều nên làm.

attachment.php


Chiếc taxi mà hai thằng thuê để đi tới bảo tàng Ai Cập.Nó là một chiếc Lada của Liên Xô.

attachment.php


Bạn có thấy nó giống chân cầu vượt Chương Dương không ?.

attachment.php


Bảo tàng cổ vật Ai Cập với tượng vua Tut phía trước.

Bảo tàng cổ vật Ai Cập, còn được gọi là Bảo tàng Ai Cập ở Cairo là nơi lưu giữ một bộ sưu tập phong phú các cổ vật Ai Cập cổ đại. Chúng được trưng bày rất hiện đại qua hệ thống màn hình còn lại là lưu trữ, bảo quản trong kho.

attachment.php


Bên trái của bảo tàng cho thấy nó chỉ có hai tầng.

Phòng trưng bày xác ướp Hoàng gia có chứa 27 hiện vật từ thời kỳ các Pharaon, đã bị đóng cửa theo lệnh của Tổng thống Anwar Sadat vào năm 1981.Nó đã được mở cửa trở lại vào năm 1985, nhưng không trưng bày xác ướp của Vua và Hoàng hậu thời kỳ Tân vương triều.Ngày nay, có khoảng 9 xác ướp trưng bày.Một trong số đó là xác ướp mới được phát hiện của Nữ hoàng Hatshepsut.Đây là phát hiện quan trọng nhất trong năm 2007 của giới khảo cổ học Ai Cập mà thật may mắn cho cả hai thằng là công bố về lai lịch của xác ướp được đưa ra đúng vào lúc hai anh em đang có mặt ở Cairo.Giá vé vào cửa là 100LE/người đắt nhất trong các loại vé tham quan, tức khoảng 240 ngàn tiền Việt.

attachment.php


Phía trước bảo tàng có tượng Nhân sư được coi như có khuôn mặt của vua Tút.Hai em áo cam và áo vàng ở phía xa đã gặp ở Giza buổi sáng đến buổi chiều lại gặp ở đây.Điều đó cho thấy sự hợp lý về di chuyển giữa các điểm tham quan mà anh N đã vạch ra.Chẳng kém đi tua là mấy.:))
 
Last edited:
attachment.php


Mặt chính bảo tàng.

attachment.php


Sphinx có khuôn mặt của vua Tut chụp gần.

Từ hình ảnh quét CT cho thấy một chiếc răng hàm bị khuyết trong hộp sọ của một xác ướp nữ giới, các nhà khảo cổ bắt đầu kiểm tra.Đó là xác ướp lớn hơn trong 2 xác ướp được phát hiện tại một lăng mộ độc lập ở Thung lũng của các vị Vua, Ai Cập năm 1903.Lúc đầu họ nghi là một quí bà thuộc Hoàng gia và hầu nữ...(không phải là bạn gái của lão Tôn đâu nhé). Đến tháng 6 năm 2007, quan chức cao cấp nhất phụ trách khảo cổ Ai Cập cho biết, chiếc răng hàm, được tìm thấy trong một chiếc hộp chứa phủ tạng ướp khắc tên Nữ hoàng Hatshepsut, hoàn toàn trùng khớp với một hốc răng trong bộ hàm của xác ướp và nhờ đó người ta đã xác định được xác ướp là của bà.
Hai anh em đã tận mắt nhìn thấy xác ướp này, nó xuất hiện ở bảo tàng Ai Cập từ tháng 7. Sau thời gian kiểm tra, sao chụp, sửa sang và đặt trong trong lồng kính đặt riêng có điều kiện bảo quản lý tưởng, nó được trưng bày cho khách tham quan từ tháng 10 vậy là thật may mắn hai thằng là một trong số những người diện kiến Nữ hoàng sớm nhất.Hình ảnh xác ướp Nữ hoàng còn in đậm trong tâm trí thằng Anh.Khi lướt qua hàng loạt các xác ướp nổi tiếng khác của Tutankhamun, Ramses III, Amenhotep IV, Amenhotep III...thì thấy mọi người xúm và một cái lồng kính.Hai anh em tới gần và ngó vào thì nghe loáng thoáng thấy hướng dẫn viên giới thiệu đây là xác ướp của Nữ hoàng Hatshepsut.Qua khung kính xác ướp ngoẹo đầu và phủ một tấm khăn trắng tới ngực, phía chân cũng hở ra.Nhìn kỹ thấy tóc tuy lơ phơ nhưng vẫn còn nguyên và màu muối tiêu sau hàng ngàn năm chứng tỏ nghệ thuật ướp xác của Ai Cập danh bất hư truyền.Khuôn mặt khô đét của xác ướp không dễ nhìn một chút nào cả.Còn xác ướp thứ hai về sau xác định là một người vú nuôi của bà.
Bảo tàng cổ vật Ai Cập gìn giữ rất nhiều giai đoạn quan trọng của lịch sử Ai Cập cổ đại. Bộ sưu tập đồ cổ Pharaon lớn nhất thế giới, kho báu của vua Tutankhamun, còn gọi là vua Tut.Thật đáng buồn vì có thông tin trong biến cố năm 2011 bảo tàng bị phá phách và đã có 2 xác ướp bị phá hủy.

attachment.php


Phù điêu trên mặt trước bảo tàng.

attachment.php


Chóp của một Obelisk thời kỳ vua Thutmosis IV.

Không giống như nhiều ngôi mộ cổ bị cướp phá tan hoang trước khi được phát hiện ở Ai Cập, mộ vua Tutankhamun lúc tìm thấy khá nguyên vẹn mặc dù có hai vụ trộm xảy ra sau khi chôn cất ông.Bên trong ngôi mộ có một bộ sưu tập lớn các hiện vật được sử dụng trong suốt cuộc đời của Pharaon này.Những hiện vật này là các tấm trang sức cho phần ngực, rất có thể được sử dụng trên áo, hai vòng đeo tay bằng ngà voi và bằng vàng, dây chuyền cùng các đồ trang sức khác.Ngôi mộ còn nhiều vũ khí và các công cụ được sử dụng của nhà vua.
Hiện vật được biết đến nhiều nhất trong ngôi mộ của vua Tutankhamun là chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng.Mặt nạ nặng 11 kg bằng vàng nguyên chất được tin là khuôn mặt thật của nhà vua.

attachment.php


Mặt nạ vua Tut.Nguồn internet.

Ở tầng một của bảo tàng có một bộ sưu tập phong phú của giấy cói(giấy papirus) và tiền xu được sử dụng trong thế giới cổ đại. Rất nhiều các mảnh giấy cói có niên đại 2000 năm tuổi.Một số ngôn ngữ được tìm thấy trên các văn bản viết trên các mảnh cói này, bao gồm chữ Hy Lạp, chữ Latin, chữ Ả Rập và cả chữ tượng hình thời Ai Cập cổ đại. Các đồng tiền xu tìm thấy đều được làm bằng nhiều thứ kim loại khác nhau, bao gồm vàng, bạc, và đồng. Các đồng tiền không chỉ có chữ viết Ai Cập mà còn có chữ viết Hy Lạp, La Mã và Ả Rập.Điều này đã khẳng định thương mại của Ai Cập cổ đại rất phát triển.Ngoài ra ở tầng một còn có các đồ tạo tác từ Anh, khoảng thời gian giữa 1550 và 1069 trước Công nguyên.Những hiện vật đó bao gồm các bức tượng, bảng biểu và quan tài (quách).
Trên tầng hai trưng bày những hiện vật từ hai triều đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại, gồm các đồ vật từ các ngôi mộ của Pharaoh Thutmosis III, Thutmosis IV, Amenophis II, Hoàng hậu Hatshepsut và cận thần Maiherpri cùng nhiều thứ được mang về từ Thung lũng của các vị Vua.

[video=youtube;DjCUAyXzqfU]http://www.youtube.com/watch?v=DjCUAyXzqfU[/video]

Hai anh em trên chiếc Lada cùng bác tài Ai Cập.Ấn tượng đến không nói nên lời.Thật đáng tiếc là không cho thấy là cái xe không chuông, không phanh, không "gác đầu bu":D
 
Last edited:
2h chiều hai anh em ra khỏi bảo tàng Ai Cập, không được chụp hình nên rất khó chịu nhưng dẫu sao thì cũng được tận mắt nhìn thấy hàng loạt các Mummy, mặt nạ vua Tut, quách(quan tài) của các Pharaon để hình dung ra một thời kỳ vàng son, phát triển rực rỡ của Ai Cập cổ đại.Vẫy một cái taxi hai thằng tiếp tục theo kế hoạch đã định-đi đến một địa điểm tham quan khác là nhà thờ Hồi giáo Mohamad Ali(Mosque of Muhammad Ali Pasha hay Alabaster Mosque) và bảo tàng Quân đội(National Military Museum).Hai công trình này nằm trong khu thành cổ của Cairo(Citadel of Cairo hay The Saladin Citadel of Cairo) cách bảo tàng Ai Cập 20 phút chạy xe và khoảng 20LE tiền taxi.

attachment.php


Cổng chính vào thành cổ.Tòa nhà là ngay phía ngoài là Carriage Museum.

attachment.php


Một đoạn tường thành trên đường vào.

Xe tới chân khu thành cổ khoảng gần 3h chiều, vòng vòng qua một đoạn đường dốc chạy lên chỗ đỗ xe, khu vực này đang rất đông người trong đó phần lớn là các em học sinh tiểu học Ai Cập đi tham quan.

attachment.php


Tụi trẻ đi xem bảo tàng.

attachment.php


Các thiếu nữ Ai Cập đi chơi.Phía xa mái vòm màu xanh là nhà thờ Muhammad Al Nasir.

attachment.php


Cổng Al Qullah qua đó sẽ từ nhà thờ Muhammad Ali đi sang tới bảo tàng Quân đội.

attachment.php


Hào xung quanh thành.

attachment.php


Thấp thoáng sau tường thành là nhà thờ Muhammad Ali.
 
Thằng Em vào mua và mang ra có mỗi một chiếc vé giá là 40LE để vào Citadel of Salah al-Din gồm cả bảo tàng và nhà thờ.Đây là lần thứ hai sau bảo tàng Ai Cập khi vào cửa nó giơ “ bảo bối” ra.Hơi phiền phức tí nhưng do cả soát vé và người vào đều nói trệu trạo không thành tiếng với nhau nên vẫn lọt qua dễ dàng.
Vòng qua khu thành cổ hai anh em vào thăm nhà thờ Muhammad Ali trước.

attachment.php


Sơ đồ vị trí các công trình trong thành cổ Cairo.

Nhà thờ Hồi giáo Muhammad Ali Pasha hay Giáo đường Cẩm thạch nằm ở khu kinh thành cổ Cairo được xây dựng bởi Muhammad Ali Pasha từ năm 1830 đến năm 1848.
Tọa lạc trên vị trí cao nhất của trung tâm tòa thành, đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất được xây dựng trong nửa đầu của thế kỷ 19 thời kỳ đế quốc Ottoman.Nhà thờ được xây dựng để tưởng nhớ Tusun Pasha, con trai lớn nhất của Muhammad Ali, người đã qua đời vào năm 1816. Muhammad Ali Pasha là tổng trấn Ai Cập từ năm 1805 và được coi là người khai sinh ra nước Ai Cập hiện đại.

attachment.php


Toàn cảnh phía trước nhà thờ. Muhammad Ali đã xây dựng nhà thờ mang tên mình hoàn toàn theo phong cách kiến trúc thời kỳ Đế quốc Ottoman.Nhà thờ có một mái vòm lớn nằm ở trung tâm.Nó được bao quanh bởi bốn mái vòm hình bán nguyệt và bốn mái vòm nhỏ dần theo thứ tự, trên một diện tích 41mx41m.Mái vòm trung tâm có đường kính 21 mét và chiều cao của tòa nhà là 52 mét. Hai trụ tháp tao nhã kiểu Thổ Nhĩ Kỳ với ban công và mũ hình nón nằm ở phía tây của nhà thờ cao tới hơn 82 m.

attachment.php


Chỉ còn một màu xanh duy nhất còn sót lại trên đầu các cây cọ.

Nhà thờ Muhammad Ali nằm trên vị trí cũ của tòa nhà Mamluk.Kiến trúc sư Yusuf Bushnak người Thổ đã thiết kế nó giống như mô hình nhà thờ Hồi giáo Yeni.
Trước khi hoàn thành nhà thờ, các tấm đá cẩm thạch ốp trên các bức tường đã bị lấy đi và được đem sử dụng cho cung điện của vua Abbas I. Các bức tường đó sau này được phủ bằng các tấm gỗ sơn màu giống như lớp đá đã bị bóc đi.Năm 1899 nhà thờ có dấu hiệu bị xuống cấp nhưng nó không được sửa chữa một cách triệt để. Tuy nhiên về sau có một chương trình phục hồi hoàn chỉnh nhà thờ theo lệnh của vua Fuad vào năm 1931 và cuối cùng nó cũng được hoàn thành toàn bộ dưới thời vua Farouk vào năm 1939.
Nguyên liệu chính xây dựng nhà thờ là đá vôi, nhưng phần thân dưới cao 11,3 mét và sân trong được ốp, lát bằng đá cẩm thạch.Mặt sân sáng bóng và sạch như lau như li vì vậy ngoài ý nghĩa tôn nghiêm mọi người phải cởi dày dép trước khi vào bên trong nhà thờ.
Phía ngoài nhà thờ và sân trong là các dãy hành lang tuy nhiên chỉ ở khu sân trong chúng mới liên thông bốn phía với nhau.Các hành lang này đều được đỡ bằng dãy cột đá cẩm thạch với đầu cột là hoa Papirus cách điệu cùng các vòm cuốn tinh xảo.

attachment.php


Hành lang phía ngoài nhà thờ nơi du khách cởi dày dép trước khi vào chính điện.

attachment.php


Tháp đồng hồ bằng đồng ở giữa dãy hành lang phía Tây Bắc, được vua Louis Philippe của Pháp tặng cho Muhammad Ali vào năm 1845.Tấm thịnh tình này đã được đáp lại bằng đài tưởng niệm Luxor đứng ở trước cung điện Concorde ở Paris.

attachment.php


Phần đá cẩm thạch được ốp cao lên 11,3m phía trong và ngoài nhà thờ.

attachment.php


Dàn đèn chùm và đèn treo xung quanh tạo thành một vòng tròn ánh sáng.
 
Last edited:
Với việc sử dụng hai cấp “cao độ” của mái vòm đã mang đến cho nội thất chính điện một cảm giác về không gian lớn hơn nhiều so với khối tích thực của nó.

attachment.php


Hoa văn trang trí của nó khi nhìn thẳng từ phía dưới lên.

attachment.php


Phần mái vòm hình bán nguyệt, có bốn mái như vậy bám xung quanh mái vòm trung tâm.

attachment.php


Một trong bốn mái nhỏ xung quanh mái bán nguyệt tạo thành một “cao độ” thấp hơn cùng toàn bộ dàn đèn làm không gian càng thêm rộng ra, sâu hơn và lung linh huyền ảo.

attachment.php


Chỗ ngồi đặc biệt cho Muhammad Ali Pasha ngập trong thứ ánh sáng vàng rực của đèn làm nổi bật màu của thảm đỏ và đá cẩm thạch sang trọng.

attachment.php


Cũng như các nhà thờ Hồi giáo khác, ở đây cũng có một cái minbar.Minbar là cái bục giảng trong nhà thờ, nơi dành cho các lãnh tụ Hồi giáo ngồi giảng đạo.

attachment.php


Quách chứa thi hài của Muhammad Ali Pasha.Muhammad Ali Pasha được chôn cất trong một ngôi mộ được chạm khắc từ đá cẩm thạch Carrara đặt nằmvở giữa sân trong nhà thờ. Di thể của ông đã được chuyển đến đây từ Hawsh Al Basha vào năm 1857.
 
attachment.php


Sân trong của nhà thờ nơi được lát đá cẩm thạch màu trắng sang trọng, sáng bóng, loại đá chỉ xuất hiện tại những công trình của Hoàng gia hay Tôn giáo ở Ai Cập.Lầu trung tâm của sân trong trước kia được cho là để quách của Muhammad Ali Pasha.

attachment.php


Hành lang lên thông bốn xung quanh sân trong.Nó cũng có mô-típ cột vòm như ở hành lang phía ngoài nhà thờ.

attachment.php


Bên trái của nhà thờ cây xanh rợp bóng, từ đây hai thằng đi ra phía sân sau.

attachment.php


Khu sân phía sau nhà thờ nơi có thể nhìn thấy toàn bộ các công trình mới Cairo, Kim tự tháp ở Giza và nhà thờ Sultan Hassan.

attachment.php


Nhà thờ Sultan Hassan nằm phía sau Muhammad Ali Mosque.

attachment.php


Một khu vực rộng lớn của Cairo nhìn từ sân sau của nhà thờ Muhammad Ali.
 
Last edited:
Nằm ngay cạnh đền thờ Hồi giáo Muhammad Ali là bảo tàng Quân đội.Sau khi hai thằng tham quan xong thì đều thấy rằng có thể gọi tên đầy đủ của nó là Bảo tàng lịch sử quân sự Ai Cập.Bảo tàng ở trên một khuôn viên gần tương đương và ngay sát với nhà thờ bên cạnh nó còn có bảo tàng Cảnh sát nữa.Giống như bảo tàng Quân đội Việt Nam khu vực trưng bày ngoài trời là các hiện vật như xe tăng, máy bay, pháo, tên lửa...nhưng nói chẳng ngoa trông không oách bằng nhà mình.Bảo tàng giới thiệu xuyên suốt qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước Ai Cập, từ Cổ đại, Trung đại tới Hiện đại mà họ phân ra là thời Pharaon, thời kỳ Hồi giáo, thời Cận đại và Ngày nay.Tuy nhiên có vẻ như bảo tàng này được xây dựng từ thời của tổng thống Mubarak nên phần lịch sử chiến tranh rất ghê gớm thời các Pharaon thì không được chú ý lắm mà thời kỳ xảy ra cuộc chiến giữa Ai Cập và Israel và các hình ảnh Cận đại cùng tổng thống Mubarak được quan tâm nhiều nhất.

attachment.php


Lối vào chính của bảo tàng Quân đội đi từ nhà thờ Muhammad Ali sang.

attachment.php


Lối vào bảo tàng là tượng Ibrahim Pasha con trai của Muhammad Ali Pasha, chỉ huy quân đội Ai Cập thời kỳ trung cận đại.Mặc dù cả hai cha con ông không thực sự là người Ai Cập(đều là dòng dõi Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng những chiến công của họ đều nhằm mở mang và bảo vệ bờ cõi của Ai Cập hiện đại và họ xứng đáng được coi là những người anh hùng lập quốc.

attachment.php


Dọc hai bên lối và là tượng các vị vua, vị tướng có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước Ai Cập.Đáng chú ý nhất là hai pharaon Thutmosis III và pharaon Ramses II.Sau khi Hatshepsut qua đời, Thutmosis III trở thành pharaon duy nhất của vương quốc, ông đã gầy dựng một đế quốc Ai Cập rộng lớn chưa từng thấy. Hơn 17 cuộc chinh phạt lẫy lừng được khởi xướng.Ông thân chinh đi đánh đông dẹp bắc lâu dài hơn và đạt được nhiều thắng lợi hơn cả những danh tướng xuất sắc vào thời kỳ cổ đại như Alexandros Đại Đế và Julius Caesar.Là một thiên tài chiến thuật và chiến lược, ông được xem là vị vua - chiến binh vĩ đại nhất, là thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử Ai Cập, là một trong những vị Đại Danh tướng (Great Captain) đầu tiên trong lịch sử thế giới. Ông là người có công tạo dựng nên lực lượng Hải quân viễn chinh đầu tiên trong thế giới cổ đại.

attachment.php


Vua Ramses II, Ramses Đại đế, trị vì 67 năm trong triều đại thứ 19 của thế kỷ 12 trước Công nguyên.Ông được biết đến như một chiến binh vĩ đại nhất của Ai Cập, nhưng cũng là một nhà kiến tạo hòa bình.Ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử đã ký một hiệp ước hòa bình với kẻ thù của mình, các Hittite.Vua Ramses để lại các di tích trên khắp Ai Cập. Nhưng đáng kể nhất là ngôi đền ở Karnak, đền Luxor, Rameseum tại Thebes và ngôi đền đá tại Abu Simbel với bốn bức tượng của nhà vua ngồi trên mặt tiền.
Sau đó là đến khu vực trưng bày các loại vũ khí qua các thời kỳ chiến tranh trên đất nước Ai Cập.

attachment.php


Khẩu cối(mortar) này nếu ai chơi Empire Earth sẽ thấy sức mạnh kinh khủng của nó.

attachment.php


Khẩu Gatling 12mm3 này do Mỹ sản xuất sử dụng từ năm 1865(?) tương đương thời vua Tự Đức.Kinh khủng quá chẳng khác gì chơi EE mà tụi nó lên đời trước mình mấy lần.

attachment.php


Một khẩu đại pháo cỡ nòng 180mm của Liên Xô viện trợ cho Ai Cập.Nên nhớ rằng năm 67, 68 ta cũng chưa có pháo loại này.Khi lang thang trong bảo tàng hai anh em mới thấy Liên Xô gần như cho anh Ai Cập những vũ khí chiến thuật tốt nhất của mình vào thời điểm ấy.Máy bay Mig 21, Mig 23(ta mới có Mig 21), cầu lắp ghép tự hành(bây giờ ta vẫn dùng), thế nhưng rồi con cháu của các Pharaon vẫn bị đám Do thái đánh cho te tua để rồi thi thoảng quay lại choảng một trận xong là rút, báo đài vô tuyến thông tin chiến thắng ầm hết cả lên.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,147
Members
192,342
Latest member
MargoJaj35
Back
Top