What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
Các vị thầy tu sẽ chịu trách nhiệm làm sạch đèn bơ. Họ có xẻng xúc bơ, gắp để dựng bấc đốt, thậm chí họ đào hố để bơ chảy sẽ tản vào đó, không làm ngập lụt bấc đốt. Có vẻ đó là một công việc thú vị, nên lúc nào vào đền tôi cũng thấy có chú tiểu chăm chăm ra gạt đèn bơ. Có đèn bơ thì cực nhỏ, nhưng có những đèn bơ phải có đường kích đến cả mét, với 20 bấc đèn cháy liên tục ngày đêm.

Ở tu viện Tashilungpo, nếu muốn (*) bạn có thể xin phép các tăng ni để được cắm bấc vào bồn nến thờ ngay dưới chân tượng Phật khổng lồ. Mình vô tình được chứng kiến nhà sư thực hiện việc này, bắt đầu bằng việc dùng kẹp rút bấc ra khỏi bao đựng, nhúng vào phần bơ lỏng, cắt bỏ phần đầu của bấc rồi đưa cho du khách. Du khách sẽ dùng kẹp giữ bấc, châm lửa rồi từ từ cắm xuống phần bơ cứng.

(*) Có vẻ như bạn phải thỏa thuận với nhà sư ngồi trực ở đó trước, cúng đường một phần tiền rồi mới được lên đứng bên cạnh nhà sư để thực hiện việc này.
 
Maitreya Buddha

Pho tượng lớn nhất trong Drepung là tượng của Phật Di Lặc (Maitreya), vị phật Tương lai. Tương truyền pho tượng do chính Đại sư Tông Khách Ba thiết kế, nghĩa là đã 600 năm tuổi.

Pho tượng rất lớn nên dù đặt trong gian thờ ở tầng một, cũng khó mà nhìn thấy khuôn mặt của Phật, và phải lên tầng hai mới có thể nhìn rõ. Vì thế nên sau khi ở tầng một, chúng tôi lên tầng hai. Tại đây có gian thờ nhìn thẳng vào đức Phật của Tương lai.

11190822534_bab970169d_z.jpg

(Ảnh sưu tầm).

Các bạn có nhận thấy điều gì không? Đó khuôn mặt Phật hơi nghiêng về một bên, nên trông rất sống động. Tôi có hỏi Tenzin rằng Phật nghiêng là do tạo tác như vậy hay do bị lún, bị nặng quá mà nghiêng thì Tenzin bảo do tạo ra như vậy. Tôi tin điều đó vì cái Stupa nhỏ trên búi tóc của Phật thì vẫn nằm thẳng. Stupa tượng trưng cho vũ trụ, cho tất cả trí tuệ, tri thức của Phật từ trong quá khứ, hiện tại chuyển đến tương lai.
 
Mind Buddha

Bên cạnh gian thờ nhìn vào tượng Phật Di Lặc, có một gian thờ nữa với một pho tượng bán thân, chỉ có nửa phần trên của Phật.

Tenzin nói đây là "Mind Buddha", vị Phật có thể nghe thấu tâm nguyện mọi người. Nếu bạn vào đây, không cần nói ra, chỉ cần suy nghĩ về một tâm nguyện; nếu tâm nguyện đó là lợi ích cho chúng sinh, không phải cầu xin cho mình, thì Phật sẽ thấu và sẽ linh ứng. Vì vậy trong gian thờ này không có tiếng đọc kinh, tiếng lầm rầm mà chỉ là lặng im.

Sau tìm hiểu thì tôi biết đây cũng là Phật Di Lặc, nhưng được đặt trong một niềm tin riêng biệt, và Phật Di Lặc ở đây đội mũ miện rực rỡ, với khuôn miệng cười rất khác so với pho Di Lặc bên cạnh.

11190824894_91ed9c5d1c_z.jpg

(Ảnh sưu tầm)

Sau khi từ phòng ra, tôi nói với Tenzin: You có biết I cầu điều gì không? Free for Tibet and other countries that under Chinese hands.
Tenzin đưa ngón tay lên miệng, kéo tôi ra một bên và mỉm cười.
 
Chitto, anh có biết đấy là chủ đề Tenzin thích nói nhất không =)) Bình thường bạn ấy lên xe chỉ có ngủ thôi. Nhưng cứ động đến là ... thao thao bất tuyệt ha ha
 
Sera monastery

Chúng tôi rời Drepung khi đã quá trưa, và sau bữa trưa chóng vánh cạnh khách sạn, là chuyển sang Sera ngay. Hành trình Drepung - Sera có vẻ khá truyền thống với những người mới đến Lhasa, nên tôi cũng không viết dài lắm nữa.

Chia tay những mái nhà của Drepung

11131067606_e4e1e904ea_c.jpg


Tới cánh cổng sặc sỡ của Sera

11132010376_032883f8d3_c.jpg


Tu viện Sera có hai đặc sản là Những bức Mandala bằng cát màu và buổi luận pháp ở vườn. Luận pháp thì đã gặp ở Drepung nên tôi chú ý so sánh phân biệt hai phong cách mà thôi.

Mandala cát thì xem nhưng tôi không chụp lại ảnh, hà, nhờ bạn Lymy cái nhỉ !
 
Mandala cát vốn là điều tôi rất mê mẩn khi nói đến văn hoá Tạng. Hồi trước đã được xem clip, Dalai Lama chủ trì một lễ vẽ Mandala ở Dharamsala, đại lễ kéo dài cả tuần trời. Trước tiên họ dùng các dây bột trắng để vẽ nên xương sống của Mandala, vì Mandala thường có sự đối xứng kì lạ. Sau đó, các vị tu sĩ dùng cát mầu đặt trong một bút thả cát dài, họ cạo trên thân bút tạo ra những lực đẩy rất nhỏ khiến cho dòng cát li ti chảy ra khỏi miệng bút, từ từ hình thành nên những hoa văn nhỏ bé. Phải mất một tuần để họ tạo nên một bức Mandala cát như ở Sera mà chúng tôi nhìn thấy. Tất cả nghi lễ này đều diễn ra trong tiếng tụng niệm hoặc tiếng kèn Tạng, không khí vô cùng trang nghiêm.

1454703_10201090549572720_994693277_n.jpg

Cấu trúc cân xứng của Mandala, một trong ba cách thể hiện Mandala của người Tạng.

861297_10201090551092758_980304607_o.jpg

Những gờ cát nổi lên, li ti

1479111_10201061971258280_793927994_n.jpg

Phía góc của Mandala cũng vẫn được thực hiện rất cẩn thận

Mandala thể hiện năng lực Thiền định vô hạn, và với đa phần người chiêm ngưỡng, nó chứa đựng vẻ đẹp tự nhiên vô cùng thuần khiết và toàn vẹn. Cứ nghĩ đến việc Mandala đẹp nhường vậy sẽ bị phá huỷ, dù bằng một nghi lễ cũng thiêng liêng không kém nghi lễ hình thành ra nó, chắc ai đó cũng đều cảm thấy xót xa. Đạo Phật dậy về tính Vô Thường của vạn vật, rằng mọi thứ dù đẹp đẽ đến đâu rồi cũng trở về với cát bụi. Một người bạn phương Tây, khi anh ấy ở đó chưng kiến việc hình thành và phá huỷ Mandala, anh ấy xúc động vô cùng và nói: " Tôi chẳng thấy cái đẹp trong việc phá huỷ các Kiệt tác".

Tôi cũng thấy như vậy!
 
Em cũng không hiểu gì về debating hall, chỉ thấy các vị sự có nhiều tư thế rất đẹp, nên góp vài kiểu ảnh nhé :)

1398112_10201061984658615_1957967765_o.jpg

Vườn Luận Pháp ở Sera

1485979_10201061972898321_695541374_o.jpg

Này thì cãi!

856171_10201061974018349_1252335462_o.jpg

Cậu bé này chắc cũng muốn Luận Pháp!

1422544_10201061984538612_232343880_n.jpg

Đánh hội đồng nè!

1401609_10201061981778543_767448254_o.jpg

Văn võ song toàn!

1102482_10201061986898671_1923816703_o.jpg

Đến muộn nè, có nên vào không?
 
Chúng ta phê phán Trung Quốc bóp ngẹt Tây Tạng , nhưng nếu không có TQ thì TT có được hệ thống giao thông trong mơ như thế không ? Một dân tộc quá tin tưởng vào sự huyền diệu của tôn giáo như người Tạng thì sẽ làm kinh tế như thế nào đây ? Tôi luôn có cảm giác là TT như 1 cô thôn nữ chả biết đời là gì , thì sẽ không thể nào phát triển kinh tế được , thì làm gì có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhìn sang Nepal xem thì rõ, quá nghèo. Cho nên TT độc lập thì với điều kiện tự nhiên như thế cũng chỉ sống vào du lịch là chính, mà du lịch thì rất nhanh bị lai tạp và mất bản sắc , như Myanmar đó, vừa mở cửa là đã có nhũng nhiễu hành khách rồi, với vô vàn các Zone fee , khác xa Myanmar 4 năm trước tôi biết.Việc phát triển du lịch bền vững là điều rất rất khó . TT thuộc quyền kiểm soát của China cũng có mặt tốt là giúp TT phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng , những gì sai lầm của Cách mạng văn hóa thì giờ TQ đang khắc phục đó thôi , như bác chủ cũng nói có mấy dãy phố được xây lại mặt tiền theo phong cách Tạng đó. Như trong sách Huyền Chip hay đâu đó tôi có đọc rằng Palestine cứ đòi độc lập khỏi Irael nhưng kinh tế phụ thuộc 100% vào Israel và nhiều người Palestine cũng thừa nhận tách ra sẽ còn khổ hơn bây giờ nhiều. Tôi không hiểu biết nhiều , sai thì các bạn góp ý.
 
Chúng ta phê phán Trung Quốc bóp ngẹt Tây Tạng , nhưng nếu không có TQ thì TT có được hệ thống giao thông trong mơ như thế không ?

Điều này tôi cũng viết ngay trong những bài đầu tiên của topic rồi mà. Thảo luận về vấn đề này thì e rằng sẽ rất rộng và có nhiều vấn đề. Tôi chỉ xin nói vài ý:

- Đúng là TQ đầu tư vào đây cực nhiều, điện, đường đều hoàn chỉnh đồng bộ. Nhưng nhìn lại thì người hưởng hệ thống đó chủ yếu là chính người Hán chứ không phải người Tạng. Chỉ trong vài chục năm, số lượng người Hán ở đây đã tăng vọt, lên đến gần 7 triệu. Người Tạng chỉ có 6 triệu, đã trở thành thiểu số trên chính quê hương họ. Có thể nói điện đường trước hết vươn tới và phục vụ những cộng đồng người Hán đang tràn ngập tại Tây Tạng. Người Hán đang chiếm dần các vùng phía Đông là đất thấp, màu mỡ, ấm áp, nhiều nguồn nước và tài nguyên.

- Kể cả không có nhiều người Hán di dân thì TQ vẫn phải đầu tư vào đây, để phục vụ lực lượng quân sự khổng lồ tại đây, ngày đêm kiểm soát vùng đất có vị trí địa chính trị to lớn này. Đây là nguồn của 4 con sông lớn nhất Châu Á, nguồn nước quan trọng nhất của toàn bộ Nam Á đông dân cư. Kiểm soát nguồn nước này là ảnh hưởng đến một nửa đất đai ASEAN, 1/3 đất đai Ấn Độ, và chính toàn bộ đất đai TQ. Cho nên lượng đầu tư hạ tầng là cho chính TQ, mà khách du lịch chúng ta chẳng qua được hưởng hương hoa từ nó mà thôi. Và người Tạng cũng thế.

- Người TQ có tu sửa bề mặt phố một vài phố lớn ở Lhasa, nhưng ngay đầu kia phố thì hàng loạt siêu thị, cửa hàng với bề mặt không khác gì Quảng Châu, Thành Đô với cờ hoa sặc sỡ, băng rôn treo từ trên xuống dưới. Những chính sách nhà cửa của TQ thì có thể nói là gian xảo để người Tạng dần không còn có thể sống ở Lhasa được nữa. Khi đến Bayi thì mới thấy cả một thành phố là TQ rồi, tìm thấy một quán trà Tạng là điều rất khó khăn.

- Người TQ bắt mọi nhà Tạng đều phải treo cờ TQ ở cao nhất, rõ nhất, trên cả cờ Phật. Nhà nào cũng phải treo ở cổng, nóc nhà, ngay cả chuồng bò nữa. Mọi ngôi đền chùa đều phải cắm cờ TQ cao nhất. Trong nhà thì nơi trang trọng nhất (tương đương với bàn thờ tổ tiên) là phải treo bức ảnh to có chân dung bốn vị : Mao - Đặng - Giang - Hồ và phải treo khăn trắng cầu phúc xung quanh. Trong các đền chùa cũng thế.

- Mang tiếng là khu Tự trị nhưng chính quyền gần như không có người Tạng, hoặc chỉ có người Tạng giả danh. Tiêu biểu là đồng chí Ban Thiền Lạt ma (Panchen Lama) thứ 11 do TQ dựng lên, sống hoàn toàn ở Bắc Kinh, cứ khi có lễ gì thì lại được máy bay đưa về làm rối một lúc rồi lại đưa về BK.

- Trên đây là vài ý thấy rõ ở bề mặt, còn những điều sâu hơn như giáo dục, truyền thông,... thì không rõ nên không dám nói.

Vài điều trên cho thấy có sự khác biệt với kiểu Anh cai trị Hongkong. Hay như Israel quản lý Palestine, tôi cũng đến Palestine rồi, trong đất Palestine không có sự hiện diện của người Israel, không có lính Israel (mật vụ thì chắc nhiều) và không phải treo cờ Israel - dù rằng tiêu tiền Israel.

Chúng tôi vẫn nói với nhau: Nếu không có TQ vào Tây Tạng, thì chắc là chúng tôi đã không được vào thăm Potala, không thể ngồi xe trên những chặng đường xa phẳng phiu thế này. Điều đó chúng tôi quá biết. Nhưng chúng tôi cũng nói rằng phải đi Tây Tạng nhanh trước khi lượng đầu tư của TQ đổ dồn lên nhiều nữa, vì khi đó các con đường phẳng phiu sẽ chỉ dẫn đến những thị trấn TQ, hoặc dấn đến những "Bảo tàng Tạng trong lòng TQ" mà thôi, mà Lhasa là một tiêu biểu.
 
Last edited:
Xin hỏi bác Chitto có phải anh chàng hướng dẫn tên là Tenzin Shalu không ạ ? Nếu phải thì là anh hướng dẫn cho đoàn tôi hồi năm 2012. Nhớ Tây Tạng, nhớ Tenzin. Hình của bác quá sức là đẹp. Xin lỗi vì làm loãng topic, đang chờ xem tiếp bài của bác.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,802
Bài viết
1,138,701
Members
192,753
Latest member
luk88uscom
Back
Top