What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 77

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 77


“Lâu quá đi đâu mất đất dzị anh hai? Trốn nợ bỏ xứ đi hả, hay tiền hết tình tan buồn quá đi tu, hay hết chuyện để 8 rồi nên im thin thít, lặn mất tăm luôn….?”. Nó lại làm cho tôi một chập, nhưng nghe sao ấm lòng quá! “He he he, ừa, cũng lâu thiệt há ku! Mới đó quay qua quay lại, dzậy mà mùa Songkran lại sắp tới rồi. Năm nay có tính qua bển ăn Tết té nước, ngắm người đẹp Chiangmai với anh hai mầy hông ku?”


“Ừ, chắc tui tính năm nay đi qua bển chơi cái Songkran coi thử xem sao chứ thấy anh hai mình nổ quá trời quá đất dzị ai mà chịu nổi? Nhưng mà hổng lý chỉ có ở Chiangmai là Songkran dzui dzẻ thôi hả ông, còn chỗ nào khác chơi Tết té nước nữa hông, cho nó lạ lạ cái coi!”. Nó lại theo bổn cũ, cứ được voi là “đòi Hai Bà Trưng”…


Ừ, mà đâu phải chỉ có Songkran ở Chiangmai đâu há!



* *
*​


Ngày xuân muộn ở Maehongson


Tôi làm sao quên được những ngày đầu hè năm đó. Trong cái nóng nung người miền bắc Thái Lan, tôi mê mải trên những chuyến xe len lỏi qua những nương đồi đi tìm cái Songkran còn nhiều mộc mạc hồn nhiên nơi những miền quê xa đất lạ.


Songkran đâu chưa thấy, chỉ thấy đẹp và yên bình hiền hòa những miền đất xinh đẹp, dù tươi xanh bên những nương đồi, ven những triền sông còn xanh mướt hay héo úa vì những cánh rừng đã khô cháy ngày nắng tháng 4… vẫn ăm ắp đong đầy tình người. Songkran đâu chưa thấy, chỉ thấy những cuộc vui miên man cứ lôi kéo rủ rê bước chân phiêu bạt. Songkran đâu chưa thấy, chỉ biết buổi trưa trước ngày Songkran, trước khi chia tay miền đất quê cuối cùng để về Chiangmai, tôi đã lê lết từ bàn này sang bàn khác, từ bàn một người tôi ngồi sang bàn vài ba người, sang đến bàn hơn chục người,… từ hàng quán về đến nhà của những người thân vừa mới biết,…rồi chẳng còn nhớ nổi tại sao mình ra được bến xe, chẳng nhớ ai đã chở mình đến bến xe, ai đã mua vé,… chỉ biết lúc bác tài vỗ vai “đuổi cổ” tên khách cuối cùng xuống thì mình đã ở Chiangmai!!!


P3300104-1.jpg

Chia tay miền đất Mae Sariang tươi đẹp, nơi con sông Salawan còn hoang sơ luôn ríu rít những cánh cò, là biên giới tự nhiên giữa Thái – Miến….


P3310167-1.jpg

…qua những nương đồi, những con đường đầu hạ đã hồng rực dã anh đào…


P4020053-1.jpg

…tôi về đến miền cao nguyên yên bình Maehongson xanh ngắt.


Trong những ngày vui đó, trong cái nóng đầu mùa hè đã chát chúa đó, tôi đã có những ngày lạc bước đến một miền đất mà mùa xuân vẫn còn nuối. Không chỉ vì cái lạnh miền cao nguyên như gợi nhớ mùa xuân, ở Maehongson những ngày đó, giữa những nương đồi những cánh rừng những con đường bạt ngàn dã anh đào hồng rực… khi đang ngơ ngáo quanh ngôi chùa xưa, bên sườn đồi cằn khô, tôi đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy gốc mai gầy guộc vẫn cố nở những đóa hoa vàng mong manh, như còn cố dâng hiến chút tình xuân muộn….


P4020309-1.jpg

Nhìn xa, tôi cứ một loài hoa dại nào đó bên triền đồi…


P4020308-1.jpg

…để khi lại gần mới ngỡ ngàng khi thấy những cánh mai vàng muộn màng trên xứ khách quê người.


Rồi những ngày xuân muộn Maehongson, tôi đã vui say trượt dài từ lễ hội Poisanglong dành cho các bé trai của người Thái, những lễ hội vui trong trại tỵ nạn của người Karen (từ Burma), bản của người H’mong, người Hoa (tỵ nạn từ những năm 1949)… và cả những đêm vui không thể nhớ hết tại Maehongson.



___________________

Còn ít nhất 23 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 78

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 78



P4020058-1.jpg

Maehongson, những mái chùa thanh thoát phong cách Miến Điện bên những bảo tháp vàng lung linh của người Thái…



Mùa xuân đó tôi ra đi khi trong khu vườn quê của tôi vẫn còn nở muộn những cánh mai vàng, như muốn níu kéo bước chân hoang. Miên man qua những miền đất rực rỡ những bò cạp nước vàng lộng lẫy, lũ bông giấy phô phang sặc sỡ những sắc màu như không có thật, những cánh phượng nở sớm đỏ rực một góc phố nắng… tôi đã quên mùa xuân, cho đến lúc tôi gặp Maehongson, gặp những cánh mai hoang dã rực sáng như những đốm lửa trong một buổi sớm sương mù giăng mắc mãi vấn víu trên phố cao nguyên…


Rồi những ngôi chùa lộng lẫy sắc màu, tíu tít những cờ hoa mừng ngày Poisanglong, chuẩn bị cho mùa Songkran sắp đến, những thôn làng rộn rã mùa vui… nên tôi đã dừng chân nơi đây Maehongson lâu hơn đã dự định, để gặp, để sống với một miền đất hiền mà tôi chắc chắn là tôi sẽ quay lại một ngày, không xa…


…………



Buổi sớm mai xuân muộn đất trời trong trẻo, núi rừng tinh khôi, tôi lang thang phố núi, thật sớm, để được đắm mình, thật sâu, trong thiên nhiên trong lành, đất trời tinh khôi,… để mong sẽ gột rửa bớt những bụi trần, những tâm sân, những lòng si,…


P4010046-1.jpg

Tôi đi theo những người gánh lá lạ lùng….


P4010051-1.jpg

…theo những chiếc gùi gùi lá, theo vào những cánh rừng hun hút…


P4010053-1.jpg

…để lạc bước đến khu tỵ nạn của người Miến Điện.


Tôi cứ đi miên man, tôi đi lang thang… Đi vô định, theo những con đường đẹp, theo những con đường rực rỡ dã anh đào,… Chợt thấy những người người gánh lá lạ lùng ven đường, tôi tìm theo, để lạc bước vào rừng xanh, quê xa,… Rồi thấy lòng chùng sâu khi bước qua chiếc cổng ọp ẹp của khu tỵ nạn của người Miến Điện ở ven một cánh rừng rậm rịt, mà không xa lắm bên kia là đất nước mà họ đã đớn đau từ bỏ ra đi để mong cầu một ngày mai tươi sáng hơn….



P4010066-1.jpg

Để được đón nhận nụ cười chào “chúm chím” của bác gái người Karen, tuổi đã cao nhưng vẫn duyên dáng trong chiếc áo hồng tươi trẻ…
Bác này thuộc bộ tộc tai to (người mình ngày xưa hay nói “m… cà răng căng tai” – có lẽ cũng giống như vậy chăng).


P4010095-1.jpg

…mải mê ngắm những cô em Karen cổ dài xinh đẹp


P4010083-1.jpg

...và đến chơi nhà 2 mẹ con chú nhóc người Karen này.



Để buổi sáng hôm đó, để ngày dài hôm đó, tôi rẽ bước vào một cuộc phiêu lưu nhỏ - những cuộc phiêu lưu làm những cột mốc không thể quên được, cho những chuyến đi hoang của tôi…



* Có nhiều bản làng của người Karen Cổ dài gần Chiangmai, Pai… được chính quyền địa phương xây dựng như một điểm du lịch, với mục đích là để góp thêm chi phí, hỗ trợ những người dân tỵ nạn này (tôi có trao đổi với các bạn HDV người Thái – và tôi cũng đã có đi ngó nghiêng ở mấy chỗ khác), nhưng tuyệt nhiên không có chuyện chụp hình là phải trả tiền như một số báo đài nước nhà đã đưa tin (cho đến 2009 theo như tôi biết). Nhiều bạn than phiền về chuyện “thương mại hóa…”, nhưng hãy nghĩ về mình trước khi nghĩ về họ, hoàn cảnh của họ, những người dân tỵ nạn. Còn trong ngôi làng tỵ nạn này, vẫn có khu bán hàng lưu niệm cho khách nhưng rất mộc mạc, sơ sài. Khách du lịch cũng rất ít đến đây, đường khó đi cho xe 4 bánh. Bạn đừng đến đây sỗ sàng chụp vài tấm hình rồi về. Hãy ghé chân bên căn chòi nghèo, những mái lá đơn sơ, nở những nụ cười chào họ, trò chuyện với họ,… bạn sẽ được nồng nhiệt đón chào, dù bạn chẳng mua bán gì, sẽ được mời đến thăm những căn nhà nghèo nàn, rách vá… nhưng rất ấm nồng tình thân.



___________________

Còn ít nhất 22 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 79

Thanks các bạn adachihi, me_bush2013 đã đọc và chia sẻ. Mong sẽ được tiếp tục “gặp” các bạn!

------------------------------------------------------------------



Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 79



“Chèn đét quỷ thần ơi, ông lặn lội đi đâu mà chui vô cái hóc bà tó xó xỉnh nào lạ hươ lạ hoắc đó dzị! Tui trước giờ có nghe nói người cổ dài mà giờ mới thấy. Cũng ngộ quá hén! Mà ở đó còn có người “tai to” gì gì nữa đó hả… Mà ông có thấy gì hay hay hơn nữa hông, chứ chụp mấy cái hình đó rồi dzìa thì tui thấy ông cũng hơi “sỗ sàng” đó!”. He he he, lâu lâu cứ bị chú em chơi cú hồi mã thương, may mà biết trước nó lâu rồi chứ không cũng ngã chỏng vó!

“Người Cổ dài đó hay hông? Hay hả! Vậy mầy coi ông anh mầy cổ có dài không há…”.

Rồi nó trợn tráo con mắt nhìn thấy một giống người Cổ dài mới. He he he….


* *
*


P4010200-1.jpg

Người Cổ dài gốc Kinh motdoidirong đây!


Cớ sự cho cuộc “phiêu lưu” nhỏ của tôi bắt đầu từ việc lê la trong xóm và bắt chuyện với cậu nhóc Karen có tên La Guie (hình chụp với mẹ ở trên). Cậu là một trong số ít người nói chuyện bằng tiếng Anh tốt ở đây. Cậu đã tốt nghiệp Trung học, trong thời gian chờ đợi việc xin được ra ngoài học tiếp hay không cậu giúp việc cho các dự án cộng đồng của khu tỵ nạn. Nói chuyện ngoài đường một hồi cậu nhóc dắt tôi đi ngó nghiêng khắp nơi trong xóm, trước khi dẫn tôi về nhà để xin phép mẹ cậu cho đi chơi với tôi – bắt đầu chuyến phiêu lưu nhỏ mà mãi đến giờ tôi vẫn không biết là tại sao mình đã quyết định như vậy.


P4010068-1.jpg

Ngôi nhà thờ xác xơ và buồn lặng…


P4010075-1.jpg

…bên cạnh góc tâm linh xưa cũ của bản làng…


P4010073-1.jpg

Phòng Ban giám hiệu (!?) trường học này so với những ngôi trường ở vùng cao nước Nam này thì sao há?


Số là những người dân trong bản tỵ nạn không được phép tự ý ra ngoài. Mỗi khi có việc cần kíp họ phải xin phép, có giấy phép của cảnh sát quản lý mới được đi. Hôm đó, trong lúc nói chuyện, hỏi thăm về dự định kế tiếp trong ngày của tôi… nghe cách cậu nói chuyện và nhìn vào ánh mắt cậu, tôi nghĩ rằng cậu rất muốn ra ngoài, rất muốn đi cùng tôi đến một ngôi làng, ngày trước cũng là của những người Hoa kiều tỵ nạn, nhưng bây giờ đã thành người bản xứ, chỉ cách chỗ ở của cậu vài mươi cây số mà cậu chưa bao giờ đặt chân tới dù đã ở đây bao nhiêu năm. Nghe cậu nhóc thở dài buồn bã khi tôi hỏi đã bao lâu rồi cậu mới được ra phố, tự nhiên tôi buộc miệng “Có muốn đi ra ngoài chơi hôm nay hay không?”. Ngỡ ngàng, cậu hỏi lại, rồi hỏi lại lần nữa “Nhưng mà em chưa xin giấy phép làm sao đi!”. Chẳng hiểu sao tôi nói đại luôn, “Thì cứ đi đại đi chắc không sao đâu”!


P4010092-1.jpg



P4010097-1.jpg



P4010100-1.jpg

Trẻ con, dù có bé cười vui với khách, nhưng những ánh mắt sao buồn!​



Nói thì nói vậy, nhưng khi chở cậu chạy xe gần tới chốt cảnh sát biên phòng khi từ làng ra ngoài đường cái, tim tôi bắt đầu đập thình thịch, tay lái bắt đầu lạng quạng… và tôi bắt đầu lâm râm khấn vái.


___________________

Còn ít nhất 21 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 80

@ Chitto, thường những câu chuyện như vậy hay bị “treo đầu dê bán thịt chó” lắm!!! Do vậy, tôi đang chuẩn bị hứng đá đây.
_____________



Miền đất Maehongson này dù không tao loạn như miền Nam Thailand nhưng vẫn chưa bình yên. Có rất nhiều toán quân, trạm gác trên đường. Có 2 lý do chính. Biên giới Thái-Miến không xa, đôi lúc chỉ là dòng sông Salawan dễ dàng lội qua ở những khúc sông hẹp, có nhiều người Burma sang tỵ nạn bên Thái, nên chính quyền Thái phải kiểm soát chặt chẽ. Thứ nữa, miền đất này cũng là một điểm nằm trên con đường đi của hoa anh túc, do vậy việc tăng cường kiểm soát là đương nhiên.


Và tôi, buổi chiều hôm qua cũng đã bị các anh lính biên phòng chặn xe lại khi thấy tôi lẩn quẩn ở một vùng ngoại ô Maehongson khi đang tìm đến ngôi làng sẽ tổ chức lễ hội Poisanglong (theo tin từ anh tourguide trong phố). Vì tìm không ra ngôi làng đó nên tôi cứ vòng xe đi vòng xe lại, thế là bị chận lại. Nhưng những người lính này mới dễ thương làm sao. Trao đổi kém, một anh lính vào trong đồn lấy ra một cuốn tự điển Anh-Thái anh đang học để trao đổi với tôi. Khi biết tôi đang tìm kiếm gì, anh và các bạn gọi điện thoại hỏi han lung tung và cuối cùng nguệch ngoạc ghi, vẽ ra cho tôi tên, cách đi đến ngôi làng có tổ chức lễ hội Poisanglong vào ngày mốt (đó là lý do hôm nay tôi rảnh, lang thang vào làng long-neck này). Bắt tay bắt chân các anh lính trẻ, cảm ơn tíu tít tôi mới chạy về Maegongson.


P4010145-1.jpg

“Bạn đồng hành” hiếm hoi người Karen của tôi.


Do vậy, khi đi với chú nhóc này, lỡ mấy anh lính trẻ nào chận lại hỏi han thì chắc tôi tiêu đời quá. Dù mấy anh lính dó có dễ thương đến mấy mà tôi phạm luật, ở vùng nhạy cảm này đương nhiên là sẽ bị xử thôi. Nhất là tôi và chú nhóc đang chạy ngược về biên giới, nơi có ngôi làng Ban Rak Thai (Thai Loving Village), ngôi làng của những chiến binh Quốc Dân Đảng tỵ nạn, từ những năm 1949, khi Trung Cộng chiến thắng ở Hoa lục.


P4010132-1.jpg

Đèn lồng đỏ treo cao ở Maehongson.


Nhưng ơn trời, rồi!!! cuối cùng mọi chuyện bình yên.


(Sorry nếu làm mọi người mất hứng vì câu chuyện đầu voi đuôi chuột này!!!)


___________________

Còn ít nhất 20 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 81

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 81



“Thấy chưa cha nội! Mới cưa bom một cái mà đã bị văng miểng chạy mất dép, bữa giờ hổng thấy tăm hơi đâu hết luôn. Biết dzậy mai mốt bớt giỡn nghe đạiK!” Thở hắt một cái lấy hơi, nó lại tiếp “Nhưng mà thôi, đời người ai hổng có lỡ lầm hén! Coi như anh hai mình trẻ người non dạ, lâu lâu ham nghe tiếng nổ, cưa bom một cái chơi dzị đó mà! May mà bom cà xịt cà đụi! Thôi, bỏ qua đi hén, tiếp chuyện khác đi anh hai!”…. “Ê ku, cha tao hả mậy! Một vừa hai phải thôi chớ! Bữa giờ anh hai mày vắng bóng giang hồ có phải như mầy nghĩ đâu ku! Anh mầy đang lang thang đến một miền đất mới bên Thái, hay quá chừng trời luôn, chớ có nào như mầy hồ đồ nghĩ, ku em!”


“Xạo vừa anh hai! Thailand mà ông còn nói miền đất nào mới nữa, anh em ở đây người ta cười cho tắt bếp luôn. Lúc đó, hổng biết cắt cái mặt quăng đâu nữa à nghen!”. Nó lại vậy, cứ mỗi lần muốn biết lại cứ lôi chuyện người chuyện đời ra bảo kê! "Hổng tin hả, nghe anh hai hỏi vài câu hén! Mầy mà biết, tao chết liền!"


DSCN7712-1.jpg

“Mầy đừng có nói không biết Siam là ở đâu nghen ku!”



DSCN7530-1.jpg

“Vậy, có muốn là người đón bình minh sớm nhất xứ đó hông?!”​


Vậy, ku em có biết nơi nào trên đất Thái sẽ đón bình minh đầu tiên hông?” Im thin thít!


DSCN7545-1.jpg

“Hay là người ngắm hoàng hôn sớm nhất xứ đó? Chịu luôn hả?”



“Vậy ku em có biết nơi nào trên đất Thái sẽ đón hoàng hôn đầu tiên hông?” Lặn mất tăm.…



“Ca bài “Em nào biết, em nào có hay” đi ku!” Trước khi anh hai mầy đưa ku em đến đó, tặng ku em mầy một tấm hình, ở miền đất đó, để mầy có phút tĩnh tâm ngắm súng tím mong manh, trong nắng sớm, bên chùa xưa, để lòng bớt sân si đi ku há!”


DSCN7294-1.jpg

Tôi đến ngôi chùa này từ lúc nắng chưa ấp ôm những bông súng mong manh. Và tôi chờ nắng lên,.. May mà nắng đã lên!!!



***


Sao tôi lại đến miền đất này quá trễ tràng như vậy, để một mai nắng tháng ba ngỡ ngàng nhìn bóng nắng trên dáng hoa hao gầy, trên mái chùa lóng lánh, mới thấy mình gặp lại mình, ở những ngày đầu cất bước ra đi…


___________________

Còn ít nhất 19 chương hồi nữa!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,047
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top