What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 90

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 90


Pha Taem còn có nhiều thắng cảnh khác như những cánh đồng hoa dại mênh mang, nhưng chỉ rộ nở từ tháng 12 đến tháng 2, khi xuân về trên miền rừng nhiệt đới này. Pha Taem còn có những con thác đẹp, nhưng chỉ đẹp vào mùa mưa nhiều, tháng 7, 8… Pha Taem còn có,… còn có… nhiều lắm. Nhưng tôi đến vào những ngày nắng tháng 3 nên đành chia tay Pa Taem để đến Kaeng Tana, một khu vườn quốc gia khác cũng gần Khong Jiam, nơi có chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan – những cái gì có chữ “nhất” thì nên đưa vào bộ sưu tập bạn há.


DSCN7562-1.jpg

Thác Soei Sawan nổi tiếng mùa khô giờ nước loe hoe như bò đái (quê tui hay nói dzị) vậy cà!


DSCN7563-1.jpg

Ở quanh vùng này, triền sông có những hốc đá nhỏ rất lạ. Có nơi triền sông trải rộng, có đến mấy ngàn hốc đá như vậy. Vào mùa mưa, nước trong các hốc đá trong xanh (không bị nước tù như giờ) và trở thành những triền sông ngàn mặt trời – vì sẽ có mỗi mặt trời trong từng hốc nước đó.


Từ Pha Taem, đi đến những con thác (cạn) mất 14km nữa, rồi từ đó quay về Khong Jiam mất 21km, rồi từ Khong Jiam đi đường khác đến Kaeng Tana mất 12km nữa. Quả là những đoạn đường dài giữa trưa nắng thênh thang miền cao nguyên Khong Jiam. Nên tôi ghé ngang Khong Jiam ra bờ sông nằm dưới bóng dương nghỉ ngơi, cũng tiện thể ngồi ngắm sông trưa luôn.


DSCN7617-1.jpg

Có nhìn thấy được dòng sông 2 màu?


Dòng Mekong trưa xanh biêng biếc, trong khi dòng Mun lại xanh rì màu lá! Nhưng dòng sông 2 màu của tôi đâu sao tôi chưa tìm thấy!


DSCN7634-1.jpg

Trải nghiệm kinh hoàng & thú vị khi đi qua cây cầu treo dài nhất Thailand đã bị mục này.
Nhiều thanh ngang đã gãy, để lộ những lỗ hổng trống hươ trống hoắc gió lùa qua hun hút. Thanh tôi sắp bước tới có mục chưa?


___________________

Còn ít nhất 10 chương hồi nữa!
 
Em đọc bài của anh mấy ngày nay mà mê quá , không biết khi nào có dịp đi rong như vậy , thái lan hiền hòa và thân thương tình người hơn đất nươc mà mình đang sống quá , cám ơn anh nhiều ...........
 
Last edited by a moderator:
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 91

@ & Cảm ơn jinnynhungoc, SPORT4477, đã đọc và chia sẻ nhé. Mà thực ra, mddr hổng có gõ dòng nào nói là “Thái Lan hiền hòa và thân thương tình người hơn đất nước mà mình đang sống quá” đâu nghen. Nếu mddr gõ sao mà bạn hiểu như vậy, rồi có ai đó vào ném đá (vì dạo này thấy có nhiều người rảnh quá, hay đi soi mói từng câu chữ của người khác) đại loại là “sao chê bai đất nước mình”… là mddr không chịu trách nhiệm đâu. Thanks, anyway!

-----------------------------------------



Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 91


Vùng Khong Jiam này thật lạ & quyến rũ, mà sao tôi ít thấy các khách du lịch nói đến, cũng như sách du lịch cũng nói qua quít sơ sài. Ở vách núi Pha Taem thì bí hiểm những tranh vẽ hơn 3 thiên niên kỷ tuổi tác của người xưa. Mới được tìm thấy những năm 80 thế kỷ trước, còn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng nhiều người cho rằng đây từng là một “cái nôi” của người cổ đại miền Đông Nam Á. Còn ở Kaeng Tana này thì người ta lại tìm thấy những dấu tích của người Khmer xưa, mà cái tên Kaeng Tana này cũng là của người Khmer, bắt nguồn từ chữ Khmer cổ “tenia”, nghĩa là “nguồn cá” – vì những kiến tạo lạ lùng của triền sông đá nhiều hốc sâu, những dòng chảy lạ, hợp lưu của 3 dòng Mekong, Mun, Lam Dom Noi… nên ở đây ngày xưa, và bây giờ cũng rất nhiều cá.


aDSCN7689-1.jpg

Một “dấu tích” của người Khmer xưa.


Và cho những ai thích sưu tầm những cái “nhất” cộng thêm chút máu phiêu lưu mạo hiểm, hãy đi qua cây cầu Saphan Khwan. Chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan, bắt ngang qua dòng Num Mun xanh rì, đi vào con đảo Don Tana xanh ngắt rừng nhiệt đới, và vắng ngắt không một bóng người.


DSCN7624-1.jpg



DSCN7623-1.jpg

Một phần ngắn của cây cầu treo dài nhất Thái Lan bắt qua dòng Nam Mun xanh rì.


Vì, những bạn trẻ người Thái đều chỉ mon men ở phần đầu cấy cầu chụp hình rồi lui – vì cây cầu giờ bị mục nhiều quá. Hình như ở đầu cầu còn có bảng khuyến cáo không nên đi gì đó, bằng chữ Thái. Nhưng vì không đọc được chữ Thái, nên tôi đi. Mà dù có đọc được chữ Thái, tôi vẫn đi.


DSCN7639-1.jpg

Bạn có thấy bóng “nó” cô đơn trên cây cầu soi bóng dưới dòng sông xanh.


___________________

Còn ít nhất 9 chương hồi nữa!
 
Em không có nói anh ghi câu thân thương hiền hòa.... mà do em cảm nhận trong bài viết của anh , ai ném đá kệ họ , em ghi như vậy đó cứ ném em thoải mái he he
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 92

@SPORT4477, ngưng gõ lóc cóc có thể vì nhiều lý do lắm, làm biếng, mất hứng, đi rong, kiếm tiền để đi rong… hoặc chỉ vì hổng có gì để gõ! He he he...

-------------------------------------------------------


Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 92


66135366.jpg

Dòng sông 2 màu, những ngày nó 2 màu (hình từ internet)


Đến Khong Chiam những ngày xanh nắng tháng 3 cũng có nhiều cái hay, khi trời trong nắng vàng làm những tấm hình cứ dậy màu lên ngời ngời, đi đâu đó cũng tiện, cứ lên xe chạy băng băng khỏi ngại mưa sợ gió đường trơn trợt dễ té,… nhưng cái dở là những con thác, những dòng suối cạn queo, chẳng ngó nghiêng hay tắm táp được. Chưa kể cái dở là không thấy được dòng sông 2 màu Mae Nam Song Si cũng như các triền sông ngàn ánh mặt trời khi nước sông ngập kín các hốc đá là lạ bên triền sông Nam Mun, Nam Khong…


DSCN7678-1.jpg

Từ triền sông nhìn ngược về cầu treo dài nhất Thái Lan


DSCN7630-1.jpg

Sự chăm chỉ của người dân, chắt chiu từng hốc đất trên triền sông đá để trồng từng nhúm lúa!
Như những nắm đất chắt chiu vào hốc núi, như những cây bắp trên triền đá Đồng Văn!


DSCN7686-1.jpg

Di tích người xưa ở Kaeng Tana


Xuống triền sông đá Nam Mun, nhìn con nước nổi tiếng cuồn cuộn chảy của khúc sông này giờ loe hoe chảy, tôi lại ngược lên bờ. Thích thú ngắm nhìn những pho tượng cổ mà không biết chúng là của người Khmer hay người Thái, vì tôi đọc tài liệu thì thấy rằng người ta tìm được những tượng cổ người Khmer ở đây, nhưng chẳng có chú thích chỉ dẫn gì, hdV đóng cửa về mất tiêu vì vắng hoe vắng hoét. Lang thang trong Kaeng Tana, hỏi thăm các con thác, đều thấy lắc đầu quầy quậy, nên thôi tôi bỏ đi. Leo lên xe chạy tót về Khong Chiam, tắm rửa sạch sẽ, chạy ra 7/11 mua mấy chai Chang 6,4độ cồn mát lạnh, nhét vào balo tôi ra triền sông chia tay với Mekong, chia tay Nam Mun một chiều xanh rồi một hoàng hôn đỏ rực, như bao lần tôi đã chìm trong hoàng hôn trên sông mẹ Mekong.


DSCN7738-1.jpg

Chia tay Khong Chiam, chiều nay một mình tôi triền sông vắng tênh gió Mekong hun hút…


DSCN7725-1.jpg

…lần hồi tôi xuống đến bờ sông, nơi có chiếc xích đu vỏ xe trên dòng sông 2 màu.​


Rồi đêm về, tôi lại chia tay Khong Chiam trong phố nhỏ. Phố khuya vắng yên đến mức nghe tiếng dòng sông rì rào ngoài kia, dù đôi lúc lại ngỡ rằng tiếng lá đêm tự tình. Bàn vắng tôi ngồi một mình chợt trở thành bàn đông, thật đông khi chủ nhà và các bạn của anh ghé ngồi chung. Khách lạ giờ đã thành bạn quen, Khong Chiam mới một lần đến giờ như đã ở đây lâu lắm rồi… làm sao đi?


DSCN7736-1.jpg

Hoàng hôn, lại một hoàng hôn nữa trên dòng Mekong ngang qua đời tôi…



Chia tay Khong Chiam một đêm say thật say, không biết khi nào sẽ lại về để được ngắm dòng sông 2 màu. Chỉ biết là ngày đó sẽ không xa!


___________________

Còn ít nhất 8 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 93

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 93



Tôi về lại Ubon một ngày nắng ơi là nắng.


Quăng đồ đoàn vào phòng nghỉ, tôi ra đường đón xe đi chùa Ban Na Muang, còn được gọi là Sa Prasan Suk. Xui cho tôi hôm nay là Chủ Nhật, ngày chỉ có 1 chuyến xe duy nhất từ Khong Chiam về Ubon lúc 6g sáng, nên tôi cũng chẳng sao nhớ nổi sau đêm chia tay Khong Chiam nồng nàn tôi đã thức dậy, gói ghém và lê xác ra được bến xe như thế nào. Ngày Chủ Nhật cũng là ngày nhiều dịch vụ đóng cửa. Ở Ubon, cuộc sống cũng chậm như ở Lào vậy. Trưa về tôi còn biết thêm là các quán ăn cũng đóng cửa luôn! Báo hại tôi, xe đạp không thuê được mà song-thẻo cũng thưa chuyến, nên tôi chờ gần 1g đồng hồ mới đón được chuyến xe số 8 đi chùa.


Và ngẩn ngơ từ trước cổng chùa, đến khi vào chùa. Một ngôi chùa không cổ xưa nhưng đẹp lạ lùng, từ kiến trúc đến ý nghĩa.


DSCN7810-1.jpg



DSCN7806-1.jpg

Cổng chùa Ban Na Muang. Đừng cắc cớ hỏi tui sao hổng chụp cái cổng dưới còn lại há!


DSCN7804-1.jpg

Thuyền Ban Na Muang.


Bạn xem hình trước, tôi sẽ kể thêm cho bạn về ngôi chùa này.


___________________

Còn ít nhất 7 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 94

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 94


Chùa Ban Na Muang, giờ thường được gọi là Sa Prasan Suk được xây dựng bởi cao tăng Luang Pu Boon Mi (hoặc viết là Luang Poo Boon Mee) vào cuối thế kỷ 20. Nằm hơi xa phố, ở ngoại ô Ubon. Ngôi chùa làm tôi sửng sốt ngay trước khi bước qua cổng chùa. Vì đi qua cổng chùa là đi dưới bụng của một chú voi 3 đầu cao khổng lồ. Voi thần Airavata của vị thần Ấn giáo Indra vừa là cổng chùa, cũng là linh vật bảo vệ chùa – tôi được ông chú người Thái giải thích khi thấy tôi lơ ngơ ngắm nhìn.


DSCN7770-1.jpg

Ngôi chùa/gian điện chiếc thuyền nhìn từ tầng cao nhất của tháp chuông.


Mới vừa “hết hồn” bởi chiếc cổng chùa độc đáo, tôi lại choáng ngợp với chiếc thuyền nâu đỏ hoành tráng nằm ngay trong khuôn viên chùa. Trên thân chiếc thuyền là một gian điện thờ nhỏ thanh thoát. Chỉ thoáng thấy các phù điêu chạm trổ thật sắc xảo, nhưng chưa kịp leo lên thuyền để nhìn ngắm kỹ hơn, tranh thủ lúc nắng vừa lọt qua đám mây, tôi vội leo lên tháp chuông cao ngất của chùa. Để có thể chụp được toàn cảnh chiếc thuyền vì dưới đất ống kính tôi không lấy hết được chiếc thuyền quá to lớn. Mê mẩn từ trên cao nhìn xuống, sửng sốt với chiếc thuyền – ngôi chùa quá đẹp, tôi sững người ngôi trên tháp cao. Cũng để chờ bóng mây đi qua để có thể chụp được những tấm hình đẹp.


DSCN7785-1.jpg



DSCN7777-1.jpg

Thanh thoát và kiêu hãnh khi nhìn từ bên dưới.


Rồi tôi xuống dưới, tần ngần bước chậm quanh ngôi chùa, tìm kiếm các góc chụp đẹp, vừa ngẫm nghĩ ý tưởng của vị cao tăng Luang Pu Boon Mi khi xây dựng gian điện chùa này.


___________________

Còn ít nhất 6 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 95

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 95


DSCN7762-1.jpg

Chiếc thuyền chở ngôi chùa như là tâm, trên biển dục vọng của con người.


Hiểu nôm na theo ý của cao tăng Luang Pu Boon Mi, chiếc thuyền chở ngôi chùa như là tâm, nổi trên mặt nước – dục vọng của con người. Điều quan trọng cho người tu cũng như người trần là sao giữ cho tâm luôn vững, không chao đảo trên biển dục vọng của mình. Nên ông xây chiếc thuyền – ngôi chùa này để nhắc nhở các vị tăng sĩ cũng như Phật tử, khách du viếng chùa.


DSCN7788-1.jpg

Đẹp đến từng chi tiết nhỏ - ở một ô cửa sổ…


DSCN7802-1.jpg

…hay những họa tiết lớn, tất cả đều lung linh rạng ngời.


Ông đã qua đời được mấy năm. Pho tượng của ông được đặt ở một vị trí trang trọng trong chánh điện. Có nghe nói là cốt nhục của ông cũng được giữ gìn như một pho tượng, tôi cũng hỏi tìm, nhưng không ở đây, nên tôi không được chiêm bái.


DSCN7791-1.jpg

Không chỉ riêng ngôi chùa/chiếc thuyền đẹp, phối cảnh tổng thể, những kiến trúc khác trong chùa đều rất đẹp.


Lang thang trong chùa vắng thật vắng buổi trưa giờ nắng đổ, tôi chia tay ngôi chùa trong tiếc nuối, bồi hồi. Lóc cóc cuốc bộ hơn cây số ra đường chính đón song-thẻo về lại Ubon, tôi chưa chia tay Ubon mà đã nhớ.


___________________

Còn ít nhất 5 chương hồi nữa!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,018
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top