What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 100

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 100
-----------------------------------------------------


“Heyzzzà,…. Như vậy, lần lần mò mò riết rồi ông cũng lê lết kéo được 100 "chương hồi"! Thiệt là quá sức hâm mộ khả năng nói dài nói dai nói dại nói dở của ông luôn!!! Nhưng hết 100 chương hồi này là ông tắt đài luôn đúng không? Sức tàn lực kiệt, chân chồn gối mỏi rồi,… có muốn lê lết, có muốn nói thêm chắc cũng khó mà. Thôi, có nhiêu chơi nhiêu đi, kết thúc đi, gắng làm gì,… tui thấy tội nghiệp ông quá!”. Như thường lệ, nó lại rên rỉ ỉ ôi như bà bán xôi ế.


“He he he… 100 áh! Nhằm nhò gì! Nhưng mà muốn coi tiếp thì nói đại đi, còn sĩ diện nữa!!! Chống mắt lên nè ku!”




* *
*



001.jpg

Một trong những lý do tôi thích miền đất này là vì những ngôi chùa thanh thoát…
(Wat Rong Kun, Chiang Rai)


007.jpg

…những pho tượng Phật bình yên (kể cả những pho tượng bằng cát, trên cát), sẽ giúp kẻ lang bạt tâm an, trí lành.
(Wan Lai Festival, Bang Saen. Chonburi)


Tôi đi Thái ngang qua dọc lại cũng chỉ cỡi ngựa xem hoa, không như nhiều bạn đang sinh sống học tập làm việc, cũng như nhiều bạn phiêu bạt giang hồ trót yêu miền đất này. Nhưng, dường như tôi có nhiều duyên lắm nợ với xứ sở của những nụ cười. Cũng rất nhiều người hỏi tôi cái câu y chang như cái tựa đề của loạt bài này “Ủa, bên đó có gì đâu mà mày đi hoài vậy?”, rồi cũng có những loạt bài trên nhiều diễn đàn bàn về “những cái xấu của Thailand”… nhưng tôi vẫn đi. Vì lòng đã trót... Biết làm sao giờ! (Tiện đây cũng nói thêm chút, trong những topic viết về mặt này mặt kia, so sánh du lịch TL, VN,… các bạn thường có những câu mà dân giang hồ thường nói văn hoa “ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”. Nhưng các bạn quên mất một điều, điều quan trọng nhất, là cái tỷ lệ “thằng khùng thằng điên” đó nó cao ngút ngàn trời mây hay thấp lè tè như thế nào ở mỗi nơi).


006.jpg

Và cũng thích vì miền đất có nhiều gái đẹp…
(Cuộc thi tìm Miss Song-kran Chiang Mai, hàng năm vào tháng 4)


003.jpg

… với những điệu múa dịu dàng quyến rũ chào đón khách giang hồ lang bạt.
(King Mengrai Monument, Chiang Rai)


005.jpg

… cũng không ít trai xinh (cho các bạn nữ khỏi hoạnh họe vì sao chỉ giới thiệu gái đẹp).
(Lễ giao duyên tìm bạn của các cô gái Chiang Mai).


Thôi thì cũng đã lê lết được 100 đoạn viết nho nhỏ về xứ này. Cũng chẳng bõ bèn gì so với những topic hoành tráng khác (?!). Rồi đọc lại thì thấy còn sót nhiều quá. Sót vì những sub-topic đầu giới thiệu cả một miền đất với nhiều những thứ hay ho lạ lẫm chỉ trong một đoạn ngắn nên cần phải gõ thêm, gõ lại; sót vì còn nhiều miền đất mình đã đi nhưng vì lười nhác vẫn chưa giới thiệu; sót vì những miền đất mình sắp đi (!?) nhưng chưa biết gì để giới thiệu; sót về những hội hè hoan lạc làm bừng sống, làm thay đổi những miền đất tưởng đã rất quen,…


Nên có lẽ đành tiếp tục.


Nên có lẽ chắc còn nợ còn duyên.


002.jpg

Lang thang miết miền đất này vì lỡ trót đem lòng yêu thiên nhiên tươi đẹp…
(Spring Flower Festival – Chiang Rai).


004.jpg

… và những đóa anh túc ngẩn ngơ lòng ai.
(H’Mong Village – Chiang Mai).



Mà cũng để mình tự trả lời mình “Ừ, Thái Lan cũng đâu có gì mà sao mình cứ đi miết ở bển hoài vậy hổng biết!”.


___________________

Đã hết 100 chương hồi đầu tiên!
 
101 - Rực rỡ Chiang Rai.

101 - Rực rỡ Chiang Rai.


Nằm cạnh người anh em láng giềng lộng lẫy với mỹ danh “Đóa hồng phương bắc” – Chiang Mai, phố núi Chiang Rai dường như ít được biết đến. Có ai đó biết lơ mơ chăng chắc là vì Chiang Rai nằm trong cung đường từ Luang Prabang đi Chiang Mai hay Luang Prabang đi Tam Giác Vàng (một huyện nhỏ của Chiang Rai),… nên Chiang Rai thường được du khách ngó nghiêng, chiêm ngưỡng… từ cửa xe!


IMG_6120-1.jpg

Phố phường long lanh.​


Tôi cũng vậy, nhiều lần mê mải theo cung đường ngược ngược xuôi xuôi để kịp vừa ăn Tết Té nước Song Kran Chiang Mai vừa kịp ăn Bun Pimai Luang Prabang,… tôi đã ngang qua dọc lại Chiang Rai nhiều lần. Thậm chí có một lần phải qua đêm vì những chuyến xe luôn hết vé những ngày Song Kran. Thiệt tình mà nói, ấn tượng của cái đêm vì hết xe hết vé bị kẹt chân lại ở Chiang Rai đó của tôi rất tệ. Phần vì bực mình, lo lắng bồn chồn cho cung đường ngày mai, không biết có đến Huoayxai kịp để bắt chuyến speed-boat duy nhất trong ngày về Luang Prabang hay không. Phần thì rớt xuống Chiang Rai tối trờ tối trật, nhà nghỉ, khách sạn kín phòng những ngày Song Kran làm tôi đi lòng vòng mệt đứ đừ mới có chỗ lánh thân. Phần thì lười nhác chỉ đi lòng vòng quanh khu nhà nghỉ, lại cũng khá gần một khu massage “không lành mạnh” nhiều các em mắt xanh mỏ đỏ phục vụ khách Tàu (việc này sẽ chi tiết sau),… Nên ấn tượng với Chiang Rai của tôi thật tệ :T.


IMG_6100-1.jpg

Đèn lồng bạc giữa trời xanh lung linh Chiang Rai ngày xuân.


IMG_5859-1.jpg

Hoàng hôn hồng bên Chùa Trắng.



Cho đến một ngày mùa xuân, tôi ghé thăm Chiang Rai những ngày thảnh thơi. Và ngỡ ngàng trước Chiang Rai, mà theo tôi có phần thú vị hơn cả Chiang Mai. Tại sao ư? Tại vì Chiang Rai còn giữ được nhiều thứ Chiang Mai đã mất. Tại vì địa hình núi đồi sông suối đa dạng của Chiang Rai hơn hẳn Chiang Mai. Tại vì sự đa sắc tộc, sự giao thoa, kết tinh, thăng hoa của các dòng, các nhánh nghệ thuật… Còn nhiều, rất nhiều thứ nữa. Nhưng có một điều rất quan trọng ít người biết – Chiang Rai mới chính là kinh đô đầu tiên của vương triều Lanna Thai, trước khi nhường lại vị trí này cho người láng giềng Chiang Mai. Để lùi lại một bước, rồi nhiều bước… Để những ngày mùa xuân tôi lang thang Chiang Rai. Ngỡ ngàng.


IMG_5811-1.jpg

Nương đồi xanh ngăn ngắt…



… lặng lẽ căn nhà sàn nhỏ mái cao vút thanh thoát, chiếc cột với sừng trâu... - có gợi nhớ Tây Nguyên xưa?


(tbc.)
 
Hihi, đợt này lâu quá đại ca mới viết bài. Bài viết về chuyện cây cầu đã gẫy thật xúc động làm em nhớ đến bài hát "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy" của Trầm Tử Thiêng do Hoàng Oanh trình bày:

"Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh
như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa
tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu
nối liền tình người đẹp đời mai sau"

Rùi cây cầu cũng sẽ sửa được sữa lại và đại ca chắc chắn ghé lại thăm, vì đối với đại ca một lá cây, ngọn cỏ cũng có tình người, huống chi một cây cầu đưa đại ca đến những nơi tươi đẹp.
 
Last edited:
102 – Rực rỡ Chiang Rai.

@ binhan, thiệt tình không phải sến, mà là quá sến …. :T !!!!

-----------------------------------


102 – Rực rỡ Chiang Rai.


IMG_5514-1.jpg

Chiang Rai bình yên với những con đường xanh, những bảng biểu chỉ đường bằng gỗ cũ kỹ, đẹp…


Chiang Rai cách Chiang Mai chừng 3g đi xe. Có rất nhiều chuyến xe của Green Bus nối liền 2 thành phố này, cũng như nối luôn đến Luang Prabang, Lào. Dân đi bụi tiết kiệm nên lưu ý để canh xe vì giá vé thay đổi theo loại xe, theo giờ. Ví dụ như 8am là xe VIP giá sẽ đắt hơn 2 loại còn lại là loại A, X, dù tất cả cũng của một hãng Green Bus. Đường đi qua những khu rừng, những con đèo khá khúc khuỷu và đẹp. Chiang Rai có bến xe mới và cũ. Đừng vội xuống xe khi xe dừng lại ở bến mới ở ngoại ô thành phố vì xe sẽ chạy tiếp vào bến xe cũ, ngay trung tâm, bên hông chợ đêm khá hấp dẫn của Chiang Rai.


IMG_5454-1.jpg

Ngôi chùa Jed Jod trong chiều xanh…


Không xa lắm bến xe, chợ đêm là khu khách sạn, nhà nghỉ cho dân đi bụi. Giá không rẻ như ở Chiang Mai. Rẻ nhất là 200baht/phòng. Tuy nhiên phòng ốc khá sạch, wifi lênh láng không phải trả tiền để lấy password wifi như ở các khách sạn 3-4* khác. Quăng đồ đoàn vào phòng, tẩy sơ bụi trần, tôi lang thang ra đầu hẻm, cũng là nơi ngôi chùa Wat Jed Jod khá quan trọng với người dân Chiang Rai tọa lạc.


IMG_5648-1.jpg



IMG_5650-1.jpg

…và trong ban mai yên ả


Chiang Rai có rất nhiều chùa cổ - một dấu ấn văn hóa khá quan trọng, cũng là một trong những lý do chính tôi tìm đến đây. Wat Jed Jod được xây dựng từ năm 1844 tuy không cổ xưa như chùa Phật Ngọc, chùa Sư tử,… có từ TK 13, 14 ở đây nhưng do được xây nên bởi vị cao tăng Brukrubakuntha Kunthawungso được người dân địa phương kính trọng, và cũng vì vị trí đắc địa của nó ngay giữa phố nên rất được nhiều người dân địa phương thăm viếng.


(tbc.)
 
103 – Rực rỡ Chiang Rai.

103 – Rực rỡ Chiang Rai.


Thế nhưng, ngôi chùa cổ xưa nhất Chiang Rai, cũng là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trên đất Thái lại chính là Chùa Rừng Tre, đã hơn 600 năm tuổi. Nghe tên có vẻ lạ hén, vì thật ra, ngôi chùa này được nhiều người biết đến với cái tên Wat Phra Kaew hơn.


Hầu như bất kỳ tour du lịch nào từ Việt Nam đi Bangkok đều có lịch trình thăm viếng Hoàng Cung và ngôi chùa Phật Ngọc kề bên, nhưng ít người biết chính pho tượng Phật bằng ngọc bích lung linh đó đã đến từ chùa Wat Phra Kaew ở Chiang Rai này.


IMG_5574-1-1.jpg

“Con đường Phật Ngọc” – cũng may mắn là tôi đã lang thang qua hết những miền đất pho tượng Phật Ngọc ngang qua. Hôm nào kể lại chơi hén.


IMG_5519-1-1.jpg

Không còn nằm giữa rừng tre nữa nhưng ngôi chùa Rừng Tre Chiang Rai giờ vẫn nằm giữa vườn xanh êm đềm.



Đúng ra, pho tượng quý này đã được các nghệ nhân xứ Ấn tạc nên từ năm 234 Trước Công Nguyên. Trải bao sóng gió lênh đênh từ Ấn Độ, Tích Lan, Khmer,… pho tượng ngọc mới đến được miền đất Chiang Rai này vào năm 1390 CN. Được vua Mahabhrom trị vì xứ Lanna Thái bấy giờ bí ẩn đặt vào trong lòng một tòa bảo tháp để thờ phụng, và cũng để tránh những con mắt dòm ngó của những đội quân ngoại bang liên miên tấn công vùng đất trù phú giàu có này. Mãi đến năm 1434 người ta mới “tìm thấy” lại linh tượng, sau một đêm mưa gió bão bùng, sấm sét ì đùng chớp giật sáng cả núi rừng thâm u Chiang Rai và đánh vỡ ngôi bảo tháp, để pho tượng Phật Ngọc lung linh rạng rỡ xuất hiện giữa đống hoang tàn đổ nát như một quà tặng bí ẩn của trời xanh. Bảo tháp lúc đó được đặt trong trong ngôi chùa cổ nằm giữa một khu rừng tre trúc rậm rạp um tùm nên còn được gọi là chùa Rừng Tre.


IMG_5557-1-1.jpg

Một phiên bản của pho tượng Phật Ngọc, cũng được làm bằng ngọc quý trong ngôi chùa Wat Phra Kaew Chiang Rai.


IMG_5573-1-1.jpg

Pho tượng đồng này cũng đã hơn 600 năm tuổi, mang dáng dấp đặc trưng của những pho tượng Phật miền Lanna Thái.

Chùa Rừng Tre được thay tên Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc) nhưng pho tượng quý lại tiếp tục nổi trôi vì chinh chiến, vì thời cuộc, sang đến tận xứ Ai Lao,… mãi đến 1778 mới về đến Bangkok, được thờ phụng ở chùa Phật Ngọc trong Hoàng Cung Thái Lan cho đến hiện nay.


Nhưng, lạ lùng & thú vị làm sao, trong ngôi chùa Phật Ngọc miền Chiang Rai xa ngái này, tôi được gặp lại một quê nhà của một thời đã xa xưa… rất xa xưa. Nên rất ấm lòng.


(tbc.)
 
104 - Rực rỡ Chiang Rai.

@binhan, nếu như nói con số 103 không phải là nửa đoạn đường mà chỉ là chưa được 1/10 hoặc 1/20 thì có tin nổi không :T ?!



104 – Rực rỡ Chiang Rai


Nhẹ bước bên ngôi chùa xưa yên ả trong khu vườn xanh mát mùa xuân hoa lá tưng bừng khoe sắc,… khách du cứ ngỡ như về lại ngày xưa cũ. Dâu bể trùng điệp, chùa Rừng Tre xưa, Wat Phra Kaew bây giờ đã mấy lần sửa sang nhưng vẫn giữ được nhiều nét xưa và cả các kiến trúc cổ. Như một tòa bảo tháp, dáng dấp kiến trúc Lanna, có niên đại cùng thời với bảo tháp cất giữ linh tượng đã bị sét đánh vỡ, giờ vẫn còn lặng lẽ bên góc vườn chùa tưng bừng hoa xinh, hay pho tượng Phật bằng đồng, Phra Chao Lan Thong cũng đã hơn 600 năm tuổi, uy nghiêm trong chính điện, pho tượng với hình dáng đặc trưng của kiến trúc Lanna Thái mang một phong vị khác lạ…


IMG_5568-1.jpg

Bảo tháp đã hơn 600 năm tuổi giữa vườn xinh.


Một điều rất hay là trong chùa Wat Phra Kaew có một bảo tàng văn hóa, chủ yếu là về tôn giáo nhưng vẫn có những tác phẩm văn hóa khác giới thiệu về Chiang Rai, về Phật giáo, về những phẩm vật của người Chiang Rai từ xưa đến giờ... Bảo tàng là một căn nhà gỗ, nhỏ nhắn, ấm cúng và rất nhiều cổ vật, những pho tượng vàng, ngọc,.. trưng bày “một cách khơi khơi”, không người trông coi. Thử nghĩ bảo tàng này mà ở cái xứ có người nửa đêm cạy cửa chùa vào trộm lư hương, lấy cắp tượng Phật,… thì như thế nào? Nhưng thôi, mệt lắm, đừng nghĩ, đừng liên tưởng đến nữa!


IMG_5549-1.jpg

Những chiếc phướn đặc trưng của người Thái Lũ, một trong những dân tộc ở Chiang Rai.


IMG_5542-1.jpg



IMG_5533-1.jpg

Những pho tượng quý, lạ, đẹp được trưng bày trong bảo tàng của chùa Wat Phra Kaew.



Nhưng, ngạc nhiên và ấm lòng hơn nữa là trong bảo tàng của chùa còn thấy một chiếc trống đồng cổ hình dáng quen thuộc với con dân nước Việt, ghi chú rõ là có nguồn gốc từ Đông Sơn, Việt Nam, thế kỷ 5 trước CN. Rất rõ ràng, và tôn trọng. Rất khác ở nhiều nơi khác. Tôi cần nói thêm về việc này vì bên Tàu, dưới miền nam nước họ cũng có trống đồng cổ,… và họ tuyên bố rằng trống đồng là của họ, xuất xứ từ họ bla bla bla... Ngay ở Nam Ninh, họ đã làm một cái mô hình trống đồng bằng xi măng cao hơn chục thước để giữa bảo tàng Nam Ninh trưng bày, khoe của...


IMG_5545-1.jpg

Trống đồng ở Chiang Rai.


P3250564-1.jpg

“Trống đồng” ở Nam Ninh, Tung Của


Còn ở mình?!


Và ở Chiang Rai này, ở trong chùa Wat Phra Kaew này, bên cạnh chiếc trống đồng hình dáng quen thân đó, người ta ghi rõ “it’s now belived by most independent scholars to have originated in northern Vietnam, Dong Son Culture, in the fifth century BC”. Thật ấm lòng.


IMG_5546-1.jpg

Trống đồng là của Người Việt!


Nên tôi càng yêu thêm Chang Rai!
 
105 – Rực rỡ Chiang Rai

105 – Rực rỡ Chiang Rai


Trong bảo tàng của chùa Wat Phra Kaew, không những có nhiều hiện vật quý, đẹp mà còn có nhiều thông tin về chúng, cũng như về tôn giáo. Trong đó, dĩ nhiên không thể thiếu thông tin hấp dẫn về pho tượng Phật ngọc cũng như con đường luân chuyển thú vị của pho tượng. Ví dụ như câu chuyện khi người ta muốn chuyển pho tượng từ Chiang Rai về Chiang Mai (kinh đô của Lanna Thái thời bấy giờ) thì chú voi kiệu pho tượng dù bị các quản tượng dắt đi, chỉ đường, lôi kéo kiểu gì cũng không chịu đi về hướng Chiang Mai mà cứ nhằm Lampang thẳng tiến. Do vậy, pho tượng Phật ngọc đã được lưu giữ ở Lampang một thời gian rồi mới được đưa lại về Chiang Mai….


(Theo truyền thuyết) Được tặng bởi thần Indra từ cõi trời, pho tượng đầu tiên xuất hiện ở Pataliputra (Patna), Ấn Độ, (nhưng thực tế là do những người thợ tài hoa xứ này tạc nên) pho tượng Phật Ngọc bắt đầu lưu lạc từ Ấn Độ theo hành trình sau:

Sri Lanka

Cambodia

Inthapat (Angkor Wat)

Krung Sri Ayudhaya (Ayutthaya)

Lawo (Lopburi)

Vajiraprakarn (Kamphaeng Phet)

Wat Phra Kaew (Chiang Rai, 45 năm, 1391 – 1436)

Lampang (1436 – 1468, 32 năm)

Chiang Mai (1468 – 1553, 85 năm)

Vientiane (1553 – 1778, 225 năm)

Krungthep Mahanakorn (Bangkok, 1778 – nay).


Chỉ trừ bang Patna xứ Ấn tôi ngang qua dọc lại mấy lần nhưng chưa ghé, các miền đất còn lại trên Con đường Phật ngọc tôi đều ghé ngang, có nhiều miền đất đã may mắn ghé nhiều lần nhưng chắc vẫn sẽ còn quay lại (xin phép được cưa bom tý!) :T . Để hôm nào rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi sẽ làm một cái serie vài bức ảnh độc đáo, liên quan đến tôn giáo về những miền đất đất này há. Còn giờ thì quay lại với Chiang Rai rạng rỡ thôi.


Demo trước vài tấm về ý tưởng này.


DSCN4925-1.jpg

Sri Lanka, Maligaliwa. Pho tượng Phật cao 11m này đã hơn 13 thế kỷ tuổi tác vẫn lung linh trong nắng mai.


P1120602-1.jpg

Cambodia, Kbal Spean, The River of a Thousand Lingas. Một trưa vắng vẻ giữa rừng thâm u Phnom Kulen.


P1150244-1.jpg

Thailand, Ayutthaya. Đầu tượng Phật trong thân bồ đề, có thể xem là duy nhất trên thế giới, biểu tượng của Ayutthaya.


P1140054-1.jpg

Thailand, Lopburi. Một thời rạng rỡ, giờ còn rạng rỡ hơn với những cánh đồng hướng dương ngút ngàn ánh vàng.


P3220115-1.jpg

Thailand, Kamphaeng Phet. Cụm tượng đặc trưng của Kamphaeng Phet, một di sản văn hóa UNESCO nhưng ít người biết đến.


IMG_9329-1.jpg

Thailand, Chiang Mai. Wat Chedi Luang, được xây dựng từ năm 1401, giữa mùa đọc-khun (bò cạp vàng, muồng hoàng yến,…) vàng rờ rỡ.


P3140069-1.jpg

Laos, Vientiane. That Luang lung linh lấp lánh giữa ngày mây xám.

 
106 - Rực rỡ Chiang Rai.

106 – Rực rỡ Chiang Rai


Chiang Rai cổ xưa. Chiang Rai được nhiều người biết đến bởi những ngôi chùa xưa cũ như chùa Phật Ngọc (TK 14), chùa Wat Klong Wiang (1432)…. Nhưng không chỉ có vậy. Bây giờ Chiang Rai được biết đến bởi rất nhiều “cái” mới – và chúng cũng chan chứa đong đầy những giá trị xưa cũ.


IMG_5652-1.jpg



IMG_5680-1.jpg

Kiến trúc đẹp…


Không rực rỡ lộng lẫy như Wat Rong Khun, Chùa Trắng mà nhiều người biết đến như một biểu tượng mới của Chiang Rai, bảo tàng tư nhân Bandaam Museum còn gọi là Black House hay Black Temple là một điểm đến mới rất thú vị của Chiang Rai.


IMG_5677-1.jpg

…và lạ của Chùa Đen.


Được nghệ nhân tài hoa và danh tiếng thế giới Thawan Duchanee, người đã từng nhiều lần lang thang, tu tập ở Nepal, Tibet, Everest,… bỏ tiền túi thành lập, xây dựng dần dần từ năm 1994, khu bảo tàng Chùa Đen này giờ đã có đến 40 ngôi nhà/điện thờ/chùa,… lớn nhỏ với những chiếc mái thanh thoát phần lớn màu đen – làm nên cái tên Chùa Đen, “đối lập” với ngôi Chùa Trắng nổi tiếng, cách đó chừng 30km.


IMG_5657-1.jpg



IMG_5658-1.jpg

Những nông cụ, dụng cụ trong gia đình,… của người Đông Nam Á ngày xưa, đang dần dần mai một, đang được lưu giữ trong bảo tàng Bandaam Museum/Chùa Đen.


Và một trong những mục đích chính của bảo tàng này là lưu giữ những giá trị xưa cũ đã mai một nhiều ở Thái Lan cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác.
 
107 – Rực rỡ Chiang Rai

107 – Rực rỡ Chiang Rai


Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, vào cửa miễn phí dù là bảo tàng tư nhân do nghệ nhân Thawan Ducanee tự bỏ tiền túi ra làm, Chùa Đen không những là nơi thu hút du khách đi tour (do các chủ công ty tổ chức tour luôn thích tất cả những gì miễn phí – nhất là với Chùa Đen quá hay quá đẹp) mà còn là nơi tham quan học tập của các em học sinh, không chỉ từ Chiang Rai mà còn từ các tỉnh lân cận. Dù Chùa Đen nằm sâu trong làng, bạn sẽ khó bỏ lỡ điểm tham quan thú vị này khi thấy rất nhiều school-bus và bus đậu hàng dài trên đường lộ.


IMG_5654-1.jpg




IMG_5668-1.jpg

Những góc lặng của Chùa Đen sao cứ gợi nhớ trong tôi Tây Nguyên của ngày chưa xa lắm.


IMG_5656-1.jpg

Cá voi đen “mắc cạn” trong Chùa Đen.



Không chỉ được các thầy cô giáo hướng dẫn về những ngôi nhà xưa của miền bắc Thái, các em học sinh còn được giới thiệu cả kiến trúc của thời Ayuthaya,kiến trúc Miến Điện – không xa lắm biên giới gần đó, mà còn cả những kiến trúc đặc biệt đến từ một hòn đảo đặc biệt trên xứ sở có hơn 17.000 đảo cồn lớn nhỏ Nam Dương – kiến trúc Bali. Vì chủ nhân đã có một tình yêu đặc biệt với nghệ thuật tinh xảo đẹp đẽ của xứ sở tình yêu này.


IMG_5662-1.jpg

Nét thanh thoát.



IMG_5685-2.jpg

Ai đã từng đến Bali có thấy quen không những pho tượng đá úa xanh rêu phong này?


Và hơn thế nữa là những tác phẩm của chính ông, một nghệ nhân tài hoa.


IMG_5671-1.jpg

Những tác phẩm của ông từ những vật liệu đơn giản, quen thuộc ở mỗi làng quê Đông Nam Á

IMG_5679-1.jpg

Phật giữa đời thường, dung dị.


Nên dù không lộng lẫy thu hút ánh mắt của mọi người từ cái nhìn đầu tiên như ở Chùa Trắng, giờ đây Chùa Đen được xem là điểm tham quan “mới” đặc sắc nhất của Chiang Rai. Nhất là với du khách không đi theo tour, theo đoàn có thời gian ung dung tự tại nhẩn nha lang thang ngó nghiêng nhìn ngắm mó sờ đụng chạm ve vuốt rờ rẫm… sẽ càng thấm hơn những tác phẩm cả dân gian lẫn nghệ thuật của Chùa Đen.


Nên tôi đã đến đây không chỉ một lần.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,170,980
Members
192,327
Latest member
huuquang33456
Back
Top