soihoang
Phượt tử
Thu miền sơn cước
Trời Cao Bằng năm nay thật lạ ! Mọi năm cứ sau rằm tháng 7 âm lịch là rả rỉch mưa ngâu, đi đâu cũng ngại, thế mà năm nay trời cứ nắng như đỏ lửa từ sáng đến tối, tới những ngày cuối tháng mới được một, hai cơn mưa, lúa, ngô, hoa màu, cỏ cây như thoả cơn khát, vạn vật cũng như tươi tỉnh ra...Sau đó là những ngày trời như cao xanh hơn và thỉnh thoảng heo may từ các thung lũng đã ùa về làm xào xạc cây lá. Vậy là thu đã đến !.
Thu đến ! Ánh mắt người miền núi như thẳm sâu hơn, tha thiết hơn ! Phải thôi, thu đến người ta hay nhớ về những nẻo hồn quê. Trước sắc vàng của mùa thu, tự nhiên những kỉ niệm vui, buồn của quá khứ về chia ly, sum họp cứ lần lượt hiện về. Người càng đi xa càng da diết nỗi nhớ về quê hương xứ sở. Nhớ tiếng trống tường đầu năm học mới giục giã bước chân ta và bao bạn bè khăn quàng đỏ thắm trên vai nhanh chân tới lớp. Sách vở quyển nào cũng mới tinh, mỗi lần mở vở ra viết bài còn như muốn hít hà mùi giấy mới nồng nàn quyện với mùi mực tím, ấy là tín hiệu thu đến với mỗi con người..
Rồi tan học về men theo những con đường bờ ruộng, đi giữa bát ngát cánh đồng lúa vừa uốn câu đung đưa trong nắng vàng, những ruộng lú nếp thơm lao xao trong gió, gợi nhớ trong ta những hạt cốm xanh dẹt thơm như hương trinh nữ, mềm như mây chiều, khiến nước miếng ứa ra, lúc đó trong ta bất chợt tràn ngập mùa thu, tràn ngập no ấm, tràn ngập đủ đầy. Ấy là tuổi học trò. Còn các mẹ, các chị thì sao ?
Mùa thu đến cũng là mua dệt vải nhuộm chàm đến, cho nên thời gian này dù cho gặp các mẹ , các chị ở ngoài ruộng, trên nương hay ở nơi phố chợ đều thấy những bàn tay xanh tím đáng yêu. Chị nào đôi bàn tay càng ánh lên sắc tím nghĩa là càng chịu thương chịu khó và khéo dệt vải nhuộm chàm. Chả thể mà đồng bào Tày - Nùng có câu: " Chiêng slao chiêng bươn lảp " ( nghĩa là chọn gái về làm dâu thì chọn tháng chạp ). Sở dĩ như thế là vì tháng Chạp là tháng lạnh nhất và cũng là tháng gần như kết thúc mùa dệt vải nhuộm chàm nên cô gái nào má ửng hồng là khoẻ mạnh, lại có đôi bàn tay ánh lên sắc tím nâu chàm nữa thì lấy về làm dâu là chỉ có nhất. Âý là thu xưa, còn nay những hình ảnh ấy gần như đã trôi vào dĩ vãng, có chăng chỉ còn các mẹ, các chị Nùng An ở Phúc Sen, huyện Quảng Uyên và một số ít khác ở Bảo Lâm, Bảo Lạc. Tiếc lắm môth sắc thu miền núi !
Mùa thu cũng là mùa khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Mùa thu đến cũng là mùa cưới đến, nhất là sau cái ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau, những giọt nước mắt nhớ thương bỗng đong thành hạnh phúc; có phải vào độ ấy bầu trời đêm se lạnh, chăn gối mới ấm nơi thở nồng nàn. Nơi hiên nhà, ngoài ô cửa sổ mới sực nức hương lúa, hương ổi, hương chàm và lá trầu mới vào độ đỏ thắm ! Tất cả, tất cả cho nụ cười tươi ngọt với thu. Những cặp uyên ương mắt cười trong mắt đưa nhau vào cõi bồng bềnh của sương thu và mây thu.
Trước đây, người Cao Bằng hầu như không ai tổ chức đám cưới vào vào nhưng ngày hè. Cỗ cưới ở đây cũng đậm chất thu. Một trong những món đặc trưng không thể thiếu được đó là đĩa xôi gấc màu hồng tươi được đặt vào vị trí trung tâm của mâm cỗ trông mới hấp dẫn làm sao, khiến các thực khách rượu đã mèm môi, vẫn không thể không đụng đũa. Vì thế theo các cụ cao niên cho rằng ăn nắm xôỉ gấc trong đám cưới không phải là ăn cho mình mà là ăn cho đôi uyên ương ấy, ăn để cho vui, ăn để thu mãi trong ta và ăn để nhìn vào mắt nhau, hoài niệm đến kiếp sau !.
Đó là sắc thu nơi vùng thấp chốn thị xã. Còn trời thu tiết thu ở các bản làng vúng sâu vùng xa nơi miền sơn cước thì sao ? Thu miền sơn cước Cao Bằng đẹp làm lạ lùng. Những ấn tượng hút hồn khách phương xa mùa này chính là màu vàng no ấm của những ruộng bậc thang trùng trùng uốn lượn uốn lượn từ chân đồi lên đỉnh đồi tít tắp mây ngàn hoặc dưới những thung sâu nhấp nhô đá xám với muôn hình vạn dạng trầm mặc dưới trười xanh. Chênh vênh bên sườn đồi, giữa bời bời cỏ gianh, cỏ giàng giàng là những cành mác kham lúc lỉu. Một thứ quả chỉ có ở Cao Bằng, lạng Sơn. Ai mà đang leo rừng, lội suối giữa nắng hanh mỏi mệt, khô cổ được ăn vài quả mác kham, sau đó tợp ngụm nước trắng nữa là nhẹ bẫng chân tay, ngọt họng tới tận khuya, ăm một lần để thấy mê ly, nhung nhớ...
Mùa thu Cao Bằng cũng là mùa hạt dẻ chín nôn nao gọi cốm đầu mùa. Du khách lên Cao Bằng muốn biết hạt dẻ Trùng Khánh chín hay chưa thì đi qua đèo Mã Phục hễ thấy hoa cúc dại vàng rực miên man trên các triền núi và các khu rừng cây sau đổ màu tím ngắt hút mắt nghĩa la vào Trùng Khánh sẽ được thưởng thức vị ngọt bùi ngậy thơm của hạt dẻ. Cái thứ hạt dẻ nửa thiên tạo, nửa nhân tạo này đem rang lên, khi vừa nghe tiếng nổ tanh tách, vớt ra để hơi nguội, bóc vỏ bỏ nhân vào miệng, ăn một rồi muốn ăn ba, ăn năm , ăn mười...Vậy có phải là ăn hạt dẻ là ăn cả sương thu, hương thu và cả sắc thu của trời thu. Cũng có nghĩa là trời đã phú cho Trùng Khánh một thứ quả ngọt lanh, quý hiếm, một thứ quả nồng nàn mùa thu...
Vậy là thu đến thật rồi !.