What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Tại vì em ngưỡng mộ công nương diana của Anh đấy mà, nhưng mà chữ công chúa ngắn hơn công nương nên lấy nick vậy cho nó tiện.
Em đang đợi bài cuối của anh đây, ủa mà anh đang sống ở sing hay Việt nam vậy. Thấy kiến thức của anh thật phong phú, làm em ngưỡng mộ anh ghê.
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

@ congnuongdiana: thanks em :) a hiện đang ở Sing; để anh post bài cuối luôn hihi

===

Quả thật khó cho tôi khi muốn viết lại Khúc vĩ thanh Tây Tạng, bao nhiêu hình ảnh chuyến hành trình 11 ngày cứ đầy ăm ắp, ấn tượng với Tây Tạng vô cùng sâu đậm, những thắc mắc năm xưa nay đã tìm được lời giải đáp trên vùng đất Phật nhưng kéo theo đó là muôn vàn điều mới mẻ và lòng càng băn khoăn hơn ... Xin trích đôi dòng từ cuốn Mùi hương trầm (tác giả Nguyễn Tường Bách): "Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đỉnh của Tây Tạng không chỉ làm hứng khởi tầm nghe nhìn của chúng ta vốn thường bị mây mù, khói đục và tiếng ồn che phủ, mà còn tích cực hơn, nó dẫn đường mở lối cho nhận thức và ý niệm về cái miên viễn đang hiện hình trước mắt ta. Tâm ta biết rằng cái miên viễn không phải đi tìm đâu xa, nó nằm ngay trước mắt, nó hiện diện ngay trong lòng, chỉ mắt vướng bụi nên không nhìn thấy nó, chỉ lòng chưa tỉnh nên không nhận ra nó. Nhưng cái miên viễn cũng không phải trần trụi sờ sờ ra đó để ai cũng có thể ngắm nghía mà muốn tới với nó phải đi hết đoạn đường phi hữu phi không, phải tự tay mở cánh cửa vô môn, phải nghe được thứ tiếng không lời, phải vào chốn ẩn mật chỉ dành cho những người dâng hết tâm ý, biết buông rơi chính mình. Cảnh quan Tây Tạng là bước khởi đầu, không phải là đoạn kết thúc." Phải rồi! chỉ là bước khởi đầu, chưa phải là đoạn kết thúc, tôi đang viết cho bước khởi đầu của chính mình :)

1. Đô Thành mù sương

Tôi có duyên nhiều với Thành Đô (Chengdu) và cũng rất yêu thích thành phố này bởi nó có cái trong mát yên bình của đô thị quanh năm bao phủ bởi sương mù, kèm theo bề dày lịch sử văn hoá của cố đô Thục Hán đến nay đã vài mươi thế kỷ, cũng lại mang dáng dấp tân kỳ đô hội phát triển không thua kém bất cứ nơi đâu. Cũng vì thế tôi chọn Thành Đô, Tứ Xuyên làm điểm xuất phát của cuộc hành trình. Tuy chỉ lưu lại Thành Đô 1 ngày nhưng tôi đã may mắn cảm nhận được phần nào cuộc sống nơi Thiên Phủ Chi Quốc với những ghế kiệu, phòng trà, bạch viên, thi quyển:

1chengdu1.jpg


1chengdu2.jpg


Những vẻ đẹp làm mê lòng khách đến Thành Đô: này là Vọng Giang Lầu êm đềm trong sương sớm, này là Văn Thù Miếu giấu trong lòng nó những gì tinh hoa của vùng Tứ Xuyên. Bước chân vào Đệ nhất danh trà quán, người ta thấy một nốt trầm trong đời sống phồn hoa của nơi đây, không líu lo điện thoại, không tíu tít bán hàng, người dân Thành Đô vào đây độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm bên những ly trà luôn bóc khói nóng; đáng yêu và thú vị như tiết trời sương khói mát mẻ bao đời của mảnh đất này vậy. Không chỉ có thế, Văn Thù Miếu còn có riêng 1 thư viện Phật học cực lớn bên trong khuôn viên bởi với những ai nghiên cứu Phật giáo thì đều biết rằng hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là tượng trưng cho trí huệ mênh mông, điều mà sau này tôi được chứng ngộ khi đặt chân vào Tây Tạng.

1chengdu6.jpg


1chengdu7.jpg


Thành Đô tiễn tôi bằng 1 cơn mưa nhẹ và màn Xuyên kịch đặc sản khi trời chiều lảng bảng. Phố đẹp, đường đẹp, lầu gác đẹp và người cũng đẹp; Thành Đô trong mưa là 1 ấn tượng khó phai với khách phương xa. Ngồi trong rạp dựng ngoài trời ngay dưới cơn mưa xem hý kịch Trung Hoa lại càng thú vị hơn nữa. Tôi sẽ không lạ nếu mai này bên sông Cẩm Giang người ta chơi thêm hồ cầm đàn địch, để nếu có dịp ghé thăm tôi lại được thả hồn mơ mộng, hỏi rằng có phải đang tấu khúc Hồ trường Dạ Vũ Tiêu Tương?

1chengdu3.jpg


1chengdu4.jpg


1chengdu5.jpg


Xin hẹn Thành Đô không xa lần tiếp theo du ký Trung Hoa sẽ gặp lại cố nhân :)
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

2. Tuyết Quốc trong mây

Có rất nhiều cái tên đẹp để dành riêng gọi cho mảnh đất của những độ cao này: Tây Tạng, Tibet, Land of the Snows, Nóc nhà thế giới, hay chỉ đơn giản là Tuyết Quốc. Một sớm mùa hè như mọi ngày nhưng có ý nghĩa đặc biệt với tôi, hôm nay tôi sẽ bay trên rặng Tuyết Sơn để đặt chân vào thánh địa Phật giáo, học theo dấu chân minh triết của người xưa lần tìm về xứ sở huyền thoại.

Rời Thành Đô, tôi đến với cửa ngõ màu xanh của Tây Tạng: Nyingchi (thuộc địa giới vùng Kham cũ). Nhấc từ đồng bằng lên cao nguyên trung bình 3000m so với mực nước biển sau vài tiếng bay, tôi choáng váng bởi không khí loãng và càng choáng váng hơn bởi những hình ảnh đầu tiên về Tây Tạng hiện ra xanh đến thế ^^ Chẳng thế mà những khách du lịch khi khám phá vùng Kham đã đặt cho nơi đây cái tên 'Wild Wild East' bởi sự khác biệt cực kỹ rõ nét về cảnh quan tự nhiên và điều kiện thời tiết: này là rừng cây thác nước, kia là núi tuyết thảo nguyên; thiên đường xanh Tây Tạng kỳ thú lắm!

2nyingchi1.jpg


2nyingchi2.jpg


Đường nay mây trắng gió ngàn:

2nyingchi3.jpg


Nếu như đỉnh Phan Xi Păng cao 3143m, trèo lên đến nơi là chạm vào nóc nhà Đông Dương thì ở Nyingchi cũng độ cao tương tự, tôi được chạm vào lá vào hoa của Khả Đình Câu, chạm vào thân cây Đại Bách 2600 năm tuổi, được dừng trên đỉnh Sejila cao 4702m để chạm vào sương gió ngay giữa trưa nắng hè, được hít thở cái mát rượi của rừng Lulang từ vọng lâu nhìn ra đỉnh Namche Barwa cao 7786m, đặc biệt là được chạm vào nét sơ khai của cổ giáo Ninh Mã do đại sư Liên Hoa Sinh sáng lập mà dấu tích còn lưu lại trên tu viện Tsozong giữa hồ Basum-tso:

2nyingchi4.jpg


2nyingchi6.jpg


2nyingchi5.jpg


2nyingchi7.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Tạm biệt tiểu Thuỵ Sĩ vùng Kham, tôi lên đường đến với thành phố của chư thiên, trái tim của Tây Tạng: thủ phủ Lhasa. Hỏi rằng chư Phật nơi đâu? có phải là bức tượng Đức Thích Ca Thập Nhị Tuế Đẳng bên trong đền Jokhang tuổi đời chục thiên niên kỷ hay ngay trước mắt tôi kia dòng người mộ đạo bước đi giữa cái huyên náo của khu chợ Barkhor tay xoay kinh luân còn trong lòng tịnh không, hướng Phật:

3bakhor1.jpg


3bakhor2.jpg


Thiên kinh vạn quyển đọc bao nhiêu cho đủ? chỉ một lần lặng im đứng giữa Bát Giác Nhai sẽ dấy lên niềm kính phục nghi lễ tôn giáo khổ hạnh tràn đầy niềm tin của người Tạng dưới mái chùa Đại Chiêu buổi bình minh đầu ngày. Phải chăng người xưa có câu Nhất tu thị, nhị tu sơn để dành cho những con người này? Đời trong đục nào có hề chi, bởi họ đã đem đạo về đây giữa phố phường Lạp Tát hơn nghìn năm có lẻ, kể từ cuộc hôn phối giữa công chúa Văn Thành và Tạng Vương Tùng Tán Cương Bố thế kỷ thứ 7.

3jokhang1.jpg


3jokhang2.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Đặt chân đến Lhasa chắc chắn ai cũng phải đến chiêm ngưỡng kiến trúc đồ sộ mang phong cách Tạng của hành cung Potala và tôi không phải ngoại lệ. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được trong đời mình sẽ có dịp leo mấy trăm bậc đá trắng trên độ cao 3600m để bước vào nơi thâm nghiêm cao quý nhất của cộng đồng chính-giáo Tây Tạng; và cứ như thế, tôi hăm hở thở và leo.

4potala1.jpg


13 bức tượng của các Đạt Lai Lạt Ma đời trước, căn phòng của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sử dụng khi ngài còn tại vị, những stupa sơn son thếp vàng nạm đầy ngọc quý, những hành lang phô phang màu sắc, những cánh cổng đỏ sậm đầy quyền uy, những cầu thang lên xuống như ma trận, những bức tường được mural nhuộm thắm, những chiếc cột đen nhánh mỡ bò yak treo thangka khổng lồ, mùi nến mùi người mùi gỗ mùi ẩm mốc và mùi tiền ... tất cả làm đầu óc của kẻ người trần mắt thịt như tôi rối bời!

4potala3.jpg


Hiếm ai ra khỏi cung điện Potala mà lòng không hụt hẫng, lý do thì muôn vẻ nhưng tựu chung lại là cảm giác xa lạ, mất mát. Đã hơn 50 năm rồi hành cung Bố Đạt La vắng bóng chủ nhân thực sự của nó. Người Tạng cũng không còn lui tới đây thường xuyên, có chăng chỉ đi vòng kora khổng lồ dưới chân điện. Có sinh có diệt, vạn vật vô thường, Đức Thích Ca cũng từng truyền dạy điều đó áp dụng cho cả Phật pháp; mới nghe sao thấy dễ dàng nhưng đến Lhasa đối diện với thực tại đang diễn ra từng ngày thì lòng cay đắng lắm! Nhưng nếu ai hỏi tôi ấn tượng nhất với Lhasa là gì, tôi vẫn sẽ trả lời: "Potala!". Nếu bạn một lần đến Lhasa, xin hãy bỏ sức leo lên cung, cũng như bạn đã từng không ngần ngại leo Yên Tử, leo chùa Hương, leo Côn Sơn Kiếp Bạc; bởi tôi xin cam đoan với bạn một điều rằng trên cao gió bạt tiếng eo sèo.

4potala2.jpg


Potala kể từ ngày đầu được vua Tùng Tán Cương Bố đặt nền móng năm 637 cho đến lúc Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 mở rộng năm 1645 đã kinh qua bao biến thiên đổi dời; ngày nay trở thành bảo tàng độc đáo cho kiến trúc và văn hoá Phật giáo của người Tạng trên cao nguyên. Và khi đêm về trăng lên là lúc phô bày vẻ đẹp lưỡng tông Hồng-Bạch huyền ảo bí ẩn đó:

4potala4.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Trong cái nắng hè oi ả của kinh đô ánh sáng lúc nào cũng ngập tràn ánh mặt trời, tôi đến thăm tu viện Sera - 1 trong 3 ngôi đạo tràng quan trọng bậc nhất của thủ phủ Lhasa. Ấn tượng của tôi về ngôi đại tùng lâm này là hàng cây rợp bóng trong khuôn viên tu viện và nét mặt hứng khởi của những Tăng sĩ tuổi còn rất trẻ đang sôi nổi truy bài trong vườn Biện Kinh:

5sera1.jpg


5sera2.jpg


Nội dung của những cuộc tranh luận khẩu chiến này tôi không được biết, nôm na người đời bảo đó là cách để đào sâu hiểu biết về Phật điển, nâng cao tri thức trong quá trình tu học, và cũng là cách tinh tiến để đạt cảnh giới cao hơn. Tổng cộng có 6 cấp bậc trong giới Tăng sĩ Tây Tạng và việc vấn đáp sát hạch là bắt buộc để đạt được tới cấp thứ 4! Hoá ra có cách ngồi tập trung thiền định thu mình vào trong để tự giác ngộ, cũng lại có cách biện giải huyên náo để lĩnh hội giới luật như thế. Hoàng Mạo Giáo là tông giáo chú trọng nhất vào việc học đạo đúng cách, đề cao sự rèn luyện của Tăng chúng; hôm nay tôi đã được thấy phần nào điều đó:

5sera3.jpg


Rời Lhasa tôi lại rong ruổi trên con đường thiên lý đến thăm thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng: Shigatse. Ngày đi Shigatse cũng là ngày nhiều sự kiện với tôi khi được tận mắt ngắm những kỳ quan thiên tạo và nhân tạo tuyệt diệu của Tây Tạng. Có ai không nín thở khi đứng trên đèo Karola cao hơn 5000m để ngắm màu xanh ngọc kỳ lạ của hồ San hô Yamdrok-tso đẹp ngỡ ngàng đang uốn lượn dưới chân đỉnh băng vĩnh cửu Nojin Kangtsang sừng sững ở độ cao 7191m:

6yamdrok1.jpg


Vị nữ thần nào năm xưa đã hoá thân vào hồ Yamdrok kỳ ảo này để ngày hôm nay tôi đứng đây chôn chân trong nắng gió ngắm nhìn cảnh quan mà lòng cảm khái trào dâng, thêm giận mình bất tài không tả được cái đẹp siêu nhiên chốn này!

6yamdrok3.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Con đường xuống đèo chạy song song với bờ hồ mang lại góc nhìn khác về Yamdrok-tso, một góc nhìn tâm linh. Ai đến hồ cũng sẽ để ý thấy hàng ngàn ụ đá nhỏ có theo hình dạng stupa rải rác gần mép nước mà người Tạng hàng năm đi hành hương qua đây đều cung kính xếp lại như để lưu dấu trong cõi trần ai này, họ đã đến đảnh lễ chốn hồ thiêng vinh danh Phật pháp.

6yamdrok5.jpg


6yamdrok4.jpg


Khi xe chạy qua lên đỉnh đèo Karola (4960m) là lúc tôi được nhìn gần Nojin Kangtsang hơn, ngắm nhìn cái chói chang của đỉnh băng trong nắng trưa và rùng mình trong cái lạnh không cắt nghĩa được, cũng là dịp khẳng định một điều tôi đã tâm niệm từ lâu về Tây Tạng: Tuyết nơi đây trắng sạch nhất thế gian!

6yamdrok2.jpg


Dấu ấn thiên tạo của Tsang là thế, còn dấu ấn nhân tạo thì sao? tôi dừng chân bên trấn anh hùng Gyantse nghe lại câu chuyện pháo đài Gyantse Dzong nơi bao người Tạng ngã xuống đền nợ nước trong buổi đầu xâm lược của thực dân Anh năm 1904. Một thế kỷ đã qua rồi, pháo đài Dzong ngày nay vẫn sừng sững giữa thị trấn, tiếng súng gươm đã lùi vào quá khứ nhưng cuộc tranh đấu âm thầm lặng lẽ liệu đã thôi âm ỉ?

7gyantse1.jpg


Gyantse là thị trấn nhỏ và nghèo, đường đi vắng lắm, những ngôi nhà lầm lũi như khô cháy dưới nắng cao nguyên, bóng người Tạng thấp thoáng dưới mái hiên, con đường giữa trấn như hoàn toàn tách biệt bởi dòng xe du lịch cứ chạy rầm rập, ngồi trên xe là khách thập phương tứ xứ như chúng tôi đây, chắc không có ai dừng lâu nơi này để nói được lời chào đúng nghĩa. Chạnh lòng nghĩ đến câu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "người vô tâm nhiều như gió bụi trên đường" ...

7gyantse2.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Cách pháo đài Dzong không xa là quần thể tu viện Pelkhor Chode - nơi hoà quyện tâm linh và dung dưỡng của 2 tông giáo Tát Ca và Cách Lỗ của Tây Tạng, một hình thức tổng hoà độc đáo mà tôi bấy giờ mới có dịp diện kiến. Chưa chạy đến cổng tu viện đã thấy thấp thoáng phía xa công trình kiến trúc "dị thường" nhất của toàn vùng Tsang nói riêng và cả Tây Tạng nói chung: tháp Thập Vạn Phật

8kumbum1.jpg


Đếm sao cho đủ chi tiết mười vạn tranh tường, bích hoạ, tượng Phật, khám thờ ... bên trong tháp; chỉ biết rằng ai đến đây cũng giật mình bởi kiến trúc Stupa Muôn cửa khổng lồ đã được người Tạng nghiêm cẩn dựng lên thành kỳ quan giữa cao nguyên! Kia là 4 tầng đáy của Tứ diệu đế và 4 đôi mắt hiền từ của đức Thế Tôn đang nhìn ra bốn phương; trên nữa là 13 nấc thang phấn đấu của đời người dẫn lên cõi Niết bàn; trên thượng tầng tháp là sự minh triết, là vòm trời xanh với trăng sao mây trắng nắng vàng. Kiến thức bản thân còn hạn hẹp mà biển trí huệ thì bao la, tôi chỉ biết gửi gắm những điều mình thấy qua vài bức ảnh.

8kumbum2.jpg


Màu sắc của Kumbum - Thập Vạn Phật tự bên trong và cả bên ngoài phải dùng tính từ dữ dội để diễn tả! Nếu sắc bao quát trắng-đỏ-tím bên ngoài tháp chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiến trúc Nepal thì bên trong mỗi khám thờ tôi bắt gặp cách phối màu rực rỡ và có phần siêu thực của người Tạng. Mỗi gian điện lần lượt là các bức tượng thờ Quán Thế Âm, Thanh Đa La, Bạch Đa La, Tu di, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền Bồ Tát thì trên tường và trần là sẽ là vô vàn hoạ hình tương ứng. Tôi còn nhớ mãi khi đó trong lúc mắt quáng tay run chân mỏi, tôi bước vào 1 khám thờ rất tối và khi ngước lên bắt gặp tượng thân của Đức Phật Thích Ca toàn một màu đỏ sậm khoác y vàng đang nhìn xuống. Lòng tôi vừa kính sợ vừa thích thú, lễ tạ Ngài xong tôi đi lùi ra cửa mà không dám nâng máy lên chụp. Đây có lẽ là gian điện duy nhất tôi không dám chụp ảnh dù được phép.

8kumbum4jpg.jpg


Trên đường leo lên tháp, tôi gặp nhiều gia đình người Tạng 2-3 thế hệ cũng đang đi tham bái Kumbum, chúng tôi cùng lần từng bước lên những bậc thang nhỏ hẹp quanh co để khi lên đến đỉnh thì trao nhau nụ cười và cái gật đầu thay lời chào giữa những người không cùng ngôn ngữ. Tôi leo Kumbum mà cứ thắc mắc mãi, người Tạng vốn khá cao to mà sao những cầu thang họ làm nhỏ thế để vừa leo vừa lo đụng đầu? thế rồi tôi tự tìm cho mình lời giải đáp: Có phải chăng từ lúc sinh thời họ đã gắn bó với Phật giáo, khi còn nhỏ họ đã đến thăm viếng nơi đây và khi đã tuổi già xế bóng thì con cháu lại đưa họ tìm về chốn cũ? Nếu xa xưa lúc còn thơ bé đã có dịp vào nơi này thì chẳng phải thế giới quan hoá ra rất rộng lớn hay sao!

8kumbum3.jpg


Đứng trên Kumbum lúc này chính ngọ, tôi nhìn bao quát toàn trấn Gyantse đang được mặt trời dát vàng ở cao độ xấp xỉ 4000m mà thầm cảm phục câu nói đầy tính triết lý của thi hào Goethe: "Über allen Gipfeln ist Ruh" - Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên.

8kumbum5.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Rời Kumbum, con đường xuyên vùng Tsang đưa tôi đến điểm dừng cuối: tu viện Tashilhunpo ở trung tâm thành phố Shigatse, là nơi tiếp diễn sự truyền thừa của dòng Ban Thiền Lạt Ma. Những tranh chấp phức tạp nhiều thế hệ hiển hiện trong lòng xã hội chính trị-tôn giáo Tây Tạng và cả sự ganh đua giữa 2 đô thị Nhật Khách Tắc và Lạp Tát sẽ là đề tài thu hút bất cứ ai đặt chân đến đây.

9tashilhunpo2.jpg


Trát Thập Luân Bố ngày nay là nơi tu học của Tăng sĩ vùng Tsang, cũng là điểm du lịch không thể bỏ qua. Câu chuyện dòng Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma; người là học trò, người là thầy dạy; cả 2 dòng đều là những đệ tử lỗi lạc của Hoàng Mạo Giáo thờ chung thầy là đại sư Tông Khách Ba; cả 2 dòng đều có tái sinh; mỗi dòng vừa có nhiệm vụ tiếp tục truyền thừa vừa thụ ấn người tái sinh của dòng kia. Mới nghe sao mà rắc rối và biết bao điều cơ mật đi kèm, kẻ hậu sinh như tôi quả không dám lạm bàn!

9tashilhunpo5.jpg


Bước đi trong Tashilhunpo, tôi bị thu hút bởi tông màu đỏ rực đầy uy quyền của 4 toà điện lớn nhất trong khuôn viên viện cùng những mái vàng ròng phô bày xa hoa minh chứng cho tài nghệ xuất chúng của người Tạng.

9tashilhunpo4.jpg


9tashilhunpo3.jpg


Hình ảnh bức tượng Phật tương lai Di Lặc cao 27m với đôi mắt xanh hiền hoà trong điện Jamkhang Chenmo cùng với sân Kelsang rộng lớn bao bọc 4 phía bởi nhưng bức tường đầy màu sắc hoạ hình đức Phật trong muôn ngàn ấn thủ chắc sẽ còn đeo đuổi tôi mãi ...

9tashilhunpo1.jpg


Thiên nhân đồng điệu ^^ tạm biệt những công trình nhân tạo đượm màu tôn giáo vùng Tsang, tôi đi dọc theo dòng Nhã Lung trở lại vùng U để ngắm những nét thiên tạo khốc liệt khác mang bản sắc cao nguyên. Đứng trên triền dốc nhìn ra con sông Yarlung Tsangpo đang chảy giữa lòng U-Tsang, tôi mừng gặp lại người bạn cũ. Mới vài ngày trước tôi lần đầu gặp Nhã Lung khi sông uốn lượn hiền hoà dưới chân đỉnh Namche Barwa đoạn chảy qua rừng xanh Lulang; còn ngày hôm nay sông như xanh hơn in bóng trời trong vắt chảy xuyên qua những vùng đất trống núi trọc cực kỳ hiểm trở, hai bên là lạo xạo sỏi đá. Tôi nhặt vài viên đá và ném mạnh ra xa, dù đã thử nhiều lần và dùng hết sức, hòn nào hòn nấy chỉ rơi xuống lạch cạch và dừng lại bên bờ mép nước. Quá xa, quá rộng, quá hùng tráng! còn con người thì quá nhỏ bé! Ngay cả con đường 318 mệnh danh là Quốc lộ Trung Hoa cũng chỉ như đường kẻ vạch trên tấm màn mênh mông bao bọc bởi trời nước núi non.

10shigatse.jpg


Năm xưa vương triều Nhã Lung hùng mạnh rời đô từ thung lũng Yarlung vùng Kham về Lhasa chắc chắn đã qua đây. Bao nhiêu người đã đến và bao nhiêu người sau này sẽ tới, liệu họ có như tôi cũng đứng trước sông và ngâm ngợi về quá khứ vị lai của mảnh đất này? Lý Nhuệ dành trăm trang sách Ngàn dặm không mây để viết về thôn Ngũ Nhân Bình "hai năm không mưa, nắng như thiêu đốt"; có ai đã viết cho nơi đây những lời công bằng? Mà nào có hề chi với dòng Nhã Lung hùng tráng, "Chảy đi sông ơi - Băn khoăn làm gì? - Rồi sông đãi hết - Anh hùng còn chi?"

10shigatse2.jpg
 
Re: Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Khúc vĩ thanh này của Yilka thật tuyệt vời .. viết hay và sắp xếp hình ảnh rất khéo !
(Bạn có thể "gạ bán" khúc này cho .. Sở Du lịch Tây Tạng để họ làm tiểu phẩm "quảng cáo" được đấy :D )
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,168
Members
192,352
Latest member
abc8comcom1
Back
Top