What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Rất tuyệt...Chúc Yilka có những chuyến hành trình mới để có những "khúc vĩ..." của mình với những miền những vùng đất mới. Chúc sức khỏe và thành công !!! (beer)
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Thanks bạn XINGAPO và Mer1320 ^^ mình có cảm tình đặc biệt với Tây Tạng (giống như bất kỳ ai từng có dịp đến đây ^^), nên đầu tư viết cho Tây Tạng kỹ càng đến mức có thể. Chúc mọi ng sức khoẻ và những chuyến đi đáng nhớ :) Mình xin post nốt đoạn cuối, cảm ơn mọi ng đã đọc và động viên.

===

Trở về vùng U, tôi đi thăm một nơi linh thiêng nằm trong Tứ đại hồ thiêng của người Tạng: thánh hồ Nam-tso. Nằm ở độ cao hơn 4700m, lại bao bọc bởi rặng Nyenchen Tanglha với đỉnh cao chạm trời 7162m, hồ Nam-tso rộng đến 1920 cây số vuông, gần gấp 3 lần quốc đảo Singapore! "Nhỏ" như Singapore tôi còn chưa có dịp đi hết, đứng trước hồ mà tôi tâm phục khẩu phục. Phải gọi nơi đây là biển! biển trời, biển nước, biển gió, biển mây, và may sao không phải biển người ^^

11namtso1.jpg


Phong vô tướng, vân vô thường, muốn cảm nhận hết vẻ đẹp và sự linh thiêng của Nam-tso đã là khó rồi, nói chi đến việc nắm bắt dáng hình đang trải dài trước mắt. Khuôn hình tôi có hạn, cảm nhận còn thô vụng, xin tặng lại Nam-tso vài phút giây ngày nắng đẹp tôi đến - một trong muôn ngàn vẻ đẹp khôn tả của chốn biển hồ trên núi, dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời.

11namtso4.jpg


11namtso3.jpg


Kỷ niệm với Nam-tso trong tôi còn là buổi trưa rất vui giữa lều 1 gia đình người Tạng sát mép hồ, nơi tôi được thư thả cạn chén trà sữa bò Yak và ăn món sữa chua gia đình làm. Nồng lắm, đậm lắm, béo lắm, khó ăn lắm nhưng hãy ăn đi bởi biết đến bao giờ mới có dịp lên Tây Tạng chỉ để ngồi uống với nhau chén trà như thế?

11namtso2.jpg


Tôi rời Nam-tso khi ánh nắng vẫn chưa tắt trên mặt hồ. Cảnh hồ đẹp vô song nhưng tôi cầm lòng không bước xuống để chạm vào mặt nước. Có lẽ mai sau tôi sẽ luyến tiếc vì bỏ mất cơ hội đó, cũng có thể lắm bởi tôi vẫn tham-sân-si

11namtso5.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Sang ngày thứ 9 của cuộc hành trình, tôi tạm biệt vùng U để trải nghiệm một điều thú vị khác: đi trên tuyến đường sắt độc đáo nối liền Tây Tạng và người anh em thuở trước: cao nguyên Thanh Hải. Có 2 điều tôi thích thú với đường sắt này, không phải ở những cái "nhất" đã được nghe liệt kê: một là tôi có dịp được ngắm phong cảnh giao thoa giữa 'Tạng' và 'Thanh' hay chính là vùng U với Amdo thuở trước; hai là tôi có thời gian ngồi chép lại đọc lại những điều dồn dập tôi đã thấy trong vài ngày trước mà cho dù chuẩn bị kỹ càng trước khi đi nhưng tôi không thể ngờ bức màn phía Tây lại che phủ quá nhiều điều lạ lẫm phải tai nghe mắt thấy mới thoả lòng.

12train1.jpg


Tàu hoả thì vẫn là tàu hoả, nhưng nếu nói thế mà bỏ qua cung đường này thì quả là đáng tiếc. Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang yên vị trên tàu chạy băng băng giữa cao nguyên thì nhác thấy 1 đàn cừu con trắng con đen đang bê tha gặm cỏ, bạn vừa nâng máy lên chưa kịp chỉnh ống kính thì tàu chạy qua mất, tiếc lắm, giận lắm, lại chong mắt lên chờ đợi và mai phục, cứ thế bạn luôn tay bấm máy, thu hết những gì đẹp và không đẹp lộ qua khung cửa. Tôi dám cá rằng có những lộ trình đẹp mà trong đời bạn chỉ đi với số lần cực kỳ hữu hạn, đường sắt Thanh-Tạng là một trong số đó!

12train2.jpg


12train4.jpg


12train3.jpg


Trong một phút vô tình của những lúc chong mắt chờ đợi và mai phục đó, dãy Khả Khả Tây Lý chào tôi từ phía rất xa. Sẽ có ngày tôi tạ lỗi với Kekexili bằng những hình ảnh đầy đủ và sống động hơn thay lời chào vội vàng tối nay:

12train5.jpg


Hành trình càng thú vị thì thời gian như càng trôi nhanh hơn! Khi bóng tối đã buông, tôi cảm tưởng con tàu rất đơn độc, phóng băng băng một mình qua thảo nguyên lúc này đã rơi vào tĩnh mịch. Nhìn đồng hồ tôi giật mình khi thấy đã sang ngày mới, đây là lần duy nhất trong 11 ngày xuôi ngược mà tôi thức khuya đến thế. Một ngày đi qua, tôi đã ở trong địa phận Thanh Hải, và phía xa mặt trời cao nguyên đang lên dần với sắc đỏ dịu mắt khác với cái chói chang thường gặp ở Tây Tạng. Tôi không nhớ lần cuối tôi được nhìn thẳng vào mặt trời như thế này là dịp nào:

12train6.jpg
 
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Ra đến Tây Ninh, Thanh Hải, tôi tưởng rằng những gì ấn tượng nhất đã qua và ngày cuối là lúc nghỉ ngơi thư giãn nhưng tôi đã nhầm! Một vùng đất tiếp giáp với Tân Cương, Tây Tạng, Cam Túc, Tứ Xuyên; là mái nhà chung của người Tạng, Hán, Hồi, Mông Cổ; là quê hương của những con sông lớn tầm thế giới như Hoàng Hà, Trường Giang, Mekong; cũng là nơi hơn 650 năm trước sinh ra tổ sư Hoàng Mạo Giáo và sau đó gần 600 năm lại đản sinh vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso. Nơi đây kỳ lạ và thâm nghiêm vượt xa tầm với của bất cứ ai!

Điểm đầu chúng tôi ghé thăm là hồ Thanh Hải rộng mênh mông, xếp hạng là hồ nước mặn lớn nhất trên đất liền của Trung Hoa. Tôi dám cược rằng sớm thôi người Tạng cũng sẽ mất tiền để vào khu vực này vì quanh hồ người ta đang hối hả xây dựng khu resort mang phong cách Tạng! chắc sẽ là khu resort đầu tiên trên thế giới mang phong cách này cũng nên! Điểm dừng thứ hai là tu viện Tháp Nhĩ nằm ở vùng Hoàng Trung, ngôi đạo tràng lớn nhất và quan trọng nhất của phái Cách Lỗ ở Thanh Hải và được mệnh danh là tiểu Potala của Tây Tạng.

13taer0.jpg


Bóng cũ dáng xưa có phần mai một, tu viện Taer nay đã mấy trăm năm tuổi. Nền cũ nơi mẹ Tông Khách Ba dựng stupa cho Ngài gửi gắm vào đây bao nhiêu tình mẫu tử giờ được tôn tạo lớn hơn, đẹp hơn; câu chuyện xung quanh tuổi thơ và sự đản sinh khác thường của Ngài cũng được thêu dệt bóng bẩy hơn. Niềm tin tôn giáo vừa khiến tâm hồn người ta thảnh thơi hướng thiện nhưng cũng là cách sinh lợi cho nhiều người; âu là thuận thời thế thế thời phải thế.

13taer2.jpg


13taer1.jpg


Taer có đến 4 học viện với nội dung học thuật rộng lớn nhưng có vẻ việc Biện kinh tranh luận không được đề cao như trong Lhasa. Tăng sĩ trẻ có, già có, nhìn vừa gần gũi với đời, vừa xa rời lạc lõng. Nếu đem thước đo tiêu chuẩn của giới luật ngày xưa mà xét thì chắc là ngày nay chắc đã xé rào nhiều. Đúng là sự đời vần vũ như mây gió, đổi thời gian đổi cả không gian ...

13taer3.jpg


13taer4.jpg


Chỉ ở được Thanh Hải 1 ngày tôi đã phải nói lời chia tay và cũng là lúc tạm biệt Tây Tạng, mảnh đất rộng lớn linh thiêng. Thiên Lý Nhãn nhìn xa muôn dặm, liệu có thấy hết những núi cao vực sâu chốn này? Thuận Phong Nhĩ nghe ngoài nghìn trượng, liệu có rõ câu chú ngân nga trong nắng trong mưa và trong tim mỗi người dân Tạng? Gió mây sẽ lại đi về trên nóc nhà thế giới như tự ngàn năm nay vẫn chẳng đổi thay, sẽ tiếp tục thổi tung bay triệu triệu lá cờ ngũ sắc in kinh Phật giăng khắp cao nguyên. Trong lòng tôi tràn đầy xúc động và hạnh phúc bởi cũng có ngày tôi bắt kịp chính mình trong giấc mơ khi trước, bắt kịp mây gió để được một lần trong đời đặt chân đến nơi đây.
 
Last edited:
Khúc vĩ thanh Tây Tạng

3. Ngày về

Tôi rời cao nguyên Thanh-Tạng trong đêm, sáng mai tôi sẽ trở lại với cuộc sống thường nhật ồn ào bận rộn. Sau này có dịp trở lại không biết cảm giác của tôi sẽ ra sao? Mừng vì lại được rong ruổi trên đường thiên lý thăm viếng cố nhân? Lo vì khi đó sức khoẻ và nhiệt tâm liệu còn mạnh mẽ? Buồn vì thời gian tuy trôi nhanh nhưng chưa bằng những biến thiên đa cực cuồn cuộn trong lòng Tuyết Quốc? hay tôi sẽ sợ vì không dám đối mặt với một Tây Tạng quá mới mẻ? Tôi vừa thu được và vừa đánh mất mười một ngày! Có hề gì đâu? Thời gian và mảnh đất này thật là hào phóng. Tây Tạng của ngày hôm qua, hôm nay, và mai sau sẽ luôn hào phóng như thế, dang tay chào đón những ai muốn đến đây để chiêm bái sự hùng vĩ của thiên nhiên hoà quyện với cái đẹp tâm linh của nền Phật giáo Đại thừa Mật tông thâm hậu, dẫu biết rằng vạn vật trên đời không ra khỏi vòng sinh-diệt-tái sinh. Với cuộc đời này, với sự hào phóng ấy, phải sống nhanh lên, có ích hơn, và không chờ gì cả. Có lẽ ngày xưa chính là các Ngài sống thế!

14yilka.jpg


Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình về Tuyết Quốc, người trẻ thì háo hức, người già thì trầm ngâm. Có người hỏi vì sao tôi có nhiều đam mê với mảnh đất Tây Tạng và văn hoá nơi đây đến thế? Tôi đồ rằng kẻ ngoại đạo như tôi giống tấm vải trắng dễ ăn thuốc nhuộm, hiểu biết hạn hẹp của tôi giống cốc nước vơi rất dễ đong đầy; nên khi vén mây bước vào thế giới siêu thực này, tôi đã được thoả lòng mong đợi ^^

Giữa bầu trời lịch sử, ấy muôn triệu ánh sao
Trong dân gian vạn thưở, ấy muôn triệu đoá hoa!


Hôm tôi ở Singapore trời cũng nắng, nhưng là cái nắng "điều hoà", một thứ nắng xoàng.

Câu chuyện tôi kể các bạn nghe đến đây là hết.

===

(Viết cho Tây Tạng mùa hè tháng 6 năm 2010)
 
Re: Khúc vĩ thanh Tây Tạng

Cám ơn bạn yilka đã cho những góc nhìn Thanh Tạng thật là lạ và diệu kỳ và những cảm xúc phiêu bồng qua mây, tuyết, gió... xứ Tạng này.
Mình cảm thấy rằng, "chất Tạng" đã thực sự thấm dần vào bạn rồi, đậm nhất là trong những trang cuối này.

Cám ơn nhiều,
quiest
 
Thanks bạn quiest, mình có "cảm giác lạ" với Tây Tạng cũng lâu lâu rồi, khoảng 3 năm trước có blog 1 bài nho nhỏ về chủ đề Tâm Tĩnh Lặng, từ đó ôm ấp mộng đi Tây Tạng, sẵn tiện để lát mình biên tập lại rồi post mọi ng đọc chơi. Nói chung ai đi Tây Tạng về cũng thấy trong lòng đổi thay nhiều, từ tốn hơn và cũng vội vàng hơn ^^
 
Một câu hỏi về vấn đề tu trì, chỉ do mình tò mò : Qua các hình ảnh, mình có cảm tưởng là Phật giáo Tây Tạng chỉ có tu tăng, không có tu ni .. có đúng thế không ? Nếu đúng, lý do là tại sao ??

Gửi các bạn một số hình ảnh về một tu viện nữ mà anh hướng dẫn viên người Tạng đã dẫn tụi mình tới hồi đầu tháng 8 vừa rồi. Tu viện này cách Jokhang khoảng 1 km về bên phải và đường đi rất khó nhớ.

Cám ơn Yika nhiều nhá. Em đã đầu tư rất nhiều cho bài viết của mình. Chị rất thích bài viết của em và đã in ra những thông tin cần thiết cho chuyến đi Tây Tạng vừa rồi. Hy vọng lại gặp em trong những bài viết mới cho những chuyến đi mới.

IMG_0859.jpg

IMG_0863.jpg

IMG_0864.jpg
 
@ 4-seasons: cảm ơn chị đã chia sẻ những hình ảnh quý giá, Ani Tsang Kung Nunnery nằm trong khuôn viên rộng lớn của Bát Giác Nhai, guide của chị nhiệt tình đưa đến thế là thích quá rồi ^^ những nơi như thế này sẽ vắng khách và không khí gần gũi hơn ^^ tuyệt đấy chị ạ!!!

Sắp tới e cũng đã có plan đi thêm vài nước nữa, hy vọng sẽ đủ hình ảnh và tư liệu để viết bài chia sẻ cùng mọi người :) hy vọng được trao đổi thêm với chị và các Phượt thủ khác, cũng chúc chị sức khỏe và thành công trong mọi chuyến đi.

@ javadev8x: add nick e rùi nhé :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,156
Members
192,343
Latest member
77winfun
Back
Top