11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 6.
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 6.
“Lược sử” Mogao (nguồn Dunhuang Academy).
Thông tin về Mạc Cao, Đôn Hoàng rất nhiều, không chỉ tiếng Trung mà còn nhiều trang web Anh Ngữ đều có. Bạn quan tâm, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Nhưng so với các hang động Vân Cương, Mạch Tích, Bính Linh… tôi may mắn được viếng thăm thì ở đây, ngoài việc hạn chế số lượng quá ít các hang được thăm thì việc thông tin được cung cấp quá hạn chế cũng làm gia giảm ít nhiều hứng thú. Ở các khu vực khác, ngay trước mỗi hang động đều có những tấm bảng, bằng đá hoặc đồng,… ghi chú là hang số mấy, có từ năm nào, đời nào, trong đó có gì đặc biệt, có gì lý thú… Khách ham hố như tôi thường phải chụp hình tấm bảng đó, vì sẽ rất dễ quên sau đó, khi có quá nhiều thông tin ập đến trong ngày. Rồi ngày sau, khi nào cần, đọc lại những thông tin trong tấm bảng ghi chú đó sẽ biết kỹ hơn, hoặc với những từ khóa trong đó, việc tra cứu thông tin bằng Google sẽ dễ dàng hơn. Còn ở Mogao, có thể xem là nổi tiếng nhất TQ thì ngoài tấm bảng ghi hang số mấy (mà nhiều hang còn không có) chẳng có thêm một thông tin nào khác. Chẳng hiểu tại sao nữa. Thêm nữa, việc cấm chụp hình! Tôi rất hiểu là ánh đèn flash sẽ làm hư các bức tranh cổ, nhưng ở nhiều nước khác, kể cả nước nghèo như Tích Lan,… họ vẫn cho phép khách chụp hình các bức tranh tường cũng đã 1.500 tuổi của họ, với điều kiện là tắt flash. Tôi thấy người dân, du khách ở đó dù nhiều người với máy ảnh ít tiền vẫn vui thích với các tấm hình chụp được và tuân thủ nghiêm ngặt việc không dùng đèn flash, mà họ được nhắc nhở, bằng lời, ngay từ khi bước vào các hang động, cũng như bằng nhiều bảng biểu trong khắp hang động. Hay có lẽ dân TQ đông quá, khó quản lý, hay có lẽ…, hay có lẽ… Cái này dành cho những nhà quản lý chuyên nghiệp trả lời giúp.
Hình chụp lén (nhưng quên mất hang số mấy rồi).
Tấm hình “lạ” về Quan Thế Âm Bồ Tát này tôi cũng rất thích.
Tôi dự định dành cho Mogao nguyên ngày, nhưng thực tế, tour đi theo HDV thuyết trình bằng tiếng Anh chỉ khoảng 2g đồng hồ. Một điều ràng buộc khác nữa là HDV phát tai nghe qua FM Radio cho khách, nên sau khi đi xong, HDV thu gom các tai nghe và cũng gom khách đẩy ra ngoài luôn! Nên có muốn ở lại lang thang cũng không được. Và tôi cũng thấy rằng, chẳng hiểu tại sao, có một vài hang động người TQ vào, nhưng nhóm của chúng tôi không vào.
Một điều rất rõ là nhóm khách Tây được đưa vào Tàng Kinh Động (Library Cave) đầu tiên. Không chỉ vì hang này quan trọng, mà còn vì đây là nỗi đau, sự “sỉ nhục” của người TQ khi rất nhiều những tài liệu, hiện vật quý giá của các nhà sư Mogao giấu trong hang từ thời Tây Hạ (TK XI) đã bị các các nhà thám hiểm Tây Âu đến khuân đi gần hết, chỉ ngay những năm 1900, khi Mogao được “phát hiện”. Nên có lẽ, bây giờ cần được nhắc nhở/cảnh báo trước!!!
Mogao, một ngày mùa xuân.
Dù là tỷ phú thời gian (!) nhưng giờ tôi chẳng còn biết làm gì ở đây! Lang thang ngoài khuôn viên, chắt mót chụp cố những tấm hình cuối với cái máy cùi bắp, ghé thăm Bảo tàng mới,… tôi tiếc nuối chia tay Mogao nhảy lên xe quay về Dunhuang.
Trong sub-topic về Mogao này, 2 tấm hình lấy từ internet tôi đều ghi chú nguồn.
(tbc.)