14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 9.
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 9.
Con đường về ngang qua Hoàng Nguyên (Huang Yuan), nơi ngày trước chính quyền Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân, vì miền đất này hoang sơ khô cằn như sa mạc. Với tôi, Hoàng Nguyên có một kỷ niệm nho nhỏ khác. Rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ.
Số là trên đường đi Tibet của hành trình tìm đến núi thiêng Kailash, vé tàu Thành Đô – Lasha không còn. Do vậy, đối tác của công ty tổ chức tour ở Thành Đô đã đưa cho tôi 2 chiếc vé, một chiếc vé từ Thành Đô đi Hoàng Nguyên và một vé từ Hoàng Nguyên đi Lasha. Nói thật, đối với các bạn biết võ vẽ tiếng Hoa thì chuyện này thật đơn giản, còn với tôi, nửa chữ không biết thì việc này cũng có chút ít lấn cấn, lúc đầu. Nhưng rồi mọi việc đều suôn sẻ. Có lẽ vì tôi đang tìm về Ngân Sơn, nên trời Phật độ trì.
Qua khỏi Hoàng Nguyên, xe dừng lại thật lâu ở một con/nhánh hồ nhỏ trước khi về lại Tây Ninh. Hồ rất nhiều chim. Có lẽ đây là điểm dừng để ngắm chim như các tour có đề cập. Có điều, vẫn tiếc, là trời chiều nắng tắt hồ xám nên hình không đẹp. Hồ không có những tảng băng chất đống ven bờ nhưng có lớp váng băng che phủ, nơi lũ chim tập trung nhiều. Chụp hình không được, tôi leo lên đồi cao nhìn hồ ngắm núi, chờ các bạn vác súng to ống dài đi săn hình.
Cô đơn trên hồ băng giá.
Cô đơn trên trời lạnh.
Sao không tìm đến nhau?
Giờ ta có đôi hạnh phúc.
Cùng say trong điệu luân vũ tình yêu!
Về Tây Ninh chiều, chúng tôi rã đám. Tôi lại lang thang phố một mình, như lệ thường. Tây Ninh bây giờ xây rộng thênh thang, nhiều công trình hiện đại hoành tráng vẫn đang được xây dựng. Nhà nghỉ khu tôi ở nằm ở khu không cũ không mới, nằm gần con phố mua bán sầm uất, một cái chợ bán đêm ngày và một chợ đêm. Cũng như mọi nơi, Nhất Dương Chỉ của Đoàn Hoàng Gia được tôi áp dụng triệt để mỗi khi muốn ăn uống gì.
Từ đây, lội bộ ra nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Thanh Hải, một trong 4 nhà thờ Hồi giáo lớn nhất miền Tây Bắc Trung Hoa. Nhà thờ Đông Quận (Dongguan) này có từ TK 14 (1368-1398), thờ Hồng Vũ Đế nhà Minh, tuy nhiên những gì chúng ta thấy hiện nay được xây dựng từ năm 1914. Sao nhà thờ qua được cơn binh lửa Cách Mạng Văn Hóa vậy ta? Tiếc thay là tôi đến nhà thờ này sau 5pm, hết giờ thăm viếng, cũng như nhà thờ nằm về hướng đông (Đông Quận, để chỉ vị trí nhà thờ) nên tôi không có được những tấm hình đẹp về ngôi nhà thờ Hồi giáo này.
Nhà thờ Hồi giáo Đông Quận trong chiều muộn.
Lang thang phố phường, tôi hơi ngạc nhiên là ở Tây Ninh, ngay cả trong khu gần chợ, cũng không có những hàng quán bán ngoài trời, nhất là các món nướng như ở khắp nơi nơi trên đất Trung Nguyên, tôi đành mua bia vác ra ghế đá ngồi uống chay, ngó nghiêng thiên hạ.
Mai tôi chia tay Tây Ninh, chia tay con đường lên Tibet rồi. Thực ra, thời gian còn lại của tôi trên đất Trung Nguyên không phải là ít lắm, nhưng vì tôi đã quyết là về bằng đường bộ nên mới thấy nó xa thăm thẳm. Thứ nữa, đường về của tôi cũng là một cung đường du lịch chứ không phải là tuốt tuồn tuột chạy về. Nên cũng cần khá nhiều thời gian. Do vậy, tôi hơi lưu luyến một Tây Ninh là lạ, mà dường như tôi chưa nắm được nhịp sống, cách sống nơi đây. Khác với những miền đất khác tôi lê la đất Trung Nguyên.
Thanh Hải là miền đất lạ, tôi đi chưa nhiều. Tôi có vác về nhà một cuốn HDDL miễn phí, chất cả đống trong nhà nghỉ, về Thanh Hải, với nhiều những tấm hình thật đẹp, thật lạ khác với những gì tôi hình dung (chỉ hơi tệ chút là cuốn HD dày cộm đó in bằng tiếng Pháp). Nên tôi vẫn còn nhiều tò mò về miền đất này. Cung đường từ Tây Ninh hướng về Yushu, về Thành Đô cũng là một cung đường lạ. Nên tôi vẫn hy vọng một ngày nào tôi có dịp đặt chân trên con đường đó.
Và nếu
còn duyên còn nợ, tôi sẽ về lại Tây Ninh này!