Đôi uyên ương cần có người làm chứng trong ngày cưới. Người bạn gái cũng là vợ sắp cưới của anh trai cô dâu làm chứng cho cô dâu. Còn phía chú rể thì anh trai ruột là người làm chứng cho chú rể. Hai người làm chứng ngồi cạnh nhau chếch mé sau bàn làm lễ của cha xứ và trước mặt cặp uyên ương.
Cha xứ nói một tràng tiếng Ba Lan và ngân nga những câu La tin. Lúc nói bằng tiếng Ba Lan, tôi cũng hiểu được đôi chút do vốn tiếng Nga học suốt 10 năm còn rơi rớt lại. Trong nhà thờ tất cả đều yên lặng, ai cũng xúc động trước buổi lễ trang nghiêm và quan trọng với cuộc đời của đôi trẻ. Chỉ có tiếng một em bé chừng 2 tuổi cứ hồn nhiên bi bô : Kasa, Uli, Uli, Kasa. Tôi cứ phải chúm miệng lại không thì cười thành tiếng mất.
Hai người làm chứng lần lượt phát biểu vài câu. Rồi tới lúc cô dâu và chú rể nói lời hứa trước Chúa, trọn đời thương yêu và ở bên nhau cho dù có những trắc trở của cuộc sống. Cô dâu nói bằng tiếng Ba Lan, còn chú rể xúc động đọc đoạn ấy từ quyển Kinh Thánh bằng tiếng Đức.
Bên cạnh tôi là bà bạn vong niên của cô dâu, người phụ nữ đậm người tóc đỏ đến đón chúng tôi ở khách sạn, cô ấy đang sụt sịt và càng nghẹn ngào hơn khi đôi trẻ trao nhẫn và hôn nhau trước bàn thờ Chúa.
Cả nhà thờ hát thánh ca. Chúng tôi thì ngồi yên lặng và nắm tay nhau.
Lần lượt từng người bước lên khỏi ghế ngồi của mình và tới hàng đầu tiên (không có ghế ngồi mà chỉ có thanh gỗ để vịn tay và đặt tay khi quỳ
và quỳ xuống, cúi đầu. Cô dâu chú rể cúi nhận bánh thánh từ cha xứ, sau đó cha xứ bước xuống dưới sảnh, tới hàng đầu tiên. Mọi người lần lượt nhận bánh thánh, làm dấu thánh, nhún chào cha xứ, đi ra giữa lối đi, trước bàn thờ chính, làm dấu thánh và nhún chào rồi mới bước về hàng ghế của mình.
Những người khác thay nhau lên nhận bánh thánh như vậy đến khi hết lượt.
Chúng tôi thì vẫn ngồi yên.
Trong lúc ấy, có một nữ tu già mặc đồ đen tuyền tay cầm một hộp gỗ nhỏ đến từng người khách dự đám cưới quyên tiền. Mọi người dường như đã chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá nhỏ, lần lượt bỏ tiền vào hộp gỗ. Chúng tôi quýnh quáng kiếm tiền vì không biết tục lệ này. Chả nhẽ lại quyên tờ 50EUR, hì hì.
Cả nhà thờ vẫn hát thánh ca. Các khách từ Đức sang cũng ngồi im như chúng tôi. Vì chẳng ai đọc kinh được bằng tiếng Ba Lan.
Mẹ cô dâu và em gái, em họ đứng dậy trước, làm dấu thành và nhún mình trước bàn thờ chính, quay ra ngoài nhà thờ trước. Lúc ấy tôi cũng không hiểu vì sao họ lại đứng lên trước, khi cô dâu và chú rể vẫn đang chịu phép ở trên.
Cô dâu chú rể được cha xứ cho phép đứng dậy, hai người khoác tay nhau mỉm cười hạnh phúc đi ra ngoài cửa chính nhà thờ.
Mọi người cũng đứng dậy và đi sau đôi vợ chồng mới cưới.
Ra đến ngoài cửa, người nhà và bạn bè đã chờ sẵn, tung gạo lên đầu cô dâu chú rể và tiền xu rắc trước mặt hai người. Tục lệ tung gạo là để mang lại may mắn, hạnh phúc cho đôi uyên ương, đem tai ương tật ách tránh xa khỏi họ. Cô dâu chú rể hăm hở nhặt tiền xu, càng nhặt được nhiều càng tốt, những người khách cũng có thể giúp họ nhặt xu và đưa lại cho hai người, thường là đưa cho cô dâu. Người ta tin rằng cô dâu chú rể sẽ có cuộc sống tiền bạc dư dả.
Các khách mời cũng phấn khích cùng sự hoan hỉ của đôi vợ chồng mới cưới.
Máy ảnh bấm lia lịa. Thậm chí cả khách du lịch cũng tranh thủ chụp ảnh quang cảnh lễ cưới và 2 nhân vật chính rạng ngời.