What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Bali có gì lạ không em… – 29.



Bali có gì lạ không em… – 29.




Tôi nào có hay mình may mắn biết chừng nào khi đến Ubud hôm nay, ngày Ubud rộn ràng trong một nghi thức tang lễ. Ừ, nghi thức tang lễ nhưng rộn ràng những sắc màu, âm thanh và cả những nụ cười – dù nhìn kỹ vẫn thấy luyến lưu những thoáng buồn.


IMG_2445-1.jpg

Em gái xinh Ubud đi lễ Ngaben.


IMG_2455-1.jpg

Tài hoa của người Bali có thể nhận ra chỉ qua những điều nhỏ - như ông mặt trời cười bằng lá dừa, lá tre… này.


IMG_2452-1.jpg



IMG_2469-1.jpg

Linh vật không thể thiếu trong nghi lễ Ngaben.


Có rất nhiều, nhiều đến ngỡ ngàng các nghi thức, nghi lễ tiễn đưa người về bên kia thế giới trên đất Indonesia, nhưng Ngaben, Nghi lễ Hỏa táng (Creamation Ceremony) chỉ có ở Bali. Khác với các miền đất khác của quốc gia Hồi giáo Indonesia, nghi lễ nguồn gốc Hindu giáo này là hình thức mà người ở lại giúp người qua đời được siêu thoát.


IMG_2476-1.jpg



IMG_2470-1.jpg



IMG_2465-1.jpg

Những sắc màu Ngaben.


Theo người dân Bali, khi một người qua đời, linh hồn của họ vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa dương trần nếu chưa qua nghi lễ Ngaben. Người ta chỉ mai táng người thân đã khuất tạm thời. Rồi đến tháng 8 mỗi năm, nếu có đủ kinh phí (vì khá tốn kém) người ta sẽ tiến hành làm lễ. Nếu chưa đủ kinh phí, họ phải chờ, có khi phải mất nhiều năm. Nghi lễ được làm theo từng cụm làng, xã… Ngày tháng, địa điểm do các vị bô lão chức sắc xem và chọn. Qua nghi lễ hỏa táng lạ lùng, nhiều âm thanh, sắc màu này, không những xác phàm sẽ thành tro bụi bay khắp nhân gian hay trôi theo dòng nước… mà linh hồn người ra đi cũng sẽ được giải thoát. Do vậy, ở một bài trước tôi có nói “với người dân Bali, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong đời mỗi người” là vậy. Vì nếu không có nó, họ sẽ không được siêu thoát.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 30.

Bali có gì lạ không em… – 30.


Theo nhiều đánh giá, nhận xét, nghi thức tôn giáo ấn tượng nhất Bali chính là Ngaben.


IMG_2467-1.jpg

Này là bò thiêng màu đen.


Không chỉ về sự lôi cuốn, màu sắc, âm thanh, nghi lễ khi thực hiện mà việc người ta đã chuẩn bị cho nó như thế nào, trong thời gian bao lâu… Và cho đến giờ, chưa có một lễ hội nào được chuẩn bị lâu như vậy, cả một đời, cả cuộc sống làm lụng chỉ để lo cho ngày sau cuối Ngaben, để mong ước cho linh hồn được siêu thoát.


IMG_2482-1.jpg



IMG_2485-1.jpg

Này là màu đỏ.


IMG_2500-1.jpg

Này là màu trắng.


Chính thức được biết có từ bao lâu người ta vẫn thật sự chưa rõ, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng Ngaben bắt đầu vào thế kỷ 13, xuất hiện trước tiên từ hoàng gia và sau đó mới dần dần lan truyền xuống dân nghèo. Như người ta vẫn nói về các đẳng cấp của Hindu giáo, bạn sẽ thấy điều đó thể hiện rõ qua nghi lễ Ngaben, qua các ngôi tháp gỗ cúng dường có bao nhiêu mái (bạn sẽ thấy trong các hình tôi chia sẻ). Từ 1 mái đơn sơ đến cao nhất là 11 mái – từ người dân hạ đẳng đến dòng dõi hoàng gia. Và bạn nào còn nhớ đến số mái ở các ngôi đền thờ phụng các vị thần Siva, Vishnu,… sẽ hiểu lý do vì sao.


IMG_2438-1.jpg

Những cờ lọng nhiều sắc…


IMG_2448-1.jpg

Giữa những sắc màu rộn ràng, âm thanh sôi động,…vẫn thấy những thoáng buồn.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 31.

Bali có gì lạ không em… – 31.


IMG_2435-1.jpg

Bạn có thấy huyệt nhỏ? Nơi chôn cất tạm người thân, giờ mới được đào lên để thực hiện Ngaben.


Liên quan sâu sắc đến 5 yếu tố hình thành vũ trụ của Hindu giáo, Đất, Nước, Lửa, Gió và Không, nguyên lý của Ngaben dựa trên 4 yếu tố hình thành nên con người. Ngaben cho rằng, người trần chúng ta, tạo nên từ đất nước lửa gió, ngoài phần xác phàm,… chúng ta còn có phần hồn. Phần hồn này còn vướng vất là vì chưa lên được cõi trên hoặc được chuyển sang kiếp khác – Ngaben sẽ giúp phần hồn này được siêu thoát.


IMG_2520-1.jpg

Những sắc màu Ngaben.


Nghiên cứu sâu, người ta thấy các nghi thức tang lễ Ngaben này cũng hơi tương đồng với các nghi thức của các dân tộc khác trên quần đảo Indonesia (mà những ngày sau trong chuyến đi này tôi càng ngỡ ngàng hơn khi sửng sốt chứng kiến). Người Dayak (mà họ cho rằng tổ tiên mình có nguồn gốc từ đất Giao Chỉ xưa) trên đảo lớn Borneo có nghi thức Tiwah. Người Toraja ở Sulawesi có mộ treo, có cả thờ phụng cự thạch (megalithic) giống như người Sumba bên cụm đảo Nusa Tenggara hay cả ở vùng Kalimantan,….


IMG_2560-1.jpg

Nếu còn nghi ngờ những hình ảnh này không phải của Bali, chiếc cổng đặc trưng này sẽ là “minh chứng”.


IMG_2567-1.jpg

Như sợ chưa đủ sắc, nên thêm chút màu cho Ngaben.


Những tục lệ như mộ đá, mộ hang, mộ treo, mộ cây, quan tài đá, quan tài gỗ,… có từ thời tiền sử của những bộ tộc trên quần đảo Indonesia này cái vẫn còn lưu giữ đến tận ngày nay, ở những vùng hẻo lánh hoặc nơi người ta ít bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. May mắn thay, trong hành trình Xa hơn Bali kỳ này, tôi gần như chiêm nghiệm được hầu hết các tục lệ này, dầu ở vài nơi chỉ được nhìn thấy phần “hậu” nghi thức. Bây giờ nhớ lại không hiểu sao lúc đó mình lại liều như vậy, nhất là mấy hôm một mình mò vào hang động tối đen, có những ngách nhỏ đến nỗi một người gầy phải nghiêng mình mới lạch qua hoặc thấp đến mức phải khom lưng xuống bò đi như ở địa đạo Củ Chi,… khi xung quanh tối đen và đầy những hòm cũ mục, sương xọ người khắp nơi...


IMG_6037-1.jpg

Con đường đầy xương sọ một ngày kia tôi lang thang xứ đảo Nam Dương.


(tbc.)
 
@backpackervn: ông đi nhiều vào những nơi như vậy phải có thêm vật dụng mang dương khí bổ trợ, nếu không âm khí ám vào mình sẽ bị hại không hay đâu.

Nghi thức Ngaben này có giống tục cải táng ở miền bắc VN?
 
Bali có gì lạ không em… – 32.

@danngoc, cảm ơn đã chia sẻ! Ngaben có giống tục cải táng ở miền bắc VN hay không, bạn chịu khó đọc tiếp và tự so sánh vì tôi không rành lắm về tục cải táng bạn đề cập. Còn nói về “vật dụng mang dương khí”, tôi không biết nhiều đến việc bạn đang đề cập, nhưng, he he he.. hình như tôi luôn mang một thứ trong nhóm đó bên người mà!!! :T


Bali có gì lạ không em… – 32.



IMG_2486-1.jpg



IMG_2503-1.jpg

Đưa người thân đến nơi làm lễ Ngaben


So với các nghi thức tang lễ từ nhiều ngàn năm trước (và vẫn còn tồn tại đến mãi bây giờ), một số nghi thức “mới” đã xuất hiện khi tôn giáo mới thâm nhập. Với người Bali, đó là Hindu và Ngaben. Ngay cả ở Bali này, nghi thức Ngaben cũng mới được một số bộ tộc, vài ngôi làng… mới bắt đầu áp dụng vào những năm 2000 của thế kỷ 21 này(!), như ở ngôi làng Trunyan, ven hồ Batur là một ví dụ. Vốn trước giờ chỉ để người chết thênh thang nằm trên đất, không chôn, không đốt,… dưới bóng những cây Taru Menyan (tôi sẽ quay lại kỹ hơn câu chuyện này trong hành trình đến hồ Batur), giờ dân làng Trunyan cũng đã bắt đầu thực hành nghi lễ Ngaben.


IMG_2494-1.jpg



IMG_2487-1.jpg

Dù là ngày vui, sao những ánh mắt vẫn đượm buồn.


Ở Bali, nghi lễ Ngaben này được thực hiện long trọng nhất ở Ubud, nơi có nhiều người thuộc dòng dõi hoàng tộc xưa cũng như nhiều người giàu có sinh sống. Rất khó biết đây là hình thức của tang lễ khi nhìn thấy những dòng người đông vui nhộn nhịp cùng chiêng trống khua vang trên đường phố. Đi cùng là những “chú trâu” được trang điểm nhiều màu sắc (với hài cốt của người quá cố bên trong) hay các đền đài theo phong cách Bali… mà các chàng trai trẻ kiệu theo bước nhún nhảy của họ. Rồi dòng người thân trong trang phục địa phương với bao nhiêu là quà tặng cho người thân lần cuối…


IMG_2526-1.jpg

Nhận và đặt quà tặng vào trong lòng của ‘chú trâu’


Và càng ngỡ ngàng hơn, chỉ trong phút chốc, bao nhiêu là sắc màu rực rỡ, bao nhiêu là công sức, bao nhiêu là quà tặng tiễn đưa của người thân chờ đợi hàng giờ để được trao gửi… sẽ phừng phừng thành tro bụi.


IMG_2641-1.jpg

Và tan thành tro bụi.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 33.

Để giảm bớt những ấn tượng khi liên tục xem những hình ảnh về các nghi thức tang lễ, chia sẻ với các bạn mấy hình ảnh về một miền đất đẹp trong hành trình Xa hơn Bali kỳ này. Miền đất mà tôi nôn nóng sẽ được quay lại xiết bao.


IMG_7403-1.jpg

Nhìn sang bên này, biển rừng xanh ngăn ngắt.


IMG_7617-1.jpg

Nhìn sang bên kia, biển xanh được tô thêm nét duyên bởi cây cầu gỗ lang thang trên biển vắng.


------------------------


Bali có gì lạ không em… – 33.


IMG_2507-1.jpg

Chú trâu này mới vừa được mở phần nắp lưng, chuẩn bị nhận quà tiễn đưa của người thân, xếp vào bên trong.


IMG_2537-1.jpg

Nhẫn nại chờ để gửi quà tặng cho người thân lần cuối.


Khi có người qua đời, gia đình sẽ tắm rửa thân xác bằng nước thiêng xin từ các đền thờ, cúng dường cho nữ thần Dewi Dugra, người trông coi các nghĩa địa rồi đưa người thân đi chôn cất. Sau đó, người thân chờ, có thể nhiều năm, để có thể làm nghi lễ Ngaben cùng với nhiều gia đình khác. Những người dòng dõi cao trong thứ hạng đẳng cấp của Hindu giáo thì khác, họ có thể tiến hành nghi thức Ngaben trong vòng 3 ngày sau khi đó. Sở dĩ người dân thường phải chờ để tiến hành nghi thức Ngaben chung vì chi phí khá cao. Các quan tài, dưới dạng một chú trâu (lembu) hoặc một ngôi tháp (wadah) thường được làm bằng các loại gỗ quý. Rồi các đồ cúng dường, cũng phải chu đáo và chi tiết để làm vừa lòng các linh hồn xấu, các vị thần cai quản cõi âm… Với các ngôi làng ở đồng bằng như Ubud, nơi hài cốt sẽ được thiêu đốt, họ sẽ quật các ngôi mộ tạm lên. Còn ở các ngôi làng khác (thường ở các vùng trên núi cao) nơi thay vì thiêu trực tiếp hài cốt, họ sẽ làm lễ và đốt một tượng nhân làm từ gỗ đàn hương, đã được tạc, chạm khắc và làm lễ… trước đó.


IMG_2559-1.jpg

Đã nhận đủ quà, chú trâu đã đầy, chuẩn bị khép lại, chờ nghi lễ kế tiếp.


IMG_2583-1.jpg

Chụp hình với “người thân” lần cuối.


Rồi đến ngày lễ Ngaben, thường là tháng 8 mỗi năm ở Ubud, hoặc là tháng 8 của cứ mỗi 10 năm ở một vài ngôi làng nào đó, hoặc là tháng 8 của cứ mỗi 3 năm ở một ngôi làng nọ,…. Người thân bắt đầu kiệu những quan tài (chú trâu hay ngôi tháp) đến làm lễ ở các ngôi đền (như ở Ubud), hoặc chỉ mang hài cốt, hoặc các tượng nhân thay thế đến làm lễ ở các ngôi đền,… rồi mới mang đến một ngôi mộ (chú trâu hay ngôi tháp) chung… Nơi rồi tất cả sẽ thành tro bụi dưới tác động của Lửa, cũng một yếu tố hình thành nên xác phàm chúng ta.


IMG_2608-1.jpg

Lửa khói mịt mù ngày thu Ubud.


Vẫn chưa hết!


(tbc.)
 
"he.. hình như tôi luôn mang một thứ trong nhóm đó bên người mà!!! " , thích câu trả lời này của bạn , rất tự tin vào bản thân mình , mong bạn lúc nào cũng khỏe .....
 
Danngoc là người Sài Gòn, chỉ nghe nói người Bắc VN có tục cải táng, tức là sau khi chôn 1 vài năm thì bốc mộ và rửa sạch xương cốt rồi chôn lại xuống chỗ đất cao. Trước đây danngoc vẫn nghĩ đó là do miền bắc hay lũ lụt nên mới có tục cải táng. Nay danngoc nghi ngờ tục cải táng miền bắc VN là có liên quan tới tục lệ này ở Indonesia (khi đi Java-Bali danngoc có nhận xét là làng quê và phong tục ở đây rất giống VN: tục trồng cây nêu, trồng cây đa ở đình láng, những chòi nghỉ chân ven đường làng, tục thờ cúng thổ thần, hòn đá, cái cây v.v.)
 
Bali có gì lạ không em… – 34.

@chu, cảm ơn lời mong chúc của bạn. Về “vật dụng mang dương khí”, thực ra ý tôi khác (mượn ý câu chuyện vui về thầy cai đội phạt bà góa vì cái tội có chứa công cụ nấu rượu lậu trong nhà…), chỉ muốn để thay đổi không khí lặng của câu chuyện về những tang lễ, chứ không bao giờ tôi dám tự tin vào cái xác phàm quá nhiều tội lỗi của mình đâu. Chúc vui!


@danngoc, thời buổi này thông tin dễ kiếm mà. Chỉ gõ vài từ là đã có thông tin: Theo "Việt Nam Phong tục" của Phan Kế Bính, trang 39: “… Cải táng có nhiều cớ: Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài. Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì phải cải táng. Ba là vì, các nhà tin địa lý, thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất, hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cải táng. Bốn là, những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ….”. Như vậy, “cái cớ” của nghi lễ Ngaben khác hẳn với cái cớ của tục cải táng ở miền bắc.


Còn về việc “phong tục, làng quê…” Bali (Indonesia) giống xứ Việt, tiếp tục trên bước đường lang bạt Xa hơn Bali, tôi sẽ có những chia sẻ khác thú vị về những người dân ở các bộ tộc của Indonesia tự nhận với tôi rằng “… tôi nghe nói rằng tổ tiên xa xưa của chúng tôi đến từ nước Việt…” – và không chỉ một người!


IMG_6067-1.jpg

Một ngôi nhà mồ của một dân tộc trên quần đảo Sulawesi có gợi nhớ gì đến chiếc trống đồng của Giao Chỉ ngày xa xưa?


----------------------------------------------------



Bali có gì lạ không em… – 34.



Vì tiếp sau Ngaben còn là một nghi lễ ít được biết đến – Memukur, dù nghi lễ này tuy lặng lẽ (vẫn có lúc không lặng lẽ lắm) nhưng nếu thiếu nó, ý nghĩa của Ngaben xem như không thành.


Nhưng chưa nói gì đến Memukur, ngay cả câu chuyện về Ngaben của Ubud hôm nay vẫn chưa xong mà.


Trước tiên, tôi phải chân thành cảm ơn 2 anh lái xe ôm ở Ubud. Sau khi “dụ dỗ” tôi đi xe không thành, rồi biết tôi có mang theo xe gắn máy từ Kuta lên, rồi biết tôi không phải là người Tàu, rồi biết tôi lang thang chỉ một mình, rồi biết tôi dù than phiền Bali giờ thay đổi quá nhưng tôi vẫn yêu, vẫn ghé Bali đã 3 lần,… 2 anh đã chia sẻ với tôi thật nhiều thông tin. Chứ cho đến lúc tham gia, bon chen chụp bao nhiêu tấm hình, lang thang đã mấy tiếng đồng hồ ở đó… tôi thật sự vẫn không biết cái nghi lễ nhộn vui này có tên gì! Cũng chẳng biết có gì trong các chú trâu gỗ, tại sao trên mặt đất của ngọn đồi nơi buổi lễ xảy ra lại có những nơi bị đào lên, tại sao những đoàn rước kiệu lại phải quay tròn chóng mặt đến mấy vòng, để chào hỏi hay để làm gì, tại sao những chú trâu trong kiệu phải bị mấy anh rước kiệu nhún lên lắc xuống dù nó nặng trình trịch và các anh mướt đẫm mồ hôi… Nói chung là chẳng biết gì hết, như ai đó từng nói “tôi khờ khạo quá ngây ngô quá, chỉ biết chơi thôi chẳng biết gì!” vậy (xin lỗi tác giả vì đã đổi một từ).


IMG_2613-1.jpg

Rực rỡ những sắc màu…


IMG_2618-1.jpg

…rồi những ngọn lửa bắt đầu lem lém….


IMG_2633-1.jpg



IMG_2643-1.jpg

… và rực cháy.


Đến khi hơi mệt mỏi vì chen lấn chụp chọt cả vì đói vì từ sang chạy xe Kuta lên đến giờ vẫn chưa có gì bỏ bụng… ra ngoài ngồi nghỉ gặp 2 anh. Rồi may mắn được các anh ghi lại tên của nghi lễ trên giấy, giải thích,… từ đó lại len vào hỏi han, rồi mai ngày rảnh rỗi đọc thông tin, tổng hợp lại… mới hiểu thêm, từng ngày. Chứ cho đến gần cuối buổi chiều đó, trong tôi còn chưa biết đến cái danh từ Ngaben, những gì tôi có chỉ là hàng mấy trăm tấm hình nhiều màu sắc và không một thông tin. Thật may mắn cho tôi với những người bạn Bali mới. Và không chỉ thế, các anh còn giúp tôi nhiều thông tin cho những điểm đến, cung đường mấy ngày sau, để với tôi bây giờ Bali lại long lanh qua một màn sương mới!


IMG_2632-1.jpg

Mới vừa hiên ngang rực sắc đó, giờ… Như một kiếp người qua!


IMG_2648-1.jpg

Bạn có thể nhìn thấy những gì còn lại của một kiếp người đang cháy tan thành tro bụi.


Đi lang bạt, nhiều niềm vui của tôi đến bất ngờ hơn những gì tôi chuẩn bị. Có lẽ vậy, tôi cứ mê mải trên những con đường!


(tbc.)
 
Không hẳn thế đâu bác back, nhà quê em người chôn xong 1 năm là cải táng, nhà nào cũng vậy, không chắc do ván xấu, cũng không chắc do nước lụt, vì cải táng là moi xương ra rửa sạch rồi chôn trở lại thôi mà bác.

Vả lại em chỉ đặt dấu thắc mắc chứ có dám chắc chuyện gì đâu. Nhưng giờ thấy họ thiêu đi thì không giống với mình rồi.

Cám ơn bác, hồi hộp theo dõi bài viết của bác.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,667
Bài viết
1,171,065
Members
192,336
Latest member
xjjrc
Back
Top