What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
"... tôi thức thật sớm trong tiếng chim bên vườn xanh, lãng đãng chút hương sứ ngọt nồng nàn đang bị lũ sương ẩm ướt níu kéo lôi giữ lại bên thềm. Pha một ly café thật đậm, thật nóng, không đường, tôi nhấm nháp vị đắng ngọt thơm dìu dịu mê đắm, nhìn mảnh vườn chợt lung linh hơn qua đám sương khói café,… thấy hạnh phúc trong cuộc đời nhiều khi thật giản đơn." Đọc đi lại muốn đọc lại từng chữ và cảm nhận. Thật tình không phải nịnh anh mà anh mô tả hay quá, em như thấy mình đang ở đó vậy. Và bây giờ em ngày càng thấy "hạnh phúc trong cuộc đời nhiều khi thật giản đơn."
 
Bali có gì lạ không em… – 42.


@gautrucpo, duyên, hay nợ, hay nghiệp,… không không sắc sắc sắc sắc không không…. làm sao biết được bạn! (beer)

@binhan, không thấy nó quá sến, như nhiều người khác thấy sao! (beer)

------------------------------------------------------------



Bali có gì lạ không em… – 42.


Hồ Batur, chiếc hồ lớn nhất trên đảo ngọc Bali, là một hồ núi lửa đẹp. Được bao quanh bởi ngọn Abang và ngọn núi lửa cùng tên vẫn đang hoạt động ì xèo, chiếc hồ Batur hình trăng lưỡi liềm mơ mộng này chính là một miệng núi lửa rất lớn hình thành từ khoảng 30 ngàn năm về trước…


Mấy năm trước, tôi có tạt ngang Kintamani, trên đường đi Đền Mẹ Besakith, có dừng lại ở một trong những viewpoint nhìn xuống hồ Batur, nhưng chưa xuống dưới hồ. Nên lần này, nhất định tôi phải xuống hồ, trong đó việc tò mò muốn tìm đến ngôi làng lạ lùng của người Trunyan cũng là mục đích chính.


IMG_2812-1.jpg

Hồ núi lửa Batur…


IMG_2810-1-1.jpg

…soi bóng bên ngọn núi lửa cùng tên.


Nên khi vừa tới Kintamani tôi liền hỏi ngay con đường chạy xuống hồ Batur nằm ở đâu, hướng đến đó rồi bắt đầu chầm chậm chạy xuống. Chầm chậm thôi vì con đường dốc đứng, lại quanh co. Tuy được cái là đường rộng, dễ xoay xở nhưng chẳng hiểu sao trên đường, đôi chỗ có đá dăm nhỏ, dễ làm trượt bánh xe, nhất là ở các khúc quanh, rất nhiều trên con đường này.


IMG_2890-1.jpg

Làng Kedisan ven hồ Batur


Ngay cuối dốc, khi con đường vừa chạy đến hồ là ngôi làng Kedisan. Hôm nay là ngày Chủ nhật, nên tôi không ngạc nhiên gì khi thấy người ta mặc đồ đẹp đi tung tăng trên đường làng Kedisan, cũng như trên nhiều chiếc xe chạy cùng hướng với tôi từ Kintamani xuống đây. Thế nhưng vừa vào trong ngôi làng, nhìn thấy ven hồ Batur một mô hình thu nhỏ của ngôi đền lộng lẫy, tôi biết ngay hôm nay chính là ngày lễ Ngaben của ngôi làng Kedisan này. Ngaben mà tôi cũng chỉ vừ mới biết, mới chia tay ngày hôm qua ở Ubud!


IMG_2799-1.jpg

Nghi lễ Ngaben của làng Kedisan.


Một nghi lễ Ngaben mà cả làng cùng nhau hùn tiền để dành, rồi mới làm, chung cho tất cả những người dân trong làng đã qua đời trong suốt 3 năm vừa qua.


Một nghi lễ Ngaben của một làng quê nghèo, thấm đẫm tính nhân văn…


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 43.

Bali có gì lạ không em… – 43.



Giờ vẫn chưa đến thời điểm nghi lễ bắt đầu nên sau khi trò chuyện cũng hơi lâu với một anh, vốn là HDV du lịch ở Kuta về làng cũ dự lễ Ngaben, biết được thông tin, giờ giấc… tôi tranh thủ leo lên xe chạy tiếp, để kịp giờ quay về dự lễ.


IMG_2814-1.jpg



IMG_2816-1.jpg

Những đồng cà chua, nương hành ven hồ Batur.


Cấu trúc của cụm núi lửa Batur và hồ Batur hơi lạ, không giống các hồ núi lửa khác. Cũng như Biển Hồ ở Gia Lai, hồ Batur là một miệng núi lửa, hình thành nhiều ngàn năm về trước. Nhưng cái khác là bên trong cái miệng hồ núi lửa đó lại có một núi lửa nhỏ khác, núi lửa Batur bây giờ. Nên xem như hệ thống kép, núi lửa bên trong núi lửa vậy. Và ngọn núi lửa Batur “trẻ” đó vẫn hoạt động đến giờ, nên bên cạnh những miền đất đỏ bazan phong hóa từ nhiều ngàn năm trước, những dòng nham thạch mới vẫn thỉnh thoảng phun trào, đè lên đất bazan cũ,… tạo một địa hình khá lạ cho hồ và đất đai, đồi núi xung quanh hồ.


IMG_2833-1.jpg

Ở VN giờ còn ở đâu có những mảnh vườn cây trái nằm bên cạnh đường đi mà không có hàng rào không vậy ta?


Trong một lần hoạt động năm 1927, dung nham đã tràn qua ngôi đền linh thiêng Tuluk Biyu nằm ven hồ Batur và ngôi làng kế bên. Để bây giờ ngôi đền chỉ còn là những cửa đá 2 cánh đặc trưng Bali. Một ngôi đền mới đã được cất lên, trên một sườn núi cao, nhưng dân làng vẫn còn bám lại nuôi trồng cày cấy. Vì đi lên cao họ lấy gì mà sống, trong khi hồ Batur, với nguồn thủy sản phong phú, nguồn nước dồi dào sẽ giúp làm xanh ngắt những cánh đồng trồng hành tỏi, chín đỏ những vườn cà chua lúc lỉu….


IMG_2821-1.jpg



IMG_2822-1.jpg

Những cánh cửa đền đặc trưng Bali của ngôi đền Tuluk Biyu sau hoạt động của núi lửa năm 1927.


Và mỗi ngày ra đồng, đến hồ, đi về mấy lượt ngang qua những cánh cổng trơ trọi còn lại của ngôi đền Tuluk Biyu, chắc họ vẫn nhớ đến đền xưa, người cũ,… ?


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 44.

Bali có gì lạ không em… – 44.


Con đường chạy quanh hồ Batur rất đẹp, và rất dốc. Cứ men theo hồ, cũng nhiều khi là sườn núi nên con đường cũng cứ thế nhấp nhô, nhiều đoạn dốc đứng thẳng nên khá nguy hiểm. Bù lại là gương hồ xanh loáng nắng lấp lánh kề bên, những nương cà chua, những rẫy hành, tỏi xanh ngắt. Cả chu vi hồ có 22km thôi nhưng hôm đó tôi cũng không chạy hết được, nên cũng không biết con đường có chạy giáp vòng hết cả gương hồ hay không.


IMG_2832-1_zps4f6bb047.jpg

Con đường đẹp chạy ven hồ Batur.


Lý do tôi chạy không hết hồ là vì cái tính cà rà. Không chỉ dừng lại ở quá nhiều chỗ mà còn tám nữa. Lúc dừng chân ở dấu tích của ngôi đền Tuluk Biyu, tôi gặp các bạn Tây đi bụi, dừng lại tám cũng nhiều. Nhờ đó cũng biết thêm khá nhiều thông tin về các miền đất khác của Indonesia làm tôi càng hứng thú hơn cho hành trình Xa hơn Bali sắp tới của mình. Rồi tôi đến ngôi làng nhỏ (cũng không biết tên – nhưng chắc nhiều bạn biết, nếu đã từng đến ngôi làng Trunyan), nơi có bến đò đi đến Trunyan. Ở đây, giá cả niêm yết rõ ràng, giá cho một người (60KRp), hai hay nhiều người là bao nhiêu. Vì chỉ có một mình, tôi phải ngồi chờ vì không muốn phải trả tiền cho nguyên con đò, nhỏ nhất cũng phải là 6 người. Tôi cũng không tính chờ nhưng một anh chủ đò nói là cũng có mấy người vừa tới lúc nãy, cũng đang chờ thêm người đi cùng, họ mới vừa lang thang đâu đó ngoài kia thôi. Tôi cũng lang thang trong làng và chờ, nhưng chờ miết mà chẳng thấy ai hết, mới nghĩ rằng chắc anh ku kia dụ mình thôi, nhìn lại đồng hồ, thấy rằng thời gian không còn nhiều nữa nếu muốn quay lại làng Kedisan dự Ngaben kịp thời nên tôi lên xe quay lại, hẹn Trunyan một ngày khác.


IMG_2830-1_zpsd2c25d74.jpg

Một góc làng xanh ngắt ven hồ Batur


Mà bạn có biết ngôi làng Trunyan nổi tiếng, chia sẻ tý để bạn nào đi sau cố đến đó nhé. Trunyan là ngôi làng đặc biệt, nơi người chết không được chôn cất, mà cứ đặt nằm trên mặt đất ở nghĩa trang được bao quanh bởi những cây đàn hương cổ thụ. Do vậy, xác chết không bị hôi thối dù theo thời gian vẫn bị phân hủy. Có lẽ còn nhiều lý do khác chứ không phải là chỉ vì những cây đàn hương, nhưng cho đến giờ người ta vẫn biết đến mỗi lý do là cây đàn hương. Vậy người làng Trunyan có làm Ngaben hay không? Đây lại là một vấn đề thú vị khác. Họ vẫn làm Ngaben, nhưng không với xác người thật mà với một phiến gỗ tượng trưng cho người chết,… nên tập tục Ngaben ở đây lại rất khác, dù từ làng Kedisan tới đây cũng vài mươi phút chạy xe mà thôi. Chỉ với một vùng nhỏ của Bali, của Indonesia mà đã nhiều điều thú vị như vậy, cả đất nước này chắc sẽ còn nhiều điều thú vị khác dành cho dân giang hồ lang bạt.


IMG_2836-1_zpsb18e8350.jpg

Cổng vào một ngôi đền dưới chân núi ở làng Kedisan, nơi hài cốt của người quá cố đang được làm lễ, trước khi chuyển ra hồ….


IMG_2838-1_zpse5d7c16c.jpg


IMG_2841-1_zps9505014f.jpg

…ở hồ, người thân đang chờ, giữa cái nắng trưa chát chúa…


IMG_2842-1_zpsae309af3.jpg

….và thật nể phục những người phụ nữ Kedisan, im lặng, nhẫn nại đội những thúng quà chờ đã từ rất lâu….


Cà rà vậy, tôi về đến Kedisan lúc trưa tròn bóng, chỉ kịp nghỉ ngơi chờ hơn mươi phút là Ngaben bắt đầu.

(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 45.

Bali có gì lạ không em… – 45.



Chi tiết về Ngaben, tôi đã nói tương đối kỹ trong những phần gõ về Ngaben Ubud. Giờ, tôi chia sẻ thông tin về Memukur, nghi thức rất quan trọng bắt buộc phải kế tiếp Ngaben nhưng rất ít được biết đến, kể cả bác gu-gồ.


IMG_2850-1_zps5c9a114b.jpg

Làng xanh Kediasan bên hồ xanh Batur với núi lửa sau lưng làm phông nền,… còn gì đẹp hơn cho ngày Ngaben.



Nhưng không thể không nói đến nghi lễ Ngaben đẫm tính nhân văn của ngôi làng Kedisan này.




IMG_2848-1_zps7a562634.jpg

Hạnh phúc đợi chờ…


Theo anh bạn HDV người làng Kedisan giờ ra Kuta làm việc, trước kia phải đến 5 năm làng Kedisan mới làm Ngaben một lần. Gần đây, khi điều kiện kinh tế khá hơn, người ta tổ chức 3 năm một lần, để người thân có thể sớm lên miền cực lạc hơn. Trong 3 năm vừa qua, ở ngôi làng có 2.200 nhân khẩu này có 47 người qua đời, bà thím của anh là một trong số đó. Mỗi khi trong làng có 1 người qua đời, cứ mỗi nhân khẩu sẽ đóng góp một khoảng tiền nhỏ là 3.000Rp (khoảng 7.000 đồng). Sau 3 năm, những hộ khá giả trong làng sẽ đóng góp thêm để đủ chi phí làm lễ Ngaben, cho toàn bộ những người dân của làng đã qua đời trong 3 năm qua. Ngaben được làm chung, không kể giàu nghèo, cấp bậc, thứ hạng… Một điều rất rất lạ, nếu bạn nào đã từng biết đến việc phân hạng đẳng cấp của Hindu giáo nặng nề đến nghiệt ngã tàn nhẫn như thế nào ở chính quốc của đạo giáo này ở nhiều thế kỷ trước.


IMG_2855-1_zpse5ca68f2.jpg

Cuộc diễu hành từ ngôi đền ngang qua những con đường làng Kedisan ra đến hồ. Người dân mang hài cốt người thân đi dưới dải lụa trắng.
(Đến một ngày sau trên cung đường này, tôi lại gặp cảnh tương tự, nhưng là một dải lụa đỏ, đỏ rực).


Giữa cuộc sống bộn bề những mưu mô toan tính này, nghe được những câu chuyện như thế này thấy lòng nhẹ tênh….


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 46.

Bali có gì lạ không em… – 46.



Khi Ngaben kết thúc, thân xác phàm giờ đây chỉ còn là nhúm tro. Chờ đến lúc nửa đêm về sáng, họ làm nghi thức Memukur, rải tro tàn xuống sông, suối. Giờ linh hồn người quá cố đã ra đi vĩnh viễn, không còn quanh quẩn dưới dương trần nữa.


IMG_2852-1_zps1c1dda98.jpg

Chuẩn bị đón tiếp hài cốt của người quá cố đưa vào tháp (thay vì những chú trâu như ở Ubud)


Nói ngắn gọn về Memukur như vậy cho dễ hiểu, nhưng nghi thức thực hiện khá đa dạng và tốn kém. Lúc đầu tôi không biết nhiều đến Memukur, chỉ hỏi thăm về chi phí tiến hành Ngaben vì nghe thấy rằng nhiều người phải chờ rất lâu mới đủ tiền làm, thì biết rằng chi phí cho một Ngaben bình thường cũng lên đến 30 – 50 triệu I.Rp. Còn Memukur thì có thể tốn đến gấp 2 lần Ngaben dù không đình đám bằng. Như vậy, để làm được 2 nghi lễ này, một người dân sẽ mất bao năm dành dụm mới có thể làm được các nghi lễ này cho người thân? Và ở làng Kedisan này, mỗi gia đình của người quá cố chỉ đóng góp 300.000 Rp cho lễ tang chung này. So sánh 2 con số 30.000.000 và 300.000 mới càng hiểu thêm tính nhân văn của Ngaben làng Kedisan.


IMG_2865-1_zps4974fb6f.jpg



IMG_2859-1_zps7a055e63.jpg

Đoàn diễu hành với dải lụa trắng từ ngôi đền đã đến, bắt đầu chuyển hài cốt vào trong ngôi tháp gỗ.


Buổi chiều hôm đó ở Ubud, đã có một gia đình đã tiến hành nghi lễ Memukur cho người thân của mình ngay lúc đó, ở đó. Dù lúc đó tôi không biết, nhưng khi thấy một nghi thức là lạ, khác với các nghi thức đang tiến hành ở đây, tôi hỏi thì được một thanh niên trẻ, từ Jakarta về dự tang lễ của người thân, cho biết là đang làm lễ để “purify the soul”, mà sau này về đọc kỹ mới biết đó là Memukur. Như những tang lễ của người Việt giờ, có vài nghi thức cũng được châm chế cho nhẹ bớt, có lẽ bên xứ người cũng vậy.


IMG_2866-1_zpsf52f3563.jpg

Hài cốt đã được đưa vào trong ngôi tháp gỗ, đoàn thanh niên trai tráng chuẩn bị cho cuộc rước ngôi tháp gỗ quanh hồ Batur đến nơi tiến hành bước kế tiếp.


IMG_2867-1_zps0e48ca59.jpg

Và đoàn diễu hành bắt đầu.


Bên cạnh các đồ tế lễ cho Ngaben, người ta phải chuẩn bị các đồ tế lễ cho Memukur, thường nhỏ gọn và tinh tế hơn và sử dụng cả tiền mặt nữa. Do các đồ vật của Memukur thường làm bằng một loại gỗ rất quý, gỗ đàn hương, nên chi phí của nghi lễ này cao. Đàn hương có thể dùng nhiều, dùng ít tùy gia đình nhưng tối thiểu phải là một thanh gỗ (có thể được chạm khắc) mà người ta cho rằng đó là linh hồn của người chết vấn vương trong đó. Cùng với việc tro tàn của xác phàm được rắc xuống sông suối, thanh gỗ đàn hương đó phải được đốt, để linh hồn người chết được giải phóng, thanh khiết và sẽ ra đi luôn. Dĩ nhiên không thể thiếu các nghi thức tặng quà cho những vị thần, đặc biệt là thần biển, người cai quản các linh hồn trong lúc chưa làm lễ Memukur. Quà tặng có nhiều thứ, nhưng có một thứ không thể thiếu, những đồng tiền xu cổ Trung Hoa – nhưng những ngày này tôi không thích đề cập đến bất cứ gì liên quan đến xứ '’lạ’’, nên không đi sâu chi tiết này.


Nhưng, vẫn chưa hết!


(tbc.)
 
Re: Bali có gì lạ không em… – 17.

[Bali có gì lạ không em… – 17.

IMG_2019-1.jpg


Góc hình tôi rất thích, rộng và khá nhiều sắc màu. Chào nhé, Ulun Danu!

Sorry BPK đã mang chuyện Ulun Danu từ trang 8 lên. Mình đọc Xa hơn Bali của bạn khá lộn xộn, không theo thứ tự trang mà cứ đọc từng đoạn, từng câu chuyện ... rất thú vị với những chia sẻ về lễ hội của BPK, nó làm mình thầm ao ước có dịp đi ké bạn trong những hành trình đó, đôi khi lại nghĩ, bạn lấy đâu ra thời gian để gõ lại những cảm xúc, kiến thức, trải nghiệm mà mình đã thu lượm trên đường...

Thật sự rất ngưỡng mộ.

Lại nói về cái Ulun Danu này, lần đầu đến Bali mình cũng đã bỏ qua ngôi đền thờ thần nước danh tiếng này, có mặt trên rất nhiều poster quảng cáo về Bali, sau khi trở lại, T9/2012 vừa rồi, mình lại có cảm nhận khác hẳn bạn hichic... Mình thất vọng kinh khủng khiếp và cứ càm ràm về một cái hồ hỗn loạn, thậm chí còn không trong trẻo bằng hồ Xuân Hương của Đà lạt mình ...

Đúng là cảm xúc mỗi hành trình, bức hình của mỗi thời điểm mỗi khác.

Có thể vì bọn mình đến đúng lễ tết (gì đó) của người Hindu quá to, quá đông dân địa phương tới đây chơi gây ra tắc đường, hỗn loạn, rối bời bời.

Cảm ơn bạn đã giúp mình có cái nhìn "nhẹ nhàng" hơn về Ulun Danu.
 
Bali có gì lạ không em… – 47.


@TÍM, những chia sẻ của bạn về Ulun Danu thật thú vị. Và cũng không ít bạn trên diễn đàn này cũng đã từng ‘chê’ nơi này. Thực ra, bạn đi nhiều, cũng biết rằng khác với thành quách, đền đài,… ‘dung nhan’ của một chiếc hồ phụ thuộc rất nhiều vào nắng, vẻ thanh thoát khoáng đãng khi nó bình yên vắng vẻ... Và cũng phải nói rằng, nếu chỉ nhìn về khía cạnh ‘hồ’ thì Ulun Danu cũng khó có thể so sánh với Hồ Xuân Hương thơ mộng, nằm giữa đồi núi chập chùng, thông xanh soi bóng…. nhưng bù lại là ở đây có những ngôi đền đẹp lạ. Mà tôi cũng đã ‘chê thậm tệ’ một ngôi đền đẹp khác của Bali, Tanah Lot khi đến vào buổi chiều ngược nắng, nhiều mây và đông đen những khách ‘lạ’ nhí nha nhí nhố, nên cũng rất ‘hiểu’ tâm trạng của bạn.


Hy vọng sẽ có dịp đi chung những cung đường lang bạt, chứ không phải là ‘đi ké’ há!

-----------------------------------------



Bali có gì lạ không em… – 47.



IMG_2869-1_zpsaefacfd7.jpg



IMG_2873-1_zpsfbd3d0b8.jpg

Đám rước lễ Ngaben ở làng Kedisan, từ xa….


Sau khi đã làm xong Ngaben, Memukur, gia đình còn phải làm một việc cuối cùng là đi lễ đến các ngôi đền thiêng để dâng lễ ‘báo cáo’ với các vị thần rằng họ đã tiến hành Ngaben & Memukur cho người thân. Ở toàn đảo Bali, chỉ có hai ngôi đền thiêng mà người dân đến cúng dường, thông báo là Đền Mẹ Besakih và Goa Lawah (thường được biết đến là Đền Con Voi hay Hang Con Voi). Ngày trước còn có một ngôi đền nữa, là ngôi đền bên hồ thiêng Batur này, nhưng qua dâu bể, những dòng dung nham nóng đỏ của núi lửa cùng tên đã tràn qua ngôi, cuốn đi ngôi đền xưa… Dâng lễ xong rồi về, sau đó không còn cúng kiếng hay nhắc nhớ gì đến những người thân đã ra đi và siêu thoát. Xong một kiếp người!


IMG_2877-1_zps21d69293.jpg



IMG_2876-1_zpsab7e2dfe.jpg

… đến gần.


Nói thì nhanh, nhưng để chuẩn bị cho những nghi lễ này, người dân Bali cần nhiều thời gian để chuẩn bị, cả tiền của và công sức. Nhìn những hình chụp về Ngaben ở Kedisan thì thấy cũng nhanh, nhưng cũng mất vài tiếng đồng hồ chứ chẳng phải dăm phút, nửa tiếng. Thế nên du lịch Bali mà có ít thời gian thì quả rất khó có thể hiểu được văn hóa của cuộc sống người bản địa, một nét đẹp lôi cuốn rất độc đáo của Bali, mà đối với nhiều người thì nó còn hơn cả biển đảo nơi đây. Lỡ bạn đi du lịch theo tour, lỡ có thấy cái Ngaben,… có tour nào dừng lại vài tiếng cho bạn xem hay không – dù có thể họ sẽ dừng ở mấy ‘làng nghề’ nào đó, mỗi nơi cả tiếng đồng hồ phí phạm.


IMG_2872-1_zps78307524.jpg



IMG_2880-1_zpsd3e2e757.jpg

Bụi mù vì những bước chân vui.



(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 48.

Bali có gì lạ không em… – 48.


Quay trở lại với Ngaben và Memukur ở làng Kedisan – vì ở đây, người ta tiến hành 2 nghi lễ cùng lúc và hồ Batur cũng là nơi người ta sẽ rải nhúm tro tàn cuối cùng của những người quá cố. Sau khi đã nhận hết những hài cốt đã được rửa sạch, tẩm ướp dầu thơm, làm phép ở ngôi đền rồi diễu hành ra đến chiếc tháp gỗ ven hồ,… các thanh niên trai tráng vào cuộc. Khênh ngôi tháp gỗ lên, họ bắt đầu nhún nhảy, quay vòng trong tiếng chuông trống, tiếng hò reo của các dân làng. Nhiều lần, nhiều vòng,… (để những vong hồn xấu, những vị thần ác chóng mặt, lạc đường, quên lối không đi theo người chết quậy phá) họ đi cùng đoàn người men theo hồ Batur đi đến một mảng đất trống khác, nơi những ngọn lửa sẽ được nhen lên, đốt cháy chiếc tháp gỗ, hỏa thiêu những gì còn lại của người quá cố thành tro bụi…


IMG_2881-1_zpsac200812.jpg



IMG_2885-1_zpsd75218f5.jpg

Chờ đợi trong đông vui, với di ảnh của người thân…


Nếu không biết gì đến Ngaben, nhìn cảnh tượng những người phụ nữ trong trang phục trắng vừa đội những mâm cỗ vừa đi vừa nhảy múa, những đoàn thanh niên trai trẻ trong áo mới sáng ngời cũng không kém phần rộn rã, tiếng trống chiêng kèn sáo vang lừng,… khó có thể biết đây là một nghi thức tang lễ. Đoàn người vui cứ thế tung tăng đi men theo gương hồ, đến một khoanh đất rộng thì dừng lại. Ngôi tháp gỗ được mở ra, quà tặng mà những người phụ nữ đã đội từ sáng đến giờ bắt đầu được chuyển vào ngôi tháp gỗ. Những chú gà được các thanh niên trẻ trên tháp nhận, rồi quăng xuống dưới, tạo cảnh náo nhiệt khi các trai trẻ bên dưới đuổi theo ví bắt…


IMG_2884-1_zps1174cd08.jpg



IMG_2883-1_zps1a16a1e1.jpg

Khó có thể nghĩ đây là nghi thức tang lễ nếu không biết trước…


Việc tặng quà lâu hơn tôi nghĩ, vì có đến 47 người đã ra đi, mỗi người có nhiều người thân, họ hàng, nhất là ở quê những mối quan hệ xóm làng vẫn còn thắt chặt… nên tôi chờ không được. Xế chiều vẫn chưa phải là vấn đề chính, mà những đám mây từ đâu ùa về thung lũng lòng hồ mới làm tôi lo âu. Nhấn nhá nhấn nhá, tiếc nuối mãi,… rồi tự an ủi mình đã tận mắt thấy, chụp bao nhiêu tấm hình ở Ngaben Ubud ngày hôm qua, tôi phải lên xe chạy, chia tay Kedisan khi những ngọn lửa Ngaben vẫn chưa bùng lên.


IMG_2893-1_zpsd6dda74c.jpg



IMG_2892-1_zps8c14bbdf.jpg

Chia tay Kedisan, chia tay Batur tôi đi khi mây xám cuồn cuồn ùa qua núi cao về trên hồ xanh…



3 năm sau tôi có may mắn quay lại Batur vào một Ngaben Kedisan kế tiếp? Tôi không nghĩ mình có nhiều duyên may như vậy…


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 49.

Bali có gì lạ không em… – 49.


Tampaksiring, Thung lũng của những hoàng đế, với tôi là một miền đất nửa quen nửa lạ. Quen vì mấy năm trước tôi có ngang qua đây, khi ghé thăm suối thiêng và những ngôi đền xưa Tirta Empul. Còn lạ là vì tôi chưa ghé đến Gunung Kawi, nơi có những ngôi đền đá, được tạc trực tiếp vào vách núi đá, cổ xưa nhất nhì ở Bali. Cũng nhờ sự giới thiệu nhiệt tình của 2 anh xe ôm gặp hôm trước ở Ngaben Ubud, nên Gunung Kawi là điểm must-see của tôi trong mấy ngày ngắn ngủi ở Ubud để chờ nhận thư cấp nhận cho việc lấy visa Đông Timor tại cửa khẩu đường bộ.


DSCN8639-1_zps761dc518.jpg

Đường quê rạng rỡ đến Tampaksiring.


Đường về Tegallalang từ Kintamani chợt nắng chợt mây, khác hẳn với buổi xế trưa nhiều mây ở hồ Batur. Thiết nghĩ, đóng góp và sự quyến rũ của Bali một phần cũng do vùng đất có nhiều miền tiểu khí hậu, nên cảnh sắc ở các vùng quả là đa dạng, và xanh đẹp. Qua khỏi Tegallalang, ‘cắn răng’ không ngó nghiêng để bị cám dỗ bởi những cánh đồng bậc thang qua giờ đã lê la mấy bận nhưng vẫn chưa có những tấm hình như ý, tôi rẽ trái theo con đường nhỏ có tấm bảng ghi đường đến Tampaksiring. Con đường này không phải là đường chính đến đó mà chỉ là đường phụ, nên nhỏ, vắng vẻ, và rất đẹp. Cũng như những con đường quê ở miền trung, miền tây nước Việt khi con đường chạy trong bóng dừa xanh, bên những cánh đồng xanh mà thôi, nhưng với cái nắng hanh hao vàng, những cơn gió thu nhẹ lơi lả, con đường sạch sẽ, vắng vẻ, khi lên cao, lúc xuống thấp uốn lượn,… nên tự nhiên con đường trở nên đẹp. Chỉ tiếc là thời gian và nắng chiều đã gần nhạt không cho phép tôi lê la, dù tôi cũng khá ‘day dứt’ khi ngang qua không dừng lại những con đường đẹp, và bình yên đến nao lòng.


IMG_2898-2_zpsc0ba4dca.jpg

Những cánh đồng bậc thang rạng rỡ, quà tặng thêm của Gunung Kawi


Và như để bù lại, tặng thêm để cho kẻ lang bạt bớt nuối tiếc, ngay trước những ngôi đền một thiên niên kỷ tuổi tác Gunung Kawi lại là những cánh đồng bậc thang nhỏ, nhưng xinh xắn, long lanh nước và lung linh xanh. Nơi tôi có thể lê la, chờ nắng lên, chờ gió xua mấy đi để những vạt nắng, những giọt nắng chiều lung linh qua những đám cây rừng rậm rịt làm rạng ngời những ngôi đền đá xám cũ xưa ngàn năm tuổi...


DSCN8579-1_zps66591f31.jpg

Những ngôi đền tạc vào vách đá trong bóng rừng thâm u



(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top