What's new

[Chia sẻ] Xa hơn Bali…

Xa hơn Bali…



Một ngày mùa hè năm nao, chia tay Bali lòng ngơ ngẩn, tôi đã nhủ thầm “ngày về lại Bali của mình sẽ không xa…”.


Ngày tháng trôi. Cuộc đời trôi. May mắn được chìm nổi theo những chuyến lang bạt qua những miền đất tâm linh huyền bí hay thiên nhiên lộng lẫy tươi đẹp… những tưởng niềm mơ xưa đã yên giấc ngủ ngoan. Những tưởng “lời hẹn thề là những cơn mưa”…, như bao lời hẹn thề khác của kẻ lang bạt kỳ hồ vốn thường bỏ lại sau lưng nhiều thứ để lòng nhẹ, để chân vững trên những dặm xa… Nào có hay, một ngày hè Sài Gòn giấc mơ xưa lại khắc khoải quay về. Giữa những ngày cuộc sống đảo chao nhiều vướng mắc, lắm bức bối,… giấc mơ xưa ban đầu dường như là một lời rủ rê trốn chạy hơn là một hành trình hứng thú.


IMG_7371.jpg



IMG_7365.jpg

Chia tay Sài Gòn những quán mưa, áo thôn nữ bừng lên trong chiều xám, ngoài ao gần chiếc vó tung bay trong gió…



Nhưng, khi lần giở những cuốn sách, những trang mạng, tìm xem những tấm hình, kiếm đọc những câu chuyện, những sẻ chia… sau bao chần chừ, bao đổi thay ý định,… giấc mơ xưa không còn là lời rủ rê chạy trốn. Bali lại về nồng nàn trong những giấc mơ tôi. Nhưng, sẽ là một Bali khác. Ngày cũ năm đó, Bali là đích đến trên con đường đăng đẵng độc hành từ Sài Gòn, Bali mùa hè này sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình “Xa hơn Bali…”.


Komodo-1.jpg

Tôi có đến được miền đất của những chú rồng Komodo?


TanaToraja.jpg

Hay những ngôi làng và nhà mồ bí ẩn ở Tana Toraja?



Không biết chắc tôi đi được nơi đâu, chỉ biết là sẽ là những chuyến xe dằng dặc, những chuyến phà lênh đênh đêm ngày, những con tàu lắc lư bồng bềnh xuôi nam, lên bắc, về đông... Sở dĩ tôi không biết chắc vì ở nơi xa xôi hẻo lánh của xứ vạn đảo, những miền đất hoang sơ tôi sắp đến phương tiện giao thông công cộng rất ít ỏi, có khi cả tháng mới có một chuyến tàu lơ đễnh ghé qua,… nên tôi không biết là mình sẽ đi được đến đâu.


Kelimutu-2.jpg

Tôi có đến được 3 chiếc hồ núi lửa đổi màu liên tục ở Kelimutu?


RajaAmpatIsland-2.jpg


RajaAmpatIsland.jpg

Hay những đảo ngọc ở Raja Ampat?




Chỉ biết rằng, sẽ xa hơn Bali…




Tất cả những hình ở đây sưu tập từ internet. Hy vọng sau chuyến đi này, sẽ có những tấm hình của riêng tôi!​
 
Re: Bali có gì lạ không em… – 33.

Để giảm bớt những ấn tượng khi liên tục xem những hình ảnh về các nghi thức tang lễ, chia sẻ với các bạn mấy hình ảnh về một miền đất đẹp trong hành trình Xa hơn Bali kỳ này. Miền đất mà tôi nôn nóng sẽ được quay lại xiết bao.


IMG_7403-1.jpg

Nhìn sang bên này, biển rừng xanh ngăn ngắt.


IMG_7617-1.jpg

Nhìn sang bên kia, biển xanh được tô thêm nét duyên bởi cây cầu gỗ lang thang trên biển vắng.


------------------------
Bạn backpackervn cho mình hỏi địa danh trong hình này co phải là Togian island national park không?
Nếu phải thì bạn có thể viết 1 bài giới thiệu sơ về cách đến cũng như chỗ ăn ở tại đây được không bạn?
Mình google đường đến đây thì thấy khá quanh co phức tạp :(
 
Bali có gì lạ không em… – 35.

@chickenfat, tôi chia sẻ những thông tin bạn hỏi về Togian Islands trong mục Thông tin du lịch Indonesia. Bạn vào đó xem nghen. Chúc vui.
---------------------------------------------



Bali có gì lạ không em… – 35.


Ngaben là để “clean the physical body”, trong khi đó Memukur sẽ gột sạch linh hồn “purify the soul”, để sau khi cả xác và hồn được thanh khiết, người ra đi sẽ ra đi vĩnh viễn.


Ngaben phải ồn ào nhộn nhịp, vì không chỉ thể hiện niềm vui sướng mà chiêng trống khua vang còn xua đuổi những linh hồn xấu, thế lực xấu rời xa. Những đoàn trai trẻ rước kiệu phải vừa đi vừa nhún nhảy, phải quay vòng vòng, cũng để những linh hồn xấu rời xa, chóng mặt, quên đường về… không bám theo để lôi kéo quấy nhiễu không cho người chết được thăng hoa qua hai nghi lễ Ngaben và Memukur.


IMG_2586-1.jpg



IMG_2581-1.jpg

Phần chuẩn bị và tặng quà… của Ngaben đã xong, người nhà và xóm giềng ngồi chờ giờ tốt để nhen lửa.


Ngaben thường được thực hiện ban ngày, giữa phố phường, kèm thêm âm thanh sắc màu rộn rã, cả làng đều tham dự nên đông vui, nên trở thành lễ hội quan trọng của Bali. Còn Memukur chỉ làm từ nửa đêm về sáng, lặng lẽ, dân làng cũng không bắt buộc tham gia hết mà chỉ những họ hàng thân thiết mới ghé dự. Lại tiến hành nơi suối sông vắng vẻ hay góc biển hẻo lánh, lại vào cái giờ “ma quỷ nhiều hơn người” đó nên hầu như ít du khách nào biết và dám tham gia.


IMG_2564-1.jpg



IMG_2663-1.jpg

Khi những ngọn lửa Ngaben vừa tàn, việc chuẩn bị cho Memukur bắt đầu.



Tiếp nối với Ngaben, khi những ngọn lửa bắt đầu tàn xuống, Memukur bắt đầu – dù việc chuẩn bị có thể đã nhiều tháng trước đó, và dù bắt đầu ngay lúc đó, nhiều khi cả mấy tháng sau Ngaben, Mumukur mới được tiến hành.


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 36.

Bali có gì lạ không em… – 36.


Khi những ngọn lửa Ngaben bắt đầu lụi tàn, cũng là lúc tôi rời đi. Câu chuyện về Memukur tôi sẽ tiếp tục trong một dịp khác, một cơ duyên khác vậy. Mà lạ lùng sao, tôi có nhiều duyên, hay nhiều nợ, với những nghi lễ này làm sao!


Thực ra cả buổi chiều lang thang nơi đó, trong khói lửa mịt mờ, nước mắt nước mũi ràn rụa, còn nếu không cũng cay xè xè, trong mùi khói hăng hắc dù có thêm đàn hương, gỗ thơm,… vẫn không thể át được cái mùi quen quen rờn rợn mà những ngày lang thang những bến sông thiêu xác người ở Varanasi, Pasupatinath… mà tôi vẫn không thể quên, nên tôi cần một bầu trời xanh, một Ubud thoáng đãng khác. Nên tôi đi, dù lòng vẫn nuối. (Tôi vẫn biết là nhiều bạn còn mệt mỏi hơn tôi khi thấy tôi cứ lải nhải miết về nghi thức tang lễ - vốn thường kỵ húy với phần đông người Việt mình!).


IMG_2666-1.jpg

Ra khỏi Ngaben, trời chiều thoáng đãng xanh ngăn ngắt Ubud làm đầu tôi nhẹ, người tôi nhẹ xiết bao.


Lúc nãy trao đổi với 2 anh, hỏi thăm những nơi nên đi (ngoài những nơi đã đi), có thể đi được lúc chiều muộn, rồi ngày mai… các anh giới thiệu Tegallalang, điểm gần nhất tôi có thể đi từ Ubud trong nửa cuối buổi chiều này.


IMG_2673-1.jpg



IMG_2676-1.jpg

Chào mừng đến với Tegallalang!


Rồi tôi đi, chiều muộn Ubud trời vẫn xanh vời vợi, dù chẳng mấy chốc mây xám ùa về, trong trẻo lạ lùng. Đến Tegallalang, tưởng trễ lắm, còn đâu mình mình, té ra đường chật cứng, xe hơi của khách nối đuôi đậu dài cả mấy trăm mét, khách vẫn đang ùn ùn đổ về.


IMG_2669-1.jpg

Những cánh đồng bậc thang Tegallalang...


IMG_2679-1.jpg

…với những “đại sứ du lịch” hiền lành, mến khách và hiệu quả gấp bao nhiêu lần cô đại sứ du lịch (!?) giàu có sang cả nhưng mặt tượng trơ khấc của nước Y.


Và cũng khi đến Tegallalang, tôi bỗng nhiên thấy buồn quá. Không phải vì Ngaben, cũng không phải vì chuyện riêng của mình (lúc nào cũng buồn!!! :T), mà cho ngành du lịch ngoắc ngoải quê nhà!


(tbc.)
 
Muốn được tỏ chút sự ngưỡng mộ cho anh. Đã theo dõi từ hồi "Con Đường Tơ Lụa" nhưng cho đến giờ trong nhận thức của em, anh chính là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất cho từ "Phượt".
 
Bali có gì lạ không em… – 37.


@ms_anh, cảm ơn bạn đã đọc, theo dõi những hành trình lang bạt của tôi, nhưng thật tình tôi không dám nhận “định nghĩa” mà bạn tặng. Mong sẽ tiếp tục “gặp” bạn trên những cung đường khác….

------------------------------------



Bali có gì lạ không em… – 37.


Tegallalang, một làng nhỏ, trước đó được biết đến là một làng nghề, với những người thợ thủ công tài hoa, giờ lôi cuốn khách du bởi những mảnh ruộng bậc thang. Be bé, xinh xinh, cả chiều dài thung lũng có ruộng bậc thang đó chưa đến vài trăm mét. Vậy thôi. Không thể so sánh (dù biết mọi so sánh là khiên cưỡng, vẫn có thể nói vậy ở đây) với những mảnh ruộng bậc thang danh tiếng (!) miền Đông – Tây Bắc xứ mình.


IMG_2686-1.jpg

Nương ruộng bậc thang của Tegallalang nằm trong thung lũng hẹp, dưới bóng dừa xanh.


Nhưng lúc các nhà quản lý nước mình còn đang loay hoay, lúng túng như gà mắc tóc,… bởi việc thu phí xem ruộng bậc thang. Có thu hay không? Thu bao nhiêu? Thu ai? Thu như thế nào? Ai thu phí? Ai kiểm tra người thu phí?! Thu xong tiền đó làm gì? (Cái này tôi biết! :T )… Trong lúc đó thì du khách cứ ùn ùn đổ về mảnh ruộng bậc thang bé tý của Tegallalang! (Tôi không bị thu phí khi đến Tegallalang, dù đến mấy lần!!!).


IMG_2698-1.jpg



IMG_2700-1.jpg

Nhỏ nhắn, nhưng những đường nét quanh co, những góc cắt gấp làm nên nét duyên riêng cho Tegallalang.


Biết rằng du khách đến Bali không chỉ vì Tegallalang, khác với những nương đồng Tú Lệ, Xín Mần, Hoàng Su Phì… là những điểm đến chính của nhiều khách du. Tôi ngang qua miền Tây Bắc không nhiều lần và cũng đã lâu, nhưng đọc và xem, tôi thấy (hy vọng là tôi không sai) ngoài những nương đồng (mà nếu không có người xem) bà con vẫn cày cấy, trồng tỉa bình thường. Không có thêm dịch vụ gì, giá trị cộng thêm gì hết? Khác với ở đây Tegallalang! Chỉ vừa bước xuống những bậc thang, chưa kịp xuống ruộng, nhìn thấy những căn chòi tre đơn giản nhưng có những bộ ghế bành tiện nghi dành cho những đôi du khách ngắm ruộng bậc thang, nhàn nhã ngắm những cánh cò lả lướt trôi trên những cánh ruộng bậc thang… là đã thấy sự khác biệt rõ rệt.


IMG_2688-1.jpg

Những chiếc chòi đơn sơ, những chiếc ghế cũng đơn giản, nhưng êm ái, ấm cúng cho ai đó hai người cùng bên nhau ngắm đồng xanh dưới trời xanh….


Nhưng đâu chỉ có vậy!


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 38.

Bali có gì lạ không em… – 38.



Tegallalang không phải là cánh đồng bậc thang đẹp nhất Bali. Cánh đồng bậc thang đẹp nhất kia đã nằm trong hồ sơ đệ trình lên Unesco mong được xét duyệt là di sản thế giới. Đến đây thì còn phải bật cười vì không ít các nhà báo nước Y cho rằng ruộng bậc thang xứ mình đẹp gấp bao nhiêu lần Banaue,… mà sao không làm đơn xin xét duyệt làm di sản Unesco. Tuy không đẹp như cánh đồng kia nhưng Tegallalang tiện đường, được ghé thăm nhiều. Nằm cách Ubud vài cây số, trên con đường đi Kintamani, Batur, Tampaksiring,… nên nhiều người ghé ngang, lúc đi hay lúc về. Ngắm nắng mai sớm hay sương mây chiều. Hay cả hai, tùy thích. Không sửa sang nhiều, ngoài những căn chòi nằm ngay trên triền núi, còn nhiều nhà hàng ở vị trí thoáng đãng cho du khách dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh.


IMG_2724-1.jpg

Một góc xanh Tegallalang.


IMG_2728-1.jpg

Cây sứ kia mai mốt trổ bông sẽ là một góc ảnh đẹp ở Tegallalang.


Còn với cánh đồng bậc thang, họ vẫn trồng trọt cấy cày bình thường. Có điều, ở một góc nhỏ, họ dựng nên chiếc chòi tranh, trồng vài hàng cây nở bông đỏ rực. Lạ thay, giữa cánh đồng xanh, mái rơm vàng nâu, hàng cây bông đỏ bình thường quê mùa ở đâu đó giờ bỗng trở thành điểm nhấn lạ. Nên dù chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cũng làm cho đám du khách, nhất là những du khách đến từ nước lạ hý hoái kéo nhau vào chụp choẹt. Dĩ nhiên, trước căn nhà tranh có tấm bảng nho nhỏ, “vui lòng đóng góp chút đỉnh khi chụp hình, để giúp giữ gìn ngôi nhà…”.


IMG_2703-1.jpg



IMG_2725-1.jpg

Những đốm màu đỏ giữa tuyền những màu xanh chợt duyên dáng lạ.


Rồi cây cầu bắt qua con suối, mà chỉ dành cho du khách, còn nông dân họ ngại gì không lội qua mà đi. Rồi những con đường mới làm dễ đi, bên cạnh con đường bờ ruộng cheo leo người dân bản địa cứ lướt qua nhẹ nhàng trong khi du khách mới nhìn đã chóng mặt,… cứ tùy bạn chọn, nhưng nếu đã “sử dụng dịch vụ cộng thêm” thì bạn nên trả tiền, dù không nhiều, chỉ khoảng 10.000VND. Vậy thôi, rõ ràng. (Tuy vậy, cũng nói thêm là những người giữ nhà, canh đường đó cũng là nông dân trong làng, mà nếu bạn đến đó lúc sáng sớm thật sớm chưa có du khách thì họ cũng ở nhà uống trà hay đi cày cấy gặt hái ở nơi khác, nên có thể tha hồ tung tăng khắp nơi chụp chọt mà chẳng phải tốn xu nào).


IMG_2714-1.jpg

Nhọc nhằn.


IMG_2732-1.jpg

Vui vẻ chụp hình với khách.


Rồi những người nông dân trong những chiếc nón lá dừa, gánh đôi quang gánh rơm hay cỏ, dắt theo con trâu béo…. trên đường đi làm về cũng vui vẻ chia sẻ chúng cho bạn vác mang gánh để chụp hình (bên cạnh vài “người mẫu nông dân chuyên nghiệp”). Vui vẻ thì bạn tip, hay mua giúp họ trái dừa, cái nón lá,… không thì cảm ơn họ cũng chẳng kèo nhèo. Chứ nghe nói đâu mấy ông tây bà đầm gánh mấy trái dừa, đội cái nón lá để chụp hình ở đâu đó phải trả giá khá đắt, hay phải mua trái dừa với giá 10$.


Thôi, không lảm nhảm về cái chuyện nói hoài cũng vậy nữa. Chiều đã xuống, sương đã vây. Giờ phải lựa chọn giữa việc lên xe chạy tiếp hay chọn một chiếc chòi tre bên sườn núi thả người nhâm nhi chai Bintang ngọt lạnh, ngắm hoàng hôn xám về trên nương chiều, nghe từng giọt đời mình rơi...


Phải chi cuộc đời lúc nào cũng có nhiều lựa chọn hay ho như vậy! :T


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 39.

Bali có gì lạ không em… – 39.


IMG_2742-1.jpg

Bali, sáng nay café một mình….


Sau một đêm Ubud lặng lẽ bình yên, vẫn như những đêm Ubud ngày nào, tôi thức thật sớm trong tiếng chim bên vườn xanh, lãng đãng chút hương sứ ngọt nồng nàn đang bị lũ sương ẩm ướt níu kéo lôi giữ lại bên thềm. Pha một ly café thật đậm, thật nóng, không đường, tôi nhấm nháp vị đắng ngọt thơm dìu dịu mê đắm, nhìn mảnh vườn chợt lung linh hơn qua đám sương khói café,… thấy hạnh phúc trong cuộc đời nhiều khi thật giản đơn.


IMG_2756-1.jpg

Chợ Ubud mai sớm, như chợ quê mình…


IMG_2744-1.jpg

Mua đồ ăn sáng cho chồng cho con…


Lang thang ra chợ Ubud sớm, phiên chợ không-du-lịch vì ở cái giờ sớm bửng này chỉ có các bà các cô đi chợ mua đồ về lo cho chồng cho con cho cháu… Và mua hoa về để cúng, việc phải làm mỗi sáng, hàng ngày,… của người dân Bali. Chợ sớm Ubud không hàng lưu niệm xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng mà chỉ là những phẩm vật địa phương bình thường. Càng giống chợ quê Việt hơn khi ngay kề bên là mấy tấm bạt vun đầy những chiếc quần, tấm áo hàng sida được nhiều người chăm chút lựa mua…


IMG_2745-1.jpg



IMG_2749-1.jpg

Hoa, không thể thiếu trong chiếc giỏ đi chợ sáng về…


Rồi lẩn thẩn qua cung điện cũ, đền xưa ở ngay bên kia đường. Chưa có ai đi lễ, vì cửa đền còn khép hờ, chút hương trầm ai đốt sớm hòa trong hương sứ nồng nàn, trong không khí vắng vẻ thanh khiết...


IMG_2762-1.jpg



IMG_2764-1.jpg

Ngôi đền vắng vẻ trong mai sớm


Sao thèm quá một tiếng chuông ngân!


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 40.

Bali có gì lạ không em… – 40.



Hành trình dự định hôm nay của tôi là ghé Tampaksiring thăm những ngôi đền đá nghìn năm tuổi. Trên đường đi sẽ ghé ngang thăm thú Tegallalang trước vì chiều qua, lúc tôi ghé nơi đây, trời chiều xám mây nên những cánh đồng không tươi tắn vì thiếu nắng. Rồi sau khi thăm thú ở Tampaksiring, tôi mới tính tiếp. Tùy theo điều kiện thời tiết mà tôi sẽ chạy tiếp đi Besakith thăm lại Đền Mẹ cũng đã ghé một lần nhiều năm trước một chiều mưa xám,… Rồi trên đường về sẽ ghé cố đô xưa Klung Kung hay tạt qua Kintamani ngắm hồ Batur từ trên cao… Rồi… Rồi…


Dự định ban đầu là vậy, cũng khá nhiều tham vọng vì quá nhiều điểm cần phải đến nếu đi đúng lịch trình. Trong lịch trình dự kiến, tôi có dự định vài miền đất cũ. Phần thì lần trước tôi ghé thời tiết không đẹp, phần thì muốn tìm lại cảm giác xưa ở miền đất cũ, xem thử mình thay đổi hay cảnh đã đổi thay.


Do ham hố nhiều vậy nên sau khi lang thang Ubud mai sớm, tôi vội về nhà nghỉ gói ghém nhanh và vọt xe sớm đi Tegallalang khi phố phường còn ngái ngủ. Và cả những cánh đồng bậc thang vẫn còn ngái ngủ.


IMG_2784-1.jpg



IMG_2772-1.jpg

Nắng mới lên một nửa thung lũng, một nửa cánh đồng…


Tegallalang sáng sớm vắng tanh, vì giờ tôi đến đây các tour du lịch khởi hành từ Ubud vẫn chưa bắt đầu, nói gì đến những tour từ Kuta. Nên tôi có nguyên một cánh đồng. Không có những áo đỏ áo vàng chen lấn ồn ào phô phang súng to ống dài, không có những đoàn xe chật cứng trên đường. Không có cả người dân Bali vì hàng quán vẫn còn ngái ngủ, nhà hàng vẫn chưa mở cửa. Chủ quan, tôi thả người vào một chiếc ghế bành còn đẫm sương đêm ngắm nắng mới. Chờ nắng lên, chờ nắng lên tý nữa, ôm đầy cả thung lũng mới chụp hình, mới lặn lội leo xuống leo lên để chụp hình không bị ngược nắng vì tôi ở bên này đồng mà mặt trời mọc bên kia đồng….


Chờ miết, lúc mặt trời lên khỏi thung lũng, chưa kịp rạng rỡ thì những đám mây ùa về che kín. Lại chờ, chờ nữa, chờ miết,… đến khi giật mình nhớ rằng Tegallalang chỉ là một điểm ghé tạm mà đã thành điểm ghé chính. Lại tất tả leo lên xe vọt.


IMG_2769-1.jpg



IMG_2775-1.jpg

Dù nắng chưa thật rạng rỡ, cánh đồng ban mai đã rạng ngời so với hoàng hôn u uẩn chiều qua.


Thôi thì không có những tấm hình đẹp của Tegallalang trong nắng mới thì đã có một buổi sáng trong trẻo bên cánh đồng xanh chờ nắng lên. Điều mà cả một đời ở Sài Gòn phố thị sẽ chẳng bao giờ có được…


Nên cứ xem như hôm nay đã có một khởi đầu ngày mới thật tinh khôi!


(tbc.)
 
Bali có gì lạ không em… – 41.

Bali có gì lạ không em… – 41.


Từ Ubud đến Tegallalang, trước khi đến đó vài km có một con đường nhỏ bên tay phải và tấm bảng chỉ đến Tampaksiring. Nhưng đi là đi tới, ít ai đi lùi, nên chiều qua, rồi sáng nay từ Tampkasiring tồi hỏi người địa phương rằng nếu chạy thẳng tiếp có con đường nào khác đi Tampaksiring không thì đều nhận được cái gật đầu, nói “cứ đi thẳng rồi rẽ phải”, đúng như định hướng nên tôi phấn khởi nhấn ga vọt, vọt miết.


IMG_2776-1.jpg

Chia tay Tegallalang, lòng vẫn còn nuối…


Bên tay phải có vài con đường rẽ thật, nhưng không có tấm bảng nào đề Tampaksiring nên tôi cứ chạy. Chạy riết thấy xa quá, tính đường đất theo đồng hồ trên xe thì tôi đã đi quá Tampaksiring rồi. Ghé vào hỏi thăm thì té ngửa. Đường rẽ đi Tampaksiring đã ở phía sau, rất xa rồi. Vậy con đường này chạy nữa đến đâu, “Kintamani”, gần không anh, “Gần”. Lại lên xe chạy tiếp.


Mùa này là mùa cam quít. Con đường đến Kintamani chạy lên dốc cao và giữa những cán đồng cam quít trái chín đỏ vàng lúc lỉu, tôi cũng tính dừng lại chơi nhưng thấy lịch trình bắt đầu rối rồi nên cứ tranh thủ chạy đến Kintamani rồi tính tiếp.


IMG_2786-1.jpg

Một cửa hàng mở sớm trên con đường vắng ngắt. Mở sớm qua nên những chú mèo lười như vẫn còn ngái ngủ!


Kintamani ngày trước tôi có ngang qua một lần, dừng lại mấy phút bên sườn núi ven hồ Batur chụp mấy tấm hình rồi đi, nên không có nhiều ấn tượng dù nơi đây được khá nhiều người khen ngợi vì khí hậu mát mẻ trong lành và vị trí đắc địa nhìn xuống hồ Batur của nó. Cũng dễ nhận ra điều đó qua việc có rất nhiều nhà nghỉ, hàng quán, khu buôn bán trái cây, mà nhìn qua là biết chỉ để bán cho du khách…


Còn đang miên man suy nghĩ sẽ làm gì ở đây, rồi đi đâu tiếp, bỗng nghe còi kêu toét toét. Tưởng vi phạm gì đó té ra bị mấy anh (chắc giống dân phòng bên mình) chận xe lại, kêu vô mua vé. Vé gì, đi đường cái mà vé cái gì “Vé vô Kintamani”. Nhưng mà tui đâu có vô Kintamani, chỉ đi ngang qua thôi mà, “Ngang qua cũng phải mua”. Cái này thu tiền bảo dưỡng đường đất hả, xe gắn máy đâu phải trả tiền mấy thứ đó, “Hổng phải, vé xem phong cảnh Kintamani”. Tui hổng biết, vô đền vô chùa bán vé tui mua, phí đường đất tui cũng mua nhưng tui đi ngang qua đây để đến Besakith, hổng cho thì tui đi đường khác, chứ hổng mua vé…


Rồi tôi quay xe lại. Vé cũng không bao nhiêu nhưng nổi sùng vì thu tiền cắc cớ. Thêm nữa là trên con đường này, trước khi đến Kintamani khoảng 4km có một ngã tư, nên nếu không đi được Kintamani tôi đi chỗ khác. Bali thiếu gì chỗ chơi, tự nhiên đi tới cái chỗ bắt đóng tiền khơi khơi vậy.


IMG_2810-1.jpg

Bên dưới Kintamani, hồ Batur lộng lẫy một ngày nắng.


Chạy ngược về đến ngã tư, tôi rẽ phải. Chợt thấy một bác gái địa phương đội cả đống đồ nặng trịch trên đầu, tôi rề rề xe vào lề chỉ tay vào cái yên sau xe của tôi (ngôn ngữ hình thể để nói bác lên xe tôi chở đi – như tôi vẫn thường làm khi lang thang Thailand, Indonesia,…). Bác gái hoảng sợ như tưởng rằng tôi định làm gì bậy bạ hay sao nên chạy lui vào trong sâu. Vừa lúc một thanh niên trẻ chạy xe, cũng tưởng tôi định làm bậy bạ gì nên dừng xe lại hỏi, tôi nói là chỉ muốn chở bác ấy đi vì thấy bác đội nặng quá mà tôi đi xe không, cũng cùng hướng. Anh ta bật cười sằng sặc, nói gì với bác gái rồi nói rằng tôi cứ đi đi, người dân ở đây đi vậy quen rồi, mà phụ nữ lên xe người lạ họ sợ lắm. Tôi cũng cười rồi tăng tốc. Vừa lúc đó tôi thấy bên tay phải tôi có con đường nhỏ, lở lói hư cũ, khuất sau những tán cây rậm rạp của những đồn điền cam quýt, mà nhìn theo hướng là nó song song với con đường đến Kintamani lúc nãy. Quyết định nhanh, tôi rẽ vào con đường đó, vừa chạy vừa hồi hộp. Chỉ vì sợ xe hư trong con đường vắng hư cũ này thì mệt thôi chứ lạc đường thì quay lại mấy hồi. Chạy một lúc, đường nhỏ đổ ra đường lớn - tôi đang ở giữa phố Kintamani. Trạm gác thu tiền của mấy anh dân phòng bé tí ti nằm xa phía dưới kia….


Sở dĩ tôi kể lể dài dòng câu chuyện trên (hơi giống khoe khoang :T ) là vì tôi cứ nghĩ hoài suốt ngày hôm đó. Nếu lúc đó tôi cứ chạy nhanh, không rề xe đi chậm lại, tôi sẽ không thấy con đường nhỏ kia, sẽ đi con đường khác, đến vùng đất khác… tôi sẽ không đến Kintamani, sẽ không xuống hồ Batur,… và sẽ không gặp được một buổi lễ kỳ lạ. Buổi lễ mà ngày trước, cứ mỗi 5 năm người dân làng Kedisan mới tổ chức một lần. Bây giờ là 3 năm một lần, nghĩa là 1095 ngày mới có một ngày, nhưng hôm nay tôi lại đến đúng ngày thứ 1095 đó.


IMG_2794-1.jpg

Làng Kedisan ven hồ Batur một ngày nắng tháng 8 xanh ngời.


Không thể cứ leo lên xe và chạy – đúng không bạn?


(tbc.)
 
Re: Bali có gì lạ không em… – 41.

Bali có gì lạ không em… – 41.

Sở dĩ tôi kể lể dài dòng câu chuyện trên (hơi giống khoe khoang :T ) là vì tôi cứ nghĩ hoài suốt ngày hôm đó. Nếu lúc đó tôi cứ chạy nhanh, không rề xe đi chậm lại, tôi sẽ không thấy con đường nhỏ kia, sẽ đi con đường khác, đến vùng đất khác… tôi sẽ không đến Kintamani, sẽ không xuống hồ Batur,… và sẽ không gặp được một buổi lễ kỳ lạ. Buổi lễ mà ngày trước, cứ mỗi 5 năm người dân làng Kedisan mới tổ chức một lần. Bây giờ là 3 năm một lần, nghĩa là 1095 ngày mới có một ngày, nhưng hôm nay tôi lại đến đúng ngày thứ 1095 đó.


IMG_2794-1.jpg

Làng Kedisan ven hồ Batur một ngày nắng tháng 8 xanh ngời.


Không thể cứ leo lên xe và chạy – đúng không bạn?


(tbc.)
Đó cũng là 1 cái duyên, pk anh? hihi
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,064
Members
192,337
Latest member
xjjrc
Back
Top