Ngày thứ 7: Loanh quanh Phú Yên với anh chị em Phượt Phú Yên
Ngày thứ 7 có thể coi là 1 ngày may mắn khi thời tiết ủng hộ, trời khá đẹp và được các bạn Phượt Phú Yên (PPY) tận tình làm tour guide đi thăm quan quanh quanh tỉnh. Bên cạnh đó được nói chn tìm hiểu văn hóa lịch sử và ăn rất nhiều món đặc trưng của Phú Yên.
Điểm đầu tiên đặt chân đến là đền thờ Lương Văn Chánh.
Có thể vs 1 số người thì cái tên Lương Văn Chánh khá xa lạ trong lịch sử. Nhưng vs những người dân Phú Yên thì lại khác. Ông được tôn thờ là Thành Hoàng của vùng đất này, được coi là ông tổ, người khai thiên lập địa ra tỉnh Phú Yên bây giờ. Để tưởng nhớ người có công khai hoang vùng đất Phú Yên, hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tế, chăm lo giữ gìn, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh. Hàng năm vào ngày 19/9 tổ chức lễ hội đền Lương Văn Chánh tại đền thờ của ông. Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam đã công nhận khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1611 – năm ông mất – cũng được chọn là năm thành lập của tỉnh Phú Yên.
Điểm tiếp theo là đập Đồng Cam.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Đồng Cam xây dựng nhớ ngày năm xưa.
Gian nan, cực nhọc, bấy giờ...
Công ơn biết mấy cho vừa đừng quên.
Hai vạn hecta đồng lúa Tuy Hòa được tưới là nhờ vào nước Sông Ba, đập được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, đây là một công trình có quy mô trong thời gian đó. Việc xây dựng con đập này rất khó khăn, các công nhân và kỹ sư điều phải hết sức cẩn thận vì nơi đây ngày xưa là một vùng ma thiêng nước độc.
Thuở xa xưa, cánh đồng này là biển cả, dấu vết còn lại là Gành Đá thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, đồi cát trắng thôn Mỹ Thạnh xã Hòa Phong, Gành Bà thôn Phước Thành (đối diện với Dinh Ông xã Hòa Định, phía nam sông Đà Rằng)... Qua lớp lớp thời gian, phù sa bồi dần thành những cánh đồng, dân cư về sinh sống xây dựng thành làng xóm. Mỗi làng có lũy tre bao bọc chung quanh trông tựa những hòn đảo ngoài biển khơi. Dân chúng khai hoang, vỡ hóa làm thành những thửa ruộng để cấy lúa, trồng ngô. Đồng Tuy Hòa thời bấy giờ chỉ làm một vụ ăn nước trời, đến mùa nắng ruộng khô nứt nẻ, không trồng thêm hoa màu phụ được, nên mức sống người dân rất thấp.
Năm 1923, đập Đồng Cam được khởi công xây dựng, đến năm 1931 hoàn thành, năm 1932 hoàn thành kênh mương và khánh thành. Tháng 1-1933, Bảo Đại đến thăm đập Đồng Cam. Đây là một công trình quy mô, được các kỹ sư người Pháp thiết kế và dân phu từ khắp nơi đưa về với số lượng đông đảo, xây dựng. Đập dài 688m, cao 22,4m so với mặt nước biển, chiều dài hệ thống kênh mương khoảng 200km. Kinh phí xây dựng 2,1 triệu đồng Đông Dương tương đương 262.000 tấn thóc. Sau thời gian xây dựng kỷ lục (10 năm), đập Đồng Cam được hoàn thành, đưa nước sông Đà Rằng theo hệ thống nông giang vào ruộng, nông dân cấy lúa hai vụ. Vùng đất Tuy Hòa trở nên trù phú, giàu có. Đã hơn hai phần ba thế kỷ, đồng lúa Tuy Hòa mỗi năm được phù sa sông Ba bồi lên. Lúa mỗi ngày tốt hơn, trong những năm trường kỳ của hai cuộc kháng chiến, quân và dân ta có đủ lương thực đánh đế quốc xâm lược nhờ vào vựa lúa đồng Tuy Hòa, nhờ sự dẫn thủy nhập điền của đập Đồng Cam.
Tại đập Đồng Cam có miếu thờ 52 dân phu tử nạn khi xây dựng vào năm 1930 và miếu Sơn Thần trên đỉnh đồi cạnh đập. Đây là miếu Sơn Thần duy nhất còn lại tại Phú Yên.
Nơi đây phong cảnh rất đẹp. Du khách xa gần thường đến tham quan có để lại thơ phú. 1947, giặc Pháp đặt mìn phá hỏng cống xả cát bờ nam và cầu máng Quy Hậu. Năm 1952, giặc Pháp ném bom phá cầu máng Đồng Bò và ngày 6-6-1952, phá cầu máng Suối Cái. Hệ thống thủy nông Đồng Cam bị phá hủy, chính quyền tỉnh huy động hàng vạn dân công khẩn trương đắp đập cứu đồng. Do bị xuống cấp vì bom đạn và thời gian, gần đây Đập Đồng Cam đã được tu sửa lớn và tiếp tục phát huy tác dụng là nguồn sửa cho những cánh đồng thâm canh của các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa.