What's new

[Chia sẻ] Đi tìm Đế chế đã mất

P1: Từ giấc mơ tới hiện thực

Say mê với những miền đất lạ, đắm chìm trước những di sản mà loài người để lại. Kẻ phiêu bạt không muốn ngồi một chỗ hưởng thụ cuộc sống, khi đa số mọi người tính toán đổi nhà, mua xe.... Thì tôi lại đứng trước tấm bản đồ, đánh dấu những vùng đất chưa đến được và lập kế hoạch lên đường.
Nam Mỹ hay Mỹ la tinh, cái tên cũng đã đủ gợi lên trí tò mò của phượt thủ. Từ thánh địa Machu Picchu cho tới những con đường bụi bặm. Từ lối sống hoang dã của con người nơi đây cho tới những bộ ngực vừa đi vừa nhún nhảy như muốn bật ra khỏi chiếc áo pull của các cô gái bất kỳ lúc nào. Những điếu cigar được cuộn tròn trên ngón tay kẻ lãng tử hay ly rượu vang Chile sóng sánh như nước mắt của người Inca - khóc cho một đế chế đã mất. Tất cả những thứ đó thu hút trái tim và đôi chân tôi về nơi đây
Cái kế hoạch đi Nam Mỹ này đối với tôi cũng hết sức tình cờ. Trong thời gian đi phượt ở Nga bị gãy chân, ngồi ngắm tuyết rơi qua cửa kính chán chê. Tôi lôi đt ra tìm đọc một thứ gì đó. Vô tình đọc được cuốn "Lost city of the Incas" của Hiram Bingham (cũng là người tìm ra thánh địa này). Buổi tối tôi bàn với bạn đồng hành của tôi, thế là 2 thằng "Oh! Zee!" Bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho đi Nam Mỹ vào năm tới.
Đối với một thằng đam mê văn hoá, lịch sử như tôi, trước khi đến một quốc gia nào, một công trình nào cũng phải tìm hiểu về nó trước. Thế nên khi về Vietnam việc đầu tiên là tìm những sách về Nam Mỹ để đọc. Nhưng tiếc thay, sách về Nam Mỹ cũng không có nhiều, ra hàng sách toàn thấy những tiểu thuyết mùi mẫn rồi cướp, hiếp giết.... Vậy là muốn đọc về nó, muốn tìm hiểu về nó phải đọc từ bản gốc. Lại cắn răng lên amazon.com ship mấy cuốn sách về đọc và tìm hiểu. Tránh trường hợp mình đến đó, đứng đó nhưng không biết nó là cái gì.
Cái chân què của tôi lành chậm hơn là tôi tưởng nên kế hoạch lại phải delay thêm gần 1 năm nữa. Sau khi trekking những con đường khó khăn tại Vietnam, cảm thấy cũng đã đủ sức khoẻ cho việc đi Nam Mỹ. Tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch
Việc đầu tiên là lập team đi, ngoài tôi và người bạn đồng hành đi cùng nhau từ Nga cần tuyển thêm vài người nữa. Khi chúng tôi bắn tin đi phượt Nam mỹ, có rất nhiều người muốn join cùng. Sau khi qua vài lần sát hạch chúng tôi cũng lập được 1 team gồm có 4 người toàn là những phượt thủ lão luyện. Nhưng có lẽ may mắn nhất cho chúng tôi là có được một người anh cả của nhóm. Bác này đã từng học ở Cuba 6 năm nên biết thông thạo cả 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Như vậy là quá đủ cho chuyến đi rồi.
Hết online rồi offline họp bàn phân chia công việc. Ông anh cả được nhận nhiệm vụ book vé máy bay, người bạn đồng hành đi từ Nga với tôi nhận nhiệm vụ book khách sạn, tôi nhận nhiệm vụ xin Visa vào các nước. Còn 1 ông nữa thì lăng xăng hỗ trợ anh em.
Họp bàn xong cũng ra được cái kế hoạch 45 ngày và budget khoảng 10.000 USD cho chuyến đi. Lại phải thu xếp công việc và quan trọng là cày ra cho đủ số tiền đó.
Đi Nam Mỹ, một mảnh đất xa lạ, một nền văn hoá khác biệt. Cách VN mình đến nửa vòng trái đất. Và quan trọng nhất là cực kỳ nguy hiểm. Nên tất cả bạn bè và người thân ai nấy cũng đều can ngăn tôi đi. Nhưng một thằng đã ngồi uống rượu trên Golan, đã từng xẻ dọc bờ tây sông Jordan đi vào vùng cài răng lược giữa Palestine và Israel. Hay lên vĩ tuyến 38 biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Thì cái chuyện đối mặt với nguy hiểm ở Nam Mỹ ư? Quá nhỏ. Nghĩ vậy nên tôi quyết chí ra đi. Xét cho cùng cuộc sống luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Khi tham gia giao thông ở VN mình mà mỗi năm còn chết tới hơn vạn người thì những hiểm nguy kia chỉ là chuyện nhỏ đúng không các bạn? Hơn nữa cái máu xê dịch nó cũng ngấm vào tôi, khi đọc những dòng của cụ Nguyễn Tuân mượn từ Paul Morand làm lời đề từ cho truyện " Thiếu quê hương" "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc vali".

Đấy các cụ còn như thế, con cháu làm sao có thể hèn kém được. Nhấc mông lên và phi thôi các bạn.


Ảnh ăn cắp trên mạng và tất nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả :))​



 
Ăn xong bước ra ngoài trời se se lạnh. Nhiệt độ Cusco lúc này khoảng 6 độ. Kéo cao cổ áo, đi vào những con ngõ nhỏ của Cusco. Nhìn những tòa nhà có nền móng từ thời Inca mà sau này thực dân Tây Ban Nha đập đi và xây gạch chồng lên đó theo kiến trúc của họ. Chợt nhớ tới những ngày lang thang châu Âu sao cảm thấy giống thế. Ở đây thời gian như trôi chậm lại. Tôi cảm thấy như mình đang đi lạc quay ngược về 5 thế kỷ. Đâu là những cung điện của Hoàng đế Inca? Chỗ nào thấm đẫm máu người Inca khi thực dân Tây Ban Nha đến tàn sát họ? Chỗ nào mà người Inca tế lễ cho thần Mặt trời.... Chỉ có Chúa mới biết hết được và Ngài đang từ từ mở ra cánh cửa bí mật đó.

























 
Về tới phòng mọi người khá mệt. Anh Thái bị shocked độ cao vội vàng đưa cho anh viên thuốc tuần hoàn não. Chúng tôi chém gió một hồi rồi chìm sâu vào giấc ngủ.

Cũng xin nói thêm về khách sạn này. Chúng tôi ở ngay trung tâm (cạnh Qurikancha và bức tranh tường nổi tiếng của Cusco) Giá 3 đêm cho 4 người phòng 6 giường khá rẻ là 90USD. Chính vì cái giá rẻ đó mà sau này bà chủ KS kêu ca mãi. Nhưng khi chúng tôi giải thích bì bà ta vui vẻ.
Khách sạn này do đang trong thời kỳ chuyển giao chủ nên khá lộn xộn và ăn sáng khá tệ. Hơn nữa tìm được một người nói tiếng Anh trong KS này khó hơn lên trời. Cũng chẳng hiểu sao? Cusco là trung tâm du lịch chính của cả Peru, một năm đón mấy triệu du khách mà rất ít người ở đây có thể nói được tiếng Anh. Xem ra so với các nước đông nam Á như Singapore, Thailand, Malaysia... thì còn thua nhiều lắm


Vài hình ảnh về khách sạn

















 
ĐẾ CHẾ INCA

Theo cái title “Đi tìm đế chế đã mất” của tôi, nên tôi sẽ viết kỹ hơn về Đế chế này một chút.

Những tài liệu về Đế chế này ở Vietnam mình hầu như không có. Vậy là tôi phải cắn răng ship từ Amazon về. Cùng với việc lúc sang Peru phải vào mua mấy cuốn sách về Đế chế Inca, mặc dù chúng khá đắt và nặng. Nhưng tôi cũng hoàn toàn hài lòng về việc đó. Nhất là cuốn “The Inca – The Royal commentaries of the Inca” của Garcilaso de la Vega – Ông là con lai của một thuyền trưởng Tây Ban Nha với Công chúa Inca. Nên tất cả tư liệu trong cuốn sách này đều đáng tin cậy.

Mà nói về Đế chế Inca này thì có nói cả ngày cũng không hết, nhất là những chủ đề còn đang tranh luận. Hơn nữa cũng không có thời gian và công sức gõ bàn phím, nên tôi chỉ viết những điều cơ bản nhất về đế chế này.
Đế chế Inca là đế chế lớn nhất Nam Mỹ và là một trong những Đế chế lớn nhất thế giới. Cái hay là họ xây dựng được đế chế này trong thời gian rất ngắn (chỉ hơn 100 năm) So với những triều đại kéo dài mấy trăm năm mà không làm được trò trống gì thì quả là vĩ đại phải không các bạn.
Họ xây dựng một đế chế vĩ đại như thế nhưng họ lại không có những cái cơ bản của văn minh nhân loại, thế nên cũng là một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa. Tôi liệt kê những thú đó ra dưới đây

- Không có chữ viết
- Không dùng bánh xe ( không phải họ không biết mà vì họ tôn thờ Thần Mặt trời, nên cho rằng việc dùng bánh xe hình tròn là xúc phạm ngài)
- Không dùng tiền
- Không biết dùng sắt chứ đừng nói gì đến luyện kim. Nên vàng họ chỉ coi là thứ đồ trang sức
- Không có súc vật cày bừa


Chính vì họ không dùng chữ viết nên họ không có lịch sử. Tất cả những dòng lịch sử mà hôm nay chúng ta có về họ là do các giáo sĩ người Tây Ban Nha chép lại từ dân địa phương truyền miệng cộng với việc sau này khảo cổ được nên lịch sử của họ cũng sai đi ít nhiều. Mà xét cho cùng, có quốc gia nào lịch sử hoàn toàn đúng cả đâu. Lịch sử đều được viết ra theo ý nhà cầm quyền. Có ít người như Đổng Hồ thời Xuân Thu lắm đúng không các bạn

Theo cái lịch sử truyền miệng đó thì người Inca có tới 13 vị Hoàng đế, 8 ông đầu tiên toàn truyền thuyết với Huyền thoại. Kiểu như vua Hùng nhà mình. Chỉ có 5 ông sau mới được chứng minh rõ rệt là có tồn tại. Ngoài ra khi đế chế suy tàn, bị mất vào tay người Tây Ban Nha thì họ còn có 7 ông vua nữa. Nhưng những ông này toàn trốn vào rừng sâu không làm được trò trống gì nên cũng không tính.

Người Inca họ gọi Hoàng đế của mình là Sapa vì cho rằng Hoàng đế của họ là con thần Mặt trời. Kiểu như mấy ông Hoàng đế phương đông nhà mình xưng là Thiên tử vậy.

Sapa đầu tiên của họ có tên là Manco Capac. Theo truyền thuyết thì một hôm Thần Mặt trời muốn uống rượu. Nhưng ngài tìm trong nhà chẳng còn giọt rượu nào. Nhìn xuống dưới trần gian thấy dân chúng tối ngày uống rượu thịt bét nhè mà chẳng đứa nào cúng cho ngài cái gì cả. Ngài nổi giận đưa con trai, con gái của mình là Manco Capac và Oqillo xuống trần gian. Đi qua hồ Titicaca ngài bèn thả 2 đứa con của mình xuống một hòn đảo mà sau này có tên là Đảo mặt trời nổi tiếng.

Ngài cấp cho Manco Capac một cây gậy bằng vàng và bảo “Mày ném nó đi xa được tới đâu thì đặt nền móng cho đế chế của mày ở đó”. Hồi đó chắc Manco Capac cũng vào cái tuổi 17 – bẻ gãy sừng trâu nên khỏe lắm. Ông ném cái gậy bằng vàng nặng bm ra mà thế dell nào đi được mấy trăm km từ tận hồ Titicaca đến tận Cusco. Cái gậy phi đến đó và cắm xuống đất tạo ra một thung lung. Vậy là cái tên Cusco có nghĩa là cái rốn của thế giới ra đời. Ngoài ra thần Mặt trời còn cho Manco Capac một cái hộp bằng rơm và bảo khi nào xây dựng xong đế chế thì mở nó. Nhưng ông này và mấy vị Hoàng đế sau cũng hèn, không dám mở ra cho đến tận vị Hoàng đế thứ 4 mới dám mở.

Nói thì ngon ăn thế nhưng khi Manco Capac đến Cusco thì ở đây cũng đã có người ở. Đó là hai bộ lạc khá đông là Gualla và Sauasera. Chẳng hiểu thế nào, chắc do thần Mặt trời phù hộ nên Manco Capac chiến thắng được hai bộ lạc này và giết sạch không còn một mống.

Mấy ông Hoàng đế thứ 2,3 cũng chẳng làm nên được trò trống gì. Cho đến tận vị Sapa thứ 4 là Mayta Capac sau khi mở cái hộp bằng rơm mà Thần Mặt trời trao cho cụ của ông ta là Sapa thứ nhất Manco Capac mới bắt đầu làm lên sự nghiệp.
Thấy bảo mẹ Mayta Capac mang thai ông ta có 3 tháng mà thôi. Ngày xưa chắc y học không phát triển còn tin chứ bây giờ thì 100% là ăn cơm trước kẻng đúng không các bạn. Ông này theo truyền thuyết thì thông minh, giỏi giang lắm vậy nên ông mới dám mở chiếc hộp rơm ra xem nó có gì. Một hình tượng thần Mặt trời ở trong đó, và ngài truyền cho Mayta Capac phải mở rộng biên giới đánh chiếm các dân tộc khác, cướp đất, mở mang bờ cõi… thế là ông này cũng mở mang được bờ cõi ra tới tận hồ Titicaca, Arequipa, và Potosí đặt nền móng cho đế chế Inca sau này.

Nhưng cũng phải đến vị hoàng đế thứ 9 có tên là Pachacuti thì Inca mới trở thành đế chế hùng mạnh. Ông này có rất nhiều Sử thi và những bài hát dân gian ca ngợi ông và cũng thấy bảo ông cũng là người thông minh giỏi giang và có năng khiếu quân sự từ bé. Thế nhưng ăn thua dell gì so với anh Kim Jong Un của xứ Triều Tiên. 6 tuổi lái được xe tăng, 7 tuổi bắn súng 2 tay như một, có lần sấm to quá anh Un ngửa cổ lên trời quát một tiếng là sấm phải im trời quang mây tạnh mà còn dell ăn thua kia kìa. :))

Nói vui thế thôi chứ Pachacuti là người giỏi thật. Dưới thời ông, đế chế Inca được mở rộng từ Ecuador qua Bolivia tới bắc Chile ngày nay để như thế ông cũng diệt Chanka, Chimu …..mặc dù những dân tộc này là một quốc gia lớn và có nền văn minh lâu đời. Cũng không phải chỉ biết đánh nhau, ông này cũng biết hưởng thụ. Ông cho quy hoạch lại Cusco như là trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của đế chế và đặc biệt cho xây dựng Machu Picchu mà chúng ta còn nhìn thấy thời nay.

Ông này có những quyết sách mà các nhà cầm quyền thời nay còn phải nể phục như khi xâm chiếm một vùng đất nào đó. Thấy ở nơi đó có người tài ông đem họ về Cusco, ban cho quyền cao chức trọng. Cho họ quản lý những thứ liên quan đến thế mạnh của họ, phát huy hết khả năng của họ. Thế nên Cusco và đế chế Inca mới phát triển rực rỡ được. Mà kể ra cũng tài, một dân tộc không có chữ viết, không có triết gia nên mấy ông Hoàng đế này làm gì có sách mà đọc sao trị quốc tài thế? Xem ra cái tài trị quốc có khi nó là thiên bẩm chứ đâu có cần phải là người miền bắc và phải có lý luận đúng không các bạn? ;)

Hai vị Hoàng đế sau ông luôn mở rộng bờ cõi biến đế chế Inca thành một trong những đế chế lớn nhất thế giới.
Cho đến thời cuối thời Huayna Capac thì đế chế Inca bắt đầu suy tàn do bệnh dịch, nội chiến và bị người Tây Ban Nha đánh bại với quân số chưa đến 200 người (Tôi sẽ viết rõ ở những post sau).


Bản đồ Đế chế Inca qua các thời kỳ



 
Tổ chức nhà nước

Mấy ông Sapa thì tôi vừa nói rồi, ta tìm hiểu xem tổ chức nhà nước do dân, vì dân của họ như thế nào.

CŨng giống như thời Trung cổ ở châu Âu, khi chưa có ánh sáng của chủ nghĩa Mark – Lenin dẫn đường. Nhà nước Inca cũng là nhà nước phong kiến người bóc lột người.

Họ cũng chia ra làm 2 tầng lớp. Tầng lớp quý tộc gồm Vua, các hoàng thân, quan lại…. và tầng lớp bình dân gồm nông dân, công nhân, thợ thuyền, nói chung là quần chúng nhân dân lao động

Trên cùng là Hoàng đế (đương nhiên cmnr) dưới Hoàng đế gồm 10 dòng họ quý tộc được gọi là Panaqa (cứ cho là quý tộc loại 1 cho dễ hiểu) tiếp theo là 10 dòng họ quý tộc loại 2. Quý tộc loại 3 là những người không phải người Inca nhưng có đóng góp nhiều trí tuệ tài năng và công sức cho đế chế. Dưới đó là tầng lớp quần chúng nhân dân lao động.
Đơn vị hành chính dưới cùng là xã. Cứ 80 xã thì có một tỉnh và ông chủ tịch UBND tỉnh thì báo cáo về cho chính quyền TƯ

Đất đai được chia ra làm 3 phần: phần của Tôn giáo, phần của Hoàng đế và phần còn lại để canh tác. Rất hay là người Inca họ cũng làm ruộng bậc thang giống y như các đồng bào miền núi của ta vậy. Không những thế trang phục của họ cũng rất giống. Cũng hoa văn thổ cẩm, cũng mặc váy xòe…. mà đôi khi đi giữa Cusco mà tôi cứ ngỡ như mình đang ở Sapa mà cái tên Sapa này cũng trùng hợp luôn với cái tên gọi vị Hoàng đế của họ. Xem ra Vietnam mình và Peru cũng có nhiều điểm giống nhau phết

Khi Inca đi xâm chiếm vùng địa phương nào đó, họ đem con cái của các nhà cầm quyền ở các nơi về Cusco, dậy họ tín ngưỡng thờ thần Mặt trời, cho học văn hóa Inca, cho lấy vợ người Quechua rồi trả về địa phương cho họ cai trị. Chính vì thế các vùng đất mà đế chế này chiếm được luôn ổn định, ít có sự vùng lên chống lại.

Vì người Inca không dùng tiền nên họ thu thuế theo kiểu khác. Đồ nộp thuế là bằng vàng bạc, lông thú, thực phẩm, thuốc nhuộm….. Thế nhưng những người tá điền không mảnh đất cắm dùi thì nộp thuế kiểu gì? Xin thưa là họ nộp bằng sức lao động. Họ đi làm phu đường, xây dựng Inca trail và các công trình cho chính quyền. Inca có quy định về công ích rất rõ. 1/3 thời gian người nông dân phải cày cấy, làm việc cho tôn giáo, 1/3 thời gian phải giúp đỡ những người già yếu, góa bụa…., 1/3 thời gian mới là làm việc cho gia đình mình.

Những vùng đất chiếm được cũng phải nộp thuế, cống vật. Nhưng Cusco cũng làm đường mà không thu phí BOT, những lúc động đất, thiên tai, lũ lụt cũng tài trợ thuốc men, thực phẩm cho những vùng này
 
Cuộc sống của Hoàng đế Inca

Nhắc đến hai chữ Hoàng đế là đã biết cuộc sống của họ sướng cmnr. Ở đâu cũng thế từ đông sang tây, từ cổ chí kim, Hoàng đế luôn mang uy quyền tuyệt đối và đương nhiên là họ được support những thứ tốt nhất cho cuộc sống của họ. Và trong các câu truyện cổ tích chàng Hoàng tử bao giờ cũng hào hoa phong nhã, giầu có cưới được gái đẹp từ nàng Bạch Tuyết đến Cô bé lọ lem.... mà chẳng thấy nói đến tài cán gì chỉ có mỗi cái: Bố nó là Vua

Theo Garcilaso la Vega có mô tả trong cuốn “The Royal Commentaries of the Inca” thì cung điện của Hoàng đế Inca là một trong những cung điện xa hoa vào bậc nhất thế giới. (Mặc dù khi tôi đến Cusco thì cũng chẳng biết nó đã từng nằm ở đâu vì chẳng còn dấu tích gì) Tường cung điện được xây bằng những viên đá Granite tốt nhất. Bên trong những ngôi nhà được dát vàng và bạc. Những hốc tường trưng bày các hiện vật làm toàn từ vàng nguyên khối. Như tượng các loại chim, thú... và khi thực dân Tây Ban Nha đến họ nung chảy các thứ này đóng thành vàng thỏi và vận chuyển về Tây Ban Nha.

Bên ngoài vườn thượng uyển của Hoàng đế vô số các cây táo, cam, mận, đào quý hiếm cùng những loài hoa đẹp nhất và chúng luôn tỏa hương thơm ngát. Xen giữa những cây tự nhiên đó là các loại cây nhân tạo được làm với thân bằng bạc và lá bằng vàng. Dưới ánh mặt trời chúng lấp lánh phản chiếu tạo nên một khu vườn tràn đầy mầu sắc.
Hoàng đế Inca mặc những quần áo được dệt khéo nhất, đẹp nhất và không bao giờ ngài mặc bộ quần áo đến lần thứ 2. Thế nên dell bao giờ có chuyện giặt giũ, ngài mặc xong là ban luôn cho tùy tùng bộ quần áo của ngài và ai mà nhận đó được coi là vinh dự lớn lao lắm.

Chính vì thế khi ngài đi ra trận thì ngoài binh lính ra bộ phận hậu cần cũng rất vất vả vì trên quần áo ngài còn đeo đủ thứ vàng, bạc, vòng cổ có đeo hình thần mặt trời mầu vàng, hoa tai cũng hai cái to đùng hình tròn bằng vàng khiên giáo cũng bằng vàng cmnl mà chẳng hiểu với vàng nặng như thế thì ngài chiến đấu ra sao? Làm sao mà nhấc nổi nó cộng với việc vàng khá mềm nên khó có thể đánh nhau được, tôi với các bạn mà đeo toàn vàng như thế có khi còn gẫy cmn cả cổ chứ đừng nói gì tới chuyện đánh nhau.

Ấy nhưng ngài ra trận đâu phải để chiến đấu trực tiếp mà ngài đem cái uy đến để úy lạo binh lính rồi đe dọa quân địch. Từ xa quân địch thấy vị Hoàng đế ngồi trên cao (kiệu) với đồ vàng bạc làm lóa mắt chúng nên tinh thần địch cũng có phần lung lay.

Một ngày Hoàng đế chỉ ăn có 2 bữa. Một bữa khoảng 8-9 giờ sáng, một bữa vào tối muộn. Tuy ăn ít nhưng uống nhiều, thường là Hoàng đế nhậu nhẹt chém gió với quần thần đến đêm khuya mới đi ngủ.
Tuy nhậu nhẹt say xỉn nhưng hôm sau ngài dậy từ rất sớm. Từ buổi sáng tinh mơ các cung nữ trong hoàng cung đã đến đầu giường ngài, rải những cánh hoa dồng xuống đất để khi ngài dậy được bước trên những cánh hoa hồng và cũng là một cách đánh thức ngài.

Phòng ngủ của ngài được trang hoàng đẹp đẽ và tất nhiên ga trải giường của ngài được làm từ loại lông của những con Llama tốt nhất. Có chi tiết rất hay là sau khi cung điện của Hoàng đế Inca bị người Tây Ban Nha cướp phá. Chính những tấm ga trải giường đó được đem về phòng ngủ của Vua Philip đệ nhị.
Phòng tắm của ngài cũng được dát vàng. Mùa đông thì tắm nước ấm, mùa hè tắm nước mát. Và khi hoàng đế vào tắm đương nhiên ngài chẳng cần tự kỳ cọ gì mà có các cung nữ, người hầu tự kỳ cọ tắm rửa cho ngài bằng các bộ phận có thể tự kỳ cọ được.

Không giống như châu Âu, tách biệt giữa Thần quyền thuộc về Giáo hoàng và các Linh mục. Vương quyền mới thuộc về Hoàng đế. Ở đây Hoàng đế Inca làm cả hai. Ngoài việc trị vì đất nước, họp bàn cũng giới quý tộc đưa ra các quyết sách trị vì đất nước và xâm chiếm nước khác như đánh thằng nào, chiếm vùng nào.... Thì Hoàng đế Inca còn đứng chủ tế lễ luôn, các quan tư tế chỉ là người phục vụ cho ngài. Vì Hoàng đế tự coi mình là con trai thần mặt trời nên vào các buổi tế lễ, ngài luôn đóng vai trò chủ tế.
Một năm có 2 lễ tế quan trọng là ngày hạ chí và ngày đông chí. Những ngày này người Inca dâng lên thần mặt trời các đồ gốm, sứ, hoa quả, rượu beer đồ dệt thổ cẩm... và tế thường bằng trái tim con Llama. Năm nào mất mùa, thất bát, động đất.... thì họ tế bằng trái tim con người. Và vị Hoàng đế là người luôn phải cầm trái tim đó giơ lên cao để thần Mặt trời đón nhận

Cuộc sống hôn nhân thì sao? Nếu như các Hoàng đế châu Âu vào thời điểm đó theo Catholic chỉ được lấy một vợ mà thôi, còn lại thì chỉ bồ bịch lăng nhăng chứ không dám chính thức. Thì Hoàng đế Inca lại khác. Ngài là con thần Mặt trời, muốn làm gì mà chẳng được nên cả thế giới là của ngài. Ngài thích cô nào thì “Đỗ Thị Chén” cô đó chẳng ai dám cưỡng lại vì ngài nắm cả thần quyền ngài là nhân vật tối cao nhất.



Ảnh Hoàng đế Pachacuti ( ảnh chôm trên mạng)



 
Kinh tế


Nói chung cái nền kinh tế Inca này cũng chẳng có gì đặc sắc. Một xã hội không dùng tiền thì làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế được. Nhưng họ xây dựng được một đế chế lớn mạnh như thế cũng đâu phải đùa đúng không các bạn

Nền kinh tế của đế chế Inca được mô tả như là tự cung, tự cấp, với sự dư thừa về khả năng sản xuất và khai thác tự nhiên. Nền kinh tế chính dựa vào nông nghiệp gồm chăn nuôi (Llama, Alpacas) cày cấy, và các sản phẩm làm ra như dệt vải, đồ gốm và khai thác vàng, bạc.

Nguyên tắc phân chia tài nguyên, nguồn lực được quyết định bởi chính quyền Trung ương. 50% đất đai mầu mỡ cho thị dân . 25% được dành cho chính phủ, quân đội và dự trữ kinh tế. Còn 25% dành cho nhà thờ, và để phát triển kinh tế....
Đất của chính phủ, nhà thờ sẽ được làm việc bởi những người dân qua hệ thống Mink’a và Mit’a

Dự trữ kinh tế của đế chế qua các kho gọi là Qollqas. Tất cả các sản phẩm như: quần áo, đồ dùng, thức ăn đều được chứa trong đó
Những Qollqas này được đặt ở những vị trí chiến lược trong đế chế. Hầu hết là gần các làng mạc và cách nhau khoảng 20 km.

Người ta đã tìm ra rất nhiều những kho này trên khắp đế chế. Người Inca có thói quen tích trữ lương thực vào các kho. Cũng dễ hiểu thôi, ở trên dãy Andes nơi mà các hiểm họa thiên nhiên như núi lửa, động đất thường xuyên đe dọa thì việc tích trữ cũng đúng thôi phải không các bạn?

Chính vì thế nên họ phát triển các công nghệ như bảo quản thức ăn và xây dựng kho phù hợp
Tất cả mọi gia đình đều phải nộp vào kho chung những tài sản, sản vật của mình. Sau đó mới đến những kho riêng của mình tại nhà. Và đương nhiên cái kho lớn nhất bao giờ cũng dành cho chính phủ .
Khi thiên tai xảy ra lập tức cái kho chung sẽ được mở ra cung cấp và hỗ trợ cho những người bị thiệt hại. Nếu kho vùng đấy không có đủ người ta sẽ chuyển từ kho các vùng lân cân đến.

Hệ thống lao động

Lao động được phân chia rất công bằng và phù hợp vào khả năng mỗi người. Tất cả mọi người không phân biệt Quý tộc hay nông dân đầu phải làm việc. Sự lười nhác không được chấp nhận. Thế nên không hề có kiểu quý tộc “Ngồi mát ăn bát vàng” Quý tộc được hưởng các quyền lợi khác chứ “He didn’t work, didn’t eat” (Không làm thì nghỉ ăn) là một câu nói của đế chế này. Người già thì phải dạy trẻ em và bọn teen lao động và thaamk chí chính người già cũng phải lao động vừa sức với mình. Người mù thì ngồi tỉa ngô và đóng gói. Nói chung tất cả mọi người đều phải làm việc cho đế chế.
Có 3 hệ thống lao động

Ayni: Là hệ thống lao đông tương hỗ lao động giữa các thành viên chắc kiểu Hợp tác xã như mình vậy. Với khẩu hiệu “ Today for you, tomorrow for me” (Hôm nay cho anh, ngày mai cho tôi) hay “All for one and one for all” (Một người vì mọi người, mọi người vì một người)

Mink’a: Là một hệ thống lao động công ích. Ở đây người nông dân, công nhân phải lao động trên vùng đất của đế chế, của nhà thờ và việc này sẽ được support ngược lại cho những người như trẻ mồ côi, góa phụ, người già và những người khuyết tật....

Mit’a là hệ thống lao động đóng thuế. Tất cả mọi người trong độ tuổi từ 16-80 đều phải hoàn thành nghĩa vụ cưỡng bách này. Nhưng ngược lại sau khi lao động chính phủ sẽ trả quần áo, đồ ăn, nhà cửa cho người lao động.


Qollqas- Hệ thống kho (ảnh st)



 
Đời sống văn hóa

Các lễ kỷ niệm trong đời con người


Người Inca dek có kiểu tổ chức sinh nhật, cưới hỏi, đầy tháng con... hoành tráng rồi thu phong bì như ta mà họ có những lễ kỷ niệm khác.

Rutuchikuy: Là một lễ kỷ niệm lần cắt tóc đầu tiên của trẻ con, khi chúng được 3 hoặc 4 tuổi. Lúc này tóc của bọn trẻ được buộc thành bím. Dân làng cắt cái bím tóc đó đi và tặng cho đứa trẻ một món quà nhỏ. Nhiều khi cũng trong dịp lễ này lần đầu tiên đứa trẻ được đặt tên và trong buổi tiệc này người ta ăn uống, nhảy múa với âm nhạc dân gian của họ

Warachikuy: Lễ trưởng thành. Khi đứa trẻ được 16 tuổi người ta sẽ tổ chức những lễ này. Người thanh niên sẽ chơi các trò chơi chứng minh sự nhanh nhẹn, bền bỉ, cường tráng và những kỹ năng khác. Giải thưởng là một cái underpants (quần lót). Và khi đã qua kỳ thử thách này chàng trai cũng đủ kỹ năng và điều kiện để tham gia quân đội.

K’ikuchikuy: Là lễ dành cho người phụ nữ trưởng thành. Khi có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Lễ hội được tổ chức suốt 3 ngày. Và trong 3 ngày đó người phụ nữ không được ra khỏi nhà. Trong khi bên ngoài thì dân làng nhảy múa hò hét nhậu nhẹt chém gió tất nhiên là trên nền nhạc của dân tộc họ.

Munanakuy (Sirvinakuy) bọn tây lông nó dịch là lễ Falling in love em chẳng biết dịch thế nào. Chẳng lẽ dịch là lễ yêu nhau à? Khi bạn trẻ tìm được người bạn của mình, chàng trai sẽ bắt cóc cô gái mang về (lại thêm một điểm giống dân tộc H’mông của mình nữa) cả làng sẽ đốt lửa ăn mừng nhảy múa. Khi cả hai thề thốt không thể sống thiếu nhau và được bố mẹ chấp thuận. Họ sẽ sống với nhau trong một năm. Và trong suốt thời gian đó chàng trai cũng như cô gái phải chứng minh những khả năng của mình. Chàng trai phải show ra được kỹ năng làm việc của mình, còn cô gái cũng phải chứng minh cho mọi người thấy mình biết nội trợ, nấu nướng và quản lý gia đình... Hết một năm nếu cả hai thấy hợp thì lễ cưới sẽ được tổ chức. Còn không thì ai về nhà nấy. Nếu trong thời gian đó cô gái có thai mà sau này không cưới thì gia đình và dân làng sẽ chịu trách nhiệm

Sawanakuy (Masachakuy): Lễ cưới. Người Inca lấy vợ chồng khá muộn (so với thời điểm đó) thường là cô dâu 18 tuổi và chú rể 25 tuổi. Trong buổi lễ này cô dâu và chú rể đứng hai bên. Già làng hay đại diện chính quyền địa phương đứng giữa. Hai tay đưa lên trời lẩm bẩm báo cáo gì đó với thần linh. Tuyên bố họ thành vợ chồng. Sau đó gia đình, anh em, bạn bè sẽ tặng cô dâu chú rể những món quà cần thiết để lập một gia đình mới. Và tất nhiên là rượu beer lại chảy như suối và nhảy múa hò hét suốt đêm.

Paka- Rik: Đám tang. Xác người chết được ướp, quấn vào vải rồi đem đến mộ. Tất cả những đồ dùng cá nhân của người chết và cả thức ăn đồ uống đều được đem đến mộ chôn theo. Vì người Inca cho rằng người chết cần có đồ dùng và sinh sống ở trên trời


Lễ Warachikuy được tái hiện lại


 
Luật pháp và các giá trị

Đế chế Inca họ gọi là Tawantinsuyo có nghĩa gồm 4 bang xung quanh với thủ đô Cusco ở giữa. Và tất nhiên không như nước Mỹ có luật của từng bang và luật liên bang thì Inca chỉ có một luật thống nhất. Và bộ luật của Inca khá là nghiêm khắc và không khoan nhượng với bất kỳ ai.

Gọi là bộ luật cho nó oai vậy thôi chứ luật Inca còn khá sơ đẳng. Trong đó chỉ có hình thức phạt những kẻ làm những điều sai trái với đạo đức xã hội với các tội như: Ăn cắp, lười biếng, nói dối...

Nhưng quan trọng nó làm tôn vinh các giá trị như lương thiện, trung thành, sạch sẽ, hăng hái, lễ nghi, khoan hồng và tôn trọng cuộc sống
Chính vì không có chữ viết nên luật của họ chỉ là cảm thấy làm trái với những giá trị kia là phạt. Mà phạt thì cũng chẳng rõ ràng, theo ý thích của người xử là chính.

Giáo dục

Nghe thì buồn cười, không có chữ thì giáo dục cái gì? Nhưng thật sự là người Inca có tư tưởng giáo dục rất tiến bộ. Không như châu Âu và châu Á thời đó trọng nam kinh nữ thì ở đây họ giáo dục cho cả nam và nữ. Họ dạy về tín ngưỡng, cách làm và đọc khipus (một loại dây có các mầu sắc thắt nút để đánh dấu và truyền đạt thông tin), dạy ngôn ngữ (Quechua cho những người ở vùng khác), nghệ thuật, lịch sử, khoa học, ngoài ra họ còn dạy những kỹ năng trong gia đình... nhưng do không có chữ viết nên tất cả đều dạy bằng mồm.

Trường học của họ có chức năng giống như một tu viện. Họ gọi là Yachaywasi và Ajilawasi.

Những người đàn ông tài năng, trẻ tuổi hay con cháu của một bộ tộc nào đó được đưa về Cusco dạy dỗ để sau này trở thành người lãnh đạo thì được học ở trường Yachaywasi (Ngôi nhà của kiến thức). Ở trường này giảng viên toàn là cỡ GS, TS (Gà sống thiến sót) trở lên cả, nói chung là các bậc thông thái nhất trong đế chế được mời về đây giảng dạy. Các giảng viên sẽ dậy cho học viên sự suy đoán lý trí để trở lên sáng suốt rồi phục vụ cho đế chế Inca. Các hoàng tử của Inca cũng được học hành ở đây.

Trường Ajllawasi là một trường nữ (House of the chosen girls) và giống như trong ngôi nhà Trinh nữ của Thần mặt trời. Ở Ajllawasi giống như một tu viện. Các nữ sinh vào đây phải được tuyển chọn hết sức kỹ càng. Cơ thể không được có sự khiếm khuyết nào nhỏ nhất. Số đo chiều cao, cân nặng, 3 vòng chắc cũng phải đẹp lắm :) và chắc chắn ngoài thể hình xinh đẹp ra họ cũng phải tài năng và có trí thông minh nữa.

Ngược với trường Yachaywasi, ở trường Ajllawasi này các nữ sinh được học các môn: Y học, các lễ nghi, hát hò, nhảy múa, và học kinh cầu nguyện. Ngoài ra họ còn được học dệt vải, nấu ăn, nấu beer rượu từ ngô cho các buổi lễ. Và khi tốt nghiệp trường này ra thì các nữ sinh tài sắc vẹn toàn, mười phân vẹn mười và họ sẽ chia làm 2 nhóm. Một nhóm sẽ sống suốt đời trong các đền thờ phục vụ các vị thần (phí thật ;) ) và một nhóm sẽ trở thành Hoàng hậu, và cung tần mỹ nữ của hoàng đế
Nói chung cả hai trường này đào tạo ra đều là tầng lớp trên của đế chế Inca


Ảnh tái hiện các nữ sinh của trường Ajllawasi



 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,430
Bài viết
1,175,888
Members
192,103
Latest member
789clubvn5com
Back
Top