What's new

[Chia sẻ] Đi tìm Đế chế đã mất

P1: Từ giấc mơ tới hiện thực

Say mê với những miền đất lạ, đắm chìm trước những di sản mà loài người để lại. Kẻ phiêu bạt không muốn ngồi một chỗ hưởng thụ cuộc sống, khi đa số mọi người tính toán đổi nhà, mua xe.... Thì tôi lại đứng trước tấm bản đồ, đánh dấu những vùng đất chưa đến được và lập kế hoạch lên đường.
Nam Mỹ hay Mỹ la tinh, cái tên cũng đã đủ gợi lên trí tò mò của phượt thủ. Từ thánh địa Machu Picchu cho tới những con đường bụi bặm. Từ lối sống hoang dã của con người nơi đây cho tới những bộ ngực vừa đi vừa nhún nhảy như muốn bật ra khỏi chiếc áo pull của các cô gái bất kỳ lúc nào. Những điếu cigar được cuộn tròn trên ngón tay kẻ lãng tử hay ly rượu vang Chile sóng sánh như nước mắt của người Inca - khóc cho một đế chế đã mất. Tất cả những thứ đó thu hút trái tim và đôi chân tôi về nơi đây
Cái kế hoạch đi Nam Mỹ này đối với tôi cũng hết sức tình cờ. Trong thời gian đi phượt ở Nga bị gãy chân, ngồi ngắm tuyết rơi qua cửa kính chán chê. Tôi lôi đt ra tìm đọc một thứ gì đó. Vô tình đọc được cuốn "Lost city of the Incas" của Hiram Bingham (cũng là người tìm ra thánh địa này). Buổi tối tôi bàn với bạn đồng hành của tôi, thế là 2 thằng "Oh! Zee!" Bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho đi Nam Mỹ vào năm tới.
Đối với một thằng đam mê văn hoá, lịch sử như tôi, trước khi đến một quốc gia nào, một công trình nào cũng phải tìm hiểu về nó trước. Thế nên khi về Vietnam việc đầu tiên là tìm những sách về Nam Mỹ để đọc. Nhưng tiếc thay, sách về Nam Mỹ cũng không có nhiều, ra hàng sách toàn thấy những tiểu thuyết mùi mẫn rồi cướp, hiếp giết.... Vậy là muốn đọc về nó, muốn tìm hiểu về nó phải đọc từ bản gốc. Lại cắn răng lên amazon.com ship mấy cuốn sách về đọc và tìm hiểu. Tránh trường hợp mình đến đó, đứng đó nhưng không biết nó là cái gì.
Cái chân què của tôi lành chậm hơn là tôi tưởng nên kế hoạch lại phải delay thêm gần 1 năm nữa. Sau khi trekking những con đường khó khăn tại Vietnam, cảm thấy cũng đã đủ sức khoẻ cho việc đi Nam Mỹ. Tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch
Việc đầu tiên là lập team đi, ngoài tôi và người bạn đồng hành đi cùng nhau từ Nga cần tuyển thêm vài người nữa. Khi chúng tôi bắn tin đi phượt Nam mỹ, có rất nhiều người muốn join cùng. Sau khi qua vài lần sát hạch chúng tôi cũng lập được 1 team gồm có 4 người toàn là những phượt thủ lão luyện. Nhưng có lẽ may mắn nhất cho chúng tôi là có được một người anh cả của nhóm. Bác này đã từng học ở Cuba 6 năm nên biết thông thạo cả 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Như vậy là quá đủ cho chuyến đi rồi.
Hết online rồi offline họp bàn phân chia công việc. Ông anh cả được nhận nhiệm vụ book vé máy bay, người bạn đồng hành đi từ Nga với tôi nhận nhiệm vụ book khách sạn, tôi nhận nhiệm vụ xin Visa vào các nước. Còn 1 ông nữa thì lăng xăng hỗ trợ anh em.
Họp bàn xong cũng ra được cái kế hoạch 45 ngày và budget khoảng 10.000 USD cho chuyến đi. Lại phải thu xếp công việc và quan trọng là cày ra cho đủ số tiền đó.
Đi Nam Mỹ, một mảnh đất xa lạ, một nền văn hoá khác biệt. Cách VN mình đến nửa vòng trái đất. Và quan trọng nhất là cực kỳ nguy hiểm. Nên tất cả bạn bè và người thân ai nấy cũng đều can ngăn tôi đi. Nhưng một thằng đã ngồi uống rượu trên Golan, đã từng xẻ dọc bờ tây sông Jordan đi vào vùng cài răng lược giữa Palestine và Israel. Hay lên vĩ tuyến 38 biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Thì cái chuyện đối mặt với nguy hiểm ở Nam Mỹ ư? Quá nhỏ. Nghĩ vậy nên tôi quyết chí ra đi. Xét cho cùng cuộc sống luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Khi tham gia giao thông ở VN mình mà mỗi năm còn chết tới hơn vạn người thì những hiểm nguy kia chỉ là chuyện nhỏ đúng không các bạn? Hơn nữa cái máu xê dịch nó cũng ngấm vào tôi, khi đọc những dòng của cụ Nguyễn Tuân mượn từ Paul Morand làm lời đề từ cho truyện " Thiếu quê hương" "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc vali".

Đấy các cụ còn như thế, con cháu làm sao có thể hèn kém được. Nhấc mông lên và phi thôi các bạn.


Ảnh ăn cắp trên mạng và tất nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả :))​



 
Quân đội, vũ khí và cách tiến hành chiến tranh

Để đánh chiếm và xây dựng được một đế chế rộng lớn đương nhiên Inca phải có quân đội hùng mạnh. Và quân đội Inca đi xâm chiếm các nơi với những vũ khí khá là thô sơ và không có ngựa (trước khi người Tây Ban Nha đến, cả lục địa này không có ngựa), xe cộ (họ không dùng bánh xe). Chính vì thế họ hành quân chính bằng cách đi bộ. Cũng may cho họ là các bộ lạc khác, các nền văn minh khác cũng chẳng tiến bộ hơn nên họ đánh chiếm khá là dễ dàng. Lính thì đi bộ, vua hoặc tướng thì ngồi kiệu và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cuộc hành quân thì được chất lên lưng Llama cho chở đến chiến trường.

Mỗi một ngôi làng đều phải cung cấp lính, không đâu được miễn nghĩa vụ quân sự hết. Trong trường hợp khẩn cấp xảy ra chiến tranh. Họ sẽ huy động những người nông dân đang làm ruộng đứng lên gia nhập quân đội.
Ngoài ra họ vẫn luôn thường trực những đội lính chuyên nghiệp. Những người này thời bình họ canh giữ các đền thờ, lâu đài của vua chúa, và đóng quân canh giữ các kho tàng bến bãi..
.
Cơ cấu quân đội được sắp xếp lại sau mỗi cuộc chiến. Và khi những chiến binh bị giết trong mỗi trận đánh thì ngay lập tức phải gửi tin về xin bổ sung lính.
Quân đội Inca thời đó có những chiến thuật tuy là không mới ở châu Âu, Á nhưng đối với vùng đất trên dãy Andes này thì rất mới đó là họ có những chiến thuật như vòng quân đánh ngang sườn địch, dụ địch vào chỗ phục kích để đánh. Cùng với việc biết xây dựng hệ thống truyền tin nên đó là chìa khóa mở ra chiến thắng ở châu lục này

Vào thời bình một số lượng binh lính giải ngũ về làm ruộng. Số còn lại là lính chuyên nghiệp họ đóng quân ở gần các thành phố, làng mạc bảo vệ các hệ thống kho tàng và tham gia vào hệ thống truyền tin trên con đường huyết mạch Inca trail

Vũ khí của họ tuy thô sơ với châu Âu, Á. Nhưng so với các đối thủ ở đây họ khá hiện đại. Họ biết làm giáp, trụ để mặc biết dùng cung, khiên nói chung trang bị của họ tốt hơn đối thủ rất nhiều. Ngoài ra họ còn dùng các loại vũ khí như: Rìu, chùy, giáo, Warak’a (một loại dây ở giữa gắn miếng da, cho viên đá vào quay quay rồi ném) Liwis (buộc đá vào dây để ném) và một lại vũ khí tay cầm là gỗ đầu có miếng đồng 6 cạnh nữa...


Cách thức tiến hành chiến tranh


Khi một vị Sapa (hoàng đế) Inca muốn đánh chiếm vùng đất nào, ngài cho gửi thông điệp tới. Yêu cầu vị vua ở đó phải quy hàng bằng cách gia nhập đế chế Inca. Đưa con cái về Cusco giáo dục, bắt công nhận tín ngưỡng Inca (nhưng không bắt bỏ tín ngưỡng của họ). Nộp thuế, triều cống... đổi lại Cusco sẽ support cho về làm đường xá, hỗ trợ về lương thực, thực phẩm khi có khó khăn, thiên tai....

Nếu vị vua vùng đất kia từ chối Sapa sẽ gửi quân đội đến đánh. Nếu như nhìn thấy quân đội Inca xin hàng thì còn kịp. Còn nếu không sau khi quân đội Inca chiếm được vùng đất đó bộ lạc đó sẽ bị tàn sát....

Vào trận chiến cũng giống châu Âu, quân đội Inca cũng cho lính quân nhạc đi đầu thổi kèn, khua chiêng, gõ mõ tạo khí thế cho quân ta và tạo nghi binh, cờ xí rợp trời để quân địch nao núng. Khi đánh nhau, quân cung thủ cũng bắn trước rồi hai bên xô vào giáp lá cà. Nhưng quân Inca không ngoan hơn, thường cho một vài đội vòng sang bên đánh chọc sườn hoặc tập hậu làm rối loạn hàng ngũ địch. Hoặc giả thua để nhử giặc về chỗ có phục kích để đánh.

Vấn đề là Đế chế Inca nằm trải dài suốt lục địa nam Mỹ, vậy khi hành quân thì cung ứng hậu cần thế nào. Như tôi đã nói, suốt chiều dài của đế chế các hoàng đế cho xây dựng các kho Qollqas dự trữ lương thảo. Ngoài các vấn đề để cứu trợ cho dân, còn để cho quân đội dùng khi có chiến tranh.

Quân đội Inca tuy không có nhiều vũ khí hiện đại như Âu, Á nhưng so với khu vực toàn các bộ lạc nhỏ, không thống nhất được thì cả về số lượng và vũ khí họ luôn vượt trội. Nên việc họ thường xuyên giành chiến thắng cũng là điều dễ hiểu.


Bức ảnh của họa sĩ Huaman Poma cho thấy quân đội Inca (bên phải có trang bị khá hiện đại hơn quân Machupest bên trái)





Và vài bức ảnh tôi chụp được về vũ khí của họ trong bảo tàng Inca ở Cusco













 
Tôn giáo tín ngưỡng


Người Inca theo tôn giáo đa thần. Ngoài những vị thần của họ ra khi đi xâm chiếm vùng đất nào họ cũng cho nơi đó giữ nguyên tục lệ thờ cúng thần ở đó (tuy nhiên họ bắt người ta tôn thờ thần mặt trời và các vị thần của họ) và họ sát nhập luôn những vị thần của vùng đất mới vào hệ thống thần của họ. Nên hệ thống thần linh của họ khá rối rắm nên tôi chỉ nêu một số vị thần chính và chức năng của mỗi vị thần này. Còn truyền thuyết về các vị thần thì đi tới đâu tiện tôi sẽ kể sau.

Viracocha (Wiracocha)

Vị thần này được coi là vị thần sáng tạo thế giới. Ông là người đẻ ra mặt trời, mặt trăng và thắp sáng các vì sao. Sau khi đánh bại Pachacamac và ném xuống biển, biến Pachacamac thành thần biển ( tuy ông này tạo ra con người đầu tiên). Được mô tả là từ phương bắc tới, to cao và đi bộ trên sóng. Ông được coi là thần mạnh nhất trong Tín ngưỡng Inca

Inti – Thần Mặt trời

Ông này là con của Viracocha lấy em gái mình là thần mặt trăng Mamaquilla. Đẻ ra Manco Capac và Mama Ocllo. Manco Capac sau này trở thành hoàng đế Inca đầu tiên. Nên các Hoàng đế Inca sau này đều tự nhận mình là con Thần Mặt trời. Chính vì vậy Inti được xây nhiều đền nhất. Tất cả các thành phố đều phải xây đền thờ ông và ngôi đền Qorikancha ở Cusco chính là ngôi đền lớn nhất. Sau khi các Hoàng đế Inca chết, xác của họ được ướp và để tại ngôi đền này

Mamaquilla – Thần Mặt trăng

Bà này là vợ của Thần mặt trời. Chủ yếu là chủ trì các việc liên quan tới lịch, lễ hội.... vai trò không lớn lắm

Illapa

Ông này là thần sấm sét, mưa gió. Chủ yếu phù hộ cho việc chiến tranh

Pachamama

Bà này là vợ của Pachacamac. Và là thần cực kỳ quan trọng trong tín ngưỡng người Inca (có lẽ chỉ đứng sau thần mặt trời Inti) Bà này là nữ thần chủ việc sinh sản, thu hoạch, trồng trọt, và được coi là thần Đất mẹ. Khi bà giận thì núi lửa phun, động đất.... nên hàng năm lễ thờ cúng của bà bao giờ cũng rất trang trọng. Khi người Tây Ban Nha đưa Catholic vào tuy dẹp tất cả các vị thần khác nhwung hình ảnh của Pachamama được gắn với hình ảnh của Đức mẹ đồng trinh Maria

Các lễ hội chính

Inti Raymi – Lễ hội thần mặt trời

Lễ hội này được tổ chức sau ngày Hạ chí 3 ngày (vào ngày 24/6 hàng năm). Đây là lễ hội lớn nhất ở Peru kéo dài tới 9 ngày. 3 ngày trước tất cả các công dân của đế chế bị cấm quan hệ tình dục để cho cơ thể sạch sẽ còn tham gia lễ hội. Tương truyền Sapa Pachacuti là người đầu tiên tổ chức lễ hội này nhằm tôn vinh thần Mặt trời và nhắc cho con cháu nhớ tới nguồn gốc của mình. Lễ hội kéo dài cho tới năm 1535 thì bị các linh mục Catholic cấm và đến năm 1944 chính phủ Peru cho phép hoạt đông trở lại và kéo dài cho đến ngày nay. Tất cả các lễ nghi của lễ hội ngày nay đều dựa vào sự mô tả của Garcilaso de la Vega trong cuốn “The Royal commentaries of the Inca”

Buổi sáng sớm, người ta chờ đợi trước cửa đền thờ thần Mặt trời Qorikancha ở Cusco. Lúc sau hoàng đế và các đoàn tùy tùng đi ra (ngày xưa họ còn rước xác Hoàng đế đã khuất). Hoàng đế ngồi trên kiệu, uy nghi lẫm liệt người đeo đầy vàng xung quanh là các quan tư tế, đi đằng sau là các thống đốc của 4 bang rồi các nhà quý tộc, binh lính... Đám rước vòng qua quảng trường Plaza de Armas rồi đi vòng lên Saksaywaman. Ở đây buổi lễ chính sẽ diễn ra

Hoàng đế bước xuống kiệu, đi lên đàn tế miệng cúng bái, hai tay giơ lên trời hô hào thần Mặt trời phù hộ đem đến sự thịnh vượng cho đế chế. Dâng lên thần nhiều hoa thơm trái ngọt và cả những đồ dùng. Sau đó người ta dẫn ra 1 con Llama. Các quan tư tế giữ nó, còn hoàng đế sẽ cầm con dao chọc vào giữa ngực con vật. Lôi quả tim đầy máu của nó ra. Hai tay dâng lên thần Mặt trời. Các quan tư tế đứng xung quanh lẩm bẩm cầu khấn.

Dưới đàn tế là các nam thanh nữ tú nhảy những điệu nhảy và hò hét. Kết thúc buổi lễ người ta sẽ đốt tất cả những gì dâng lên vị thần. Sau đó hoàng đế sẽ ban bố lệnh chính thức cho nhân dân ăn chơi 9 ngày liền bỏ hết mọi công việc. Tất nhiên chơi thì ai chẳng thích, thế là mọi hoạt động nhảy nhót ăn mừng diễn ra khắp Cusco, beer, rượu tuôn chảy như suối cùng các món ăn ngon được bày bán khắp nơi trên cả nước


Tái hiện lễ hội Inti Raymi (ảnh sưu tầm)






Martes de challa – Lễ hội dâng hiến cho nữ thần Pachamama

Lễ hội này được tổ chức vào tháng 8. Trong lễ hội này họ thường nướng bánh. Đổ một ít beer Chicha xuống đất trước khi uống phần còn lại coi như là mời nữ thần uống vậy. Vì bà này được coi là Mẹ đất nên người ta thường đem bào thai của Llama ra đốt để tế cho bà. Ngày xưa thì người ta tế bằng trẻ em, phụ nữ cho bà như tôi đã nói trong phần Human Sacrifices ở những post trước. Lại còn nghe đồn có bọn vô gia cư bị gạ gẫm đến đây, cho uống rượu say đến bất tỉnh và bị chôn sống xuống dưới để tế cho bà nữa. Năm nào mà tế lễ không cẩn thận thì y như rằng: Mất mùa, động đất, núi lửa phun... diễn ra


Tái hiện lễ hội Martes de challa (ảnh sưu tầm)



 
Inca trail và hệ thống thông tin liên lạc

Giống như đế chế La mã, “Mọi con đường đều dẫn đến Roma”. Thì đế chế Inca có con đường Inca trail nổi tiếng. Tổng chiều dài của con đường này gần 40,000 km dài hơn cả đường xích đạo. Được xây dựng bởi đế chế Inca kéo dài có hơn 100 năm và được xây trên địa hình đồi núi khó khăn thế mới biết người Inca họ tập trung làm con đường này như thế nào mà không cần trạm thu phí BOT như ta :D

Con đường này nó kết nối với các phần của đế chế. Để khi có biến xảy ra (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...) Chính quyền trung ương còn kịp gửi quân đội và những người hỗ trợ đến các vùng đó. Nhưng quan trọng nhất ở đây có các trạm thông tin liên lạc và các kho tàng dành cho quân đội mỗi khi hành quân qua để họ có thức ăn vũ khí...mà không phải vận chuyển quá nhiều

Con đường được xây dựng cứ mỗi 2 km là có một trạm Chaskiwasi (trạm truyền tin) và cứ 20 km (tương đương một ngày đi bộ) thì có một trạm nghỉ ở đây có thể nghỉ ngơi ăn uống và hệ thống kho tàng sẵn bên cạnh có thể phục vụ cho một đội quân. Con đường được xây bằng đá và khá nhỏ chỉ để người đi bộ và Llama đi qua.

Khi có thông tin cần truyền đi hoặc về kinh đô, Chaski (nhân viên truyền tin) sẽ chạy bộ khoảng 2km cho đến trạm kế tiếp và cứ thế người từ trạm kế tiếp nhận thông tin và truyền tới trạm sau. Ở trạm đầu tiên bắt đầu truyền tin. Người Chaski mang theo Khipus (hệ thống dây nhiều mầu được thắt nút ghi nhận thông tin) bỏ vào túi và bắt đàu chạy cho tới trạm tiếp theo. Trước khi đến trạm thứ sau anh ta thổi kèn Pututu để báo hiệu cho người trạm sau chuẩn bị. Người trạm sau khi nghe thấy tiếng kèn chuẩn bị sẵn đón nhận cái túi có chứa Khipus và chạy tiếp....

Hệ thống truyền tin này cực kỳ hiệu quả vì đế chế Inca quá rộng, trải dài suốt từ miền bắc tới nam châu lục. Và siêu nhanh người ta cũng có quy định về thời gian truyền tin VD từ Cusco tới Quito phải 5 ngày tới nơi và từ Cusco tới Machu Picchu chỉ có 5h (đúng bằng thời gian chúng tôi đi tàu hỏa rồi xe bus bây giờ)

Ngày nay do con đường Inca trail này đã đổ nát khá nhiều nên chính phủ Peru chỉ cho trek từ Ollatatambo tới Machu Picchu (khoảng 40km mà thôi). Mỗi một ngày không có quá 500 giấy phép vào con đường này. Trong đó giấy phép cho trekker chỉ có 200 còn lại là poster và tourguide. Và họ bắt buộc trekker phải đi cùng tour guide. Giấy phép thường được bán vào tháng 1 hàng năm và hết ngay sau đó. Thấy bảo giá nhà nước có 500 USD thôi nhưng giá chợ đen lên tới cả ngàn USD tùy từng thời điểm.

Để đi được con đường này ngoài những yếu tố có vé, có thời gian vì bạn sẽ phải treking mất 4 ngày bạn còn cần phải có một sức khỏe tốt vì trek ở trên độ cao hơn 4.200 m (đoạn cao nhất) không phải đơn giản như bạn đi bộ ở dưới đất. Vì không khí loãng, khí hậu ẩm ướt và trên đường luôn rình rập những khó khăn khác nữa. Nhưng nếu như trek được cung này cũng là cung trek để đời đúng không các bạn


Biển báo bắt đầu vào Inca trail





Qua cây cầu này là bạn đặt chân lên con đường huyền thoại. Và bắt đầu từ đây bạn phải trek mất 40km/ 4 ngày nữa mới tới được Machu Picchu







Inca Trail nhìn từ Machu Picchu






Và Chaski - người truyền tin (ảnh sưu tầm)


 
Khoa học, kỹ thuật


Nền văn minh Inca cũng có những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực khoa học như: Thiên văn học, Y học, kỹ thuật xây dựng... tiếc là họ không có chữ viết cộng với việc đế quốc Tây Ban Nha đập phá quá nhiều. Những gì chúng ta biết được ngày nay đều do khảo cổ và nghiên cứu những công trình còn sót lại, nên chắc chắn không đầy đủ cũng như chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm mà thôi

Y học

Họ biết dùng lá coca làm thuốc giảm đau và tăng cường sức lực. Biết dùng vỏ cây để xoa bóp vết bầm tím. Ngoại khoa thì trên cả tuyệt vời. Họ biết khâu vết thương cho nhanh lành, họ biết bó chân cố định chân để liền xương. Và đặc biệt họ biết cả mổ sọ não, việc mà ở ngay các quốc gia đang phát triển bây giờ mổ 10 chết 8 :)

Họ có 3 loại bác sĩ

- Watukk: Là bác sĩ theo dõi và chẩn đoán bệnh. Ông này phải tìm ra nguồn gốc bệnh tật, theo dõi trong suốt quá trình phát triển bệnh

- Hanpeq: Là bác sĩ điều trị. Sau khi được mấy ông Watukk phán xong, ông này sẽ tìm tòi các loại thảo dược để chữa trị cho bệnh nhân.

- Paqo: Ông này nửa kiểu bác sĩ tâm lý nửa kiểu thầy mo của mình. Hóa ra Inca biết tới đông tây Y kết hợp cúng bái từ trước. Nói đến đây tôi mới nhớ, ngày xưa tôi biết có 1 bà khi bị bệnh BS kê đơn, về uống cũng tuân thủ lắm. Ngày uống 2 lần nhưng trước mỗi lần uống lại thắp một nén hương miệng lẩm bẩm rồi mới uống. Người Inca tin rằng bệnh tật là do thần linh trừng phạt hoặc bị yểm bùa nên hàng năm vào lễ hội Situa họ cầu khẩn thần linh và làm phép đuổi bệnh tật ra khỏi thành phố. Các bác cứ cười chê là họ mê tín chứ em thấy nó cũng có tác dụng phết. Bệnh nhân được điều trị tâm lý. Giải tỏa stress => giải phóng các endorphin => mau hồi phục cơ thể. Ngay cả placebo còn có tác dụng nữa đúng không các bác


Thấy bảo người Inca có những bài thuốc rất hay như điều trị viêm phế quản phổi, sâu răng, dùng các loại thảo mộc nấu Syrup ho. Và đặc biệt là món bổ thận tráng dương. Nghe quảng cáo thế 1 ông trong team của tôi mua mấy liều về uống. Chẳng biết hiệu nghiệm không? Nhưng nếu cuối năm nay ông ấy mời ăn đầy tháng con ông ấy thì hiệu nghiệm thật ;)

Xây dựng

Tiếc là đế quốc Tây Ban Nha đập phá quá nhiều. Các công trình không còn nguyên vẹn nhưng chỉ cần đến Machu Picchu và Saksaywaman thì cũng hiểu được họ tài giỏi trong lĩnh vực này như thế nào.
Những phiến đá nặng tới cả trăm tấn vận chuyển từ xa đến, được mài dũa đẹp đẽ, đặt chồng lên nhau vừa khít mà khe của nó không thể lách con dao vào được. Họ làm cách nào? Khi trong tay không có sắt, không dùng bánh xe hay súc vật kéo. Ngày nay cũng có nhiều cách giải thích nhưng chưa cách nào thật sự thuyết phục.

Hơn nữa các kiến trúc sư của họ cũng làm hệ thống cấp thoát nước thật sự hiệu quả và thông minh. Đến tận ngày nay những rãnh thoát nước ở Cusco vẫn còn như mình chứng cho điều đó. Nhưng đỉnh cao của việc này là họ thiết kế và xây dựng Machu Picchu. Làm sao để xây dựng nền móng cho cả một thành phố trên đỉnh núi ở nơi lượng mưa cao nhất Peru mà không bị sụt lở hay xói mòn? Nhìn những ruộng bậc thang ở Machu Picchu ta cứ tưởng chỉ là chỗ để trồng cấy. Nhưng thật sự ra đó chính là móng cho thành phố và dưới đó chính là nơi thoát nước. Bên dưới lớp đất để trồng cấy chính là cát, sỏi và đá hộc. Giúp cho thoát nước nhanh và thành phố không bị úng ngập và sụt lở. So với việc đến tận bây giờ cứ mưa một cái mà “Hà nội mùa này phố cũng như sông” thì hơn nhiều lắm.

Cầu đường thì như tôi đã nói ở post trên. Họ xây dựng được con đường Inca dài 40.000 km mà trên địa hình toàn đồi núi mà tồn tại cho đến tận ngày nay thì bây giờ Bộ Giao thông của nhiều quốc gia còn phải cắp sách bút sang mà học tập.

Thiên văn học

Người Inca coi mình là con cháu của thần mặt trời nên họ quan sát bầu trời rất kỹ. Họ tin rằng mặt trời là trung tâm của vũ trụ và các ngôi sao là đệ vây quanh ngài. Họ nhận ra rằng sao Hôm và sao Mai chỉ là một (Venus) và là đệ ruột của thần Mặt trời nên luôn đi trước và đi sau ngài. Ngoài ra họ không chỉ nghiên cứu các ngôi sao đơn lẻ mà nghiên cứu cả chòm sao. Và họ đặt tên các chòm sao này theo tên các con vật mà họ thấy giống. Từ đó họ làm các lễ tế theo các chòm sao đó.


Những phiến đá khổng lồ ở Saksaywaman






Giữa các phiến đá là khe rất nhỏ không lách nổi một con dao







Cấu trúc ruộng bậc thang tại Machu Picchu (ảnh sưu tầm)




 
Sự suy tàn của Đế chế


Vẫn biết một đế chế dù lớn đến đâu cũng phải đến lúc suy tàn. Nhưng đế chế Inca suy tàn trong đau khổ và bị tàn sát. Cái tàn sát ở đây không chỉ là người mà hơn nữa còn bị tàn sát, vùi dập cả một nền văn hóa, một nền văn minh của nhân loại. Nên lúc đứng ở Machu Picchu ngắm nhìn những công trình vĩ đại mà người Inca để lại cho hậu thế không khỏi không cảm thấy tiếc nuối.

Sự suy tàn bắt đầu từ khi Sapa thứ 11 là Huayna Capac chết. Ông này kể ra cũng là người có công mở rộng đất nước. Thời của ông Đế chế Inca được mở rộng nhất trong lịch sử. Phía bắc là vùng Ecuador và tây nam Columbia ngày nay. Phía đông mở đến phần tây Amazon. Phía nam mở tới tận miền trung Chile và một phần Argentina. Ông cũng đi đánh chiếm và bình định được nhiều nơi. Và sau này ông chọn Quito làm nơi định cư của mình và xây dựng thủ đô mới ở đó.

Nhưng cái dở của ông là việc truyền ngôi sau khi chết. Ông này và Hoàng hậu không có con trai. Nhưng ông có tới 50 con trai với những cung tần mỹ nữ khác. Và cái sai lầm chết người trong di chúc của ông là chia đôi đất nước. Cusco và phần phía nam để cho con trai lớn- Người thừa kế chính thống là Huascar. Còn phía bắc với thủ đô là Quito ông để lại cho người con trai yêu quý của mình với người vợ địa phương là Atahualpa. Vì ông ở Quito chứ không ở Cusco nên chắc ngày nào bà mẹ của Atahualpa cũng rót mật vào tai ông để truyền ngôi cho con trai bà.

Thế là đi tất cả, mất bao nhiêu công sức của tổ tiên mới gây dựng được đế chế mà ông này chỉ vì nông nổi nghe vợ nên để lại một cuộc chiến huynh đệ tương tàn dẫn đến mất cả đế chế vào tay người Tây Ban Nha. Đúng là phải “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” Ông này bình thiên hạ tốt, trị quốc không đến nỗi tồi. Nhưng tề gia thì quá kém. Mà xét cho cùng từ xưa đến nay, từ đông sang tây chưa thấy một ông vua nào nghe lời vợ mà trị quốc tốt đưa đất nước đi lên. Toàn thấy suy thoái rồi mất nước đúng không các bạn?

Thực ra đế chế Inca bị sụp đổ do 3 lý do chính đó là: Bệnh dịch, Nội chiến, và sự xâm lược của người Tây Ban Nha

Nội chiến

Sau khi cha chết được không lâu (4 năm) Sapa của Cusco lúc này là Huascar luôn coi em mình là mọi rợ. Vì ông là con của Hoàng đế với người phụ nữ Inca chính thống. Còn mẹ của Atahualpa chỉ là con của một tù trưởng ở phương bắc mà thôi. Ông cho quân tiến về Quito đánh chiếm thành này. Trong trận Tumerbamba, Atahualpa đã bị quân của Huascar đánh bại. Bản thân Atahualpa cũng bị bắt và cầm tù. Nhưng bọn lính canh vào buổi tối sau khi gặp một người phụ nữ đẹp chẳng hiểu cô này thuyết phục bằng cái gì mà bọn chúng say rượu rồi cho phép cô ta gặp Atahualpa. Cô gái này đã dùng một dụng cụ gì đó đào một cái lỗ cho Atahualpa trốn thoát. Trở về Quito ông tập hợp lực lượng của minfh và chờ cơ hội phản công.

Sau những cuộc chiến liên miên mà chưa giành được thắng lợi, Huascar chán ngán muốn giải hòa với Atahualpa, nên cử sứ giả đến Quito yêu cầu Atahualpa giải hòa và nhập vào đế chế

Nói về Atahualpa cũng chẳng phải vừa. Ông này đã có tham vọng thống trị cả đế chế từ lâu. Ngồi ở xứ Quito nhà quê này sao mà có thể so với Thủ đô Cusco diễm lệ nơi có những lâu đài bọc vàng với những mỹ nữ từ khắp trong đế chế đến được. Nhưng xét về thực lực quân sự bây giờ thì ông ta không thể chống lại Huascar được nên lúc nào cũng đau đáu ôm mộng trị vì cả đế chế và chờ thời cơ

Khi sứ giả của Huascar đến Atahualpa nghĩ ngay ra một mưu hèn kế bẩn, nên ông đối đãi sứ giả tử tế lắm. Và 3 ngày sau ông ta trả lời rằng đồng ý hoàn toàn với yêu cầu của Huascar mà không kèm thêm điều kiện gì. Nhưng do đã lâu không về Cusco ông muốn về thăm anh trai mình và đến thăm mộ cha nhằm vinh danh ông (Sau khi Huayna Capac chết ở Quito, xác ông được đem về Cusco để ướp). Và vì dù gì ông cũng là một đấng quân vương nên đoàn đến viếng cũng phải khá đông

Nhận được tin Huascar mừng rỡ và chuẩn bị tiếp đón mà không biết rằng cái bãy sắp sập xuống đầu
Atahualpa đã bí mật tuyển những chiến binh tinh nhuệ nhất của vùng Quito. Ông cho họ ăn mặc như những người hành hương nhưng giấu vũ khí vào dưới áo của mình. Sau đó cả đoàn đi đến Cusco với ý định bắt Huascar và đưa Atahualpa lên ngôi hoàng đế của cả đê chế

20.000 người hành hương đi qua biên giới mà cả tướng lẫn bọn lính ở đây cũng gà không mảy may nghi ngờ cho qua và còn welcome thiết đãi rất tử tế.
Đoàn người của Atahualpa vượt qua các cây cầu bước vào đường mòn Inca trail và nhằm hướng Cusco thẳng tiến. Cho đến sông Apurimaq gần Cusco họ mới cở bỏ lớp áo hành hương ra bên trong lộ rõ là các chiến binh thực thụ với áo giáp, khiên và vũ khí. Họ tấn công vào Cusco.

Quá bất ngờ trước sự việc xảy ra, Huascar vội vàng triệu tập những chiến binh trung thành của mình đang đóng tại Antis và Qollas, nhưng do khoảng cách quá xa nên lính đến trễ
Trong khi đó, quân đội của Atah đang tiến tới gần, dưới sự chỉ huy của tướng Kiskis và Chalkuchimak. Một trận chiến kéo dài và khốc liệt đã xảy ra. Tuy nhiên vì Huascar chỉ có một lực lượng quân lính bảo hoàng nhỏ đóng ở Cusco nên vijệc bị thua là khong tránh khỏi. Ông bỏ chạy nhưng bị tướng Chakkuchimak bắt sống. Ông bị xích bằng dây xích bằng vàng và bị kéo về Cusco

Sáng hôm sau, quân đội của Atahualpa ngang nhiên kéo vào Cusco – Thủ đô của đế chế gây ngạc nhiên cho dân chúng. Đi theo sau đoàn quân của Atahualpa là Huascar – vị Hoàng đế ngày hôm qua của họ bị xích và bị quân lính của Atahualpa làm nhục. Atahualpa ngang nhiên bước lên ghế của Hoàng đế Inca toàn quyền cai trị một đế chế Inca thống nhất trải dài từ Ecuador (ngày nay) tới tận miền trung Chile

Sau khi Huascar bị bắt và cầm tù, những phong trào nổi lên chống lại Atahualpa rất nhiều nhưng quân lính của Atahualpa đã đàn áp họ hết sức dã man. Phong trào lắng xuống nhưng nó âm ỉ chống đối và phá vỡ khuôn mẫu của Inca – nơi người dân luôn coi Hoàng đế là thần thánh và không dám nổi dậy


Tranh vẽ Huascar bị Atahualpa bắt của họa sĩ Huaman Poma (đương nhiên là sưu tầm)



 
Last edited:
Cảm ơn bác Tùng rất nhiều, các chuyến đi của bác quá tuyệt, em quần từ otofun đến phượt luôn :).
Chúc bác nhiều sức khỏe.
 
Bệnh dịch

Người Inca từ lâu sống tách biệt ra khỏi phần còn lại của thế giới. Nên khi thế giới bị những bệnh dịch thì hầu như họ không việc gì và hoàn toàn không có những miễn dịch đối với những bệnh dịch đó

Khi người Tây Ban Nha đến đánh đế chế Aztec rồi Panama họ đem theo các bệnh dịch như Đậu mùa, sởi... đến vùng đất này. Và nó theo con đường lan đến phía bắc đế chế Inca. Đúng thời điểm đế chế Inca mở rộng và đánh lên phương bắc vậy là họ lây nhiễm và hứng trọn bệnh dịch đó. Bệnh dịch lây lan rất nhanh, những người Inca bàng hoàng không biết đối phó thế nào. Họ cho là thần thánh phạt họ. Nên thay vì tìm cách chữa trị thì họ lại đi cúng bái. Mà chữa trị thế dek nào được. Hồi đó ngay ở châu Âu nơi có nền y học phát triển và có giao thoa giữa các nền văn minh khác mà dịch hạch còn giết chết 1/3 dân số châu Âu. Và trong thế kỷ 18: dịch Đậu màu giết khoảng 500.000 dân ở châu Âu. Dịch sởi giết khoảng 200.000 dân ở châu Âu thì có mà chữa vào mắt.

Cái quan trọng trong sự khác biệt ở đây là những người Tây Ban Nha họ biết dịch từ trước nên chủ động phòng tránh (cách ly với người bệnh) nhưng người Inca không hề biết những điều này. Họ vẫn vô tư tiếp xúc với người bệnh nên họ lãnh trọn hậu quả. Dịch bệnh không từ một ai từ nông dân tới hoàng đế. Chính Hoàng đế Huayna Capac và Thái tử Ninan Cuyochi cũng dính bệnh này mà tèo.

Các con số thống kê không chính xác nhưng người ta ước lượng dịch đậu mùa và sở đã giết chết từ 60-80% dân số Inca. Quả là một con số kinh khủng
Chính vì vậy chỉ với 180 người (trong đó chỉ có 150 lính) cùng với 62 con ngựa và 2 khẩu pháo mà Pizarro đã chiếm được toàn bộ đế chế này không mấy khó khăn. Một đế chế khi đã đến hồi suy tàn như cái cây mục thì chỉ cần đẩy nhẹ thì nó cũng đổ. Giống như nhà Thanh bên TQ cũng thế, lúc yếu nhưng chưa suy thì Thái bình thiên quốc chiếm nửa thiên hạ với cả triệu lính cũng không làm gì được. Nhưng khi nó đã suy thì Cách mạng Tân Hợi với mấy ông chính sách salon, mấy cậu sinh viên trói gà không chặt cũng đủ sức kéo đổ cả một triều đại mấy trăm năm. Nên xem ra chuyện này cũng không lạ lắm


Ảnh mô tả người Inca bị bệnh đậu mùa (ảnh sưu tầm)


 
Sự xâm lăng của người Tây Ban Nha

Nói thì ngon ăn lắm, cứ như Pizarro dẫn quân vào chỗ không người. Nhưng thật ra TBN cũng không chiếm nổi nếu như không có mưu mẹo của Pizarro

Những người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên đi phát kiến địa lý. Nhưng lúc này họ đã tìm được đường biển đến Ấn độ và châu Á bằng cách đi vòng qua mũi Hảo vọng. Không cạnh tranh được với người Bồ con đường đó, những người Tây Ban Nha tìm con đường mới và đi về phía Tây. Và vô tình Christoper Columbus phát kiến ra châu Mỹ mà ông tin là đây là Ấn độ nên tên ông không được đặt cho châu lục này. Mãi đến khi nhà hằng hải người Ý Amerigo Vespucci đến đây, lập bản đồ và chứng minh rằng châu Mỹ không phải phần đông Ấn độ như Columbus hiểu nhầm thì tên ông được đặt luôn cho vùng đất này.

Người Tây Ban Nha đi vòng về phía tây nhưng ăn rùa vì vùng đất này rất nhiều tài nguyên và quan trọng đó là vàng – thứ mà mọi nơi trên thế giới đều khao khát. Nhưng quan trọng hơn là quân đội và vũ khí của những dân tộc ở đây không đủ mạnh luôn tồn tại sự mâu thuẫn giữa các thành phố bộ lạc. Nên người Tây Ban Nha dễ dàng đánh chiếm họ và cướp vàng về. Và đế chế Aztecs đã bị người Tây Ban Nha chiếm và không lâu sau đó họ tìm ra Panama.

Panama được phát kiến ra từ năm 1519- không lâu sau khi toàn bộ Inca bị đánh chiếm. Khi những người Tây Ban Nha đến đây, những người thổ dân kể cho họ về một đế chế ở phía nam nơi mà vàng luôn thừa thãi. Máu tham vàng nổi lên, lúc này Pizarro chỉ là một Đại tá quèn và nghèo trong quân đội Tây Ban Nha. Nên ông rủ các chiến hữu của mình là Diego de Almagro, Hernando de Luque đi thám hiểm.
 
Cuộc thám hiểm lần thứ nhất và thứ 2


Chuyến đi đầu tiên của ông chỉ đến được hai cảng là Pinas và Quemado vì thổ dân ở đây tấn công dữ dội nên ông phải quay về. Và trong trận này Almagro mất mất 1 con mắt

Nhưng lòng tham với vàng không bao giờ từ bỏ những kẻ chinh phục, quyết chí đi tìm vàng lần 2. Lần này Pizarro đi tàu đến đảo Gallo thì nhận được lệnh của thống đốc Panama phải hủy bỏ chuyến thám hiểm và trở về. Nhưng Pizarro không nghe lệnh vì có niềm tin vững chắc vào vàng. Nên ông cầm thanh kiếm của mình vạch ra một đường thẳng trên mặt đất và nói: “Những ai bước qua đường kẻ này đi theo ta về phương nam thì sẽ trở thành những kẻ giầu có”. Tuy nhiên không nhiều chỉ có 13 người đi theo ông ta.

Pizarro và tùy tùng đi đến Bahia gần Tumber. Khi thuyền của ông cập bến để lấy thêm thứ ăn nước uống. Vị tù trưởng ở đây nhận ra họ và ân cần mời họ vào dự tiệc bên những ngọn lửa và các cô thổ dân xinh đẹp. Nhưng điều làm Pizarro ngạc nhiên ở đây không phải là các cô gái mông cong uốn éo hay những bộ ngực trần liên tục rung lắc bên ánh lửa mà là tất cả các người thổ dân ở đây ai đó cũng đều đeo những đồ trang sức bằng vàng to như bàn tay trước ngực.

Có sách nói rằng lòng tham nổi lên, những người Tây Ban Nha giết hết những người thổ dân vừa coi họ như bạn này để cướp vàng và nướng chín ngay oông tù trưởng trên đống lửa. Ngoài ra còn bắt thêm một số thổ dân đi. Nhưng tôi không tin lắm vì tầm nhìn của Pizarro không hạn hẹp như thế, ông có một hoài bão là chinh phục cả đế chế Inca chứ mấy miếng vàng này thì bõ bèn gì. Hơn nữa giết người ở đây thì khác gì đánh động cho kẻ địch. Mà quân của ông chỉ có 13 người làm sao chống lại được?

Pizarro tiếp tục đi về hướng Tumbes, Paita, Chan – Chan đến sông Santa thì họ quay về Panama. Và khi quay về không quên mang theo một nhóm người bản địa. Trong đó có Felipillo được đưa về Tây ban nha học tiếng TBN để sau này trở thành phiên dịch.

Về tới Panama thống đốc Panama giận lắm vì Pizarro không nghe lời mình. Nên không thể đồng ý với cuộc thám hiểm thứ 3. Bực mình Pizarro về hẳn TBN xin gặp Hoàng đế Charles đệ nhất

Cuối năm 1528 Pizarro từ Panama về Tây Ban Nha. Mang theo những đồ trang sức như vàng và bạc của người Inca trình lên Hoàng đế Tây Ban Nha. Lóa mắt trước đống vàng bạc cùng những lời kể của Pizarro về những vùng đất thừa thãi vàng ở Tân thế giới. Hoàng đế Tây Ban Nha là Charles đệ nhất đồng ý cho Pizarro tiếp tục cuộc hành trình. Không những thế ngài còn ra lệnh cho Panama phải support cho Pizarro quân đội và tàu chiến. Pizarro được thăng chức Đô đốc và có toàn quyền với tất cả các vùng đất mà ông xâm chiếm được. Điều kiện đổi lại là 4/5 số vfàng ông cướp được phải đổ về kho của Hoàng đế Tây Ban Nha, Pizarro chỉ được 1/5. Nhưng như thế cũng là quá tốt rồi. Trở về Panama Pizarro ráo riết chuẩn bị cho cuộc thám hiểm lần thứ 3 cũng là cuộc thám hiểm cuối cùng


Bản đồ 3 lần thám hiểm của Pizarro



 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,703
Bài viết
1,135,655
Members
192,450
Latest member
accounts000100
Back
Top