What's new

Hai tuần một mình dọc ngang miền Bắc Thái

Là con gái, tôi không lựa chọn độc hành, nhưng dường như điều đó đã trở thành một thứ... định mệnh. Có khi chủ động, có khi lại bất khả kháng, số lần có bạn đồng hành trong những chuyến đi xa của tôi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vốn tưởng rằng lần đầu tiên mở rộng địa bàn đi bụi ra ngoài biên giới sẽ không phải một mình xoay sở, nào ngờ đến phút thứ 89 lịch sử đã lặp lại, tôi bị bỏ rơi vì cái lý do nghe chỉ muốn ngửa mặt chửi Trời: Mất hộ chiếu. Cũng may là phút thứ 89 nên còn kịp điều chỉnh lịch trình, giả dụ đến phút thứ 90+3 mới nghe thấy tin dữ chắc là sẽ hoang mang và bấn loạn lắm đây.

Tôi lên đường với 10kg hành lý chia ra 2 ba lô, Nex 6 quấn cổ, áo phông nam và jean cụt, dép tổ ong loẹt quẹt dưới chân, nhìn cái bang không thể tả. Dằn túi chỉ 450$ + 1600baht và một cái thẻ tín dụng của anh trai mà nếu không rơi vào tình huống cực kỳ bất đắc dĩ thì tôi tuyệt đối sẽ không đụng đến. Thứ đảm bảo an toàn cho thân gái dặm trường chỉ là một cái bảo hiểm du lịch dạng basic của Liberty, một cái tin nhắn ghi rõ phương thức liên hệ với một người bạn chí thân của ông anh tại Bangkok và kinh nghiệm từ 5 năm trời rong ruổi khắp các vùng miền ở VN. Chỉ như thế, tôi có mặt ở Nội Bài vào một ngày âm u, đến cả Trời cũng chẳng thèm hoan hỉ tiễn bước tôi đi, sao mà dễ ghét quá vậy kìa.

14 ngày qua 6 thành phố + thị trấn, mà hầu hết đều là những nơi rất thích hợp để thong thả sống - chầm chậm đi, vẫn còn nhiều điều khiến tôi nuối tiếc. Có khi vì thời gian hạn hẹp nên chẳng thể đến những địa điểm tham quan mình muốn, lại có khi vì duyên phận nhỡ nhàng nên ghé đến nơi nào đó vào mùa nhan sắc tàn phai, nên dù chưa bước chân trở về đã lại mơ đến ngày tái ngộ. Hành trình của tôi có thể tóm gọn trong mấy cụm từ: Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử - Đời sống địa phương - Ẩm thực, hoàn toàn không có shopping, sex show và biển đảo như chương trình của các tour du lịch Thái vẫn liên tục chào mời.

Nhắc đến Thailand tôi vẫn là một người quê kiểng khi chẳng biết gì về những món ăn chơi, đất nước này trong tôi bây giờ là một Bangkok xô bồ và đa diện dưới trời tháng Tư ngời xanh, như một người đẹp vốn dĩ rất duyên dáng đáng yêu nhưng tiếc thay tôi lại đến nhầm vào ngày nàng khó ở:
13963599967_a1bb542ab2_z.jpg

Bangkok ngời xanh

Chiang Mai nồng nàn, rực rỡ và hạnh phúc, không quá rộng để vô tình lạc bước, chẳng quá hẹp để khách phương xa ra đi vẫn quyến luyến không nỡ rời chân:
14146976961_9b83b4cbaf_z.jpg

Chiang Mai hạnh phúc

Chiang Rai - miền cực bắc đất nước - tự bản thân vị trí của nó đã là một thương hiệu với Tam Giác Vàng huyền thoại, nhưng vẫn còn hơn thế với những ngôi chùa và bảo tàng không thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào khác tại Thailand:
14189040606_ac94714c55_z.jpg

Hoàng hôn Wat Rong Khun (Chiang Rai)

Là thị trấn Pai nhỏ xinh nằm ngoan lành trong một thung lũng rộng, "vòng xe chưa lăn đã kịp về cuối phố" (thơ Phan Kiền), mỗi căn nhà mỗi cửa tiệm đều dễ thương khôn tả, đến nơi này bỗng thấy mình nữ tính tràn trề:
14170363463_5a17f561e2_z.jpg

In love with Pai

Mae Hong Son lặng lẽ yên bình, thành phố mà tôi biết mình đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, yêu như năm xưa từng động lòng với Hà Giang vào một ban sớm, yêu đến mức nghĩ rằng sẽ trở lại nơi ấy chỉ để ngủ vùi quên đời mình trong không khí trong lành mát ngọt và trên những cung đường khúc khuỷu chạy giữa rừng khô, trở lại để vẹn tròn lời hẹn hò rằng sẽ gặp nhau vào mùa miền xa này rạng rỡ đẹp tươi nhất:
14127149256_065b0c64ac_z.jpg

Mae Hong Son - Love at first sight

Sukhothai khiến tôi thấy mình bé nhỏ trước những phế tích từng một thời huy hoàng của tiền nhân, cứ thế trôi đi qua những trang sử của vương quốc này, biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ nguôi được niềm đam mê với những gì cổ kính:
14147487632_96cffd1b7f_z.jpg

Sukhothai dưới ánh bình minh

Vào đề thế thôi nhỉ, đi cùng tôi, bạn nhé :D.

LỊCH TRÌNH:

Ngày 1: HAN-BKK (VietJetAir). Chinatown
Ngày 2: Hoàng cung + Wat Pho.
Ngày 3: Chợ nổi Amphawa. BKK-Chiang Mai (AirAsia). Cuốc bộ quanh góc Đông Bắc thành cổ.
Ngày 4: Cung điện Bhubing + Wat Phrathat Doi Suthep + làng dù Bor Sang + chợ đêm Tha Pae.
Ngày 5: Wat Chedi Luang + Wat Phra Singh + Wat Chiang Man. Chiang Mai-Chiang Rai (Greenbus). Wat Rong Khun (chùa Trắng).
Ngày 6: Hall Of Opium + Tam Giác Vàng + Baan Dam (chùa Đen) + Chiang Rai Night Bazaar.
Ngày 7: Chiang Rai-Chiang Mai (Greenbus). Chiang Mai-Pai (Prempracha Transport). Wat Phrathat Mae Yen + Pai walking street.
Ngày 8: Coffee In Love + Pai Canyon + World War II Bridge. Pai-Mae Hong Son (local bus). Wat Phrathat Doi Kong Mu.
Ngày 9: Ban Rak Thai (Mae Aw) + Ban Ruam Thai (hồ Pang Oung) + Ban Nai Soi + chợ ẩm thực buổi tối Mae Hong Son.
Ngày 10: Mae Hong Son-Pai (Prempracha Transport). Vòng quanh Pai. Pai-Chiang Mai (Prempracha Transport). Chợ đêm thứ Bảy đường Wualai.
Ngày 11: Công viên lịch sử Wiang Kum Kam + Wat Chiang Man + Wat Lok Molee. Chiang Mai-Sukhothai (Phuluangtour).
Ngày 12: Công viên lịch sử Sukhothai + công viên lịch sử Si Satchanalai. Sukhothai-BKK (W-i-n-t-o-u-r)
Ngày 13: Wat Saket (chùa Núi Vàng) + Jim Thompson's house + Anata Samakhom Throne Hall + Vimanmek Mansion + khu Pratunam.
Ngày 14: BKK-HAN (AirAsia).
 
Last edited by a moderator:
Trung tâm của Ban Rak Thai là một cái hồ nhỏ, được đặt tên là Phú Hồ trong tiếng Hoa, hay Mae Sa-nga trong tiếng Thái. Lẽ ra khi bắt gặp thác Pha Sua cạn khô là tôi phải hình dung được tình trạng của cái hồ này rồi, nhưng tại bản tính cứng đầu nên nhất quyết không chịu nhìn thẳng vào hiện thực, để đến khi trông thấy mấy cây cọc gỗ đạp mặt nước trồi lên, mặt tôi chỉ còn biết mếu :(.

Có lẽ mùa mưa, khi nước mấp mé mép hồ và cây cối mơn mởn xanh; hoặc là mùa đông, lúc ban sớm buổi hoàng hôn sương giăng giăng trên mặt hồ, Phú Hồ sẽ đẹp lắm lắm. Tiếc rằng tôi đến vào đúng dịp cao điểm mùa khô hanh, cây lá quắt queo vàng vọt, nước hồ cạn kiệt, chưa kể nắng trưa chói chang, chụp kiểu gì cũng vẫn cứ thấy hồ... không đẹp như trong clip đã xem. Giống như nghe đồn làng bên có anh nào đó "người vừa hiền khô dễ thương lại vừa đẹp zai nhất vùng", lặn lội mò sang xem mặt thì lại vồ trúng lúc ảnh vừa ngủ dậy, đầu bù tóc rối, mắt thì kèm nhèm, da mặt bóng nhờn, vừa đi vừa cạy gỉ mũi ấy =.='.

16926178281_e4054f164d_z.jpg

Chụp từ một quán trà đã để hoang cho lá rụng

16304780194_732864e060_z.jpg

Thấy không, hồ cạn trơ đáy vậy đó T_T

16901248546_1ac1c99329_c.jpg

Làm một bức panorama cho dễ hình dung

16739716940_5bc79bc250_z.jpg

Từ cạnh phẳng phiu nhất của mặt hồ trông về phía đồi

16926166631_61802a0902_z.jpg

Miếu này chắc thờ Hà Bá quá :D

16901239086_0c282c7d4d_z.jpg

Ba anh em cứ lượn xe vòng vòng quanh làng, chỗ nào có thể cho xe máy vào là sẵn sàng ngoặt tay lái luôn, ấy vậy mà tìm mỏi mắt không có quán ăn nào. Xăng đang dần cạn, thôi tạm gác cơn biểu tình của anh dạ dày lại, phải tìm chỗ đổ xăng trước kẻo không chắc cả đám về lại thành phố bằng niềm tin. Nhác thấy bóng người là anh Vũ xồ ra hỏi, cây xăng ở đâu, người ta chỉ qua, chỉ lại, chỉ ngược, chỉ xuôi, cuối cùng chỗ đổ xăng chính là cái tiệm bán đồ đặc sản ban nãy tôi đã chụp ảnh. Thấy anh em chúng tôi hỏi mua xăng, chủ tiệm cười duyên dáng ra chiều không hiểu, phải đợi anh Vũ mở nắp bình xăng ra chỉ chỉ người ta mới gục gặc đầu. Giá xăng đắt gấp rưỡi so với ở thành phố, nghiến răng mà chi thôi chứ không lẽ đẩy xe dắt bộ?

Xe no xăng rồi, chúng tôi vòng lại phía đồi, trông thấy mấy căn nhà nhỏ xinh xinh như mấy cây nấm mọc trên sườn đồi, tôi mới gạ các anh chạy lên đó chụp ảnh. Có một con đường nhỏ nhỏ hướng lên đỉnh đồi, đoán chừng có thể có view đẹp, thế là mấy anh em hè nhau rồ ga phóng lên. Đáng tiếc là không phải đường vào khu nhà nấm, chỉ là đường dân sinh thông thường thôi, may sao vẫn vớt lại được vài bức ảnh chụp toàn cảnh Ban Rak Thai từ trên cao xuống:

16741106469_1366973fee_z.jpg


16927313855_560326fe48_z.jpg
 
Last edited:
Leo lên rồi lại tụt xuống, sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, tôi đưa ra được kết luận rằng thì mà là đám nhà nấm kia chính là một resort. Xuống đến mặt đường, đo lường cẩn thận, tôi xông vào một khu nhà nhìn có vẻ sang chảnh nhất làng nằm ngay dưới chân đám nhà nấm. Gặp hai chị gái đang bê đồ, tôi điều chỉnh cơ mặt, bày ra nụ cười ngọt ngào dễ mến nhất của bản thân, lỏn lẻn đề nghị cho em lên trên đồi chụp ảnh nhé. Chị gái đứng tuổi hơn gật gật, rút kinh nghiệm từ vụ ba phải của anh lính ở Pang Tong Palace, tôi phải hỏi lại lần nữa cho chắc, lần này cả hai chị cùng gật, chỉ tay sang... cái lối ban nãy mấy anh em vừa tụt xuống. Tôi ớ ra, một lúc sau mới hiểu là từ cổng bên hông (trổ ra con ngách đó) đi vào trong resort thì quẹo ngay sang phía bên trái sẽ thấy đường lên khu nhà nấm trên đồi. Chỉ tại ban nãy anh em chúng tôi sơ sẩy quá, nhưng sơ sẩy một chút mà vớt được bức ảnh toàn cảnh Ban Rak Thai thì cũng đáng, he he.

Tôi thích mê cái resort này, nhờ nó mà nỗi hận gặp nhau sai thời điểm với Ban Rak Thai nguôi ngoai đi quá nửa. Cũng bởi là mùa thấp điểm, resort không có khách nên chúng tôi mới được phép chui vào trong để chụp ảnh thả ga như này, càng hay, đỡ phải căn ke tránh người :D.

16739769308_edeef3b119_c.jpg

Cổng lên trên khu nhà nấm

16739766618_8c1d554a23_z.jpg

Bungalow nằm giữa những luống chè, sớm mai lên mùi chè đẫm sương thơm phải biết, mà đêm xuống muỗi nhiều cũng phải biết luôn :))

16739762558_5188ff0485_z.jpg


16720091197_af4856caeb_z.jpg

Người ta không đánh số mà đặt tên riêng cho từng bungalow, cũng hay hay

16926129062_d61fb0f9dc_z.jpg

Nhà này nằm so le với nhà kia, khỏi phải tị nạnh nhau về view nhé

16926423471_f8a4ef6538_z.jpg

Lối đi nho nhỏ
 
16720081757_afa8485064_z.jpg

Thích ở mấy mình cũng chiều được hết luôn

16927411085_334712e483_z.jpg

Đèn lồng lắc lư và hai anh em chúng tôi đang chụp nhau :D

16720076587_9212c26fb5_z.jpg

Từ trên bungalow cao nhất trông xuống

16901482636_d1290706d0_z.jpg

Lại từ bungalow gần thấp nhất ngó lên

16901482926_6a7b66d2cc_z.jpg

Hình như đây là... nhà kho, dưới chân đồi

16720068457_08054116c5_z.jpg

Nhớ nhé, resort này tên là Lee Wine Ruk Thai đó

Trưa trờ trưa trật, trước khi vào Lee Wine Ruk Thai, tôi đã chấp nhận rằng mình xui xẻo đến Ban Rak Thai vào lúc thảm thương nhất trong năm, thôi không cần cố ép bản thân đi tìm cái hay cái đẹp của làng nữa. Nhưng chỉ mình cái resort vừa rồi thôi, ý định quay trở lại Ban Rak Thai vào độ chớm đông đã kịp thời được nhóm lên và cứ thế âm ỉ cháy cho đến bây giờ. Dẫu rằng khi tôi đến Ban Rak Thai cũng là lúc giàn khoan 981 vừa cắm chốt ở biển Đông, có điều con người tôi xưa nay vẫn rất rõ ràng, chưa bao giờ vơ đũa cả nắm, chính quyền Trung Quốc có thể tồi tệ khốn nạn nhưng văn hóa và di sản không bao giờ có lỗi. Tôi không nhớ đã đọc ở đâu một câu đại ý rằng, căm thù một quốc gia bằng cách tẩy chay và phủ định tất cả những gì liên quan đến quốc gia đó là phương thức căm thù ngu xuẩn nhất. Cái hay cái đẹp thì vẫn nên chọn lọc mà đón nhận, có phải không?

Rời Ban Rak Thai tôi vẫn không cam lòng, bởi hơn một tiếng đồng hồ dừng chân nơi đây thật sự quá ngắn ngủi, thậm chí không đáng để dùng cụm từ "cưỡi ngựa xem hoa". Ngoài vài mươi tấm ảnh chụp, tôi nào đã biết gì về đời sống của những người Trung Hoa tha hương? Tôi đâu đã kịp nếm những món ăn được nhiều blogger du lịch khẳng định là đúng vị Trung Hoa nhất trên đất Thái? Tôi còn chưa kịp biết hương vị trà Ô Long trồng trên những sườn núi Mae Hong Son thế nào, còn chưa thể hình dung Phú Hồ bàng bạc trong sương, nương chè ửng lên dưới nắng sớm, dã quỳ bời bời trên những triền đồi ra sao cơ mà. Nhất định, nhất định tôi sẽ trở lại Ban Rak Thai, để lấp cho đầy những nuối tiếc hôm nay, để tô đậm thêm những cảm nhận tốt đẹp về người Hoa mà tôi may mắn có được từ trước tới giờ. Còn khoảnh khắc này, đành tạm biệt nhau thôi, Ban Rak Thai nhé!

16739954200_6e634818db_z.jpg
 
Tôi bịn rịn ngồi sau xe anh Thành chia tay Ban Rak Thai, vù qua cổng làng rồi vẫn còn bồi hồi ngoái đầu nhìn lại. Thế rồi con đường cứ quanh co, xóm làng khuất dần sau núi, rất nhanh sau đó tôi đã quên đi những lưu luyến để tập trung vào đích đến mới: Hồ Pang Oung.

Từ Ban Rak Thai đến Pang Oung cũng không xa lắm, chừng hơn 10km thôi, nhưng lại hơi gian nan với những người mù tiếng Thái như ba anh em chúng tôi. Căn nguyên chỉ tại bởi biển chỉ đường 100% là chữ giun với dế, may phước làm sao sóng 3G của DTAC ở đây cũng không tệ, nhờ 3G và GPS mà tôi cũng tìm ra được đường rẽ vào hồ Pang Oung. Cứ cặm cụi đi như thế, rõ ràng ở đầu đường rẽ tôi thấy cái biển nó ghi là *****7km, sao đi hoài không tới vậy kìa???

Chắc nhờ khu du lịch hồ Pang Oung mà đường liên thôn ở đây được phủ bê tông cẩn thận, hẹp thôi, chừng 2m bề rộng, xe máy chạy tẹt ga. Càng đi càng thấy mịt mù, hai anh thì cứ liều mạng đi theo lời chỉ đường của tôi, nhỡ bị lạc thì tôi không biết giấu mặt mũi vào đâu nữa. Quang cảnh hai bên đường từa tựa như đoạn từ Chiang Mai đến Chiang Rai, nghĩa là núi đồi lúp xúp, trơ khấc toàn đất nâu đất đỏ, cỏ cây không héo khô héo quắt thì cũng bị đốt cháy đen thui. Cảnh thì buồn như vậy đó mà lòng người lại hoang mang như vậy đó nên tôi chẳng còn tâm trí đâu mà chụp ảnh. Đi miết thì đến một xóm cũng nhiều nhiều nhà, có cả chùa cả trường, đường đang quanh quanh co co bỗng đổ dốc hụt hẳn xuống rồi vống ngược lên cao, đang bối rối trước mấy ngã rẽ thì tôi trông thấy một tấm biển nhỏ nhỏ màu xanh xanh, dưới một hàng chữ Thái là một dòng tiếng Anh, đề rằng "Pang Tong 2 (Pang Ung) Royal Project 4km". Khỏi nói tôi mừng đến độ nào, đúng đường rồi, quất tiếp thôi!

Đang lúc cao hứng bon bon lên dốc thì xe anh Vũ đột nhiên thủng xăm.

Sẵn cơn uể oải thất vọng vì Ban Rak Thai nghèo nàn và Pang Oung đi hoài không tới, anh Vũ quyết định bỏ cuộc luôn. Rê xe xuống một tiệm sửa xe ngay chân dốc, ảnh xua tôi với anh Thành đi tiếp. Chần chừ một lát, nghĩ bụng đã đi đến đây, dù Pang Oung xấu đẹp thế nào thì cũng phải cố mà đi cho biết, hai anh em "gửi gắm" anh Vũ lại tiệm sửa xe kiêm đại lý du lịch này (Ten&Ben Trekking) rồi tiếp tục leo dốc. Chao ôi con dốc nó dài, vừa dài vừa uốn lượn, rời khỏi làng là đâm thẳng vào giữa rừng, trời tháng Năm vốn đang nắng oi mà chạy giữa tàng cây thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Hết một khoảng rừng gỗ tạp là tới đoạn đường một bên trồng thông, bên kia trồng cây gì đó tôi không biết tên. Mùi nhựa thông ngậy lên dưới nắng, tôi ngồi sau thì thấy sung sướng lắm, còn anh Thành cầm lái thì cứ lẩm bẩm lầm bầm vì lá thông rụng làm bánh xe dễ trượt.

Bởi anh í đang trong tâm trạng dễ nổi cáu nên tôi không dám kê máy ảnh lên vai anh í mà chụp như hồi buổi sáng nữa, sợ ảnh giận, ảnh quăng tôi giữa đường thì biết làm sao làm sao?:D

Như rất nhiều khu du lịch khác, sát hồ Pang Oung cũng có một xóm nhỏ sống nhờ các sản phẩm và dịch vụ ăn theo. Tên làng là Ban Ruam Thai, án ngữ ngay lối vào hồ, không biết tại vì chúng tôi đến lúc trưa hè hay bởi đây là mùa thấp điểm mà phóng xe đi xuyên cả làng vẫn không thấy nổi một bóng người. Hết làng, chúng tôi gặp một quả đồi trồng toàn thông, thấp thoáng sau những gốc thông là mặt nước lấp loáng dưới nắng. Là hồ Pang Oung thật rồi.
 
Nếu không phải có vài thanh niên đứng chơi vơ vẩn trên bờ đập thì tôi đã nghĩ khu du lịch này bị bỏ hoang mất rồi. Cũng có chòi gác vé nhưng đương nhiên không có người, cũng là một dãy chòi cho người ta nghỉ lại nhưng cửa nẻo xộc xệch, lối đi lá khô rụng đầy. Anh Thành dựng xe, hai đứa nhìn quanh nhìn quất rồi mon men xuống sát mép nước chụp ảnh. Bờ đất dốc toàn lá thông khô, tôi phải bò xuống bằng cả tứ chi mới không bị ngã. Đến khi đứng vững rồi, nhìn mặt hồ lóng lánh, dù đã có kinh nghiệm thương đau ở thác Pha Sua và Phú Hồ nhưng sao tôi vẫn thất vọng đến mức này?

Hồ Pang Oung cao điểm mùa khô cạn trơ đáy, một từ "thảm hại" cũng chẳng đủ để hình dung.

Dòm sang trái rồi sang phải, dòm mãi rồi tôi phát hiện ra một cặp thiên nga trắng lững lờ bơi qua:

16756297109_85caa62d57_z.jpg

Tôi bắt đầu lôi một trong những trò dở mèo của mình ra, cứ ngồi xổm ở mép nước vẫy vẫy cặp thiên nga "Lại đây, lại đây nào cưng". Anh Thành thấy tôi hâm đơ cũng phải phì cười, lát sau lại cũng ngồi xuống dụ dỗ tụi kia cùng tôi. Có lẽ thương cho hai anh em lặn lội đường xa đến đây, dẫu không mồi không cá, lát sau hai em thiên nga cũng ngoan ngoãn bơi lại, tạo dáng cho chúng tôi chụp ảnh thoải mái.

16756295469_e32a008cde_z.jpg


16755060600_0d2bebb974_z.jpg

Tư thế tiêu chuẩn, y như thiên nga băng bày trên bàn tiệc cưới ấy nhỉ?

Áng chừng rằng cho hai anh em chụp ảnh vậy đủ rồi, cặp thiên nga ngoảy mông bơi đi mất hút. Hết đề tài để sáng tác nghệ thuật, tôi với anh Thành ngoắc nhau bò ngược lên lối đi.

16754804238_c7f93db34e_z.jpg
 
Tôi đi loanh quanh dọc theo những lối nhỏ ven hồ. Nơi này mùa cao điểm cũng chỉ có 2 trò là cắm trại và chèo bè trên hồ, mùa thấp điểm đương nhiên tất cả về không. Hoa cỏ chẳng có, người dân cũng không, tôi biết khám phá tìm hiểu gì ở quanh cái hồ này đây.

16320100334_a7803d2c5c_z.jpg


16322442963_dd116feb4a_z.jpg

Trên mạng thường ghi là "Pang Ung lake", nhưng tên chính xác của cái hồ phải là Pang Oung cơ

Nói thật tình, tôi thấy hồ Pang Oung thua xa hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt. Có lẽ mùa nước đầy hồ sẽ đẹp hơn, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ quay lại nơi này. Suốt một chuyến đi dài, có thăng thì cũng phải có trầm, làm sao hoàn mỹ 100% được. Nên là chấp nhận thôi, mong là anh Thành không quá nản lòng, kẻo không tôi sẽ thấy áy náy ghê lắm, cũng tại tôi ương bướng cứ nhất quyết đòi đến đây bằng được mà.

16942494355_8db1729f56_z.jpg


16941528741_d889670bbe_z.jpg


16754791568_6e91673c2b_z.jpg


16322426603_d9abe6f59b_z.jpg

Sàn gỗ mặc cho lá rải đầy

16942485355_793e36dd6e_z.jpg

Những chòi lá để hoang

Hai anh em chúng tôi ới nhau ra về. Lúc đi háo hức bao nhiêu, lúc về chán nản bấy nhiêu, may có cặp thiên nga vớt lại được đôi chút, ra đến chỗ anh Vũ ngồi sửa xe thấy ảnh đang tám rất hăng say với chủ tiệm và tranh thủ nạp được cái bánh mì dằn bụng rồi. Vùng sâu vùng xa có khác, vá cái săm xe thôi mà cũng 100baht. Chào chủ tiệm, ba anh em dắt díu nhau xa dần vùng biên giới, hướng về phía Nam. Đã đi một làng định cư của người Hoa, một làng định cư để hoang của người Thái, giờ sẽ là một làng định cư của người Myanmar xem sao.
 
Từ biên giới xuôi về phương Nam lúc trời đã xế trưa sang chiều, bụng òng ọc những nước là nước, chẳng kịp dỗ dành anh dạ dày nên tinh thần tôi uể oải hơn buổi sáng nhiều lắm. Lúc này không còn cảm thấy hứng thú bừng bừng với những khúc quanh, những con dốc hiểm trở nữa, mặt khác đa phần là xuống dốc nên tôi cảm thấy độ khó của con đường có vẻ cũng tăng thêm. Nên là tôi chấm dứt luôn cái sự mè nheo đòi giằng tay lái của anh Thành, chắc ảnh thấy tôi ngoan, thi thoảng tôi có kê máy lên vai ảnh để chụp thì cũng không thấy ảnh ý kiến ý cò gì hết.

16947460016_afd8dfc96f_z.jpg

Xuống

16353310963_ab579634ab_z.jpg

Rồi quay đầu lại chụp hướng lên

Mùa này, bằng lăng nở tím đôi bên đường, ửng lên dưới nắng. Thứ màu sắc này dường như vượt quá khả năng "tiếp thu" của cái máy ảnh, tôi chụp kiểu gì vẫn thấy không hài lòng. Cuối cùng thì đành cất màu tím này vào trong trí nhớ, lâu lâu dưới trời mưa gió quê nhà, thèm nắng mang ra ngẫm lại cho đỡ thấy mình ẩm mốc.

16785937010_5ae9fe4048_z.jpg


16787197499_fc162a053b_z.jpg

Dọc đường, anh Thành tỉ tê rủ tôi đi hang cá Thampla. Tôi thì không muốn đi cho lắm, tại tôi xem mấy cái clip với cả ảnh chụp trên mạng thì hang cá này thua xa suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) - cái chỗ tôi đã đi mòn đế dép tổ ong. Nhưng dù sao hai anh đã chiều ý tôi suốt 3 ngày nay, giờ đến lượt tôi thuận theo ý các anh, hơn nữa cũng đâu tốn bao nhiêu thời gian, nên khi hết đường tỉnh, chúng tôi không quay đầu xe về hướng thành phố mà vẫn đi thẳng theo quốc lộ 1095 hướng đi Pai để tới hang cá Thampla.

Té ra vụ đi hang cá này là dự định của anh Thành thôi, còn anh Vũ cũng không ham. Chốt lại thì anh Thành một mình mua vé vào Vườn quốc gia Thampla Namtok Phasua (100baht/người), tôi với anh Vũ ngồi ngoài cổng soát vé dưới bóng cây, vừa hóng wifi, vừa tám chuyện vừa đợi anh Thành.

16766015367_edce94c154_z.jpg

Cây cầu sắt bắc qua ngay trước cửa soát vé

16351029454_64d204a99a_c.jpg

Phượng đỏ ngọn cây

Thấy wifi của vườn quốc gia cũng mạnh, 3/5 vạch mà tôi hứng mãi vẫn không vào mạng được. Nản, tôi lôi 2 cái sandwich trong túi ra, kèm theo chai trà đào, ngồi khoanh chân cạp cho đỡ đói. Nói chuyện linh tinh lang tang với anh Vũ, về khác biệt trong phong cách sống 2 miền Nam - Bắc, về những nơi xa mỗi người đã từng đi, về bao dự định mai này khi trở về từ nước Thái. Thoáng chốc đã thấy anh Thành trở ra, lắc đầu, chán òm.

Tôi cười cười, em đã bảo mà, mai mốt có cơ hội ra ngoài Bắc, ghé vào suối cá thần Cẩm Lương anh sẽ thấy sự khác biệt cho mà coi :D.
 
3h chiều, chúng tôi rời hang cá Thampla, quay xe hướng về phía Ban Nai Soi. Từ quốc lộ 1095, tôi theo chỉ dẫn của Google Maps, rẽ phải vào tỉnh lộ 108. Đường rộng, đẹp, vắng, không phóng tít mù thì thật có lỗi với những người làm đường, băng qua sông Pai một quãng, anh Thành ngó vào gương chiếu hậu mới tá hỏa, ủa anh Vũ đâu rồi???

Chúng tôi dừng lại, đứng đợi chừng 5p vẫn không thấy anh Vũ đâu, đoán chừng hai anh em vít ga sung sướng quá nên ảnh bị rớt lại không kịp rẽ, lạc rồi.

Anh Vũ không mua sim 3G của Thái nên mấy ngày qua ba anh em vẫn đi theo chỉ đường trên điện thoại của tôi, tôi giục anh Thành quay lại, vừa chạy chầm chậm vừa lõ mắt tìm kiếm. Cuối cùng thấy ảnh đang ngồi chèo queo trong một cái chòi bên đường, mặt buồn hiu buồn hiu. Hóa ra ảnh tranh thủ dừng lại đổ xăng, lúc xi nhan tấp vào có gọi với theo mà tôi với anh Thành lướt ghê quá nên không nghe được. Áy náy lắm ấy, mà ảnh nói tôi mới sực nhớ đến là xe anh Thành cũng sắp hết xăng rồi, vậy là cũng kiếm cây xăng đổ luôn. Lần này thì đã biết dè chừng, vừa đi vừa ngó nhau, nhưng không biết anh Vũ có ghim thù không chứ từ sau lúc đó, ảnh luôn cắm đầu chạy trước, bỏ xa tôi với anh Thành dễ trăm mét là ít.

Từ đầu tỉnh lộ 108, đi thêm chừng hơn 1km nữa là đến đường rẽ đi Ban Nai Soi. Phải cảm ơn anh Google Maps (lần thứ bao nhiêu rồi ấy nhỉ?), bởi nếu không có anh í thì chịu chết, tôi sẽ không tài nào tìm ra được đường rẽ vào Ban Nai Soi. Hoàn toàn không có một biển chỉ dẫn nào, dù là tiếng Thái hay tiếng Anh, đặc điểm nhận dạng duy nhất chỉ là một quán ăn kiểu nhà vườn nằm ngay cạnh lối rẽ, mà ngoại thất thì giống như hàng chục hàng trăm quán ăn khác dọc theo những con đường Mae Hong Son thôi.

Theo như cách gọi ở VN mình thì đây có thể coi là đường liên xã, nhưng xét về kết cấu hạ tầng thì nó xứng đáng được xếp vào tiêu chuẩn đường liên huyện miền núi. Suốt 10 năm qua, tôi không thể đếm nổi số lần đi đi về về trên cung đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội vào Nghệ An hay những tuyến đường ngược lên miền tây Thanh Hóa, lần này khi đi trên con đường xuyên đồi xuyên núi để đến Ban Nai Soi này, cảm giác như gặp lại người quen cũ ấy. Cũng cây cối lúc lưa thưa lúc ken dày hai bên đường, cũng có khi chênh vênh bên vách đá bên mép vực nông, có khi lại chạy qua những thửa ruộng bậc thang thấp tầng, cũng những mái nhà sàn nhấp nhô với cổng vào bằng tre già xuyên qua hai cọc lỗ. Và những khúc cua rất gắt dẫu đường chẳng dốc xuống dốc lên, với hai anh có lẽ còn một chút lạ lẫm, còn riêng tôi, chỉ thấy bồi hồi.

Có một thứ tuyệt đối sẽ không xuất hiện trên hai cung đường quen thuộc kia nhưng lại thành điều đương nhiên trên con đường này, ấy là những trạm gác quân sự. Cũng dễ hiểu, thứ nhất là chúng tôi đang đi sâu vào vành đai biên giới, thứ hai, đích đến của chúng tôi là Ban Nai Soi, ngôi làng cùng với trại định cư gần đó là một trong 9 khu tị nạn của người Myanmar trên đất Thái. Có dính tí màu sắc chính trị là sự kiểm soát phải khác hẳn ngay, thoáng thấy bốt gác đằng xa là tim tôi đã bắt đầu tăng tốc rồi, mặc dù tôi tự thấy mấy anh em giấy tờ đầy đủ, có gì đâu mà phải băn khoăn. Lúc từ Chiang Rai đi Chiang Saen, từ Pai đi Mae Hong Son, tôi đã biết mùi bị chặn xe soát giấy tờ rồi, lần nào cũng móc ngược móc xuôi lăm lăm cuốn hộ chiếu mà mấy anh lính chẳng thèm ngó tới. Giờ cũng thấy hồi hộp, nhưng xe cứ chạy tới, chạy ngang, rồi chạy qua, người ngồi trong bốt gác thậm chí chẳng thèm ngó lên nhìn lấy một lần. Thực ra, cũng có tí hụt hẫng :)).

Google Maps chỉ có thể chỉ đường cho tôi đến được Wat Ban Nai Soi, ngôi chùa có cái tên nghe rất liên quan nhưng thực ra chẳng có dính dáng gì tới cái làng người Karen kia cả, ngoài khoảng cách chừng 7km đường đất ra. Từ đây, chúng tôi phải tự mày mò tìm đường, bằng cách kết hợp giữa một bài hướng dẫn vu vơ trên mạng của một ông người Pháp đã đến Ban Nai Soi từ năm 2006, và những "biển chỉ đường" là vài dòng chữ vẽ trên tường, cùng vài mẩu đối thoại với người dân địa phương để hỏi đường theo kiểu:

"Xin lỗi, cho tôi hỏi đường đến Ban Nai Soi, làng người cổ dài (đưa tay gang cái cổ ra) đi lối nào ạ?"

".......". Người được hỏi cười toe toét, sau đó đưa tay hoặc là chỉ thẳng, hoặc là chỉ ngang.

Đâm loạn xạ một hồi thì chúng tôi cũng tìm được con đường có vẻ gần giống với lời miêu tả của ông người Pháp kia nhất. Rất tiếc là không có bức ảnh nào để thị phạm cho những bạn có ý định tìm đến Ban Nai Soi giống như tôi, bởi vì trong lúc đầu óc lùng bùng quanh chuyện tìm đường, tôi chẳng còn tâm trí nào mà chụp ảnh nữa.

Chật vật băng qua mấy km đường đất xấu y như đường làng miền núi nước mình, qua một cánh đồng lúa nho nhỏ, qua một đập nước, qua một con suối cạn nơi mấy chị gái đang xuống tắm (không phải tắm tiên như ở miền Tây Bắc VN đâu), lại trèo lên đồi rồi tụt xuống, qua một cái nhà thờ đổ nát, cuối cùng chúng tôi đã đến được Ban Nai Soi rồi.

16785694368_bca9b8d45e_z.jpg
 
Thực ra Ban Nai Soi không phải là ngôi làng người Karen duy nhất trong vùng, chính xác hơn nó là một trong 4 điểm định cư của người Myanmar, bao gồm trại tị nạn Ban Mai Nai Soi, làng Ban Nai Soi, làng Huay Su Tao và làng Nam Phiang Din. Trong 3 ngôi làng thì Ban Nai Soi là nơi ít tính du lịch nhất, hơn nữa lại tiện đường từ Ban Rak Thai và hồ Pang Oung về nên tôi chọn nơi này là lẽ đương nhiên. Lại "thực ra" lần nữa, không như lầm tưởng rằng cả ngôi làng này toàn người Karen cổ dài, ở đây dân số chia làm 3 phần, một nửa là người Karen, một nửa là người Shan, và khoảng trên dưới 20 hộ gia đình là người Hoa gốc Vân Nam cộng với người Thái bản địa. Nên không có chuyện nhìn nơi nào cũng thấy những người phụ nữ cổ dài như các làng du lịch miệt Chiang Mai Chiang Rai đâu, suốt gần 1h lang thang ở đây tôi chỉ gặp khoảng chừng hai chục người mà thôi.

Ban Nai Soi thật sự rất nghèo, nghèo đến độ nếu gọi đây là một làng du lịch thì thấy tội nghiệp cho từ "du lịch" quá. Ở nơi nào khác thì làm du lịch đồng nghĩa với chuyện thoát nghèo, nhưng ở đây thì đời sống người dân vẫn cứ quặt quẹo vậy thôi. Thu nhập chính vẫn đến từ trồng trọt (lúa, ớt, tỏi), số tiền mà tôi dùng để đi chơi trên đất Thái trong 2 tuần lại có thể đủ cho một gia đình sống trong gần 2 tháng. Những ngôi nhà sàn mái gỗ lá bồi vách tranh đứng xiêu vẹo dọc theo đường làng vàng khô đất nẻ, người làng ngồi héo hắt trong những quán hàng bụi bặm bám đầy, mỏi mắt trông ra nắng quái chiều hôm trông chờ những khách tham quan chẳng biết bao giờ mới ghé đến.

16785691428_2f4f00a02c_z.jpg


16973374755_e911f69e64_z.jpg

Không một bóng khách

16973378605_1bc81f1f73_z.jpg

Vòng đeo cổ của phụ nữ Karen

16785904670_15c969c93c_z.jpg

Quán hàng lèo tèo

16351014664_fc5e1494e7_z.jpg

Một người phụ nữ Karen tình cờ gặp trong làng

16786008240_b4ac02030f_z.jpg

Chuyện vãn cuối chiều

16785776308_1873f48edf_z.jpg

Lũ trẻ thờ ơ
 
Trước khi đến đây, qua nhiều nguồn thông tin, tôi được biết khách nước ngoài vào làng phải trả 250baht tiền vé. Nhưng tôi tìm mãi không thấy điểm bán vé ở đâu, nên quyết định bỏ mấy trăm baht vào thùng quyên góp ở ngay đầu làng. Cũng muốn mua vài món đồ lưu niệm, gọi là góp cho người ta chút nào hay chút ấy, mà đi một vòng rồi lại chẳng biết mua chi. Vốn có dự tính mua mấy bức tượng cô gái Karen cổ dài như của Jongkham guesthouse, không hiểu sao đi một vòng làng tôi lại quên mất. Rõ ràng là có chụp ảnh mà cuối cùng lại quên, thật khó hiểu.

16973464745_aec4275af1_z.jpg

Là chiêng nhỉ?

16972525861_21ec097ed1_z.jpg

Vòng này là để cho khách du lịch đeo chơi chụp ảnh

16766070797_3f660651a0_z.jpg

Thân gầy

16787249599_59bbe76fe7_z.jpg

Chắc là rối voi?

16766060297_1fa04c27d3_z.jpg

Bình rượu

16353344863_33d9252c16_z.jpg

Nghĩ mãi không ra, sao đã chụp ảnh rồi mà còn quên mua?

16972499711_a5c6a7a752_z.jpg

Đến ánh mắt của tượng gỗ cũng buồn
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,156
Bài viết
1,173,989
Members
191,972
Latest member
789win1
Back
Top