What's new

[Chia sẻ] Karakoram Highway + Trung Á: Pakistan - Tân Cương - Kyrgyzstan

Đây là chuyến đi đã được mơ ước từ 9 năm, kể từ ngày đọc được các bài viết về Karakoram Highway trên tạp chí National Geographic. Và mặc dù đã đọc, xem, và nghĩ về Karakoram Highway trong từng ấy năm, nhưng vẻ đẹp, sự hùng vĩ và dữ dội của con đường khi đi trên thực tế vẫn vượt quá trông đợi của mình.

Năm 2007 mình đã có kế hoạch từ Iran đi qua Pakistan lên Tân Cương (Trung Quốc), nhưng vì lập kế hoạch thời gian không đúng nên cuối cùng nhẩm tính sẽ đến Pakistan quá muộn, sát mùa đông, và sẽ chịu rủi ro đèo Khunjerab (biên giới Pakistan - Trung Quốc) đóng cửa. Vì vậy mình đã phải bỏ Pakistan năm ấy. Và rồi 8 năm sau mới trả được món nợ.

Karakoram Highway là tuyến đường nối Rawalpindi (Pakistan) với Kashgar (Trung Quốc). Tuy nhiên trên thực tế 95% cảnh đẹp nằm ở phần trên đất Pakistan. Đây được coi là một kỳ tích về xây dựng, một trong những con đường núi ngoạn mục nhất thế giới (ở Pakistan người ta gọi nó là kỳ quan thứ 8), chạy qua một vùng đất (miền bắc Pakistan) thường được coi là thiên đường hạ giới. Tất cả những so sánh này mình đều xác nhận là chính xác.

Mục đích của chuyến đi là đi trọn chiều dài của Karakoram Highway, ngắm cảnh núi non trên đất Pakistan, qua đèo Khunjerab (độ cao 4700m, biên giới quốc gia cao nhất thế giới có đường nhựa chạy qua), ngắm cảnh vật thay đổi sang phía bên Tân Cương, thăm Kashgar, và tiện đường đi thăm nước Trung Á Kyrgyzstan là nước miễn hoàn toàn visa cho người Việt, và trên chuyến bay về từ Kyrgyzstan thì ngắm ngã ba biên giới Kyrgyzstan, Kazakhstan và Trung Quốc, và ngắm nơi tiếp giáp giữa Tân Cương và Tây Tạng.

Chuyến đi tương đối mang tính been there done that, ở trên đường là chính, từ 5/9 đến 18/9. Tuy nhiên độ ép phê cũng khá lớn vì thực tế có quá nhiều cảnh ngoạn mục để thấy ngay từ trên đường.

Bản đồ đường đi (đoạn ở Kyrgyzstan vẽ không chính xác lắm nhưng mà lười vẽ lại):

11990473_877675052286934_6026790400512466868_n_zpspvgw5blq.jpg
[/URL][/IMG]

11933431_877675068953599_6950387158373437004_n_zpsdjjzobtk.jpg
[/URL][/IMG]

Chuyến đi ngắm núi, nhưng cảnh tượng đọng lại sâu đậm nhất có lẽ là cảnh một cái hồ. Hồ Attabad trên đường ở Pakistan. Nhìn thấy cái hồ này, mình buột ra một tiếng như chửi thề, mà có lẽ là một đóng góp mới cho tiếng Anh: TERRIBLUE.

P_20150909_094714_zpsios6z9h8.jpg
[/URL][/IMG]

Mình lười viết, nên sẽ viết từ từ và bỏ qua các tiểu tiết. Bạn nào quan tâm thấy cần giải đáp cái gì thì cứ góp ý mình sẽ cố gắng hết sức.
 
Biên giới. Barrier chắn bên phía Pakistan. Đằng xa là cổng chào vào đất Trung Quốc. Một trong các hành khách Trung Quốc đi cùng xe (ăn to nói lớn cười to) đang chụp hình.

Nhân đây nói về thái độ của người Pakistan với người Trung Quốc.

Pakistan là nơi đầu tiên bọn mình thấy người Trung Quốc được yêu mến!

Đã có những lúc người ta chào đón bọn mình nồng nhiệt vì nghĩ mình là người Trung Quốc. Ví dụ có ông bắt chuyện nói chuyện xởi lởi với bọn mình một hồi lâu. Sau đó nói cái gì đó đại ý như "người Pakistan chúng tôi rất hoan nghênh người Trung Quốc các bạn qua chơi" trước khi hiểu ra rằng bọn minh không phải là người Trung Quốc.

Hầu như tất cả đều nói rằng Trung Quốc tốt, Trung Quốc hay, và người Trung Quốc là bạn quý.

Có một anh chàng tương đối trẻ tuổi còn thực sự hâm mộ Trung Quốc, anh ta bảo là con gái Trung Quốc đẹp (chết mất!!!), rằng anh ta có quen một cô gái Trung Quốc qua mạng, nhưng rất tiếc sự việc không đi đến đâu. Rằng bạn anh ta còn lấy được một cô người Trung Quốc và giờ sang sống cùng cô ta ở bên đó (cứ như phụ nữ Việt Nam lấy được chồng Hàn Quốc).

Điều này phản ánh mối quan hệ đang nồng ấm giữa hai nước, và việc Trung Quốc đang đổ tiền vào Pakistan.

P_20150910_125459_zpsuno4rwbq.jpg
[/URL][/IMG]
 
Kết sổ Pakistan. Nếu có thể nói một câu kết luận, thì:

THIÊN ĐƯỜNG NẰM Ở MIỀN BẮC PAKISTAN.

(Xứ bình yên, thiên nhiên tuyệt mỹ, đời sống sạch đẹp, con người hiền hòa văn minh độc đáo).

Những nơi có thể cạnh tranh danh hiệu này là vùng ven Địa Trung Hải (nhất là Tây Ban Nha) và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên miền bắc Pakistan nhỉnh hơn một chút. Tây Tạng là chốn tiên cảnh, song đời sống quá khắc nghiệt. Miền Tây Bắc Việt Nam cảnh quan cũng như thiên đường, nhưng theo lời anh bạn mình thì nhìn xa thì được, chứ vào hẳn trong làng thì ... không chấp nhận được (vấn đề vệ sinh), cho nên bị loại khỏi danh sách.

(Tất nhiên chỉ là một cảm nhận cá nhân).

Hướng dẫn sử dụng: cần phân biệt rõ miền bắc và miền nam Pakistan. Trong khi miền bắc giống thiên đường, thì miền nam Pakistan (cũng như phần lớn đất Ấn Độ), thì rất gần với địa ngục trần gian.
 
Nơi Pakistan và Trung Quốc nhìn thấy nhau.

Đây là biên giới giữa hai quốc gia, và cũng là một điểm gặp gỡ của hai nền văn hóa lớn: Trung Hoa và Ấn Độ (Ấn Độ và Pakistan, về văn hóa và lịch sử, coi như là một). Mối quan hệ giữa hai người khổng lồ này, trong mấy ngàn năm qua, đã ảnh hưởng lên một phần rộng lớn của châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi nhà Hán bắt đầu nhòm ngó và bành trường về phương Nam, một trong những động lực cho việc đó là tìm đường kết nối tốt hơn với Ấn Độ (ví dụ, những thuyền buôn Ấn Độ đã đến cửa sông Mekong và các cảng của Giao Chỉ trước khi đến được Trung Quốc, và đạo Phật đã được mang đến Giao Chỉ khá lâu trước khi đổ bộ vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa. Ngoài ra các vương quốc cổ ở vùng Vân Nam đã buôn bán với Ấn Độ qua đường Miến Điện trước khi người Hán biết đến con đường này).

Trong quá trình mở rộng của mình, Trung Quốc đã nuốt không biết bao nhiêu vương quốc trên đường tới Ấn Độ, gồm cả vùng Quảng Đông, Quảng Tây của những giống người Việt cổ, cả Tây Tạng, cả Tân Cương. Và, sau mấy ngàn năm, hai nền văn minh cuối cùng đã mặt đối mặt nhau trên dãy Himalaya và Karakoram, trên những ngọn núi cao nhất của hành tinh.

Nếu Đường Tăng sống lại, ông ta sẽ có thể đi thẳng sang Ấn Độ dễ dàng chứ không phải đi qua nhiều tiểu quốc xa lạ và rắc rối như xưa nữa.

Mối quan hệ giữa hai nền văn minh ấy, nơi thì hằm hè (Trung Quốc với Ấn Độ), nơi thì nồng ấm (với Pakistan). Nhưng điều chắc chắn là nó sẽ còn tiếp tục phủ bóng lên châu Á trong nhiều ngàn năm nữa.

DSC08978_zpsdzxaewoq.jpg
[/URL][/IMG]
 
Last edited:
Tân Cương

P_20150913_113127_zpso5tgamus.jpg
[/URL][/IMG]

Mặc dù bị người Hán đô hộ đã gần 1500 năm, nhưng cả về cảnh sắc, vật thể lẫn tâm hồn, Tân Cương vẫn gần với Trung Á, Trung Đông hơn là Trung Quốc.

Vùng đất mênh mông, bằng phẳng, vắng vẻ, khô cằn này đến ngày nay vẫn là một "miền tây hoang dã". Chỉ cần ra khỏi một thành phố, thì ngay lập tức bốn phía xung quanh sẽ chỉ còn là nắng, gió, và cát bụi. Đây là chặng khó đi nhất của con đường tơ lụa xưa, phải vòng qua sa mạc khổng lồ Taklimakan, và vượt qua những vùng đất khô cằn bao quanh. Những làng mạc và thành phố cũng đắp bằng đất, đẹp đẽ và khắc khổ, hòa mình vào với cát.

Phần lớn các nhánh đường tơ lụa đều đi qua Kashgar. Trên con đường tơ lụa, không có nhiều cái tên quyến rũ hơn Kashgar. Ngày xưa người ta lê lết được từ miền đông Trung Quốc tới đây là đã được nửa đường đến châu Âu. Là một đô thị ốc đảo điển hình, Kashgar không có những công trình hoành tráng, chỉ có nhà cửa thành quách đắp bằng đất mà nếu ko định kỳ sửa chữa thì nó sẽ dần biến mất. Nhưng "đặc sản" của Kashgar là những khu chợ nhộn nhịp, cả chợ thường lẫn chợ gia súc ở đây đều là lớn nhất trong vùng Trung Á. Không khí chợ búa, giao lưu, hội họp, trang phục, tiếng nói, gương mặt của người bản địa (một trời khác biệt với người Hán), vẫn là một hóa thạch sống của con đường tơ lụa.

Thường được gọi là "bồn địa", Tân Cương là một vùng đất trũng có núi bao quanh. Phía Nam là dãy Karakoram, qua đèo Khunjerab là xuống Nam Á. Phía Tây và Bắc là dãy Pamir và Thiên Sơn, qua những con đèo như Qolma, Irkeshtam, Torugart để vào các nước Trung Á. Phía Đông Nam, là Tây Tạng. Phía Đông, may thay cho người Hán, là không có núi. Có một hành lang bằng phẳng đi qua Cam Túc tạo điều kiện cho họ xâm lược xứ này. Đi hết Tân Cương, nếu mà ko có dãy Pamir và Thiên Sơn chặn lại, thì ko biết lãnh thổ Trung Quốc còn kéo tới đâu...

Giặc Tàu chưa chiếm được phần hồn của Tân Cương, nhưng họ đang cố gắng để làm nốt việc đó. Chưa bao giờ trong lịch sử, dân Hán ồ ạt di cư tới đây như vậy, hiện giờ đã chiếm 40% dân số ở đây. Bước ra khỏi khu phố cổ và chợ của Kashgar, thì khu phố mới đã y hệt như mọi thành phố Trung Quốc. Ở Urumqi thì còn ko thấy đâu là Tân Cương nữa. Các dân tộc và các nền văn hóa cũng có hưng vong, liệu Tân Cương có vượt qua được cái nạn này?
 
Rất nhiều khi biên giới quốc gia cũng là ranh giới giữa các vùng địa lý. Ở đây cũng vậy, trong khi bên phía Pakistan cảnh quan là núi cao chi chít, xen giữa là các thung lũng hẹp, người đi dưới thung lũng ngẩng lên là thấy núi, thì bên phía Tân Cương là một cảnh quan khác. Gần như là một cao nguyên bằng phẳng, thấp rất dần dần từ đỉnh của dãy Karakoram xuống vùng trũng của bồn địa Tarim. Trừ một khúc ngắn đi xuống từ đỉnh đèo 4700m, còn thì đường đi rất thoải. Mất 130km để hạ độ cao từ trên 4000m xuống tới trên 3000m (Tashkurgan), và mất 300km nữa để xuống đến trên 1000m (Kashgar).

Từ Pakistan sang, ta bỗng thấy núi vãn hẳn. Xe chạy trên những thảo nguyên, còn núi thì lùi ra xa và không hùng vĩ như phía bên kia.

Tuy nhiên, đi để mà thấy. Thấy là bên này không đẹp bằng bên kia, cũng là một cái thấy.

P_20150910_154341_zpsftjm00li.jpg
[/URL][/IMG]
 
Hành trình của bác chủ tuyệt quá!cảm ơn bác đã chia sẻ.
Mong đợi bài của bác.
Bác cho em hỏi: Quả mơ Pakistan vị của nó có giống mơ của mình không bác?
 
Không bạn ạ. Mơ của mình chua loét. Còn mơ kia là mơ xứ lạnh, ngọt lịm, thanh, mát. Ngon lắm. Ở xứ lạnh thì mơ, mận, táo, lê, đào, hồng ngon hơn hẳn vùng nhiệt đới. Mơ loại này họ mới làm quả khô. Mơ của mình thì không.
 
Thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc (Tân Cương) nhiêu khê và mệt mỏi. Thông thường, nhập cảnh bằng đường bộ bao giờ cũng phiền hơn bằng đường không, vì các lý do:

- Lượng khách ra vào cửa khẩu đường bộ không đa dạng về quốc tịch và các kiểu hộ chiếu như ở các sân bay, nên nhân viên kiểm soát nhiều khi gặp những tình huống không quen, nên xử lý chậm

- Ở các cửa khẩu đường bộ các thành phần bất hảo, buôn lậu, tội phạm, v.v... thường có tỷ lệ cao hơn, nên người ta cảnh giác.

Tân Cương lại là vùng đất nhạy cảm về chính trị của Trung Quốc, người Hồi giáo thường xuyên nổi loạn, Pakistan lại là xứ Hồi giáo, nên nhà cầm quyền Trung Quốc rất cảnh giác.

Thủ tục nhập cảnh gồm hai công đoạn. Công đoạn thứ nhất là kiểm tra hành lý tại biên giới, và kiểm tra nhanh hộ chiếu. Công đoạn thứ hai là kiểm tra kỹ hộ chiếu và cộp dấu ở Tashkurgan, cách đó 130km trong lãnh thổ Trung Quốc. Mỗi bước này mất khoảng 2 tiếng.

Ở biên giới, cảnh sát Trung Quốc soi chiếu người bọn mình rất kỹ. Từng người phải vào trong cái máy kín như cái hộp để bị soi. Sau đó là kiểm tra hành lý, họ kiểm tra kỹ hơn bên phía Pakistan nhiều. Kiểm tra từng cái một, kể cả tất bẩn và quần lót bẩn. Đặc biệt là máy ảnh và điện thoại bị mở ra để họ xem từng cái ảnh mình đã chụp (có lẽ tìm xem mình có chụp những hình ảnh bị cấm, kiểu như Dalai Lama, hoặc các lãnh tụ lưu vong của Tân Cương không, chẳng hạn).

Tất cả những việc này diễn ra ở độ cao 4700m. Và bạn không thể vui với việc đó. Vì bạn vừa ở dưới độ cao 2000m lên. Và sau 30 phút ở 4700m thì bạn bắt đầu thấy mệt. Cơn đau đầu chưa đến ngay, nhưng người bắt đầu uể oải. Mỗi khi leo vài bậc thang, bạn thấy mình yếu hơn hẳn lúc trước.

Cảnh sát Trung Quốc làm việc chuyên nghiệp. Lạnh lùng, cứng rắn, nhưng nghiêm túc, không ngó nghiêng, lườm nguýt, dò xét, lơ láo, tán phét trong khi làm, như nhân viên ở sân bay Việt Nam.

Và mọi việc diễn ra giữa bối cảnh này, nên mình cũng được thư giãn chút. Tự nhủ mình đang tận hưởng một trong những biên giới cao nhất thế giới.

P_20150910_125721_zpsv45dxpyp.jpg
[/URL][/IMG]

P_20150910_130926_zpszzyokqzt.jpg
[/URL][/IMG]

P_20150910_130054_zpsj1zxtld3.jpg
[/URL][/IMG]

DSC08984_zpslq6s4fzl.jpg
[/URL][/IMG]
 
Kết sổ Pakistan. Nếu có thể nói một câu kết luận, thì:

THIÊN ĐƯỜNG NẰM Ở MIỀN BẮC PAKISTAN.

(Xứ bình yên, thiên nhiên tuyệt mỹ, đời sống sạch đẹp, con người hiền hòa văn minh độc đáo).

Những nơi có thể cạnh tranh danh hiệu này là vùng ven Địa Trung Hải (nhất là Tây Ban Nha) và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên miền bắc Pakistan nhỉnh hơn một chút. Tây Tạng là chốn tiên cảnh, song đời sống quá khắc nghiệt. Miền Tây Bắc Việt Nam cảnh quan cũng như thiên đường, nhưng theo lời anh bạn mình thì nhìn xa thì được, chứ vào hẳn trong làng thì ... không chấp nhận được (vấn đề vệ sinh), cho nên bị loại khỏi danh sách.

(Tất nhiên chỉ là một cảm nhận cá nhân).

Hướng dẫn sử dụng: cần phân biệt rõ miền bắc và miền nam Pakistan. Trong khi miền bắc giống thiên đường, thì miền nam Pakistan (cũng như phần lớn đất Ấn Độ), thì rất gần với địa ngục trần gian.

Bác đi Bắc Ấn bang Jammu&Kashmir (Srinagar và Ladakh) coi xem có đẹp như thiên đường bắc Pakistan k bác. Bác viết hay quá.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,164
Bài viết
1,174,009
Members
191,979
Latest member
78winrip
Back
Top