What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Thật ra thấy topic này lâu lắm rồi nhưng mãi chưa bắt đầu đọc. Ấy thế mà lại đọc một lèo 21 trang trong một trưa Sài Gòn nóng hực thế này. Thứ cho gái Joe cái tính lười không quote lại từng chỗ muốn comment để viết. Chỉ vào viết được mấy dòng này cho chuyến đi của bpk.

Joe chỉ có cơ hội đi bụi xe khách từ Sài Gòn ra Hà Nội cách đây 7 năm và đi xe máy một mình từ Sài Gòn đi Đà Lạt lên Đắc Lắc, dừng lại ở KrongBuk vài hôm rồi lại về cách đây 2 năm. Còn lại toàn đi với nhóm này nhóm nọ thôi..

Chợt nghĩ thân gái ôm lấy cái mộng đi bụi một mình rồi ước mơ vẫn mãi là ước mơ. Phải chi có một người cùng đi, để những đêm mưa ngồi nhìn phố ở đất khách có ly bia ly kem, để thấy lời nói đôi khi là vô vị nhưng một ánh mắt có thể khiến ta ấm lòng đến mãi về sau...

Chút cảm xúc vì có nhiều đoạn cùng tâm trạng (dù đã cũ)... có gì bpk bỏ quá cho.

Viết tiếp, đi tiếp và lại kể tiếp nhá!
 
Đắm say với Jogyakarta nhiều cung bậc, đa sắc màu – 13

@ BM, thanks bạn! Bạn vào giúp bổ sung thêm nhiều hình để bài viết đỡ tệ hơn chút, vì bpk chỉ dùng máy cùi bắp thôi nên không có hình đẹp.

@ Joey, vậy bạn nhớ nghe bài Dạ Khúc của Quốc Bảo nghen, hình như là: "Cần đêm trắng để trút vơi lòng đầy...". Bạn lại làm mình thèm khắc khoải những đêm dài một mình trong những ngày đi hoang...

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


P7310301.jpg

Chiều hồng ôm ấp trên đền đen


P7310284.jpg



P7310292.jpg

Chiều về trên Prambanan


Tôi đến Prambanan lúc chiều cũng đã chiều, khách du lịch đoàn không còn nhiều, nhưng lại có vài chiếc xe chở khách người Hoa, mà có lẽ ban sáng đã đổ xuống Kraton, hơi ồn ào. Tôi lẳng lặng đi tìm những nơi vắng hơn tý chút để nhìn ngắm. Các bạn Hoa ấy ghê lắm nghen, có vài bạn mở cửa khu vực cấm vào để vào tận bên trong quan sát, sờ sẫm, mò mẫm nữa. Thật là đáng để học hỏi (!).


P7310285.jpg



P7310294.jpg

Trời chiều bắt đầu đỏ rực sau những ngôi đền


Thật ra so sánh (điều không nên làm) với Angkor, Sambor Prei Kuk, Koh Ker, Prasat Preah Vihear, Wat Phou, … thì cụm đền đài này không to lớn lắm nhưng vẫn có những nét đặc sắc rất riêng của nó. Không hoành tráng, nhưng những ngôi đền thanh thoát vươn lên giữa trời xanh cho thấy một kỹ thuật rất cao của người xưa. Hơn thế nữa, các câu chuyện bằng hình ảnh được chạm khắc tinh xảo vào đá cứng cho thấy kỹ thuật rất tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân cổ. Điều tôi ngạc nhiên nhất là những điểm tương đồng giữa những ngôi đền Hindu trên một đảo quốc xa xôi lại rất giống những công trình ở những vùng lục địa nghìn dặm xa xôi. Đạo giáo chỉ cần một vài người, một nhóm người có thể truyền lan, nhưng những kỹ thuật, những công nghệ này đâu phải đơn giản. Và giờ, những công nghệ này nằm ở đâu dưới lòng đất xa xôi bí hiểm hay từ một cõi trời nào đó giờ đã xa nghìn trùng… Chỉ cần nhìn những phiến đá lắp ghép vào để “trùng tu”, những chạm khắc mới thô thô trên những phiến đá mới, được làm với những công cụ hiện đại của thời bây giờ… mới biết rằng người xưa đã làm những điều mà đến giờ chúng ta vẫn còn chưa hiểu vì sao họ đã làm được.



(tbc.)
 
Đắm say với Jogyakarta nhiều cung bậc, đa sắc màu – 14

(cont.)


Bên cạnh việc ngưỡng mộ những ngôi đền, tôi còn đem lòng ngưỡng mộ Hindu giáo và những huy hoàng đạo giáo này đã đóng góp cho nhân loại vào thời kỳ hoàng kim của nó. Những ngôi đền Hindu trên khắp Đông Nam Á, trên tiểu lục địa Ấn Độ… đã để lại cho hậu thế những công trình vĩ đại, đã tồn tại, chống chọi với thiên nhiên, với thời gian,… để có những di tích rực rỡ… cho nhân loại, mà kẻ lang thang này, trong một chiều vàng hoang hoải bên đền xưa đài cũ, đang thầm cuối đầu ngưỡng mộ, ngưỡng mộ…



P7310383.jpg




P7310327.jpg

Chiều về trên đá ngàn năm



P7310332.jpg

Cành khô hao gầy trong chiều Prambanan


Chiều đã vắng, cổng chính đã đóng, chỉ còn một đoàn khách cuối cùng đến bằng cổng bên hông và những người nhân viên quét dọn cần mẫn làm việc - những “người phu quét đền, quét cả nắng vàng, quét cả ngày đi…” (TCS). Hoàng hôn không về trên Prambanan mà lại về ở 1 góc xa cuối trời. Vấn đề là vì xung quanh Prambanan đều bị rào kín, do vậy, muốn đi lùi thật xa để ngắm mặt trời rơi trên Prambanan là rất khó, vì phải thoát ra ngoài. Do vậy, tôi chỉ còn cách ở lại với Prambanan, để ngắm hoàng hôn rơi nơi cuối trời.


P7310324.jpg

Tôi yêu vẻ tĩnh lặng ở Prambanan khi chiều thật sâu,



P7310350.jpg

Rồi “mặt trời đã ngủ yên”… (TCS)


Chiều xuống ở Prambanan thật nhẹ. Khu đền cổ nằm giữa một cánh đồng khô mênh mang nên cái nhìn về cuối trời Tây thật thoáng đãng, mặt trời cuối mùa hạ không chói chang, cứ dịu dàng hồng, chầm chậm rơi xuống chân trời, mà khi rơi ngang qua đám cành khô hao gầy đã tạo nên một góc tranh thủy mặc diệu kỳ...



Tôi không còn lang thang trong Prambanan, tôi chọn một góc khuất để ngã tựa người vào đền, lặng ngắm chiều đi. Khuôn viên đền bây giờ thật vắng vẻ, chỉ có tiếng xào xạc của gió chiều đuổi nhau qua những ngôi đền, tiếng cười đùa gọi nhau của những đứa bé phụ mẹ bán hàng rong bên hông đền thi thoảng vang vang trong chiều sẫm. Đó đây tiếng chim chiều về tổ muộn lạc loài khắc khoải gọi bầy nghe não nuột trong chiều bảng lảng đã nhàn nhạt màu của đêm. Chiều Prambanan mênh mang mênh mang…



P7310373.jpg

Chỉ còn chút ánh sáng xanh cuối ngày hiu hắt trên những ngôi đền xưa, cũng sắp tan vào bóng đêm


Chiều đã xuống thật sâu hay đêm đã về trên Prambanan?

(tbc.)
 
Hix, bác bpk mà đầu tư thêm 1 cái camera DSLR nữa thì, ôi thôi...

Các topic của bác bpk làm em cảm thấy giấc mơ lượt phượt ĐNÁ của mình hiện thực hơn bao giờ hết. Vừa rồi em có làm thử 1 tour Thái Lan một mình, đi từ BKK xuống Phang Nga và sang Phuket. Quả thật đi một mình cũng có cái thú của nó, nhưng em nghiệm ra rằng, sướng nhất là đi 2 mình bác ơi... hehe... Còn gì hạnh phúc hơn khi trên những bước đường rong ruổi, có thêm ai đó để chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên, hay chỉ đơn giản, có ai đó ngồi cạnh bên mình lặng ngắm ánh hoàng hôn tuyệt đẹp, có ai đó tự nguyện làm mẫu cho những bức ảnh của mình thêm sinh động, hay chỉ cần ai đó cho mình chọc ghẹo cũng được... Hy vọng rồi cũng sẽ tìm ra được "ai đó" như em nói hén bác...

Tiếc là bác đã đi tít sang đảo Java rồi, chứ không thì em cũng góp tí ảnh Phuket với bác...

Chúc bác năm mới nhiều sức khỏe, tài lộc dồi dào, và có nhiều chuyến hành trình mới để em còn hóng hớt... ^^
 
Ngày nắng và gió ở Borobudur, nơi những lỗi lầm sẽ được thứ tha – 1

@ bluesky, cám ơn bạn đã chia sẻ. Việc đi đứng một mình hay nhiều mình đã có nguyên một topic mà đến bây giờ các bạn vẫn đang tiếp tục trao đổi, bpk không dám lạm bàn thêm. Có điều, bpk là người rất dễ tính (nếu không muốn nói là dễ dãi (!)), có nhiều mình thì vui theo kiểu nhiều mình, khi một mình thì sướng theo kiểu một mình. Đôi lúc đi cả nhóm thì thèm những khoảnh khắc riêng tư, lắm bận lang thang một mình lại thèm những tiếng cười bè bạn… lòng người mà, vô đáy mà… Dù sao cũng rất cảm ơn và xúc động vì những chia sẻ và lời chúc về “ai đó” của bạn. Haizzzz.

Năm mới vui vẻ, nhiều chuyến đi và nhiều chia sẻ, bạn nhé!
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)



Sở dĩ tôi gõ nên một tựa đề rất sến ở trên là có nguyên nhân của nó. Ban đầu, tôi dự định sẽ cắt ngang topic về Yogya ở đây và gõ tiếp về Borobudur khi tôi quay nơi đây lần thứ 2. Lý do là toàn bộ những hình ảnh tôi chụp về Borobudur (và chỉ những hình ảnh về nơi này) đã bị xóa sạch sau đêm tôi rời Yogya. Lý do là trên những tháng ngày lang thang, tôi đã có những lúc tâm đục, trí mờ… đã có nhiều những suy nghĩ vẩn đục, những hành động sai lầm, những hành vi tệ hại. Hơi ngạc nhiên, nhưng rồi tôi không sốc lắm khi biết rằng virus chỉ xóa nguyên 1 folder hình về Borobudur, và tôi đã tự hứa với mình là sẽ quay lại vùng đất thiêng này, để tạ lỗi. Do vậy, những hình ảnh và thông tin sử dụng trong sub-topic này là của 2 lần viếng Borobudur, nơi tôi hy vọng rằng – những lỗi lầm sẽ được thứ tha…

................................................





Kế hoạch dự định tối qua là sáng nay sẽ đón bình minh ở Borobudur đã bị hủy. Lý do không phải là do "ăn chơi" quá độ mà khi đọc kỹ lại thông tin, biết rằng khách muốn vào đó đón bình mình ở đó rất rắc rối. Trước tiên là tốn 230K Rp, và phải đăng ký trước. Và đặc biệt lo về việc tối mờ mịt chạy xe trên con đường xa lạ chưa hề biết đến, lại đi một mình nữa, lúc đó lạc đường thì biết hỏi ai. Dù vậy, tôi vẫn cài báo thức và lúc 4.30am thức dậy lại thấy trời mù quá... Tổng lại những thứ trên là việc tiếp tục "nướng" và đã có 1 buổi sáng thư giãn tại quán cafe. Quán đầy nắng xanh (không biết từ đâu ra chứ lúc sáng vẫn mờ mịt), nhiều gió, trên đầu sứ trắng đong đưa. Lãng đãng đâu đây chút dư hương ngọt ngào đêm qua vẫn lãng đãng trong gió sớm trong lành.


2721659999_74197e19311.jpg

Sứ trắng đong đưa, tặng vào nắng mai chút dư hương ngọt ngào



2721661615_d09bdc49341.jpg

Bữa sáng cho một ngày dài.


Quán này dễ thương, nhưng hơi chảnh. Vì 1/2 ổ baguette này phải chờ hơn nữa tiếng và giá của nó bằng nguyên 1 set menu ăn sáng ở quán gần bên! "Tám" chút thôi, cũng cỡ giá Saigon.


2722489968_5493d973d81.jpg

Đền Mendut và cây dừa cô đơn – cứ ngỡ là đang ở Angkor.


Sau khi nạp năng lượng đầy đủ, nai nịt hành trang và lên đường. Từ Yogya đến Borobudur chỉ 42km nhưng vì lạ đường và phải tránh các đường 1 chiều nên đi mất hơn 1h. Đường đi chẳng có gì lạ, chỉ toàn nhà cửa, chẳng thấy đồng lúa, nương đồi nào đáng để được "lên hình". Trước khi đến Đền đài Borobudur chính, có dừng bên đường viếng thăm 2 đền đài nhỏ. Xém tý nữa chỉ đứng ngoài không vào (sau đó chiều về mới vào) Mendut Temple mà sau đó mới biết là ngôi đền này cực kỳ độc đáo, chưa bao giờ tôi thấy một ngôi đền (hay chùa) Phật giáo đặc biệt đến thế.



P8120017.jpg

Borobudur từ xa…



P8120026.jpg



P8120018.jpg

… và gần hơn, trong nắng sáng.



Do lang thang tưng tửng từng tưng, tôi đến Đền Borobudur lúc hơn 10am, nắng đã bắt đầu dát vàng trên đền đài và đốt lửa nung người xung quanh. Và thật ngạc nhiên, khi chiêm ngưỡng Đền Borobudur, ngay từ xa.

(tbc.)
 
Ngày nắng và gió ở Borobudur, nơi những lỗi lầm sẽ được thứ tha – 2

(cont.)



P8120025.jpg

Đền Borobudur nhìn tổng thể - từ pano (!)



Cái này là tôi phải nói rõ, là dù đã được bạn Chitto giải thích chi tiết các định nghĩa “Ở các nước Phật giáo Nguyên thuỷ, các công trình rất tách biệt. Những ngôi đền thờ tượng Phật riêng (temple), và những tu viện nơi các tu sĩ sinh sống, học tập riêng (monastery), và các tháp thờ (stupa) có thể cũng riêng...“ nhưng tôi vẫn không biết dùng từ gì để thay thế từ “temple” của Borobudur Temple. Do vậy, tôi mạo muội dùng từ “đền”. Có gì, nhờ các bạn chỉ giáo sau vậy.



P8120059.jpg

Đường lên 10 tầng Borobudur



P8120031.jpg

Mười tầng Borobudur – tầng 1



P8120035.jpg

Mười tầng Borobudur – tầng 5



P8120040.jpg

Mười tầng Borobudur – tầng 10



Đền Borobudur thật hoành tráng! Mà từ hoành tráng dường như cũng không thể hiện hết ý nghĩa về Borobudur. Vương triều Sailendra bắt đầu xây dựng Borobudur từ khoảng giữa 750-850 AD, với 1 khối công việc khổng lồ và đầy tinh xảo. Hơn 6.000 met khối đá đã được đục đẽo, vận chuyển và xây dựng. Tên Borobudur, có nghĩa là "Đền thờ Phật trên đồi". Sau khi xây dựng xong cũng là lúc Phật giáo bắt đầu suy yếu ở Java, cũng là lúc quyền lực lại rơi vào quốc gia nằm ở Đông Java, quốc gia của Hindu giáo.


P8120072.jpg



P8120065.jpg

Borobudur trong nắng trưa


(tbc.)
 
nhưng tôi vẫn không biết dùng từ gì để thay thế từ “temple” của Borobudur Temple. Do vậy, tôi mạo muội dùng từ “đền”. Có gì, nhờ các bạn chỉ giáo sau vậy.

Theo tôi thấy, thì Borobudur còn hơn cả một "ngôi đền", nó là ngôi Đền - Vũ trụ, hay nói theo Phật giáo thì là một Mandala (Mạn-đà-la). Mạn đà la là cách thức mô tả Vũ trụ với Phật tính là cội rễ, tâm điểm. Phật tính đó được trải ra theo tất cả các chiều của không gian, thời gian, với tượng trưng là các vị Phật đã đang và sẽ thị hiện trong vũ trụ này.

Mạn đà la không nhất thiết là nơi thờ cúng, lễ lạt, mà còn gửi gắm tâm linh, gửi gắm sự tưởng tượng, phản ánh thế giới. Có những Mạn đà la bằng cát, sau khi làm xong thì người làm xoá nó đi luôn. Có Mạn đà la chỉ một người làm, có cái phải do rất nhiều người cùng làm. Có Mạn đà la của Tâm thức và Mạn đà la của Thai tạng thức....

Borobudur chính là Mạn đà la lớn nhất thế giới. Nó còn hơn một ngôi đền, đó là Vũ trụ thu nhỏ, và không phải chỉ có một vị Phật ngự trị trong thế giới đó.

Các tầng của Mạn đà la này cũng như các Cõi trong Tam giới, và thậm chí còn rộng hơn, là của Tam thiên đại thiên thế giới.
 
Ngày nắng và gió ở Borobudur, nơi những lỗi lầm sẽ được thứ tha – 3

@ Chitto, cảm ơn rất nhiều những thông tin của bạn về ngôi đền Borobudur, về Phật giáo, về Mandala… Trong L.P và một số tài liệu có nhắc đến Borobudur và Mandala nhưng không được rõ, và cũng tại bpk lười đọc tiếng Anh và từ chuyên môn về tôn giáo không nhiều nên không hiểu rõ lắm.

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


P8120042.jpg

Một góc Borobudur




P8120050.jpg



P8120054.jpg

Cơ man những đền đài, stupa nhỏ



Ngôi đền Borobudur bị bỏ hoang trong quên lãng, đền đài chìm lấp trong tro bụi của núi lửa Merapi, ngọn núi lửa cận kề nằm trong vùng, vẫn luôn phì phò thở, mãi đến tận bây giờ. Mãi cho đến 1815, Borobudur mới được phát hiện bởi chính quyền Hà Lan. Đầu TK XX, việc khôi phục, trùng tu được bắt đầu nhưng công việc gặp nhiều khó khăn vì ngọn đồi xưa bây giờ bây giờ đã chìm xuống, ngập nước và nhiều tảng đá của đền đài đã chìm rất sâu trong nước. 25 triệu US$ đã được bỏ vào dự án này vào những năm 1973-1983, để hoàn tất việc khôi phục. Đến 1983 ngôi đền được khôi phục gần như hoàn toàn, nhưng đến 1985, phe đối lập chống đối TT Soeharto đã cho nổ bom phá hoại tại đây. Nhiều tượng đài đã bị hủy hoại nhưng Borobudur lại tiếp tục được trùng tu. Đến 1991 Borobudur được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.



P8120058.jpg



P8120055.jpg

Những vị Phật ngồi đã ngàn năm giữa cát bụi, giữa sương gió, giữa nắng, giữa mưa,…



Ngôi đền Borobudur, cụm di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, lại không nằm trên các đất nước nơi Phật giáo ra đời hoặc đã từng rất hùng mạnh hoặc vẫn là quốc giáo… mà lại nằm trên một đảo quốc cách xa muôn trùng khơi. Đó chính là điểm rất lạ, không chỉ về tôn giáo mà còn về tài hoa lạ lùng của người xưa… hay có chăng vẫn còn những điều bí ẩn gì khác ẩn sau những nụ cười hiền hòa của những khuôn mặt đá ngàn năm tuổi nhưng vẫn còn ngời sức tươi trẻ... rạng rỡ như mới bước vào trong đá ngày hôm qua.



P8120089.jpg




P8120095.jpg

Bắt đầu lạc vào những phù điêu chạm trổ ngàn năm nhưng vẫn còn như mới



Được xây dựng bằng 2.000.000 phiến đá, tổng thể Borobudur có hình dạng cân đối của một stupa, ôm trùm một ngọn đồi nhỏ. Phần đế của Borobudur vuông vắn, có diện tích 118mx118m. Tiếp lên theo là 6 tầng vuông và trên cùng là 3 tầng tròn. Có 4 đường lên đỉnh Borobudur, nằm ở chính giữa của 4 cạnh chính của ngôi đền vĩ đại này. Tuy giờ, Borobudur chỉ là những phiến đá đen những bức tượng xám,… nằm im ắng dưới ánh mặt trời, người ta cho rằng ngày xưa ở Borobudur, các bức tượng, các chạm trổ, điêu khắc… đều được sơn son thiếp vàng thật lộng lẫy trong ánh dương quang. Tôi không biết ngày xưa huy hoàng đó, nhưng tôi lại rất yêu thích một Borobudur đơn giản gần gũi, với đá đen mộc mạc nhưng không kém phần lộng lẫy với những đường nét chạm trổ tài hoa vẫn trường tồn sau gần 1200 năm gió bụi thời gian.



(tbc.)
 
Ngày nắng và gió ở Borobudur, nơi những lỗi lầm sẽ được thứ tha – 4

(cont.)



Nhân tiện bạn Chitto giải thích về Borobudur và Mandala, nhân tiện một buổi trưa thứ Bảy chán chường ngồi lục tìm quá khứ, tìm thấy hình Mandala, chụp trong một ngôi chùa ở Nepal, chia sẻ thêm với các bạn.


PB160606.jpg

Mandala trên trần, trong một ngôi chùa Phật giáo Tibet tại Nepal



borobudur31.jpg

Borobudur nhìn từ trên xuống (hình mượn từ net vì bpk không đủ tiền thuê trực thăng đi chụp hình (!))


Nhìn từ trên cao xuống, Borobudur giống như “mandala”, biểu tượng vũ trụ càn khôn hay gặp nhiều ở Phật giáo Mật tông Tây Tạng (ở các nơi khác vẫn thấy, nhưng ít hơn). Có mối liên hệ gì giữa nóc nhà thế giới và đảo xa nghìn dặm? Sách vở nói rằng hàng ngàn ngàn những chạm khắc ở chín tầng của Borobudur là những câu chuyện về Phật giáo, về kiếp luân hồi, về cuộc đời của Đức Phật từ lúc đản sinh đến khi về cõi Niết bàn… tôi có chụp lại tương đối nhưng làm sao chụp hết được hàng nhiều ngàn những phù điêu chạm khắc đó. Chia sẻ với các bạn vài hình (trong suốt sub-topic này), bạn nào có biết điển tích thì vào cùng chia sẻ nhé.


Đến cổng chính, cổng phía đông, tôi bắt đầu đi bộ theo chiều kim đồng hồ vòng quanh tầng thứ nhất của Borobudur. Rồi tôi đi lên tầng trên, lại tiếp tục đi vòng tròn, rồi lại lên, lại đi vòng tròn… đến khi lên đến tầng 10 của Borobudur, để bắt đầu chuyến hành hương tâm linh của mình. Rồi tôi lại bắt đầu lang thang Borobudur.


P8120091.jpg



P8120093.jpg



P8120097.jpg

Các điêu khắc sống động ở Borobudur


Tính từ mỗi cạnh của tầng một là 118m, nghĩa là chu vi của tầng một là gần ½ km, L.P tính toán cho việc đi hết mười vòng đó khoảng 5km, nhưng thật ra không đúng vì càng lên các tầng trên, chu vi càng thu nhỏ lại. Tuy nhiên, bạn sẽ không có cảm giác là đi vài km vì bạn sẽ bị lôi cuốn bởi các chạm khắc, phù điêu tuyệt đẹp ở 2 bên đường đi. Người ta không cho rằng đó là các con đường hay hành lang mà đó là các gallery triển lãm tranh tượng.



(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,102
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top