Xuống hết đèo, tôi ghé lại Nam Ô để thưởng thức món Gỏi Cá nổi tiếng nơi này. Tôi được người dân chỉ bảo tôi đến một quán, nằm cách cầu Nam Ô khoảng 200 mé bên phía tay trái.
Quán này tôi quên tên mất rồi, tuy nhiên cũng dễ tìm, vì quán này chỉ bán có mỗi món Gỏi Cá Trích mà thôi. Tại quán họ có 2 món, Gỏi Khô hay là Gỏi Và.
Thấy tôi đi một mình, 2 người đẹp từ Đà Nẵng mời tôi qua cùng ngồi ăn cho vui.
Gỏi Và có nghĩa là món có nước, khi ăn là phải và vao miệng. Món gỏi này là ăn kèm chung với bánh đa nướng.
Miếng cá ở đây họ xắt lát mỏng, theo khoanh chéo, rồi ngâm vào nước đá có ít muối để cho ra hết máu, họ phải thay nước 5-6 lần cho đến khi nước có màu trong là được.
Khi khách ăn, họ cho cá vào trong một cái tô và trộn thêm giấm, gừng, tỏi, ớt, mè, đậu phọng đâm, nước mắm và đường.
Dĩa rau ăn kèm gồm có: xoài, chuối chát, rau rừng, dưa leo, giấp cá, cải mầm, tần ô non, húng thơm và xà lách.
Khi ăn khách cho ít rau vào chén, chan thêm ít cá và nước trong tô cá, kế tiếp là bẻ vụn bánh tráng rắc lên trên, thế là và. Khách có thể cắn thêm ớt và tỏi.
Gỏi khô cũng được gọi là gỏi cuốn. Khi khách ăn, họ mới đem cá ra ngâm với giấm, sau đó vắt cho ráo. Rồi họ cho cá vào trong một cái tô và trộn với thính bắp và đậu phọng đâm.
Nước chấm cho món này, thì họ lấy nước giấm khi lúc nãy họ mới vắt ra từ cá, họ đem pha chung với nước mắm, tỏi, ớt, gừng, mè, đậu phọng đâm, và đường.
Ăn món này là phải cuộn vào bánh tráng dẻo.
Tôi thấy món gỏi cá trích ở đây ăn lộm cộm xương và không ngon bằng gỏi cá trích ở Phú Quốc. Còn nếu nói về gỏi cá mai, gỏi cá suốt... của vùng Khánh Hòa hay Bình Thuận, thì món gỏi cá trích này thua xa. Đối với tôi, chỉ ăn một lần cho biết.
Vì có cuộc hẹn gặp một người bạn mà tôi làm quen trên Phượt, nên tôi chỉ chạy ngang qua Đà Nẵng và chỉ ghé mỗi quán Mì Quảng của Bà Oanh, nằm trên đường Trần Quý Cáp. Tại quán này họ có nhiều loại mì quảng: mì gà, mì tôm thịt, mì cá và mì lươn. Quán này họ bán nguyên ngày và họ cho tôi biết là món này bán mạnh nhất là vào buổi sáng.
Tô Mì Lươn của tôi gồm có: sợi mì, lươn, hành lá sắt nhỏ, đậu phộng rang và chỉ chan sâm sắp nước súp. (Tôi thấy sợi mì cũng gần giống sợi bánh phở, chỉ có khác là họ sợi mì rất là dầy). Món này là ăn chung với bánh tráng nướng và dĩa rau ăn kèm gồm có: hoa chuối, xà lách, cải mầm và húng cay. Khách có thể nêm thêm, nước mắm, chanh, ớt khô hay là ớt xào tỏi. Theo gu người Miền Trung là họ còn phải cắn thêm ớt tươi.
Chiều nay tôi đến Hội An và hẹn gặp anh bạn tôi mới quen tên Việt. Tuy mới gặp nhau có lần đầu, mà vợ chồng Việt đã nhiệt tình cho tôi mượn căn nhà đang để trống của họ.
Hên quá, tôi có cơ hội giặt mớ đồ và sau đó tôi cùng Việt ra ngoài ăn tối.
Việt muốn dẫn tôi đến quán Cơm Gà của Bà Buội, trên đường Phan Chu Trinh. Nhưng hôm nay quán bà ta đóng cửa, chúng tôi tạt ngang qua bên kia đường và ghé quán cơm gà Bà Ty ăn tạm.
Cơm gà có màu lạt nghệ, có thể ngoài nước luộc gà ra, chắc họ có cho thêm một chút màu nghệ. Dĩa cơm có gà xé, rau răm, hành tây và ngò rí. Ăn kèm chung là đu đủ muối chua, chanh ớt, tương ớt và xì dầu. Quán này họ không làm nước chấm. Chén nước súp kèm là làm nấu bằng bộ đồ lòng và trứng gà non của gà, người Đà Nẵng gọi là nước Mạ, nước này là họ dùng để chan lên cơm, chứ không phải là để húp.
Một anh bạn khác người Hội An, Tước tiết lộ cho tôi biết là ở nhà, nếu họ nấu cơm gà, thì họ chỉ chọn gà mái mới đẻ một lứa thôi, vì loại gà này thịt vừa mềm, thơm và béo. Ngoài quán thì họ thường dùng với tỷ lệ là 2 mái và 3 trống. Lý do đơn giản là gà trống có nhiều thịt hơn.