Trong những ngày tháng Tư rất đỗi vội vàng, có lúc nào, bạn cảm thấy mình như cái lốp xe trong tay cậu bé này (tôi đã chụp trong phút dừng chân trên cung đường từ Mộc Châu, Sơn La về Mai Châu, Hòa Bình)? Chúng ta quay, quay, quay, quay… dưới đủ mọi lực tác động của cuộc đời, hầu như không biết tới điểm dừng, mặt ngoài thì dần dà trơn tru và nhẵn nhụi để rồi chắc chắn tới ngày kia sẽ trơn tuột giống một hòn đá cuội đã nằm dưới dòng chảy cả nghìn năm.
Khi đó, cái gì sẽ “cứu rỗi” bạn?
Về phần mình, ngoài việc tự lên dây cót tinh thần bằng một câu trong cuốn “Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó)” rằng, “cái gì cũng có cái dở của nó, một gã đã phán như vậy khi mẹ vợ hắn về nơi thiên cổ và sau đó người ta đến đòi chi phí đám tang”, tôi thường để những phút giây đọng lại sau mỗi chặng đường sớm khuya chạy qua đầu như cuốn phim chiếu chậm.
Đó là khoảnh khắc tôi bị đẩy vào quán trà nhỏ ở thị trấn Bắc Hà bởi cái lạnh lẽo vô chừng của mưa thu. Quán trong mưa vắng lặng. Phố trong mưa buồn tênh. Bỗng dưng thèm một điếu thuốc lá. Thèm đến ghê người. Để cho ấm lên. Để cho cái ẩm ướt, âm u đang bao quanh tan đi. Nhưng giống ông Lưu Quang Vũ, tôi đã chẳng có điếu thuốc nào đốt lên cho đỡ sợ.
Đó là cái đêm cây lặng im vì vắng gió, đèn vàng phai trên lá, sương mờ giăng giăng, đứng trên chiếc cầu sông Hàn thưa bóng người qua, ngó con sông như bắt nguồn từ phía chân trời và kết thúc lại cũng ở chân trời. Thấy mọi thứ mênh mông diệu vợi quá. Rồi lại ngẫm đời sao giống con sông này, ngày hờ hững trôi, ngày cuồn cuộn chảy, có bên bồi và bên lở ở phía kia...
Đó là một xóm nhỏ đường đất ở gần thị xã Tây Ninh, 7h tối là bên ngoài tối thui, vắng lặng. Nơi ấy có căn nhà mát rượi chìm trong bóng cây trái với một cái sân vuông vắn phủ đầy cỏ Nhật phía trước. Trong nhà, người đàn ông đã luống tuổi, cái phong trần được càng thời gian bồi đắp như phù sa, lựa những trái sầu riêng ngon nhất vườn, tự tay bóc cho khách. Ánh mắt rạng ngời khi khách xuýt xoa cái vị ngọt lịm và thơm lừng. Người đàn ông ấy có 1 bộ dàn nghe nhạc chỉ với Phú Quang, Trịnh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng..., đã chiều tôi mà để Ngọc Anh đưa đẩy Phú Quang nguyên một buổi chiều dài. Tệt mông xuống nền gạch hoa mát rượi, tựa lưng vào tường, nhắm mắt, lắng nghe... "Tôi muốn mang hồ Gươm đi trú đông/ Nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng"... Tôi chợt nhận ra chính tôi cũng có những "hồ Gươm" yêu đương đấy mà đành nén lòng để lại...
Đó là những giờ đồng hồ ngồi chờ chiều xuống và đợi bình minh lên, tóc rối vì gió, da mặn vì từng bụi sóng li ti theo sóng và gió bám lên người nơi bãi đá và ngọn hải đăng ở Dinh Cậu, Phú Quốc. Mỗi chiều, có những người đàn ông phần lớn ở tuổi trung niên, chạy xe máy hết con đường bằng xi măng, dài khoảng 50m rộng hơn 2m dẫn ra ngọn hải đăng. Họ đứng đó, nhìn về phía chân trời một lúc, rồi lại trở về thị trấn. Hình như họ đang tìm kiếm, nhưng không ai biết họ kiếm tìm điều gì...
Đó là bữa ngồi xe ô tô nguyên một buổi chiều từ Gia Lai sang Ban Mê, ê ẩm cả mông lẫn người. Hoàng hôn cao nguyên với ánh mặt trời đỏ rực như muốn đốt cháy những tán thông ven đường không làm bớt đi cảm giác rệu rã và đói lả. Tắm giặt xong, lò dò ra cổng nhà khách kiếm gì tống vào dạ dày. 20h, Ban Mê dường như đã ngủ rồi. Đường Lê Duẩn vắng lặng. Chỉ có gió. Hơi lạnh ẩm ướt. Thi thoảng, một chiếc xe máy vụt qua để lại những thanh âm tan ngay vào đêm tối. Sáng sớm, phố núi trong lành, đặc biệt sạch sẽ và hấp dẫn vô chừng với những hàng cây xanh hiền hòa, vài người phụ nữ đang chia báo đi các sạp ngay ở vỉa hè, cái chợ cóc đầy hoa và quả. 6h sáng đã thấy anh thợ ảnh quê Quảng Ninh loanh quanh tượng đài Chiến thắng. Mỗi tháng anh cũng kiếm được đôi ba triệu, đủ để sống đủ ở thành phố cao nguyên này.
…
Những điều nhỏ xinh ấy cho tôi thêm chút sức và lực để lao vào và tiếp tục với những vòng quay. Phải kiếm tiền đã chứ, rồi thì muốn đi đâu mới đi được.