What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
30.10.2011 Duyên dáng Bharmour.

@ seabee, lâu lắm rồi mới thấy bạn, tưởng đã quên Việt Nam rồi!

------------------------------------------------



30.10.2011 Duyên dáng Bharmour.


Tôi đến Bharmour như có duyên. Xật xừ trên chuyến xe đêm buốt giá Dharamsala – Chamba, tôi vất vưởng ở bến xe Chamba từ 3.30g sáng, lúc chiếc xe đổ bến. Bến xe lạnh lẽo và tiêu điều. Vật vưởng chờ mãi, 6.30am thung lũng Chamba vẫn còn mờ mờ sáng, tôi vẫn chưa thể đi gõ cửa khách sạn, nhà nghỉ giờ đó vì phố xá vẫn đóng cửa im ỉm. Vừa lúc, 1 chiếc xe bus trờ đến và anh phụ lái la to “Bharmour, Bharmour”. Thế là tôi quảy balo nhảy luôn lên xe, dù trước đó vẫn phân vân mãi, và có dự định là chỉ ghé Chamba, không đi Bharmour.


DSCN6306-1.jpg

Những đền đài cũ và mới, duyên dáng với mái lợp bằng đá đen


Là kinh đô của vương triều nhỏ, cho đến khi nhường lại vị trí này cho Chamba từ năm 920AD, Bharmour không còn dấu vết của một kinh thành cổ, chỉ còn là một làng nhỏ nằm cao chất ngất bên sườn núi với nh4ng ngôi đền duyên dáng từ thế kỷ thứ VI, mà khi tôi đến đây, mới biết là mình đã ngu ngốc cỡ nào khi trước đó không định đến Bharmour.


DSCN6268-1.jpg

Ngôi đền từ TK VI Manimanesh, vẫn rạng ngời trong nắng.


DSCN6314-1.jpg



DSCN6288-1.jpg

Chữ Om quan trọng của Hindu giáo


DSCN6295-1.jpg

Những chạm trổ trên gỗ trong ngôi đền Lakshna Devi


Làng quê yên bình, những ngôi đền từ TK VI vẫn còn đẹp tinh xảo một cách kinh ngạc. Không chỉ những chạm trổ trên đá, trên những đền bằng gỗ, nét tinh xảo vẫn ngời ngợi.


DSCN6329-2.jpg

Một xóm nhỏ xa xa treo lưng chừng núi, sau lưng là núi tuyết…


PA300130-1.jpg

..bên dưới là con sông Ravi đẹp đến ngỡ ngàng.


Chia tay làng quê yên bình và những ngoi đền duyên dáng, tôi hơi chút ngậm ngủi vì biết chắc mình sẽ khó làng quay lại một nơi quá đèo heo hút gió như vậy. Mong sao, làng quê vẫn mãi yên bình.
 
31.10.2011 Yêu kiều Chamba.

31.10.2011 Yêu kiều Chamba.



Tôi về lại Chamba khi chiều đã nắng tắt. Tôi định nhảy tiếp lên chuyến xe đi Shimla, sau khi cõng balo đi tìm nhà nghỉ phù hợp với túi tiền không có. Rồi tôi cũng tìm được Jimmy’s Inn, một lữ quán mà những nhân viên phục vụ rất dễ mến – như hầu hết những người dân Chamba mà tôi gặp trong thời gian ngắn ngủi ở đây.


DSCN6397-1.jpg

Chamba nằm trong thung lũng, ven con sông Ravi xanh.


Là kinh đô, là đất kinh kỳ liên tiếp không đổi thay trong gần 1.000 năm, từ 920, khi kinh đô dời về từ Bharmour, cho đến khi rơi vào tay người Anh năm 1845, Chamba là kinh đô của tiểu vương quốc nhỏ trong thung lũng cùng tên. Chưa nói đến đền đài thành quách, chắc vì 1.000 năm là kinh đô nên những người dân Chamba, cả nam lẫn nữ đều đẹp một cách dễ mê mẩn, và hơn vậy nữa, họ rất lịch sự và cách nói chuyện rất khác, rất không giống “Ấn” mà bạn hay gặp.


DSCN6598-1.jpg

Cụm đền đài Lakshmina – đã đến đây rồi bạn sẽ không còn muốn đi thăm đền đài nào khác nữa đâu.


DSCN6604-1.jpg

Ngôi đền chính…

DSCN6512-1.jpg

Một ngôi đền khác…

DSCN6517-1.jpg

Và các chi tiết tinh xảo.


DSCN6655-1.jpg

Một ngôi nhà thờ cổ xưa lợp đá đen – rất lạ và đẹp trong chiều nắng.



Các ngôi đền ở đây có từ TK X – XIX. Một điều lạ, nhưng xét cho cùng thì không lạ là những ngôi đền ở Chamba lại mang phong cách Nepal. Nhất là những trụ đá với Chim thần Garuda quỳ trên đó, ở trước các cụm đền đài thì khó có thể lẫn vào đâu được và hầu như không gặp ở các ngôi đền Hindu miền Nam Ấn. Thật ra thì dấu ấn của Gorkha, Nepal không chỉ ở đây, mà tít ở Dharamsala chúng ta vẫn có thể thấy.


DSCN6642-1.jpg

Hoàng cung xưa giản dị, giờ là trường học.


Tôi có một đêm lãng đãng và một ngày dài lang thang ở đây – thấy vẫn chưa đủ, nhưng đường phía trước còn dài quá nên tôi đành chia tay Chamba. Chia tay phố nhỏ hiền hòa, những người dân mến khách – và những đền đài thành quách cứ gợi nhớ đến những ngày Nepal mùa thu xanh.
 
01-02.11.2011 Lang thang thủ đô mùa hè Shimla.

01-02.11.2011 Lang thang thủ đô mùa hè Shimla.


DSCN6870.jpg

Quảng trường Scandal Point (!?) của Shimla với những căn nhà từ thời thuộc địa mái lợp đá đen…


DSCN6869.jpg

…vẫn dõi mắt theo nhìn đàn con thân yêu.


Tôi không dự định đến Shimla. Trên chuyến xe từ Jammu đi Dharamsala, 1 tên người Ấn kêu tôi nhất định đi Shimla. Tôi đi thử xem sao, nhất là từ Chamba đến Shimla cũng như từ Shimla rời đi đều là những chuyến xe đêm, tôi sẽ tiết kiệm được tiền nhà nghỉ. Nên tôi đi – và tôi càng lúc càng hiểu thêm về khái niệm “du lịch” của người Ấn, trên một đất nước mà sự khác biệt rất cách xa giữa các điểm du lịch cho dân địa phương và cho người nước ngoài.



DSCN6801.jpg

Những ngôi nhà mang dấu ấn thời thuộc địa.


DSCN6892.jpg

Thư viện đẹp nhìn qua cổng nhà thờ..


DSCN6793-1.jpg

… ngồi nhà thờ Christ Church, cổ xưa thứ 2 ở Ấn.​


Shimla, thủ đô mùa hè của người Anh, từ là một làng quê nhỏ bé vô danh… rồi trở thành thủ phủ bang Himachal Pradesh sau nhiều “luân lạc” thuộc về bang Punjab,… Những ngày cuối thu trời nơi đây thoáng đãng mát mẻ. Shimla sạch, sạch hơn cả Sikkim, Ladakh vì chính quyền có nhiều cố gắng. Bảng cấm xả rác có ghi là sẽ phạt 5.000Rs nếu băt gặp. Tôi nặng gấn 2,5 lần tôi hút thuốc, chỉ phạt 2.000Rs. Còn nhớ ở Sikkim, tội đái bậy chỉ phạt có 200Rs hà – nhẹ hều. Phần Shimla không sạch có lẽ do những du khách từ các miền khác của đất Ấn về, vẫn quen xem đường phố là thùng rác công cộng.


DSCN6830.jpg

Đền Jaikhoo với pho tượng thần Hanuman cao lớn trên đỉnh núi.


DSCN6823.jpg

Có một chuyện vui vui. Sau khi thấy tấm bảng này, tôi thử nhắm mắt đi lên đền Jaikhoo. Và tôi đi đúng 20 phút chẵn. Vậy tôi bao nhiêu tuổi!?​

....
 
01-02.11.2011 Lang thang thủ đô mùa hè Shimla - 2.

01-02.11.2011 Lang thang thủ đô mùa hè Shimla - 2.


DSCN6935.jpg



DSCN6950.jpg



DSCN6949.jpg

Những tượng, phù điêu của cả 3 tôn giáo Hindu, Phật giáo, Jain trong bảo tàng đẹp vô cùng​


Tôi ở Shimla gọi là 2 ngày, nhưng thực ra chỉ hơn 24g một tý. Hôm từ Chamba đi, chuyến xe ngày 31.10, ngày Haloween đó chắc có chuyện, nên phải đổi 3 chuyến xe giữa đường mới đến được Shimla lúc gần trưa. Rồi đến lúc tôi “phát hiện” được sự quyến rũ ẩn sau làn sóng du khách Ấn chen chúc thì tôi đã phải rời xa. Tôi đã mua vé trước đó một ngày.


Nếu có thời gian thư thả, bạn cũng nên đi Shimla thử một lần khi lang thang trên xứ Ấn. Đặc biệt bia ở đây ngon lạ lùng, có lẽ vì điều kiện thời tiết tốt, cũng có thể vì nguyên nhân khác. Trên chai bia Kingfisher bán ở đây có ghi rõ là “Bán cho vùng Himachal Pradesh” và giá bán lẻ là 80Rs, trong khi đó ở các nơi khác chỉ là 45-60Rs (giá in trên chai). Bia ngon còn có lẽ uống lén lút vụng trộm. Shimla đã là “Non smoking city” từ tháng 10.2010 và tuy chưa là “Non drinking city” nhưng nhiều nơi công cộng đã ghi bảng cấm. Chắc có lẽ sẽ cấm vào một ngày không xa.


DSCN7031.jpg



DSCN7035.jpg



DSCN6768.jpg

Chia tay Shimla một hoàng hôn đẹp.​


Bây giờ, lại nhớ Shimla khi “về lại Ấn Độ”!
 
3.11.2011 Có gì chơi ở Mussourie? & Haridwar, Nơi đầu nguồn sông Hằng.

3.11.2011 Có gì chơi ở Mussourie?


Chuyến xe đêm từ Shimla đổ xuống bến xe Dehradun lúc 5.30am. Bến xe của thành phố thủ phủ bang Uttarakhand này có vẻ tổ chức đàng hoàng hơn. Tuy không mới (LP 2007) đã nhắc đến nhưng bến xe được giữ gìn khá tươm tất. Thế nhưng để đi Mussourie tôi phải đi vikram (dạng như tuk-tuk) vào đến ga Dehradun, từ đó mới có xe bus đi Mussourie.


DSCN7037-1.jpg

Một góc Mussourie.​

Mussourie, thuộc bang Uttarakhand được LP lưu ý là điểm nên đến, trong phần ghi chú ở đầu chương về bang Uttarakhan, một bang nhỏ miền bắc Ấn. Nhưng theo tôi, Mussourie chẳng có gì để chơi. Không tin bạn cứ đến thử xem sao há!


DSCN7062-1.jpg

Núi đá “Lưng Lạc Đà” xa xa – điểm “must-see” của Mussouie.


DSCN7080-1.jpg

Ngôi nhà thờ Christ Church trong nắng.​



Tôi đến đây từ Shimla, mà ưu điểm về du lịch của Mussourie chỉ là nằm ở miền cao, rừng núi mát mẻ, cũng như Shimla, nhưng thua xa lắc xa lơ. Vậy thôi. Còn vệ điều kiện vệ sinh thì sang đến Uttarakhan thì hầu như bạn “đã về Ấn” lại rồi. Chao chát như các tỉnh miền xuôi. Nên mới vừa từ Shimla đến, tôi lại không thấy gì đặc sắc – giờ lại tiếc nhớ Shimla!!!


DSCN7078-1.jpg

Có lẽ cảnh đẹp nhất là cảnh đoàn xe đạp 3 bánh, cũng là cảnh cực nhất – bạn tưởng tượng việc đạp xe chở 2 vợ chồng người Ấn to béo núc ních ục ịch, cộng thêm 1 hoặc 2 đứa con, ở độ cao 2.000m, lên lên xuống xuống mấy con dốc.​


Tôi cũng dự định sẽ ở lại Mussourie, nhưng may quá, ngay từ đầu, khi vừa đến, tôi không kiếm nhà nghỉ mà gửi balo ngay quán bán đồ ăn sáng, lội ngược lội xuôi xong tôi quay lại lấy balo, về lại Dehradun, rồi vất vả ngược xuôi mấy chuyến xe để nhảy xuống Haridwar lúc chiều đã tắt nắng.


3.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng.


Thực tình mà nói, tôi đã có ý định sẽ tìm đến đầu nguồn sông Hằng, nhưng không dự định trong chuyến đi này. Cho đến những ngày ở Dharamsala, vài chuyện xảy ra. Rồi tôi quyết định đi Uttarakhand, Dehradun, rồi Haridwar.


DSCN7089-1.jpg

Đông đúc người ngồi dài bên 2 bên bờ con kênh (con sông lớn bên ngoài) chờ xem lễ.​


Hiện ra rõ ràng từ Hardiwar nên sông Hằng được cho là bắt nguồn từ đây và đây là khúc sông thiêng của Hindu giáo. Tuy nhiên, hành trình tìm về thượng nguồn sông Hằng vẫn còn đi ngược lên tiếp nữa, rồi tiếp nữa là một hành trình trekking 3 ngày qua con sông băng… Những việc đó vẫn còn ở phía trước, chỉ biết chiều nay tôi ngỡ ngàng, nếu không muốn nói là kinh hoàng khi đến Haridwar. Tiếc là tôi không chụp hình được. Hy vọng rồi sẽ có để chia sẻ với các bạn.


Còn buổi chiều tối, sau một ngày dài hầu như không có gì bỏ bụng, tôi vẫn lê lết chen lấn bên đầu nguồn con sông Hằng để xem buổi lễ đốt đèn lúc chạng vạng – mà tôi thấy còn đông gấp mấy lần ở Varanasi.


DSCN7094-1.jpg

Hoa & đèn trên sông đêm… (giờ mới thấy cần máy chụp hình xịn!)


DSCN7119.jpg

…và buổi sáng tinh mơ hôm nay.​
Không biết những cánh hoa đang trôi trên sông đêm qua có về được Varanasi sáng nay chưa?
 
4.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 2.

4.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 2.


Thực ra, Haridwar không nằm ngay dưới chân Himalaya khi Ganges vừa đổ xuống. Trước đó, còn có nhiều thành phố, làng mạc khác nằm gần nơi những con suối hội tụ thành Ganges, nhưng Haridwar, còn có tên “Dấu chân thần” được chọn làm nơi rửa sạch những tội lỗi (!) của kiếp người mọn hèn vì thần Shiva đã dừng chân nơi đây. Do đó, Haridwar được xem như là nơi sông Hằng bắt đầu, dù trên đó khoảng vài mươi km còn có một thành phố thiêng khác, Rishikesh – trung tâm của cả thế giới (chứ không riêng gì Ấn Độ) về thuật Du Già. The Beatles cũng đã từng đến nơi đây. Để làm gì chắc phải hỏi lại họ!?


DSCN7348-1.jpg


DSCN7331-1.jpg

Sáng sớm lạnh ngắt, vẫn thành kính ngụp lặn, từ lúc đỏ đèn đến lúc tắt đèn – chắc tội nhiều quá nên rửa lâu mới sạch!!!


DSCN7333-1.jpg

…lạnh à, không sao, đã có lửa thiêng sưởi ấm. Miễn phí à? Bạn có tin vậy không?​



Tôi đang bối rối giữa 2 thành phố thiêng này.


Tôi đến Haridar khi mùa yatra vừa qua được mấy ngày, nhưng phố vẫn đông một cách khủng khiếp. Theo anh bạn ở nhà nghỉ thì nhằm nhò gì, đây chỉ là khách quanh vùng thôi, đến mùa yatra thì chen chân không lọt. Gì chứ “chen chân không lọt” của người Ấn thì chắc tôi chạy sút dép. Binh thường như thế này mà nếu có chuyện xảy ra, giẵm đạp lên nhau hậu quả chắc không thua gì thảm họa ở Phnompenh năm rồi…


DSCN7354-1.jpg

Giữa lúc người ta thành kính ngụp lặn, chắc mình đã sạch sẽ tội lỗi rồi, wởn wởn làm cái biểu tình xem sao…


DSCN7363-1.jpg

…mà lôi kéo được toàn chị em phụ nữ! Ai nói ở Ấn Độ nữ quyền bị hạn chế…?​


Nhưng thường đông thì mới vui há!


DSCN7378-1.jpg

Còn mặt trời cứ lừ đừ mà trôi trên sông Hằng vẫn mờ sương…​


Vậy ở lại Haridwar chơi tiếp. Dân chơi sợ gì mưa rơi!


....
 
4-5.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 4.

4-5.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 4.



1-DSCN7184-1.jpg

Khúc sông Hằng ở Haridwar.


1-DSCN7225-1.jpg

Đời thường nơi đất thiêng.


1-DSCN7301-1.jpg

Cũng hành khất nhưng thấy có vẻ “sang” hơn ở VN há!


Tôi tếu táo về Haridwar và Rishikesh chút cho thay đổi không khí vậy thôi, thật ra tôi thực sự thích 2 nơi này, và nếu còn có khả năng quay lại Ấn Độ vào mùa yatra, tôi sẽ quay lại nơi đây, như đã hứa với anh chủ quán trọ dành cho người hành hương.


1-DSCN7410-1.jpg

Đâu phải chỉ ở Thailand, Lào mới có áo vàng trong sáng sớm?


1-DSCN7426-1.jpg

Huống chi ở đây còn có màn biểu diễn Apsara (!?)


Những ngày ở đây (thực ra cũng đến 3 ngày) tôi chỉ nhắm mắt đưa chân cho dòng người hanh hương đưa đẩy. Bạn không cần đi cũng sẽ bị cuốn theo dòng người. Lượng khách tuy đã cuối mùa vẫn còn rất đông. Còn khi vào mùa, chắc tôi phải tập khí công trước khi quay lại quá. Hôm trên xe vừa chuẩn bị đến, nhin những lều trại hàng hàng lớp lớp tôi cứ ngỡ doanh trại quân đội – nào ngờ đâu là cho người hành hương. Cả hàng mấy cây số 2 bên đường là những lều trại như vậy – bao nhiêu đó người ùa ra sông Hằng chắc chật cứng luôn khúc sông ngang nơi này.


1-DSCN7476-1.jpg



1-DSCN7490-1.jpg

“Doanh trại” của người hành hương ở Haridwar.



...
 
4-5.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 5.

4-5.11.2011 Nơi đầu nguồn sông Hằng, Haridwar hay Rishikesh – 5.


DSCN7401-1.jpg

Sông Hằng ở Haridwar trong nắng muộn


Một điều nữa cũng cần phải nói là nghệ thuật điêu khắc (hiện đại) ở 2 nơi này khá tinh tế. Những pho tượng các vị thần Hindu được làm một cách đẹp đẽ và nam tính chứ không phải là các pho tượng khó phân biệt giới tính như ở hầu hết các ngôi đền Hindu, cũng như trong các ngôi đền cũng như hằng hà sa số các ấn phẩm in ấn. Lang thang nơi đây, tôi chỉ tiếc là thời gian không có nhiều, vì sau khi hủy cung đường đến Gangotri, tôi giật mình tính lại thì té ra ngày bị đuổi ra khỏi Ấn Độ cũng không còn xa lắm.


DSCN7257-1.jpg



DSCN7456-1.jpg



DSCN7453-1.jpg

Những pho tượng đẹp ở Haridwar, Rishikesh.


DSCN7303-1.jpg

Pho tượng thần Vishnu này tôi chụp theo góc bắt chước của LP, nhưng thấy đẹp hơn….!!!!


Vất vả bon chen xô đẩy, cuối cùng tôi vẫn không mua được vé tàu về Kolkata, hoặc ngay cả Delhi… tính tới tính lui, từ nhà ga tôi chạy vội về nhà trọ vơ vét đồ đoàn nhét vào túi, cõng vội chạy ra bến xe. Vẫn hụt mất chuyến xe bus về Delhi lúc 11.30g. Tuy chỉ trễ mất nửa tiếng, nhưng tôi đã mất thêm cả một đêm vì chuyến xe 12g trưa về tới Delhi rơi vào giờ cao điểm, kẹt xe. Thay vì mất 6g như bình thường, tôi phải đến hơn 8g đêm mới về đến Delhi, cũng là lúc phòng vé TIC đóng cửa, tôi không mua được vé chuyến tàu đêm hôm đó rời Delhi.


DSCN7238-1.jpg

Bữa ăn của kẻ hành hương (!), chỉ khoảng 15.000VND thôi!


DSCN7467-1.jpg

Và bây giờ, đã nhớ những cánh đồng cải vàng hoa lô nhô những mái đền xa xa…


Biết vậy ở lại Haridwar chơi tiếp rồi đi chuyến xe 12 giờ đêm về Delhi quách cho rồi. Nhưng ở đời, ai biết trước chữ ngờ!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,116
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top