What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
14-17.11.2011 Sun Temple, ngôi đền tôn vinh thần mặt trời hay ngợi ca tình yêu….?

14-17.11.2011 Sun Temple, ngôi đền tôn vinh thần mặt trời hay ngợi ca tình yêu….?



Câu trả lời chắc tùy vào những người đến viếng thăm ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ XIII, lúc vương triều Ganga đang hưng thịnh ở miền duyên hải này. Có một chi tiết cần nói thêm, nhiều trong số những nghệ nhân tham gia xây dựng ngôi đền này đến từ các nước khác, mà nhiều nhất là từ Ba Tư. Lý do không phải vì vương triều Ganga không đủ nghệ nhân mà vì những nghệ nhân bản địa không muốn tham gia xây dựng ngôi đền thờ thần mặt trời, mà phải là tôn thờ thần Shiva hay Visnu… hay gì gì đó… Có lẽ một phần vì vậy, ngoài những nét kiến trúc tài hoa dựng nên một ngôi đền theo cấu trúc chính của một đền thờ Hindu, những người thợ đã thổi vào các chi tiết nhỏ những hơi thở khác… với những phù điêu, chạm trổ… khá đa dạng và linh hoạt về cuộc sống, tình yêu… Mà không chỉ những họa tiết nhỏ, ngay cả những pho tượng lớn cũng thể hiện những hình ảnh đó. Đây chính là điều làm các nhà khảo cổ bối rối vì chúng hiển nhiên đã được vương triều Ganga “công nhận” chính thức chứ không phải là các nghệ nhân hương xa tự làm.


DSCN9153-1.jpg

Tượng sư tử đè voi thể hiện ước mơ gì?


DSCN9352-1.jpg

Vẫn chưa phải ngôi đền chính, đây là Dancing Hall của Sun Temple.


Khác với ngôi đền Khajuraho, những hoạt cảnh ái ân được làm nên với mục đích gì các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời đồng nhất. Không để là thử thách lòng tà của những tín đồ hành hương, có vượt qua được những cám dỗ đó trước khi đặt chân vào bên trong ngôi đền… như là một lý giải cho những tác phẩm nghệ thuật sống động ở Khajuraho. Không phải được dựng nên những hình ảnh “tà dâm” để cho những ma quỷ, ác thần… nhìn vào mà nghĩ rằng đây không phải là nơi tôn nghiêm thờ cúng… nên bỏ qua không phá hoại… Không vì những lý do đó, nhưng vì sao ngôi đền Sun Temple lại tạc nên, chạm trổ nên những hình ảnh đó?


DSCN9210.jpg

Bánh xe của chiến xa Sun Temple


DSCN9361-2.jpg



DSCN9345-1.jpg

Các bức tường, cột đá chạm trổ tinh xảo mô tả về cuộc sống với nghệ nhân chơi trống, các vũ nữ…


Điều ngạc nhiên nữa là ngôi đền được dựng nên như hình ảnh của một chiến xa hoành tráng. Mô tả một chiến xa với 12 cặp bánh xe bằng đá, cao hơn 2m mỗi chiếc, chạm trổ tinh xảo trên từng chiếc “căm” xe, vành bánh xe… lồng ghép vào đó là những nét duyên của đời sống bình thường… Cả nhiều những vấn đề mà bây gờ người ta vẫn e ngại khi đề cập đến, hay vẫn còn là vấn đề cấm đoán ở hầu hết các nước trên thế giới… thì ở Sun Temple chúng được thể hiện một cách dung dị và đời thường – như nó vẫn diễn ra trong đời thường, quanh ta vậy.



PB150672-1.jpg

“Đồ quỷ, người ta bị nắng chiếu dzô chỗ đó nè, còn đứng nhìn muốn lòi con mắt nữa hả!”…


DSCN9290-1.jpg

Đôi sư tử đá đứng len lén trong góc nhìn chăm chú, mắt trợn thô lố, thèm lè lưỡi, nhỏ nước bọt ròng ròng luôn vậy cà….


Nhưng, bạn cũng đừng bị tôi “đầu độc” là ngôi đền chỉ toàn những “cảnh đó” (!?). Ngôi đền, một trong 14 di tích văn hóa được Unesco ghi nhận của Ấn Độ, quả là một tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy, nhìn từ nhiều hướng, nhiều góc cạnh.


………..
 
14-17.11.2011 Sun Temple, ngôi đền tôn vinh thần mặt trời hay ngợi ca tình yêu….? – 2

14-17.11.2011 Sun Temple, ngôi đền tôn vinh thần mặt trời hay ngợi ca tình yêu….? – 2.


Tương truyền rằng, ngôi đền được thần Samba, con trai của thần Krisna dựng nên để bày tỏ lòng cảm ơn đối với Surya, thần mặt trời. Chuyện thần thoại xứ Ấn nhiều lắm, dài lắm, chỉ tóm lược là Samba bị lừa đến nơi các bà vợ của cha đang tắm và Krisna cũng được thông báo để đến đó cùng lúc. Giận dữ và mù quáng, Krisna trừng phạt Samba bị mắc chứng phong cùi. Nhờ sự giúp đỡ của Surya – thần mặt trời, Samba khỏi bệnh… vân vân và vân vân…


1DSCN9315-1.jpg

Pho tượng to lớn và đẹp từng chi tiết nhỏ.


1DSCN9183-1.jpg

Bánh xe đẹp tinh xảo của Surya Temple (tôi chọn hình này, dù vẫn có hình bánh xe hoàn chỉnh) để thấy tài hoa của người xưa mà việc phục chế càng làm nổi bật điều đó (chứ không phải phá hoại nó như ở X).


Sự hoàn thành của ngôi đền, hay vẫn chưa làm xong vẫn còn là một câu hỏi. Với các bức tường còn đang làm dang dở, người ta biết được rằng các kiến trúc ở đây được tạc khắc trực tiếp vào đá sau khi ngôi đền cơ bản được dựng nên – đây chính là một thử thách rất lớn đối với những người nghệ nhân xây dựng nên ngôi đền cao hơn 50m này. Trải qua nhiều dâu bể, nhất là các cuộc tấn công và việc tháo dỡ các phần kim loại của ngôi đền… bởi các Mughal Hồi Giáo… ngôi đền bị thiếu một vài kiến trúc quan trọng – khi người ta phát hiện ra nó vào cuối thế kỷ XIX. Câu hỏi đặt ra là ngôi đền bị thiếu những phần đó hay thực sự là nó chưa được làm xong, vẫn còn chưa được trả lời.


1DSCN9162-1.jpg

Ngôi đền chính nhìn từ Dancing Hall


Ngoài ngôi đền chính, còn có 2 kiến trúc còn lại cũng ngời sáng vẻ tinh hoa chính là Dancing Hall và ngôi đền nhỏ Mayadevi. Trên các tiết tấu của Dancing Hall không có hình ảnh kamasutra, có lẽ là để các vũ công tập trung biểu diễn (!?). Nhưng chính ở đây, các biểu tượng về thần mặt trời Surya cùng các chiến binh của người, các vũ công, vũ nữ, nhạc công… được thể hiện rất tinh xảo, đẹp đẽ và gợi cảm.


Còn ngôi đền nhỏ Mayadevi lại có những điêu khắc nhỏ nhưng hết sức sinh động về những câu chuyện tình yêu.


1DSCN9383-1.jpg

Ngôi đền chính & cả ngôi đền Mayadevi


1DSCN9381-1.jpg

Ngôi đền chính


Điều may mắn, rất may mắn cho chúng ta là ngôi đền Sun Temple này hiện không được tiếp tục sử dụng làm nơi thờ phụng, sau khi bị rơi vào quên lãng, hoang tàn và chỉ được phục chế lại vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong khi đó, một ngôi đền nổi tiếng khác, cùng thời với nó, Jaganath Temple, dù rất đẹp, rất tinh xảo, rất… lại không được Unesco đánh giá, sắp xếp ghi nhận… Vì đơn giản là họ có được vào trong để xem đâu mà xếp hạng, đánh giá.


1DSCN9325-1.jpg



1DSCN9203-1.jpg

Trước khi chia tay Sun Temple, gửi các bạn vài trong vô số (!?) những tấm hình đẹp ngợi ca tình yêu.


Vì thời gian hạn hẹp, và vì lý do sẽ nói trong entry sắp tới, chúng ta tạm chia tay những hình ảnh đẹp ngợi ca tình yêu dâng lên tần mặt trời và dâng lên cuộc sống ở đây nhé.

Hẹn sẽ gặp lại một ngày không xa!
 
14-17.11.2011 Chiêm ngưỡng Jaganath Temple từ trên cao.14-17.11.2011 Chiêm ngưỡng Jag

14-17.11.2011 Chiêm ngưỡng Jaganath Temple từ trên cao.


Khác với Hắc Đền (tên gọi của các thủy thủ người Anh đặt tên cho Sun Temple khi dùng nó để định vị từ ngoài đại dương nhìn vào đất liền), Bạch Đền (cũng do các thủy thủ đặt tên) Jaganath Temple vẫn tiếp tục được thờ phụng từ đó đến giờ. Ngôi đền thiêng này không cho những người ngoại đạo Hindu vào trong. Còn với những người Hindu được vào, cũng không được mang máy chụp hình…nên vẻ đẹp của ngôi đền Jagantha này mang tính huyền thoại.


2DSCN9482-1.jpg

Trước cổng chính ngôi đền.


2DSCN9518-1.jpg

Quảng trường trước ngôi đền.


2DSCN9531-1.jpg

Sắc màu India – không thể nhầm lẫn vào đâu được.


Nằm ở Puri, ngôi đền Jaganath này là tâm điểm thu hút khách hành hương đông nhất trong Tam Giác Vàng Lingaraj (Bhubaneswar) – Jaganath (Puri) – Surya/Sun Temple (Konarth). Đến quảng trường trước ngôi đền có đến 2 tường thành bảo vệ này chúng ta sẽ chiêm nghiệm được phần nào cuộc sống tâm linh của người dân Ấn. Bếp ăn của ngôi đền này được xem là bếp ăn tập thể lớn nhất thế giới (với 400 người nấu), do vậy, đống rác bên ngoài ngôi đền chắc cũng chiếm vị trí đáng nể khác (!?).


2DSCN9487-1.jpg



2DSCN9496-1.jpg

Ngôi đền nhìn từ trên cao.


Tôi cũng bon chen leo lên sân thượng của thư viện đối diện đền chụp hình, sau khi donate 10Rs vào cuốn sổ thấy (chắc là tự) ghi toàn là donation 200, 500Rs… Tôi nhăn nhở cười, ông thủ thư nhăn nhó quạu quọ “mày chỉ được 5p thôi”, rồi tôi leo lên đó đứng cả tiếng!


2DSCN9574-1.jpg

Ngôi đền nhìn từ xung quanh.


2DSCN9582-1.jpg

Và một góc nhìn cận cảnh qua khe hàng rào hẹp.


Rồi tôi ra biển ngồi, sau khi đứng ngắm chán chê trên lầu, dưới đất, hết ngắm đền đến ngắm những người hành hương thành kính đến hôn hít sờ đầu, sờ cổ mấy con bò thiêng đang lười nhác nằm ì giữa quảng trường…


Dù sao tôi cũng đã viếng Jaganath Temple!
 
14-17.11.2011 Lang thang trên chiếc đầm nước lợ lớn nhất châu Á Chilika.

14-17.11.2011 Lang thang trên chiếc đầm nước lợ lớn nhất châu Á Chilika.


Tiếng Anh là lagoon. Về cấu trúc thì nước lợ, cạn lờ lờ, độ sâu từ 0.38 đến 6.2m, đi thuyền bằng sào, thay vì bằng mái chèo... nên tạm gọi Chilika là đầm thay vì là hồ.


Mùa nước lớn rộng đến 1.100km2… Chilika là một đểm đến hấp dẫn, không phải vì nó lớn nhất…gì gì đó, mà là nó là nơi có mật độ cá heo nước ngọt (hay lợ) Irrawaddy đông nhất thế giới, cũng như là nơi quy tụ đông đảo của những bầy chim di trú từ miền lạnh lẽi tìm về trong những ngày đông tháng giá.


DPB170014-1.jpg



DSCN9665-1.jpg



DSCN9651-1.jpg

Các góc nhìn của Chilika Lake trong ngày, gợi nhớ một phá Tam Giang hay một đầm Thị Nại!? Nước vẫn còn màu sông.


Tôi cũng bon chen đi xem cá heo nước ngọt. Xem ở Siphandon, Kratie Cambodia chưa đủ nên giờ đi tiếp. Với lại, tôi cũng thích “sưu tập” mấy cái “nhất nhất” nên cứ nghe đến nó là tôi đi!

DSCN9693-1.jpg

Đã ra đến giữa hồ, nước đã chuyển màu nhưng vẫn còn màu sông.

Không ngờ, đến Chilika Lake còn bị cuốn hút bởi một vẻ đẹp khác nữa – sự hùng vĩ của thiên nhiên. Lang thang trên hồ, ngoài cá heo, chim chóc… sự chuyển màu của vùng nước lợ đục màu phù sa ra đến cửa biển xanh ngắt, cửa biển dậy sóng giữa hồ vì Chilka nhận nguồn nước của đến 52 sông suối nên lượng nước đổ ra biển tương đối lớn.

DSCN9737-1.jpg

“Cuối” hồ, đã dậy màu xanh biếc mênh mang của đại dương.


DSCN9749-1.jpg

Nơi cửa biển – có những con sóng giữa dòng…


DSCN9740-1.jpg

Chài lưới nơi ven hồ.


Và có lẽ ấn tượng nhất là những người dân ven hồ chẳng cần đi thuyền, chỉ đứng ven bờ quăng lưới là bắt được cá – điều đó cho thấy môi trường được bảo vệ tốt như thế nào.


Một ngày lang thang Chilika Lake, như món quà cuối cùng Ấn Độ trao tặng, trước khi tôi lên tàu ngược về Kolkata, rồi lên tiếp chuyến xe chia tay Ấn Độ.




Ra đi từ những ngày thu chưa vàng lá, bây giờ mùa đã sang đông, sao vẫn còn mãi lang thang…
 
18-20.11.2011 As-sa-lam wa-lai-kum from land of people who speak Bangla!18-20.

18-20.11.2011 As-sa-lam wa-lai-kum from land of people who speak Bangla!


Lời chào từ miền đất của những người nói tiếng Bangla! Welcome to Bangladesh!



Cho đến lúc nhận lại cuốn passport, sau hàng loạt những câu hỏi về những thông tin mà tôi đã rất ngạc nhiên lần điền vào phiếu xin visa, như “họ và tên cha”; “nghề nghiệp”… cùng với sự im lặng khó hiểu kéo dài sau khi hỏi LOI (thư mời) đâu và tôi trả lời không có… tôi mới kín đáo thở phào vô cùng nhẹ nhõm, cảm ơn anh cảnh sát hải quan Bangladesh, bước qua cửa khẩu và yên tâm rằng mình đã đặt chân vào Bangladesh.


DSCN9915-1.jpg

“Ê ku, làm cho anh hai mầy một tấm hình coi chơi mậy!” – Okie, có ngay anh hai!


DSCN9854-1.jpg

Những gương mặt sáng bên những tà áo nhiều màu.


DSCN9891-1.jpg

“Tui đã nói hổng chịu rồi mà ông cứ theo tui hoài dzị! Hổng thấy tui mặc đồ che kín mít từ đầu đến chưn để ba tui khỏi oánh rồi, mà ông cứ theo tui dzầy ổng thấy ổng oánh chết tui luôn đó!”



Nói nào ngay, cửa khẩu Haridaspur/Benapole tuy mất trật tự nhưng cũng còn ít lộn xộn như mấy cửa khẩu đường bộ sang TQ. Tuy nhiên, vì những câu chuyện bên lề tám khi lê la đầu đường xó chợ ở Kolkata về việc không cho phép du khách dù đã có visa nhập cảnh làm tôi cũng hơi run – nhất là chẳng biết chia sẻ cùng ai vì tôi là khách “ngoại quốc” duy nhất ở cửa khẩu hôm đó (“Xin thề anh nói thật!”). Nhất là hôm đó là ngày cuối của Visa Ấn Độ nên nếu bị trả về tôi sẽ gặp nhiều lôi thôi hơn. Tạ ơn trời Phật, cuối cùng rồi cũng may mắn đặt chân lên Bangladesh. Vì phấn khích nên dù có một số chuyện nho nhỏ khác, mà bình thường tôi cũng đã tưng tưng lên hôm đó đều được cho qua một cách nhẹ nhàng.


DSCN9880-1.jpg

Giống mấy xiên thịt kebab quá há… He he he, nhưng đó là phân bò đó! Để làm chất đốt, có 2 cách là làm thành bánh dẹt (giống mấy bánh trà/chè Vân Nam mà mấy bạn đi TQ hay mua về!!!) và cách này mới thấy.


Rồi từ cửa khẩu, tôi đi rickshaw đến bến xe Benapole, leo lên xe đi Jessore, chuyển xe khác về Khulna, đi rickshaw đến Society Hotel… người mệt rã rời (vì một đêm chia tay Ấn Độ quá nồng nàn là lý do chính chứ chẳng phải vì mấy việc tàu xe này) lăn đùng ra chiếc giường, tự nhiên thấy trời đất quay cuồng!


DSCN9917-1.jpg

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi như ở quê mình há!


DSCN9831-1.jpg



DSCN9832-1.jpg

Những ao hồ lung linh súng nở. Hoa súng bình dị nhưng rực rỡ là quốc hoa của đất nước này.


Welcome to Bangladesh!
 
18-20.11 Assalam walaikum from land of people who speak Bangla! Đẹp xưa Bagerhat!

18-20.11 Assalam walaikum from land of people who speak Bangla! Đẹp xưa Bagerhat!



Tôi sẽ chưa phát biểu cảm giác về Bangladesh – dù cảm xúc đang ngồn ngộn, vì còn quá sớm. Nhưng, để trả lời cho câu hỏi của một người bạn “Ủa, Bangladesh như một tiểu bang của Ấn Độ, tách ra từ Ấn Độ có mấy chục năm chớ mấy, vậy đi Ấn đã đời đã điếu rồi còn đi sang bể làm gì?”, tôi chắc chắn một điều, Bangladesh, người Bangladesh khác rất xa với Ấn Độ, người Ấn… Thực ra, chỉ mấy mươi năm, nhiều chuyện đã rất khác phải không các bạn - ở mình, mình cũng thấy điều đó dễ dàng mà!


DSCN9985-1.jpg

Tôi, kẻ ham tiền hơn mạng sống, cứ theo tiền mà đi! – Nhà thờ Hồi giáo Shait Gumba trên tờ 20 Taka.


DSCN9817-1.jpg



DSCN9827-1.jpg

Và hình của tôi đẹp hơn há!



Sau một buổi chiều lang thang phố phường để làm quen với Bangladesh, sáng tôi dậy thật sớm ra bến xe bus đi Bagerhat – lý do mà tôi chuyển hướng không đi thẳng Dhaka. Phố xưa, di tích văn hóa Unesco, với những nhà thờ Hồi giáo từ thế kỷ XV này nhất định phải là điểm must-see đầu tiên của tôi trên đất Bangladesh. Để có những ấn tượng đẹp ngay từ ban đầu. Những gì đầu tiên thường rất quan trọng, phải không bạn?


DSCN9900-1.jpg

Các họa tiết trên gạch dù đã hơn 5 thế kỷ vẫn còn khá sắc xảo.


DSCN9925-1.jpg

Lăng mộ của vị Sadhus Khan Jahan Ali


Và đúng vậy. Bagerhat với những nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ cổ xưa thật duyên dáng. Tôn thêm vẻ duyên dáng đó là những khu vườn, cánh đồng, ao hồ xanh mướt vây quanh. Đã sang mùa đông, trời mù sương và không trong xanh nhưng bù lại mát mẻ dễ chịu – nhất là khi lang thang trong những nụ cười, câu chào, những cái bắt tay, những câu hỏi han… đến hơi mỏi mệt của những người dân nhiệt tình và thiệt tình ở đây.


Những nhà thờ Shait Gumbad, Bibi Begni, Chunakhola, Dingar, Nine-Domed, Zindar Pir, Ronvijoypur… rồi đến lăng mộ của Khan Jahan Ali, một vị thánh sống của người vùng Khulna, cũng như của Bangladesh… đều từ thế kỷ XV nhưng được bảo quản khá tốt. Phải nói như vậy vì các kiến trúc này xây dựng bằng gạch nung chứ không phải bằng đá cứng như các ngôi đền Hindu bến Ấn. Do vậy, tuy nằm ở miền sông nước ẩm ướt, nổi tiếng với những cơn cuồng phong khoảng vài ba năm lại quét qua một lần… những ngôi nhà thờ này vẫn rất duyên dáng một cách lạ lùng bên những màu xanh Bagerhat.


DSCN9923-1.jpg

Ngôi nhà thờ Zindar Pir bên những sân đang phơi cau khô – tặng thêm chút màu.


DSCN9867-1.jpg

Nhà thờ Chunakhola giữa đồng xanh


Mới ngày đầu, đã thấy Bangladesh thật đẹp!
 
21.11.2011 Rời Khulna đi Mongla.

21.11.2011 Rời Khulna đi Mongla.


Sau một sáng lang thang Khulna, tôi lên đường đi Mongla, cửa ngõ đi rừng Sundarban, khu rừng là di tích Unesco nổi tiếng vì nhiều thứ, trong đó, đặc biệt là những con cọp Bengal với sở thích ăn thịt người – cứ 3 ngày là một người đi tong.


Những hình ảnh của Khulna bình yên & mến khách.


DSCN0007-1.jpg

3 chúng ta cùng đua nào!


1DSCN9998-1.jpg

Nhớ những cái ống heo ngày cũ – chuyên môn bị móc ruột mà không biết!


1DSCN9995-1.jpg

Cá tươi đây, mại dzô, mại dzô….


DSCN0025-1.jpg

Cu kia, đi học sao không mang dép?


DSCN0026-1.jpg

“Trái cây” không thể thiếu của người Bangladesh. Cau!


DSCN0024-1.jpg

Sẵn sàng rồi, lên đường thôi!

.......
 
22.11.2011 Tôi đi rừng Sundarban

22.11.2011 Tôi đi rừng Sundarban



Mongla, cảng lớn của Bangladesh. Nhiều tàu cập bến, nhiều đoàn thủy thủ đa sắc tộc lên lên xuống xuống… Va chạm nhiều, phai phôi ít nhiều những nét dễ thương hiền lành, ít nhiều thôi chứ vẫn còn rất OK.


Giá đi rừng Sundarban ở Bangladesh đắt gấp mấy lần ở Kolkata (bạn nào muốn đi Sundarban lưu ý). Tôi vẫn có thể sắp xếp đi được (!?), nhưng không muốn là người “rơi vào ngày thứ 4” của một con cọp Bengal dài hơn 2m, vừa biết leo trèo vừa thoăn thoắt bơi lội ra giữa sông mênh mông cõng người trên thuyền… nên tôi chỉ đi một ngày – gọi là đi cho biết.


Tôi có gặp con cọp nào trong hơn 200 con cọp Bengal đang lảng vảng quanh vùng? Bạn nghĩ sao?


Chia sẻ vài tấm hình về rừng Sundarban.


DSCN0047-1.jpg

Ra đi buổi sáng mù sương, giờ cọp thường ra sông uống nước và rình thú rừng đi uống nước, cũng như người đi tắm sớm (!?).


DSCN0072-1.jpg

Đồn kiểm lâm Karamjal, cửa ngõ chính vào Sundarban


DSCN0077-1.jpg

Một nhánh kinh trong hằng hà sa số các nhánh kinh của vùng Padma Delta.


DSCN0095-1.jpg

Cá sấu bò lềnh khênh – nhớ chuyện xưa Nam bộ!


DSCN0099-1.jpg

Một góc rừng Sundarban nhìn từ viewpoitn. Bạn có thấy con cọp nào không?


DSCN0117-1.jpg

Những cánh đồng ven sông, xa xa là Sundarban.


DSCN0137-1.jpg

Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại một cánh buồm! Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…


........
 
23.11.2011 Puthia lộng lẫy

23.11.2011 Puthia lộng lẫy



Từ Sundarban, tôi tất tả chạy về Khulna, nhảy lên xe quay lại Jessore nhưng vẫn không kịp chuyến xe đi Rajshahi. Nhảy tiếp lên chuyến xe đi Natore, hy vọng đến sớm sẽ chuyển xe đi tiếp Rajshahi. Đến Natore gần 9 giờ đêm, vẫn còn xe đi Rajshahi nhưng mệt mỏi và nghĩ đến cảnh vác balo đi tìm nhà trọ vì cái mình cần hết phòng hoặc đóng cửa… bèn dừng lại Natore. Để rồi nửa đêm đọc sách. Để rồi sáng sớm nhảy xe đi Puthia – và gặp một Puthia cổ xưa lộng lẫy giữa những màu xanh.


Với những đền đài, “cung điện” hoàng gia từ những năm 1800, Puthia hiện là miền đất bị lãng quên bởi các tou du lịch. Tôi đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác khi lang thang ở một Puthia đẹp lộng lẫy và bình yên. Trên đất nước Hồi giáo, những ngôi đền Hindu xưa vẫn rạng ngời – và ngạc nhiên thay, vẻ đẹp của Puthia, miền đất Hồi giáo lại do chính những ngôi đền Hindu xưa mang lại.


DSCN0157-1.jpg

Ngôi đền Shiva soi bóng bên hồ.


DSCN0261-1.jpg

Một tòa nhà của hoàng cung xưa.


DSCN0304-1.jpg

Ngôi đền Shiva và hoàng cung soi bóng bên một hồ khác.


DSCN0264-1.jpg

Govinda Mandir soi bóng bên hồ xanh


DSCN0289-1.jpg

Lộng lẫy Small Govinda Temple…


DSCN0281-1.jpg

Với những họa tiết sắc xảo trên gạch nung – vẫn rạng ngời qua dâu bể của cả thời gian và thời cuộc…


DSCN0273-1.jpg

Puthia đẹp, xanh, yên bình… nhưng dường như đang rơi vào quên lãng. Cả hôm đó, không thấy khách nước ngoài nào trừ tôi (!?).


Bangladesh có khác với những gì bạn từng nghĩ về đất nước này?
 
23.11.2011 Natore đẹp xưa

23.11.2011 Natore đẹp xưa


Cách Puthia 16km, Natore cũng không hề kém duyên – dù nếu nói về phố thị thì Natore kém thật. Ồn và bụi. Tuy không như những phố India khác nhưng so với Puthia, Khulna… thì Natore mất điểm. Bù lại là khoảng trời xưa, của hoàng gia xưa… thênh thang những hồ và cung điện cũ – dù đã tàn phai vẫn còn đẹp.


Cổ xưa hơn cả Puthia, 7 tòa cung điện của Natore lại trông rất “Tây” dù chúng được xây dựng vào những năm 1700. Tuy thời cuộc đã phá hủy gần hết, chỉ sót lại Baro Taraf, Chhota Taraf… nhưng rõ ràng là việc Chhota Taraf được xem là một trong những tòa nhà đẹp nhất Bangladesh có thể không phải nghi ngờ - dù tôi chỉ trên đất Bangladesh mới được mấy ngày.


DSCN0341-1.jpg

Các cung điện xưa nằm giữa hồ xanh bên hàng cây xanh.


DSCN0334-1.jpg



DSCN0318-1.jpg



DSCN0321-1.jpg

Chhota Taraf – các góc hình


DSCN0381-1.jpg

…và rạng rỡ trong nắng chiều.


DSCN0339-1.jpg

Một cung điện khác – trông cũng “Tây” như Chhota Taraf.


DSCN0372-1.jpg

Cũng không thể bỏ qua ngôi đền Hindu trong khuôn viên Natore Rajbari, nơi có những sadhus đang lang thang – những sadhus duy nhất của miền đất Hồi giáo này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,117
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top