What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
24.11.2011 Rajshahi, bên này dòng Ganga.

24.11.2011 Rajshahi, bên này dòng Ganga.


Tôi đến Rajshahi cũng từ một tờ tiền Bangladseh, trên một chuyến xe bus. Cầm tờ tiền 1.000Taka và hỏi chú ngồi kế bên cung điện, đền đài này ở đâu. Sau khi nghe chú trả lời, tôi lật L.P xem và “kết” ngay từ những câu đầu “Nếu Indiana John là người có thật, nhất định chàng sẽ sống ở Rajshahi…”. Tôi là fan hâm mộ của I.J từ hơn 20 năm về trước, lúc chàng H.F còn bảnh bao mày râu nhẵn nhụi chứ không già chát, mặt nhiều nếp nhăn như chó mặt nhăn như bây giờ! Nên nhất định tôi phải đến Rajshahi.


Thành phố Rajshahi, thủ phủ của tiểu bang/division (?) cùng tên thực ra chỉ là điểm dừng chân để thăm viếng 3 nơi khác, Natore, Puthia & Gaud. Tôi đã đến Natore & Puthia trước đó rồi, lẽ ra không cần ghé Rajshahi, đến thẳng Gaud luôn… nhưng cũng vì mến mộ danh tiếng của Silk City, University City… nên tôi vẫn đến đây, để những sớm mai mù sương trong nắng nhạt, thấy lòng chơi vơi như con sông Padma / sông Hằng / Ganga đang lững lờ chảy giữa đôi bờ, giữa 2 miền đất, giữa 2 đất nước…


Mới ngày nào ở thượng nguồn miền Hariwar, Rishiket… giờ tôi trôi dạt đến nơi đây… còn trôi đến bao giờ, còn lênh đênh mãi đâu…


1DSCN0385-1.jpg

Tôi chưa gặp những chuyến xe chở lụa tơ ở Silk City, nhưng những chuyến xe này tôi gặp hoài trên đường phố…


1DSCN0731-1.jpg

..cả những gánh hàng rong chơ vơ giữa phố đông…


1DSCN0390-1.jpg

Một góc của Rajshahi University City…


1DSCN0669-2.jpg

…rồi một góc khác rực rỡ sắc thu (chỉ tiếc là hình chụp trên xe không đẹp)


1DSCN0686-1.jpg

Sông Padma (tên gọi của sông Ganga bên này Bangladesh) một sớm mùa đông… bên kia sông là nước Ấn.


1DSCN0712-1.jpg

…chơi vơi một con đò trên bến sông…


1DSCN0717-1.jpg

…một người ngồi bên này sông im nghe nước chảy về đâu…


........
 
25.11.2011 Trở lại Ấn? Gaud cổ xưa là ở nơi nào?

25.11.2011 Trở lại Ấn? Gaud cổ xưa là ở nơi nào?


Không một ai trong những người ở Rajshahi mà tôi hỏi, biết Gaud ở nơi nao, kể cả anh tiếp tân ở KS Al Rashid nói tiếng Anh như gió và tôi đưa cuốn LP cho anh đọc. Kể cả những chú quản lý bến xe, tài xế… dù Gaud chỉ cách Rajshahi khoảng 100km!


Chỉ sau khi nói India/Border thì họ mới gật gù… nhưng tôi thì lo ngại – có đến 2 cửa khẩu ở gần Rajshahi, họ đưa tôi đến lộn cửa khẩu thì cực thân tôi. Sau cùng tôi cũng đến được Gaud và tôi biết thêm 1 điều, chỉ cần nói Sona Masjid là họ sẽ đưa bạn đến Gaud. Chỉ một chi tiết rất nhỏ vậy thôi, nhưng LP Bangladesh chưa nói rõ, làm nửa đầu buổi sáng tôi cứ bồn chồn trên xe. Àh, mà bữa giờ hình như tôi cũng chưa nói với bạn là tình hình “giao tiếp” bằng “bảng biểu” ở Bangladesh cực kỳ tệ, tệ hơn cả ở Tàu. 99,9% các bảng biểu từ pano chỉ đường đến bảng hiệu trước cửa nhà đều chỉ là tiếng Bangla như những con giun, không hề có tiếng Latinh/Anh. Ở TQ bây giờ nhiều thành phố lớn trước cửa nhà đều có những tấm bảng ghi địa chỉ song ngữ (như ở hầu hết các thành phố của Shandong – như tôi còn nhớ rõ). Do vậy, lang thang trên đất Bangladesh nhiều lúc cũng không đơn giản.


Và bởi vì tôi nói là muốn đến “India/Border” nên chú em lơ xe nhất định không cho tôi xuống xe khi tôi chỉ trỏ những đền đài của Gaud nằm thấp thoáng trên đường và hươ tay múa chân nói rằng tôi muốn xuống. Chỉ mãi đến khi xe đến bền xe, cách đồn kiểm soát đầu tiên của cảnh sát biên giới chỉ tròm trèm 100m thì chú mới cho tôi xuống và chỉ tôi đi về phía biên giới, cuốn theo dòng người đang về đó. Nên tôi cũng đi, như mọi người đang đi sang Ấn, đến khi gặp cổng kiểm soát, nơi bạn phải trình passport và visa Ấn tôi mới dừng lại – và quay lại Bangladesh.


Tôi đi Gaud (hay Gaur) như vậy đó.


Với những ngôi nhà thờ Hồi Giáo, trường học tôn giáo… từ những năm 1.400 Gaur có thể được gọi là miền đất của những ngôi đền. Chỉ tiếc rằng nằm ở một nơi vài năm trước vẫn còn là vùng biên giới nhạy cảm – và theo LP là những ngôi đền đó nằm lẫn lộn giữa 2 nước, nên nơi đây vắng tanh. May mà tôi đến đó hôm thứ 6 nên nơi đây đông vui. Xui rủi là tôi đến trúng thứ 6 nên tôi không vào được bên trong những nhà thờ, nơi người ta đang tụ tập để cầu nguyện…


May mà tôi đã đến được Gaur, với những nét duyên đặc sắc khác hẳn Bagerhat, không nằm ở chỗ to lớn hoành tráng mà ở những chỉ tiết nhỏ, không ở sự nguyên vẹn mà ở những mảnh vỡ của thời gian…


DSCN0400-1.jpg

Biên giới với những đoàn xe dài dằng dặc..


DSCN0410-1.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Darasbari, từ 1470 dưới bóng “thốt nốt”… làm tôi lãng đãng nhớ Cambodia…


DSCN0431-4.jpg

Một mảnh tường vỡ trong Darasbari – bạn thấy người xưa đã làm gì với gạch nung và những gì còn lại sau bấy nhiêu thời gian…


DSCN0492-1.jpg



DSCN0475-1.jpg

Trường học tôn giáo Darasbari thênh thang


DSCN0552-1.jpg

Takhhna Palace dù già nua vài trăm năm tuổi tác vẫn lộng lẫy giữa hoa cỏ mùa đông


DSCN0666-1.jpg

Chhota Sona Masjid (Small Golden Mosque) – Ngôi đền Vàng nhưng lại có màu đen…



........
 
26.11.2011 Bogra, còn nhớ ngày huy hoàng?

26.11.2011 Bogra, còn nhớ ngày huy hoàng?


Rời Rajshahi, tôi xui rủi đến Bogra vào ngày bầu cử. Vì đường xá bị chặn nên xe dừng ở một nơi nào đó lưng chừng, không đến được bến xe – nơi tôi vẫn canh các con đường sẽ đi bộ từ đó. Do vậy, tôi vừa cõng balo đi vừa lầm bầm (!?) hơn 1g đồng hồ mới đến được phố chính.


Bogra, cũng là một phố dừng chân để đi đến các danh thắng quanh đó, nhưng phố này có “sức sống” sôi động hơn những phố tôi vừa qua. Nơi đây còn có một dinh thự không xưa lắm của vị thủ tướng Pakistan ngày trước, ngày Bangladesh còn là East Pakistan. Chỉ vậy thôi. Nhưng quanh quẩn Bogra lại thật lắm những điều thú vị. Một ví dụ, chỉ một thôi há. Ở Bangkok, gần đây nếu bạn nào lang thang Khaosan sẽ thấy có một tour “mới”, chỉ có vào cuối tuần, đó là tour đi chợ nổi Amphawa kết hợp với một điểm tham quan khác mà họ cho rằng cực kỳ thú vị và lạ lẫm “chợ đường ray”. Đó là 1 cái chợ họp cuối tuần, trên đường ray xe lửa vẫn đang hoạt động. Khi xe lửa chạy qua, hàng hóa được khuân xuống. Xe lửa đi mất, hàng hóa được khuân lên… cứ thế chợ họp sôi nổi. Ở một phố ngoại vi Bogra, bạn được xem cảnh đó miễn phí, khỏi cần tốn đến 750baht # 25$ (hình như vậy) để mua tour ở Bangkok….


2DSCN4202-1.jpg

Chân dung vị Thủ tướng Pakistan, có cùng tên Bogra ở thành phố mang tên ông.


2DSCN0768-1.jpg

Sôi nổi “biểu tình” hô hào vận động bỏ phiếu cho người của đảng mình…


2DSCN0765-1.jpg

Voi cũng tham gia cổ động “biểu tình” (!?)


2DSCN0965-1.jpg

Chợ bông cải


2DSCN0991-1.jpg

Chợ củ cải


2DSCN4217-1.jpg

Chợ đèn măng-xông


2DSCN4494-1.jpg

Chợ đường ray, con tàu đang lù lù xông tới... thiên hạ la hét ầm ĩ vì có một kẻ vẫn mê mải đứng sát đường ray chụp hình!!!


Còn chợ nào ở Bogra mà tôi quên chưa giới thiệu? Chợ tình…!?
 
27.11.2011 Mahasthangarh được xây dựng từ thế kỷ V trước Công Nguyên, thực hư?

27.11.2011 Mahasthangarh được xây dựng từ thế kỷ V trước Công Nguyên, thực hư?


Chỉ có 200 năm thôi mà anh ku viết LP Bangladesh cũng gân cổ lên cãi. Theo các nhà khảo cổ Bangladesh, thành cổ Mahasthangarh, thành phổ cổ xưa nhất được biết đến của Bangladesh có từ năm 500 trước CN. Anh ku kia thì bảo không đúng, chỉ từ khoảng TK III trước CN mà thôi. Có 200 năm thôi mà! Tôi thì tôi tin các nhà khảo cổ Bangladesh! Với lại, khoe với bạn bè rằng mình đi thăm ngôi thành cổ 2.500 tuổi vẫn oai hơn là đi thăm ngôi thành chỉ 2.300 tuổi!



Thành cổ 2.500 tuổi Mahasthangarh, mà những những dấu tích của tường thành hiện còn lại dù chỉ là 1.200 tuổi (ở thế kỷ VIII CN), quả thật là một điểm nên đến – dù nó không còn gì ngoài một tường thành ôm quanh giờ vẫn còn sừng sững với những chiếc giếng cổ hơn 1.000 năm tuổi, đó đây vài di tích – là những đống gạch vụn trong ngôi làng nằm trong thành. Những di tích khảo cổ về các đế chế Phất giáo, Hindu, Muslim giờ nằm trong bảo tàng. Chỉ còn ngôi đền Hindu từ thế kỷ thứ 6, Govinda Bita là còn sót đôi chút nằm trên ngọn đồi nhìn xuống con sông Karatuya thơ mộng…



Và, làm sao quên một sớm mai bình yên bên ngôi thành xưa thật là xưa, giữa những cánh đồng, bên những con đường râm bóng, những chiếc xe trĩu nặng cặm cụi ngược gió… Cần gì 2.500 trước!


DSCN0779-2.jpg

Đã nói là thành 2.500 tuổi, ngày trước sư thầy Huyền Trang cũng từng ghé đây, ghi lại trong sử sách mà cứ cãi…


DSCN0789-1.jpg



DSCN0892-1.jpg



DSCN0888-1.jpg

Những dấu xưa của tường thành từ TK VIII (3)


DSCN0902-1.jpg

Ngôi đền Hindu Govinda – những gì còn lại…


DSCN0913-1.jpg

…và chút mầm xanh trên bức tường 1.200 tuổi.


DSCN0798-1.jpg

Những con đường yên sớm mai trong ở Mahasthan.


..............
 
28.11 Bên sườn nam Himalaya, Thiền viện Phật giáo lớn nhất lại nằm trên đất Hồi giáo?

28.11.2011 Bên sườn nam Himalaya, Thiền viện Phật giáo lớn nhất lại nằm trên đất Hồi giáo?


Somapuri Vihara / Monastery là ngôi thiền viện Phật giáo từ thế kỷ VIII được xem là lớn nhất trong tất cả các tu viện, thiền viện nằm bên sườn nam Himalaya. Vậy bên kia phía bắc? Không thấy LP nói đến.


Tếu táo một chút vậy thôi chứ tôi thật sự cũng hơi “sốc” khi viếng ngôi thiền viện này. Không phải vì sự to lớn (có còn gì đâu!) mà ở những nét tinh xảo. Mà những nét tinh xảo đó, là của người xưa, chứ không nói về ngôi thiền viện. Vì ngôi thiền viện, từ là của Phật Giáo thưở ban đầu khi hưng thịnh, sau đó đã là của Jain, rồi đến Hindu. Chỉ còn thiếu Muslim, một cách hơi khó hiểu trên đất nước của đạo Muslim!


Do vậy, những điêu khắc chạm trổ ở ngôi đền , những pho tượng, phù điêu… là của nhiều tôn giáo. Nhưng không nói đến tôn giáo, chỉ nói đến những nét tinh xảo lạ lùng của chúng. Dù nhiều người cho rằng những “tác phẩm nghệ thuật trên gạch” ở ngôi đền Kantanagar mới là đặc sắc nhất ở Bangladesh, tôi nghĩ có lẽ họ chưa đến (!?) tu viện Somapuri, một di tích của Unesco Herritage này!


DSCN4239-1.jpg

LP Bangladesh 2008 không nói rằng Somapuri là di tích Unesco. Mới được phong? Hay các tác giả LP quên? Hay chưa đến, mà chỉ đọc tài liệu rồi gõ? He he he… giống tui!


DSCN4485-1.jpg

Ngôi đền thấp thoáng giữa cánh đồng mùa lúa chín. Đến sớm hơn một ngày (!!!???) chắc còn nguyên cánh đồng - đẹp hơn!!!


DSCN4390-1.jpg

Ngôi đền và mô hình thu nhỏ của ngôi đền nằm ngay trước.


DSCN4292-1.jpg

Những viên gạch trang trí, lúc thì giống tranh Piccaso..


DSCN4250-1.jpg

…lúc nhẹ nhàng tinh tế. Những nụ cười mới nhẹ nhàng làm sao!


DSCN4398-1.jpg



DSCN4405-1.jpg

Ngôi đền “hoành tráng” ở các góc nhìn.


.........
 
29.11.2011 Có gì ở Dinajpur ngoài Kantanagar?

29.11.2011 Có gì ở Dinajpur ngoài Kantanagar?


Dinajpur là điểm “trung chuyển” để khách du ghé thăm ngôi đền Kantanagar gần đó. Nhưng chỉ có vậy thôi sao, ở một trong những “thành phố” lớn nhất miền bắc Bangladesh này.


Dĩ nhiên là không chỉ có vậy. Cũng chỉ cách biên giới Ấn độ 15km, phố ngổn ngang, ngồn ngộn hàng hóa Ấn, Tàu, người đông đúc,… với những con đường nhỏ hẹp và lấm cát như đường làng… Và những di tích cổ, cái thì cổ đến mức chỉ còn vôi vữa. Cái thì cổ đến mức phải “trùng tu” lại bằng những gam màu mới rực rỡ sặc sỡ… y chang như ở đâu đó xứ X! Nhưng, chúng lại điểm tô cho Dinajpur những nét duyên lạ, giữa những nét “quê” còn khó giữ được bây giờ.


DSCN4545-1.jpg



DSCN4547-1.jpg

Những gì còn lại của một dinh thự hoàng gia ngày cũ… (2)


DSCN4520-1.jpg

Bên cạnh vẻ ngoài tinh tươm của Dugra Temple..


DSCN4530-1.jpg

..và những sắc màu tươi mới của Krishna Temple.


Dinajpur đang những ngày gặt, lúa vàng từ ngoài đồng vào nhà. Bây giờ, mà ở đây người ta vẫn còn “đập lúa”! (Cái này chắc mấy bạn thành thị ít hiểu hơn mấy bạn có chút gốc rạ như tôi), như hàng mấy trăm năm trước. Đừng nói gì đến máy chạy động cơ giờ xoành xoạch khắp nơi quê mình, ngay cả cái thùng suốt lúa đơn giản cũng hổng thấy. Nên người ta vẫn đập lúa. Tiếc là không có đêm trăng thanh nào những ngày này để tôi xem họ đập lúa đêm trăng mà mơ màng với những bài dân-tình-ca của Phạm Duy. Rồi những sắc màu dân dã, của ngày vui mùa gặt… nơi nơi. Từ những chiếc bánh thấm đẫ đường vàng sóng sánh mà khi ăn chúng bạn sẽ phải cẩn thận vì bạn đang cướp miếng ăn của những chú ong, đang lười nhác say sưa vục đầu trong đó hút đường thay về siêng năng đi hút mật. Rồi những sắc màu như cầu vồng của đủ các loại cốm làm từ đậu, rồi… rồi…rồi…


DSCN4663-1.jpg

Giờ người ta vẫn còn đập lúa bằng tay đơn giản, y như mấy trăm, mấy ngàn năm trước vậy!


DSCN4743-1.jpg

Giành ăn với mấy con ong là phải coi chừng!


DSCN4738-1.jpg

Nâng nghệ thuật ăn hàng lên thành văn hóa sắc màu!


Tất cả những thứ đó, giữa một Dinajpur với những di tích hoang tàn đổ nát, bên những di tích được vôi ve màu sắc nồng nàn…làm nên một nét duyên quê khó tìm, của riêng Dinajpur!
 
30.11.2011 Có thực Kantanagar là ngôi đền Hindu tinh xảo nhất ở Bangladesh?

30.11.2011 Có thực Kantanagar là ngôi đền Hindu tinh xảo nhất ở Bangladesh?


Không là di tích Unesco. Không nằm ở các box “must-see” ở trang 2-3… nhưng đâu đó, đến vài lần tác giả cho rằng Kantanagar là ngôi đền Hindu có kiến trúc tinh xảo nhất ở Bangladesh.


Tôi chẳng biết cái “nhất” đó đo bằng cách nào, tiêu chuẩn nào… nhưng trước khi đến đây, tôi đã lang thang và ngỡ ngàng ở Bagerhat, Gaud, Somapuri… nên tôi cũng hơi nghi ngờ ít nhiều. Nhất là khi thấy sao Kantanagar lại không được đưa lên trang bìa hay là Unesco Herritage như các điểm kia…


DSCN4730-1.jpg

Thoạt nhìn, ngôi đền cũng không hoành tráng chói lóa….


DSCN4723-1.jpg



DSCN4590-1.jpg



DSCN4611-1.jpg

Nhưng đến gần hơn, dễ choáng bởi những nét tinh xảo.


Nên lúc đầu tôi định bỏ qua không đi vì thấy xe cộ loằng ngoằng phức tạp. Rồi cuối cùng tôi đi. Rồi tôi thấy may mà tôi đã đi. Nhất hay không, về độ tinh xảo của kiến trúc, phù điều…., tôi không biết, nhưng ít ra cũng nằm trong Top 3 – một trong những cái nhất!!! Bạn tin hay không, xem thử sẽ biết, và phán đoán giúp tôi nhé. Cũng là giúp Kantanagar, ngôi đền từ thế kỷ XVIII được thêm chút hư danh.


DSCN4708-1.jpg



DSCN4707-1.jpg



DSCN4675-1.jpg

Gần, rồi gần hơn… rồi tự hỏi “người ta đã làm điều đó như thế nào”?

….
 
1.12.2011 Rangpur! Đẹp quá chừng vậy sao không ai ngó ngàng?

1.12.2011 Rangpur! Đẹp quá chừng vậy sao không ai ngó ngàng?


Rangpur, cũng như Dinajpur vừa đề cập ở trên, chỉ được xem là điểm dừng chân để thăm ngôi đền Kantanagar. Nhưng mở đầu như vậy, vào thông tin chi tiết, lại có thêm ít nhiều những điểm gây tò mò. Nên cuối cùng, thay vì chạy tuốt tuồn tuột từ Dinajpur về Dhaka, như tôi đã có ý định và gần như sắp thực hiện, tôi lại xuống xe ở Rangpur. Mới hay “người đẹp ngủ trong rừng” chờ mãi nụ hôn đáng mức vẫn hoài chưa thấy.


Cửa ngõ vào Tây Bengal của ngày xưa, nên Rangpur phát triển từ xưa, nên có những nét duyên về văn hóa và lịch sử, chứ không như những phố mới. Không quá cổ xưa, không là những di tích tôn giáo… Rangpur có những nét đẹp khác với các vùng đất tôi vừa qua. Nhất là những nét đẹp đó được tôn thêm bởi những màu xanh đặc trưng của miền Nam nước Việt… những vườn dừa, những hàng dừa cao thanh thoát, những ao hồ lung linh bông súng, những khu vườn êm bên những căn nhà, dinh thự lịch lãm của thời còn bị đô hộ… nên giống làm sao những miền đất phương nam…


DSCN4756-1.jpg

Carmichael College – một trong những trường ĐH lớn nhất Bangladesh.


DSCN4873-1.jpg

Tajhat Palace – dinh thự từ thế kỷ XIX, dù đã có chút hoang phế sau những cánh cửa – vẫn đẹp lộng lẫy, từ xa…


DSCN4863-1.jpg

…tới gần…

DSCN4784-2.jpg

…rồi gần hơn.


DSCN4803-1.jpg

Bên trong – là những tác phẩm của con người.. (Surya – Sun God)


DSCN4779-1.jpg



DSCN4774-2.jpg

Bên ngoài – là thiên nhiên giản dị đẹp… làm Tajhat Palace, Rangpur càng đẹp hơn.



Làm tôi nhớ nhà khi đến Rangpur. Vì cảnh quen, và cả sự vắng lặng trong không gian có phần hoang phế, vì miền đất đẹp quá chừng nhưng sao không ai ngó ngàng… như ở đâu đó cũng rất thân quen.


...
 
2.12.2011 Dhaka có gì lạ không em? Cung điện hồng.

2.12.2011 Dhaka có gì lạ không em? Cung điện hồng.


Tôi xuôi về Dhaka, sau gần 2 tuần lang thang trên đất Bangladesh, để rồi tự hào thấy mình đã chọn đúng cung đường – lang thang đây đó với những miền đất đẹp thay vì đến Dhaka trước rồi đi đến các miền đất kia sau. Nói vậy chắc bạn cũng hiểu phần nào. Khỏi cần nói thêm nữa há!


Tôi tính toán về đến Dhaka tối thứ 5, để ngày thứ 6 có việc cần làm. Mới hay mình ngu, dù đã ở đây 2 tuần. Vì Thứ 6 là ngày nghỉ, như CN ở mình, nhưng quan trọng hơn. CN ở mình chỉ các VP… là đóng cửa, còn ở đây, đóng cửa hết, may mà còn loe hoe vài tiệm ăn mở cửa – nói vậy nghĩa là cũng có nhiều tiệm đóng cửa.


Ngay cả các di tích, khu thăm viếng cũng đóng cửa buổi sáng. Chiều mới mở cửa. Để ít ra, cũng sau vài buổi cầu nguyện, bạn mới đến các điểm “vui chơi” đó được. Mở cửa từ sáng luôn lỡ có người ham chơi bỏ các buổi cầu nguyện thì sao.


Cung điện hồng / Pink Palace / Ahsan Manzil cũng vậy, chỉ mở cửa vào buổi chiều nên tôi lang thang vào đây – điểm “must-see” của Dhaka.


DSCN4933-1.jpg



DSCN4943-1.jpg



DSCN4932-1.jpg



DSCN4920-1.jpg



DSCN4910-1.jpg

“Lầu hồng” chiều hôm trước, từ xa đến gần.


DSCN4983-1.jpg

“Lầu hồng” sáng hôm sau – đẹp hơn vì không có rác và ít bóng người.


Tiếc là bên trong nơi đây canh phòng cẩn mật hơn bảo khố quốc gia nên tôi không chụp lén được tấm hình nào. Các bạn cứ xem hình bên ngoài rồi tưởng tượng bên trong há (!?). Rảnh rỗi nữa thì trên mạng có nhiều, chắc là sẽ đẹp hơn hình tôi chụp (nếu có) rất nhiều.


DSCN4964-1.jpg

Con sông Buriganga trước Lầu hồng.


Rồi tôi về, cũng tự an ủi mình – ít ra ngày đầu ở Dhaka mình cũng đã làm được một việc gì đó!
 
3.12.2011 Dhaka có gì lạ không em? Nhà thờ Hồi giáo 5*. Pháo đài “lang-bạt”.

3.12.2011 Dhaka có gì lạ không em? Nhà thờ Hồi giáo 5*. Pháo đài “lang-bạt”.


Ngày thứ 2 ở Dhaka, việc đầu tiên là quay lại Cung điện hồng, vì hôm qua người và rác trong sân nhiều quá, lúc chụp không để ý, về mở hình lên xem thấy rác còn nổi bật hơn cung điện – nên định quay lại chụp các hình.


Xong, lội bộ qua những con phố đông của Old Dhaka đi thăm các điểm must-see khác. Old Dhaka khác những nơi khác, ngày nào cũng tấp nập – chợ mà nghỉ bữa nào sở hụi bữa đó lấy gì bù. Nên ngày nào cũng đông – dù trong phố, hôm nay cũng còn là ngày semi-lễ / nghĩa là đã có thêm một số nơi mở cửa buôn bán bên cạnh khoảng phân nửa vẫn cửa đóng then cài.


Cả ngày tôi lang thang được gần như 80% các điểm must-see của khu vực này. Chỉ tiếc là hôm nay trời xám xịt và vài sự cố khách quan chủ quan xảy ra nên hình cứ xám xịt.


Không biết ngày tôi quay lại Dhaka, những Sitara Mosque, Armenian Church, Bara Katra, Khan Mohammed Mirdha Mosque, Dhakeswari Temple và đặc biệt Pháo đài Lang-bạt có rực rỡ dưới nắng xanh hay không?


Lalbagh Fort, mà tôi đọc trại thành Lang-bạt Fort, cho dễ nhớ (!?) là điểm must-see nhất của Dhaka. Pháo đài được xây dựng từ 1677 này là niềm tự hào của người dân Bangladesh, cũng như Dhaka. Ngoài ra, sự hòa hợp giữa một nhà thờ Công giáo/Armanian Church từ thế kỷ XVII, một ngôi đền Hindu từ TK XII, Dhakeswari Temple, cùng nhiều những ngôi nhà thờ Hồi giáo khác nằm giữa một Old Dhaka đông đúc lạ thường sẽ rà những ấn tượng r-ấ-ấ-ấ-ấ-ấ-ấ-ấ-ấ-ất khó quên cho một ngày lang thang của bạn ở đây!


DSCN5049-1.jpg

Nhà thờ Công giáo Armenia (góc hình như vậy đó, bạn nào chụp đẹp hơn cứ chụp há!)


DSCN5144-1.jpg

Đền thờ Hindu Dhakeswari


DSCN5058-1.jpg

Những gì còn lại của caravanserai Bara Katra.


DSCN5097-1.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Khan Mohammed Mirdha


DSCN4995-1.jpg

Nhà thờ Hồi giáo Sitara (Star Mosque), tôi đổi tên thành 5* Mosque luôn, cho nó sang! Từ TK XVIII mà trông còn mới quá!


DSCN5134-1.jpg

Pháo đài lang bạt giữa ngày xám xịt…


DSCN5104-1.jpg

…mà có thêm chút hoa cỏ xanh đỏ vẫn không làm sáng lên chút nào.



..................
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,669
Bài viết
1,171,085
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top