What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Cảm ơn Bkp lần nữa nghen.
Mình đang chờ bài Lumbini của bạn. Mính đang mong chờ ngày đầu đầu tuần tới để đến nơi xa ấy ít lâu.
TTK
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 2

@ trantrakhuc, chúc bác một chuyến đi vui và đạt được những điều mong ước! Trên đường hành hương, có cần thông tin gì thì cứ PM cho bpk. Khi về bác nhớ mở một thread để chia sẻ về chuyến đi nhé!
....................................................................................................


(cont.)


Thế là cuối cùng bpk cũng đã vinh hạnh đến được Lumbini, vùng đất cổ tích ngày còn bé thơ mê say đọc những câu chuyện huyền thoại về Đức Phật. Hành trình Tibet, Nepal lần này có nghiêng về tâm linh, nên đến được Lumbini trong chuyến đi này cũng là một trong những niềm mơ ước của bpk. Nhưng bạn biết không, lặn lội đường bộ đi mấy ngàn dặm từ Sài Gòn đến được Chitwan là thử thách không nhỏ, nhưng từ Sauraha, Chitwan để đến được Lumbini, chỉ cách nhau khoảng 200km, bpk cũng gặp thêm vài thử thách khác nữa. Đó là điều nghiễm nhiên, là thử thách cần thiết cho một kẻ nhiều sân si lắm tội lỗi như bpk để có thể đến viếng được vùng đất Phật thiêng liêng. Với 200km đó, bpk đã đi từ 7g sáng đến 3h chiều, với 7 lần thay đổi phương tiện đi lại… để cuối cùng mệt nhoài nhưng vỡ òa hạnh phúc khi đặt chân xuống miền đất Phật trong 1 chiều thu xanh ngăn ngắt Nepal.



Kể lể về dành trình đó để “show hàng” tý thôi chứ bpk cũng là thằng lười dạng cùi bắp đứng hạng nhất nhì trong thiên hạ. Nói vậy chứ có ngon lành cành đào gì đâu, có dám noi gương người dân Tây Tạng “nhất bộ nhất bái” hay “tam bộ nhất bái” khi đi hành hương đâu. Mà khi bái lạy, họ lạy đúng theo kiểu “ngũ thể nhập địa” luôn chứ chẳng phải đơn giản đâu (người Tây Tạng đi hành hương từ quê nhà xa xôi lên đến tận Lasha chỉ đi bộ mà thôi, khi họ đi cứ đi một bước thì quỳ lạy một lần hoặc đi ba bước quỳ lạy một lần, mà họ quỳ lạy kiểu 5 bộ phận cơ thể là 2 tay, 2 chân và trán đều chạm đất, họ cứ đi như vậy nhiều tháng trời hay cả năm trời trên những con đường khắc nghiệt của vùng Himalaya mới đến được Lasha). Bpk thì đi chủ yếu là bằng xe thôi, có cực tý xíu nhưng phải kể lể dài dòng ra đây với các bạn, “cho nó làm ra vẻ” thôi. Thay vì như hầu hết khách du lịch từ Sauraha thường mua vé tourist bus để được phục vụ đến tận ngã ba Bhairawa (cách Lumbini thêm 1g đi xe), bpk chọn cách tự đi như những người dân bình thường Nepal đi hành hương, đi bằng các phương tiện bình dân từ việc lội bộ đến xe ngựa đến xe bus nhỏ, xe bus lớn… thôi thì đủ cả, gặp đâu đi đó.


PB150421.jpg

Lumbini chào đón quý khách!


Bạn thử đi theo cùng bpk cung đường 200km trong 9g đồng hồ này nhé! Biết đâu, nhiều khi xem xong bạn sẽ nói, nghe kể cũng thấy mệt huống chi đi như vậy! Tiết kiệm làm gì, leo quách lên xe tourist bus đi cho nó nhẹ thân? Bao nhiêu bạn nghĩ như vậy? Bao nhiêu bạn sẽ đi như bpk? Thử làm cái vote xem sao nào?


(tbc.)
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 3

(cont.)

Hành trình 7 chặng từ Sauraha đi Lumbini đây!!! Ai đi theo không nào?


1. Đi bộ
Ra đến khu phố của Sauraha lúc 7g sáng, phố phường còn đang ngái ngủ, không có phương tiện đi lại nào cả, bpk lại lóc cóc lội bộ ra bến xe ngựa, hỏi thăm xe đi Chitrasali, nơi có một bến xe nhỏ của thị tứ để đón xe lam hoặc xe ngựa đi tiếp đến Sauraha Chowk. Tên phu xe ngựa lựu đạn bắt chẹt với giá 150Rp cho 3km đường đất nếu muốn đi ngay vì phải bao nguyên chuyến, mà bình thường chỉ 20Rp là tối đa. Thế là bpk xốc balo lại, kiên quyết không tốn tiền vô lý, lon ton đi bộ tiếp trên con đường, với hy vọng là sẽ đón xe được chiếc xe nào đó sẽ gặp trên đường đi. Phần thì cũng muốn vừa đi vừa ngó nghiêng thôn xóm Nepal trong sương sớm. Thế nhưng suốt gần 3km đeo balo đi bộ, chẳng thấy xe ngựa cũng như local bus nào chạy cùng chiều. Như vậy là bpk cũng quyết định đúng khi đã bỏ đi bộ tiếp, thay vì chờ ở bến xe ngựa thì đến giờ vẫn chưa leo lên được chiếc xe nào. Con đường đi qua những thôn làng vào sáng sớm còn vắng vẻ, yên bình, chỉ có các em bé nô đùa chuẩn bị đi học và một vài em bé đang phụ gia đình bưng các mâm hoa trái đi cúng kiếng. Băng qua cầu, qua con sông là vào đến Chitrasali rồi.


2. Đi xe ngựa
Sau gần 3km đi bộ, đến Chitrasali, thiên hạ ở đó mắt tròn mắt dẹt khi thấy bpk đi bộ một mình từ trong làng ra vào lúc sáng sớm nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ khi bpk hỏi thăm về xe bus hoặc ricksaw để đi ra Sauraha Chowk. Các thanh niên trẻ vui vẻ mời ngồi, hỏi thăm thông tin của bpk rồi đón 1 chiếc xe ngựa đang chạy lại, dặn dò bác tài bằng tiếng Nepal gì gì đó rồi mới kêu bpk lên ngồi. Cám ơn rối rít các bạn trẻ, bpk leo tót lên chiếc xe ngựa chạy cà rịch cà tang. Đi tiếp 5km đến Sauraha Chowk, nơi đường quốc lộ giao với con đường vào Sauraha là hết tiền đi xe ngựa, xe dừng.


3. Đi xe bus
Vừa đến nơi là bpk nhảy lên local bus hướng về Narayangarh, thành phố cửa ngõ để đón xe đi Bhairawa, Lumbini. Xe bus chạy cũng cà rịch cà tang, gần đến nơi, tức mới vừa vào trung tâm TP Narayangarh, xe bị gãy nhíp hay gì gì đó, đang chạy bỗng nghe cái đùng rồi xe dừng lại, khói bụi văng tung tóe. Xe hư rồi, bà con lại lục tục xuống xe, kẻ đi bộ, người đón xe khác đi tiếp.

4. Đi bộ
Thế là bpk cũng xuống xe, hỏi thăm hướng đi rồi đeo balo đi bộ tiếp khoảng 15-20p thì đến bến xe Narayangarh, hỏi han, mua vé rồi leo lên xe kiếm chỗ ngồi tốt để chờ xe chạy đi Bhairawa (để từ đó đón xe đi Lumbini vì không có xe chạy thẳng đến Lumbini).


5. Đi xe bus
Chờ mãi ở bến xe Narayangarh đến 10am, xe mới chạy. Chạy miệt mài đến 12.50 giờ trưa, xe đến Butwal thì lại dừng lại giữa đường, gần 1 chiếc xe khác cũng đã gần đầy khách.


6. Chuyển xe bus
Tất cả mọi người lục đục xuống xe, lên xe lôi về nhà, còn bpk thì được dắt sang 1 xe local bus khác (nói đúng ra là bị bán sang xe khác) đẩy lên xe để đi tiếp đến ngã 3 Bhairawa-Lumbini.


7. Lại chuyển xe bus
Đến ngã 3 Bhairawa, nơi con đường rẽ 2 hướng, 1 ra biên giới, 1 để vào Lumbini, xe lại dừng. Và bpk lại lót tót cõng balo chuyển sang 1 cái xe bus địa phương khác nữa để đi Lumbini. Đến Lumbini, bpk nhìn đồng hồ và ghi lại, đúng 3.04pm. Thế là bpk đã có 1 hành trình từ 7am đến 3.04pm cho khoảng 200km, với 7 lần thay đổi phương tiện đi (mỗi đợt đi bộ cũng tính là 1 lần – cho nó nhiều (!?)). Mà sáng nay đi từ Sauraha, bpk đã không kịp ăn sáng, đến lúc chờ xe ở Narayangarh chỉ mua vài cái bánh (giống bánh tiêu) lên xe ăn tạm, rồi không ăn trưa... mãi đến bây giờ.


Tổng cung đường dài khoảng 200km này tổng chi chi phí tất tần tật là 340Rps # 78.000VND (nếu mua vé từ Sauraha mất đâu 700-800Rp gì đó) nhưng bpk đã có 1 chuyến đi vô cùng đáng nhớ, trong một ngày mùa thu nhưng vẫn nắng nóng sục sôi ở miền đồng bằng Nepal. Dù sao bpk cũng tự AQ an ủi mình, a/ âu đây cũng là 1 thử thách nhỏ cho mình trước khi đến được miền đất Phật; b/ với cái balo đó mà bpk vẫn đeo đi bộ được vài km, tức là vẫn có khả năng mua thêm đồ lưu niệm gì đó chất vào balo được!!!


(tbc.)
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 3

(cont.)


Lumbini, còn hay được phiên âm là Lâm Tỳ Ni, là một phố nhỏ, rất nhỏ và bụi, rất nhiều. Gió và bụi đỏ vần nhau mịt mờ cả đất trời khi chiếc xe bus dừng lại ở ngã 3 đi vào làng cũ Lumbini, cũng là bến cuối. Chẳng hiểu vì đói, vì mệt, vì cả ngày lắc lư trên xe… hay sao mà bpk lơ mơ không định hướng được khi bước xuống xe. Ngồi ở chiếc ghế đá ven đường 1 lúc lâu, bpk hỏi thăm đường đi đến 1 nhà nghỉ, để lấy đó làm cột mốc định hướng rồi mới xác định được phương hướng, ở cái phố bé tẹo chỉ có vài con đường chính này.


PB150422.jpg

Đường vào chùa Maya Devi và Làng chùa lúc cuối ngày​


Mặc dù là thánh địa rất quan trọng cho những khách hành hương, Lumbini không giống các thánh địa của các tôn giáo khác. Khách hành hương, Phật tử trên toàn thế giới không ồ ạt kéo đến theo từng mùa cao điểm như Mecca… mà chỉ từ từ từng đoàn người, chậm rãi từ ngày này đến năm nọ, sẽ đến thăm khi có được cơ hội mơ ước trong đời. Khác với các tôn giáo khác một số người còn dừng lại nơi đây một thời gian để tu tập trong các các chùa chiền và thiền viện xung quanh, đang dần mọc lên ngày càng nhiều. Có nhiều khách, chưa theo đạo Phật nhưng khi đến đây, dừng chân trong chốn trang nghiêm, lòng lắng lại, cũng muốn tìm hiểu thêm cuộc sống Phật tử, thế là xin vào tu tập vài ngày, hoặc vài tuần… và các thiền viện ở đây đều dang tay đón chào.


PB150485.jpg

Khu vườn thiêng quanh chùa Maya Devi


Điểm viếng thăm quan trọng nhất ở Lumbini là ngôi chùa Maya Devi, được đánh dấu chính xác là nơi hoàng hậu Maya Devi đã lâm bồn và hạ sinh ra hoàng tử Gautama Siddhartha của vương triều Kapilavastu, chính là Đức Phật sau này. Xung quanh ngôi chùa là khu vườn thiêng với nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là cây cột đá của quốc vương Ấn Độ Ashoka.


Sau nhiều năm nghiên cứu ở Lumbini, các nhà khảo cổ học đã chắc chắn rằng, hoàng tử Gautama Siddhartha đã được sinh ra ở Lumbini vào năm 563 trước Công nguyên. Sau khi ngài thành chánh quả, dù không chọn Lumbini làm nơi giảng truyền kinh kệ nhưng người đời và các Phật tử đã tập trung về đây để xây dựng các chùa chiền, thiền viện, bảo tháp xung quanh nơi ngày xưa ngài được sinh ra. Vào những năm 200-300 trước CN, một phức hợp khổng lồ các chùa chiền, thiền viện, bảo tháp… đã được dựng lên ở đây bởi các truyền nhân của Đức Phật và cả quốc vương Ashoka khi ông hành hương đến đây vào năm 249 trước CN, và đã cho dựng lên cây cột đá Ashoka nổi tiếng tại đây.


(tbc.)
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 4

(cont.)



Không bao lâu sau, vì những biến động dâu bể mà cho đến nay người ta vẫn chưa rõ, Lumbini và cả vương quốc Kapilavastu đã bị tàn phá và bỏ hoang. Khi cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường, TQ ghé nơi đây vào thế kỷ VII Công nguyên, ông đã thấy nơi đây đã rơi vào hoang phế. Ông đã thấy cả ngàn ngôi chùa, tu viện giờ đây rơi vào hoang tàn, đổ nát… cả cây cột đá của quốc vương Ashoka cũng đã nằm lăn lóc trên miền đất hoang phế ngày nao mới đây còn rất huy hoàng.


PB150474.jpg

Hoàng hôn ở Lumbini


Tuy nhiên, Lumbini cũng chưa hẳn đã rơi vào quên lãng hoàn toàn. Vào năm 1312, vào thời vương triều Malla, vua Nepal Ripu Malla đã làm 1 cuộc hành hương đến đây. Người ta cho rằng chính ông là người đã để lại bức tượng mô tả sự sinh nở của hoàng hậu Maya Devi lại nơi đây, góp phần làm sáng tỏ thêm về nguồn gốc của hoàng tử Gautama Siddhartha. Lý do vua Nepal đến đây và ghi lại dấu tích về đức Phật lại không liên quan đến Phật giáo mà lại liên quan đến đến 1 tôn giáo khác, Hindu. Đó là 1 điều đặc biệt và là những mối liên hệ chồng chéo qua lại giữa các tôn giáo mà người ngoại đạo như bpk rất khó hiểu.


Làn sóng xâm lăng của các quốc vương Hồi giáo (Mughal) tràn đến xứ xở này vào cuối thế kỷ XIV đã tàn phá những gì còn lại của Lumbini. Vùng đất này trở nên hoang tàn hơn bao giờ hết và rơi vào cảnh hoang dã hoàn toàn. Con người đã đi khỏi vùng đất này, trả lại Lumbini cho đất mẹ thiên nhiên, cho rừng rậm, đầm lầy… mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, khi các nhà khảo cổ học khám phá ra cây cột đá Ashoka, vào năm 1896. Thông tin được truyền lại từ hơn 2 thiên niên kỷ trước của cây cột đá đã xác nhận, chứng minh rõ ràng về sự ra đời, sự hiện diện có thật của một đấng hiền triết trên cõi nhân gian nhiều phiền muộn này, cũng như đã làm sống lại vùng đất Lumbini.


PB150483.jpg



PB150457.jpg

Dấu xưa

Ngôi chùa Maya Devi hiện nay nằm bao trùm một cách chính xác quanh vị trí ngày xưa Hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh hoàng tử Gautama Siddhartha. Các công cuộc khảo cổ đến năm 1922 đã phát hiện nhiều dấu tích của ít nhất 2.200 năm về trước, tiết lộ những dấu tích, những thông tin phù hợp với chỉ dụ, những thông tin mà quốc vương Ashoka đã để lại trên chiếc cột đá nổi tiếng của ngài.


Trong ngôi chùa Maya Devi mới này, ngoài các di tích được khai quật của ngôi chùa từ nhiều ngàn năm trước, khách hành hương không thể không đến viếng bức phù điêu đá mô tả sự ra đời của hoàng tử Gautama, được làm bởi vua Ripu Malla của Nepal vào đầu thế kỷ XIV. Lý do vị quốc vương theo đạo Hindu này lưu lại bức phù điêu này là vì lúc đó hoàng hậu Maya Devi được xem như là 1 hoá thân của nữ thần Hindu. Tuy các chạm khắc trên phù điêu đã bị thời gian bào mòn nhưng cũng có thể gợi cho chúng ta hình ảnh hoàng hậu Maya Devi đang đứng với lấy 1 nhánh cây sala và đang hạ sinh hoàng tử Gautama, với sự chăm sóc của thần Indra và thần Brahma.


(tbc.)
 
Lonely Planet vừa công bố 10 điểm du lịch hàng đầu của 2010 trong đó có Nepal. Theo như tờ báo SMH: http://www.smh.com.au/travel/travel...p-10-destinations-for-2010-20091103-hupk.html

"NEPAL

2008 was a watershed year for Nepal – the rebels became the government, the kingdom became a republic and the king became a civilian. With the end of the Maoist uprising, trekkers are once again pitting might and muscle against some of the most challenging trails on the planet. Trekking in Nepal is one of those travel benchmarks, like seeing the Taj Mahal, or diving the Great Barrier Reef, or the first time you eat fried locusts. By the end of your trek, you may vow never to climb anything higher than the stairs around your home town, but the experience of the Himalaya will stay with you for a lifetime."
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 5

@ oilman, bpk rất thích đất nước Nepal thanh bình, con người hiền hòa, mến khách và rất vui mừng khi nghe tin này. Vào thời điểm bpk đi, 2008 mọi việc cũng đã yên bình khi nhóm Maoist đã tham gia điều hành đất nước. Đúng là con người lòng tham không đáy, cứ chộn rộn mãi khi nghe những thông tin kiểu này, cứ mong được quay lại nơi đây. Bao giờ cho đến tháng Mười…
...............................................



(cont.)


Rời khỏi Lumbini Village Lodge lúc đã hơn 4pm, sau khi đã tẩy sạch bụi bặm của 1 ngày dài để người được sạch sẽ thanh tịnh hơn khi viếng miền đất thiêng, bpk đã xác định ngay mục tiêu buổi chiều tối ngày hôm nay chỉ là ngôi chùa Maya Devi và khu vườn thiêng bao quanh – không chạy đua tốc độ đến các nơi nào khác. Vẫn chưa có gì lót bụng, bpk thẳng tiến trên con đường làng đầy bụi để vào chùa Maya Devi nằm trong khu vườn thiêng mênh mang cờ phướn trong trời chiều thu xanh.


Ngôi chùa mới Maya Devi nhìn bên ngoài đã không giống các ngôi chùa khác, nhưng khi vào bên trong, mọi thứ lại khác hẳn. Nhìn từ bên ngoài, ngôi chùa giống như 1 pháo đài thu nhỏ ôm quanh một bảo tháp. Pháo đài gạch đỏ, bảo tháp trắng có chóp vàng nằm trong 1 khu vườn cỏ xanh mướt làm cho ngôi chùa càng nổi bật. Do vậy, sẽ dễ nhầm tưởng bên trong chùa là chánh điện lộng lẫy với những bức tượng hoành tráng.


PB150438.jpg



PB150445.jpg

Chùa Maya Devi


Nhưng không, bên trong chùa không có tượng Phật hoành tráng hay đèn hoa lộng lẫy nơi điện thờ… mà chỉ hoàn toàn là các phế tích của 2.000 năm trước. Ngôi chùa ôm lấy che chở cho những dấu tích xưa, những ngôi chùa của ngày xa xưa. Những di tích của 2.000 năm trước giờ nằm yên nhìn những hàng người thành kính xếp hàng rồng rắn để đi đến phiến đá đánh dấu nơi ngày xưa hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh hoàng tử Gautama. Phiến đá giờ đây đã mờ, đã nhiều hư hỏng. Bên trên kế bên là bức phù điêu của quốc vương Nepal Ripu Malla mô tả cảnh lâm bồn của hoàng hậu Maya Devi, cũng đã mòn nhẵn vết thời gian. Bpk cũng lặng lẽ theo dòng người thành kính đến khấn vái.


PB150425.jpg

Những di tích của 2.000 năm trước bên trong chùa Maya Devi


PB150426.jpg

Dòng người thành kính xếp hàng chờ đến lượt


Khác với các bạn trẻ Nepal bị chú bảo vệ kêu đi nhanh nhường chỗ cho người đến sau, bpk được chú cho phép đứng sang 1 bên, thật lâu tại nơi này. Bpk thành tâm khấn niệm những điều tốt đẹp cho gia đình và người thân rồi lặng lẽ chiêm bái, như muốn được lưu giữ lại phần nào không khí trang nghiêm, thiêng liêng của miền đất Phật…


PB150433.jpg

Phiến đá đánh dấu nơi hoàng hậu Maya Devi lâm bồn


PB150430.jpg

Phù điêu của quốc vương Nepal Ripu Malla từ thế kỷ XIV đã mòn nhẵn theo thời gian


PB160740.jpg

Một phiên bản mới của bức phù điêu, ở ngôi chùa Bihari ở kế bên


Hồi lâu, tôi thành kính khấn vái, cúi đầu, lặng lẽ bước ra khu vườn xanh, đã vàng ruộm nắng cuối ngày…


(tbc.)
 
Một ngày ở Bandipur

Không muốn đi lạc với cuộc hành trình của bpk nhưng vì oilman đi cung đường Kathmandu-Pokhara nên chỉ có thể loanh quanh trên quốc lộ Prithvi.
--------

Khoảng 2/3 quảng đường từ Kathmandu đến Pokhara, dừng lại ở Dumre rồi bắt xe đi đoạn đường núi dốc 10km sẽ tới Bandipur. Bandipur là một thị trấn nhỏ trên dãy Himalaya. Khá đặc biệt vì từng một thời là điểm dừng chân mua bán nhộn nhịp của các thương lái giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nhưng từ lúc có quốc lộ Prithvi, Bandipur trở nên bị cô lập và dần trở thành điểm du lịch phố cổ. Nếu có nhiều thời gian cho Nepal, có thể dừng ở Bandipur để tận hưởng cuộc sống miền núi, nghĩ đêm tại một trong những nhà khách với căn phòng nho nhỏ theo kiểu Newar, tìm hiểu thời vàng son đã qua của Bandipur với những cụ già rồi tiếp tục hành trình đi Pokhara. Bandipur không phải là must see, nhưng nếu muốn tìm cái vắng vẻ sau một đoạn đường ngoằn ngoèo Prithvi trên nóc xe đò thì Bandipur cũng không tệ lắm.

Trên đoạn đường đèo dốc từ Dumre tới Bandipur
picture.php


Căn nhà khách duy nhất ở đây bên ngoài không có vẻ Newar
picture.php


Một buổi sáng ở Bandipur
picture.php


Bandipur một chút "vàng son" đã qua
picture.php


picture.php


Đi bộ xa ra ngoài một chút là những làng nhỏ
picture.php


picture.php
 
Tuyệt vời! Mình ngồi xem 1 mạch 15 trang chia sẻ đầy ắp cảm xúc của bạn đó.
Mình cũng rất thích đi, nhưng kẹt tùm lum thứ, trong đó kinh phí là ít kinh nghiệm nhất :-(
Bạn có thể chia sẻ chuyến đi vừa rồi đã dùng hết bao nhiêu ngân lượng?
 
Hành trình đến miền đất Phật Lumbini – 6

@ oilman, cảm ơn bạn đã gợi lại về miền đất yêu thương Bandipur. Theo bpk, Bandipur nên là điểm must-see mới đúng. Lúc mới rời Bandipur để đi Pokhara, bpk không thích Pokhara bằng Bandipur đâu. Có lẽ là do kỳ vọng quá nhiều nên lúc mới đến Pokhara hơi thất vọng, từ từ mới “thấm” được Pokhara. Còn Bandipur á, bpk kết nó ngay từ lúc đi trên con đường đèo hun hút gió từ Dumre vào rồi. Nhớ làm sao cái buổi hoàng hôn say lãng đãng trên đồi Tundikhel ở Bandipur… Bạn vào kể tiếp đi nhé. Mình gần xong rồi.


@ The Drifter, bạn cứ đi, rồi sẽ đến, việc gì cũng có lần đầu mà. Về kinh phí chuyến đi này, không tính chuyện bay đến và rời khỏi Nepal (vì bpk đi bằng đường bộ vào và ra Nepal), chi phí không quá 700$ cho gần 1 tháng đó, nếu bạn trừ chi phí bia bọt và internet (đắt chứ không rẻ như ở VN) thì còn khoảng chừng 1/2 – 2/3 số tiến này.
..............................................................................


(cont.)

PB150467.jpg

Nắng chiều thắp sáng trên những ngọn cây trong vườn chùa.


PB150446.jpg



PB150451.jpg

Cờ phướn bay trong vườn chiều


Rời chùa Maya Devi, bpk bước ra khoảng sân chiều đã không còn nắng, chỉ còn nắng thắp nến trên những ngọn cây. Ngay kế bên hông chùa là cột đá Ashoka Pillar, được xây dựng vào năm 249 BC khi quốc vương Ashoka hành hương đến nơi đây. Trải qua bao binh biến, cột đá bị vùi lấp theo cát bụi thời gian và mãi đến 1896 mới được trở về vị trí đúng của nó. Trên phiến đá đã phai mờ, vẫn còn sót những dòng chữ (bạn nào đọc được thì nhớ báo cho bpk nhé, bpk sẽ gửi file hi-res cho bạn) là những chỉ dụ, thông tin của ngài từ những ngày xa xưa đó. Cũng chính nhờ những thông tin quý báu đã được lưu lại này, các nhà khoa học đã có thêm tư liệu để chứng minh rằng cuộc đời của Đức Phật không chỉ là huyền thoại.


PB150468.jpg


PB150442.jpg

Cột đá Ashoka


PB150443.jpg

Chỉ dụ trên cột đá


Bao quanh bởi hàng rào, cây cột đá giờ đứng trong yên bình. Bên hàng rào, người mộ đạo đã khoác lên thật nhiều những lá cờ phướn kiểu Tibet nhiều màu rực rỡ, càng tôn thêm vẻ bình dị của chiếc cột đá nhiều ngàn năm tuổi. Nhiều thiện nam tín nữ, Phật tử thành tâm khấn vái cúng dường nơi đây, như là điểm đến thứ 2 sau khi viếng thăm bên trong chùa Maya Devi. Bpk cũng vậy, nhưng thay vì đi sang nơi khác trong vườn, bpk lại lui ra ngồi trên bãi cỏ để nhìn ngôi chùa, chiếc cột đá trước giờ chỉ được biết qua sách vở, thật lâu trước khi lững thững ra sau khu vườn thiêng.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top