What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Pokhara – núi tuyết soi hồ xanh – 8

(cont.)



Đến Pokhara mà không vào thăm khu phố cổ Old Pokhara, cách Lakeside khoảng hơn 6km, cũng sẽ là 1 thiếu sót dù đường đi đến đó không đơn giản – chỉ vì cứ phải lên dốc mãi không thôi? Và còn bị chèn ép bởi những chiếc xe đầy cũ kỹ nhả đầy khói bụi cũng đang ì ạch leo lên những con đường dốc, nhiều ổ gà, ổ voi… nhưng đi mãi rồi cũng đến thôi.


Khu phố cũ của Old Pokhara là nơi du khách cần có nhiều thời gian quẳng chiếc xe qua một bên và đi dạo phố phường hoà cùng nhịp sống nhộn nhịp nơi đây. Thực ra, nơi đây không thực sự hấp dẫn lắm, nhưng dù sao, nó sẽ cho bạn cảm giác đang ở Nepal thay vì cứ tưởng ở xứ Tây nào đó nếu cứ ở mãi khu Lakeside. Khu phố thực sự cũ không còn nữa, chỉ có thỉnh thoảng những ngôi nhà cũ nằm lọt thỏm trong những căn nhà mới. Bạn xem hình chụp Pokhara từ World Peace Pagoda sẽ thấy rõ hơn về kiến trúc xây dựng lổn ngổn của Pokhara.


PB110128.jpg


PB110124.jpg

Ngôi đền xưa bé nhỏ Bhimsen nằm ngay giữa lộ, với các chạm trổ tinh xảo.



Khu phố cũ này ngoài các viện bảo tàng, còn được nhấn mạnh ở 2 ngôi đền xưa, một ngôi đền nhỏ, đền Bhimsen, nằm ngay giữa giao lộ giống như một cái bùng binh tự nhiên. Ngôi đền này tuy bé như vậy nhưng đã có đến 200 năm tuổi thờ phượng các vị thần bảo hộ về kinh doanh, thương mại của người Newari. Ngôi đền kia, Bindhya Basini, lại thật hoành tráng nằm trên 1 ngọn đồi thấp tèo, cũng là nơi có vị trí tốt để ngắm phố phường cũng như hoàng hôn trên dãy Annapurna, nhìn về hướng Sarangkot. Ngôi đền này được xây dựng từ TK XVII, để thờ phượng thần Dugra hiếu chiến, 1 hoá thân khác của thần Parvati. Buổi chiều trên đồi này ngắm phố phường và hoàng hôn buông nơi xa xa đem lại 1 cảm giác khác hoàng hôn bên hồ của Lakeside Pokhara nên cũng hay hay. Với lại, đang mệt nhọc sau hành trình đạp xe leo dốc giữa khói bụi mịt mù nên bpk đã ở đây thật lâu. Cũng nhìn nhìn ngó ngó về nơi mặt trời lặn – hướng về Sarangkot, mà nếu mai trời đẹp, sẽ đi bay dù (!?).


PB110130.jpg

Ngôi đền Bindhya Basini trên cái đồi thấp tèo



PB110132.jpg

Trong sân đền



PB110140.jpg

Hoàng hôn trong đền



PB110142.jpg

Và hoàng hôn ở Old Pokhara, bóng núi tuyết lúc nào cũng ôm ấp che chở Pokhara



Về Pokhara, bpk thẳng tiến ra bờ hồ, quay lại con đường ven bờ hồ đạp xe tìm 1 góc vắng ven hồ, ngồi ngắm trăng, vừa lúc trời sụp tối và trăng lên ngang trời. Đêm không điện, trăng thật sáng trên hồ, hình như gần rằm lắm rồi vì trăng đã gần tròn. Trăng thật sáng, hồ lấp lánh, gió hơi lạnh nhưng dễ chịu. Ngồi mãi chẳng muốn về nhưng rồi cũng phải về để tẩy trần 1 ngày dài bụi bặm. Xong xuôi, lại ra bên hồ.



PB110147.jpg

Hoàng hôn xanh ở 1 góc nhỏ của hồ Phewa



Đêm đã buông trên hồ Phewa lâu lắm rồi. Đêm nay, bpk cũng không ăn chơi nhảy múa trong các bar biếc ở Pokhara mà vào cửa hàng mua mấy chai bia, cõng ra cái nhà thủy tạ bên hồ ngồi một mình ôm chai ngắm sao và trăng đang cạnh tranh nhau soi sáng lung linh trên hồ. Về đêm, du khách và dân địa phương không đến đây nên cả cái thủy tạ rộng lớn giờ là của riêng bpk.



Khi khuya về, sương đã xuống, trăng đã lên, gió đã lạnh, người đã lơ mơ… nhiều lúc cứ tưởng rằng căn thủy tạ đang bồng bềnh, nhổ neo… và sắp đưa bpk trôi về chốn thiên thai nào, vẫn hằng mơ….


(tbc.)
 
trong mấy cái trang entry này, có cái thì em xem được hình, có cái thì không, không biết là lí do gì? buồn dễ sợ.
 
Pokhara – núi tuyết soi hồ xanh – 9

@ Conan, sorry bạn là account photobucket của bpk đã bị quá dung lượng nên hình không xem được. Chờ vài hôm nữa xem nó có kích hoạt lại (như nó nói) không, hay bpk sẽ upgrade lên nhé.
......................................................................



(cont.)


Ngày tiếp nữa ở Pokhara là một ngày biếng nhác. Đêm qua cũng hơi lưng tưng trên hồ, trên đường về lại ghé tiếp quán quen… thế là sáng dậy thật muộn, dù đã có kế hoạch là hôm nay lại ra hồ đón bình minh. Đã vậy, trời bỗng xám xịt và gió dữ dội, làm tan vỡ giấc mơ sẽ lên Sarangkot đi nhảy tanderm paragliding.


Nắm nướng trong nhà đã đời đã điếu vẫn chưa thấy mặt trời lên, lại lò dò ra quán café ven hồ nướng tiếp. Nướng đến trưa lại nhảy xe bus ra bến xe Mustang tự mua vé ngày mai đi Chitwan. Vì chưa đi chưa biết nên bị tài xế xe bus bỏ ở 1 quãng khá xa, gần sân bay Pokhara, phải lóc cóc đi bộ một quãng mới đến cái bến xe Mustang (nằm gần Mustang Chowk) mà thực ra bpk đã ngang qua ngang lại nhiều lần nhưng không để ý. Nó rất gần khu Damside mà hôm qua bpk đã lượn lờ mấy vòng. Việc tự đi mua vé này cũng giúp bpk tiết kiệm đâu được mấy chục Rp. Xong, lại cuốc bộ về luôn, chẳng thèm nhảy xe bus về nữa, lại tiết kiệm được thêm 11Rp # 2.200 VND(!?).


Đúng là 2 hôm trước bpk may mắn thật khi đến Pokhara vào những ngày tràn ngập nắng. Chứ nguyên cả ngày hôm nay trời cứ tối sầm, gió thỉnh thoảng gầm rú làm thấy ớn – nhưng ra bờ hồ “hóng gió” thì cảm giác rất phiêu!!!


Về Pokhara chẳng biết làm gì đi lang thang ngó nghiêng các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Lại phát sinh ra 1 ý tưởng cực kỳ hay. Khi bị cô chủ quán dụ dỗ mua mấy cái CD nhạc Nepal, Tibet, bpk cũng giở giọng cù cưa than nghèo kể khổ không có tiền mua, nếu cho thuê đi chép vào USB thì được… Cuối cùng, cô chủ lại cho thuê thiệt, 20Rp/CD. Thế là bpk ngang nhiên phá vỡ Công ước Bern cầm 1 đống CD nhạc “tụng kinh”, nhạc dân ca Nepal đến tiệm nét hì hạ hì hụi chép vào thẻ nhớ. Cô chủ quán này dễ thương thiệt nhưng lại tiếp tay cho kẻ xấu rồi. Mà chắc bpk là cái thằng quái đản đầu tiên thuê CD chép kiểu này quá, chẳng thấy ai kể hết! Hay là cũng có bạn nào đó từng làm rồi nhưng “chưa khai”?


Quá trưa rồi mà cũng quá rảnh luôn, vô net chép nhạc xem tin gần hết tiền rồi đành phải đi thôi. Chẳng biết làm gì hết bèn ghé quán cơm đầu hẻm, quán bình dân cho Tây balo. Bpk đặt 1 phần cơm “dân tộc” Nepal gồm 6-7 món bé tý tẹo. Nhưng đặc biệt là có kèm theo 1 ly “nước mắt quê hương”, tổng cộng chỉ khoảng 22.000VND – đi chơi Nepal rẻ thế sao mọi người không đi hén? Ngộ ghê luôn!!!


PB120160.jpg

Mâm cơm này chỉ 22.000VND, có cả ly “nước mắt quê hương” trắng trắng đó!


Gọi thêm vài ly chơi cho nó lưng tưng luôn, quay về nhà trọ lấy chiếc xe đạp còn chưa trả đạp xe đi lòng vòng tiếp. Lại lên hồ, lại xuống hồ, lại lên hồ, lại xuống hồ… mấy vòng rồi, chán chê rồi lại chui vào quán ven hồ ngả ngửa người thư giãn ngắm hồ, nghe nhạc “tụng kinh” vừa chép ban sáng, nghe chim chóc ngây thơ ríu rít bên mình, cho người nó bớt tham sân si… (?!) Hồ chiều âm u tự nhiên lại đẹp buồn lạ. Sao giống một chiều nào bên hồ Hoàn Kiếm quá. Ngồi mãi… rồi cũng đến 1 hoàng hôn không mặt trời bèn buồn bã đi về. Về dọn dẹp đóng gói đồ đạc để ra hồ chơi, chia tay hoành tráng với Pokhara, như hôm qua đã tự hứa với lòng.


PB120165.jpg

Quán dễ thương bên hồ



PB120166.jpg

Chim chóc gần gũi thân thiện, ríu rít hát ca




PB120163.jpg

Thư giãn (!?) bên hồ



PB120162-1.jpg

Nhìn ra đền xưa từ quán ven hồ​



PB120164.jpg

Trời chiều buồn xám bên hồ


PB120170.jpg

Hoàng hôn ráng lắm mới có tý xíu ráng đỏ bên hồ


Đêm nay, Pokhara lại cúp điện nên tối đen tối thui. Thật may mắn là chỉ một lúc là mây tan, trăng lên. Vào quán bar ngồi một lúc sao bpk lại không thích. Thế là lại ra thuỷ tạ ven hồ đến thật khuya. Hôm nay, cũng có vài cặp trai gái ghé đến nhưng thấy bpk ngồi lù lù một đống ở đó chắc thấy khó mần ăn, tâm sự nên đành rút lui trong lặng lẽ.



Trăng khuya nay sáng nhưng sáng lạnh quá. Hồ đêm nay có gió nên sóng lấp lánh dưới trăng sao, những cơn sóng nhỏ vỗ rì rào vào bờ như những tiếng ru đều đều trong đêm. Đêm Pokhara này, làm sao quên?


(tbc.)
 
bpk có thể vui lòng đánh dấu lên cái bản đồ những cung đường mà anh đã đi qua không?em vừa đọc bài của anh vừa lấy kính lúp ra dòm trên cái bản đồ của Nepal mà nhiều chỗ cũng không rõ lắm. Cám ơn anh nhiều lắm về cái bài phóng sự này.
 
Chitwan – đến rừng quốc gia để cỡi… - 1

@ conan, để bữa nào bpk gửi mấy cái bạn đồ Nepal cho bạn. Làm gì mà lấy kính lúp ghê vậy. Bạn có Lonely Planet không? Nếu không có bạn tìm đường link trong diễn đàn này download xuống, mở ra xem là Ok ngay mà. Bạn làm bpk suýt cười phát sặc khi đọc mấy dòng của bạn...
....................................................................



Bpk rời Pokhara một buổi sáng còn âm u hơn cả hôm trước. Nhảy xe bus local, mất 6Rp, đi ra bến xe Mustang lúc 6.30am trời còn âm u tù mù. Ra đến bến xe, tình cờ gặp lại ku Singapore hôm trước gặp ở trong nhà nghỉ chung ở Kathmandu. Bpk đi lang thang bằng đường bộ, bằng xe bus. Còn ku này đi trekking từ Kathmandu lên tận đây. Nó giỏi thật vì nó chỉ đi một mình rồi trên đường trek nó gom nhóm với người khác. Chỉ có mười mấy ngày mà từ trắng bốc mập mạp giờ ku đen thui lui ốm nhom ốm nhách. 2 anh em nói chuyện 1 hồi rồi chia tay vì nó ngược lại Kathmandu lên máy bay về nước, còn bpk đi tiếp. Nghe giọng ku có vẻ ghen tỵ khi nghe bpk nói chút chút về hành trình dự định kế tiếp. Nhưng bạn ơi, “có những niềm riêng làm sao nói hết…”. Thế là bpk leo lên xe chạy tọt từ Pokhara hướng xuống đồng bằng, hướng về Chitwan.


PB130173.jpg

Xe rời Pokhara vào 1 ngày âm u như thế này – may mà mình quyết định sáng suốt


PB130179.jpg

Nhưng qua khỏi vài eo núi, xuống đồng bằng là trời đã xanh trong, sông đẹp mơ màng. Sở dĩ dừng ở đây chụp hình được là vì có mấy bạn khoai Tây xuống xe đi bè, rafting xuôi về Chitwan – đã ghê luôn hén!


Xe chạy mải miết đến, thành phố Narayangarh, rẽ vào Sauraha Chowk… đến hơn 1pm mới đến Chitrasali, điểm dừng của xe. Từ đây phải leo lên xe jeep đi khoảng 10 phút nữa mới đến làng Sauraha, nằm ngay ven rừng Chitwan, chỉ cách 1 giòng sông (nhưng chẳng phải là giòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo… tèng téng teng!!!).


Đến nơi, bpk vác balo đi lòng vòng, kiếm được chỗ nghỉ cũng sạch sẽ, giá chỉ 250Rp (# hơn 3US$) mà phòng đến 2 giường, tính rủ mấy em khoai Tây share cho nó tiết kiệm rồi cũng vui nhà vui cửa nhưng mà chẳng em nào chịu hết nên đành ở một mình, bao nguyên phòng luôn.


PB130183.jpg

Thôn xóm ở Sauraha – cái hình chụp ẹ thiệt nhưng xóa nhầm cái hình đỡ hơn mất tiêu. Xe ngựa đó rồi mình cũng được đi.


Việc kế tiếp là ra bờ sông ngồi làm một ly ngắm sông giải nhiệt cái đã, rồi mới đi tìm chỗ đặt tour vào rừng. Khốn nạn cái thân mình là chỉ đi một mình, mà các tour vào rừng là phải bao nguyên 1 chiếc jeep hoặc nguyên 1 con voi. Vậy là chỉ đành để lại thông tin cho họ, khi nào họ kiếm được người ghép tour thì gọi điện báo. Mà cũng không đơn giản đâu nghen, vì tour cỡi voi thì chỉ vào buổi sáng, tour đi jeep thì khởi hành mỗi đầu giờ. Do vậy họ phải kiếm sao cho được 2 tour trong ngày phù hợp với yêu cầu của bpk. Phải là 2 tour trong ngày, vì nếu 2 tour trong 2 ngày khác nhau, bạn phải trả tiền vào rừng quốc gia cho cả 2 ngày. Thấy bpk siêu tính chưa? Nhưng nói thiệt, đây chỉ là yêu cầu tốt nhất thôi, chứ nếu không có mình cũng phải chịu các option khác thôi.

PB130188.jpg

Các bạn khoai Tây ngồi được, sao mình không ngồi bên bờ sông như họ?


PB130185.jpg

Sông chiều xanh xanh, bên kia sông là rừng quốc gia Chitwan


Nhưng may mắn, cuối cùng (mãi đến đêm) mình lại OK tất cả các điều kiện. Tổng chi phí cả 2 tour chỉ khoảng 1.700Rp (đâu chỉ 20 US$), rẻ chán so với cả tour chỉ cỡi voi không ở Lào 9 (vốn có nhiều voi!) cũng đã vài chục US$. Thế là xong công việc nặng nhọc (!) của buổi chiều, bèn lang thang dọc ngang thôn xóm.


(tbc.)
 
Chitwan – đến rừng quốc gia để cỡi… - 2

(cont.)


Sauraha bé tý, nguyên là cái làng của người Tharu. Giờ có xây dựng thêm chút đỉnh nhưng cũng toàn là đường đất đá, chỉ có 1 con đường chính, được trải nhựa, hơi tấp nập ở 1 khúc bán hàng cho du khách với vài hàng quán. Rất buồn cười là đến đây, bpk mới hối tiếc không mua mấy cái post-card về Pokhara, Nepal nên mới đi lùng mua. Báo hại tất cả các hàng quán ở Sauraha cứ lục tung hết các đống postcard họ có mà bpk chỉ lựa được vài cái. Nhưng họ cũng rất vui vẻ và hẹn bpk cứ muốn tìm cái gì thì quay lại, dù bpk ra ra vào vào các hàng quán nắm sát bên nhau. Ở … (bạn tự điền nhé) mà như vậy áh, có mà bạn bị lườm nguýt háy, đốt phong long ngay.



Xóm Sauraha nhỏ, dễ thương nằm ngay bìa rừng và ngay bên bờ sông. Nhiều nhà trong phố có voi trước sân nhà. Buồn cười là ở đây còn có lạc đà nữa, chắc đi lạc từ Ấn Độ qua quá. Ở đây đang vừa xong mùa gặt, thôn xóm tấp nập những hộ gia đình vần công giúp đỡ nhau, những đống rơm vàng tú ụ, những chiếc nong nia sàng sảy những hạt lúa vàng bóng căng vui ngày được mùa. Nhờ đi lang thang, bpk phát hiện được chỗ biểu diễn ca nhạc dân tộc của người Tharu nữa. Để đó, tối sẽ đến xem.


Người Tharu, dân bản địa ở đây còn là 1 bí ẩn đối với các nhà khoa học, vì họ có sức đề kháng tự nhiên với bệnh sốt rét. Ngày trước, họ sống ngay trong rừng già Chitwan ẩm ướt đầy rẫy muỗi mòng vằn vện nhưng họ không hề bị bịnh sốt rét và rất khỏe mạnh. Từ lúc chính quyền Nepal quy hoạch khu rừng thành khu bảo tồn quốc gia, họ chuyển ra sống ngoài bìa rừng, vẫn chung sống với rừng một cách tự nhiên nhưng có thêm công việc mới là làm dịch vụ du lịch. Những chú voi đây đó trong phố là do họ bắt, thuần dưỡng và đưa vào phục vụ các tour du lịch.


Vậy là hết việc nữa rồi. Ra bờ sông tắm hoàng hôn rừng thôi. Hoàng hôn biển, hoàng hôn hồ mê mải chìm đắm đã nhiều. Chiều nay ra sông ngắm hoàng hôn rừng thôi. Lâu lâu đổi của lạ tý, xem thế nào?



PB130198.jpg

Thư giãn chờ hoàng hôn


PB130201.jpg



PB130223.jpg



PB130232.jpg

Hoàng hôn bên rừng, bên sông


Chiều bên rừng bên sông đẹp gì đâu là đẹp. Nguyên 1 đoạn bờ sông được trưng dụng làm các hàng quán đơn giản, chỉ là những chiếc bàn đơn sơ và những chiếc ghế, loại có thể bật ngửa ra nằm được, cứ thế chơi vơi giữa trời chiều lồng lộng. Hoàng hôn cứ đỏ lừ lừ bên rừng, bên kia giòng sông, làm sông chiều cứ đổi màu liên tục theo màu trời, màu ráng của mây lúc vàng lúc đỏ… Chưa kịp đi đâu hết, chỉ cần chìm trong hoàng hôn Chitwan là cũng đủ tiền đến Chitwan rồi.


PB130238.jpg

Đêm đã bắt đầu sang

PB130276.jpg

Tiết mục múa lửa của 1 anh chàng Tharu trong đêm diễn tối đó


PB130289.jpg

Cùng chung vui lúc kết thúc đêm diễn của người Tharu


Còn đêm dày đặc sương mù bên sông thì sao?

(tbc.)
 
Tiếc!!!!! tiếc hùi hụi!
Đang háo hức chờ đọc đoạn "tandem Paragliding" ở Pokhara! thế mà.....

Tháng 12 mình đi Nepal, chạy thẳng đến Pokhara đây. Ài, không biết thời tiết lúc đó thế nào, có lạnh không?

Mong được sớm xem hình Nepal
 
Ah,Xem được mấy tấm hình rồi, hôm nay hên ghê. Nhìn mấy cái hình thiêu người em bị "kích động" mạnh, Bpk cho em hỏi là ở bển ai chết họ cũng xách đi thiêu hết hả? có ai được chôn cất tử tế không? hay là họ không có "khái niệm " gi về nghĩa trang?:((
 
Chitwan – đến rừng quốc gia để cỡi… - 3

@ conan, người theo đạo Hindu mới thiêu sau khi mất vì lý do tôn giáo... Còn các tôn giáo khác thì không. Còn câu hỏi của bạn "khái niệm về nghĩa trang" rộng quá mà bữa giờ bpk không tìm được tài liệu để đọc, nên không dám chắc để trả lời bạn
..............................................


(cont.)


Bpk thức giấc sau 1 giấc ngủ thật sâu của 1 đêm Sauhara lành lạnh dễ chịu và thật nhiều sương. Và bây giờ, vẫn còn nhiều sương sớm là đà trong khu vườn của nhà nghỉ, cũng như trên con đường quê mà bpk đang lần mò đến điểm tập trung, để chuẩn bị vào thăm rừng Chitwan trên lưng voi.


PB140293.jpg

Đường làng sáng sớm​

Chờ mãi, đến hơn 7am gia đình người đi chung voi mới đến – mà đúng hơn là họ cho bpk đi ké. Ai nói cỡi voi là sướng là nói xạo. Bpk dám cam đoan điều đó. Ngồi trên lưng nó dằn xóc không chịu nổi, ngay lúc nó đi đường làng bằng phẳng còn bị tưng lên tưng xuống chứ chưa nói đến việc đi trong rừng. Đi trong rừng còn bị thêm vấn nạn khác là bị lá, cành quất vào mặt nữa chứ. Nhưng nói chung là vui, và dĩ nhiên là có những cảm giác khác bù lại.


PB140290.jpg

Các cô cậu bé trải vở ra và học bài dưới đất!​


Từ Sauraha, chú voi đủng đỉnh đi mất gần 30p mới tới bìa rừng, chậm hơn bpk đi bộ quá. May mà hôm nay mát mẻ nên cũng dễ chịu. Chú voi cứ đủng đỉnh đi chầm chậm qua ngôi làng của người Tharu, với những người dân cần mẫn lao động, những cô bé, cậu bé đang trải tập vở ra học bài dưới đất, qua những ngôi nhà của người Tharu bằng đất mái tranh y chang như những ngôi làng quê Việt Nam.


PB140299.jpg

Bìa rừng Chitwan​


Tới cửa rừng, bạn phải mua vé tham quan, 500Rp và chỉ có giá trị trong ngày. Bpk phải giữ vé lại cho chuyến đi jeep vào rừng vào buổi chiều.

(tbc.)
 
Chitwan – đến rừng quốc gia để cỡi… - 4

(cont.)


Rừng Chitwan khu ở gần bìa này thì không nhiều cây to nhưng thú hoang thì thấy rất nhiều. Mục đích chính của nhóm tham quan sáng nay là đi xem tê giác, do vậy các anh nài cứ liên tục thông tin với nhau về các bãi phân, đường đi của tê giác rồi rượt đuổi theo hòng hy vọng sẽ diện kiến 1 chú tê giác oai vệ nào đó.


PB140300.jpg

Hội ý để tìm theo dấu tê giác


Thế nhưng mãi chẳng thấy tê giác mà chỉ thấy các loại thú hoang khác. Vì đang ngồi trên lưng voi, lắc lư cùng cực nên các tấm hình “chộp” được hơi bị quá xấu nên pà-kon đừng chê nhé. Chỉ thấy được 1 con cá sấu phơi mỏ, 1 con sóc đang tụt lên tụt xuống trên cây, 1 con gà rừng trống đẹp sặc sỡ, 1 con công không chịu đi ngủ mà tung tăng khoe sắc, 1 đàn khỉ chí chóe cấu xé, 1 đàn nai nhỏ tung tăng, 1 đàn hươu già biếng nhác nằm ì ạch chẳng thèm chạy trốn dưới gốc cây... và vài con chim lạ (ít chim hơn ở Tràm Chim, Sài Gòn... ka ka ka). Nói chung là cũng tạm OK dù hơi thất vọng tí xíu về việc không thấy được tê giác.


PB140303.jpg

Chú hươu sao ngơ ngác


PB140308.jpg

Chú công (hay trĩ?) khoe màu sặc sỡ



PB140324.jpg

Bà con nhà họ Tôn


PB140318.jpg

Cá sấu nằm phơi răng


PB140327.jpg

Không thấy được tê giác, cả hội lũ lượt kéo nhau về


Vậy đó, đi lòng vòng gần 2.30p trong rừng mà chẳng thấy con tê giác nào hết, chú voi nhà mình cùng đám bạn lại lủi thủi quay về, để khách còn nghỉ ngơi rồi chiều đi tour khác.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,064
Members
192,337
Latest member
xjjrc
Back
Top