Re: Phansipang - Đời mà, sống phải biết ước mơ chứ - 11-13/03 - Cát cát - Sín Chải
Đã sang
chiều ngày thứ hai.
Cái sự “gửi tình yêu vào đất” khiến mình rời điểm ăn trưa chót đoàn. Cũng may bác Giàng và em Quang vẫn nhẩn nha đợi mình. Hòa mình vào đám trúc lùn lúp xúp ngang bụng, thật chẳng phân biệt được là do mưa phùn hay do mây mù mà thời tiết nhạt nhòa thế này. Đứng giữa đám trúc lùn ấy rõ thấy mình cao hẳn lên, cơ mà cao-lồ-lộ như thế nên phải hứng hết những đợt gió thốc lạnh tràn qua. Rùng mình. Rét run. Dường như gió ở đây thổi không lúc nào ngớt. Liều mình xòe tay ra có lúc cảm giác như nắm được cả mây! Thích phết!
Cái đám trúc lùn li tăn, lăn tăn này vậy mà mọc ken dày, phủ kín cả mặt đất. Rễ bám rễ, thân sát thân, có lẽ nhờ thế mà chúng tồn tại hiên ngang giữa chốn mây mù quanh năm này. Xen lẫn vào đấy là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên,... Đấy là thấy sách nói thì mình nói lại thế thôi, chứ mình có phân biệt được cây nào với cây nào đâu! Thi thoảng thấy chùm hoa xinh xinh hay cây hoa là lạ, đẹp đẹp mới hỏi bác Giàng hoa gì, thì lúc nào cũng chỉ rặt 1 câu trả lời: hoa rừng. Hoặc có lúc tìm được từ mới thì bác trả lời kiểu khác: hoa dại. Đến là bế tắc.
Đi thêm một đoạn may quá bắt kịp nhóm Quỳnh, Tùng, Phượng, Nghĩa, nhưng cả bọn chỉ nhìn nhau cười như cổ vũ nhau cố gắng đi tiếp. Cái lạnh, cái mệt lúc này đã thấm tận từng tế bào nên ánh mắt, nụ cười có lẽ là phương tiện giao tiếp nhanh gọn mà hiệu quả nhất. Cả bọn cứ lầm lũi bước. Gió vẫn gào. Mây mù vẫn giăng trắng trời, mờ đất.
Hết trúc lùn lại đến trúc cao. Nguyên cả buổi chiều hành quân có lẽ cứ đoạn trúc lùn rồi lại đoạn trúc cao đan xen như thế. Đi giữa bọn trúc cao thì cảnh không được đẹp, view không được thoáng như đi với lũ trúc lùn, nhưng được cái tránh được những cơn gió buốt lạnh mù sương cứ như muốn cắt thịt, cắt da người ta ra vậy. Có những chặng phải lội ngược dòng đến là nhiêu khê! Con suối vừa dốc vừa cao, đá viên lởm chởm cục nhỏ cục to, nước suối lạnh buốt cứ ri rỉ từ trong khe đá chảy ra hoặc từ cơn mưa phùn đọng lại, tràn xuống. Nếu nước chảy xiết hơn tí có bảo là thác cũng chẳng sai!
Cơ mà nước suối chúng nó chảy xuống còn thân chúng ta lại phải ngược dòng trèo lên. Đá trơn cộng với nước lạnh khiến cuộc vật lộn giữa người với đá đã vất vả càng vất vả hơn! Nước lạnh tràn qua kẽ tay, lọt vào kẽ chân. Tay có mang 2 lớp găng (1 găng y tế, 1 găng bảo hộ) và chân có mang 3 lớp tất (1 tất mỏng, 1 tất giày với 1 tất linon, có bạn còn mang thêm cả lớp tất thứ 4 là tất chống vắt) thì cũng chẳng xi nhê gì! Leo trèo thô bạo thế thì tất nilon kiểu gì cũng rách, cũng thủng và nước vẫn cứ thấm vào buốt hết cả chân. Cũng may mình nghe nhời các bậc tiền bối đi trước, đôi giày bộ đội to hơn size chân mình 1 cỡ mình nhét tận 3 miếng Kotex siêu mỏng nên vừa êm chân vừa thấm hút rất tốt, nước vào nhiều nhưng không bị lõng bõng nên cũng không đến nỗi vặt vẹo cho lắm. Các chiến hữu mang giày trekking loại chuẩn kiểu như Timberland hay Columbia vừa êm vừa chống thấm thì có lẽ chả cần phải độn ngang độn dọc như giày bộ đội bọn mình.
Quay lại cái chiến sự vượt dòng của đoàn. Vất vả thế nên mới cảm thấy thú vị và nhớ đời. Đôi khi ngẫm lại cũng thấy tự hào thay cho bản thân mình, hehee… Chị Phương còn so sánh leo Fan kiểu này thôi cứ tạm nghĩ như đang đau đẻ. Cứ cố một tí, cứ ráng một tí, lắm lúc đau tưởng như sắp chết nhưng rồi cũng xong. Có điều cơn đau này dài hơi quá, tận 3 – 4 ngày quằn quại nên chắc đến chết cũng không quên nổi!
Thế nhưng vượt thác rồi đã xong đâu! Hí hoáy, rị mọ mãi mới lên được độ cao tầm ấy thì phải tụt xuống 100m chiều cao để kịp lết về 2.700m mà dựng trại nghỉ tối. Nói 100m cao cứ ngỡ gần nhưng trượt theo đường bộ cũng quất của bọn này hết 3 giờ đồng hồ lăn lê buổi chiều…
Lại men theo cái bọn trúc cao để trượt theo con suối mà xuống dốc. Những cây trúc cao kều, khẳng khiu thế mà dai phết. Lắm đoạn không có chỗ bám víu phải vin vào cành trúc để lựa thế trượt xuống, thả tay ra thì phải nhắc khéo kẻ đi trước, người theo sau cẩn thận kẻo nó lại bật lên mà quất vào mặt thì chỉ có tối tăm mặt mũi. Lắm chỗ phải trượt cả một đoạn đá tảng vừa cao, vừa trơn, vừa phẳng chẳng có chỗ mà bấu víu. Anh Dương phải phi thân nhào xuống trước và giơ chân đỡ cho lũ gái chân yếu tay mềm bọn mình tựa chân vào đấy mà trượt xuống. Nếu bảo lúc đấy ta chinh phục Fan bằng 2 chân + 2 tay + 2 mông + 1 cây gậy thì cũng chẳng có gì là ngoa!
Lúc bấy giờ là 2 giờ 30 phút chiều.
Khí hậu ẩm ướt với nhiệt độ tầm 8oC buốt người.
Mây mù (hay sương mù?) vẫn giăng tối mặt.
Và mình vẫn đang túc tắc lê lết cùng với nhóm đi giữa: anh Dương, chị Phương, Quang và một anh porter trẻ tuổi tên Páo thì phải… Đi thêm một đoạn thì bắt kịp em Thảo và em Tuấn Anh phởn phơ trên một tảng đá đang xoa chân. Em bảo cái chân xước của em nó bị vô nước, và bây giờ em đang phải ngấm chịu nỗi đau của nàng tiên cá lúc mới lột xác làm người: cứ mỗi bước đi lại nhói đau như hàng ngàn mũi kim châm. Gớm, cái-nỗi-đau của em sao mà nó thi vị phết, hehee…
Rồi lại rong ruổi qua những địa hình hiểm trở mà có lẽ chỉ khi xem phim hành động kiểu Mỹ mình mới có cơ hội thấy. Một tảng đá to chắn ngang. Chênh vênh. Vắt vẻo. Phải bu vào đấy – và theo sự-hướng-dẫn của anh Páo – tay này đu phải, tay kia nắm trái, rồi dùng cái-gọi-là-nội-lực ta vắt mình qua bên kia. Nói xui chứ ngộ nhỡ lúc đấy mà sẩy tay hay sẩy chân một phát thì lại đau đầu không biết 70 triệu tiền bảo hiểm để lại cho ai, nhỉ, heheee…
Quang em vs Mỹ chị cứ túc tắc thế mà có lúc nhanh phết, thi thoảng phải đi chậm lại đợi mấy bạn phía sau. Quang tranh thủ ngồi lột giày lột vớ ra… vắt nước. Anh Páo đứng nhịp nhịp chân và nghêu ngao huýt sáo.
- Anh ơi sắp đến điểm nghỉ chân chưa nhỉ? – Mụ Mỹ hỏi.
- Tầm hai quăng rựa nữa thôi chị – Anh Páo trả lời an ủi.
Hồi xưa có đọc truyện kháng chiến “Ó Ma Lai” (của tác giả nào đấy quên tên mất rồi) mình đã nghe qua khái niệm về đơn vị đo độ dài “quăng rựa” của một vài đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nên cũng không lấy gì làm lạ lẫm gì cho lắm. Đại để là khi đi làm nương rẫy, người ta thường cầm theo một con dao rựa, đi suốt chặng đường đó, khi nào họ mỏi tay, chuyển cái rựa sang cầm tay kia hoặc quăng nó xuống ngồi nghỉ thì được tính là "một quăng rựa". Cơ mà với sức porter mà tính 01 quăng rựa và so với sức cái tụi văn phòng suốt ngày ngồi bàn giấy như bọn mình thì cũng là lê-tê-phê lắm lắm!
Đi thêm đoạn nữa cả bọn đứng nghỉ ở một khoảnh đất rộng và bằng phẳng. Đâu đó loanh quanh còn vương vãi vết tích của than củi. Chắc đây cũng được xem là một trong những điểm dừng chân nghỉ đêm của những đoàn có trên 30 thành viên. Có điều không thấy suối gần đây (?). Mây mù vẫn giăng mờ mịt. Cảnh vật vẫn tĩnh mịch một cách liêu trai. Nếu mặc áo trắng muốt mà đứng lơ-tơ-phơ ở khu này thì thiệt không khó để mà nhát ma kể cả những kẻ to gan nhất…
- Ta đi tầm nửa quăng rựa nữa là đến nơi – Anh Páo động viên.
Và lúc đấy, nói thiệt, mụ Mỹ vừa lạnh vừa đuối, rất đuối, đuối ơi là đuối, đuối như một câu văn dài ngoằng viết mãi không thấy chấm câu xuống dòng…