Cổ vũ chị Vin để chị hăng hái kể tiếp nhé. Bài viết này mình viết và đăng trên báo Đại Đoàn Kết. Chia sẻ với chị Vin và các bác.
Trecking đường trời, những bước chân không mỏi
Những con đường mòn bé xíu chỉ vừa 2 bước chân người, những con đường như nét vẽ uốn lượn quanh co trên những con dốc dựng đứng hướng thẳng lên đỉnh núi với ba bề là vực thẳm. Chặng đường chỉ chừng 16 km với những bước chân chênh vênh giữa bốn bề không gian bao la bát ngát như muốn nuốt hết những con người nhỏ bé đang cố gắng chinh phục đỉnh cao.
Chinh phục đỉnh cao, hành trình của những bước chân thành phố
Sau một ngày chạy xe máy với quãng đường hơn 300km, chúng tôi đến xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái vào lúc chiều chạng vạng. Theo sau trưởng nhóm, chúng tôi tìm vào nhà Bí thư xã Giàng A Sinh xin nghỉ lại, để hôm sau còn dậy sớm lên đường.
Khởi hành khi những làn sương còn phủ trắng núi rừng, cả nhóm chúng gồm tám người từ Hà Nội, ba người Mông vừa dẫn đường vừa giúp mang đồ. Đi chừng hơn cây số, vượt qua một con dốc dựng đứng để rồi ngỡ ngàng khi đi lọt vào giữa con đường hoa, sở dĩ gọi như vậy bởi hai bên của con đường mòn bé xíu ấy là những rừng hoa dại trắng nhỏ xíu khoe sắc trong gió sớm. Hành trình tiếp tục với những con đường mòn chỉ vừa hai bước chân người bước, nhiều đoạn men theo vách núi, chỗ dốc dựng đứng như lao thẳng lên trời.
1h trưa, sau bữa ăn nhẹ mang theo cho chặng nghỉ chóng vánh bên bờ suối Kang Chi Khúa, cả đoàn tiếp tục hành trình chinh phục những thử thách thực sự của Phu Song Sung dành cho những bước chân thành phố. Những con dốc đứng khiến chúng tôi chỉ còn biết úp mặt vào đường, dán mắt vào từng viên sỏi mà bước lên, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, một viên sỏi bằng ngón chân trượt khỏi đế giầy cũng có thể biến thành một tai nạn nguy hiểm bởi hai bên đường phía sau lưng là những khe vực sâu hun hút.
Cả đoàn vượt dốc trong sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của thời tiết, cái lạnh buổi sớm của vùng núi nhanh chóng bị thay thể bởi ánh nắng chói chang. Những chai nước dường như quá nặng khi phải mang theo nhưng lại là quá ít với nhu cầu cần thiết. Những bước chân nặng nề, những gương mặt mệt mỏi và căng thẳng, những đôi môi khô lại vì thiếu nước nhưng vẫn cố bước lên phía trước. Nhiều đoạn tưởng chừng như bước chân không còn nhấc lên được nữa. Các thành viên tự động viên nhau bằng cách chia nhỏ chặng đường, cứ mỗi gốc cây hay mỏm đá phía trước dù chỉ cách mười bước chân thôi cũng đủ để trở thành một đích đến cho những bước chân mỏi. Cả đoàn vẫn tiến lên từng bước, từng bước một.
Xế chiều, chúng tôi đi trên những con đường sống trâu chạy dọc theo triền núi, những con đường với 2 bên là vực sâu thăm thẳm, gió thổi mạnh như muốn hất bay chúng tôi khỏi con đường độc đạo như sợi chỉ vắt qua đỉnh núi. Ở cao độ 2.400m, những con đường sống trâu chơi vơi giữa trời đang khiến cả đoàn ớn lạnh bởi cái cảm giác lạc lõng và nhỏ bé giữa không gian rộng lớn vời vợi. Những bước chân bồng bềnh như đang bước đi trên "thảm gió” mong manh có thể bị hất xuống bất cứ khi nào. Mấy thành viên nữ trong đoàn liên tục giật mình hốt hoảng trước những cơn gió ào ào thổi tới, chỉ mong tìm được một thân cây nhỏ, một phiến đá dựng chơ vơ bên đường hay bất cứ thứ gì có thể bấu víu để chống lại sức mạnh của những cơn gió trên đỉnh non xanh hùng vĩ, Phu Song Sung.
Ráng chiều đỏ rực đang đổ xuống núi rừng, nhuộm tím cả những sườn núi dốc. Những cơn gió mạnh đuổi đám mây này đi rồi lại đưa đám mấy khác tới khiến cho bức tranh thiên nhiên không ngừng thay đổi dưới ánh chiều rực rỡ. Ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp...
Anh bạn người Mông dẫn đường nhìn bóng chiều xuống vội mà thúc giục chúng tôi tiếp tục lên đường. Chặng đường vẫn còn dài và những con dốc vẫn còn dựng đứng. Chúng tôi phải đến điểm tập kết dựng trại ở độ cao 2.800m trước khi trời tối. Cho đến khi những bước chân chinh phục đã không còn minh mẫn nhận rõ con đường, tiếng thông báo khẽ của người dẫn đường phía trước "cố lên, điểm cắm trại đây rồi” như một phát súng hạ gục những đôi chân quỵ xuống....trong niềm hân hoan sung sướng.
Chuyện trên đường
Theo Giàng A Tu, con trai bí thư Sinh và là người dẫn đường cho chúng tôi lên đỉnh Phu Song Sung cho biết: Tên Phu Song Sung là tên gọi theo người dân tộc Thái ở địa phương, người Mông tại bản Xà Hồ thì gọi đỉnh núi này là đỉnh Chung Chua Nhà (đỉnh núi có nhiều kim loại) hay còn gọi bằng một tên khác là đỉnh Cột Cờ. Từ lâu lắm rồi, theo như ông nội của Giàng A Tu kể lại thì ông cũng chỉ nghe từ cụ nội, rồi sau lại kể cho các con các cháu chứ thực ông cũng chưa hề thấy. Trước kia trên đỉnh núi có dựng một cột cờ lớn để đánh dấu đỉnh cao nhất của dãy núi này. Bởi người Mông coi đây là đỉnh núi thiêng, trên núi có hang động thiêng mà cho đến nay, người Mông trong xã cũng chỉ đến nhìn mà không dám vào hang. Nhưng rồi không biết vì sao mà cột cờ không còn nữa. Đối với những thành viên trong đoàn chúng tôi, Phu Song Sung là một trong bốn đỉnh núi cao nhất Việt Nam (dãy Phan Xi Păng có đỉnh 3.143m cao nhất Đông Dương, thứ hai là dãy Bạch Mộc Dương Tử có đỉnh cao 2.998m, thứ ba là dãy Tà Chì Nhù có đỉnh cao 2.985m và thứ tư là đỉnh Phu Song Sung (hay còn gọi là đỉnh Chung Chua Nhà, đỉnh Cột Cờ) thuộc dãy Pú Luông (Sà Phình), Hoàng Liên Sơn có đỉnh cao 2.979m so với mực nước biển).
Phu Song Sung nằm ở điểm cuối của huyện Trạm Tấu, nơi có con đường mới thông sang huyện Xín Vàng và huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La, từ đó có thể đi tiếp về thị trấn Mộc Châu, còn đi từ thị trấn Nghĩa Lộ, nơi có thung lũng Mường Lò nổi tiếng với những nét đẹp của ruộng bậc thang và không gian văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái, chỉ mất chừng 50km với những cung đường đẹp và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn là có thể đến Xà Hồ để chinh phục đỉnh Phu Song Sung. Nếu có thể kết hợp khai thác các nét đẹp của sự đa dạng văn hóa và phong cảnh thiên nhiên, những suối nước nóng, đặc sản về ẩm thực và các tài nguyên du lịch khác ở đây với sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm và trekking leo núi tại đỉnh Phu Song Sung thì có thể đây sẽ là một địa điểm du lịch có nhiều tiềm năng, mới mẻ và hấp dẫn.
Link báo mình:
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&chitiet=48390&Style=1