Sáng nay, ngồi đọc trên ttvnol.com có một bài viết về trẻ em vùng cao mùa rét này, xin được copy lại.
Mấy ngày qua, có lúc tôi thấy chạnh lòng khi các cơ quan truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về việc trâu bò chết rét, nêu các biện pháp phòng, chống bảo vệ trâu bò nhưng ít thấy ai nói về việc bảo vệ trẻ em miền núi khỏi cơn giá lạnh.
Tôi là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại một tỉnh miền núi xa xôi nhất của miền Bắc Tổ quốc. Tôi hiểu rằng đối với trẻ em miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa, trường học là lều lán, đường giao thông là sân chơi, chó mèo là bầu bạn, sông suối là bể bơi, giày dép là đôi chân trần… và dù mùa hè hay mùa đông khắc nghiệt thì hầu như quần áo đối với chúng vẫn chủ yếu là da thịt. Những ngày miền Bắc “đại hàn”, băng tuyết phủ trắng núi rừng, một số người miền xuôi hò nhau đi xem những khoảnh khắc đặc biệt của thời tiết, có ai chợt nhìn thấy trên núi cao kia có đứa trẻ người Mông, người Dao, người Thái, người La Hủ… vẫn phong phanh một manh áo, chân đất, có khi trần như nhộng ngơ ngác trước cái rét đang giết chết cả trâu bò. Và nếu bạn đã xem loạt ảnh phóng sự về những đứa trẻ miền núi chân trần, áo cộc ở Lai Châu đương đầu với giá rét trên báo chí hẳn sẽ thốt lên: Tại sao chúng lại ăn mặc như vậy? Làm sao chống nổi nhiệt độ có khi xuống đến độ âm?
Tôi đã từng có lúc cảm thấy bối rối khi đọc một vài hướng dẫn của ngành nông nghiệp về việc bảo vệ trâu bò bằng cách cho ăn thêm cháo, tăng khẩu phần dinh dưỡng, thậm chí thêm cả thuốc bổ… Điều đó không sai bởi con trâu, con bò là “đầu cơ nghiệp” của người dân. Nhưng nghĩ đến cùng, chúng đâu thể bằng con người. Vậy mà ngay cả trong mùa đông này, rất nhiều đứa trẻ vẫn thiếu quần áo ấm. Một anh bạn vùng cao đã trả lời khi tôi hỏi sao lại để lũ trẻ ăn mặc phong phanh như vậy, rằng: “Anh cứ yên tâm. Từ bé đến giờ nó vẫn thế, không chết được đâu”. Câu trả lời thật thà đến xót xa!
Những đứa trẻ ấy có thể sẽ vượt qua mùa băng giá, nhưng ai dám chắc không có những ảnh hưởng xấu đến cơ thể chúng sau này? Cho dù sinh ra và lớn lên trong nhiều mùa đông khắc nghiệt và mỗi đứa trẻ đều đã phải trải qua một quy trình chọn lọc tự nhiên, đấu tranh sinh tồn để sống nhưng chắc chắn chúng cũng vẫn sẽ chịu những tổn thương nào đó vì hệ quá của thời tiết. Chúng ta, những người đang được mặc ấm trong mùa đông hãy nghĩ đến những đứa trẻ ở miền giá lạnh ấy có đủ ấm hay không? Và làm sao để cho những bậc cha mẹ ở vùng cao nhận thức được và bảo vệ, che chở các em trong tiết trời giá lạnh.
Trường Giang-Trọng Hải
nhóm lửa
giá lạnh
đóng băng
vô tâm
sưởi ấm
lem luốc
đá bóng