What's new

[Chia sẻ] Switzerland – lần trở lại & những khám phá mới

Sau thời gian khá lâu tôi lại có dịp trở lại Thụy Sỹ - một đất nước xinh đẹp, thanh binh, tuy nhỏ nhưng có rất nhiều thứ nổi tiếng trên thế giới.

Tháng 9 là những ngày cuối mùa hè, đầu mùa thu. Tôi đến Bern trong một chiều nắng vàng rực rỡ, nhiệt độ khoảng 23 độ nhưng thấy khá nóng vào ban ngày, còn buổi tối thì trời xe lạnh thật là thích so với những ngày nắng nóng ở Sài gòn vừa qua.

Thời tiết Thụy Sỹ thật là đỏng đảnh, cứ tưởng rằng những ngày trời nắng đẹp sẽ kéo dài cho đến hết mùa thu như lần đầu tôi sang, nhưng mình tính không bằng trời tinh, đúng hôm bắt đầu khởi hành đi Brienz thì trời mù mây, thỉnh thoảng có nắng yếu ớt, dù sao cũng có cơ hội chụp được những tấm hình tạm ổn.
Vì là cuối hè đầu thu nên lá cây chưa chuyển sang màu vàng. Vì mùa thu là mùa tôi thích nhật nên tôi thấy hơi tiếc khi không có dịp ngắm sắc thu vàng rực rỡ ở trời Âu. Đôi lúc tự an ủi, dù chưa chính thức vào thu, nhưng tôi có dịp quan sát hàng ngày lá cây đang chuyển màu, cũng rất thú vị.

Brienz là một địa điểm khá đẹp nép mình một bên là các dãy núi duyên dáng, một bên là hồ Brienz có nước màu ngọc lam tuyệt đẹp.



Từ bãi đậu xe đã nghe thấy âm thanh của thác nước đâu đó, nhưng phải đi bộ & leo một đoạn qua những con đường như thế này mới tới được thác.



Giessbach Falls là đây, dài & khá cao, âm thanh vang rộng.







Leo lên cao chút nữa, đi vào bên trong nhìn ra như thế này.



Jugenstill Grand Hotel có vị trí thật là đắc địa: một bên là núi & thác, một bên nhìn ra hồ Brienz có màu xanh thật đặc biệt.

 
Bạn BBear cho mình tham gia tí nhé

Chiếc đồng hồ này, chắc hẳn rất quen thuộc với những người ở Đức. Nó được Hans Hilfiker thiết kế cho SBB (đường sắt liên bang Thụy Sỹ) vào năm 1944. Tiếng Đức ngày nay có hẳn 1 khái niệm để nói đến nó "Schweizer Bahnhofuhr" - Đồng hồ nhà ga Thụy Sỹ
Thiết kế của đồng hồ, với vạch giờ, phút màu đen, trên nền màu trắng, đơn giản nhưng rất công hiệu vì người ta có thể nhìn thấy từ xa. Tập đoàn đường sắt Đức (Deutsche Bahn AG) hiện nay cũng sử dụng loại đồng hồ này ở các nhà ga trên khắp nước Đức
Năm 2012, Apple cũng dùng mẫu thiết kế đồng hồ này cho iPad (iOS6), bởi sự đơn giản mà tiện dụng của nó. Nhưng mà họ quên mất là nó xuất xứ từ Thụy Sỹ và thuộc sở hữu của SBB. Sau cùng Apple chi cho SBB vụ này 20 triêụ franc. Đến iOS7 thì họ không sử dụng thiết kế này nữa (chắc sợ SBB lại kèo nhèo;))

Cám ơn bạn Schweini nhiều, một thông tin rất hữu ích và thú vị. Mình cũng có người nhà làm SBB mà không nói cho biết lịch sử chiếc đồng hồ này, chắc cũng do mình không hỏi hoặc không biết để hỏi.

Đúng là chiếc đồng hồ này rất dễ thấy từ đằng xa và gặp rất nhiều ở hầu hết các nhà ga SBB của Thụy Sỹ.
 
Từ đỉnh đèo chúng tôi lại đổ dốc hướng tới Airolo, từ đây là vùng nói tiếng Ý. Rất dễ nhận biết địa phận nào thuộc vùng nói tiếng Đức, Pháp hoặc Ý nhờ vào các bảng chỉ dẫn trân đường đi và radio trên xe, nhờ ngôn ngữ của phát thanh viên ngay vùng đó sử dụng.

Hẳn ai cũng biết Thụy sỹ là quốc gia đa ngôn ngữ với bốn ngôn ngữ chính là tiếng Đức, Pháp, Ý và Romansh. Trong đó số người tiếng Đức (Swiss-German) đông nhất, chiếm khoảng 65.6%, tiếng Pháp (22.8%) tập trung nhiều vùng phía tây, tiếng Ý (8.4%) ở khu vực ráp ranh với Ý, còn tiếng Romansh là ngôn ngữ cổ, chiếm % rất nhỏ ở các vùng núi cao. Giao tiếp tiếng Anh cũng rất phổ biến ở các thành phố lớn, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ nên việc di chuyển, du lịch tự túc... chúng ta không gặp nhiều khó khăn khi đến đây.

Điều thú vị là thay vì sử dụng một trong những ngôn ngữ trên thì tiếng Latin lại được sử dụng chính thức cho tên gọi của Thụy sỹ là "Confoederatio Helvetica" (Helvetic Confederation - CH). Phần viết tắt CH này được sử dụng cho đơn vị tiền tệ (CHF), mã quốc gia, tên miền Internet (.ch) và nhiều lãnh vực khác của Thụy Sĩ.

Tưởng rằng Thụy sỹ là một quốc gia lâu đời thì bình đẳng giới cũng phải có từ lâu, nhưng thật ra mãi đến năm 1971 phụ nữ nước này mới được phép tham gia bầu cử. Năm 1981 luật Bình đẳng giới mới được ban hành. Đến năm 1996 đạo luật chống phân biệt đối sử, bao gồm cả nơi làm việc, mới được áp dụng. Ngạc nhiên quá phải không các bạn!

Hướng về Airolo, phía trước chúng tôi là các bạn lái motor cùng cung đường với nhau một đoạn khá dài.





Vì thấy trung tâm của Airolo không có gì đặc biệt nên chúng tôi không dừng lại, mà chỉ ghé một làng nhỏ gần đó.



Làng nào cũng có ít nhất một nhà thờ. Đa số nhà thờ nằm ngay trung tâm, nhưng cũng có lúc tôi thấy nó ở khá xa, tách biệt hẳn với làng và cư dân. Thắc mắc& hỏi nhưng người bạn cũng không biết, phải tìm hiểu sau vậy.







Kiến trúc các ngôi nhà ở đây cũng rất khác ở Valais và các vùng khác.



Nhìn xuống thung lũng.





Và trên đồi cao.

 
Bạn cho hỏi: chuyến đi này bạn di chuyển bằng phương tiện công cộng hay phương tiện cá nhân? vì có nhiều đoạn mình thấy giống như bạn đang chụp hình trên ô tô nhưng không biết ở Thụy Sĩ có những bus liên tỉnh/Tp không? Thanks.
 
Bạn cho hỏi: chuyến đi này bạn di chuyển bằng phương tiện công cộng hay phương tiện cá nhân? vì có nhiều đoạn mình thấy giống như bạn đang chụp hình trên ô tô nhưng không biết ở Thụy Sĩ có những bus liên tỉnh/Tp không? Thanks.

Lần đi này chúng tôi di chuyển chủ yếu bằng ô tô cá nhân bạn àh, vì tiện cho việc đi qua các đèo và dừng lại nhiều nơi nếu mình thích, chính vì vậy nhiều hình được chụp từ xe hơi chụp ra.

Ở TS mạng lưới giao thông công cộng rất tiện cho việc di chuyển trong khắp cả nước, chủ yếu là xe lửa đi tới hầu hết các thành phố, làng, thị trấn, sau đó bạn có thể sử dụng xe bus địa phương để đi các chặng ngắn. Nếu muốn đi tới địa điểm nào bạn chỉ cần vào www.sbb.ch để search sẽ có thông tin đầy đủ.
 
Đèo Lukmanier

Rời Airolo chúng tôi tiếp tục chinh phục đèo tiếp theo có tên là Lukmanier để đến Disentis Abbey - một tu viện rất cổ cách đó không xa. Đèo Lukmanier chỉ cao 1,914m và là địa điểm trekking phổ biến với hệ thực vật rất phong phú.

Cảnh vật hai bên đường.









Trên đỉnh đèo cũng có một nhà thờ nhỏ và bức tượng.





Các bảng chỉ dẫn cho trekking rất chi tiết và đầy đủ.





Phong cảnh ở đây thật hùng vỹ, bỗng thấy mình thật nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên bao la.



 
Hồ trên đèo có màu nước trong xanh thật đẹp.







Xa xa có một bác đang câu cá.



Hồ chứa nước cho một con đập thủy điện.



Những loại hoa cỏ dại bé li ti dễ thương.





Hotel, nhà hàng & bãi đậu xe cho những người tham gia trekking.



Ngồi nghỉ ăn trưa trên cỏ, gặp một đoàn trekking đi xuống.

 
Tu viện Disentis

Vượt qua đèo Lukmanier chúng tôi xuống thung lũng, vào thăm Disentis Abbey – tu viện dòng Thánh Benedictine lâu đời nhất Thụy Sỹ. Tu viện nằm trên một ngọn đồi nhìn bao quát xuống ngôi làng bên dưới rất đẹp.









Tu viện này đã có tuổi đời hơn 1,400 năm, khởi đầu chỉ là một nhà thờ nhỏ, là nơi ở ẩn do Sigisbert và người đồng môn Placidus xây vào năm 614. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố và nhiều lần xây dựng lại, hiện tại chỉ còn một số bức tường của hai nhà thờ cũ xây từ thế kỷ thứ 8 được bảo tồn cho đến ngày nay.

Trường học đầu tiên trong tu viện được cho là mở cửa từ năm 1285. Sau đó các tòa nhà trong khuôn viên tu viện được xây dựng từ năm 1683 đến 1704 theo phong cách kiến trúc baroque.



Bên trong nhà thờ chính rất cổ kính.



Các bức tranh trên vòm nhà thờ đẹp và được bảo quản rất tốt.





 
Vì không phải là người công giáo nên tôi không hiểu lịch sử & ý nghĩa của các bức tượng, tranh bên trong nhà thờ chính.









Năm 1799 tu viện bị quân đội Napoleon tràn vào đốt cháy và cướp bóc, rất nhiều vật dụng có giá trị, sách và tài liệu lưu trữ bị phá hủy, nhưng may mắn là các ống kim loại để làm đàn organ trong nhà thờ St.Martin trong tu viện còn giữ được và hiện nay vẫn còn sử dụng. Thời gian này tu viện cũng mất khá nhiều đất đai.

Có lẽ đây là cây đàn organ cổ xưa trên.



Những ngọn nến được thắp để cầu nguyện được để trong các lọ sơn nhiều màu sắc khác nhau, vì hôm đi thăm tu viện là ngày thứ 7 vào buổi chiều khá muộn nên không còn người hướng dẫn nên chẳng tìm hiểu được về nghi thức thắp nến cầu nguyện này.



Bên hông nhà thờ có lối đi lên các nhà nguyện, trên lầu là bảo tang trưng bày về lịch sự tu viện, địa chất, sinh vật…



Ngày nay Disentis Abbey được biết đến về thành tựu giáo dục hơn là lịch sử khởi đầu ấn tượng của nó. Với khoảng 160 học sinh, một số nội trú và một số đến từ các nước khác, trường trung học Disentis được đánh giá là trường nói tiếng Đức nội trú tốt nhất ở Thụy Sĩ. Ngoài ra môn kinh tế và pháp luật trong một số lớp học cũng được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tiếc vì là ngày thứ 7 nên hầu như tất cả đều đóng cửa nên chúng tôi không được tham quan nhiều nơi trong tu viện.

Trước cửa ra vào một nhà hàng đối diện tu viện được trang trí bằng hình các con vật đơn giản nhưng dễ thương.



Cây táo leo bên tường nhà.

 
Đèo Oberalp và Andermatt

Tạm biệt Disentis Abbey, chúng tôi lại đi qua những đoạn đường, những ngôi làng nhỏ dưới thung lũng yên bình, xanh & sạch.









Xa xa là một nhà thờ không còn sử dụng, bỏ hoang phế, chắc chắn tuổi đời của nhà thờ này không hề nhỏ.



Đèo Oberalp cao 2,044m và cũng chỉ được mở từ tháng 5 cho tới tháng 10 khi mùa đông tới. Lên tới đỉnh đèo, chúng tôi gặp rất nhiều hội lái motor dừng nghỉ chân.









Và cả một hội các bác lái xe tải cổ mang biển số Zurich lên trên này, phía trước một số xe có để tấm biển nhỏ, hình như là năm sản xuất. Phần đầu xe nhìn rất cổ nhưng phần thùng xe thì như mới được gắn vào.

 
Các chú bò đang bình thản gặm cỏ cũng có màu lông rất khác so với một số vùng khác.



Cả chú chó cũng được đi chơi trên đèo.



Ngay phía dưới nhà hàng trên đỉnh đèo là nhà ga xe lửa & hồ nước nhỏ, xa xa là đường hầm.



Bắt đầu xuống đèo, chúng tôi đi qua một đám mây mù, giờ thì biết tại sao khi chạy xe ở Thụy sỹ tất cả xe đều phải bật đèn dù là ban ngày hay trời tối, dù là mùa đông hay mùa hè, nếu quên không bật đèn sẽ bị phạt kha khá tiền.



Vẫn là các khúc cua tay áo.





Một đoàn tàu đang qua đèo.

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,929
Bài viết
1,172,563
Members
191,778
Latest member
hahahwing
Back
Top