What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
@Joele: Vẫn vào được mà bác, bằng chứng gần nhất là đoàn 7 người này đấy thôi, chỉ có điều khó khăn hơn, vì vậy nhiều người nản đã bỏ kế hoạch phượt vào đây.
Ở Trung Quốc cũng có nhiều nơi rất khoai. Họ phân biệt "nội tân" và "ngoại tân", nghĩa là khách nội và khách ngoại. Như mình nói tiếng Trung đầy mồm, nhìn cũng giống Tàu khựa, vậy mà có vài lần (ở Phổ Đà Sơn và ở Khai Phong) khi làm thủ tục đưa hộ chiếu thì bị từ chối với lý do ks chỉ đón khách nội thôi.
Ngoài lề tí: Ở Tây Tạng, lần đầu tiên mình gặp phải trường hợp hộ chiếu VN "ngon ăn" hơn hộ chiếu Tây nhé. Qua trạm kiểm soát nào đó, hộ chiếu của mình chỉ bị kiểm tra qua loa, nhưng hai bạn Đức và một bạn Hàn Quốc mang quốc tịch New Zealand bị soi len soi xuống. Hồi đó nghe nói có vụ bạn Khoai Tây nào vào Tây Tạng rồi cắm cờ thì phải, nên họ làm gắt hơn.
 
Basum-tso

Basum-tso hay Draksum-tso là một hồ thiêng, đặc biệt là phái Nyingmapa (Ninh Mã). So với ba hồ thiêng phía Tây (Namtso, Yamdok, Manasarova) thì hồ này nhỏ hơn hẳn, và vì nằm ở độ cao thấp hơn nên màu nước cũng không đặc biệt như các hồ kia.

Giữa hồ có hòn đảo nhỏ Tashi, trên đó có tu viện Tsozong của phái Ninh Mã.

11271703094_41708d5cbf_c.jpg


11310363766_a707e8a397_z.jpg


Trước cửa tu viện Phật giáo nhưng lại có hai tượng gỗ rất lạ, nếu không muốn nói là quái đản

11310368576_7aeae9ce45_c.jpg


Để phần nào lý giải những hình tượng này (và tiếp nữa), có lẽ lại phải lan man sang câu chuyện của phái Nyingmapa...
 
Nyingma-pa

Thời kỳ Phật giáo bắt đầu phát triển ở Tibet vào những năm 750, Đạo sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) và Tịch-hộ được coi là Tổ sư đã truyền giáo cho tu sĩ Tibet. Để giáo hóa người dân nhiều đời theo đạo Bon, Liên Hoa Sinh đạo sư đã phải dùng rất nhiều cách thức truyền đạo, đấu cả trí và lực, dùng thần thông để đánh bại các giáo sĩ đạo Bon, đưa Phật giáo đi khắp nơi.

Để hòa nhập, Phật giáo do Đại sư Liên Hoa Sinh giảng dạy có rất nhiều yếu tố huyền bí, kết hợp với các hình tượng thần đạo Bon; và cũng để phù hợp, có hai dòng tu đều được chấp nhận: dòng tu sĩ ở tu viện độc thân, và dòng cư sĩ ở nhà được lấy vợ có con, đều được truyền giới, quán đỉnh. Trường phái được truyền bá đó thuộc Mật Tông - Kim cương thừa, hay còn gọi là Cổ Mật (Nyingma).

Trăm năm sau, vị vua thứ 41 của Tibet tiêu diệt Phật giáo, giới tu sĩ gần như bị giết sạch, chỉ còn rất ít vị chạy thoát vào núi. Lúc này giáo pháp của Liên Hoa Sinh đạo sư chủ yếu do giới cư sĩ lưu giữ và truyền bá. Đến khi Phật giáo hưng thịnh trở lại thì những tư tưởng Mật tông trong dòng truyền qua giới cư sĩ khá mạnh, có nhiều kết hợp và chuyển hóa kì lạ, tạo nên những hình tướng chưa bao giờ có trong Phật giáo nơi khác. Những hình tượng kì lạ như tôn thờ sinh thực khí, tôn thờ các hình tượng dữ tợn kinh khủng với đầu lâu, cốc máu, với tượng yam-yum (nam nữ ôm nhau) dường như đều từ trường phái này, và được giải thích bởi những triết lý Mật giáo huyền bí.

Khi phái Gelugpa do Tông Khách Ba đại sư - nhà đại cải cách lập ra, đã giảm và loại bỏ nhiều các yếu tố biến đổi này. Vì thế bước vào tu viện của phái Gelugpa khác hẳn với tu viện phái Nyingmapa. Còn hai phái Sakyapa và Kagyupa thì tôi chưa vào tu viện nào nên chưa nhận xét được.
 
Padmasmabhava

Đại sư Liên Hoa Sinh là nhân vật lịch sử truyền bá Phật giáo - Mật tông ở cả một vùng Bắc Ấn - Nepal - Tibet vào thế kỉ thứ 8. Là vị Sư tổ truyền đạo cho tu sĩ Tibet, nên tại đây ngài được tôn sùng một cách cực độ, và truyền thuyết về ngài trở thành niềm tin chính thống trong cộng đồng Mật tông đến nỗi không thể tìm được cứ liệu lịch sử thực sự về thân thế của ngài.

Theo niềm tin Mật tông, Liên Hoa Sinh đại sư là ánh sáng của Phật A Di Đà chiếu rọi vào bông sen sinh ra nên gọi là Liên Hoa Sinh, ngài cũng đã được Phật Thích Ca nói trước là đấng sẽ còn hoàn thiện hơn giáo pháp. Liên Hoa Sinh theo học tất cả các đấng trí tuệ nhất trong các cõi: Từ vị Phật Nguyên Thủy - A Tú Như Lai, học Anan là đại đệ tử của Phật Thích Ca, học các vị Phật, Bồ tát, các Đạo sư, Độ mẫu, Minh vương, và ngài nắm được tất cả các tri kiến đó. Trí tuệ của Liên Hoa Sinh trở thành tối thượng trong mọi cõi nhân và phi nhân, thiên và phi thiên; và giáo pháp mà ngài đặt ra là tối thượng: giáo pháp Mật tông.

Liên Hoa Sinh thời chưa đi tu có 500 bà vợ, sau này tu tập rồi cũng phối ngẫu với một bà người Ấn và một bà người Nepal trong mục đích quán đỉnh tối thượng du già, ngài giác ngộ cho tất cả các loại chúng sinh huyền bí của Tibet, từ các chư thiên, các vị thần, các ma quỷ, súc sinh, và con người.

Liên Hoa Sinh là đấng vĩnh hằng, thị hiện ở cõi Sabà trong hàng nghìn năm, thể hiện mình qua 8 hóa thân, hoặc 8 thể tính linh diệu, mà người Tibet thể hiện qua 8 pho tượng.

Như thế phái Nyingmapa tôn thờ Liên Hoa Sinh đại sư còn hơn cả Phật Thích Ca, hơn cả các vị Phật khác. Trong điện thờ Nyingmapa, Tượng Liên Hoa Sinh bao giờ cũng to nhất và đặt chính giữa, tượng Phật khác nếu có cũng chỉ thờ phụ hai bên. Hai bên vách điện luôn có tượng 8 hóa thân của ngài.

Liên Hoa Sinh đại sư tại Tibet luôn có ria xoắn, đôi mắt to tròn soi chiếu thẳng vào tâm người đối diện, đội mũ cao. Tay phải ngài cầm kim cương chử, tay trái cầm cái cốc sọ người đựng máu, có một cây lao xiên một dây đầu lâu tựa vào vai trái. Thường có tượng hai bà vợ đứng hầu hai bên.

11310700184_dac3c7c022_z.jpg
 
Skullcup

Tu viện Tsozong không chỉ không được chụp ảnh bên trong mà còn không được đi giày dép trên sàn. Nhưng trời lạnh quá, nên ở đây rất lịch sự là để sẵn hàng trăm túi nylon mỏng để khách bọc ra ngoài giày.

Vừa vào điện, bác Keychak lễ sụp xuống trước tượng Liên Hoa Sinh mấy lần. Rồi bác đến bên bàn cạnh đó bốc một chút bánh tròn tròn ăn và múc một ít nước trong cái giống cái bát bên cạnh đó uống.

Tôi ra nhìn kĩ thì cái thứ mà bác uống nước có hình tương tự thế này (tương tự vì ảnh này chụp ở nơi khác)

11310325055_cf4175d48c_z.jpg


Đó là cái bát làm bằng ĐẦU LÂU NGƯỜI.

Trong Mật giáo thì cốc đầu lâu là một pháp khí quan trọng, chứa đựng trí tuệ nhận thức. Các thành phần xương, máu, não đều là tinh túy và thể hiện của thức. Do đó cái bánh bột nặn hình óc người, nước để trong đầu lâu. Các cao tăng khi mất có 3 hình thức: Thiên táng, hỏa táng, tháp táng. Tháp táng chỉ dành cho các Dalai Lama, các Lama được thiên táng thì hàng trăm hàng nghìn người mới có 1 người được lấy đỉnh sọ ra làm cốc nước thiêng trong các tu viện.

Cái cốc sọ người trong các tu viện được nạm vàng ngọc xung quanh, và có tuổi đã hàng trăm năm.

Tôi bốc một ít bột bánh ăn thử - không có vị gì. Và ngần ngại không dám uống nước trong cái cốc kia. Cuối cùng lấy chiếc lọ nhỏ mang theo múc một ít nước bỏ vào đó. Cái lọ đó về sau còn nhiều nước ở nơi khác nữa.
 
Green Jade

Hồ Basum-tso còn một tên khác trong tiếng Tạng nghĩa hồ nước xanh ngọc. Cũng phải nói rằng hồ không đến nỗi đẹp lắm như ca ngợi, chỉ là hòn đảo tạo thành điểm nhấn độc đáo thôi.

11302177924_8d4e5ec953_c.jpg


11302143466_a4c522f5a8_c.jpg
 
Chuyện

Có hai câu chuyện nhỏ ở đây.

Một là khi đi vào thăm hồ, tất cả 7 người phải dồn lên 1 xe, còn Tenzin ngồi một xe thênh thang với bác tài Keychak. Đó là vì Tenzin bảo với công an TQ ở đó là: Cái xe hỏng kia đi rất nguy hiểm, tao không thể để những quý khách kia gặp nguy hiểm được, tao đành phải chịu rủi ro ngồi lên cái xe hỏng này.

Và thế là suốt cả buổi hôm đó Tenzin "phải đi cùng xe hỏng", cho đến khi ra khỏi cả khu vực đó, cách cả hai chục cây số rồi mới xuống đổi xe.

Hai là trong đoàn ai cũng có vẻ rất yêu quý chó, nhất là nếu chó ngao Tạng nữa thì càng thích. Đau buồn là trong 7 người thì có mỗi tôi là có ăn thịt chó, vì thế được các bạn rất chi là xỉ vả vì tội có thể ăn được con vật đáng yêu như thế. Chè và Tre còn mang cả thức ăn cho cún để gặp cún là cho ăn cơ mà.

Nhưng, rốt cuộc là với những con cún to và có vẻ hung dữ nhất thì tôi lại luôn là người rất dễ dàng và nhanh chóng làm quen, chơi với chúng. Lúc đầu chúng cũng gầm gừ hăm dọa, nhưng chả biết vì sao chúng rất mau tin tưởng tôi, sau một lúc là ngửi tay hít chân, rồi sẵn sàng cho tôi gãi cổ, rồi chồm cả lên người, rồi lăn ngửa hết cả ra ư ử.

Thấy con chó ngửa ra sung sướng, Tre bảo : thế là nó tuân phục anh rồi đấy.
Tôi bảo: Chắc tại vì anh có ăn thịt chó !!???
 
Cảnh sắc

Khó nói hết cảnh sắc dọc cung đường này, mùa đông dường như lại làm thiên nhiên màu sắc hơn

11302130776_a38b6cabf4_c.jpg


11302127926_8067a28cb0_c.jpg


11302156174_ac2637c0b5_c.jpg
 
Đi Bayi

Rời hồ Basum-tso, chặng đường đẹp dẫn chúng tôi đến gần Bayi, thành phố thủ phủ của Nyingchi. Bữa trưa đến lúc 3 giờ, với một con cá to nấu kiểu TQ.

Theo kế hoạch chúng tôi sẽ đến làng Tashigang ngủ trong làng. Nhưng khi Tenzin sau khi đi cả tiếng quay lại bảo: Chúng mày không được ngủ trong làng, chỉ được ở thành phố, thị trấn nơi có khách sạn thôi, bọn công an ở đây rất cương quyết !

Nyingchi là tiếng Tạng, Hán phiên âm Lâm Chi, là thành phố do TQ thành lập. Nơi đây khá quan trọng vì là ngã ba đường. Tên Bayi là tên hoàn toàn TQ, nghĩa là Bát-Nhất, tên của Quân đội TQ.

11338270043_f51b6903e4_c.jpg


11302164184_4012eacf62_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,705
Bài viết
1,135,734
Members
192,455
Latest member
Nayakane
Back
Top