Gian nan đường về
“Nếu trời mưa, bộ đội biên phòng đi hết 8 tiếng, thậm chí là vài ngày thì nhà báo phải mất đến một tuần”. Để giữ chúng tôi ở lại qua đêm, các anh bộ đội biên phòng thay nhau doạ. Khi ấy, ngoài trời nắng đã tắt hẳn sau vách núi, mây đen cuồn cuộn và thi thoảng đâu đó có vài hạt mưa rơi.
Cuộc chiến “người và… lốp”
Trước khi vào Lũng Làn, chúng tôi đã được nghe nhiều lời khuyên, lời dọa dẫm và mô tả về cái sự khủng khiếp của con đường mà chúng tôi đến Lũng làn. Quả thật, trời không mưa đi đã vất vả như thế, không hiểu trời mưa thì liệu có đi nổi không. Ở đồn biên phòng Lũng Làn đồng hồ đã nhích qua con số 5, tức là đã hơn 17 giờ chiều. Ngoài trời, nắng đã tắt và mây đen đã xuất hiện. Theo dự định ban đầu, chúng tôi chỉ qua đồn thăm anh em chiến sĩ biên phòng một lát rồi quay ra, nhưng sự nhiệt tình của những người lính cùng với cái lốp đã không còn tí hơi nào của anh bạn cùng đoàn đã kéo chúng tôi ở lại lâu hơn dự định.
Hôm nay quả là ngày đen đủi của chúng tôi, khi trời đã muộn mà chúng tôi vẫn chưa thể xuất phát, bởi lốp xe của anh bạn cùng đoàn dở chứng. Hơn 3 tiếng đồng hồ, cùng hơn 30 lần vá săm tại đồn mà vẫn không thể thu phục được “anh bạn” cứng đầu này. Ban đầu là anh em trong đoàn đánh vật với nó, sau này tới anh em lính biên phòng vào cuộc cũng không ăn thua, cuối cùng thì bác phó đồn cũng phải xắn tay áo nhảy vào. Cuộc chiến giữa người và lốp cứ diễn ra như thế, đến mức chúng tôi thấy nản vô cùng. Có lúc, tôi nghĩ trong bụng: “Hay là ở lại quách cho xong, mai dắt xe ra ngoài rồi kiếm cái xe tải nào đó nhờ chở xuống Mèo Vạc”.
Mãi rồi cũng xong, khi bộ đôi săm – lốp chịu khuất phục trước tình cảm và sự liên kết quân – dân thắm thiết, mãnh liệt thì lúc đó đã khá muộn rồi. mệt mỏi, chán nản nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường về, bởi nếu không về kịp mà ở lại đón mưa thì chắc tuần sau chúng tôi mới có thể về đến HN. Thuyết phục không được đe dọa cũng không xong, cuối cùng anh trọng - Chính trị viên của đồn đành phải cho tôi số điện thoại, và dặn: “nếu có chuyện gì thì gọi cho bọn tớ ngay nhé”.
Tiếp tục cuộc chiến trong đêm với…lốp
Tưởng rằng đây sẽ là lần cuối cùng phải “móc lốp”, nhưng chúng tôi đã nhầm. Bịn rịn, quyến luyến và hứa hẹn sau khi chia tay các đồng chí bộ đội biên phòng được 30 phút và hơn 5km đường thì lốp xe lại biểu tình, vẫn là chiếc xe đó có lẽ nó muốn chúng tôi ở lại Sơn Vĩ chăng? Nhưng không, chúng tôi quyết tâm về và lại hì hụi lôi săm ra để “trét keo, dán miếng vá và đánh chan chát vào mặt nó”. May mắn, lần này thì một phát ăn ngay. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, con đường dốc và toàn đá hộc ban ngày đã khó đi, ban đêm còn khó hơn gấp bội. Lần này, chúng tôi đi phải cẩn thận hơn rất nhiều, bởi miếng vá không còn nhiều, keo cũng gần hết và con “la già” (Tên chúng tôi đặt chiếc xe của anh bạn Harchitech) đang rình cơ hội “xin nghỉ hưu”. Nhưng chạy đâu cho tắt nắng, cái đen vẫn đeo bám chúng tôi. Đi được thêm 10km nữa thì con “la già” dở chứng thật, cái sự lo sợ nơm nớp ấy đã xảy ra. Nản – chán, chúng tôi dựng xe và ngồi nghỉ giữa đường, trời đã tối đường thì khó đi, xe thì dở chứng, anh em nhìn nhau mặt méo xẹo.
Nghỉ ngơi, bàn tán một lúc thì chúng tôi quyết định để bác Walkman và một bác nữa chạy xe chở hai cô gái của đoàn ra Mèo Vạc trước, sau đó mua săm mới mang vào cho chúng tôi để thay. Khi đó chỉ còn tôi, anh bạn Harchitech và con là già chết tiệt ở giữa rừng núi hoang vu không một bong người, thi thoảng từng cơn gió lạnh thổi qua khiến cả hai rùng mình. Thay phiên nhau dắt xe đi bộ, cố gắng đi được đoạn nào hay đoạn đó, đi mãi mà cũng chỉ thêm được 3km đến mốc 485. Đến đây, mệt quá nên tôi quyết định nghỉ. Anh bạn Harchitech lôi bộ đồ nấu café ra, hai anh em lại hì hụi đào đào bới bới làm bếp dã chiến. Quả thật, nếu được uống café đêm giữa nơi rừng núi hoang vắng, giữa biên giới hai nước “anh em” Việt – Trung thì còn gì bằng. Nhưng chưa kịp châm lửa đun nước thì từng giọt nước mưa rơi lã chã vào người, hai anh em tái mặt nhìn nhau. “Quả này xong rồi”, anh bạn đồng hành kêu lên ai oán.
Đến lúc này, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện gọi điện vào đồn để nhờ vả anh em bộ đội. Nhưng nghĩ lại, tôi liền từ bỏ ý nghĩ đó luôn. Khẩn trương thu dọn đồ đạc, che chắn cho khỏi ướt đồ, chúng tôi cố gắng dắt thêm được đoạn nào hay đoạn đó nữa. Một lúc sau thì có ánh đèn từ xa hắt đến, đó là bác Walkman, bác quay lại nhanh hơn tôi tưởng. Hóa ra, bác và anh bạn kia đã đến một lán của công nhân làm đường gần đó để nhờ vả. Một anh bạn công nhân đã đưa bác vượt đèo giữa đêm lên cửa khẩu Săm Pun để mua săm. Lại hì hục và thay săm, rồi cuối cùng cũng xong. Lúc này, chúng tôi quyết định để anh bạn Harchitech đi cùng một bác khác, bác Walk sẽ đèo hai cô gái kia còn tôi sẽ cưỡi con la già. Đó quả là một sự phân công hợp lý, bởi sau dó thì chẳng còn chuyện móc lốp nữa. Chúng tôi tiếp tục hành trình khi đồng hồ đã chỉ 23h đêm, con đường tối đen vì trăng đã bị mây che kín, mưa vẫn thi thoảng rơi từng giọt phả vào mặt để đe dọa cả bọn. Dưới kia, con đường toàn đá hộc vẫn thử thách những chiếc xe chỉ quen chạy đường phố, những khúc cua gấp khuỷu tay trên con đèo cheo leo, không lan can che chắn, không biển báo đường cua, mọi thứ chỉ là mò mẫm và căng mắt ra mà nhìn, bởi nếu không để ý thì sẽ…phi thẳng xuống chân núi và đi về bằng “tàu sáu ván”. Mải miết mò mẫm trong đêm, đầu nặng trịch vì mệt và lo sẽ phải móc lốp thêm, tai đã ù vì gió còn mắt thì mờ vì bụi của xe đi trước, cuối cùng chúng tôi đã ra được đến chân đèo Mã Pí Lèng. Từ đây, chỉ còn 5km đường nhựa nữa là chúng tôi đến thị trấn Mèo Vạc, thở phào nhẹ nhõm, sung sướng thoát nạn chúng tôi tăng tốc hơn một chút cho sớm đến thị trấn để nghỉ ngơi.
Lúc này, đồng hồ đã chỉ 2h sáng. Thị trấn Mèo Vạc vắng tanh, những cánh cửa đóng im lìm, cả thị trấn đã chìm trong giấc ngủ. Ngoài đường, có 6 kẻ lang thang trên 3 chiếc xe máy vẫn chạy lòng vòng tìm chỗ ngủ.
LTCD1986
@ All: Ảnh ọt mai em post sau.