What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Ngày 6: Thăm vùng Tsang (Phần 2)

Trong lúc viết loạt bài Nhật trình Tây Tạng, YILKA tình cờ nhận đc email của 1 phượt thủ khác (bạn Tước, email: [email protected] ) chia sẻ một vài hình ảnh bạn Tước chụp đc trong điện Jamkhang Chenmo, tu viện Tashilhunpo ^^ Dưới đây là ảnh chụp của tượng phật Di Lặc trong điện, cũng là tượng Phật Di Lặc ngồi lớn nhất thế giới; và hình ảnh quan tài bằng vàng của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Theo bạn Tước có nói thì phí chụp ảnh trong Tashilhunpo là 160RMB! khá cao so với phí 10RMB chụp trong Thập Vạn Phật Tự (Kumbum) ở Gyantse hay 30RMB chụp trong điện thờ của tu viện Sera.

P.S: nếu bạn Tước có ghé topic thì hú 1 tiếng cho mọi ng biết, thanks bạn vì đã chia sẻ hình ảnh tư liệu quý giá. Bản quyền ảnh thuộc về bạn Tước, mình chỉ post lên sau khi đã đc bạn Tước chấp thuận :)

- Ảnh tượng Phật Di Lặc (Future Buddha) trong Jamkhang Chemo:

001.jpg


- Có thể nhận ra trước tượng là di ảnh của Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9, 10, và 11 dưới chân Phật (từ trái sang phải). Mỗi bức ảnh này là mỗi con người mà số phận của họ gắn liền với những tháng năm lịch sử kinh thiên của Tây Tạng, từ sự xung đột mâu thuẫn về chính trị giữa bản thân 2 lãnh tụ Đạt Lai và Ban Thiền cho đến bàn tay can thiệp mang màu sắc chính trị của Bắc Kinh vào tình hình Tây Tạng:

002.jpg


- Điểm quan trọng nhất trên toàn pho tượng là đôi mắt xanh trí huệ của Di Lặc Phật. Bàn tay phải của Phật là tư thế Ấn giáo hóa, giữa lòng bàn tay là bánh xe Pháp 8 trục tượng trưng cho Bát Chính Đạo:

004.jpg


005.jpg


- Những hình ảnh stupa vàng của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10:

006.jpg


007.jpg


008.jpg
 
"từ sự xung đột mâu thuẫn về chính trị giữa bản thân 2 lãnh tụ Đạt Lai và Ban Thiền cho đến bàn tay can thiệp mang màu sắc chính trị của Bắc Kinh vào tình hình Tây Tạng" - mẫu thuẫn này là giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 và Ban thiền Lạt ma hiện tai hay là có từ trước rồi hả anh? Em không rõ về lịch sử chính trị ở Tây Tạng lắm...
 
Last edited:
@ j2s: nếu em đóng phí tất nhiên là đc chụp tẹt ga rồi :D còn nếu ko đóng phí mà chụp lén thì nó phạt nặng (toàn trên 1000RMB thôi, có biển đề luôn :D)

Về quan hệ chính thống giữa Ban Thiền Lạt Ma với Đạt Lai Lạt Ma trong việc giúp đỡ nhau, giáo dục, rồi đi tìm người tái sinh cho nhau thì mọi ng đã rõ, tuy nhiên quan hệ chính trị giữa 2 phía thì không có tài liệu nào ghi chú rõ ràng. Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9 có xích mích quyền lực với Đạt Lai Lạt Ma đời 13, Trung Quốc ko bỏ qua cơ hội này để công khai ủng hộ Ban Thiền Lạt Ma. Từ đời thứ 9 trở đi, Bắc Kinh hỗ trợ rất nhiều trong việc hoẳng trương thanh thế của Ban Thiền, nhắm chủ yếu vào Tashilhunpo vùng Tsang luôn, lập thành 1 phe thân Cộng rõ rệt, thậm chí đến đời thứ 11 còn lập 1 Ban Thiền rất trẻ lên nhưng người Tạng vẫn ngấm ngầm phản đối. Họ cho rằng Ban Thiền thứ 11 đích thực đã bị bắt cóc và giam giữ (đến 21/4/2010 là ngài tròn 21 tuổi). Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, những thông tin trên là tham khảo trên mạng và mang tính một chiều, trừ khi có ai đó rành rọt cả tiếng Trung-Tạng-Anh và đào sâu tìm hiểu về lịch sử Tây Tạng thì mới dám kết luận rõ ràng được. Anh cũng chỉ tham khảo nên ko nói đc nhiều hơn ...

Ấn tay Phật Di Lặc thường gặp đúng là Ấn chuyển pháp (Gesture of Teaching - dharmacakrapravartana), trong ấn này 2 tay trái phải đều đưa lên chạm nhau, lòng bàn tay xoay ra ngoài, ngón trỏ và ngón cái vẽ vòng tròn. Tuy nhiên nếu em để ý ảnh chụp trong điện Jamkhang Chenmo, chỉ có tay phải của Phật đưa lên và xoay ra mà thôi, tư thế đó là Ấn giáo hóa (Gesture of Argument - vitarka). Em có thể tham khảo thêm ở đây: Explaination of Mudras hoặc Ấn Phật Giáo
 
Đúng là phí chụp ảnh trong Tashilhunpo rất cao, bọn tớ cũng toàn chụp trộm vì bức tượng Phật này quá đẹp
 
em cảm ơn anh về những thông tin ở trên ạ :) Nếu bỏ tiền ra mà đc chụp thoải mái thì em sẵn sàng chi thôi, còn hơn là ko đc chụp như ở Potala :(
 
Hi all,
Vừa từ Tibet về được 2 tuần - Nếu các bạn nào có ý định đi trong mùa Hè 2010 thì rán đến BCE (Base Camp Everest) luôn, rất đáng công và $$$.... Nếu cần hình ảnh up to date về BCE thì xin e-mail cho tôi ([email protected])
 
Ngày 7: Trở về Lhasa và ghé thăm tu viện Sera (P1)

1. Ngàn dặm không mây

Trở lại với bạn đọc trong bài viết ngày thứ 7 khám phá Tây Tạng :) Buổi ban mai của Nhật Khách Tắc (Shigatse) có phần vắng lặng hơn nhiều so với Lhasa. Tuy là thủ phủ vùng Tsang giữa lòng cao nguyên Tây Tạng nhưng nếu để ý kỹ, cuộc sống của thành phố đã mang nhiều màu sắc hiện đại tiểu thị dân của vùng đồng bằng. Ấn tượng đọng lại trước khi rời Shigatse là những con đường đá trơn láng vắng bóng chân người trải một màu xám tiễn chân du khách ra đến cột mốc số 4900 - cột mốc đánh dấu địa phận Shigatse trên tuyến quốc lộ Hữu nghị (Friendship Highway) ^^

IMG_4090.jpg


IMG_4091.jpg


IMG_4093.jpg


IMG_4092.jpg


Frienship Highway, hay gọi chính xác hơn: Quốc lộ 318 <China National Highway 318> là con đường "vàng" đã có dịp nhắc đến trong bài viết di chuyển từ Nyingchi vào Lhasa, dài gần 5500km xuyên suốt từ cực Đông (Thượng Hải) sang đến cực Tây (Tây Tạng). Đoạn chạy qua Thành Đô có tên là cao tốc Tứ Xuyên – Tây Tạng (Sichuan-Tibet Highway), còn đoạn chạy từ Lhasa đến Zhangmu (biên giới Nepal) được gọi là cao tốc Hữu Nghị (Sino-Nepal Friendship Highway) có vượt qua Shigatse trên đường đi. Riêng từ Lhasa đến Shigatse, bản đồ còn phân ra: Southern và Northen Friendship Highway. Đường Southern Frienship Highway chính là lộ trình ngày 6 vào vùng Tsang: Lhasa - đỉnh Kampala - Hồ Yamdroktso - đỉnh Karola - trấn Gyantse - Shigatse. Còn đường về trong sáng hôm nay chúng tôi đi theo Northen Friendship Highway :) Theo mốc lộ giới phân cắm, Lhasa ở mốc 4646 còn Shigatse ở mốc 4900, cách nhau đúng 350km cao tốc, ngắn hơn khoảng cách của đường cũ gần 50km.

IMG_4100.jpg


IMG_4101.jpg


IMG_4102.jpg
 
Ngày 7: Trở về Lhasa và ghé thăm tu viện Sera (P1)

Trên đường đi, chúng tôi gặp lại người bạn cũ: con sông Nhã Lung (Yarlung Tsangpo) ^^ Trải mình trong ánh nắng hè tháng 6, dòng Yarlung Tsangpo bền bỉ chảy sâu vào lòng Tây Tạng; trái với hình ảnh tráng lệ uốn mình dưới chân ngọn Namche Barwa làm thành hẻm núi xanh độc đáo giữa Nyingchi, con sông Nhã Lung chảy dọc theo quốc lộ 318 đoạn nối liền Shigatse - Lhasa mang một sắc thái ôn hoà có phần ảm đạm hơn:

IMG_4105.jpg


IMG_4400.jpg


Rất tình cờ, người viết tìm được những điểm tương đồng trong văn chương của Lý Nhuệ với những vùng đất đã đi qua. Nếu như cổ trấn Lệ Giang - đông thành của Vân Nam gợi nhớ đến hình ảnh trấn Ngân Thành mà Lý Nhuệ xây dựng trong tiểu thuyết Ngân Thành Cố Sự; thì ở đây, giữa trời đất bao la của vùng Tsang Tây Tạng, những hình ảnh hiện ra trước mắt làm người ta liên tưởng đến câu chuyện Ngàn dặm không mây của ông:

Thứ đầu tiên đập vào mắt người thầy giáo trẻ tình nguyện đi về vùng sâu dạy học là một miền núi non trùng điệp mênh mông, rặt một màu đất đỏ bazan khô khát. Nhiệt tình cháy bỏng muốn đem ánh sáng văn minh chiếu rọi tới cuộc sống mông muội của người dân thôn Ngũ Nhân Bình trong anh cứ dần lụi tàn trước sự bất di bất dịch của tự nhiên và con người nơi ấy. Chỉ khi ngày lại ngày đối mặt với những dãy núi trải dài câm lặng, anh mới cảm nhận sâu sắc được thế nào là sự cô độc và tĩnh lặng không người thấu hiểu, ngộ ra cuộc đọ sức vĩnh hằng, vô vọng giữa con người và tự nhiên, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn …

Đó có lẽ là cảm giác rõ ràng nhất của chúng tôi khi ngắm nhìn những vách núi cheo leo sỏi đá, những bờ sông cháy vàng bụi cát:

IMG_4110.jpg


IMG_4108.jpg


IMG_4134.jpg


IMG_4133.jpg
 
Ngày 7: Trở về Lhasa và ghé thăm tu viện Sera (P1)

Với kế hoạch đổi dòng chảy của sông Nhã Lung nhằm tăng nguồn tưới tiêu cho các vùng phía Bắc Trung Thổ, chính phủ Trung Quốc đang từng bước thực hiện "The Tsangpo Project" bắt đầu từ việc xây các con đập chắn nước và các nhà máy thuỷ điện trong Tây Tạng. Điều đó lý giải quang cảnh công trường xây dựng tất bật trên suốt đoạn đường đi mà du khách đang và chắc sẽ còn chứng kiến trong vài năm tới nữa:

IMG_4117.jpg


IMG_4118.jpg


IMG_4121.jpg


Khi xe chúng tôi dừng chân nghỉ ăn trưa, ai cũng mệt mỏi vì trời oi bức và hành trình gió cát nên không ai mặn mà với các món ăn, chỉ riêng có món cuối cùng khi được bưng lên thì ai cũng ngạc nhiên: đó là những chiếc bánh hình trụ nhỏ bằng gạo nếp nhân đậu gói trong lá lúa nhỏ như bánh tro nước ta. Người dân địa phương giải thích rằng hôm nay là ngày lễ hội ở địa phương nên họ đều mời thực khách món truyền thống này. Hỏi ra mới biết hôm đó chính nhằm ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch (tức 16/6/2010 dương lịch). Câu chuyện Sở thần ái quốc Khuất Nguyên năm xưa trầm mình dòng Mịch La vì lời can gián không được vua nghe; người dân thương tiếc ông đã lấy ngày 5/5 âm lịch làm ngày giỗ ông, lại làm nhiều bánh trái mà quăng xuống sông để các loài thuỷ quái cá sông ăn bánh mà không ăn xác Khuất Nguyên. Dòng Mịch La là một nhánh của sông Dương Tử mà điểm xuất phát của Dương Tử giang không đâu khác chính là cao nguyên Thanh Tạng! Không hẹn mà gặp, câu chuyện của mấy nghìn năm lịch sử thời Chiến Quốc tưởng như xa xôi nay trở về sống động giữa đường thiên lý khám phá Tây Tạng, quả thực là một bất ngờ thú vị ^^

KhuatNguyen.jpg


Thêm một điểm chú ý khi di chuyển theo Northen Friendship Highway là việc kiểm soát tốc độ giữa các trạm gác! Tổng cộng có khoảng 5 trạm gác trên đường, đến mỗi trạm gác lái xe phải xuống để đóng dấu và ghi lại giờ qua trạm. Khi đến trạm tiếp theo phải qua thời gian nhất định, nếu đến sớm hơn sẽ bị phạt nặng. Vì thế nếu bạn đọc sau này có đi cung đường này cũng không nên lấy làm lạ khi thấy xe tự nhiên đang chạy thì dừng, tài xế sẽ xuống xe tha thẩn hút thuốc nhìn đồng hồ, rồi lại lên xe chạy tiếp, cứ thế vài lần :D âu cũng là dịp để du khách ra ngoài hít thở khí trời và ngoạn cảnh:

IMG_4124.jpg


IMG_4410.jpg


Chẳng mấy mà trời đã xế trưa, xe chúng tôi sau khi vượt các trạm gác và 6 cây cầu cuối cùng đã vào đến địa phận Lhasa, tạm biệt dòng Yarlung Tsangpo để về với phố phường vùng U, điểm đến trong buổi chiều nay sẽ là tu viện Sera ^^
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,784
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top