What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

2. Sera Monastery

Xây dựng năm 1419 (nhắm vào thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ bên Trung Hoa), tu viện Sắc Nhạ (Sera Monastery) là 1 trong 3 tu viện tiêu biểu của dòng Cách Lỗ (Gelugpa Sect) bên trong Lhasa, và là 1 trong 6 tu viện lớn của Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect) trên toàn Tây Tạng. Người có công đầu trong việc kiến lập viện là đại sư Thích Ca Dã Hiệp (Shakya Yeshe), học trò của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Quần thể tu viện Sera còn có tên gọi là Tu viện hoa hồng bởi khu vực xây dựng tu viện trước kia được bao quanh bởi các vườn hồng dại. Ngoài ra còn một nghĩa nữa trong tên "Sắc Nhạ" là Bạc Tử (mưa đá) vì lúc xây tu viện thì có mưa đá rơi xuống.

Từ bãi đỗ xe, chúng tôi theo con đường nhỏ 2 bên trồng cây xanh và san sát nhà cửa đi bộ hơn 10 phút đến được cổng tu viện, khung cảnh thanh bình cực kỳ, trái với sự đông đúc ồn ã của tu viện Tashilhunpo, Shigatse:

IMG_4419.jpg


IMG_4138.jpg


IMG_4139.jpg


Bước vào tu viện, bên phải đầu tiên du khách sẽ gặp stupa lớn, tiếp theo là các dãy nhà song song tường trắng mái bằng đỏ chạy dài với hai hàng cây xanh:

IMG_4421.jpg


IMG_4420.jpg


IMG_4422.jpg


IMG_4143.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

IMG_4144.jpg


Kiến trúc Sera Monastery được chia ra làm 5 khu chính: Khu Chính Điện (Great Assembly Hall), 3 đại viện dành cho việc tu học là: Me College (Mai Ba), Je College (A Ba), Ngagpa College (Kết Ba), và hạ viện Homdong Khangtsang (Hòa Kiết) là nơi Tăng chúng sinh sống. Nhìn vào bản đồ toàn đại tự viện Sera, điểm thu hút du khách nằm ở góc xa nhất, đó chính là Vườn Tranh Biện (Debating Courtyard) ^^

SeraMap.jpg


Đường dẫn vào Vườn Tranh Biện ngợp bóng cây xanh đẹp như tranh :) một trong những con đường đi bộ đẹp nhất có thể tìm thấy trong cả Lhasa:

IMG_4425.jpg


IMG_4146.jpg


IMG_4426.jpg


IMG_4172.jpg


IMG_4427.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Giờ mở cửa của Debating Courtyard từ 3h đến 5h chiều. Bước vào vườn, điều đầu tiên thu hút khách du lịch là những sắc màu áo đỏ đang say mê tranh luận kinh pháp trên nền sân vườn đá sỏi:

Page_1.jpg


IMG_4431.jpg


Mục đích của những cuộc tranh biện như thế này không ngoài tranh luận để đồng thuận, trau dồi hiểu biết về Phật điển và đào sâu suy nghĩ về những lời giáo huấn của Phật, cũng là để thăng tiến lên cấp cao hơn trên con đường tu học; vì thế các Tăng chúng trẻ tuổi tham gia rất nhiệt tình. Đối với khách phương xa khi theo dõi việc tranh biện ở vườn Sera đôi khi sẽ có cảm giác như sắp đặt và diễn, nhưng hoạt động này thực chất là 1 hình thức bắt buộc trong việc đào tạo Lạt Ma.

IMG_4447.jpg


IMG_4433.jpg


Nguồn gốc việc tranh biện như thế này có từ bao giờ thì khó ai nói được, chỉ biết các tu viện lớn của Hoàng Giáo Cách Lỗ như Sera, Deprung, hay Tashilhunpo rất đề cao. Xin tản mạn với bạn đọc 1 câu chuyện lịch sử có thể ít nhiều liên quan: câu chuyện về cuộc tranh luận Lạp Tát (The Great Lhasa Debate) nổi danh trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng.

Như đã có dịp giới thiệu về Tổng quan Phật giáo Tây Tạng thời Tiền truyền, chuyện xảy ra nhắm vào năm 729 thời vua Đường Đức Tông, tương đương với đời Tạng Vương Xích Tùng Đức Tán (hay Cật Phiêu Song Đề, Trisong Detsen). Phật giáo Tây Tạng khi đó chịu ảnh hưởng của 2 tượng đài tôn giáo lớn: Trung Quán Tông truyền từ Ấn Độ và Thiền Tông truyền từ Trung Quốc. Nếu như Hán tăng lấy "trực chỉ nhân tâm khai thị Phật tánh" làm chính (tức là chỉ cần rèn luyện trong tâm sẽ khai thông Phật tính) mà không cần tuân theo y giáo, tu hành không cần đúng cách, dịch kinh sách không cần coi trọng; hoàn toàn trái ngược với quan điểm tu học nghiêm ngặt của Phạn tăng. Cuộc đấu đầu ngấm ngầm giữa 2 trường phái cứ kéo dài cho đến lúc vua Trisong Detsen mở cuộc tranh luận công khai mời Tăng chúng hai bên ra luận phân cao thấp. Đại sư Liên Hoa Giới (Kamalasia) đã chiến thắng Đại Thừa Hòa Thượng (Mahayana HoaSan), đánh dấu sự lên ngôi của Trung Quán Tông, và Phật giáo Tây Tạng từ đó lấy Phật giáo Ấn Độ thời Vãn kỳ làm chủ lưu! Lịch sử gọi đây là cuộc tranh luận Lạp Tát - tính lý luận khúc triết sâu sắc của Phật giáo Đại thừa thời Vãn kỳ được coi trọng hơn và những hoạt động liên quan đến việc tu học như dịch Kinh, chép Kinh, luận Kinh, tụng Kinh cũng vì thế mà trở thành bắt buộc trong đời sống Tăng chúng ^^

IMG_4453.jpg


IMG_4449.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Lan man đã đủ dài, xin cùng bạn đọc quay lại với Vườn Tranh Biện của tu viện Sera và cùng ngắm vài hình ảnh những nhà sư trẻ tuổi đang hăng say "dạy dỗ" và "doạ nạt" đồng môn :D tư thế các nhà sư rất đa dạng, chủ yếu là kết hợp các động tác vung tay múa chân và ngả người vỗ tay dậm chân hay xoay tràng hạt nhằm gây "ấn tượng" với đối thủ và cả người xem:

Page_4.jpg


Page_5.jpg


Cấp bậc trong tu học của các nhà sư được thể hiện ở màu áo vàng mặc bên trong hoặc đai vải cuốn quanh bụng:

Page_3.jpg


Ngộ!

Page_2.jpg


Và nụ cười của người chiến thắng :D

Page_8.jpg


Phần lớn trong vườn tranh biện là những Tăng ni người Tạng tuổi còn rất trẻ, giao tiếp với nhau bằng tiếng Tạng. Hướng dẫn viên du lịch của nhóm tôi trước cũng đã từng là 1 nhà sư Tạng (sau này đã hoàn tục) từ chối dịch những cuộc đối thoại tranh luận với lý do là Phật điển Mật Tông cực khó dịch thoát nghĩa sang tiếng Anh và phải giữ bí mật nội dung tránh để người ngoài biết được.

Page_6.jpg


Page_7.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Cứ thế chúng tôi nhìn ngắm khu vườn với con mắt tò mò ... Dưới những tán cây từng nhóm các nhà sư tụ tập truy bài, xung quanh vườn ở các góc tường là khách du lịch tứ phương đang ngắm nghía và không ngừng chụp ảnh, tất cả tạo nên bầu không khí sống động và độc đáo cho tu viện Sera; và có lẽ là buổi truy bài kỳ lạ nhất mà trong đời tôi từng thấy qua:

IMG_4461.jpg


IMG_4463.jpg


IMG_4459.jpg


Tha thẩn mãi trong vườn rồi cũng đến lúc phải tạm biệt, đồng hồ đã chỉ sang 4h chiều, chúng tôi trở ra khỏi Debating Courtyard. Ngay ở cửa chúng tôi gặp một người Tạng cũng đang quay ra, có lẽ ông hiểu những gì diễn ra bên trong Vườn Tranh Biện nên chỉ thấy mỉm cười thích thú:

IMG_4467.jpg


Trên đường ra, chúng tôi ghé vào thăm Chính Điện (Great Assembly Hall, hay Tsogchen) của tu viện Sera, cũng là toà lớn nhất trong khuôn viên toàn viện.

IMG_4469.jpg


IMG_4472.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Trước cửa chính điện là bức màn trắng lớn thêu biểu tượng cát tường Phật giáo: bánh xe Pháp (Dharma Wheel) và nút trường cửu (Endless Knot):

IMG_4178.jpg


Trên nóc điện là những trang trí bằng đồng khác cũng mang màu sắc Phật giáo như Lá cờ cuộn (Victory banner - Dhvaja), stupa cách điệu, hai con hươu chầu bên bánh xe Pháp; tất cả đều vàng rực lên trong nắng chiều:

IMG_4471.jpg


IMG_4485.jpg


IMG_4487.jpg


IMG_4492.jpg


IMG_4488.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Bước vào trong điện, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn những bức thangka khổng lồ, tượng Phật Thích Ca (Shakyamuni), tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara), tượng đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa), tượng đại sư Thích Ca Dã Hiệp (Shakya Yeshe) - người có công khai lập xây dựng Sera Monastery, và đặc biệt là tượng Phật Di Lặc (Maitreya) cao 6m chiếm trọn 2 tầng lầu. Phí chụp ảnh bên trong Chính Điện là 30RMB nhưng chúng tôi từ chối mà chỉ chụp ở ngoài:

IMG_4474.jpg


IMG_4475.jpg


IMG_4476.jpg


Ngay phía sau Chính Điện là một ngọn đồi thấp với những hoạ hình độc đáo của đại sư Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Bạch Đa La hay Phật Di Lặc trong tư thế Ấn chuyển pháp được khắc vào các phiến đá lớn với màu sắc tươi mới sống động:

IMG_4481.jpg


IMG_4478.jpg


IMG_4479.jpg


IMG_4477.jpg
 
Ngày 7: Tu viện Sera (P1)

Từ cửa sau Chính Điện, chúng tôi trở lại con đường chạy giữa tu viện Sera, và theo đó quay ra cổng. Đường ra khỏi Sera vẫn ngợp một màu xanh non mát mắt:

IMG_4187.jpg


IMG_4189.jpg


IMG_4190.jpg


IMG_4496.jpg


Tạm biệt tu viện Sắc Nhạ - một trong ba ngôi Đại Tùng Lâm quan trọng bậc nhất của thủ phủ Lhasa (cùng với Ganden và Deprung Monastery), chúng tôi lên xe trở về khách sạn. Ấn tượng về một tu viện Sera rợp bóng cây xanh với tiếng lạo xạo của vườn đá sỏi cùng không khí tranh biện râm ran giữa nắng hè chang chang chắc tôi sẽ nhớ mãi. Trong số những gương mặt trẻ măng của Vườn Tranh Biện hôm nay sẽ có vài người tu học thành tài trở thành những Lạt Ma đức cao vọng trọng sau này, cũng sẽ có người hoàn tục trở lại với đời, nhưng tin rằng buổi tranh luận kiến giải vỡ lòng với bạn đồng môn dưới mái chùa năm xưa sẽ còn theo họ đi mãi ...

Page_9.jpg


Về đến khách sạn Himalaya Hotel (6 East Linguo Road), tôi tranh thủ ăn uống nhanh và tắm rửa một lượt rồi khoác áo cuốn khăn xách máy ra khỏi khách sạn bắt taxi chạy về hướng quảng trường Potala. Đêm nay sẽ là 1 đêm đặc biệt, bởi tôi quyết tâm dành trọn buổi tối đi thăm thú quảng trường chờ trăng lên để chụp ảnh cung Potala dưới ánh đèn đêm, xin hẹn gặp lại bạn đọc trong bài viết ngày 7 phần 2 ^^
 
Những bức hình của anh chụp đẹp quá Yilka ơi, chắc hàng anh hàng khủng ạ :D, hàng e cầm tay thôi nên tưởng đẹp rồi, sang thấy hình anh chụp căng quá thích thật.(c) cho e copy về làm collection nhé
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,784
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top