What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng

Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.


PB170780-1.jpg

Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.


PB180876-1.jpg

Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.



PB191020-1.jpg

Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.


PB190936-1.jpg

Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


PB241683-1.jpg

Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


PB221265-1.jpg

Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi



PB260162-1.jpg

Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)
 
Last edited:
Jaipur – ra biên cương trong một chiều sương âm u… - 18

(cont.)



PB270527.jpg

Một ngôi đền rất lạ, nhưng đẹp trên pháo đài Jaigar


PB270535.jpg

Không biết con lạc đà này giờ còn lang thang làm gì trên pháo đài Jaigar?


PB270520.jpg

Rồi con con thú gì lạ hoắc này nữa, cũng lang thang trên pháo đài Jaigar


PB270506.jpg

Đám cưới nhà ai trên pháo đài Jaigar. Haizzz, chẹp chep…!!!



PB270517.jpg

Tiểu Vạn Lý Trường Thành



À, nói thêm để bạn nào có đi sau lưu ý là vé vào cửa viếng thành Amber không có giá trị khi lên pháo đài Jaigar, mà chính chiếc vé viếng thăm Hồng thành Jaipur mới có giá trị vào thăm pháo đài. Cũng may là tôi chưa quăng chiếc vé đó nên khỏi phải tốn tiền mua thêm chiếc vé nữa.


PB270511.jpg

Một mình tôi lang thang trên pháo đài lộng gió


Chiều muộn trên pháo đài Jaigar thật dễ chịu. Pháo đài hầu như vẫn còn chống chọi tốt với thời gian. Những tảng đá, phiến đá lớn xây nên pháo đài vẫn xanh rì, sừng sững. Các tháp canh, chòi pháo… đều vẫn còn như mới, chỉ có những khẩu pháo to lớn là cho thấy dấu hiệu của thời gian ăn mòn gỉ đỏ.


PB270522.jpg

Những hành lang trong pháo đài Jaigar


Pháo đài ngoài những chòi canh, tháp pháo cao lớn còn có những con đường sâu hun hút dẫn từ nơi này sang nơi khác. Một người bảo vệ già đã tử tế dắt tôi đi thăm và giới thiệu sơ lược về các nơi. Nhưng có lẽ vì tôi là người khách cuối nên ông luôn giục tôi đi vội. Do vậy, tôi chia tay ông và nói ông cho tôi được ở một mình, và tôi biết đường đi lại rồi. Và tôi đã còn lại một mình.


(tbc.)
 
Jaipur – ra biên cương trong một chiều sương âm u… - 19

(cont.)


PB270499.jpg

Địa thế của thành Amber với núi non bao quanh bảo vệ


PB270482.jpg

Tường thành chạy hun hút trong xa mờ


Bây giờ, mới thật sự là chỉ còn mình tôi trên pháo đài. Nếu không kể đến những anh em cùng tổ tiên từ thuở hồng hoang – những chú khỉ.



Núp đâu lúc sớm không thấy, khi chiều về, chúng kéo ra nhau thành đàn ngồi chễm chệ trên tường thành. Và chúng (có vẻ) rất hung dữ khi nhìn chằm chằm vào tôi, rồi đôi lúc khè lên nữa chứ không tỏ vẻ sợ sệt bỏ chạy hay lảng đi nơi khác. Tôi cũng hơi ớn ớn vì có con to gần bằng ½ tôi, chừng 2-3 con nhào vô cấu xé giật đồ thì chắc “thôi rồi Lượm ơi…”. Do vậy, tôi kiếm một khu vắng vẻ hơn để ngồi ngắm hoàng hôn, cũng tránh những tiếng ồn ào do đám khỉ đôi lúc cấu xé nhau nhặng xị lên. Lúc này, quay lại rón rén chụp hình mấy chú khỉ trong nắng chiều muộn thì lại thấy hay hay, lạ lạ…


PB270501.jpg

Khỉ cô đơn! Tao với mày y chang nhau hén!?


PB270534.jpg

Hoàng hôn khỉ.


Hoàng hôn đã về từ lâu ở làng mạc thôn xóm quanh thành Amber bên dưới, nhưng từ đỉnh đồi cao tôi vẫn thấy ánh nắng chiều xa xa còn vương vấn. Xa xa khỏi thành Amber, khỏi Jaipur là những núi đá hoa cương đỏ tía, do vậy chúng cứ hắt nắng ngược lên trời là làm cho hoàng hôn chiều nay ngập ngừng mãi không đi. Gió trên cao lồng lộng, hoàng hôn không rực đỏ chỉ vàng hoang hoải, tôi ngồi vắt vẻo trên thành cao đong đưa chân nhìn mấy trời xa xa, phố phường tẻo teo bên dưới… lòng tôi sao nhẹ bỗng như những cọng chỉ mây bạc lấp lánh nơi cuối trời.


PB270537.jpg

Hoàng hôn hồng mơ màng phủ trên pháo đài Jaigar lúc tôi xuống núi


PB270542.jpg

Lúc tôi trở xuống chiều đã sập tối trên thành Amber. Vẫy tay chào lần cuối tôi ra đường vắng đón chuyến xe cuối cùng về Jaipur.



Pháo đài Jaigar một chiều nắng muộn, cô đơn hạnh phúc, một mình…
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 1

Tôi đến Pushkar một buổi sáng trời thật trong, nắng thật nhiều. Pushkar là 1 điểm đến hoàn toàn không định trước, vì nó không nằm trong các điểm must-see của các sách hướng dẫn du lịch. Tôi chỉ bắt đầu đọc vài trang về Pushkar, trong hàng ngàn trang của LP Ấn Độ, khi nghe nói về lễ hội lạc đà ở đây và sau đó là đến hồ thiêng. Rồi trong những ngày lang thang, thấm thêm vào trong người chút tinh thần của Hindu giáo (?), ngấm thêm trong máu chút gió bụi chạy lồng lộng từ sa mạc Đại Ấn… trong một đêm nông nổi ở Jaipur, tôi đã quyết định nhảy lên chuyến xe đi Ajmer, để từ đó chuyển sang chiếc xe bus địa phương cọc cạch leo qua những ngọn núi đá, những con đường ngoằn ngoèo… và giờ, tôi đã đến một trong những vùng đất thiêng nữa của người Ấn Độ - Pushkar.



PB280625.jpg



PB280577.jpg

Đường phố Pushkar nhiều màu sắc như lễ hội


Là một huyện nhỏ của tỉnh Ajmer trong bang Rajasthan, Pushkar là 1 trong những thành phố cổ xưa nhất Ấn Độ. Nằm trên bờ hồ thiêng cùng tên Pushkar, thành phố không có lịch sử thật rõ ràng nhưng có truyền thuyết cho rằng nó đã được thần Brahma tạo ra từ cách đây khoảng 60.000 năm trước, có tên trong các sử thi nổi tiếng Ấn Độ.. Trong phố bây giờ có rất nhiều đền đài nhưng chúng không thật sự xưa cũ vì hầu hết đều được xây dựng lại sau cuộc tàn phá của những chiến binh Hồi giáo. Ngôi đền nổi tiếng nhất thờ thần Brahma (Brahma Temple) được xây dựng từ thế kỷ XIV, cũng chính là 1 trong số chỉ vài ngôi đền thờ thần Brahma còn sót lại trên toàn thế giới (trong đó có đền Prambanan, Yoygakarta, đền Besakih, Bali). Quanh hồ Pushkar có đến 52 ghat (bến) nơi những người hành hương đến tắm rửa tẩy trần. Tôi đã được gột rửa (?!) tội lỗi ở Mẹ sông Hằng rồi, giờ được tẩy trần ở hồ thiêng Pushkar này nữa, chắc sắp tới tôi trở nên trong trắng như pha lê quá!!!!


PB280576.jpg

Một góc nhỏ thành kính Pushkar


PB280553.jpg

Thiếu nữ Pushkar duyên dáng, nhưng hết duyên dáng sau khi hỏi “money”!?



PB280545.jpg


PB280544.jpg

Nghệ nhân trẻ tuổi Pushkar


Pushkar trong tiếng Phạn nghĩa là “đoá sen xanh”, các tín đồ Hindu giáo tin rằng đã có 1 đóa sen xanh của thần Brahma từ trời đã rơi xuống nơi hồ thiêng, có tên là hồ Pushkar bây giờ. Ngày xưa, nơi đây trong lành, chắc có thể có nhiều sen xanh ở đây chứ còn bây giờ, nơi đây xuống cấp, bê tông hóa và ô nhiễm quá nên chắc chẳng còn đóa sen xanh nào ở đây cả.

(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 2

(cont.)


Nhưng bạn ơi, đến vùng đất thiêng này, khoan nói đến đền đài hoành tráng, chuyện xưa tích cũ, việc đầu tiên bạn phải thấm nhuần tư tưởng là nơi đây là VÙNG ĐẤT THIÊNG. Do vậy, hàng quán chỉ toàn là thức ăn chay, không có rượu bia ở toàn Pushkar, cấm hút thuốc ở hồ thiêng và các đền thờ, không được mang giày dép khi đi quanh hồ hay khi xuống hồ, không được chụp hình các ghat, người đang tắm rửa (?!), người nước ngoài không được vào trong các đền thờ quan trọng… tức là so với sông Hằng thì nơi đây quả là thật sự quá nghiêm khắc về các điều khoản cho người lang bạt (như tôi). Lúc đầu tôi nghĩ vậy cũng tốt, ăn chay một hai ngày thì có sao, bỏ rượu bia vài ngày cũng là bình thường, có khi cả tuần không uống ở quê nhà cũng vui vẻ bình thường… nhưng một trưa nắng loang loáng nước ngồi rũ rượi dưới gốc cây, quán ven hồ, một chiều muộn hòang hôn trong vắt trên sa mạc hồng thắm… thì mới thấy sự cám dỗ và quyến rũ của những thứ “bị cấm”. Hay chính do bị cấm nên mấy thứ đó càng quyến rũ.


PB280566.jpg



PB280550.jpg

Cấm đủ thứ hết - ở Pushkar


Đến Pushkar, bạn rất dễ lạc vào mê cung của các bạn cò vạc rất nhiệt tình thân thiện nơi xe dừng, cũng là trung tâm du lịch. Thật ra, mọi thứ cũng rất rẻ nên bạn dễ xiêu lòng lắm. Nhưng sau khi bạn đã rành rẽ nơi đây một chút thì mới thấy “mấy thứ rẻ rẻ đó” chỉ còn có giá khoảng 1/2 hay 1/3 mà thôi. Do vậy, khi xuống bến xe (bến xe bus Ajmer, khác với cái bến xe lớn khác), bạn nên đi thẳng vài trăm mét là gặp phòng Police Tourist, mấy anh, mấy chú ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ và cung cấp thông tin giá cả chính xác cho các tour lạc đà sa mạc, các cung đường…


PB280575.jpg

Trang trí trong một ngôi đền ở Pushkar


PB280564.jpg

Một bạn trẻ nước ngoài hòa nhập cùng những đạo sĩ


Quăng balô, tôi bắt đầu tiến về phía hồ thiêng để gột rửa tẩy trần tấm thân nhiều tội lỗi của mình. Trên đường, tôi ghé vào 1 ngôi đền lộng lẫy, ngôi đền đầu tiên tôi viếng ở Pushkar, nhưng đó lại là một ngôi đền của đạo Sikh thay vì đền Hindu! Đây cũng là một điều lạ ở vùng đất thiêng liêng của Hindu giáo này.


PB280561.jpg

Ngôi đền lộng lẫy của đạo Sikh ở Pushkar


Thật ra, từ lúc xuống xe, ngôi đền trắng lộng lẫy này đã cuốn hút tôi nhưng lúc đó tôi không hề nghĩ đó là đền Sikh nhưng khi vừa đến nơi, nhìn thấy trang phục của người ông từ và những người đàn ông đi lễ, tôi biết ngay đây chính là ngôi đền Sikh, như những ngôi đền ở Amritsa mà tôi cũng đã viếng thăm cách đây vài tuần. Lang thang trong ngôi đền, với người giữ đền nhiệt tình hướng dẫn cụ thể, trò chuyện về các giới luật của đạo, lý do tại sao như vậy… tôi rời ngôi đền và tiến về hồ Pushkar, giữa lúc cái nắng mùa đông Ấn Độ đã thật gay gắt trên đầu.


(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 3

(cont.)


PB280554.jpg

Hồ thiêng Pushkar


PB280555.jpg

… giờ ngổn ngang


Giờ đây hồ thiêng chắc vẫn còn rất linh thiêng trong lòng những người theo đạo Hindu, nhưng vẻ lộng lẫy yêu kiều của nó đã không còn. Và chắc vừa mới qua mùa lễ hội nên hôm nay sao nó quá xác xơ. Người ta còn làm thêm một con đường đất chạy vào giữa hồ để xây một ngôi đền ở giữa. Cảnh tượng sao mà giống công trình ở 1 cái ao nhỏ làng quê nào đó. Thế nhưng, sự linh thiêng vẫn còn. Trên các ghat hoang vắng sụp đổ vây quanh hồ, vẫn có những bảng cấm tiệt việc người ăn mặn, hút thuốc, mang dép… không được xuống hồ, không được chụp ảnh… và đó đây dưới những gốc cây cổ thụ, những người hành hương, những tu sĩ… vẫn âm thầm tụng niệm. Xa xa nơi đông đúc, các tín đồ vẫn sì sụp tắm rửa dưới hồ.


PB280557.jpg



PB280568.jpg

Thành kính bên hồ



PB280559.jpg

Gột rửa tội lỗi bên hồ thiêng.


Lang thang quanh hồ tiêu điều, giữa nắng trưa chao chát mà lòng tôi cảm thấy xót xa. Không kể trên con đường tôi đi, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để tránh khỏi các bạn cò, bạn vạc vây quanh, từ nhẹ nhàng đến dường như muốn đe dọa. Quanh hồ, vẫn thấy rất nhiều nhưng ngôi đền cũ mới gần xa thấp thoáng. Có những ngôi đền vẫn ánh lên sự hào nhoáng, nhưng rất nhiều những ngôi đền đã bạc màu thời gian.


PB280547.jpg



PB280551.jpg

Một ngôi đền – nhìn từ ngoài cổng…


Ngậm ngùi ngồi trong bóng râm mát của một nhà hàng chủ yếu cho khách nước ngoài ven hồ, tôi nhìn bóng trưa đi chầm chậm qua mặt hồ loáng nước. Nhìn ly nước ép trái cây long lanh những viên đá nhỏ, phả nhẹ chút hơi sương lạnh trong một trưa nắng gắt… tôi như thấy buổi trưa Pushkar dịu lại.


Rồi tôi đi.



(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 4

(cont.)


PB280570.jpg

Ngọt ngào India. Một tia nắng trưa rọi vào mâm kẹo vàng rực, làm cháy lên ký ức ngày quê xưa…


Tôi lại đi lang thang trên phố thiêng Pushkar trong một trưa mặt trời vành vạnh tỏa nắng trên cao.


PB280588.jpg



PB280573.jpg



PB280622.jpg

Đường phố Pushkar


Trưa mùa đông vùng Tây Ấn gần sa mạc này nắng rực rỡ, nhưng không gay gắt khi lang thang trong những con phố hẹp ở Pushkar. Một phần có lẽ vì hơi nước từ hồ, một phần, có lẽ những con phố hẹp chính là những cửa ngõ để lũ gió về chạy đuổi tìm nhau. Do vậy, lang thang trong phố Pushkar buổi trưa cũng tương đối dễ chịu, nhất là khi nhìn những người bán hàng ngái ngủ thờ ơ nhìn khách lang bạt xác xơ rách, không mong cầu có được một cuộc bán buôn đổi chác, dù nhỏ nhoi.


PB280579.jpg



PB280578.jpg



PB280581.jpg

Các ngôi đền thiêng ở Pushkar, nhìn từ ngoài – vì cấm vào trong!


Nhưng phố trưa nhiều lúc bỗng vui vẻ nhộn nhịp bởi những đám cưới, mà chỉ toàn phụ nữ trong đám người đi rước. Tôi chẳng biết nhiều lắm về tục lệ này, vì hôm ở Agra tôi đã hòa mình vào một đám rước dâu mà chỉ toàn nam giới. Còn ở đây, ở cả 2 đám cưới (hay ăn hỏi) tôi gặp trên đường thì chỉ toàn là phụ nữ. Tôi có hỏi vài người dân thì họ lắc đầu, phần mê mải chạy theo đám cưới rộn rã lon ton chụp hình nên tôi cũng chẳng hỏi thêm được, chỉ biết là trong bộ hình sưu tầm, tôi lại có mình trong một đám cưới xa lạ vui rộn ràng.



(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 5

(cont.)


Trên những con phố chật hẹp, những nghệ nhân trẻ tuổi lẫn cao tuổi miệt mài lao động và bày bán những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, những chú bò thảnh thơi rong chơi bên cạnh những chú lạc đà nhẫn nại gùi hàng đi trong phố,… nhưng đặc biệt nhất vẫn là những tà áo saree nhiều màu phất phới trong phố.


PB280628.jpg



PB280630.jpg

Nghệ nhân hay chỉ người già buổi trưa tranh thủ ra trước nhà thêu thùa


Tôi đi chỉ được 1 phần tiểu lục địa Ấn Độ rộng lớn, cỡi ngựa xem hoa là chủ yếu… nhưng chưa ở đâu tôi thấy cuộc sống còn được giữ nhiều sắc màu cổ xưa nhiều như ở Pushkar. Có lẽ những điều luật (mà tôi thấy được và còn nhiều điều tôi chưa biết) nhiều khắc khe đã giúp người dân nơi đây giữ được những nét truyền thống từ bao đời của những người dân Ấn xưa.


PB280635.jpg

Saree trên khắp phố phường


PB280592.jpg

Đám cưới Pushkar (người phụ nữ che mặt là cô dâu?) với nhiều saree rực rỡ



Có thể nói sự hiện diện của những chiếc áo saree, những chiếc áo truyền thống từ bao đời nay người phụ nữ Ấn vẫn mặc chứng tỏ sự gìn giữ được nét văn hóa rất riêng của họ. Thử hỏi, có quốc gia nào vẫn giữ được trang phục truyền thống qua bao đời này như người Ấn. Ở nhiều nơi khác trên đất Ấn, bạn có thể thấy bóng saree có chen lẫn ít nhiều các trang phục hiện đại khác, nhưng ở Pushkar thì hầu như không.


PB280634.jpg

Em này liếc nhìn tui đó nghen!


Pushkar những ngày mùa đông Ấn Độ nắng vẫn vàng óng, và càng thêm rực rỡ với những chiếc saree dịu dàng trên phố. Tôi nghĩ, chắc trong những đêm tha hương của nhiều người Ấn xa xứ, sẽ luôn có bóng những chiếc saree dịu dàng tha thướt sáng rực cả phố phường, trong nhiều những giấc mơ êm đềm...


(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 6

(cont.)



Lang thang trong Pushkar đã đời đã điếu, tôi quyết định không leo núi đến đền Savitri để có tầm nhìn bao quát về Pushkar mà sẽ nhảy xe bus đi một điểm khác. Lý do là vì nhìn trời nắng như thế này, con đường đi lên dốc hơn 1 giờ đồng hồ, núi đá trơ trọi… làm tôi nản. Lý do thứ 2 là vì mấy chú Tourist Police giới thiệu tôi là có Boudha Temple ở ngoại ô, nên tôi quyết định đi viếng ngôi chùa Phật giáo này – dù nó không có tên trong L.P.



Nhảy lên chuyến xe bus địa phương, đưa bản đồ (mới được chú cảnh sát tặng) có tên Boudha Temple, được nhận cái gật đầu, tôi lui ra sau ngồi vào chỗ trống, bắt đầu quan sát con đường và những người bạn đồng hành mới của tôi trên chiếc xe bus vô cùng cũ kỹ này. Vì con đường chỉ là khô cằn sỏi đá không có gì xem nên tôi càng chú tâm vào bạn đồng hành.



Những người đi xe bus chủ yếu là người già và con nít. Những bác trai Ấn Độ sao ai cũng thấy khắc khổ. Những bác ở đây còn đội lên người những cái nón, là những cái khăn xếp sắc màu vô cùng tưoi trẻ như xanh chuối non, hồng dâm bụt, đỏ mào gà… nên sự tương phản càng làm sự khắc khổ nổi bật. Nhưng, có khi nào đó chỉ là cảm nghĩ của mình.


PB280596.jpg

Màu khăn xanh nõn nà hén.


Các bà các cô thì lại khác tý, vì được cái là người Ấn thích phụ nữ màu mỡ, kèm theo chế độ ăn cũng nhiều dầu mỡ nên dù có đen đúa thì trông họ cũng đỡ khắc khổ hơn. Thêm nữa là những chiếc saree nhiều màu cũng làm các bà các cô trông có vẻ rực rỡ lên tý chút. Nhưng bạn ơi, các bà các cô trang điểm ác lắm đấy nhé. Mấy em tre trẻ Việt bây giờ mới đua đòi chơi mấy trò xuyên lỗ mũi, đeo 5-7 khoen tai…. mà nhìn thấy những chiếc vòng vàng to chà pá mà các bà các cô đeo ở mũi, ở tai… là chạy mất dép luôn. Mà cũng có nhiều bà, nhiều cô dùng khăn che mặt khi đi xe. Vụ án này mới lạ, Hindu giáo chứ đâu phải Hồi giáo! Ai biết chỉ giáo – có thưởng.


PB280601.jpg



PB280617.jpg

Phụ nữ Pushkar – các bạn trẻ Việt mình dám chơi kiểu này không?


Các em bé thì lúc nào cũng bẽn lẽn nhìn khách, núp sau lưng mẹ, thi thoảng thò đầu ra nhìn cái thằng người da vàng mũi tẹt là lạ rồi lại núp vào. Trẻ con nhà quê thì ở đâu cũng ngây thơ và dễ thương dù chúng có bẩn thỉu, lem luốc, rất khác với một số bọn trẻ con thị thành (!?).


PB280599.jpg



PB280600.jpg

Trẻ con Pushkar


Quan sát vừa xong thì xe dừng trước Boudha Temple. Thì hỡi ôi (lửa tắt bình khô rượu)…!



(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 7

(cont.)


Té ra, đây không phải là một ngôi chùa Phật giáo mà là một ngôi đền, đúng hơn là một công trình, thờ phượng của đạo Hindu, có tên là Boudha. Mà cũng không có gì lạ, vì trong kinh sách của đạo Hindu, Đức Phật chính là kiếp hóa thân thứ 9 của thần Vishnu.

PB280604.jpg

Ngồi đền Boudha – bên ngoài đầy bóng chim câu


PB280606.jpg

Và bên trong…


PB280612.jpg

… dẫn đến cái hồ tương lai bên dưới – xa xa là rặng Aravali

Ngôi đền này đang xây dựng dang dỡ, là một công trình tương đối lớn. Công trình này chạy vòng ôm quanh 1 cái hố sâu, hứa hẹn sẽ là cái hồ lớn sau khi hoàn thành, giờ thì chỉ là 1 vũng nước bé tẹo. Tuy nhiên, cũng có vài gia đình Ấn Độ đã đến đây thờ cúng. Tuy bất đồng về ngôn ngữ khi tôi hỏi thăm về các gian điện thờ, về cái tên Boudha… nhưng họ rất vui vẻ. Có lẽ là họ chưa thấy thằng ngố nước ngoài nào đi lạc đến đây.


PB280611.jpg

Một tượng trong 1 ngôi đền nhỏ của cụm đền Boudha


Tuy vậy, so mới xây nên nơi đây lại khá sạch sẽ và mát mẻ. Ngồi dưới bóng rấm ngôi đền ngắm dãy núi Aravali xa xa, đùa giỡn với lũ bồ câu thân thiện, cười cười “nói nói”… với những người dần bản xứ thân thiện cũng là 1 điểm gì đó hay hay, thay vì cứ mải mê với đền đài di tích nơi đông người.


PB280615.jpg

Chú bé và ông nội… ở gần ngôi đền Boudha​


Khi tôi ra đón xe quay về Pushkar, chú bé nhà bên đường thấy tôi đứng lon ton ven đường bèn kêu tôi vào nhà ngồi. Sau đó, chú còn giới thiệu chú cảnh sát trưởng thôn, rồi còn kêu ông nội ra ngồi cho tôi chụp hình, còn nói rằng ông rất thích chụp hình. Thành thật mà nói, tôi vẫn thường hay gửi những tấm hình đã chụp trên đường đi cho những người bản xứ, dù trước đó tôi vẫn thường không dám hứa, nhưng kỳ này xui rủi làm sao, tôi chưa kịp lấy địa chỉ thì chuyến xe bus đã xìa đến. Tôi vội vã nhảy lên xe về Pushkar, giờ lòng vẫn còn chút ân hận.

(tbc.)
 
Pushkar, đóa sen xanh của thần Brahma, hồ thiêng trưa vắng, sa mạc chiều hoang – 8

(cont.)


PB280638.jpg



PB280637.jpg

Đền thờ thần Brahma


Về lại Pushkar, trời đã chiều. Tôi đi lơn tơn đến ngôi đền thờ thần Brahma linh thiêng, nhưng không được vào. Ngó nghiêng vài cái tôi lượn về phố cũ, nơi có chú lạc đà đang chờ tôi để đưa tôi vào sa mạc chiều nay.


PB280645.jpg

Đoàn người đã lên đường


PB280642.jpg

Còn chú lạc đà của tôi vẫn chờ kẻ lang bạt về.


Pushkar chiều nay đông du khách, bến lạc đà không nằm trong phố mà nằm trong những con hẻm loang lỗ sau lưng phố, gần với ruộng đồng. Đó đây, những đoàn người đi sớm đã leo lên lưng những chú lạc đà lững thững đi vào đồng cỏ. Tôi vội vàng đến bên chú lạc đà hiền lành đang nhẫn nại nằm một mình chờ tôi về.


PB280660.jpg



PB280656.jpg

Đường vào sa mạc lau trắng đã nhuộm đỏ trong trời chiều


Cũng một mình thong thả, chú lạc đà đưa tôi đi vào con đường nhỏ đầy bụi và cũng đầy những bông lau rướm máu trong trời chiều. Sa mạc của tôi kia rồi…

(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,134,998
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top