Dạo quanh rồi thì cũng đến lúc phải lo lắng cho cái bao tử. Hai Bọ già có thói quen (mà chắc phần lớn khách du lịch đều có thói quen này) thể nào cũng phải thử món đặc sản tiêu biểu của địa phương mình thăm viếng.
Strasbourg (và vùng Alsace nói chung) chịu ảnh hưởng của Đức rất rõ, ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng này trong văn hóa, đời sống hằng ngày và trong cả ẩm thực. Ví dụ như những bảng đường có 2 thứ chữ: bảng tên chữ Pháp nằm trên và ngay bên dưới là bảng tên chữ Đức
Những viên gạch tường nhà thờ rực vàng trong áng nắng chiều, thật đẹp!
Về ẩm thực, giống như người Đức dân Strasbourg thích ăn bắp cài làm chua gọi là sauerkraut. Dùng sauerkraut như là 1 thành phần nguyên liệu, họ chế biến ra món choucroute garni Strasbourgeois: sauerkraut bên dưới xúc xích heo, xúc xích bò (có khi họ dùng 3 loại xúc xích khác nhau), thêm vào thịt ba chỉ heo hầm kỹ. Vốn là bà bếp, bà Bọ nhận ra sự tinh tế trong món này: vị chua của sauerkraut làm chất mỡ béo trong xúc xích và thịt ba chỉ bớt ngấy, chất béo của thịt và xúc xích lại làm giảm đi vị chua của bắp cải muối. Chất béo và chua đi đôi với nhau thật hài hòa.
Món tiêu biểu thứ hai trong vùng là món bánh tạc hành tarte flambée - là 1 món bánh giống như bánh Pizza nhưng vỏ bột rất mỏng, rải hành và ít thịt ba chỉ muối bacon cùng ít phó mát trắng.
Món thứ ba là món thịt hầm baeckoffe (đọc theo âm điệu là bách kóp ): Vùng này mỗi làng nhỏ đều có 1 tiệm bánh mì. Các bà nội trợ xưa khi ra đồng làm việc hay ra chợ mua bán hoặc giặt giũ quần áo ngoài sông, ghé ngang tiệm bánh và gởi người chủ lò bánh cái nồi đất chứa thịt cùng rau củ (thường là 3 thứ thịt trừu, heo và bò) đã được họ ướp sẳn từ đêm hôm trước. Người chủ lò bánh mì sau khi làm xong mẻ bánh cuối cùng, lấy chút bột dư đắp chung quanh miệng chiếc nồi đất, xong cời than và xếp những cái nồi của những bà nội trợ cùng xóm của mình vào. Khi các bà trở về ghé ngang nhận lại nồi, thịt và rau củ trong nồi đã được hầm nhừ nhờ nhiệt độ trong lò bánh. Bà Bọ ngẫm nghĩ mà cho rằng chính ra ý nghĩa của món này là nhằm đề cao tình tương thân tương trợ giữa hàng xóm láng giềng của người dân vùng Alsace.
Hai Bọ già chọn tiệm ăn, kéo ghế và gọi thức uống nhâm nhi trong khi nghiên cứu thực đơn gọi món. Lão Bọ uống nước cam (cao máu nên không dám uống rượu nhiều, chỉ nhâm nhi uống ké vài ngụm trong ly của bà Bọ). Bà Bọ gọi Kir Crémant. Kir là 1 loại thức uống có cồn nhẹ (tựa như cocktail) được pha 3 hoặc 4 phần rượu mùi blackcurrant ( Crème de Cassis) và 7/6 phần rượu vang trắng. Nếu dùng sâm banh thay thế vang trắng thì gọi là Kir Royale, uống rất ngon, đậm đà thơm và ấm bụng. Vùng Alsace nổi tiếng về loại nho Riesling làm rượu vang trắng và rượu pinot gris/noir rất ngon. Kir Crémant là pha Crème de Cassis với sâm banh của vùng, thuật ngữ uống rượu thì vị dry hơn sâm banh truyền thống (ít ngọt hơn)
Món chánh là dùng theo menu 3 món: thịt đầu heo ăn với đồ chua, món baeckoffe truyền thống và crème brulée tráng miệng. Món thịt đầu heo thì giống như thịt đông nhà mình nhưng mềm hơn, chẳng trách họ dọn ăn với rau cải chua cho đỡ ngấy:
Món baeckoffe thì anh bồi mang ra mỗi người 1 nồi đất to nóng hổi, nhìn thấy cái nồi hầm đất mà mất hồn:
Hai Bọ già ăn ná thở, ăn căng cứng bụng ra mà không hết nổi nửa nồi phần mình,cũng đành gọi anh bồi nhờ anh dẹp dùm và cho ăn tráng miệng. Nhìn hai cái nồi còn hơn một nữa, anh bồi có vẻ phật ý cho đến khi bà Bọ tay xoa bụng miệng giải thích nào chúng tôi có phải hạm đâu mà dọn nồi to quá thể - hai người 1 thố cũng gọi là vừa tầm.
Món tráng miệng, brulée ice cream thì ngon, rất ngon:
Các bạn nếu có đến Strasbourg mà muốn thử baeckoffe, nhớ gọi 1 phần cho 2 người ăn thôi nhé