Part 6: Wat Phu Champasak - Cơn mưa và chiếc cầu vồng
( ảnh chụp trong bảo tàng Wat Phu)
Tháng 7, Sài Gòn mùa mưa, những cơn mưa chiều đổ xuống thành phố bụi bặm xua tan đi cái nóng hừng hực của ngày, tôi chỉ loanh quanh từ nhà ra ban công hoặc tưới cây hoặc đếm máy bay lên xuống... giống kẻ nghỉ hưu không hơn!!!
Tháng 7, Tây Bắc mùa mưa, mưa từ trưa đến đêm, những con đường trơn nhẩy...xe đi chưa đến 50km/h đất từ núi sũng nước đôi lúc lại sạt lấp đường. Lại dừng xe, lại chờ đợi, lại mở đường. Anh vẫn cùng chiếc Minsk lang bạt. Hôm nay có lẽ anh đã đang trèo lên những con đường mòn trơn nhẫy dẫn lên đỉnh Fansipang
Những lúc cô đơn như thế này, tôi thường nhớ lại một chiều mưa ở Wat Phu Champasak, nơi anh và tôi đã chia nhau một cơn mưa chiều và một vòng tay ôm khi mặt trời sáng rực để bắc qua khu đền đài cổ một chiếc cầu vồng 7 sắc. Khi ấy mưa là một điều kỳ diệu!!!
Tôi không định cứ viết tiếp chuyến đi với giọng lưỡi của một đứa
si tình, nhưng thú thực “đi” giờ đây với tôi sẽ ít ý nghĩa hơn rất nhiều nếu không có anh bên cạnh. Và thú thực cũng vì tình mà đôi khi chúng tôi lên đường với không một sự chuẩn bị thông tin. Chuyến đi Hạ Lào lần này tôi đã chuẩn bị tâm trạng đón nhận những hành trình bất ngờ. Mỗi sáng trước khi lên đường tôi và anh thường bàn nhau hôm nay sẽ đi đâu, làm gì? Sáng ngày rời Sipandon, trong khi ăn trứng chiên và uống trà Lào chúng tôi quyết định sẽ tới Champasak trước khi đến Pakse nghỉ đêm.
Không mảy may ý niệm về Champasak như vùng đất địa linh chở nặng huyền thoại từ quá khứ huy hoàng của vương quốc Chenla. Không mảy may ý niệm về một Wat Phu huyền thoại... Những gì chúng tôi có trong đầu đó là: Qua phà, rẽ trái, tìm đến một
ngôi chùa dưới chân núi nơi tiền thân của Angkor Wat!!!
Rời Muang Khong lúc 10h sáng, chúng tôi qua đò để trở lại quốc lộ 13. Tới trưa thì chiếc Minsk chạm bến đò qua sông Mekong lần nữa. Cảnh vật nơi này mở ra thật nên thơ mà hung vĩ, dòng Mekong mênh mông đang in bóng dãy núi trùng điệp xanh thẫm. Hôm nay lại là một ngày oi ả, mây dăng thấp trên đầu. Đã quen thuộc với việc những chiếc phà to ít hoạt động khi vắng khách, chúng tôi tìm đến một bến phà nhỏ hơn và vần em Minsk lên chiếc đò được ghép bằng 2 chiếc thuyền con.
Càng ngày tôi càng quen với sự hiền hòa của Mekong, của người Lào, của những chuyến đò ngang dọc. Tôi và anh gần như đang mất dần đi sự phòng vệ cố hữu của con người khi ở môi trường lạ... chúng tôi đang thư giãn và hòa nhập... đang dần trở nên Lào hơn và người Lào cũng không còn ngạc nhiên khi chúng tôi nói tiếng Lào với họ...
Bến đò nhỏ này đỗ sau lưng một ngôi chùa lớn, vừa lên khỏi con dốc dựng đứng chúng tôi đã ở giữa một quần thể chùa với những bước phù điêu nhiều mầu trên tường. Champasak có phải là một bảo tàng sống của các di sản văn hóa và cuộc sống đời thường như Luang Prabang chăng? Chúng tôi thấy sự phấn khích đang dâng lên trong người. Thị tứ Champasak nhỏ bám dọc theo con lộ chính, những ngôi chùa nằm xen lẫn đồng ruộng và các con phố mang kiến trúc kiểu Pháp. Tôi và anh tìm một quán nhỏ bên sống rồi nhẩn nha ăn bữa trưa, nghỉ ngơi tận hưởng... thú thực với hai chúng tôi Wat Phu cũng chỉ là một
ngôi đền trên núi mà thôi vì vậy cứ lề rề cũng nào có chết ai,
Và để đền đáp tất cả sự lạnh lùng và "bất cần" của chúng tôi Wat Phu mang tới một món quà kỳ diệu. Món quà của sự bất ngờ, của những câu truyện huyền thoại, món quà của vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, món quà của những mường tượng, món quà của Tình yêu nữa...
Khi chúng tôi đến gần quần thể Wat Phu trời bắt đầu đổ mưa khi mà mặt trời vẫn đang chiếu. Dẫy núi hùng vĩ hiện ra xa xa với chóp nhọn kỳ lạ, núi non ở Hạ Lào rất lạ, dẫy nào dẫy nấy đều phẳng lỳ như được thần tiên gọt ngang để làm bàn uống trà. Riêng dẫy Phu Khuai này là vươn lên kiêu hãnh với chóp với đỉnh... Ở nơi ngọn núi cao nhất, mây đang vướng cả lại và dần dần mưa đổ xuống trắng trên núi.
Wat Phu vắng ko một bóng người. Hồ nước rộng lớn phía trước đền có mặt nước cao hơn cả khu làng phía dưới. Những nền đền đài đổ nát dần hiện ra phía cuối hồ nước. Con đường chính ở tầng thấp nhất của ngồi đền mang nặng dấu ấn của Đạo Hindu với hai hàng Linga thẳng tắp. Lúc này tôi thực sự cũng không hề mảy may suy nghĩ đến sự giao hòa giữa đạo Phật và đạo Hindu ở khu đền mà chỉ quan tâm đến những giây phút kỳ lạ khi tôi và anh ở đây, nắm tay nhau đi dưới một cơn mưa rực nắng mặt trời.
Chỉ đến khi qua lớp đền thứ 2 tôi mới dần dần ngấm cái cảm giác sững sờ bởi vẻ đẹp của quần thể đền. Tôi chợt nhận ra từng lớp, từng lớp đền đang dần dâng lên cao lên hòa với núi. Những bậc thang đá trơn ẩm đã bị mài mòn theo thời gian đang lên đầy rêu phong, những cây hoa sứ thả vào không gian một mùi hương rất dịu. Khu đền êm ả vắng vẻ và yên bình đến kỳ lạ.
Không có những đoàn người hành hương thành kính leo lên những bậc đá... Không có những toán du lịch ba lô lỉnh kỉnh máy ảnh, chai nước, trên tay cầm lonely planet...cũng không có những người bán hàng chèo kéo. Những bậc đá dâng lên cao mãi dẫn những khách tham quan tới khu đền linh thiêng nơi lưu dấu chân Phật, nơi có dòng nước mát lành có thể gột rửa mọi phiền muộn…
Cũng ở đây Wat Phu tặng chúng tôi cả một không gian huyền thoại yên bình dưới cơn mưa.
Tôi và anh đứng dưới gốc những cây hoa sứ sù xì... Hoa sứ trắng muốt rơi xung quanh những chiếc phản gỗ của mấy người phụ nữ bán hoa dâng Phật. Họ ngồi lặng lẽ, khẽ mỉm cười. Mệt mỏi bởi thời tiết oi ả và nóng bức mà cơn mưa mang lại.
Từ đây chúng tôi nhìn thấy màu xanh ngút ngàn của vùng đất Champasak, những vạt rừng và đồng ruộng. Từ đây chúng tôi nhìn thấy Mekong nặng trĩu phù sa đang uốn quanh ở xa xa. Ở đây chúng tôi có nhau trong cuộc hành trình vô định tìm kiếm bình yên này. Lúc đó chiếc cầu vồng gẫy bỗng chợt sáng bừng lên và dần dần tạo nên một chiếc cầu vồng hoàn hảo bắc qua khu đền.
Giây phút kỳ diệu ấy tôi sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.
Những bậc đá ánh lên những tia sáng mặt trời cuối ngày. Giữa hoang phế, vẫn nằm đó những bức tượng mất đầu. Sự hòa trộn giữa đạo Phật và các dấu ấn Hindu, Shiva vẫn rất hài hòa. Những con Naga mất đầu nằm vương vãi trên cỏ... Mùi hương trầm dìu dịu lan trong không khí ẩm nóng.
Những người trùng tu đền phía xa đang thu dọn đồ nghề để trở về nhà sau một ngày dài. Chiếc cầu vồng của chúng tôi dần mờ đi theo mặt trời. Khu đền trở lại cái vẻ u tịnh của nó dưới những tán cây Sứ.
Ở đây, nền văn hoa sớm của Angkor đã từng bừng nở. Ở đây con đường cổ dẫn đến Angkor thật gần. Tôi vẫn nhớ câu hỏi ngây thơ của mình một lần xa xôi nào đó khi lần đầu đến Angkor rằng vì sao đất nước Cambodia lại bằng phẳng và mênh mông thế có phải chăng vì núi đá đã dùng cả để xây Angkor wat? Hay từ đây, từ Wat Phu, đá đã xuôi về Siem Reap???
Lúc này nắng đã tắt, chúng tôi phân vân giữa hai lựa chọn đi hay ở lại Champasak thêm một đêm nữa để khám phá rất nhiều những bất ngờ của nơi này. Nhưng rồi cả hai đều nhất trí những điều kỳ diệu bất ngờ hãy để nó giang dở để trở thành những lời hẹn gặp lại. Và thế là chúng tôi tiếp tục hành trình trên chiếc Minsk của mình, hoàn tất nốt 30km cuối ngày tới Pakse. Lại thêm một hoàng hôn nữa ở Lào, chúng tôi chạm cửa ngõ Pakse khi mặt trời rực rỡ nhuộm đỏ đường chân trời.
Cám ơn cuộc đời và những chuyến đi! Tôi thấy lòng mình cứ thầm nhủ điều ấy suốt hành trình.
*** Một vài hình ảnh về Champasak nữa tại đây:
http://www.flickr.com/photos/evil_in_nirvana/sets/72157620746657459/