What's new

[Chia sẻ] Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

PeterPan và các bạn vừa trở về sau 2 tuần rong ruổi trên các nẻo đường ở phía Tây Bắc của tỉnh Vân Nam. Chúng tôi đã cùng nhau lướt qua hàng loạt địa danh nổi tiếng như Thạch Lâm, Côn Minh, Sở Hùng, Đại Lý, Lệ Giang và đặc biệt là Shangri-La, vùng đất được khai sinh từ tác phẩm "Đường chân trời đã mất" của nhà văn người Anh James Hilton.

Trong Box Diệu kỳ Châu Á đã có rất nhiều topic về Lệ Giang nhưng về Shangri-La thì có lẽ là chưa nhiều. Chúng tôi đặt tên topic là Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất" một phần vì thế và một phần lớn hơn là vì chúng tôi thực sự có nhiều khám phá thú vị tại Shangri-La so với tại Lệ Giang.

Lịch trình chi tiết và một số chi phí của chuyến đi (hơi dài dòng và tỉ mỉ 1 chút, vì chúng tôi muốn cung cấp nhiều thông tin cho các đoàn đi sau này tham khảo):

bandoshangrila2010-1.jpg

Bản đồ chi tiết toàn bộ hành trình. Chúng tôi không tới được Đức Khâm nên đoạn đường từ Shangri-La tới địa danh này có màu đỏ, những tuyến còn lại đi được có màu xanh.

Ngày 0 (22/04/2010): Hà Nội - Lào Cai (300km)
Gặp nhau tại ga Trần Quý Cáp lúc 19h30 để bắt chuyến tàu đi Lào Cai (vé 254k/người).

Ngày 1 (23/04/2010): Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (450km), Côn Minh - Đại Lý (320km)
- Tới Lào Cai lúc 04h30, hoàn tất thủ tục xuất - nhập cảnh và vào tới bến xe Hà Khẩu lúc 09h00 (từ đây chuyển sang giờ Trung Quốc). Chờ tới 10h40 để lên xe chạy thẳng tới Côn Minh (137Y/người).
- Tới Côn Minh lúc 19h00, đi taxi từ bến Đông sang bến Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45 (100Y/người). Có một kinh nghiệm đó là cứ tìm xe đi Đại Lý và lên ngồi, sau đó mua vé của tài xế thì rẻ hơn (cái này chúng tôi chỉ được nghe khi đã mua xong vé ở quầy, đoàn nào đi sau có thể thử cách mua vé thẳng qua tài xế cho tiết kiệm). Quãng đường Côn Minh - Đại Lý là quãng di chuyển nhẹ nhõm nhất vì là đường cao tốc 320 trên toàn tuyến (đường cao tốc 320 chạy cắt ngang đất Trung Quốc, trải dài từ thành phố Thượng Hải ở duyên hải phía Đông tới tận biên giới Trung Quốc - Myanmar).

Ngày 2 (24/04/2010): Đại Lý
- Cả đoàn tới Đại Lý lúc 01h20 sáng. Do đã đặt phòng trước tại Four Seasons Youth Hostel nên chỉ việc bắt taxi về thẳng đây để nhận các phòng dorm (25Y/người).
- Sau giấc ngủ sâu, chúng tôi dành trọn vẹn cả ngày để khám phá Đại Lý: dạo 1 vòng thành cổ (đi xem đủ 4 cổng thành, xem 1 nhà thờ Ki-tô giáo mang nét kiến trúc đặc trưng Trung Hoa), đi thăm làng cổ Hỉ Châu, đi cáp treo thăm động Thiên Long và ngắm hồ Nhĩ Hải, ghé một cơ sở sản xuất vải ở Châu Thành, ngó qua Tam Tháp. Tất cả nhất trí bỏ qua show "Dream of Butterfly" vì quá... đắt. Chúng tôi dạo thêm một vòng thành cổ Đại Lý vào buổi đêm rồi đi ngủ sớm để hôm sau còn đi Lệ Giang.

Ngày 3 (25/04/2010): Đại Lý - Lệ Giang (190km)
- 07h40: Cả đoàn thuê trọn 1 xe 19 chỗ đi Lệ Giang với giá 33Y/người.
- 11h10: Tới bến xe Lệ Giang. Không thỏa thuận được với 1 hostel đã được giới thiệu từ ở nhà, chúng tôi cùng nhau kéo hành lý đi bộ khoảng 1km vào thành cổ để tự tìm hostel.
- 14h00: Chúng tôi tìm được Free Life Inn rất ấm cúng và thân thiện. Cô chủ Vicky người Trung Quốc nói tiếng Anh khá ổn. Đặc biệt, tài tử nổi tiếng Trương Vệ Kiện của Hong Kong cũng đã từng ghé qua nơi này.
- 14 kẻ lang thang ăn trưa vào giữa buổi... chiều. Sau đó, cả đoàn chia làm 2 nhóm để tự do khám phá Lệ Giang với các điểm đến như Mộc Phủ ("thẻ sinh viên" phát huy tác dụng, được giảm giá vé từ 60Y xuống còn 30Y/người), Vạn Cổ Lầu (15Y/người), quảng trường Tứ Phương, quảng trường bánh xe nước. Đây cũng là một buổi chiều đáng nhớ của trưởng đoàn Yoyo vì một pha đi lạc kinh điển: từ thành cổ phi thẳng ra khu phố mới của Lệ Giang.

Ngày 4 (26/04/2010): Lệ Giang - Ngọc Long Tuyết Sơn (30km)
- Chúng tôi thuê xe của khách sạn để đi Ngọc Long Tuyết Sơn (100Y/xe trọn gói cả ngày). Do chặng cáp treo thứ hai lên độ cao 4506m đang sửa nên chúng tôi chỉ có thể đi chặng cáp treo đầu lên cánh đồng bò Yak để ngắm ngọn núi tuyết nổi tiếng từ khá xa. Tại đây, "thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi giảm giá vé vào cửa từ 80Y xuống còn 40Y/người.
- Nhưng đó là một ngày thất vọng nhất trong cả hành trình. Chúng tôi gặp một cơn mưa mù mịt ngay khi bắt đầu vào tới chân Ngọc Long Tuyết Sơn và chẳng thể thấy được ngọn núi tuyết từ cánh đồng bò Yak. Thất thểu ra về, cả đoàn cũng bỏ luôn show "Impression of Lijiang".
- Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục khám phá Lệ Giang một cách tao nhã: đi mua sách, mua đĩa nhạc và đắm mình trong không khí rất đặc trưng của thành cổ không có... tường thành này.

Ngày 5 (27/04/2010): Lệ Giang - Shangri-La (180km)
- Chúng tôi nhờ Vicky liên hệ thuê xe trọn gói cho 3 ngày để đi Shangri-La với giá 700Y/ngày.
- 10h00: 14 người khởi hành từ Lệ Giang để thẳng tiến Shangri-La.
- 11h45: Tới khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử.
- 12h00: Ăn trưa gần Thạch Cổ Trấn.
- 13h00: Theo tư vấn của 1 đoàn Việt Nam gặp tại quán ăn, chúng tôi vòng lại chỗ khúc quanh để thuê dịch vụ dẫn lên núi xem toàn cảnh địa danh đặc biệt trên sông Dương Tử với giá 200Y/14 người.
- 15h00: Cả đoàn tới Tiger Leaping Gorge. Tại đây, "thẻ sinh viên" lại giúp giảm giá vé từ 50Y xuống còn 25Y/người. Chúng tôi đi bộ 6km trên con đường mới được làm để tới eo Hổ Nhảy.
- Rời Tiger Leaping Gorge, tất cả được nguôi ngoai phần nào sự thất vọng vì được ngắm cả Ngọc Long Tuyết Sơn và Hà Ba Tuyết Sơn, dù chỉ là từ khoảng cách khá xa.
- 20h30: Chúng tôi tới Shangri-La (Hương Cách Lý Lạp hay Trung Điện) và ăn mừng bằng một bữa lẩu bò Yak hoành tráng, một bữa ăn mà cả đoàn vẫn còn nhớ mãi cho tới khi về Hà Nội.

Ngày 6 (28/04/2010): Shangri-La
- Cả đoàn dậy sớm từ 05h00 sáng để đón 3 xe taxi tới tu viện Songzalin trước 06h00 sáng. Cả đoàn trốn vé trót lọt và rất hiên ngang thăm thú tu viện nổi tiếng nhất Shangri-La. Chúng tôi tiết kiệm được mỗi người 85Y - một khoản tiền không nhỏ.
- Buổi trưa, chúng tôi đổi sang một khách sạn khang trang hơn trong khu phố cổ của Shangri-La nhưng chi phí vẫn chỉ là 25Y/người/ngày.
- Buổi chiều, 9/14 người của đoàn chúng tôi cùng nhau lên được đỉnh cao 4500m của núi tuyết Thạch Ca (Shika) nằm trong thung lũng Trăng Xanh (Blue Moon Valley). Đó là sự đền bù cho chúng tôi sau những thất vọng ở Lệ Giang. Giá vé 2 chặng cáp treo để lên đỉnh núi tuyết là 220Y/người, chúng tôi được giảm 50Y so với giá gốc, chẳng rõ vì sao bởi "thẻ sinh viên" không được chấp nhận ở đây.
- Buổi chiều tối, chúng tôi dạo chơi trong khu phố cổ của Shangri-La, thăm chiếc chuyển kinh luân khổng lồ trên đồi cao. Tối đó, chúng tôi ngủ sớm để hôm sau đi chơi hồ Bita.

Ngày 7 (29/04/2010): Shangri-La - Lệ Giang (180km)
- Buổi sáng, chúng tôi vượt 22km đường đèo dốc để tới Công viên quốc gia Potatso. Tại đây, cả đoàn đã có những phút giây thần tiên khi hòa mình vào không gian tuyệt vời của hồ Thuộc Đô (Shudu), hồ Bích Tháp (Bita), núi tuyết Thiên Bảo. "Thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi được giảm 50% vé vào cửa, từ 110Y xuống còn 55Y/người. Cộng thêm 80Y vé xe buýt di chuyển trong Công viên, mỗi người phải trả 135Y.
- Buổi chiều, cả đoàn ngược về Lệ Giang.
- 19h00: chúng tôi về tới Lệ Giang và tiếp tục nghỉ tại Free Life Inn của Vicky.

Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang
- Cả đoàn lại chia làm 2 nhóm, 1 nhóm đi xe đạp (10Y/người), 1 nhóm thuê xe riêng (90Y/ngày) để lần lượt khám phá cổ trấn Thúc Hà, công viên Hắc Long Đàm (vào cửa bằng vé bảo vệ môi trường đã mua khi tới Ngọc Long Tuyết Sơn) và thăm thú hồ Lạp Thị (Lashi) trên lưng... ngựa (150Y/người).
- Buổi tối, chúng tôi chia tay 2 người bạn phải lên tàu về Côn Minh để kịp về Hà Nội đi làm vào sáng thứ 2 của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài.

Ngày 9 (01/05/2010): Lệ Giang - Côn Minh (510km)
- Vì không đi được Đức Khâm do đường sửa trên toàn tuyến kể từ Shangri-La, cũng không đi được hồ Lugu vì cả đi cả về sẽ cần tới 3 ngày mới bõ (đi 2 ngày rồi về rất vất vả) nên chúng tôi bị dôi ra 2 ngày tại Lệ Giang. Ngày đầu chính là ngày thứ 8 của hành trình, đi được nhiều nơi. Ngày thứ hai là ngày thứ 9 của hành trình, 14 người chỉ loanh quanh khám phá nốt Lệ Giang đồng thời mua quà cho những người ở nhà.
- 19h40: Chúng tôi thuê xe trọn gói 100Y/14 người để ra ga Lệ Giang bắt tàu đi Côn Minh (tiền vé: 130Y/người, tiền dịch vụ vì nhờ khách sạn mua hộ: 5Y/người).

Ngày 10 (02/05/2010): Côn Minh
- 07h20: Cả đoàn tới Côn Minh, 1 nhóm về ở khách sạn tại trung tâm thành phố (70Y/phòng đôi/ngày), 1 nhóm về ở khách sạn ngay cạnh ga trung tâm của thành phố (54Y/người/ngày gồm cả ăn sáng).
- Buổi chiều, chúng tôi dạo phố đi bộ ở trung tâm thành phố Côn Minh, ghé cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Một nhóm 3 bạn nữ tranh thủ đi chơi vườn hoa quốc tế Côn Minh (vé vào cổng 50Y/người, đã được giảm 50% nhờ "thẻ sinh viên").
- Côn Minh đang có Hội chợ văn hóa và du lịch quốc tế nên rất nhộn nhịp, đầy màu sắc và đầy hàng... sale off. Chúng tôi may mắn được xem tiết mục "Trống cơm" và một số tiết mục biểu diễn khác của một đoàn nghệ thuật Việt Nam ngay bên cạnh cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Buổi tối, chúng tôi được xem một buổi trình diễn Carnaval tưng bừng trên đường phố.

Ngày 11 (03/05/2010): Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai (450km), Lào Cai - Hà Nội (300km)
- 09h40: Chúng tôi tụ nhóm tại bến xe Đông của Côn Minh để thẳng tiến về Hà Khẩu (vé: 137Y/người, phí bảo hiểm đường bộ: 3Y/người).
- 17h00: Cả đoàn về tới Hà Khẩu.
- 19h45 (giờ Việt Nam): Cả đoàn lên tàu để ngược từ Lào Cai về Hà Nội (254k/người).

Ngày 12 (04/05/2010): Hà Nội
- 04h20: 14 người về tới Hà Nội an toàn.
- Kết thúc chuyến đi tốt đẹp.

anhcadoan.jpg

Bức ảnh thuộc loại đầy đủ nhất của cả đoàn tại điểm ngắm khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử. Ảnh: PeterPan.
 
Last edited:
Cảm ơn bác VIT và bác Chitto đã chia sẻ :).

Từ khá lâu rồi, PeterPan vẫn nghĩ những kiến trúc dạng tháp màu trắng đó là Mandala, hình như là từ sau khi xem bộ phim tài liệu "Mê Kông ký sự". Phải tới sau chuyến đi này, trong khi tìm hiểu thêm về Phật giáo Tạng truyền, PeterPan mới biết những kiến trúc dạng tháp màu trắng này chính xác phải gọi là Stupa.

Các Stupa là nơi chôn giữ một phần thi thể của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc để tưởng niệm Đức Phật cũng như các môn đệ của Ngài. Ngoài ra, các Stupa cũng là nơi chôn giữ thi hài của các vị sư trụ trì của các chùa, tu viện. Mandala hay Mạn-đà-la thì có thể hiểu là cách người Tạng quan niệm về thế giới xung quanh họ và cụ thể hóa bằng hình vẽ. Chỉ với một chủ đề Mandala, có rất nhiều hình vẽ phong phú để thể hiện nó tùy theo những cách quan niệm khác nhau.

stupa.jpg

Một Stupa với cảnh nền phía sau là núi tuyết Mai Lý.

mandala1.jpg

Hai nhà sư người Tạng đang cùng "vẽ" một Mandala bằng những hạt cát màu. Trong bộ phim "7 năm ở Tây Tạng" do Brad Pitt thủ vai chính, có một đoạn phim chừng vài... giây về một Mandala bằng cát màu nhưng lại mang những ẩn ý rất sâu sắc. Cái này cũng hơi "nhạy cảm", PeterPan không nói thêm vì chỉ cần xem phim là sẽ hiểu :D.

Ảnh: Internet.
 
Last edited:
Ngày 6 (28/04/2010): Shangri-La

Tu viện Songzanlin (tiếp)

Songzanlin thực sự là một kho báu Phật giáo Tạng truyền của cả vùng Shangri-La mà ngày nay người ta đang ra sức phục dựng và gìn giữ. Các giá trị văn hóa và tín ngưỡng của tu viện đã 331 năm tuổi này là không thể phủ nhận.

Thế nhưng, ngoài những giá trị có vẻ trừu tượng ấy, Songzanlin còn thực sự là một khó báu hiện hữu nhờ những chi tiết kiến trúc dát... vàng được thấy ở khắp nơi trong tu viện. Trong ánh nắng của vùng cao nguyên, sự phản chiếu của những chi tiết kiến trúc ấy làm bừng sáng cả một tu viện khiến người ta có thể dễ dàng nhìn thấy nó dù vẫn còn ở cách xa vài cây số.

Trên đường từ công viên Potatso trở về Shangri-La trong ngày thứ 7 của hành trình, chúng tôi đã được nhìn thấy tu viện Songzanlin bừng sáng nhờ những chi tiết kiến trúc dát vàng phản chiếu ánh mặt trời. Đó là một cảnh tượng đẹp mà cả đoàn được nhìn thấy từ khoảng cách vài cây số khi xe đang đổ đèo để vào trung tâm Shangri-La. Tiếc là không thể dừng xe để chụp dù chỉ một kiểu ảnh...

shangri-la32.jpg



shangri-la33.jpg



shangri-la34.jpg



shangri-la35.jpg



shangri-la36.jpg



shangri-la37.jpg



shangri-la38.jpg
 
Ngày 6 (28/04/2010): Shangri-La

Tu viện Songzanlin (tiếp)

Ở tụ viện Songzanlin, quạ đen mỏ đỏ là một "đặc sản". Những con quạ có ở khắp nơi, lúc thì chúng tọa trên mái của những tòa kiến trúc, lúc lại thảnh thơi đậu trên những bậc thềm. Chẳng chút e dè và sợ hãi, những con quạ đen tự do sải cánh trên nền trời xanh ngắt và những cú chao liệng của chúng giống như muốn phát đi thông điệp rằng: "Songzanlin này là của bọn ta, hỡi những kẻ lạ mặt đang... ngơ ngác kia".

Quạ là một loài vật gần gũi đối với người Tạng. Chuyện kể rằng, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (Tenzin Gyatso) được sinh ra tại làng Taktser vào ngày 06/07/1935, một đôi quạ đen đã tới đậu trên mái nhà của Ngài. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra với các vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 1, thứ 7, thứ 8 và thứ 12. Những câu chuyện về mối liên hệ giữa người Tạng và những con quạ đen càng có thêm màu sắc huyền bí khi người ta vẫn truyền tai nhau rằng vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 đã được một con quạ bảo vệ trước sự uy hiếp của một toán cướp ngay trong đêm thứ hai sau khi Ngài chào đời.

Không chỉ gắn liền với những người dân Tạng ngay khi họ ra đời, những con quạ cũng không rời họ ở chặng cuối của một vòng đời. Mưu cầu một sự chuyển tiếp tới một kiếp sống khác, người Tạng chẳng hề run sợ trước cái chết và sẵn sàng được gửi thân xác mình tới muôn nẻo xa xôi nhờ những "sứ giả" như kền kền hay quạ đen. Đó là tục thiên táng hay điểu táng, nó khá "dã man" và "đáng ghê sợ" theo quan niệm của hầu hết nhân loại. Thế nhưng, với người Tạng, đó chỉ là một bước để tới được sự siêu thoát và mau chóng thoát khỏi những vấn vương với chốn cũ.

Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đã "chạm trán" bầy quạ đen mỏ đỏ ở một chốn thâm nghiêm như tu viện Songzanlin...

shangri-la39.jpg

Nhàn tản chào ngày mới trên mái của một tòa kiến trúc.

shangri-la40.jpg

Tự do bay lượn và chẳng hề tỏ ra sợ hãi trước sự xuất hiện của con người.

shangri-la41.jpg

Sưởi nắng bên hiên một ngôi nhà trong tu viện.

shangri-la42.jpg

Hiên ngang phóng tầm mắt ngắm núi, ngắm non.

shangri-la43.jpg

Dang cánh trên nền trời xanh thẳm.

shangri-la44.jpg

"Trời xanh đây là của ta".

shangri-la45.jpg

"Tu viện này là của ta".
 
Mình nói thêm một chút về các Stupa.

paldemo_stupa_wallpaper.jpg


Trong Phật giáo thì tượng Phật được coi là hiện thân về thể xác Phật, Kinh Phật hiện thân cho ngôn Phật. Các Stupa là hiện thân của tâm Phật, trí tuệ Phật.
Một Stupa được chia làm 3 phần chính
- Phần đế ( Nguồn gốc) : tượng trưng cho các nguyên tắc cơ bản của nhà Phật
- Phần thân (Con đường, quá trình): tượng trưng cho quãng đời tu luyện đạo Phật
- Phần đỉnh ( Kết quả ) : tượng trưng cho kết quả cuối cùng của đạo Phật đó là sự giải thoát, thoát khỏi vòng luôn hồi lên đến cõi Niết Bàn Nirvana hay đã tu thành Phật.

Stupa là từ dùng chung, còn đối với người Tạng thì nó được gọi là Chorten ( nơi cúng tiến ). Thế nên chính xác ta có thể gọi là Chorten
 
PeterPan ơi,

Theo mình được biết thì những chú chim lông đen mỏ đỏ ỏ Songzalin có tên là "chim cát tường", Bạn thử tìm hiểu lại xem nhé. Hôm nhóm của mình tới Songzalin, anh chàng hướng dẫn viên giới thiệu rất nhiều điều thú vị về các đền thờ, tượng phật và lịch sử, truyền thuyết của người Tạng và cà tôn giáo của họ, anh chàng này giới thiệu loài chim đen bay lượn rất nhiều ở Songzalin là "chim cát tường", loài chim mang đến may mắn. Đấy, tốn ít tiền đi theo đường chính thức cũng có cái lợi nhỉ.
 
@ngochungarch: Đúng rồi anh, Stupa là từ dùng chung theo tiếng Phạn, ở mỗi vùng và mỗi nước khác nhau lại có những loại hình dạng Stupa khác nhau. Người Tạng có dùng cách gọi Chorten song song với Stupa. Anh nói thêm về kiến trúc Tạng đi cho topic thêm phong phú :-D.

@shiheng: Em chưa từng nghe nói tới loài "chim cát tường". Em vừa thử tìm kiếm thì có thấy người ta nói một số loại chim, thú được coi là những loài mang ý nghĩa cát tường. Đoàn em không có hướng dẫn viên nên những thứ tìm hiểu được chắc cũng còn nhiều thiếu sót. Chị shiheng nếu có nhiều thông tin hơn thì chia sẻ cùng đoàn em nhé, để phân biệt rõ thế nào là quạ, thế nào là "chim cát tường".
 
@PeterPan: mình cũng được nghe nói loài chim lông đen mỏ đỏ ỏ Songzalin người ta gọi là "chim cát tường".
Bản thân mình nhìn và cảm nhận thì thấy giống chim quạ ở nước mình. Nhưng có một nguồn tin nữa (mình chưa kiểm chứng được) là giống chim này cùng họ với chim kền kền. Bạn nào có thông tin và tài liệu xác thực thì post để anh em tham khảo.
 
Cái chữ "chim cát tường" lại là một sản phẩm của các bạn Tàu, dễ làm người khác hiểu lầm.

Người Tạng thì làm gì có chữ "Cát tường". Họ gọi con chim đó bằng tiếng Tạng, từ đó có nghĩa là Tốt lành. Các bạn Tàu lên, mới dịch ra tiếng Tàu là Cát tường. Rồi người Việt mình đọc từ đó thì lại tranh cãi.

Bản thân cái tên Songzanlin (Songzanlin-shi) cũng thật là rắc rối và dễ làm hỏng tên gọi đúng của tu viện này.

Vốn cái tên tu viện là tiếng Tạng, mà phiên âm tên đó ra tiếng Anh là Ganden Sumtseling Gompa. Ganden là âm đọc tiếng Tạng của tầng trời thứ 33 trong kinh Phật (Hán Việt là Đâu Suất), Sumtseling là cách gọi tiếng Tạng của chư thiên, Gompa là Tu viện. Toàn bộ tên có nghĩa là Tu viện của Chư thiên ở tầng trời thứ 33.

Thế rồi các anh Tàu lên, mới "dịch âm" cái từ tiếng Tạng kia thành Cát Đan - Tùng Tán Lâm. Cái từ này chỉ là dịch âm đơn thuần, không có nghĩa gì cả. Rồi để chỉ cái chùa, người Tàu lại thêm chữ Tự vào, thành ra Cát Đan Tùng Tán Lâm Tự.

Đến lượt từ tiếng Tàu này lại được phiên âm ra tiếng Anh là Songzanlin-shi (Tùng Tán Lâm Tự), tắt thì bỏ chữ shi đi. Lúc này thì đi xa nghĩa gốc quá rồi, và càng vô nghĩa.

Tương tự, nếu nói cái tên "Chim cát tường" thì cũng chỉ là cách dịch nghĩa của các bạn Tàu, chứ không phải từ của người Tạng. Do đó nếu thích, bạn PeterPan gọi con chim đó là "Chim tốt lành" và bảo đó là cách dịch sang tiếng Việt, thì cũng đúng y như thế thôi.

Cứ sang TQ là các bạn hay lấy tiếng Tàu làm chuẩn, mà không để ý rằng các nền văn hoá riêng biệt đó đã bị người Tàu cưỡng bức thế nào, đến nỗi đổi cả nghĩa gốc, từ gốc. Rồi vì các bạn Tàu đông quá, nhiều người nói thế quá, thế là dần dà mất luôn từ gốc.

Đó cũng là cách các bạn Tàu tiêu diệt các nền văn hoá, các dân tộc, quốc gia lân cận.
 
Mình ngưỡng mộ bạn Chitto mất rồi ;)
Quả thật sau lần đi TQ này mình thấy thiệt thòi hơn các bạn cùng đoàn rất nhiều, vì mình ko biết tiếng TQ.
Mình làm kiến trúc nên cũng chỉ góp được với các bạn một chút kiến thức về kiến trúc của người Tạng ở Shangrila
4674882539_194f067658.jpg

.
4675515292_09508919c7.jpg


Những ngôi nhà của người tạng được xây chủ yếu bằng đá, đất, và gỗ. Ngoài các điện thờ chính trong tu viện thì cơ bản nhà của người tạng được xây thành 2 tầng.
Tường được xây bằng đất, nhờ phương pháp "trình tường" ( đóng khuôn, đổ đất , nện chặt ) phương pháp này cũng được áp dụng khá phổ biến ở Tây Bắc nước ta.
Tường xây cao dần, đến các vị trí cửa sổ, cửa đi thì người ta đặt khung cửa vào đó rồi lại tiếp tục trình. Do tường xây bằng đất, có thể bị xói mòn vì thời tiết nên người tạng dùng một lớp gỗ để che phần đỉnh tường ( với những nhà giàu hoặc các công trình tín ngưỡng thì nó được thêm các chi tiết trang trí bằng gỗ ). Sau đó người ta đặt các vật nặng, hoặc xây thêm lớp đá để cố định lớp gỗ. Ở Shangrila bạn có thể thấy phần đỉnh tường này có một lớp cỏ, người ta xúc nguyên lớp cỏ trên đồi, đem về đặt lên lớp gỗ, rễ cỏ có tác dụng giữ cho lớp đất ko bị mất đi và đè nên phần gỗ giữ nó ko bị xê dịch.
Do kết cấu tường bằng đất và chịu lực chính nên thường người ta xây phần chân tường rộng hơn phần đỉnh tường. Vì thế nhà của người Tạng thường lớn hơn ở phần đế.
4688280622_5c9c59f398.jpg

ngôi nhà vừa được người dân làng sửa lại, mái gỗ được thay bằng mái tôn.

4686805691_3e48c6f11a.jpg

Mái nhà nằm trong phần tường nên người Tạng làm ống thoát nước như thế này. Về sau này, do sự xâm chiếm về Văn hoá của người Trung Quốc nên kiến trúc của người Tạng ở Shangrila cũng bị pha tạp nhiều,
4681533504_b5f25534f2.jpg

Thợ đang trình tường cho một ngôi nhà xây mới trong tu viện.
4681534274_cde45cfe70.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,168
Members
192,351
Latest member
Buyoldgmailaccountsf
Back
Top