What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Bandipur - Viên ngọc quý, thành phố bị quên lãng... của Nepal – 3

@ ntvhanh, cám ơn bạn!

@ bluelady, bpk ở Nepal gần 1 tháng. Bạn có thể đi Tibet 10 ngày rồi Nepal 20 ngày cũng được. Nhưng nếu đổi lại, bpk sẽ đi Tibet 20 ngày và Nepal 10 ngày, dù bpk rất thích Nepal, như bạn đã thấy khi bpk ngồi lóc cóc gõ để chia sẻ về Nepal. Lý do là Tibet rất khó đi, còn Nepal thì bây giờ dễ đi lắm, bạn bay qua Bangkok, sẽ có mấy hãng có chuyến bay đến Kathmandu. Còn Tibet... một câu chuyện rất dài....


..........................................................................................
(cont.)



PB091231.jpg

Trẻ con Bandipur, rất ngoan và mến khách


PB091212.jpg

Thư viện từ TK XVIII cổ xưa ở Bandipur



Phố, hay thị trấn nhỏ và xưa cũ. Đến 70% những ngôi nhà ở đây có kiến trúc Newari đặc trưng với những chiếc cửa sổ gỗ chạm khắc tinh xảo. Những con đường lát gạch đỏ hay đá xám đã mòn nhẵn vết thời gian trở nên rất đẹp và rất hợp với những ngôi nhà mái lợp đá xám. Những ngôi nhà lớp mái bằng đá này giống ở Mường Lay, Lai Châu quê nhà. Nhà xây bằng đá hoặc nửa đá nửa gạch, mái xám, bên hông nhà những cây rơm vàng rực rỡ đứng làm nơi vua đùa tí tởn của bọn trẻ và cũng là nơi yêu thích của những chú gà trống kiêu hãnh vỗ cánh ò ó o… mỗi khi phởn. Người dân ở đây hiền hòa dễ mến, những em bé chơi đùa những trò chơi dân gian mộc mạc trên phố với những nụ cười lem luốc vô cùng đáng yêu. Chơi với nhau đã, thỉnh thoảng các bé đua nhau rượt các chú gà cô vịt đang lang thang trên đường. Các chú chó buồn tình cũng nhiệt tình tham gia tí tởn rượt nhau hoặc ví các cô vịt lạch bạch chạy té khói... rất hay và yên bình.


PB101345.jpg

Nhà xưa trong phố.


PB091235.jpg

Những con đường yên, đá xưa đã mòn nhẵn vết thời gian


PB091244.jpg

Rồi đường chợt ùa tắm nắng chiều ấm áp



Bandipur nằm dài trên một đỉnh núi bằng, của dãy Mahabharat, ở độ cao 1030m, luôn mát dịu quanh năm. Ngoại ô Bandipur gần là thung lũng, xa hơn 1 tý là núi cao. Mây trắng sáng sớm và chiều hôm sà vào nhà, và núi tuyết, và những cánh rừng thông, dòng sông ẩn hiện trong mây, những con đường với hàng cây bồ đề cổ thụ, những ngõ vắng hoa vàng... Bandipur còn được tô điểm bởi những ngôi đền Hindu cổ với kiến trúc Newari, thư viện từ TK XVIII,… cả những căn nhà to đẹp, đậm nét kiến trúc Newari, giờ trống trải, của những thương nhân đã bỏ xứ đi xa để lại… làm Bandipur đã đẹp lại thêm đẹp…


PB091236.jpg

Đền nhỏ, mái nhà yên nép mình dưới bóng cổ thụ


PB091240.jpg

Rồi đến con đường yên bình cũng khép nép dưới bóng cả




(tbc.)
 
Bandipur - Viên ngọc quý, thành phố bị quên lãng... của Nepal – 4

(cont.)



PB101290.jpg

Bình minh mây ở Bandipur nhìn từ Tundikhel – có ai muốn nhảy xuống tấm thảm mây này không?


PB101279.jpg

Mây trắng hay núi tuyết trắng hơn – ai nào biết?


Buổi sáng ở Bandipur, nơi chiêm ngưỡng bình minh đẹp nhất là “đồi” Tundikhel, một đỉnh núi bằng khác, chỉ khoảng hơn 20 phút đi bộ từ phố. Sương mây mờ mịt trên đồi, che kín thung lũng và dòng Marsyangdi bên dưới. Dù mặt trời đã lên cao nhuộm vàng dãy núi tuyết Hymalaya xa xa, thung lũng vẫn mê mệt ngủ chìm trong mây. Đó đây ở những hẻm núi, ở vài nóc nhà, bếp quê nghèo bắt đầu phả chút khói sớm, chen qua làn sương mỏng mong manh và cũng sớm tan vào sương. Nắng vẫn cứ vàng rực những nương đồi ở triền núi trên cao và bất lực với mây sương trắng toát lười nhác ngủ vùi trong thung lũng kế dưới. Những ngôi làng xa xa nửa trong mây, nửa trong nắng, đẹp vô cùng. Bandipur lạ vậy đó.


PB101285.jpg



PB101287.jpg

Rồi lâu lắm, núi mới chen mây được ngoi lên tý xíu – cho khỏi ngợp


Sáng đó, chỉ có mình bpk lang thang trên đồi Tundikhel. Gần cả tiếng đồng hồ chờ sương tan nhưng sương mây vẫn cứ trắng toát ôm ấp thung lũng bên dưới. Men theo con đường bên những gốc sung cổ thụ, bpk đi xuống mãi 1 con dốc làm bằng đá xưa đã mòn nhẵn. Xa xa bên dưới là bóng 1 ngôi làng nhỏ còn ngái ngủ chỉ thấy lưa thưa vài cọng khói bốc lên từ vài mái nhà khi đám sương bị gió đùa sang nơi khác – nhưng cũng được tý chút rồi quay về. Thấy thì gần, nhưng bpk đi mãi vẫn không đến, làng này lại không có trong LP nên bpk cũng không biết là có nên mạo hiểm… Chần chừ một hồi lại quay về lòng đầy nuối tiếc. Ngôi làng xa xa vẫn ẩn hiện trong sương như một bức tranh thủy mặc đẹp lạ thường.


Có lẽ nào bpk đã bỏ qua một chốn đào nguyên???


PB101311.jpg



PB101317.jpg



PB101318.jpg

Nhà ai thấp thoáng trong sương mây



(tbc.)
 
Last edited:
Làm sao để cảm ơn bài viết nhỉ?

@backpacker: Đi Tibet bây h dễ mà, AA có vé sang Chengdu cũng rẻ lắm, tính ra khéo đi rẻ hơn bay thẳng sang Nepal. Mà xin permit vào Tibet có khó ko bạn?
 
Bandipur - Viên ngọc quý, thành phố bị quên lãng... của Nepal – 5

@ Bluelady, đi Tibet bây giờ vẫn không khó, nếu bạn có nhiều quân Nguyên. Tiền permit vào Tibet không nhiều, nhưng bạn không được tự đi vào Tibet mà phải luôn có HDV đi kèm. Do đó, nếu bạn không kiếm được bạn đồng hành, bạn vẫn có thể đi một mình 1 tour, 1 tài xế, 1 hướng dẫn, 1 Lancruiser!!! Lúc bpk hỏi ở Chengdu cho tour 2 người đi 10 ngày, chi phí khoảng 5.200Y cho mỗi người, không bao gồm tiền vé từ Chengdu lên Lasha. Bạn xem thêm thông tin về các chuyến đi Tibet trong forum hoặc PM cho bpk nếu cần thêm thông tin nghen.
........................................................................................



(cont.)


Trưa, phố nắng vắng tanh. Khách trẻ khỏe nhiều ham hố thì lặn lội trekking, leo núi, thăm hang động… dân bản địa cần cù vườn rau sau nhà hay cặm cụi trên nương rẫy. Chỉ có phố vắng vàng hoe hoe nắng và vài du khách vừa đến ngập ngừng, ngỡ ngàng trước Bandipur mơ màng… ngồi ngắm phố phường xinh trong nắng ấm hay thong thả dạo bước trên những con đường đá xưa mòn nhẵn. Phố trưa chỉ chợt vỡ òa khi các em học sinh tan trường, những nụ cười và câu chào “Namaste!” luôn thường trực trên môi các em. Ở đây, cả trẻ con vừa biết nói cũng biết câu chào này. Làm trưa ấm càng thêm ấm lòng du khách.


PB091250.jpg



PB091252.jpg


PB091256.jpg

Chiều bắt đầu về trên thung lũng Marsyangdi


PB091266.jpg

Ráng chiều đã nhuộm hồng dãy Hymalaya kiêu hãnh


Chiều về, mặt trời hoàng hôn lại nhuộm một màu khác cho những ngọn núi tuyết – hồng rực rỡ. Lũ mây sương lười nhác ngủ ngày ban sáng giờ nấp vào chốn nao chẳng biết, chỉ còn bầu trời xanh dịu dàng cuối ngày thu, phối với dòng Marsyangdi uốn khúc bên dưới và thung lũng vàng rực ngày mùa thành bức tranh tuyệt mỹ.


PB091237.jpg

Hoàng hôn đã về bên kia núi.


Rồi những tia nắng cuối cũng mờ dần khi mặt trời tiếc nuối thả những ngón tay hồng hồng dịu dàng ve vuốt trời xanh trước khi chìm sâu vào bên kia dãy Hymalaya, giờ cũng ánh lên màu hồng mê hoặc. Bandipur chợt rùng mình se lạnh khi những cơn gió nghịch ngợm chợt ùa về từ núi tuyết Hymalaya. Bandipur vào đêm.


PB091274.jpg


PB091276.jpg

“Bạn” này đến từ India, tới 7,50 độ cồn lận đó. Đêm Bandipur nồng nàn hơn nhờ có mấy bạn này.


Bandipur vào đêm rồi, khách bắt đầu rời Tundikhel về phố. Bpk chia tay nhóm thanh niên Kathmandu nãy giờ mời bpk uống rượu, tán dốc tưng bừng và hẹn gặp trong phố nhỏ. Để khách về trước, còn lại bpk một mình trên đồi đêm lạnh trăng sao sáng vằng vặc mà hồn cứ lâng lâng mơ về đâu đó…



(tbc.)
 
cảm ơn Backpacker. Tớ chắc chắn sẽ pm cho bạn hỏi thêm thông tin khi tớ có lịch đi cụ thể. Hiện h tớ đang còn vướng mấy plan chưa xong nên chưa biết sẽ đi lúc nào. :)
 
Bandipur - Viên ngọc quý, thành phố bị quên lãng... của Nepal – 6

(cont.)



PB101323.jpg



PB101319.jpg

Một góc đồi thông trong sương trưa ở Bandipur – nhìn từ xa và khi bpk lần mò tìm đến gần


PB101325.jpg

Một ngôi đền xưa trong nắng sớm

PB101350.jpg

Ngôi nhà lẻ loi bên sườn đồi với mái đá, những dàn bắp khô đặc trưng của những làng Newari, hoa vàng trên mái, bên hông nhà



PB101342.jpg


PB101337.jpg

Các em đi học – xinh, ngoan & lễ phép. Trời thu xanh hoa vàng hồng tía đủ màu trên cao


PB101347.jpg

Trưa yên bình ở phố, chỉ xôn xao tý khi các bé đi học về


Những ngày này, bpk gặp nhiều du khách ở Bandipur, cả khách Nepal lẫn khách nước ngoài. Ở vùng đất đẹp và hiền hòa, mọi người như dễ gần nhau. Nhóm thanh niên Kathmandu bpk gặp trên đồi chiều, buổi tối lại gặp nhau trong phố, ngồi ở bàn kế bên thỉnh thoảng lại cùng nâng ly “Cheers!” vui vẻ. 2 cô gái Hà Lan ngồi chung bàn trên vỉa hè… giờ trở thành những người bạn vui, trong một đêm cao nguyên dịu dàng. Hoa trong phố, dạ lý trong đêm nồng nàn gửi vào gió se se lạnh chút hương nồng, làm đêm như say say… Đêm trôi trong sương, trong hương và trăng cũng đã mờ vì sương.



Rồi cũng phải chia tay Bandipur. Rời Bandipur dịu dàng mến thương, lòng đầy núi tiếc. Mai này, phố cũ có còn dễ thương khi nhiều khách du bắt đầu tìm đến. Và thung lũng mây mù, có còn không một sáng nào tinh khôi nhiều nắng, nhiều gió... để người cứ bồng bềnh như trôi trong sương mây.



Biết đến bao giờ, lại về, trong sương sớm, Bandipur?
 
Pokhara – núi tuyết soi hồ xanh – 1

Những nơi như này cứ như là chốn thiên bồng ý nhỉ? Chà, thế mới là Nepal chứ.

@ gianker, đi máy bay có thể chụp hình đẹp hơn hình này, nhưng hình này chụp khi đứng trên đồi, sương mây bay là đà ngay sát dưới chân mình, nên chỉ muốn nhảy xuống chiếc chăn bông tinh khiết và êm ái đó. May mà bpk chưa phải là đệ tử Lý Bạch!

Đùa tý cho vui, bpk không nghĩ đây là chốn “thiên bồng” đâu nhé! Chốn “thiên bồng” là cho Thiên Bồng Nguyên Soái họ Trư thôi – mà bpk không phải họ này. Bpk chỉ thích ở chốn “bồng lai tiên cảnh”, với tiên nữ thôi! Cái này thì lại giống họ Trư mất tiêu rồi…..


....................................................................................




Trên chiếc xe cọc cạch, người đi chung với dê, rị mò rồi bpk cũng lần mò đến được Pokhara vào một xế trưa nắng quái. Pokhara thanh bình xinh đẹp nổi tiếng là đây sao, khi chiếc xe lọc cọc quăng bpk xuống cái bến xe liên tỉnh giữa nắng nóng và bụi mờ và ồn ào và hỗn độn… nhất là khi vừa rời khỏi một Bandipur trong trắng tinh khôi… Chỉ đến khi nhảy lên chiếc xe, chạy mải miết trong nắng bụi, đến hồ Phewa, bpk mới bắt đầu thấy vẻ duyên dáng yêu kiều của Phokhara, nhưng cũng chỉ tý xíu mà thôi(!).


Nổi tiếng trên các hành trình du lịch, Pokhara là thành phố lớn thứ hai của Nepal, nằm ở cuối của cung đường trekking (từ Kathmandu) vòng đến dãy núi Annapurna (8091m) và cũng là nơi bắt đầu của những chuyến trek leo lên dãy núi này. Do vậy, với nhiều du khách, Pokhara là điểm nghỉ ngơi sau khi trek xong cung đường Annapurna, với các du khách khác, nơi đây là nơi nghỉ dưỡng cho những chặng leo núi hiểm nguy phía trước, hay hứng thú với trò nhảy dù paragliding trên dãy Hymalaya kiêu hãnh.. Nhưng với nhiều du khách khác nữa, đây là nơi yên bình để lang thang ngắm núi tuyết soi hồ xanh, lười biếng nhấm nháp những ngụm bia vàng mát lạnh khi đang thả người bên hồ biếc Phewa hay từ tốn lang thang thăm thú những ngôi chùa Phật giáo trên đồi cao, những ngôi đền Hindu cổ xưa trong phố… Còn bạn, bạn sẽ đến Pokhara để làm gì?



Trước khi con đường xa lộ Prithrvi hình thành, từ Kathmandu đến đây thường mất khoảng 10 ngày đêm trèo đèo vượt thác… và đặc biệt hiểm nguy là những dòng sông hung dữ cuồn cuộn chảy với những cơn lũ thường ập đến bất ngờ. Ngoài những nhà thám hiểm khoa học, những khách phiêu du mạo hiểm…, khách phương Tây chỉ bắt đầu biết đến Pokhara vào những năm 70 – bắt đầu bằng những cuộc khám phá của những “đội binh hippies” vốn đã chọn Nepal là xứ xở thiên đường vào thời gian đó. Với cảnh quan thanh bình của hồ xanh núi trắng, thời tiết ôn hòa, địa thế đa dạng phù hợp nhiều loại hình du lịch… Pokhara đã thu hút được sự quan tâm rất nhanh chóng và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đến những năm 80, nơi đây đã trở thành “thành phố của resort”. Đến những ngày binh biến liên miên, những đoàn quân du kích Maoist chặn xe trên con đường xa lộ Prithvi… làm hạn chế khách đến bằng đường bộ nhưng làn sóng du khách vẫn ùa về. Đến nay, thanh bình đã về trên Nepal và thiên đường du lịch Pokhara đang vẫy gọi du khách. Dù được mệnh danh là “Thamel bên hồ” nhưng Pokhara thanh lành khác hẳn Thamel ồn ào náo nhiệt với đặc biệt với đặc sản bụi bặm (!) ở Kathmandu. Chỉ lang thang đến những khu vực không xa hồ Phewa lắm, bạn sẽ trở về không khí ngày xưa của những ngôi làng Newari vàng ươm lúa chín ngày mùa, với những con đường gạch đỏ đã nhẵn mòn, những ngôi nhà gỗ chạm khắc tinh xảo, những nụ cười hồn hậu, những câu chào “Namaste” và những nụ cười như bất tận trên mỗi những người dân lành Pokhara….


Và ở Pokhara, có 1 điểm vô cùng đáng yêu đối với những người dân Việt, phần lớn theo Phật giáo hay không phải là Phật tử nhưng vẫn thường thăm viếng chùa, là bạn có thể nghe bài tụng ca “Om mani padme hum” vang vang khắp nơi trong phố - đặc biệt là từ những cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng như cửa hàng băng đĩa… Bạn có thích?


Nhưng dài dòng nãy giờ, bpk cũng chưa “tỏ tường” với bạn là ngoài việc “mới chỉ thích Pokhara một tý xíu khi mới đến hồ Phewa” là bpk có thích Pokhara thêm nữa phải không? Vẫn chưa, mà còn ác cảm thêm nữa, sau khi mới vừa bắt đầu thích 1 tý. Lý do là sau cả buổi ngồi xe chật chội, nóng bức… chung xe với cả 1 chú dê (!) nữa, giờ phải đeo balo đi tìm nhà trọ mòn mỏi trong nắng quái xế trưa gay gắt. Mùa thu là mùa du lịch cao điểm ở Nepal cũng như Pokhara, nên bpk đi đến mấy điểm theo LP cũng như nhiều GH khác ở các hẻm gần gần khu balo đều bị kín phòng, nếu có thì giá cũng đâu 10-12$US, “không hợp với dáng anh”! Rút kinh nghiệm (lần thứ 101!), bpk không thèm tạt ngang tạt dọc hỏi nữa, lầm lũi cắm cúi chúi mũi đi xa xa 1 tý, có ngay được nơi nghỉ. Mà bpk là còn lười đó, đám khoai Tây chung cảnh ngộ kiếm nhà nghỉ với bpk nó còn đi đâu xa tít tắp xuống bên dưới kia nữa để kiếm chỗ nghỉ tiết kiệm hơn nữa. Do vậy, mãi đến lúc này bpk vẫn chưa thấy Pokhara có cái gì hay, ngoài cái hồ!!!


Quăng balo, lăn đùng ra nghỉ, tắm rửa, giặt giũ, phơi phóng… ra đường cũng đã hơn 5pm. Thuê xe đạp đi ngắm hoàng hôn thôi. Biết đâu hoàng hôn Pokhara đẹp, lại bắt đầu yêu phố núi thì sao?


PB101361.jpg

Hoàng hôn tím bên hồ




Mà hoàng hôn bên hồ ở Pokhara đẹp thiệt!


(tbc.)
 
cảm ơn Backpacker. Tớ chắc chắn sẽ pm cho bạn hỏi thêm thông tin khi tớ có lịch đi cụ thể. Hiện h tớ đang còn vướng mấy plan chưa xong nên chưa biết sẽ đi lúc nào. :)
Quân ta phần nhiều đi Tibet qua ngả Kunming hay Chengdu-tiện nhưng phải có giấy phép, rồi HDV,... và ối thứ linh tinh.
Còn nhiều option khác:
1. Ghé Guangzhou-East Station me vé Lahsa rồi tót lên tàu nằm 54h sẽ đến nơi. Nếu chọn option này, khả năng bị chặn lại giữa đường (Qinghai chẳng hạn) là có. quite risky yeah? but it's part of the fun!
2. Feeling hơn, bạn bay Guangzhou-Kashgar, nghe giang hồ hoankiem đồn có 700RMB one way àh. Chơi chợ phiên Kashgar cho biết mùi Hồi cương rồi lên bus đi Karghilik (Yecheng), mất 5h.
Từ Karghilik có 2 chuyến sleeper bus/tuần đi Ali (30h-weather permitting, 600RMB) băng qua dãy Tianshan, qua 2 ngọn đèo cao 5500m, không một bóng người, chỉ có trời mây, núi tuyết, thảo nguyên, thú hoang và gió.......thật nhiều gió hoang!
Từ Ali đi Rutok Xian rồi trek qua Nepal, hoặc đi Tsaparang thăm Guge Kingdom...rồi Kailash mountain, Manasarovar lake. Nếu đã have enough Tibet, down xuống Zhangmu đi Nepal. Nếu chưa, head east to Gyantse, Shigatse....and Lahsa. Once in LaHSA, things get easy...(beer)
It's a life-changing journey, guaranteed!(NT)
3. ???............

why not?
 
Cảm ơn bạn Gió Hoang. Route này có vẻ challenging thật đấy, có điều nó có vẻ tốn kém thời gian quá nhỉ. Nếu tớ bay đến Chengdu rồi đi train lên Lhasa thì sao hả bạn?

Xin lỗi bạn backpacker nhé, cho tớ hỏi thêm thông tin 1 tẹo. :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,099
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top