What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 6

(cont.)


Hết đền đài rồi gì đây nữa ta. Cảnh đẹp chùa to đền lớn… thì đã kể lể hết trong các bài trước hết rồi. Chợ búa hay chốn ăn chơi!? Chợ thì cả khu Thamel nó là 1 cái chợ du lịch rồi, chợ cho dân địa phương thì mấy cái chợ tạm trong Durbar Square cũng mô tả rõ ràng rồi… Chốn ăn chơi thì thôi, Kathmandu có đầy đủ các loại hình ăn chơi nhảy múa thượng vàng hạ cám, bạn cứ đến đây rồi ta hồ mà lựa chọn, tùy theo sở thích (và túi tiền) của bạn. Xem như phần thông tin về Kathmandu cũng đã chia sẻ cho các bạn tương đối chi tiết rồi, chỉ còn chia sẻ chút cảm giác về những ngày Kathmandu trước buổi chia xa.

PA260559.jpg


PA260558.jpg


PA290039.jpg

Phố phường là những gallery dân dã


Nhớ về Kathmandu những ngày thu bầu trời xanh ngăn ngắt, những con đường luôn đông đúc chật chội bỗng có những ngày thoáng đãng lạ thường trong những ngày Tết năm mới của người Newari. Nhớ về Kathmandu, nhớ về quảng trường Durbar rợp bóng đền đài dưới nắng vàng mây trắng ngày thu xanh, những bóng dáng đơn độc của những holy-man lang thang trong phố, những cánh chim câu chợt ồn ào vỗ cánh tung bay mờ mịt phố phường khi bị các em bé Nepal dễ thương chọc phá. Lại nhớ đến những chuỗi hoa, những gánh hoa, những chiếc xe vạn thọ vàng rợp phố phường, đem lại cho phố phường xa lạ một không khí xuân quê nghèo ngày xưa. Nhớ… nhớ… nhớ….

PA250500.jpg

Quán vắng với những nghệ sĩ dân gian Nepal – nơi bpk thường lui tới những đêm Kathmandu đơn độc.

Nhiều đêm Kathmandu, bpk thường chui vào 1 quán vắng trên sân thượng ở cũng hơi cách xa khu Thamel Chowk, nghe những nghệ sĩ dân gian Nepal đàn hát những bản dân ca Nepal buồn não nuột. Những bài dân ca Nepal vui tươi đâu bpk chẳng được nghe, chỉ thấy ở đây các nghệ sĩ hát toàn những bài dân ca sao nghe buồn da diết. Trong quán vắng, giữa phố phường đã nghe đầy cảm giác như thế này, thầm mơ những đêm cao nguyên thênh thang trăng sao, lồng lộng gió… mà được nghe những bài ca tha thiết này thì chẳng biết hồn mình sẽ phiêu diêu về đâu.

PA290056.jpg

Có chiếc bong bóng nào chở giấc mơ của mình bay vào trời xanh cao Nepal?


Mai sẽ chia xa Kathmandu, khi nao được về lại… để được sống lại những tháng ngày yên bình trong mùa thu xanh vời vợi ở miền đất tươi đẹp với những người dân hiền lành, để có những ban mai lang thang phố vắng khi sương còn vấn vương quyến luyến trên mái đền xưa, những chiều muộn khi chút nắng hắt hiu vàng vọt cuối ngày dùng dằng nuối tiếc không nỡ chia tay giã từ phố, những đêm suông hoang lạnh trăng xa loạng choạng lê bước từ Durbar về phố khuya, tìm vào quán vắng, ru hồn lãng đãng theo những bài tình buồn da diết…



Kathmandu! Bao giờ, cho đến bao giờ…?
 
@Backpackervn: bài viết của bạn thật giàu cảm xúc. Cảm ơn bạn đã chia xẻ và mong được xem những bài viết kế tiếp!
 
Gorkha, miền đất hào hùng xưa - 1

Chào nhé Kathmandu, ta lên đường! Hẹn ngày tương phùng!


Ngày hôm qua, sau khi biết là sẽ chia tay Kathmandu, việc đầu tiên bpk phải làm là quyết định cung đường sẽ đi, dù đã có 2 tuần suy nghĩ, kiểm tra phương tiện, giờ giấc... Nhảy xe mini bus lên bến xe liên tỉnh, bpk hỏi thăm giờ giấc cho cung đường đến miền đất bị quên lãng Gorkha. Chắc bạn cũng đã biết, Kathmandu không phải là kinh đô đầu tiên của Vương quốc Nepal hiện giờ? Dù đã là kinh đô từ rất xa xưa của các vị vua vương triều Malla lừng lẫy, cũng như hiện thời, Kathmandu lúc trước chỉ là kinh đô của 1 vương quốc nhỏ trong nhiều vương quốc ở Nepal. Quốc vương Prithvi Narayan Shah, từ vùng quê xa hẻo lánh Gorkha đã là người chinh phục các vương triều anh em nhà Malla và nhiều vùng khác nữa, để thành lập quốc gia Nepal thống nhất ngày nay, vào năm 1769. Ngày ấy, Gorkha, quê hương của người, là kinh đô đầu tiên của Vương triều Shah, sau đó quốc vương mới chuyển về Kathmandu. Trải qua bao sóng gió biển dâu, uy danh của những người con vùng đất Gorkha (hay Gurkha) còn vang mãi đến bây giờ. Họ là 1 phần không thể thiếu trong quân đội Anh, nổi tiếng với tài thiện chiến và dũng cảm, được biết từ ngày trước và vẫn còn giữ vững đến giờ. Bên cạnh đó, theo nhiều tài liệu, Gorkha của họ, miền đất hào hùng đã rút ruột mang nặng đẻ đau những đứa con đi xa, vang danh thiên hạ… đang khắc khoải mờ dần theo những tang thương sóng gió cuộc đời, đang bị những lớp bụi thời gian, những khó khăn nhọc nhằn cuộc sống nhấn chìm vào quên lãng. Nhưng đó lại là lý do bpk chọn đến thăm vùng đất này, Gorkha!


Sau đêm chia tay Kathmandu nồng nàn tình cảm lai láng bia rượu lang man đầu óc… ở Tom & Jerry pub, bpk vẫy chào Thamel thân thương yêu mến đã che chở kẻ bụi bặm bạc bẽo… lon ton đeo balo ra đón minibus, lên đến bến xe chưa đến 6.30, trời cuối thu mờ mờ đùng đục trong sáng sớm, chẳng biết do mây hay khói hay sương. Chiếc xe rời khỏi bến rất đúng giờ, 7.15am, như ghi trong vé, và rời khỏi Kathmandu mang theo 1 kẻ lang thang tâm trạng trĩu nặng buồn vui mơ hồ lẫn lộn.


Thực ra, đi khỏi thung lũng Kathmandu chỉ có 2 ‘’lối thoát’’, một chính là con đường ngược lại hướng đông bắc đến cửa khẩu Kodari sang Tibet. Con đường thứ 2, từ Kathmandu đi về hướng tây, cũng là quốc lộ chính của Nepal, vinh danh vị quốc vương đầu tiên của Nepal thống nhất, Prithvi Narayan Highway, còn gọi tắt là QL Prithvi. Rời khỏi thung lũng Kathmandu chừng 29km ở hướng Tây, quốc lộ Prithvi lại tách ra 2 nhánh. Vẫn con đường mang tên Prithvi sẽ thẳng tiếp hướng tây bắc để đến miền cao nguyên yên bình Pokhara nổi tiếng, con đường khác xuôi Nam xuống vùng đồng bằng Terai, đến với rừng quốc gia Chitwan,… có tên là Tribhuvan. Cũng theo hướng xuôi nam, nhưng nếu đi 1 đoạn và rẽ ngược về hướng tây nam, con đường sẽ dẫn đến vùng đất Phật Lumbini. Con đường đến Pokhara, cũng chính là con đường đi Gorkha là cung đường bpk chọn.

PB081007.jpg

Dòng Trisuli và những cánh đồng lúa chín muộn trong 1 sáng thu mờ mờ buồn


Rời khỏi Kathmandu, con đường chạy ngoằn ngoèo qua các cánh đồng đồi núi ruộng nương trong sáng mờ sương. Hậu quả bốc đồng của đêm chia tay vui khách mến người làm bpk cứ dật dờ trên xe. Chỉ bắt đầu hơi tỉnh táo khi xe tạm dừng ở 1 lữ quán nhỏ ven đường mà bên kia là con sông Trisuli lúc cuồn cuộn chảy giữa các hẻm núi đá 2 bên bờ, lúc thong dong lê mình nơi những quãng sông cạn... Những cánh đồng lúa vàng sót lại ven bờ sông trong sương mờ buổi sáng lại giống như những vạt cải nào nở muộn cuối mùa. Chạy mải miết trên con đường uốn lượn đua đòi ôm theo con sông cũng ngoằn ngoèo cong queo Trisuli, xe lang thang qua những phố nghèo Nepal buồn ảm đạm khi nắng sớm chưa kịp về trong rừng núi âm u. Mãi đến gần thị trấn Mugling, nơi có 1 con đường khác, gần hơn, đi về miền đất Phật Lumbini, mặt trời mới bắt đầu lười nhác vén mây hé mắt nhìn xuống cõi trần. Nằm giữa 2 thành phố lớn, cách Pokhara 96km, cách Kathmandu 110km, bạn rất dễ nhận biết Mugling trên đường, vì đến đây hầu hết các xe vừa du lịch vừa xe địa phương đều dừng lại để khách nghỉ ngơi trước khi rẽ vào 2 con đường, 2 hướng đi hoàn toàn khác. Mà trong số đó, hướng đến Gorkha là càng khác nữa vì nó hoàn toàn không nằm trong các tour du lịch.


PB081088.jpg


PB081028.jpg

Dãy Annapurna, Hymalaya nhìn từ Gorkha


Đi tiếp QL Prithvi thêm 8km sẽ tới thị tứ nhỏ Abu Khaireni. Tiếp tục đi thẳng, sẽ đến Pokhara, nhưng xe bpk đi lại rẽ phải vào 1 ngã 3 nữa. Con đường đến Gorkha thật sự bắt đầu từ đây. Chiếc xe cũ kỹ cà rịch cà tang lọ mọ bò thêm 24km đường đèo dốc hiểm trở nữa để đến vùng đất hào hùng Gorkha. Đường từ ngã ba rẽ vào và đi Gorkha rất đẹp. Những cánh ruộng bậc thang trải mênh mông lúa chín vàng từng mảng lốm đốm. Trên cao là núi tuyết và trời xanh mây trắng túm tụm lại lười nhác trôi. Có điều xe chạy lạng quạng theo dốc đèo quá, mà bpk ngồi trong nữa nên chẳng chụp hình được. Khởi hành từ bến xe bus Kathmandu lúc 7.15am, đến gần 1pm xe mới bò đến Gorkha, thị trấn miền núi nhỏ đồi dốc khấp khễnh trưa nắng vắng hoe buồn hiu hắt và đầy bụi. Chiếc xe mệt nhọc đã quăng xuống Gorkha 1 kẻ lang thang đang tí tởn vui mừng vì lại tiếp được lang thang, được đặt chân đến những vùng đất mong ước.


PB091097.jpg

Đây, phố nhỏ Gorkha vui mừng đón chào khách lạ

(tbc.)
 
Gorkha, miền đất hào hùng xưa - 2

(cont.)


Gorkha là quê hương của quốc vương Prithvi Narayan Shah, còn được người Newari cho là thần Vishnu tái sinh, là 1 người dũng mãnh và nhiều tham vọng. Đi lên từ miền quê nghèo Gorkha, ngài đã bắt đầu thôn tính từ từ các nước nhỏ cận kề và tấn công và chiếm đóng Kathmandu vào 1768, đội quân của ngài, trong trận chiến chinh phục thành Kitipur tiếp đó, đã xẻo gần 60kg mũi và môi của cư dân thành này (!). Sau đó, vào 1769, ngài đã quy phục vị vua cuối của vương triều Malla ở thành Bhaktapur để gom giang sơn Nepal về thành một quốc gia thống nhất. Thưở đó, ngài còn đem đội quân hùng mạnh của mình đánh chiếm nhiều nơi khác nữa. Lãnh thổ của Nepal ngày đó lấn sang 1 phần Tibet ngày nay, kéo xuống tận vùng Punjab, India bây giờ, trải dài từ vùng Kashmir (vùng đất đang tranh chấp giữa Pakistan-India) đến tận vùng Sikkim, India ngày nay… Quốc vương Nepal hiện tại, cũng là con cháu của Hoàng gia Shah. Sau khi thống nhất Nepal, kinh đô vẫn còn ở Gorkha nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, đã chuyển về Kathmandu. Gorkha chỉ còn là dấu xưa của một thuở hào hùng.



Với 1 lịch sử oanh liệt như vậy, nhưng Gorkha sau bao nhiêu biến đổi dâu bể, lại không được lưu giữ và tôn tạo như Kathmandu, Patan hay Bhaktapur... Cả phố núi nhỏ giờ chỉ còn 1 điểm được nhắc đến trong sách du lịch đó là cung điện xưa Gorkha, còn gọi là Gorkha Durbar. Nơi đây có cả pháo đài xưa, cung điện hoàng gia, ngôi đền Hindu, và các ngôi đền, tượng thờ… có giá trị lịch sử nằm quanh. Nằm trên núi cao Durbar Square cũng là nơi tuyệt vời để ngắm hoàng hôn hồng rực đè lên dãy trên dãy Hymalaya, cụ thể là các đỉnh của cụm Annapurna xa xa hay nhìn nắng chiều dịu dàng ve vuốt thung lũng Trisuli vàng mơ ngày mùa ngay bên dưới. Còn ngắm bình minh à, thử leo 1500 bậc dốc đứng cao ngút ngàn trong chiều nay rồi hãy quyết định là sáng sớm mai có nên lò mò trong bóng đêm còn mờ mịt để lên đó hay không?


PB081017.jpg


PB081013.jpg

Gorkha mến thương đón chào khách quý bằng nguồn nước tinh khiết vàng óng nồng nàn của thiên nhiên tươi đẹp nơi đây! Khách du đến đây cũng nên tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc Nepal thưở trước! Bpk tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo này.


Phố trưa buồn hiu hắt buồn, bé xíu lại dốc đèo quá chừng trời nên bpk cũng chỉ đi quanh quẩn trong phố. Quyết định là sẽ leo Gorkhar Durbar vào buổi chiều chứ bây giờ mà leo thì rất nóng, chỉ đi trong phố cũng đã nóng, sẽ giảm cảm giác hứng thú khi vừa leo dốc vừa lầm bầm (!?). Mà không lý nào giờ này leo lên đó, rồi ngồi chờ mãi đến hoàng hôn. Thôi thì đi tìm thăm các em Gorkha tình thương mến thương vậy. Trưa nắng bỏng rát, nhưng vào bóng râm lại mát lạnh – như Dalat mến thương vậy – nên bpk chui vào bóng râm ngắm nắng vàng chói bên ly Gorkha sóng sánh vàng! “Đời thế mà vui”!!!



PB081018.jpg

Đền đài trong phố - đền thờ thần Mahadev (1 hóa thân của thần Shiva)


PB081021.jpg

Rất lạ khi 2 kiểu đền đài này đứng cạnh nhau, đền Mahadev trắng mái củ hành và đền thờ thần Vishnu 2 mái kiểu Nepal



Quá khứ hào hùng của Gorkha không chỉ đến từ danh tiếng của vị quốc vương Shah. Trên thế giới người ta biết đến Gorkha (Gurkha) nhiều là còn nhờ những chiến binh thiện chiến mang tên Gorkha / Gurkha trong quân đội Anh. Từ những năm tháng chiến đấu chống chọi đối đầu lẫn nhau trong cuộc xâm lăng Nepal của Anh, chính sự thiện chiến, anh dũng của các đối thủ Gorkha đã làm cho các nhà quân sự Anh ấn tượng và ngưỡng mộ. Do vậy, bắt đầu từ khi chiến thắng và nắm quyền ở Nepal, họ đã tuyển dụng những chiến binh này vào quân đội của họ. Và việc này vẫn còn tiếp tục đến tận hôm nay. Trong quân đội Anh, những chiến binh Gorkha hiện đại cũng tiếp nối thể hiện sự kiêu dũng của cha ông qua các chiến trận mà quân đội Anh tham gia ở Afghanistan, Bosnia, Sierra Leone... Ngoài ra, họ còn là những chiến binh oai hùng của Hoàng gia Brunei, quân cảnh Singapore…


Và giờ ở Gorkha, dân chúng cũng luôn tưởng nhớ những chiến binh hào hùng, mỗi ngày, qua những chai Gorkha!!!!!!!! Chân thành tưởng nhớ nhất trong ngày hôm nay là mình!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!


(tbc.)
 
Anh Bpk, em là Chou nè. Cảm ơn anh vì topic này, mà em đã đọc từ trên blog của anh lúc anh vừa đi vừa post trong... cơ cực vì Internet xứ này, đã khiến em quyết tâm đi Nepal 1 chuyến. Ko cảm nhận và sống với nó sâu sắc như anh vì em tranh thủ đi công tác ghé ngang, nhưng nếu ko đọc loạt bài này trước thì em còn hời hợt với nó hơn nữa.

Nepal dễ thương lắm, cảm ơn anh.

PS: Gần đây anh có hay về khu vườn bên kia phà Cát Lái ko?
 
Gorkha, miền đất hào hùng xưa - 3

@ Linh, thật sự là bpk vẫn đang "sống" với Nepal những khi nhìn hình hay gõ lóc cóc để sẻ chia.

@ Miên Nữ, vậy là gặp lại bạn bè. Y!360 đóng cửa là bpk cũng đóng cửa blog luôn. Nếu như Chou nói yêu thêm Nepal, ghé thăm du lịch Nepal... vì bpk thì chắc bpk sẽ kêu chính phủ Nepal trả tiền công bpk đã nhiệt tình quảng cáo cho đất nước này. Nói vậy, chứ bpk rất mong những thông tin của mình có ích với các bạn. Giờ bpk đang ngồi "gỡ gạch" đã đặt từ hồi lang thang. Mà chắc gỡ cả năm cũng chưa hết quá!

Bpk vẫn hay sang sông những chiều cuối tuần, về đó để nhớ Nepal và mơ về nhiều nơi khác nữa!!! Phải chi có bữa nào off ở đó hén?

......................................................................................................

(cont.)


Nồng nàn và quyến rũ, dòng nước thơm mát ngọt lành Gorkha cùng cái trưa cao nguyên luôn là đồng hành tốt của những kẻ nhác lười. Vì cả buổi sáng dài thườn thượt lắc lư trên xe, lại không kịp ăn sáng, chỉ kịp nhai trệu trạo mấy chiếc bánh vòng chen lấn mua vội ở quán sớm bên đường, nên giờ bpk cũng mệt mỏi rã cả người. Nhất là sau khi đeo cái balo lên lên xuống xuống phố dốc, phố nắng tìm nhà nghỉ. Do vậy, sau khi quẳng balo đi lon ton dạo phố, chui ngay vào 1 cái quán khi thấy những em Gorkha vàng óng sắp hàng khoe chân dài, trên chiếc tủ hàng, kê trước cửa, như quyến rũ, như dụ dỗ, như mời mọc khách ghé thăm chơi nhà. Mời thì vào!!!

Quán vắng vì đã qua giờ chiều rồi, mà toàn Gorkha nãy giờ chỉ thấy 2 bạn tóc vàng lẩn quẩn mà thôi, chẳng có nhiều du khách nên 1 mình bpk bao luôn cả 1 quán – sang ghê hén! Món quen thuộc mì xào vẫn là dễ gọi nhất dù ở nơi nào. Quán chỉ còn 1 cố be bé khoảng 18-20 và 1 cậu em trai lăng xăng giúp chị. Cả 2 chị em đều xinh tươi ngoan ngoãn cứ len lén đưa mắt nhìn khách lạ, rồi cười. Đáp lại, bpk cũng khoe răng là cả 2 cúi mặt xuống hoặc chạy mất dép ra sau bếp. Vui ghê! Ngồi mãi, “tưởng nhớ mãi những chiến sĩ oai hùng của Gorkha…” mãi, rồi đâm ra lười, chẳng muốn đi đâu nữa. Vác tấm thân lặc lè, chẳng biết vì dĩa mì hay vì gì gì nữa, về nhà khách lăn đùng ra nằm thở phì phò, đợi chiều về leo lên Gorkha Durbar Square.

Chiều cũng chầm chậm về. Lên đường thôi, non xanh nước biếc đang chờ.


PB081046.jpg

Pháo đài, cung điện, đền đài… đều ở trên cao đó


Đường đến các bậc thang leo lên Durbar Square cũng là đường vào con phố xưa của Gorkha, trưa đến giờ, bpk chỉ lang thang ở phố mới. Lý do là nhìn con dốc đi lên phố xưa bụng liền bảo dạ để chiều! Ngay khi lên dốc bạn sẽ thấy các cụm đền đài thờ thần Mahadev, thần Vishnu… với các kiến trúc khác nhau lạ lạ. Sâu thêm vào phố có Dinh Thự xưa của Thống đốc vùng Gorkha nhưng vì đã “chiều” nên hết giờ vào thăm. Chưa leo núi mà bpk đã bắt đầu lầm bầm. Và con đường dốc đứng kia rồi, bắt đầu chinh chiến thôi. Sổ sách ghi lại rằng có cả thảy 1.500 bậc thang. Các bậc thang ở đây chiều cao dao động từ 20cm đến 60cm. Sao chẳng có em nào mặc mini-jupe leo núi trước mình vậy ta. Thôi kệ, cứ đi biết đâu ăn ở phước đức lại gặp may!!!

PB081032.jpg

Một ngôi đền nhỏ vàng rực trong nắng chiều


Vất vả leo hơn 1.500 bậc cấp dốc đứng, người ngợm mồ hôi mồ kê như suối đầm đìa dù đã trời chiều mát mẻ. Vừa đi vừa nghỉ đến mấy bận, vừa thầm nghĩ "Chắc ngày xưa ông vua này được cáng lên đỉnh hoặc cỡi ngựa đi đường khác chứ mỗi ngày đi bộ leo dốc kiểu này lên đến nơi hết hơi còn làm ăn gì nữa?!" Rất dốc và rất mệt, nhưng lên đến nơi thì hơi buồn tý xíu. Cung điện chính đóng cửa không cho vào, các đền đài xung quanh chỉ mở cửa 2 ngôi đền bé xíu. Còn lại đóng cửa hết. Mà các đền đài ở đây cũng nhỏ, không "hoành tráng" như ở Kathmandu. Với lại, mọi thứ có vẻ "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", (theo mình thấy) không hoành tráng như công lao và chiến tích của vị quốc vương vang dội này.

PB081036.jpg


PB081038.jpg


PB081033.jpg

Các hoa văn chạm khắc tinh xảo của các ngôi đền, cung điện


Không có niềm vui này ta tìm niềm vui khác! Thế là bpk bắt đầu ngắm nghía tứ phương bốn bề và bắt đầu đi lòng vòng. Đền chiều tương đối vắng vẻ, chỉ có ít cư dân địa phương, leo lên trước bpk 1 tý, cúng bái xong cũng đã về. Mà khu vực Durbar Square này tương đối lạ với việc bạn phải cởi thắt lưng và cả giày ra nếu 2 thứ đó làm bằng da (hoặc giả da (!)). Có người giữ giúp cho bạn ngay trước cổng vào. Theo LP thì không cho chụp hình thế nhưng lúc bpk làm bé ngoan đưa máy ra nộp thì anh gác cổng từ chối nói rằng mình cứ chụp thoải mái. Thế là hạnh phúc rồi.

PB081043.jpg

Đền đài trong những ngày thu xanh Nepal. Chỉ ở Tibet & Nepal (mấy chỗ khác chưa đi chưa biết (!)) mới thấy trăng giữa ban ngày.


Tòa nhà được gọi là “Cung điện Hoàng gia” nơi quốc vương Shah được sinh ra nhỏ nhưng kiến trúc gỗ rất tinh xảo. Không biết nó có được trùng tu hay không vì các kiến trúc từ TK XVIII này rất đẹp và còn được giữ gìn tương đối tốt. Các hoa văn, phù điêu, chạm trổ và cả tượng gỗ của các chú chim công, các đóa sen đều trong rất sắc xảo dù màu thời gian đã phủ nhiều lớp bụi trần. Từ cung điện, nhìn về hướng Tây là dãy Hymalaya với ngọn Annapurna xa xa, nổi tiếng với các cung đường trekking từ Pokhara, bắt đầu hồng rực dưới nắng chiều. Nhìn về hướng tây là thung lũng Trisuli ôm ấp con sông cùng tên xanh lên màu dịu dàng của những cánh đồng hoa màu, đang đón chờ chút nắng cuối ngày vụng về len lách qua dãy Hymalaya thả những hạt nắng cuối cùng, gửi chút hơi ấm cho 1 đêm lạnh cao nguyên sắp về.


(tbc.)
 
Đi đứt gần một ngày để đọc một mạch hết 8 trang của bác bpk!
Hình bác chụp rất đẹp, nhiều tấm rất "tầm", ngắm hoài không chán.
Đôi mắt bác chiêm ngưỡng Nepal mới thật thú vị, giống như đôi mắt của trẻ thơ, trong suốt, hồn nhiên và cũng rất sâu lắng.
Em ấn tượng lắm với bài của bác. Đọc chậm và ngắm nhìn từng chi tiết nhỏ những tấm hình về Nepal của bác, em thấy thật giống như một giấc mơ!...!
Cảm ơn bác bpk rất nhiều!
 
Hi anh, từ khi blog bị đóng không biết anh sẽ viết tiếp bài ở đâu; lang thang vào đây, thấy cái nick quen quen, rồi đọc bài thấy cách viết và hình chụp....mấy chai bia :) thì biết ngay là anh; nhớ hồi anh đi chuyến này, ngày nào đi làm về cũng vô blog anh; 1 là để xem bài mới, 2 là biết anh vẫn còn tiếp tục hành trình để cập nhật cho giang hồ ở nhà :). Viết tiếp đi anh, tfs.
 
Gorkha, miền đất hào hùng xưa - 4

@ tiennguyen, cám ơn bạn đã động viên!

@ congatau, đi đâu lang thang, rảnh rỗi vô đây "ném đá" cho vui hén! Chờ anh "gỡ gạch" từ từ nghen, dạo này lu xu bu quá! "Thương hiệu" của anh là mấy chai bia đó, bây giờ là cứ thấy chỗ nào mà có chụp hình mấy chai bia là biết hén.
......................................................................................


(cont.)


PB081084.jpg

Đền “Kamasutra” – văn hóa Ấn hay văn hóa Hindu?

Quanh cung điện còn có các ngôi đền khác, có giá trị lịch sử như ngôi đền của vị học giả đã tiên đoán tương lai xuất chúng của quốc vương Prithivi Narayan, những ngôi đền khác (không biết tên mà cũng không biết hỏi ai) giờ vàng rực trong nắng chiều. Có cả ngôi đền tạm gọi là đền Kamasutra vì rất nhiều các chạm khắc thể hiện các hoạt động “vui tươi” ấy trên các thanh rường, giằng… Điều buồn cười là các nghệ nhân không chỉ chạm khắc tranh ảnh con người mà cả gia súc nữa! Vui ghê hén!

PB081059.jpg

Mặt trời đã bắt đầu xuống bên kia dãy Hymalaya


PB081060.jpg

Thung lũng xa xa lưu luyến nắng chiều


PB081062.jpg


PB081056.jpg

Đền chiều rực trong nắng vàng

Sau khi lòng vòng đã đời đã điếu, bpk trụ lại trên 1 hòn đá lớn, hướng trực chỉ Hymalaya, cũng là mặt trời ngắm hoàng hôn từ từ buông, nhìn dãy núi xa xa chuyển từ bạc trắng kiêu hãnh đến hồng dịu dàng, đến đỏ kiêu hãnh và trở về ánh kim huyền ảo khi nắng đã tắt hẳn để đêm sang. Lại lò dò xuống núi. Thực sự là phải rị mọ lò dò đi vì đi xuống dễ trượt té mà các bậc cấp bằng đá sứt chỗ này mẻ chỗ kia hụt chỗ nọ… nên phải đi từ từ vì không muốn tuột nhanh xuống!


PB081093.jpg

Hoàng hôn đã buông xuống hẳn


PB081053.jpg

Sương đã bay mờ mờ trên thung lũng khi nắng còn luyến lưu… - “thôi về đi, đường trần đâu có gì…!”

Xuống vừa đến nơi, trời tối thui và phố chẳng lên đèn mà lên nến vì cúp điện!!! Được 1 lúc thị trấn nhỏ sáng rực trong ánh trăng nhưng buồn vô cùng vì chẳng có gì để ngắm. Nhà nhà đóng cửa tắt đèn ngủ sớm. Chẳng có hàng quán nào ngoài trời để bpk ngồi lê lết dưới trăng cả. Chỉ mong có 1 cái quán xập xệ để ngồi cũng không có. Đi lang thang một hồi dưới trăng, mỏi chân và bụi mù, quay về nhà khách, leo lên sân thượng ngồi tiếp. Cõng theo mấy em Tuborg lên sân trăng nghe KL đong đưa “con trăng đang nằm ngủ” dù trăng đang vằng vặc phố núi.


"Thế thôi đã hết một ngày"!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,667
Bài viết
1,171,076
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top