What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 3

(cont.)


Ngày trước, Panauti có thời cũng đã nằm trên trục giao thương của Nepal và có cả 1 cung điện hoàng gia ở đây. Nhưng ngày nay, may mắn thay (!), khi trục giao thương chuyển đến con lộ Arniko chỉ chạy qua Banepa nên nơi đây đã giữ lại nguyên vẻ đẹp của phố cổ. Pháp cũng đã tài trợ chính quyền địa phương phục chế lại những ngôi đền trong phố, được cho là những ngôi đền cổ xưa nhất Nepal.

Tiếc là hôm bpk đến, ngôi đền chính của phố, Indreshwar Mahadev Temple, đóng cửa để trùng tu nên bpk chỉ đứng nhìn từ xa. Nghe nói, ngôi đền này xây dựng từ năm 1294 và xây lại 1 lần vào thế kỷ XV. Nếu nói về đền đài, ngôi đền này được xem là cổ nhất Nepal. Ở Kathmandu Durbar Square còn có 1 ngôi đền cổ hơn, Kashthamandap, nhưng đây trước là nhà nghỉ của khách hành hương, sau đó mới chuyển thành ngôi đền. Tuy không vào được bên trong nhưng nhìn từ xa, cũng thấy được vẻ bề thế của ngôi đền, qua những mái to lớn hùng dũng vươn trên trời xanh của ngôi đền.

PB060987.jpg

Ngôi đền Indreshwar Mahadev sừng sững trong nắng gió

PB060943.jpg

…. Nhưng hôm nay đóng cửa mất tiêu rồi.


Không viếng được đền này, ta đi đền khác. Lang thang vào phố, nhưng sao giống làng quê hơn, bpk lần mò trong các con hẻm, cứ đi theo hướng các đỉnh cao cao của các ngôi đên, nơi nào gặp ngõ cụt lại quay ra. Đi một hồi lại ra đến cụm các ngôi đền thờ thần Krishna, Krishna Narayan Temple nằm bên bờ sông. Sông cũng đẹp, mà đền cũng đẹp. Nghe nói những phù điêu gỗ của cụm đền này có cùng niên đại với đền Indreshwar Mahadev. Bờ sông ở đây, bằng đá, có chạm khắc cũng rất thú vị. Chỉ tiếc là những cơn lũ mạnh vào cuối những năm 80 đã tàn phá bờ sông này, cũng như cuốn trôi các ghat bên bờ sông.

PB060944.jpg

…bên kia cánh cổng là cụm đền đài Krishna Narayan

PB060945.jpg

Đền chính trong cụm đền đài Krishna Narayan


PB060964.jpg

Sang sông nhìn lại thì lại thấy cụm đền đài Krishna Narayan đẹp hơn rất nhiều với liễu rũ lả lơi


Bên kia sông còn có ngôi đền thờ nữ thần Brahmayani, được xây dựng từ TK XVII đứng soi bóng bên dòng Pungamati đẹp nên thơ trong cảnh trưa yên bình và càng mơ màng hơn khi chiều buông lơi lả trên sông. Nữ thần Brahmayani được xem là vị thần đứng đầu các vị thần bảo trợ cho phố xưa này và hình ảnh của người sẽ được trưng bày, tô vẽ khắp làng hàng năm khi lễ hội, mà không phải thời điểm này, đâu vào khoảng tháng 9 (!).


PB060955.jpg

Yêu kiều đền Brahmayani soi bóng ven sông


PB060970.jpg

Điêu khắc bên bờ sông – có giống Kbal Spean, dòng sông ngàn linga ở Siemriep?


Hết đền đài, đến phố phường. Panauti không chỉ đẹp nhờ những ngôi đền kể trên mà còn rất nhiều ngôi đền vô danh (đối với người không biết tiếng Nepal (!)) khác trong phố. Những ngôi đền cổ cứ đan xen với những ngôi nhà cũng xưa cũ, những tượng thờ, phù điêu… trên phố, trên những con đường lát gạch chạy miên man giữa 2 con sông. 2 con sông tuy mùa này nước cạn nhưng cũng tô điểm thêm nét duyên duyên cho phố. Có những khúc sông trồng dày mai anh đào, lại nở rộ ngay mùa này làm sông thêm mơ màng. Có những bến sông trồng cải, cũng đang nở hoa vàng rực, có thêm chú sóc ngẩn ngơ nhìn khách lạ làm khách cứ tưởng mình đi lạc đâu đây. Bên những đền đài cũ, những chú chim rất dạn dĩ với người, có chú chim gì đó, cổ nâu, thân nửa đỏ, nửa đen, mào lại trắng cứ tròn xoe mắt nhìn khách lạ rồi cứ tung tăng nhảy nhót vô cùng đáng yêu. Phố nằm giữa một sườn đồi xanh ngắt và 2 con sông. Qua bờ sông bên này là những cánh đồng rau xanh mướt mát khép nép bên những cánh đồng lúa ngày mùa vàng rực, chạy tít tắp đến nơi chân trời. Đồng lúa đã vàng, lại như được đổ thêm vàng trong cái nắng hoàng hôn cũng vàng rực rỡ.


(tbc.)
 
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 4

(cont.)


PB060956.jpg

Chiều về trên sông

Chiều trên phố cổ, mình còn gặp những em bé dễ thương vừa đi học về, luôn vui vẻ với khách lạ và sẵn lòng đứng duyên dáng làm mẫu. Đó đây những người dân làng dễ mến hiền hòa chung tay làm lụng giúp đỡ nhau trên phố, những cụ già hong nắng bên sân… Trời chiều, chim về ríu rít trên những cây mai anh đào, dưới sông, những đàn vịt tí tởn chổng mông lặn hụp giữa sông rồi tám lên "cạp cạp" với nhau quá chừng trời….

PB060974.jpg

Em gái Nepal xinh tươi ngoan ngoãn vừa tan trường

PB060949.jpg

Chim lạ hồn nhiên trong làng


Ở phố cổ, những con đường gạch đỏ chạy giữa những ngôi nhà tường gạch đỏ hoặc vôi trắng với những điêu khắc… rực lên trong nắng chiều xiên xiên lọt vào, rất đẹp. Chỉ vài bước ra ngoài phố, hoàng hôn bên cánh đồng vẫn còn vàng thơm lúa chín, bên dòng sông róc rách trôi bên dưới, bên những cây mai anh đào hồng rực lên trong nắng chiều, trên cao chim về ríu rít... làm mình đứng lặng trên cầu, bên sông, bên đồng… không muốn rời.

PB060983.jpg

Chiều về, chim về chao chác trên những cành khô hoa đầy

PB060988.jpg

Chiều xanh trên cánh đồng xanh

PB060994.jpg

… và hoàng hôn vàng mơ màng ở Panauti.


Nhưng rồi cũng phải về, sau khi đã đi hết mấy vòng phố cổ, đã lê lết hết nơi này nơi khác và mọi người trong phố bắt đầu ngạc nhiên nhìn cái thằng người nãy giờ đi mấy vòng quanh thôn xóm, mắt cứ láo liên dòm ngó rồi tí ta tí toét cười đùa với đám con nít…!? Về thôi, vả lại cũng đến giờ chuyến xe cuối cùng rời Panauti rồi.

Chia tay phố đền đài Panauti, chia tay 1 vùng quê trong sáng, yên bình… trong một chiều thu vàng tuyệt đẹp, để lại nhảy lên xe về phố thị. Không được ngồi mui xe như lúc trưa nữa nhưng hình như hồn mình vẫn còn như đang ở trên mui! Say…!!!
 
Cám ơn bạn bpk đã dành nhiều thời gian chia sẽ về lịch sữ & vănhóa và phong cãnh cũa quốc gia Nepal, bạn thật đúng là 1
backpacker chính hiệu , cheer bạn 1 ly nhé . (beer)
 
Kathmandu - “ta chia tay, ta chia trời xé biển…”! - 1

@ Petedy, cám ơn bạn!
........................................................................................................


Đoạn viết về Kathmandu này là đoạn khó nhất đối với bpk trong khi lóc cóc gõ để chia sẻ với các bạn về những tháng ngày lang thang Nepal. Chỉ trừ những khách du lịch hành hương 4 vùng đất Phật chỉ ghé thăm Lumbini từ Ấn Độ, hầu hết khách đi du lịch Nepal hay Tibet đều ghé thăm thành phố du lịch nổi tiếng này. Do vậy, múa rìu sao để qua được mắt của các “thợ” chuyên nghiệp quả là một điều không dễ. Thôi thì cứ bịt mắt lại, xem như múa kiếm vườn hoang, để chia sẻ cùng các bạn chưa đến đây vậy. Hy vọng, sau trận này, “vườn hoang” sẽ có đủ đá để xây thành “vườn Nhật Bản”!!! Lúc đó, lại mời bạn đến thăm chơi!!!

(Sub-topic này lấy khá nhiều tư liệu từ L.P.)​



Nhớ thuở tập tễnh mới đi làm, gặp 1 chị làm chức cũng to to, tiền cũng nhiều nhiều trong công ty, cũng rất thích đi du lịch. Cái thời xa xưa đó mà nghe chị kể phong phanh về kế hoạch đi Ấn Độ - Nepal của chị, bpk cứ mắt tròn mắt dẹt mồm há hốc lắng nghe rồi lảng ra xa xa. Lòng tự nhủ rằng, mơ ước cũng có chừng mực, mơ cao quá té đau, có khi lọi giò, gãy cẳng không biết chừng (!). Rồi thời gian qua, quá nhiều những thay đổi trong cuộc sống và cuộc đời làm đứa nhút nhát ngày xưa giờ cũng bon chen đua đòi lang thang đây đó với thiên hạ. Ngày ấy, nghe chị nói sẽ đi theo những người hành hương sang Ấn Độ, rồi Nepal… ra nhà sách mua sách đọc mới biết thủ đô của cái nước đó nó tên là Kathmandu. Biết là biết vậy thôi chứ chẳng nghĩ rằng có 1 ngày kia xa xôi lắm mình lại được sống ở đó những ngày lang thang nhàn nhã biếng lười… Sau những chuyến đi xa, trở về quê nhà cày cấy… trong những lúc cuồng chân cuồng cẳng mơ về nơi xa, mới thấy quý vô cùng những ngày mình bị “mắc kẹt” tại Kathmandu. Và trong nỗi nhớ quắt quay lòng luôn có niềm mong ước một mai được về lại nơi này…


Rất ngược đời, thành phố Kathmandu lại là nơi cuối cùng bpk chia sẻ cùng các bạn trước khi rời thung lũng Kathmandu đến những vùng đất khác của Nepal, dù đây là nơi bpk đặt chân đến đầu tiên và hầu như sống trọn hơn 2 tuần ở đó.


Lấy tên từ ngôi đền cổ Kasthamandap, theo sử sách, Kathmandu được cho là đã có lịch sử từ thế kỷ VII, trước Công Nguyên, 2 thế kỷ trước khi Đức Phật đản sinh tại Lumbini, dù trên giấy tờ chính thức thành phố này ra đời vào thế kỷ XII Công Nguyên, dưới thời vương triều Malla. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố này cũng gắn liền với lịch sử phát triển của người dân Newari, cư dân bản địa nơi đây, cho dù dân tộc này chỉ chiếm 6% dân số Nepal. Những khu dân cư ngày xưa bắt đầu được xây dựng quanh trục đường giao thương với Tibet và quanh những nhà nghỉ cho người hành hương. Kasthamandap cũng đã từng là nhà nghỉ dành cho người hành hương trước khi chuyển thành ngôi đền cùng tên. Và từ những ngôi nhà cho thương nhân, khách hành hương đó, thành phố hình thành và phát triển.


PA260548-1.jpg


PA260539.jpg

Hình ảnh yên bình đặc trưng ở Kathmandu Durbar Square


Tên cũ là Kantipur, thành phố bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào thời các vị vua Malla, từ TK XII đến năm 1768. Rất nhiều đền đài, tu viện, tượng đài,… đều được xây dựng trong thời gian này. Khởi đầu, Kathmandu là 1 thành phố độc lập trong thung lũng cùng tên, nhưng đến TK XIV, cả thung lũng đã được thống nhất bởi vua Malla của Bhaktapur, để rồi sau đó, vào thế kỷ XV, thung lũng lại được chia thành 3 vương quốc Malla nhỏ, độc lập với nhau, Kathmandu, Patan, Bhaktapur. Sự kình địch giữa 3 quốc gia nhỏ này đã dẫn đến những cuộc chiến tranh liên miên trong thung lũng làm chúng ngày càng yếu đi và sụp đổ hoàn toàn vào năm 1768 trước đoàn quân hùng mạnh của quốc vương Prithvi Narayan Shah, đến từ miền đất hào hùng Gorkha. Quốc vương Shah đã thống nhất các vương triều nhỏ lại với nhau thành Nepal ngày nay và đã chuyển thủ đô từ Gorkha về Kathmandu. Thủ đô chính thức của Nepal ra đời từ đây.


PA280018.jpg

Một hoàng hôn rực rỡ ở Kathmandu Durbar Square


Nói đến Kathmandu, đối với dân du lịch, cả bụi lẫn sang, là nói đến khu Thamel, trung tâm của khu phố cổ của Kathmandu. Từ Thamel, cứ xuôi nam, bạn sẽ đến 2 trung tâm văn hóa lịch sử của Nepal là quảng trường Durbar & quảng trường Hanuman – cũng chính là cung điện Hoàng gia cũ, trước khi đã dời đến cung điện mới hiện nay, nằm ở Đông Bắc khu Thamel. Trong 2 quảng trường trên, Durbar Square đã nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới, còn Hanuman Square thì chưa. Thăm viếng trong quảng trường Hanuman phải có giờ giấc và không được chụp hình nên các bạn sẽ ít nghe nói về quảng trường này.


Ngoài 2 quảng trường, cũng là điểm nhấn chính của khu Central Kathmandu, còn rất nhiều đền đài với các kiến trúc khác nhau, từ Phật giáo đến Hindu… nằm rải rác trong thành phố, chưa kể đến các di sản văn hóa thế giới cũng chỉ nằm cách Thamel từ 4km như chùa Khỉ Swayambhunath, 6km như Patan Durbar Square…


PA250481.jpg

Chùa Khỉ Swayambhunath nhìn từ roof-top café ở Kathmandu Durbar Square, cách khoảng 4km

PA260588-1.jpg

Phố lúc nào cũng đông, nhưng vui


(cont.)
 
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 2

(cont.)


Ở Kathmandu, lúc nào cũng đông đúc, trừ những buổi sáng sớm ngày Tết năm mới. Ở đây mà làm quảng cáo chắc phải rất chú ý đến mảng ngoài trời vì thiên hạ hình như chỉ thích ở ngoài đường – giống mình quá! Phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là các xe gắn máy dạng 2 thì cao nhổng, có tay côn. Ở VN quen xài xe số, xe ga thấp thấp… thì qua đây rất khó đi – không chỉ vì xe đã cao mà vì đường quá đông, phải chen chúc nên phải đi rất chậm, mà điều khiển tay côn không quen đi chậm là rất dễ bị tắt máy. Chỉ có các xe gắn máy là đời mới – dù phần lớn từ người láng giềng Trung Quốc, còn xe hơi, xe bus đều cũ kỹ - một phần do bpk toàn đi xe địa phương, không đi xe công ty du lịch… nên rất ít thấy xe mới. Phương tiện công cộng có xe bus to 24 chỗ (nhưng nhét được 60 người, trong, ngoài và trên) và xe bus nhỏ 12 (nhưng nhét đến 20 chỗ). Những ngày ở Kathmandu và cả Nepal, bpk chỉ đi bằng 2 phương tiện này, sau đó là có xe jeep và xe ngựa ở Chitwan, ngoài ra, chủ yếu là “cặp giò” của mình. Phương tiện giao thông công cộng của Kathmandu tuy chật chội nhưng chưa thấy (và chưa bị!) móc túi cướp giật, nhất là chuyện chặt chém giá cả đối với khách lạ nước lạ cái (cũng có, nhưng rất ít và cũng vui vẻ trả lại tiền khi khách đòi chứ không như ở… (bạn tự điền vào nhé)). Do vậy, các bạn đi du lịch Kathmandu nên tìm hiểu bản đồ kỹ càng, để chọn cách đi lại bằng xe bus sẽ rất rẻ. Bpk đi trung bình khoảng 10-20Rp cho 1 tuyến khoảng 5 – 40km, 78Rp # 1$US. Người dân Nepal rất nhiệt tình với khách nên có gì không biết bạn cứ hỏi, họ sẽ tận tình hướng dẫn. Cứ chọn mấy anh chàng áo quần sáng láng mà hỏi vì họ đều nói tiếng Anh rất tốt.


Kathmandu còn là trung tâm ẩm thực với rất nhiều nhà hàng với thực đơn của các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới – nhưng bpk chưa thấy NH Việt Nam, không biết có bạn nào thấy không. Mọi người đến Nepal thường chọn thực đơn Newari, bpk rất thích vì nó thường đi kèm 1 ly rakshi, 1 loại rượu địa phương, nho nhỏ (!?). Do đi một mình nên việc ăn uống với bpk cũng tương đối đơn giản, nhiều lúc cứ chen vào các quán địa phương và dùng Nhất Dương Chỉ để gọi món, khỏi thèm đọc thực đơn luôn.


PB010080.jpg

Món đơn giản, quen thuộc của bpk ở Kathmandu


Về thức uống, Bpk đặc biệt thích sự đa dạng của các loại nước uống có cồn ở Nepal. Rất nhiều loại bia, mà loại nào uống cũng ngon chứ không như ở Saigon, ngoài Ken ra giờ chẳng dám uống bia gì khác. Nào là Everest, Nepal Ice, Star… của Nepal đến San Miguel, Tuborg, Oranjeboom... của tư bản nước ngoài. Sau này, khi rời Kathmandu đến các vùng khác, bpk còn có dịp khám phá thêm các loại bia địa phương khác, cũng tuyệt không kém. Ở đây chỉ có bia chai loại 640ml, giá TB 120-130Rp (# 25.000 VND) nếu mua ở các tủ lạnh của quầy tạp hóa, còn trong NH, bar… khoảng 180-300Rp tùy nơi. Nói chung là “thoáng” hơn ở quê nhà. Do đó, bạn cứ chơi xả láng, khỏi mắc công “si ngĩ” như lúc ở Sing hay Malaysia!


PA250476-1.jpg

Ngoài vạn thọ, loài hoa tím ngắt này cũng được người dân Nepal ưa thích.


Các nhà nghỉ ở Kathmandu tương đối rẻ. Nếu bạn kiếm được các dorm còn chỗ trống thì giá chỉ khoảng 100Rp/giường. Còn các nhà nghỉ, khách sạn tư nhân trong các hẻm ở khu Thamel cũng chỉ 200-400Rp/phòng, 2 giường. Còn các khách sạn lớn hơn, có ban công, vườn hoa… cũng chỉ 6-10 $US phòng 2 giường.


PA250452.jpg


PA250451.jpg

Chợ quê giữa phố thị


(tbc.)
 
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 3

(cont.)

Ở Kathmandu có rất nhiều công ty du lịch sẵn sàng chuẩn bị cho bạn các chuyến đi thượng vàng hạ cám đến Pokhara, Chitwan, Lumbini, Bhutan, India… và ấn tượng nhất là chuyến bay quanh ngọn Everest với giá đâu khoảng 160$US. Bpk thì nghĩ là sẽ chinh phục đỉnh núi đó bằng đường bộ (!!!???) nên nhất quyết không bay vòng vòng cho nó hèn!!! Sorry, cưa bom một tý cho vui đời. Về nhà đọc cuốn Tan biến (cùng tác giả cuốn Into the Wild), bpk mới thấy ước mơ Everest của mình nó cùn thế nào. Bạn nào ngại đi lại bằng xe địa phương, phải lò dò kiếm đường, tìm khách sạn mệt mỏi, có thể book các tour này, giá cả cũng rất mềm. Mấy lúc rảnh rỗi, bpk cũng có vào đó kiểm tra thông tin và tám, cho dzui.

PA260562.jpg

Nụ cười Nepal, luôn thường trực ở người dân Nepal

PA260526.jpg

Học trò xứ nghèo nhất nhì thế giới mà tươm tất hén.



Kathmandu cũng là nơi bạn kiếm bạn đồng hành để đi trekking. Bạn cứ đến các nhà nghỉ “danh tiếng” trong LP, đính 1 cái stick-note lên bảng thông tin hoặc dò kiếm các thông có sẵn ai đó lưu lại về nhu cầu các chuyến đi của họ. Nếu thấy OK thì bạn lưu thông tin, email, số ĐT, số phòng… lại. Sau đó off-line để bàn chuyện lên đường. Bpk có quen thằng ku SV Thụy Điển, nó cũng kiếm bạn như vậy và cả đám tụi nó lên đường trekking đến Pokhara trong 2 tuần. Phí HDV là 7US$/1HDV/nhóm/ngày, cứ thế mà chia ra trả. Gì chứ đi trekking 2 tuần thì “em chã” nên chia tay với bạn trong 1 đêm bét nhè để “tiễn bạn lên đường”.

PA250468.jpg

Durbar Square và Hanuman Square nhìn từ đền Maju Deval

PA250462.jpg

Các đền đài khác trong Durbar square



Kathmandu còn là thiên đường mua sắm. Tất cả những món gì bạn mua ở Tibet hầu như đều được tìm thấy ở đây với giá chỉ khoảng 1/3. Và tệ nạn nói thách ở đây cũng khủng khiếp, có món đồ bpk đã trả được giá 200Rp nhưng làm bộ chảnh bỏ đi, đến chỗ khác hỏi, nó hét giá 2.000Rp. Nó tưởng mình là người Nhật chắc!? Ở đây, đặc sản là các sản phẩm từ len, tơ lụa Kashmir (nghe nói đã dời xưởng sang TQ), các tấm thảm Tibet nổi tiếng (nghe nói mới mở xưởng ở Quảng Châu, thuê công nhân Duy Ngô Nhĩ làm cho nó đa sắc tộc), các bức thangka, các tượng đồng, tượng gỗ, tượng sắt, hàng hóa thổ cẩm, mũ len, nón len, vớ len… và đặc biệt là rất nhiều các loại balo túi xách và vật dụng chuyên dùng của dân trekking. Hàng tốt, giá cả phải chăng nên có bạn của bpk khi từ đây về làm mấy cái balo hàng to đùng. Bạn nào thích sốp-pinh sang đây thì cứ tha hồ mà sốp…


PA260515.jpg

Ai mua gốm không? Gốm đây!!!

Vậy là hết phần thông tin tư liệu nhé. Bây giờ đến phần ăn chơi đây!

Đặt chân đến Thamel, Kathmandu vào một đêm mùa thu lạnh dịu, bpk đã dành mấy ngày ngơi nghỉ tại đây để dưỡng sức sau những ngày vui nhưng mệt ở Tibet, Everest Base Camp… Những ngày thong thả nhàn nhã sáng café ngắm nắng lên trên phố, trưa lang thang nhìn nắng trưa ấu yếm sưởi ấm đền đài phố phường, chiều tà tà bia bọt ngắm mặt trời rơi chầm chậm bên kia trời, rồi lại chờ 1 sáng mai tiếp... ngày lại qua ngày… Có điều, đi chơi một mình là phải tập thể dục cái cần cổ trước, phải lắc đầu trước bao nhiêu là chào mời “gái, sir”, “thuốc, sir”,… Có ku kia, mỗi ngày lang thang gặp ku ít nhất cũng 8-10 lần mà lần nào nó cũng hỏi nguyên cái câu đó. Mà nó cũng vui vẻ nên mình cũng không cằn nhằn được!!!

PA290241-1.jpg


PA290245-1.jpg

Có 1 hôm đi coi cọp miễn phí nghệ thuật ca kịch Nepal, chẳng hiểu gì cả nên ngồi 1 lúc rồi dzọt


(tbc.)
 
Hix hix bây giờ mọi người đi du lịch nước ngoài thường xuyên mà em vẫn "mắt tròn mắt dẹt há hốc mồm lắng nghe" đây, trong lòng không khỏi thèm muốn cuộc sống lang thang như thế, em đi làm mấy năm rồi mà vẫn chẳng biết làm thế nào để có tiền có thời gian được đi đây đi đó. Càng đọc về Nepal em càng ước ao một lần được đến đây và nhất định dù ko có điều kiện sang các nước khác thì vẫn quyết tâm sẽ sang Nepal một lần, dù chưa đến bao giờ, chỉ nhìn và đọc qua những hồi ký chia sẻ hình ảnh thông tin về đất nước nhỏ bé này của các anh chị như bpk nhưng vẫn thấy yêu lắm Nepal, đơn giản chỉ vì yêu, và bởi vì ở đó có 1 người... và... là quê hương của 1 người rất quan trọng với em :">
Cảm ơn bpk rất rất nhiều!!! Bài viết thật hay và cũng... thật dài :D
 
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 4

@ Hara, chúc ước mơ của bạn sẽ sớm thành hiện thực, bạn sẽ sớm đến được "vùng đất yêu thương" của bạn nhé.

.....................................................................................................



(cont.)

Đường phố Kathmandu đã đông, còn bị chen lấn bởi các chú bò to lớn ung dung đi trên phố. Cũng may là các chú ấy chỉ lảng vảng phần ngoài khu Thamel thôi chứ ít vào trong khu này. Chắc sợ mấy ku khoai Tây say xỉn nó xúc phạm đến linh vật nên khi các chú định đi lon ton vào đây sẽ bị người dân xua đi nơi khác!!! Đường phố trong khu phố cổ không có phân định rõ ràng, cả người, xe máy, xe hơi… đều sử dụng chung đường. Kẹt xe lâu lâu cũng có những chẳng có cảnh còi bấm inh ỏi chen nhau chửi nhau như ở… (bạn tự điền vào nhé). Ngoài một số nhỏ dân chúng làm nghề buôn bán bị thương mại hóa, người dân Nepal rất lành tính. Nếu bạn chịu khó la cà, họ sẽ thố lộ cho bạn biết nhiều điều mà trong sách du lịch không đề cập đến.

PA280741.jpg


PA290239.jpg

Nghệ thuật đường phố Kathmandu

Lan man nãy giờ, chưa giới thiệu với bạn trái tim của Kathmandu, quảng trường Durbar. Đây là nơi đăng quang của nhiều vị vua của Nepal. Quảng trường này nằm ngay trước Hanuman Square, cũng là cung điện hoàng gia cũ của Nepal. Cung điện mới đã dời đến Narayanhiti, hướng Đông Bắc khu Thamel, gần 1 thế kỷ trước. Mặc dù, các ngôi đền ở đây có lịch sử từ thế kỷ XVII – XVIII (và 1 số khác còn xưa hơn nữa), phần lớn chúng đã được xây dựng lại sau trận động đất lớn năm 1934. Một trong những thú vui khi viếng quảng trường này, ngoài việc chiêm bái các ngôi đền xưa cũ là leo lên ngôi đền thờ thần Shiva, có tên là đền Maju Deval ngắm thời gian trôi trên phố cũng đang trôi. Bpk cực kỳ yêu thích và triệt để áp dụng khuyến cáo này, và hình như có phần hơi quá liều!!!

PA260555.jpg

Đền Maju Deval nhìn từ góc Cung điện của Nữ Thánh Kumari

À, nếu bạn muốn lang thang ở Durbar Square trong nhiều ngày, thì sau lần mua vé đầu tiên, bạn hỏi đường đến văn phòng du lịch (nằm gần bên cung điện của nữ thánh Kumari), cầm theo pass-port và 1 tấm hình 3x4 để làm thẻ ra vào, bao lâu tùy bạn. Nếu bạn không làm thẻ này thì mỗi lần ra vào phải mua vé, 200Rp.


Nói đến Durbar Square, Kathmandu không thể không nhắc đến ngôi đền Kasthamandap, nơi xuất xứ của cái tên Kathmandu. Người dân Nepal cho rằng, toàn bộ ngôi đền gỗ 3 tầng này được làm bằng gỗ của chỉ mỗi một cây thiết mộc, vào thế kỷ XII. Trước tiên, nơi đây được dùng làm nhà nghỉ ngơi cho khách hành hương, sau đó mới được chuyển thành ngôi đền thờ vị tu sĩ linh thiêng Gorakha, vào 1 thế kỷ sau đó. Thực ra, theo bpk thì thấy ngôi đền này không đẹp lắm, chỉ được cái cổ xưa. Nếu không biết đến, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua bởi nhiều đền đài tinh xảo kế bên.

PA250477.jpg

Đền xưa nhất Nepal, Kasthamandap, cũng không nổi bật như mình nghĩ hén.


PA260534-1.jpg


PA260535.jpg

Kathmandu Durbar Square dưới các góc nhìn – đền đài rực rỡ dưới trời xanh ngăn ngắt


Nói đến Durbar Square, cũng không thể không nhắc (lại) đến đền Maju Deval, ngôi đền được xây dựng trên 9 bực cấp cao cao, nơi tụ tập gặp gỡ hẹn hò đốt thời gian… của cả khách du lịch lẫn người dân Kathmandu. Leo lên 9 bậc cấp cao (giữa các bậc cấp này có 1 cầu thang gồm các bậc thang nhỏ hơn để dễ đi), ngồi nơi đây bạn có thể thấy toàn cảnh của quảng trường Durbar và cả quảng trường Hanuman kế bên. Ngay dưới chân ngôi đền là nơi tụ tập buôn bán từ rau quả hoa hiếc ban ngày đến thịt xiên thịt nướng ban đêm, tranh ảnh tượng thần cho khách du lịch đến đèn nến cho khách hành hương… dòng người chen lẫn xe rickshaw, xe hơi, xe máy, mấy chú bò…, tất cả đều đang chen chúc cuồn cuộn chảy ngay dưới dưới chân bạn. Còn xa xa bên kia, những đền đài kiêu hãnh vươn cao trong trời thu xanh ngát… Một sự hòa quyện sống động linh hoạt vô cùng, nhất là với sự hỗ trợ thêm của mấy “em” Everest, Nepal Ice… Ngôi đền Maju Deval này được xây dựng vào năm 1690, do hoàng thái hậu của quốc vương xứ Bhaktapur Bhupatindra Malla. Trong đền, có một linga rất nổi tiếng của thần Shiva nên ngôi đền này còn được các em bé địa phương giới thiệu là đền Shiva.

PA260533.jpg

Không thể không giới thiệu thêm một hình khác của Maju Deval – nơi bpk đã đốt biết bao nhiêu thời gian để thả hồn trôi trên những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”….

Về đền đài của Durbar Square, có lẽ chỉ giới thiệu sơ lược vài nơi như vậy, chứ nếu kể lể hết chắc để khi nào ra Giêng ngày rộng tháng dài bpk quay lại (!).

(tbc.)
 
Nepal không hào nhoáng, sang trọng, chỉ là cảnh vật và con người bình dị mà qua ảnh của Backpackervn thấy thật đẹp và yên bình, sống động. Cám ơn bpk nhiều nhé! Đây cũng là một lifetime trip của backpacker rồi.
 
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 5

(cont.)

PA260514.jpg

Chợ họp trên phố đông vui.


PA260541.jpg

Holy-man cũng trên phố


PA260538.jpg

Nghệ thuật rối Nepal


Về Hanuman Square, đây là cung điện Hoàng gia cũ, muốn vào có giờ giấc và mua vé (250Rp) chứ không phải tự tiện ra vào như Durbar Square. Bpk cũng lon ton mua vé vào ngắm nghía. Hoàng cung cũ có vẻ ngoài đẹp thật dù đã hư hao nhiều sau trận động đất năm 1934. Khi vào bên trong, bạn phải nộp máy chụp hình, hix nhưng không bắt nộp điện thoại di động – do vậy mai mốt bạn nào đi Kathmandu nhớ sắm cái i-phone để vào trong lén chụp hình nghen.

Hành trình tham quan trong cung điện này là 1 chiều, cũng có thể đi lơn tơn tới lui dòm ngó hoặc đi xong vòng lại đi 2-3 lần nữa nếu muốn cũng được (đã hỏi) nếu bạn có hứng thú. Trong cung điện thì cũng lưu lại mấy cái giường, tủ ghế, phòng họp, hình ảnh trưng bày… nói về hoàng gia Nepal… đọc lâu cũng chán. Vì rảnh rỗi lôi sách ra ngồi quán café trăng thanh gió mát đọc sướng hơn vô đây đứng chồn chân mỏi gối để đọc. Do vậy bpk cũng chỉ lướt gió qua mấy tòa nhà, đọc cái nào có nhiều màu, nhiều hình, chữ to… rồi lại lướt. Cung điện này được cho là đã xây dựng từ rất lâu, từ thời các vị vua Licchavi (TK VI-VIII) nhưng những kiến trúc còn lại hiện nay hầu hết được xây dựng từ thời vua Pratap Malla vào thế kỷ XVII. Cung điện cũ rất rộng nhưng sau trận động đất năm 1934, khi tu sửa lại, người ta cũng tóm gọn lại. Con đường New Road to to, mà bpk hay đi đó, lúc trước cũng nằm trong khuôn viên nhưng bây giờ cách xa cung điện đến vài trăm mét. Ngay từ cổng vào, bạn sẽ thấy tượng thần Hanuman bên tay trái. Quảng trường được đặt tên theo vị thần này. Tượng này nghe đâu có từ năm 1672. Bạn không thể thấy được mặt của tượng vào ngày thường đâu vì các tín đồ đã thành kính bôi bôi trét trét các phấn màu khi đi lễ trên mặt ngài, suốt từ mấy trăm năm nay. Chỉ khi có lễ tết người ta mới lau rửa lại bức tượng đàng hoàng. Từ cổng này vào trong sân chính còn cho chụp vài tấm hình. Vào trong nữa thì “thôi rồi Lượm ơi”!

PA260581.jpg

Tượng thần Hanuman ở Hanuman Square

PA260571.jpg

Sân chính trong Hanuman Square, vào sâu nữa là nộp máy chụp hình!

(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top