What's new

Vội vã Hà Giang

“Vội vã trở về, vội vã ra đi” tôi tin rằng đó không chỉ là cảm xúc của riêng tôi trong suốt chuyến đi Hà Giang hôm ấy. Các bạn của tôi, chẳng cần phải thốt lên đâu, họ cũng tiếc nuối không kém, cũng lặng lẽ trên những chiếc xe đang bon bon về lại thành phố, và tôi nghe thấy họ thì thầm với nhau, nhất định sẽ có ngày mình trở lại Hà Giang lần nữa! Có thể bạn sẽ cho rằng tôi đang quá lăng xê cho cái mảnh đất mà bóng người còn ít hơn bóng núi, nhưng nếu bạn đã từng ăn những thứ quà của người nhà quê thì tôi dám cá rằng Hà Giang chính là món quà quê tuyệt vời nhất mà bạn sẽ thèm được ăn nữa, ăn mãi cho thật thỏa thích. Và tôi một lần nữa lại dám cược rằng, bạn hoặc bất kì ai cũng sẽ giống chúng tôi, sẽ nhặt nhạnh, sẽ gói ghém để mang theo món quà ấy về với những người ở lại…

IMG_0049-2.jpg

IMG_0078-1.jpg

IMG_0026-3.jpg

IMG_0022-3.jpg


Tôi sẽ đi ngược thời gian như chính sự bối rối trong từng con chữ. Tôi sợ những thứ mình viết ra nó nhạt toẹt như một thứ nước được gọi là canh mà không mắm không muối. Tôi cũng sợ những hình ảnh của cổng trời, của cao nguyên đá, của hoa tam giác mạch, của những đèo dốc quanh co hay của cả lòng sông lòng suối nó chưa ngấm vào mình như thứ men của rượu ngô rượu ong mới chỉ kịp làm một ngụm. Ít ỏi quá ư? Nhưng tôi cũng tự an ủi mình, rượu uống chưa đã, chưa say thì mình còn thòm thèm đến độ. Và nếu bạn có nhã ý mời tôi một chén, tôi chắc chắn sẽ không bao giờ từ chối!

IMG_0058-2.jpg


Khi công-tơ-met của xế tôi báo rằng, chúng tôi đang cách Hà Nội khoảng 70Km nữa, khi những ổ gà liên tiếp hiện ra bên trái rồi bên phải, những xe máy vượt lên, những ô tô bấm còi inh ỏi, tôi thèm quay ngoắt chiếc xe lại mà chạy trốn. Thật lạ lùng, chưa bao giờ tôi thấy mình sợ về lại thành phố đến như thế? Và cũng thật lạ lùng, khi chính cái sự ồn ào tấp nập ấy lại khiến tôi có thể ngủ ngon lành sau lưng của xế. Có thể tôi thiếu ngủ đã vài ngày, nhưng cũng có thể tôi đang ngủ để mơ về cổng trời Quản Bạ, về đèo Mã Pì Lèng, về dinh thự nhà Vương, về cột cờ Lũng Cú hay về những đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc luôn đội nắng vẫy tay chào. Và giấc ngủ trưa nay tôi đã mơ như thế.

IMG_0092-1.jpg
 
Đọc những dòng chị Eddy viết, đôi chân em lại phát cuồng muốn đi, đôi tay thèm được cảm giác cầm tay lái, và hơn hết là muốn tìm lại tinh thần đồng đội khi đi cùng mọi người trong gia đình Hà Tây Phượt hội.
 
Muốn viết đôi lời nhưng ý tưởng trong đầu bị công việc, tiền bạc... bon chen lấn át hết nên thi ca hò vè như là bị nén chặt dưới đáy của một cái thùng, khi đọc bài của Eddy lại thấy cảm xúc dâng trào, định viết từ hôm trước rồi lẫn nữa mãi vì không viết được và vì sợ văn có mùi thum thủm làm ảnh hưởng đên mạch văn của Eddy. Tuy nhiên hôm nay đọc đến đoạn quà thì thôi đành bon chen một chút nói đôi điều về phượt HG và rượu - hai thứ quà theo tôi là rất đặc biệt cái nào cũng tạo cho tôi cảm hứng như là một tình yêu.
1. Tôi đến với HTPH rất tình cờ, và chuyến đi HG lần này cũng là chuyến đi đầu tiên của tôi (theo kiểu phượt), tôi bỡ ngỡ vì chưa quen ai, tôi lo lắng vì số km phải đi quá nhiều, kèm theo đó là cảm giác thích thú mong chờ kiểu như cô gái lần đầu tiên lên xe hoa về nhà chồng. Tuy nhiên qua chuyến đi cảm nhận của tôi có lẽ cũng như các bạn tôi: chuyến đi thực sự có ý nghĩa, nó đem lại cho tôi sự hiểu biết về phong cảnh của đất nước mình, rằng đất nước mình thật đẹp thật hùng vĩ, thấy đồng bào mình còn bao vất vả, các em nhỏ vùng cao còn thiếu nhiều thứ quá và từ đây tôi lại càng có thêm động lực để sống có ý nghĩa hơn, lao động hăng say hơn, cống hiến nhiệt tình hơn nữa. Trong chuyến đi tình bạn giữa những người đồng hương Hà Tây của tôi thật là đáng quí, các bạn luôn luôn động viên, giúp đỡ nhau vượt qua những thời khắc khó khăn, những khi mà giới hạn chịu đựng của cơ thể giảm gần về 0 để rồi trong những ngày đó trừ những lúc xe bon bon trên đường còn lại là những tiếng cười không dứt, rồi những khó khăn trên đường gặp phải có lẽ cũng là động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn khác trong cuộc sống thường nhật ở nơi đô thị. Khi về nhà phải mất mấy ngày khi ăn tôi cũng nhớ đến bữa ăn với các bạn tôi, khi ngủ vẫn chập chờn trong giấc mơ đổ đèo leo dốc, khi đi xe vẫn cảm giác còn ai đó đang ngồi sau... và thực sự nhớ những nới đã đi qua, thực sự nhớ các bạn, trong thâm tâm tự hứa rằng mình sẽ trở lại!
476435_103431463126719_100003795966835_14830_721901070_o.jpg

2. Rượu là một thứ quà vùng cao thực sự tôi rất thích, trong các chuyến đi công tác trước mỗi khi có dịp tôi đều mang rượu về xuôi để làm quà cho bạn tôi và cũng để cho mình dùng từ từ mỗi khi nhớ đến nơi đó!
DSC00909.jpg

Cảm giác khi uống rượu ở vùng cao rất đặc biệt, rượu thường được ủ bằng men lá, nấu rượu có thể từ ngô, gạo, mầm thóc, sắn... nhưng với men bằng lá rừng khi nhấp vào sẽ có cảm giác nhàn nhạt, kèm với mùi thơm đặc trưng của nguyên liệu nấu lên nó, và đặc biệt hơn khi uống rượu đó tại vùng cao, thời tiết hơi se lạnh thì thật tuyệt, dăm ba chén rượu người nóng lên, cảm giác say say, người nhè nhẹ bay bổng như mây lững thững ở lưng chừng đồi và khi đó những câu chuyện trong tiệc rượu trở nên hăng hái hơn, người xuôi với người ngược gần gũi nhau hơn, tình cảm gắn bó hơn và lại uống được nhiều hơn nữa, đến khi say rượu vùng cao cũng không ồn ào và gây khó chịu cho người uống, rượu vùng cao cũng biết níu chân người đấy nhé, bạn đã say rồi đố bạn về được đấy, bạn sẽ ngủ lại với chủ nhà hoặc lỡ có quá chén ở chợ như đồng bào ta thì chắc chắn bạn sẽ ngủ ở chỗ gần nơi bán rượu nhất!
Trong chuyến đi vừa rồi, một buổi sáng trong lành, mây còn đang bảng lảng tôi đã dậy sớm tham gia phiên chợ Quản Bạ và nơi tôi tìm đến đầu tiên là khu bán rượu của đồng bào, thật lạ khi vào đến nơi ai cũng mời thử rượu.
459569_105010679635464_100003795966835_24175_1118663144_o.jpg

Tôi có cảm giác họ đang mời "mày uống thử xem rượu nhà tao nấu có ngon không?", khi họ thấy mình uống khen ngon họ rất vui mặc dù mình không mua và cứ như thế hết nắp can này đến nắp can khác họ đưa cho tôi, rượu mỗi nhà có hương vị khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là rượu rất thơm ngon mùi lá rừng quyện với ngô lên men... mới đi được nửa đã thấy người nhè nhẹ, thôi dừng bước và cũng không quên mua mấy can mang về!
Khi đoàn chúng tôi đi thuyền trên hồ Ba Bể một lần nữa cái duyên của rượu vùng cao lại đến với chúng tôi. Anh Xôi - một chủ thuyền- đã nhiệt tình mời chúng tôi nếm thử bình rượu ngô ngâm với ong rừng.
415353_105112356291963_100003795966835_24656_1263627468_o.jpg

479325_105114779625054_100003795966835_24672_1321244521_o.jpg

457624_105117676291431_100003795966835_24687_1792863445_o.jpg

Ôi cái cảm giác đó chắc tôi sẽ còn nhớ mãi: bình rượu của anh bình thường thôi nhưng nó đã hút hồn tôi bởi màu vàng óng của rượu và những chú ong to bằng ngón tay nằm trong đó, đặc biệt khi mở nắp một mùi thơm tỏa ra xung quanh xen lẫn với hương núi rừng - hương nước hồ Ba Bể, vị của nó khi nhấp môi thật ấn tượng: ban đầu thì nhàn nhạt của men lá, tiếp theo là cay cay nhè nhẹ của rượu ngô, rồi vị hơi beo béo của ong rừng, sâu xa hơn nữa là cái tình của người bản địa với khách phương xa, và chuyện gì đến đã đến chúng tôi không cầm được lòng đã uống gần hết bình của anh, Eddy còn nhanh tay kiếm được một chai nhỏ mang về làm quà cho đồng đội.
466681_105120529624479_100003795966835_24717_1795766048_o.jpg

Không biết anh có tiếc không nhưng tôi vẫn để ý thấy anh cười rất tươi và đã có một lời ước hẹn khi có dịp chúng tôi sẽ uống một trận thật say với anh qua đêm trên hồ Ba Bể.
 
Last edited:
Ngoài rượu ngô, xôi ngũ sắc, phiên chợ buổi sáng ở vùng cao và tấm lòng của người miền núi mà như bạn tôi đã kể, có lẽ món quà cứ gieo rắc mãi trong lòng tôi là hình ảnh về những đứa trẻ đội nắng vẫy tay chào. Có thể chúng được dạy như thế để người ta cho kẹo, bánh hay bất kì thứ gì khác, song khuôn mặt chúng lem luốc, những bộ áo quần nhuốm màu đất và mái tóc phất phơ màu vàng óng vẫn khiến bạn bè tôi xúc động mãi. Chúng tôi cũng giơ tay lên vẫy như thay cả một lời chào và một lời tạm biệt. Chúng tôi cũng dừng lại để tặng các em vài ba chiếc kẹo mà tôi cá rằng hai nhóc Bi Bin của tôi ở nhà sẽ nhất quyết đòi đổi lấy bim bim, kẹo cao su hay những viên bi màu xanh đỏ. Bao giờ cũng thế, sự đủ đầy sẽ khiến con người ta trở nên “chảnh”. Tôi còn nhớ, sinh nhật Bi, dì Dung tặng cho cả một tập truyện mới toanh, nhưng Bi bảo, Bi chả thích truyện này đâu. Bi chỉ thích truyện nhiều tranh và ít chữ thôi cho dễ đọc. Ừ, Bi có sở thích riêng và Bi được lựa chọn. Nhưng Bi ơi, bạn Thò này, em Và này và biết bao bạn nhỏ khác ở tận Cao nguyên đá ngoài sách vở và thi thoảng là một hai tờ báo thì cũng chưa bao giờ được sở hữu cho mình một cuốn truyện tranh đâu con nhé!

575228_321150284625188_100001906574834_718014_1370767393_n-1.jpg

62672_321150417958508_100001906574834_718015_1589087317_n.jpg


Tôi cũng nhớ cuộc trò chuyện ngắn ngủi với em Thò. Thò học lớp 4. Thò có khuôn mặt đen lẻm và nụ cười hơi gượng gạo. Thò bảo rằng em vừa đi thi học sinh giỏi của huyện Đồng Văn. Thò làm bài tốt nhưng chưa biết kết quả thế nào. Thò bây giờ chưa phải làm gì, chỉ ở nhà trông em cho bố mẹ lên nương thôi. Em Thò mới 2 tuổi và giờ đang ngủ. Hằng ngày Thò đi bộ đến trường. Em Và, em gái của Thò đây thì đang học mẫu giáo và cũng tự đi bộ đến trường. Tôi lại nhớ hình ảnh hai chiếc xe đạp của Bi ở nhà. Một chiếc có 3 bánh. Một chiếc thì hai bánh. Bi bây giờ đã đi được xe hai bánh và lúc nào cũng ao ước được đi học bằng xe đạp mặc dù sáng nào cũng bị bắt ngồi lên xe máy của ông nội. Có thể đường dưới xuôi lắm nguy hiểm hơn nên người ta phải chở con đi học bằng xe máy. Cũng có thể ba lô của bọn trẻ con ở dưới xuôi giờ nặng hơn khiến người ta phải dùng đến va li kéo. Và cũng có thể lắm chứ, ở dưới xuôi, chỗ thành phố, người ta quý con mình như cục vàng mà chỉ mới ngã thôi bố mẹ đã mắng nhau té tát, đã vội vã đỡ nâng. Những đứa trẻ, ở mỗi nơi, cứ lớn lên khác biệt nhau như thế. Và tôi cũng cứ ngồi trò chuyện bên vệ cỏ, dưới nương sắn trong buổi trưa nắng gắt với em Thò. Ánh mắt các em lúc nào như cũng nhìn về phía xa xăm. Tôi đã hứa sẽ gửi thư cho Thò và sáng nay, tôi đã gửi kèm theo vài cuốn truyện.

IMG_0052-4.jpg

IMG_0055-4.jpg
 
Cảm ơn cô nhoceddy bài viết thật hay , nhưng cái chai cô mang về cho anh nhỏ quá . Chú lt2011 ah cái can 2l của chú cùng bài viết của chú lại làm khổ anh rồi
 
@ Bác Tuấn: Báo cáo bác em viết trong trạng thái "vật" đó, đầu tuần Hakuna tổ chức anh em mình nháp tí nhỉ!(beer)
@ Nhoceddy: Em viết tiếp đi nhé, phải công nhận viết văn khó hơn cả đẻ..., hehe =))
 
Cảm ơn cô nhoceddy bài viết thật hay , nhưng cái chai cô mang về cho anh nhỏ quá . Chú lt2011 ah cái can 2l của chú cùng bài viết của chú lại làm khổ anh rồi

Bác ơi, em còn muốn vác cả cái bình nhà anh Xôi về cho bác cơ đấy. Nhưng mà em cũng lại thương anh ấy những lúc long rong độc mộc trên hồ Ba Bể ah!
 
Khi mường tượng lại đèo Mã Pí Lèng trong hồi ức của mình, tôi đã ngồi lang thang trên internet vài buổi chỉ để đọc về lịch sử của nó. Và những gì tôi thấy so với những gì tôi biết quả thật quá ít ỏi. Đó là con đường đèo đã được không ít bậc cao nhân chứng kiến và ghi lại như Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Chế Lan Viên, Văn Cao, Nguyễn Tuân, nhà thơ Nguyễn Hải Trừng v.v… Và tôi cũng xót xa lắm khi chưa đọc được bút ký “Mỏm Lũng Cú tột Bắc” của nhà văn Nguyễn Tuân mà chỉ cần nghe cái tên thôi đã gợi đến cái sự chênh vênh, tột cùng của cực Bắc. Và cũng bởi đó là con đường đèo mà như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có ghi lại: “Một con dốc, một cuộc treo mình kỳ lạ, mà chắc chắn lịch sử nước nhà không có cuộc mở đường phá đá thứ hai nào đến mức ấy.”… “trong lịch sử làm đường của nước ta, có lẽ, đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất, chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất;... và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống)...”

IMG_0029-3.jpg


Chúng tôi đã đi hai mươi bốn cây số của Con đường Hạnh phúc Đồng Văn- Mèo Vạc mà không biết rằng suốt con đường đó, có những đoạn người dân và thanh niên xung phong đã phải làm “mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng (chiết tự ra là Xống – mũi - ngựa) này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại (...).” Có thể chúng tôi không ở vào thời kì phá đá mở đường ấy, cũng ngót nghét đến năm sáu chục năm trời (bắt đầu mở đường từ năm 1959) cho tới nay bạn ạ, nhưng con đường như sợi chỉ nhỏ vắt ngang lưng quả núi thì chúng tôi đã nhìn thấy, đã cảm thấy và đã vô cùng hoảng hốt.

IMG_0028-4.jpg


Khi tôi vẫn đang ngồi sau xe của xế, tôi cứ thắc mắc mãi rằng không biết người ở đâu mà tài thế, giỏi thế, họ là những ai mà lại xẻ được quả núi kia để vắt ngang con đường qua đó. Và hỡi ôi, tôi cũng đọc thấy rằng, hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) và một số tỉnh khác mà chỉ với búa, rìu, với những công cụ xẻ đá thô sơ (chủ yếu là khoan và mìn), bằng đôi tay lúc nào cũng rã rời vì mỏi, họ đã miệt mài suốt 6 năm trời để đẽo đá, đục đá, với những chiếc lán lúc nào cũng đặt sẵn 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Rồi kia nữa, anh thanh niên mới 19 tuổi tên Chanh ở Lạng Sơn, trước khi nhắm mắt đã khóc, “Tôi chết, tôi sẽ chết ở đây. Tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây, con đường được hoàn thành, anh em về lại quê hương Lạng Sơn... Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy!”

Tự dưng tôi thấy mình nghẹn ngào quá. Tôi đã đi qua con đường đèo ấy như một cơn gió thoảng. Những người bạn của tôi cũng thế. Họ thậm chí vẫn còn hỏi mãi về sau, đó chính là đèo Mã Pí Lèng đấy ư? Thật thế ư? Tôi hoài nghi về cảm xúc của mình khi đang gõ từng chữ từng chữ một. Có thể tôi thèm ngược lại con đèo đó một lần và nhiều lần hơn thế. Để làm gì ư? Có thể tôi chỉ đứng để nhìn trân trân vào sợi chỉ nhỏ vắt ngang qua núi. Cũng có thể tôi sẽ thắp nén nhang lòng cho những người đã nằm sâu dưới chân đèo, dưới dòng sông Nho Quế và dưới đất trời Hà Giang ngày ấy. Tôi cảm ơn các anh! Cảm ơn những con người đã quên mình cho đất nước!

Tôi có lẽ khó có thể viết thêm những lời nào nữa. Thay vào đó, các bạn hãy đọc đi những phóng sự, những bài viết khác về Mã Pí Lèng để trân trọng nhiều hơn kì tích về con đèo của cực Bắc nước ta. Và tôi một ngày nào đó sẽ lân la khắp phố Đinh Lễ để tìm cho mình cuốn "Mỏm Lũng Cú tột Bắc" mà nghiền ngẫm.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,376
Bài viết
1,175,474
Members
192,073
Latest member
kecsoctrang07
Back
Top